HẢI & KHÔNG QUÂN MỸ LIÊN TIẾP HÀNH ĐỘNG ĐỂ ĐẨY LÙI TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tàu ngầm USS Alexandria hoạt động Biển Đông 

Trong tháng 5 này, lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm tiền phương của họ đều đồng loạt tiến hành “các hoạt động ứng phó dự phòng” ở Tây Thái Bình Dương để hậu thuẫn chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở” của Ngũ Giác Đài.

Hành động này là để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Cộng ở Biển Đông, đồng thời cũng phần nào bác bỏ quan niệm cho rằng Hải Quân Hoa Kỳ đã bị suy yếu vì đại dịch “virus Vũ Hán” đang diễn ra, theo National Interest.

Trung Cộng trong khoảng 2 tháng gần đây bị cáo buộc là gia tăng việc củng cố các đảo nhân tạo và “bắt nạt” các quốc gia khác trong khu vực giữa lúc phần lớn thế giới tập trung vào chống đại dịch.

Tàu ngầm Mỹ đến Biển Đông

National Interest dẫn lại một phóng sự của Honolulu Star-Advertiser cho hay ít nhất 7 tàu ngầm Mỹ, nhưng cũng có thể nhiều hơn, trong đó có 4 tàu ngầm tấn công đóng quân ở đảo Guam, tàu USS Alexandria đóng quân ở San Diego và các tàu đóng quân ở Hawaii, tham gia vào hoạt động biểu dương sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, đồng thời cũng cho thấy rõ rằng Ngũ Giác Đài có thể tiến hành các hoạt động linh hoạt và không thể đoán trước được.

Thông thường, ít khi người ta nhìn thấy các tàu ngầm Mỹ. Vì vậy, khi Hải quân Hoa Kỳ cho biết về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm, điều đó có nghĩa là Hải quân Hoa Kỳ có ý định gửi ra một thông điệp với đối phương [Trung Cộng]. Ngoài ra, trong trường hợp này, hành động của Mỹ cũng có thể nhằm thể hiện rằng Mỹ vẫn linh hoạt tuy phải đối phó với đại dịch “Virus Vũ Hán”.

Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố rằng các tàu ngầm của họ đang tiến hành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sử dụng các khả năng tác chiến trong lòng biển để hỗ trợ cho một loạt các nhiệm vụ.

“Lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác là họ sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi”, Tư lệnh Lực lượng tàu ngầm, Chuẩn Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Blake Converse nói, theo bản tin của National Interest.

Ông khẳng định: “Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn có sức mạnh chết chóc, đa năng và sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay”.

Tàu ngầm được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm Biển Hoa Đông và Biển Đông, và lực lượng tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo chạy bằng năng lượng nguyên tử (SSBN) của Hải quân Hoa Kỳ vẫn là trọng tâm trong kho vũ khí nguyên tử của Mỹ.

Ba trong số các tàu ngầm thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã tham gia một cuộc tập trận tác chiến tân tiến trong tháng này ở Biển Philippines, trong đó bao gồm thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, họa đồ thực tập chiến đấu trên mặt nước và trong lòng biển.

Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ có khả năng tác chiến chống ngầm, chống hạm, tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất, hoạt động tình báo, do thám, trinh sát và cảnh báo sớm, cũng như có khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược trên toàn thế giới.

“Hoạt động của chúng tôi là một minh chứng rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng ta theo luật pháp quốc tế”, Chuẩn Đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương, đóng quân ở Trân Châu Cảng, nói trong một thông cáo hôm 8/5.

Hàng Không Mẫu hạm USS Theodore Roosevelt tái xuất

Sức mạnh của Hải quân Mỹ tiếp tục hồi phục với việc Hàng Không Mẫu hạm Theodore Roosevelt sẽ ra khơi trở lại vào cuối tuần này, trước ngày lễ Chiến sĩ Trận vong 25/5, các giới chức Hải quân cho biết hôm thứ 19/5, được Fox News dẫn lại.

Trước đó, dịch virus corona làm chiếc tàu chiến khổng lồ bị loại khỏi vòng chiến trong gần hai tháng vì hơn 1,000 thủy thủ có kết quả xét nghiệm dương tính.

Kể từ khi Hàng Không Mẫu hạm này phải quay về cảng, Trung Cộng dường như đã lợi dụng tình hình và tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực trong tình hình đại dịch toàn cầu, bản tin của Fox News viết.

Kể từ giữa tháng 3, cùng thời điểm Hàng Không Mẫu hạm Mỹ tấp vào đảo Guam, các máy bay chiến đấu của Trung Cộng đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, Phó Phụ Tá Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Đông Nam Á, nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Các hành vi khiêu khích của Trung Cộng đã không chỉ diễn ra trên trời.

Ông Werner cũng nhắc đến vụ quấy rối đối với tàu khu trục mang hỏa tiễn có điều hướng USS Mustin đóng quân ở Nhật Bản hồi tháng trước khi tàu này ở gần một nhóm Hàng Không Mẫu hạm tấn công của Trung Cộng đang tuần tra qua Biển Đông. Một tàu hộ tống của Trung Cộng đã chạy “một cách không an toàn và không chuyên nghiệp” gần tàu của Mỹ, ông Werner nói với Fox News.

Trong một cuộc phỏng vấn với AP hôm 18/5, nói từ Hàng Không Mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, Thuyền trưởng Carlos Sardiello bày tỏ rằng ông tự tin về khả năng con tàu sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ sau 2 tháng tạm dừng hoạt động ở đảo Guam.

HKMH USS Theodore Roosevelt đang ở Guam sắp sửa vào Biển Đông

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện để có xác suất thành công cao, chúng tôi sẽ ra khơi và thực hiện nhiệm vụ của mình”, theo tin của AP.

Các quan chức khác của Mỹ không muốn nêu tên cho AP biết trong vài ngày tới nếu mọi việc suôn sẻ, Hàng Không Mẫu hạm USS Theodore Roosevelt sẽ tiến hành các hoạt động hải quân ở khu vực Thái Bình Dương trong một khoảng thời gian trước khi trở về cảng nhà ở San Diego.

Không lực Hoa Kỳ nhập cuộc

Không lực Hoa Kỳ cũng không đứng ngoài cuộc, theo tin của South China Morning Post. Quân chủng này của Mỹ gần đây tăng cường các chuyến bay bằng máy bay ném bom B-1B Lancer bên trên các vùng biển gần Trung Cộng.

Các chuyến bay đó diễn ra giữa lúc cả Hải lẫn Không Quân Mỹ đều gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và Hoàng Hải trong năm nay.

South China Morning Post dẫn lại thông báo mới nhất của Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đăng trên Twitter hôm thứ Ba 20/5 cho biết các máy bay ném bom B-1 đã thực hiện một phi vụ ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện cùng Hải quân Hoa Kỳ gần Hawaii.

Máy bay chiến lược B1-lancer đang thực tập ném bom

Phi vụ này “thể hiện độ tin cậy của lực lượng không quân Hoa Kỳ để xử lý một môi trường an ninh đa dạng và bất định”.

Không lực Hoa Kỳ đã điều động 4 máy bay ném bom B-1B và khoảng 200 lính không quân từ Texas đến căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam vào ngày 1/5. Không lực Hoa Kỳ cho biết việc điều động này là nhằm hỗ trợ cho Không lực ở Thái Bình Dương và để tiến hành huấn luyện và hoạt động với các đồng minh và đối tác.

Không lực Hoa Kỳ đã điều hai chiếc B-1B Lancer tiến hành chuyến bay hai chiều kéo dài 32 giờ ở bên trên Biển Đông vào ngày 29/4.

Lực lượng này luân phiên triển khai các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, ba loại máy bay ném bom chiến lược của không quân, bên cạnh các máy bay quân sự khác bay qua vùng biển tranh chấp gần Trung Cộng.

Ông Song Zhongping, một nhà bình luận về các vấn đề quân sự, có văn phòng ở Hong Kong, được South China Morning Post dẫn lời nói rằng các chuyến bay thường xuyên của B-1 và B-52 không chỉ nhằm thể hiện sự hiện diện của quân đội Mỹ mà còn là những cuộc thao dượt hướng tới những trận chiến tiềm tàng trong tương lai.

“B-1, đang dần thay thế B-52, cần phải bay quanh vùng biển để biết rõ các điều kiện chiến trường”, ông nói.

“Trung Cộng và Hoa Kỳ ngày càng lún sâu vào một cuộc cạnh tranh toàn diện và tình hình còn xấu hơn thời Chiến tranh Lạnh Xô-Mỹ. Không thể loại trừ rủi ro xung đột quân sự ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Và các nguy cơ vẫn đang tăng lên”, ông Zhongping nói.

Theo VOA