PHÁT BIỂU TẠI SAN JOSE NGÀY RA MẮT “THÁC LŨ MƯA NGUỒN” CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN LÝ TƯỞNG (Chủ Nhật Nov.13th.2022)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thác Lũ Mưa Nguồn (Quyển 1)

Kính thưa Quý Vi,

 Trước hết, tôi xin chào mừng tất cả mọi người đã đến với  “Ngày Gặp Gỡ Bà Con, Bạn Bè” giới thiệu sách “Thác Lũ, Mưa Nguồn” Hồi ký của Nguyễn Lý-Tưởng tại San Jose hôm nay.

Ngày Chúa nhật 13 tháng 11 năm 2022 hôm nay, đúng là ngày lành tháng tốt…Sau cơn mưa, trời lại sáng.

Tôi rất vui mừng vì hôm nay được gặp lại những người bạn lâu ngày chưa gặp…và tôi cũng bùi ngùi tưởng nhớ những người đã vĩnh viễn ra đi hoặc vì lý do nào đó, vì hoàn cảnh nào đó mà hôm nay vẫn còn xa cách.

Tôi cũng xin cám ơn tất cả mọi người đang hiện diện tại đây hôm nay và cám ơn những người vắng mặt. Tất cả mọi sự rồi cũng qua đi, chỉ còn chút tình cảm dành cho nhau là cao quý hơn hết.

Trước mặt tôi là bà con – bạn bè…những bạn tù vừa là nhân chứng về tôi trong cuộc đời tranh đấu dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam sau 30/4/1975…Những anh chị đại diện các tổ chức cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể tại địa phương, nhà báo, nhà văn, ca sĩ, nhạc sĩ…Đặc biệt xin cám ơn Cô (lady first) văn, thi sĩ Ngọc An vừa là người giới thiệu chương trình, vừa là Trưởng ban tổ chức…Tên thật của cô là Nguyễn Phan Ngọc An, tên con trai tôi là Nguyễn Phan Nhật Nam…Cô xem tôi là người anh…Như vậy có phải cô là người bà con, người trong gia đình của tôi hay không? Cô đã vất vả ngược xuôi, giúp tôi có được Hội Trường (Thư Viện) và mời được bà con, bạn bè đến với tôi ngày hôm nay. Tôi cũng đặc biệt cám ơn Giáo Sư Lê Đình Cai, người bạn gặp nhau tại Đại học Văn Khoa Huế từ 1962…người đứng ra giới thiệu tôi trong ngày hôm nay. Nói đến anh Lê Đình Cai, bạn học, bạn đồng chí, chết sống với nhau trên đường tranh đấu…thì cũng phải nói đến một người bạn học cùng lớp với tôi từ 1951 tại Quảng Trị đến nay đã được 71 năm, một thứ đồ cổ quý giá nhật, là anh Nguyễn Châu, Giáo Sư Triết học mà ở đây ai cũng biết mặt, biết tên. Xin cám ơn anh Châu. ..Ông Bà Lê Đình Bì (Giám Đốc TV Viet To Day) Ông Bà BS Đặng Phương Trạch…Hãy còn nhiều người mà tôi không thể quên: Anh Nguyễn Tái Đàm (mà chúng tôi thường gọi là Bác Sĩ Đàm, trại Hà Tây có câu Bình minh bác sĩ Đàm…), nhà văn Diên Nghị , Tiến sĩ Trần An Bài, nhà văn Phạm Quang Trình, GS Phạm Quang Minh , Ph.D…Khoa học gia Phan Quốc Thảo,Nnà Báo Lê Bình, nhà báo Nguyễn Van Bình, Lê Minh Nguyên,Bà Cao Ánh Nguyệt (Báo Phụ Nữ Cali), nhà văn Song Nhị, Song Linh…Đặc biệt Ông Chủ Tịch Cộng Đồng Nguyễn Ngọc Tiên, ông Nguyễn Hữu Nhân (Chủ tịch Liên Hội…), các bạn đồng hương Quảng Trị, Thừa Thiên, Đồng Khánh Quốc học, Hội Luật Gia Bắc Cali, các học trò của tôi ngày xưa ở Huế, Nha Trang, Saigon, Gia Định, Thủ Đức…

Tôi rấ cảm kích khi nhận được châu hoa lan đắt tiền của Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình gởi đến cho tôi ngày hôm nay với lời chúc mừng Thành Công…Thiếu Tướng có nhận được Thư Mời nhưng không đến được và tôi cũng đã gởi sách đến địa chỉ của Thiếu Tướng rồi. Xin cám ơn Thiếu Tướng.

Tôi cũng bùi ngùi nhớ đến người anh con bác là Nguyễn Văn Châu, Anh Nguyễn Công Hựu, Hòa Thượng Thích Giác Lượng,  GS Trần Công Thiện (nguyên Giám Đốc Nha Du Học, Bộ Giáo Dục ngày xưa)…GS Ngô Đình Chương, anh Nguyễn Thế Hùng (17 năm tù cải tạo) nhà thơ Hà Ly Mạc (Thiếu Tá Võ Đăng Diệu), nhà thơ Yên Bình và các thi hữu Hội Thơ Tài Tử VN Hải Ngoại …đặc biệt 02 vị Thủ Tướng của VNCH Nguyễn Bá Cẩn và Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm và Phu nhân…BS Nguyễn Đình Lý (Dân Biểu VNCH), BS Nguyễn Tuấn Anh (Dân Biểu VNCH, ủy viên Trung Ương Đại Việt CM đảng), Cụ Phan Thiệp(Dân Biểu VNCH- VNQDĐ), cụ Võ Cừ (ủy viên Trung Ương Đại Việt Cách Mạng Đảng), Cụ Phan Như Toản (ủy viên Trung Ương VN Quốc Dân Đảng), cụ Hoàng Ngọc Trợ, Đại Tá Nguyễn Mạnh Đỉnh, Thiếu Tá Hoàng Xuân Định, Thiếu Tá Dương Quang Thừa, Thiếu Tá Hải Quân Nguyễn Văn Hy, Đại Úy Dương Quang Điềm…đã vĩnh viễn ra đi…

Cám ơn Quý Vị, vì lý do sức khỏe, không có mặt hôm nay: Đại Tá Nguyễn Mâu (chỉ huy Ngành Cảnh Sát Đặc Biệt VNCH) …Anh Võ Văn Dật (tức nhà văn Võ Hương An)  – GS Ngô Đức Diễm (nhà văn, GS Triết học), GS Lương Việt Cương…   Tôi cũng không quên cám ơn một người bà con là nhạc sĩ Huyền Anh cũng là nhà văn, nhà báo…có mặt hôm nay bên cạnh Ngọc An trong chương trình Văn Nghệ… nhạc sĩ Trần Việt Cường và các bạn từ Sacramento đến, Việt Cường là em của nhạc sĩ Trần Quang Lộc ở Việt Nam (TQL đã mất ở VN)…Cám ơn một vi ân nhân và phái đoàn từ xa đến, hiện đang có mặt tại đây, hôm nay…

Kính thưa quý vị

Người xưa có nói “Dĩ Văn Hội Hữu” (dùng văn chương mà kết bạn)

Năm 1994, 1995, khi tôi và gia đình mới đến định cư tại Nam Cal, diện H.O (cựu tù nhân chính trị), tôi đã cùng hai anh Lê Quang Sinh (bút hiệu Như Hoa) và Nguyễn Phúc (tức Nguyễn Phúc Sông Hương) lập ra Hội Thơ Tài Tử VN Hải Ngoại…mỗi năm phát hành một Tuyển Tập Thơ có tên “Cụm Hoa Tình Yêu” và 02 năm, tổ chức Đại Hội Thơ…Có nhiều văn, thi hữu tại San Jose tham gia. Đặc biệt, có một vị Bác sĩ lấy bút hiệu Nguyễn Đạt, thường làm thơ theo thể Đường luật cho đến bấy giờ vẫn xuất hiện trên các Diễn Đàn Internet. Hòa Thượng Thích Giác Lượng (bút hiệu Tuệ Đàm Tử) cũng có tham gia Hội Thơ nầy.

Chúng tôi dùng văn chương để kết bạn – không phân biệt tài cao thấp –qua văn chương để gởi gắm tâm sự của mình.

Kính thưa quý vị,

Năm 1940, cụ Phan Bội Châu được 74 tuổi, bệnh nặng nằm trên giường, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã hướng dẫn một số anh chị em trẻ, với tư cách đồng chí (hay những người có lòng ngưỡng mộ cụ Phan Bội Châu) đến Bến Ngự, Huế, thăm cụ Phan …Cụ đã đọc  bài thơ “ Gởi Phường Hậu Tử” (tức gởi lại cho thế hệ sau nầy)…Trong đó mở đâu bằng 02 câu thơ (chữ Hán)như sau:

-Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ

Thiên hạ thùy nhân bất thức quân

(Đừng buồn vì đường trước mặt không có ai là tri kỷ

Trong thiên hạ không ai mà chẳng biết đến anh)

Hai câu thơ nầy nguyên của Cao Thích “biệt Đổng Đại” – Tác giả là Cao Thích, từ biệt người bạn là Đổng Đại…Toàn bài có 04 câu :

Thập lý hồng vân, bạch nhật huân,

Bắc phong xuy nhạn, tuyết phân phân.

Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ

Thiên hạ thùy nhân bất thức quân…

 

(Mười dặm mây hồng trời sáng trong,

Gió Bắc (lạnh)  đuổi chim nhạn bay đi,  tuyết  rơi rơi…

Đừng buồn vì lối trươc không có ai là tri kỷ (người hiểu mình)

Trong thiên hạ ai mà chẳng biết anh)

 

Cũng trong bài thơ đó,  có hai câu :

Nga nga hồ chí tại cao sơn,

Dương dương hồ chí tại lưu thủy.

(chót vót thay chí ở núi cao

Mệnh mông thay chí ở biển lớn)

 

Nga là nguy nga: cao lớn

Dương là đại dương, biển lớn (biển nhỏ là hải như hắc hải, đia trung hải…Biên lớn là Dương như Thái bình dương, Đại Tây Dương…)

Sau hai lần tù tổng cộng 14 năm, tháng 7/1994 tôi và gia đình được qua Mỹ, hai năm sau tôi được mời phát biểu trong Đại Hội lần đầu tiên tại hải ngoại của Đảng Đại Việt Cách Mạng họp tại Thành phố Houston, TX…Tôi có mượn mấy câu thơ cổ để nói lên tâm sự của mình:

Tiền bất kiến cố nhân,

Hậu bất kiến lai giả

Niệm thiên địa chi du du,

Độc lân nhiên nhi lệ hạ

(Nhìn phía trước không thấy người quen,

Nhìn đàng sau không có người tới.

Nhìn trời đất mịt mù,

Nên tủi thân mà  rơi lệ…)

Kính thưa bà con và quý thân hữu,

Hôm nay, tôi nhìn ra phía trước, có rất nhiều bà con bạn bè

Nhìn ra phía sau cũng thấy có người

Hôm nay quả thật là ngày lành tháng tốt, mùa Thu bắt đầu, tôi thật vô cùng cảm kích

 Xin lưu ý: Mấy câu thơ của Cao Thích biệt Đổng Đại…Đó là lời tiễn biệt một người bạn đi xa, có thể hiểu người bạn đó đang dấn thân vào con đường tranh đấu. Hình ảnh nầy cũng là tâm sự của cá nhân tôi, đã sớm dấn thân vào con đường tranh đấu…

Con người sinh ra và lớn lên trong xã hội, đa số không lài lòng với xã hội hiện tại và muốn đi tìm một con đường, muốn có một chương trình xây dựng xã hội, xây dựng đất nước. Người xua có nói: Lập chí, lập ngôn, lập Hội…Các nhà cách mạng Việt Nam, thế hệ đàn anh của tôi thì nói: Lập chi, lập ngôn, lập Đảng…

Trước hết, phải có tư tưởng chính trị của mình (đó là lập chí) – sau đó, viết những tư tưởng đó ra thành sách vở, tài liệu để phổ biến cho người khác (đó là lập ngôn)…và cuối cùng, vận động nhiều người họp lại với nhau để học hỏi, cùng nhau tranh đấu để thực hiện chủ trương đường lối của mình hay của một nhóm người, một tập thể…Đó là “Lập Hội” hay “lập Đảng” như đảng Dân Chủ, đảng Cộng Hòa, đảng Cộng Sản, Việt Quốc, Đại Việt…v,v…Mỗi đảng có cương lĩnh là chủ trương chính trị của mình…Đảng có Đảng Quy là quy định về tổ chức và các điều lệ của Đảng –người tham gia tổ chức bắt buộc phải tôn trọng và thi hành chủ trương đường lối, chấp hành kỷ luật.

Tôi là người đã trải qua 03 gia đoan nói trên:  lập chí, lập ngôn, lập đảng…

Là người trí thức nghèo nên tôi có khuynh hướng đối lập với chính quyền, tranh đấu đòi hỏi thực hiện một chế độ Dân chủ cho Việt Nam. Người công dân được Hiếp Pháp và Luật Pháp bảo vệ – Đối lập không có nghĩa là hoạt động ở ngoài vòng pháp luật. Đối lập nghĩa là tranh dấu dựa trên sự bào vệ của Hiến Pháp và Luật Pháp. Hiến Pháp VNCH do Quốc Hội Lập Hiến soạn thảo và biểu quyết, Tổng Thống VNCH ban hành ngày 1 tháng 4 năm 1967, công nhận vai trò chính đảng và đối lập chính trị trong một chế độ Dân Chủ.

Muốn tranh đấu thì phải có sức mạnh- muốn có sức mạnh thì phải đoàn kết – muốn đoàn kết thì phải thương yêu nhau. Đó là Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của Đảng trưởng Trương Tử Anh (1914-1946). Chúng tôi tranh đấu với mục đích làm cho dân tộc Việt Nam được sinh tồn – không bị tiêu diệt bởi ngoại xâm, không bị tiêu diệt bởi người Hán (Hán tộc) ở phương Bắc. Trong chủ nghĩa Dân Tộc SinhTồn, chúng tôi không phân biệt địa phương, sắc dân hay thành phần xã hội. Chúng tôi không chủ trương đấu tranh giai cấp. Tất cả mọi người sống trên lãnh thổ nước Việt Nam hay trên mảnh đất hình chữ “S” nầy, từ Nam Quan đến Cà Mau cùng chung một giang sơn, cùng chung một lịch sử, cùng nhau tranh đấu để bảo vệ giang sơn đó, cùng nhau tranh đấu để bảo vệ sự độc lập của tổ quốc nầy…đều là công dân của quốc gia Việt Nam. Chúng tôi tranh đấu cho mọi người trong dân tộc Việt Nam nầy được quyền sống, được hưởng các quyền tự do dân chủ, được hưởng hạnh phúc sung mãn chứ không phải sống kiếp nô lệ, dưới chính thể Cộng Sản độc tài như hiện nay.

Chúng tôi chủ trương lấy tình thương tạo đoàn kết, đoàn kết mới có sức mạnh; có sức mạnh để tranh đấu cho dân tộc được sinh tồn. Và người dân có cuộc sống sung mãn, hạnh phúc.

-Trong Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, Việt Cộng đã giết người vô tội một cách dã man, chôn chung trong một mồ chôn tập thể. Tôi đã có lần hướng dẫn một phái đoàn báo chí ngoại quốc đến chứng kiến một mồ chôn tập thể. Khi khai quật, tôi thấy có đủ mọi thành phần: người Công Giáo nằm bên cạnh người Phật tử,  đảng viên Đại Việt nằm bên cạnh người Việt Quốc, – sĩ quan, quân nhân, cảnh sát, cán bộ xây dựng nông thôn nằm bên cạnh nhà tu hành, anh sinh viên học sinh,người buôn bán hay công nhân lao động…Tôi lấy tay bốc lên một nắm đất và hỏi mọi người: “Đố ai phân biệt được trong năm đất nầy đâu là máu của của người Công Giáo hay Phật tử, đâu là máu của quân nhân hay sinh viên, học sinh..vân vân và vân vân…???

-Sau ngày 30/4/1975,khi cửa nhà tù đóng lại thì trước mắt mọi người, có đủ mọi thành phần tôn giáo, đảng phái…đủ mọi thành phần trong xã hội. Chúng ta thấy đó: Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của Cộng Sản Việt Nam.

-Cộng Sản Việt Nam là kẻ thù của tất cả chúng ta. Khi nào Cộng Sản không còn thống trị đất nước chúng ta thì lúc đó Dân Tộc chúng ta mới được hạnh phúc – lúc đó người dân VN mới được hưởng các quyền tự do dân chủ như các nước tự do trên thế giới.

Vì thế, khát vọng Dân Chủ là khát vọng của Dân Tộc Việt Nam chúng ta hôm nay.

Dân Chủ và Nhân Quyền phải đi đôi với nhau. Không có dân chủ thì không có Nhân quyền.

Cho đến thời điểm 1945, trong thời gian thế giới chiến tranh lần thứ II, khi quân Nhật đảo chính Pháp tại Dông dương (ngày 9 tháng 3 năm 1945) thì khát vọng đó lên cao nhất. Cũng vì khát vọng đó mà khi Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1945, lên tiếng yêu cầu hoàng đế Bảo Đại thoái vị thì nhà vua đã đáp ứng và nhắc lại tinh thần “Dân Vi Quý”: trong tư tưởng Nho học qua chiếu thoái vị (25/8/1945).

Khi trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho Hồ Chí Minh, vua Bảo Đại đã nói rõ: “Yêu cầu ông Hồ thực hiện Đại Đoàn Kết toàn dân, tôn trọng những người đối lập, không gây cảnh huynh đệ tương tàn”

Nhưng sau khi cướp được chính quyền rồi, Hồ Chí Minh đã thực hiện một chế độ độc tài đảng trị, dựa vào sức mạnh và vũ khí của Nga, Tàu là hai nước đàn anh của khối Cộng Sản Quốc Tế, bắt nhân dân ta hy sinh xương máu, gây nên cảnh huynh đệ tương tàn để thực hiện một chế độ độc tài trên dân tộc chúng ta.

Trong lịch sử Việt Nam, từ xưa tới nay, chưa bao giờ người dân bị đối xử tàn tệ, bị khinh miệt như trong chế độ Cộng Sản hiện nay. Do đó mà có những cuộc tranh đấu giữa những người quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ và những người Cộng Sản chủ trương độc tài, chủ trương tiêu diệt các quyền tự do dân chủ của con người. Cuộc tranh đấu đó vẫn còn tiếp tục. Cuộc tranh đấu đó đã khởi đi tù 1945 cho đến ngày hôm nay vẫn chưa chấm dứt. Đặc biệt từ 1975 cho đến nay, bất cứ thành phần nào trong xã hội, không phân biệt già trẻ, trai gái, người trí thức hay người bình dân, bất cứ thời điểm nào, bất cứ địa phương nào, luôn luôn có người đứng lên chống lại chế độ Cộng Sản, đòi xóa bỏ chế độ đó, để thực hiện một chế độ dân chủ.

 Kính thưa quý vị,

Từ năm 1945, mới 06 tuổi, cho đến 1975 tôi đã chứng kiến các biến cố liên quan đến lịch sử Việt Nam, tôi đã trải qua cuộc sống, có mặt từ Quảng Trị đến tận Cà Mau, lên tới các tỉnh Cao Nguyên như Kontum, Pleiku, Phú Bổn…đi khắp các tỉnh duyên hải Miền Trung, ra tới đảo Phú Qúy (cách Phan Thiết 250 cây số), đến tận Bình Long, Phước Long, đi khắp các tỉnh thuộc Đồng Bằng sông Cửu Long, ra tới đảo Phú Quốc, tới quận Năm Căn (gần Vịnh Thái Lan) đi trên sông đào Vĩnh tế (tức Thoại Ngọc Hầu), đi trên sông Ghềnh Hào (Cà Mau) tới quân Quản Long…Khắp các tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang), Trà Vinh, Sa đéc, Vĩnh long, Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu, Long An, Gò Công…Sau 30/4/1975, tôi đã trải qua các trại tù từ Nam chí Bắc (Long Thành, Thủ Đức, Chí Hòa, 4 Phan Đăng Lưu (Gia Định)- 3-C bến Bạch Đằng (tên mới là Tôn Đức Thắng) Saigon. Trại Hà Tây, Trại Nam Hà (miền Bắc), nhà giam Hỏa Lò (Hà Nội), 03 lần bị cùm một chân trong nhà kỷ luật…Trong số bạn bè của tôi, chưa có ai gặp hoàn cảnh gian nan, thử thách như thế. Tôi đã trở thành nhân chứng …Tôi đã viết lại và in thánh sách có tên “Thác Lũ Mưa Nguồn”…Sách của tôi không có giá bán và không gởi bán tại các nhà sách. Mục đích của tôi, viết lại cho gia đình, dòng họ, con cháu sau nầy. Những ai đến với tôi sẽ có sách nầy. Tôi mời mọi người đọc sách nầy…

Những gì tôi viết ra trong sách nầy, không có trong sách vở, báo chí, tài liệu trước đây…Tôi viết với tư cách nhân chứng. Tất cả những bài tôi viết, tôi ký tên thật và chịu trách nhiệm về bài viết đó, chấp nhận có sự đối thoại với người đọc hay các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử khác. Nếu tôi có điều gì sai hoặc thiếu sót, tôi xin sửa lại.

Chúng tôi cũng mong có những tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề, có những sự kiện mới mẻ được nêu lên để bổ túc các sử liệu trước. Đó là những điều đáng mừng cho những người muốn học hỏi.

Ngày 1 tháng 11 năm 1998, tôi được mời phát biểu tại San Jose nhân kỷ niệm 35 năm TT Ngô Đình Diệm bị thảm sát. Buổi lễ được trực tiếp truyền thanh, trong vùng San Jose, ở nhà hay di chuyển trên xe vẫn có thể nghe tôi nói… “Ngày 7/7/1954, khi Ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh, tôi chỉ là một học sinh Trung học và ngày 01 tháng 11/1963, khi Ông Ngô Đình Diệm bị phe quân nhân đảo chánh, thì tôi là sinh viên năm thứ hai trường Đại Học Sư Pham Huế, chưa tốt nghiệp…Tôi chưa hề hưởng bổng lộc gì của chế độ …Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, trước tình hình đất nước lâm nguy, tôi dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, hoạt động chính trị để xây dựng một chế độ tự do, dân chủ cho Việt Nam. Trên quan điểm của một người nghiên cứu lịch sử, tôi hoàn toàn không đứng về phe ủng hộ hay phe chống đối chế độ đó.

Kính thưa quý vị (đặc biệt, các bạn trẻ)

Từ khi qua Mỹ, tôi nhận thấy giới trẻ nhất là con cháu chúng ta có khuynh hướng theo học các ngành chuyên môn về khoa học kỹ thuật như bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, vật lý, hóa học, computer,v.v.mà rất ít người chú ý đến các ngành văn hóa, văn chương, lịch sử, địa lý, triết học, luật pháp, chính trị, tôn giáo, xã hội,v.v…Hiện nay, rất nhiều người, kể cả những người lớn tuổi, rất ít quan tâm về lịch sử văn hóa Việt Nam.

 Ngoài ra, phần lớn các thành phần phản chiến, thân Cộng, không phản ảnh đúng sự thật lịch sử. Vì thế,tôi dành thì giờ nghiên cứu, viết lại một số tài liệu liên quan đến văn hóa, lịch sử Việt Nam để cho con cháu đối chiếu với các tài liệu có tính cách tuyên truyền xuyên tạc trước đây. Đó cũng là một sự đóng góp nhỏ bé vào kho tàng văn học Việt Nam ở hải ngoại hiện nay mà thôi.

Sau 19 năm dưới chế độ CSVN (1975-1994) trong đó có 14 năm bị giam giữ trong các nhà tù, tôi thấy tuổi đời đã ngoài 80, sức khỏe không còn như xưa, nên đã dành hết thì giờ viết lại những gì tôi đã học hỏi ở nhà trường, đã nghiên cứu qua sách vở và nhất là đã sống, đã trở thành nhân chứng, hay đã tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử…Tôi cho rằng đây là công việc cần phải làm trước hết trong thời gian còn lại của đời mình.

Tuổi trẻ không có cơ hội học hỏi ở nhà trường thì đọc sách để có thêm kiến thức…Tôi viết sách cũng là giúp các bạn trẻ tự học, đọc sách để mở rông kiến thức, biết thêm những gì trường học Mỹ không dạy cho mình về văn hóa lịch sử Việt Nam.

(Tôi xin tạm ngưng ở đây…để Cô Ngọc An giới thiệu một bài hát…sau đó, tôi sẽ xin phát biểu tiếp tục phần II: Tính cách lãng mạn trong thơ văn của Nguyễn Lý-Tưởng)

 Phần II: Tính cách lãng mạn trong thơ, văn của Nguyễn Lý-Tưởng

Tôi làm thơ và viết văn, viết truyện rất sớm…có bài đăng trên báo Mầm Sống ở Huế từ tháng 6/1957…Những bài đăng trên báo ở Huế hay Saigon trước 1975 đều bị tịch thu, đem đốt hết  cũng có bài được đọc trên đài Phát Thanh Huế, Saigon…Tôi cũng có viết kịch (kịch thơ) được trình diện trên sân khấu tại Triệu Phong hay tại Quảng Trị trong khoảng thời gian từ 1957 – 1963. Sau 1975, các bài hay thơ, truyện của tôi đểu bị đem đốt hết.

 

A.-Thơ –

Tôi biết làm thơ rất sớm, ngay khi vừa đậu tiểu học, tôi đã bắt đầu làm thơ…học hết Trung học, tôi đã có thơ đăng báo, được giới thiệu trên đài phát thanh…Nhưng mãi đến khi được định cư ở Mỹ, tôi mới gom những bài thơ làm khi ở trong tù và những bài thơ tuổi học trò mà tôi còn nhớ, gom lại in thành sách…

1.Theo Dấu Chân Chim

Não bạt, thanh la, chuông đổ rền,

Lần theo hương khói tỏa bay lên.

Tơ hồng cao vút nghe thanh thoát,

Một thoáng bơ vơ lạc cõi tiên.

 

Tám hướng mây bay, trời trở lạnh,

Giang tay đón lá rụng bên thềm.

Ấp ủ tình đầu vào cõi mộng,

Một thời lưu lạc dấu chân chim.

Phố vắng không đèn, cỏ ngậm sương,

Hồng hoang trổi nhạc, khóc đêm trường.

Người đâu lạc lối vào tình hận,

Một bước ra đi, mấy dặm đường.

 

Bạch mai trắng bạch, hồng liên hồng,

Xuân đến rồi đây, thoáng nhớ mong.

Dưới gốc hoa đào, vui nắng mới,

Một đàn bướm trắng lượn qua song.

 

Đêm qua nằm ngủ nghe ai gọi,

Như tiếng người quen mấy chục năm.

Nhớ thương về với bao mong đợi,

Tuổi ngọc yêu đương mấy độ rằm.

 

Ngày dài qua hết lại đêm thâu,

Từ thở tóc xanh đến bạc đầu.

Cái kiếp phong trần đeo đẳng mãi,

Ngọt bùi sao chẳng có bên nhau.

 

Tiếng pháo đầu Xuân, xác pháo hồng,

Nhà ai pháo nổ, nhà mình không!

Tha hương nào biết đâu ngày Tết,

Xin gởi mẹ cha một tấm lòng.

   22/1/1995

”Thân phận của những người vong quốc, ly hương, một lớn chưa thành, lý tưởng chưa đạt tới chẳng khác nào “Theo Dâu Chân Chim” mà đi tìm…đi mãi đi hoài chưa tới đích…” Hình ảnh người đẹp trong văn chương là lý tưởng của người tranh đấu, làm cách mạng chẳng khác nào một kẻ si tình  đi tìm người yêu. Người xưa có nói “Vọng mỹ nhân tức là vọng Thánh nhân”

  1. Tình Khúc Mùa Xuân (2000)-

       Em về mang cả mây hồng,

Cho Xuân tươi thắm, cho lòng anh vui.

       Cho anh vào tuổi đôi mươi,

Để anh say đắm nụ cười giai nhân.

     Mắt em như thể Chiêu Quân,

Long lanh ngấn lệ, nhớ ân vua hiền.

     Ước mong những được bền duyên,

Một mai đưa tiễn ra miền Hung Nô.

     Xin đừng đi đến đất Hồ,

Nắm tay kéo lại, cơ đồ còn đây.

     Hôm nay trời nhẹ, mây bay,

Chúa Xuân ban trọn một Ngày Tình Yêu.

     Em ở đây cho đến chiều,

Suốt đêm trăng sáng, nhạc thiều trổi lên.

     Hoa đăng treo ở mái hiên,

Một nhà hồng ảnh, lời chen tiếng vàng.

     Bướm nhà hàng xóm bay sang,

Ngọc lan thơm ngát, rõ ràng người xưa.

     Cành mai mới nở ngẩn ngơ,

Nụ hồng hàm tiếu chưa vừa mắt anh.

     Ở đây có khách chung tình,

Có mùa Xuân mới, cho mình đắm say.

15.10.1998

 

Trong một chế độ chủ trương tiêu diệt tình cảm của con người thì xã hội đó toàn là những con người máy, những cái xác không hồn, không biết rung động, không biết thương yêu. Đó là những cảnh ngộ mà người dân Việt Nam chúng ta đã trải qua từ năm 1930, đảng Cộng Sản ra đời và cướp được chính quyền vào năm 1945 và nhất là trong các nhà tù Cộng Sản sau 30/4/1975. Trong lời tâm sự, tôi viết: “Với tâm tình tạ ơn Đấng Tối Cao đã tạo dựng và an bài mọi sư trong vũ trụ, tôi hân hoan ghi lại những cảm xúc của một người tìm lại được cuộc sống tự do đã mất, tìm về một mùa Xuân muôn màu, muôn sắc, muôn nhạc điệu hài hòa…”

  1. Vùng Hoang Tưởng (2009

Tuyết phủ đồi hoang tim tái tê,

Sương mù giăng mắc chốn sơn khê.

Bước chân dã thú miền sa mạc,

Cỏ cháy, đồng khô, gió lạnh về.

 

Gối chiếc em nằm trọn giấc mơ,

Tình ta còn lại mấy vần thơ.

Đêm nay gió lọt vào song cửa,

Kẻ đấy, người đây sao hững hờ?

 

Chưa yên giấc ngủ đã bình minh,

Nghe tiếng chim kêu bỗng giật mình.

Nghĩ đến người đi ngoài ngàn dặm,

Ôi! Đời chỉ một kiếp phù sinh!

 

Em của người ta từ thuở nào?

Mình anh bầu bạn với trăng sao.

Bao năm vẫn sống trong hoang tưởng,

Tựa giấc chiêm bao lạc động đào.

 

Xin trả em về với gió mưa,

Đường khuya lá rụng, ánh trăng mờ.

Cô đơn bao phủ lầu Hoàng Hạc,

Ánh nhạn từng không bóng dáng xưa…

12/2000

Nhìn lại cuộc đời đã qua với bao thăng trầm trôi nổi, tình cảm khổ đau…chẳng khác nào một giấc mơ dài, con người đang đi vào một “Vùng Hoang Tưởng” Những hình ảnh ngày xưa nay đã thay đổi, mờ nhạt, có khi không còn nhận ra được nữa…

 4.-Thương Về Quảng Trị (chưa xuất bản)

Ngoài 80 tuổi, tôi góp nhặt những bài thơ đã làm trong mười mấy năm vừa qua in vào thi tập có tên “Thương Về Quảng Trị” xem như đó là tình cảm của một người con đang lưu lạc tha phương nhớ về quê hương yêu dấu ngày xưa mình đã từng sống và lớn lên ở đó. Xin đốt lên một nén hương lòng tưởng nhớ đến những thân nhân, bạn hữu đã khuất, đến những người đang lưu lạc, xa cách mấy chục năm trời chưa gặp mặt…còn hay mất, xin nhớ đến nhau.

Người ta thường nói: Miền Trung quê nghèo, đất cày lên sỏi đá, mùa Đông thiếu áo, mùa Hè thiếu cơm, thiên tai bão lụt, chiến tranh tàn khốc…chính là nơi tôi sinh ra:làng Dương Lộc, xã Triệu Thuận, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tôi lớn lên trong tiếng hát ca dao của mẹ hiền, nơi tôi có bà con nội ngoại hằng thương yêu ấp ủ, nơi tôi cùng bạn bè vui đùa chuỗi thời thơ ấu…Những hình ảnh bình minh trên cánh đồng, chiều tà trên đỉnh núi, tiếng ve da diết vào buổi trưa Hè oi nắng, gió Tây Nam làm cho tôi say giấc. Ngày mùa với những tiếng hò giã gạo, trâu đạp lúa trên sân, tát nước đêm trăng…đã đi vào tâm hồn tôi…Tôi không thể nào quên được những hình ảnh quê hương đó. Tuy là quê nghèo, nhưng nơi đó đã cho tôi nhiều tình cảm gắn bó, đi xa thì nhớ, thì thương.

  1. Văn và Truyện

Nguyễn Lý-Tưởng viết văn khi còn là học sinh bậc Trung học, Truyện ngắn “Ông Lão Thức Thời” lần đầu tiên được đăng trên Nguyệt San Mầm Sống số 06 tháng 6/1957, do LM Nguyễn Văn Lập (sau nầy là Viện Trưởng Đại học Dalat) làm Chủ nhiệm…đã làm cho Nguyễn Lý-Tưởng nổi tiếng từ Huế vô đến Saigon…Sau đó là Truyện “Bên kia dòng sông Dương” cũng đăng trên Báo Mần Sống … Tết 1958 đăng truyện “Hoa Thủy Tiên”, sau đó,  vào Saigon học…

Sau biến cố 30/4/1975, những Thơ, Truyện và Phóng sư, Bình luận Chính trị đăng trên các báo Saigon, các tạp chí văn nghệ, báo Xuân Viện Hán Học…báo Xuân Da Vàng (1970, 1971) bị đem đốt hết. Năm 1994, 1995 qua Mỹ, tôi bắt đầu viết trở lại và in  thành sách.

1.-Đàn Bướm Lạ Trong Vườn (5/1998) là những câu chuyện tôi kể cho các bạn tù với mục đích giải trí cuối tuần …nhưng qua nội dung các truyện ngắn đó, tôi cũng chuyển tải những tư tưởng luân lý, đạo đức nhất là lập trường chính trị của tôi. Qua Mỹ, tôi viết lại và in thành sách…”Tôi xin đốt lên một lò hương trầm, cho hồn về dĩ vãng để tưởng nhớ đến những thân nhân, bạn hữu đã khuất, đến những người đang lưu lạc xa cách mấy chục năm trời chưa gặp mặt…Trong cõi hư vô hay trong kiếp sống đoa đày, còn hay mất, xin nhớ đến nhau”

2.-Thu Còn Vương Nắng, (8/2000) “Tôi muốn nói lên niềm tin và niềm hy vọng mà mỗi một người chúng ta dù trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng không thể đánh mất.”

3.-Ngày Trở Về (2009)trình bày những khía cạnh mà ngay cả báo chí, sách vở cũng chưa có dịp đề cập đến một cách rõ ràng, chi tiết. Đó là những hình ảnh sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh năm 1945, những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cuối năm 1946, những sự khủng bố dã man của Việt Minh đối với người quốc gia không cộng sản, về chiến khu Ba Lòng của Đảng Đại Việt tại Quảng Trị năm 1955 chống chế độ của Tổng THống Ngô Đình Diệm và vụ tranh đấu tại Miền Trung năm 1966 chống chính quyền quân nhân với hai Tướng Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ; Tết Mậu

  1. Má Lúm Đồng Tiền (chưa xuất bản): Tôi ghi lại những kỷ niệm, hình ảnh bạn bè, hình ảnh quê hương mà tôi đã sống, đã đi qua…Những chuyện vui, buồn, dí dỏm, đơn sơ của một thời tuổi trẻ, người xưa gặp lại nay đã già..nhưng câu chuyện hàn huyên vẫn là chuyện của thời học trò, thời tuổi trẻ…

 Nguyễn Lý Tưởng

 (Chú ý: các sách nghiên cứu lịch sử như: (1) Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu – xb 2001 (2) Đưa Em Tới Chốn nhà Hồ Quyển I &II xb 2005, 2009 (3) Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai – xb 2003…là loại sách nghiên cứu lịch sử không phải là văn chương lãng mạn…)