HAI TẤM ẢNH MỘT CHUYỆN TÌNH (Quan Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 11 people and people standing

1/ Tấm hình phía trên chụp trong một buổi học về chiến thuật tại Quân trường Quang Trung cuối năm 1969. Là những thanh niên trong lứa tuổi 19,20 hừng hực tuổi thanh xuân
2/ Tấm hình phía dưới chụp ngày 08/09/2019 tại buổi đại hội VT & NTH Nha Trang tại Orlando Florida. Là ba lão già đã bước vào ngưỡng tuổi thất thập đang cuối đời
* Trong tấm hình đen trắng Trần Chơn là người đứng thứ tư có đánh dấu X súng mang vai . Còn người kể lại câu chuyện là Quan Dương đứng cuối tấm hình cũng có đánh dấu X súng cầm tay
* Trong tấm hình màu chụp 50 năm sau , tính từ trái qua phải : Quan Dương ( tôi ) – Kim Loan – Trần Chơn ( trên xe lăn)- Cao Điền.
****************
Ba người đó là những người có mặt trong tấm hình phía trên của 50 năm về trước .Tên của họ là Quan Dương ( là tôi) – Trần Chơn – Cao Điền . Đây cũng là lần đầu tiên Cao Điền và Trần Chơn gặp nhau kể từ ngày rời quân trường Thủ Đức tháng 07/70 . Gọi là ba người cho oai chứ nói chính xác hơn là hai người rưỡi vì Trần Chơn , người ngồi trên xe lăn đã bị mất hai chân trong trận tấn công đồn của đối phương tháng 3 /71 tại Diên Khánh Khánh Hoà
Trong tấm hình có một người phụ nữ đứng chụp chung đó là Kim Loan cô nữ sinh Trường Nữ Trung học Nha Trang của 50 nâm về trước và hiện là phu nhân của Trần Chơn người ngồi trên xe lăn . Chiến tranh đã trôi qua từ lâu và định phận của lịch sử dành cho kẻ thắng người thua đã rõ ràng chẳng còn gì để phải nói . Điều muốn nói đó là người phụ nữ nhỏ bé nhưng đầy can trường trong tấm hình
Người phụ nữ này năm 1971 khi vừa 18 tuổi thì nhận được tin từ nơi chiến trường người yêu của cô chuẩn uý Trần Chơn trong một trận tấn công của đối phương bị dính luôn một trái đạn pháo rơi trúng hầm . Tuy không tử trận nhưng đã bị nát mất hai chân .
Lúc đó chúng tôi chỉ là những chuẩn uý trẻ mới ra trường kinh nghiệm trận mạc chưa có . Từ Buôn Hô khi nghe tin bạn mình sớm rời bỏ cuộc chơi tôi liền nghĩ ngay đến Kim Loan cô người yêu bé nhỏ của hắn sẽ ra sao? Chắc là chẳng dễ gì chấp nhận một phế binh với hai chân bị cụt . Đời chiến binh sự chết không sợ bằng cụt tay cụt chân . Đôi khi được chết vẫn còn may hơn được sống. Nghĩ là nghĩ vậy chứ chấp nhận lăn vô cuộc chiến rồi thì chấp nhận tất cả những đen đủi . Tôi cũng nghĩ số phần của chuẩn uý Trần Chơn như vậy chắc hắn sẽ không bao giờ oán trách nếu cô nữ sinh bé bỏng 18 tuổi đời kia buộc phải chia tay
Năm 1972 trong một lần về Ninh Hòa đi phép thường niên tôi có gặp một thằng bạn cũng khóa 6/69 Thủ Đức. Tôi hỏi nó có còn nghe tin tức gì về cặp Chơn Loan không? Thằng bạn kể khi nó nằm Quân y viện Nha Trang cứ mỗi ngày nó thấy Loan đẩy chiếc xe lăn đưa Trần Chơn đi lòng vòng trong khuôn viên quân y viện . Nó thấy tội nghiệp con nhỏ Loan quá nên có hỏi Trần Chơn
“Sao mi không bỏ chạy để chia tay với Loan đi, chứ thân thể tật nguyền thế kia vướng víu làm dang dở đời con gái người ta ? “
Chơn trả lời
“ Tao cũng tính bỏ chạy nhưng hai cẳng tao bị cưa tới đùi như vầy thì làm sao mà chạy”
Sau khi Chơn trả lời cả hai đứa cùng cười nhưng nước mắt lại muốn rơi . Không nói ra nhưng chúng tôi những chiến bình trẻ thầm hiểu rằng làm trai thời chinh chiến có nghĩa là chấp nhận mọi hy sinh kể cả sinh mạng của mình
Chiến trường vẫn tiếp tục khốc liệt và chúng tôi cũng không còn có tin tức gì nhau để rồi ngày dịnh mệnh 30/04/75 đã đến . Chúng tôi lần lượt vô tù . Sau khi ra tù tôi và Cao Điền được sang Mỹ tị nạn chính trị và gần như không còn thời gian để nhớ đến đám bạn trong tấm hình thứ nhất
Mãi cho đến năm 2012 trong đại hội Võ Tánh Nữ Trung Học Nha Trang tổ chức tại Houston tôi gặp Trần Chơn sau 42 năm bặt tin nhau. Gặp lại hắn tôi có ba điều kinh ngạc
1/ Cụt hai chân mà vẫn vượt biên thành công đến Mỹ
2/ Cụt hai chân mà vẫn có người chịu lấy làm chồng
3/ Người lấy hắn làm chồng không ai khác hơn là Kim Loan cô nữ sinh thuở học trò ngày nào mối tình duy nhất của hắn. Cô đã không bỏ rơi người phế bình tật nguyền khi cô còn rất trẻ. Ở lứa tuổi 20 lại xinh đẹp biết bao nhiêu chàng trai lành lặn săn đón , nhưng trái tim Loan vẫn một người dù người đó giờ không còn lành lặn như xưa . Chiến tranh đã cướp đi đôi chân của người chiến bình, cô nữ sinh bé bỏng trở thành cột trụ của gia đình . Nhất là sau năm 75 gánh nặng càng thêm nặng nhưng tình yêu đã giúp họ vượt qua
Từng đọc nhiều truyện tiểu thuyết nhưng ít khi nào tôi đọc được một câu chuyện viết về một mối tình như thế mà vẫn còn tồn tại trên thế giới này. Khi viết truyện tác giả nào cũng pha chút hư cấu để làm gia vị. Còn đây là một câu chuyện thực giữa đời thường không cần pha thêm gia vị mà nó vẫn ngọt ngào. Trước đây cứ tưởng làm trai trong thời chiến xông pha nơi trận mạc hy sinh thân mình là ngon lành vĩ đại nhưng khi đứng trước người phụ nữ nhỏ bé kia tôi lập tức thấy mình chẳng thấm vào đâu.
Tôi càng kinh ngạc hơn khi hai vợ chồng tổ chức vượt biên vì tình thế đặc biệt ghe không đủ chỗ nên Kim Loan hy sinh nhường Trần Chơn đi trước còn mình đợi chuyến sau . Thử tưởng tượng một người phụ nữ nặng chưa đầy 45 ký lại có thể cõng được một anh chàng có trọng lượng ngang ngửa với mình lên ghe còn mình phải ôm con quay trở lại lòng đầy hồi hộp lo âu . Chuyện tưởng chừng khó tin nhưng lại là sự thật . Phải là một người có ý chí khao khát vô cùng với tự do mới đủ sức mạnh làm nên một cuộc vượt thoát như vậy . Tôi hỏi Loan “ em nhỏ con như thế kia làm sao cõng nổi anh chàng to bự như vầy “.
Loan đáp
“sau 75 cả hai vợ chồng đều đói nên ảnh nhẹ hều “
Cũng may là chuyến sau của Loan cách đó một tháng suôn sẻ và cả hai cuối cùng cũng gặp nhau trên đảo
Người ta vẫn thường nói khi người đàn ông và một phụ nữ gặp nhau là do cơ duyên, nhưng đối với cặp Trần Chơn & Kim Loan này thì không hẳn là do duyên số, bởi vì định mệnh chính là trước khi cặp này đến đó chứ không phải sau khi . Giống như là họ đã từng đến với nhau từ kiếp trước và kiếp này họ chỉ đơn thuần thực hiện lời ước nguyền .
Tháng 9 năm nay 2019 tôi từ Louisiana bay qua Florida để tham dự đại hội liên trường Võ Tánh Nữ Trung Học tổ chức tại đây . Trước khi bay thẳng đến Orlando tôi có rũ thêm vợ chồng Cao Điền – Nguyễn Ngọc Hoa (NTH 69) và Đàm Quốc Xin – Nguyễn Thị Thanh ( VT 68 ) từ West Palmbeach . Chúng tôi hẹn gặp nhau tại khách sạn Clarion Hotel Orlando International Airport là nơi tổ chức . Trong đêm đại hội tôi gặp lại Trần Chơn ngồi trên chiếc xe lăn cạnh sân khấu . Tôi liền ngoắc Cao Điền thử xem hai tên này có nhận ra nhau không . Vậy mà cả hai đều nhận ra mới tài . Tính từ ngày ra trường tháng 7/70 đến đêm đại hội là tháng 9/2019 gần 50 năm. Hai chàng thanh niên từ tóc đen chuyển bạc tái ngộ. 50 năm qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi mà vẫn nhận ra nhau . Hai tên đó nói trước khi nhập ngũ hai tên là hai tên học trò quậy nhất trường Đăng Khoa . Cùng chung chí hướng quậy nên hạp nhau sâu đậm đến độ nửa thế kỷ sau vẫn còn nhớ
Tôi đứng nhìn hai đứa nó ôm nhau mừng mà nhớ lần đầu tiên tôi gặp lại Trần Chơn. Lần đó không thấy hắn cười còn lần này thì thấy hắn cười rạng rỡ . Tôi bất chợt phát giác hắn mất mấy chiếc răng . Hỏi đùa hắn “ Sao mấy chiếc răng cửa biến đi đâu để gió lùa vô nhà trống thế kia? Chắc ngày mất nước định cắn lưỡi ai dè lưỡi cứng quá nên gãy răng chứ gì ? “ Hắn kể đầu tháng 04/75 khi Nha Trang mất, chính quyền phe thắng trận kêu gọi nguỵ quân nguỵ quyền ra trình diện . Dù cụt hai chân từ năm 71 và đã giải ngũ nhưng Chơn cũng phải ra trình diện trên chiếc xe lăn . Thấy Chơn không có hai chân, người cán bộ hỏi tại sao . Chơn khai bị mầt trong một trận tấn công đồn của phe cách mạng . Người cán bộ hỏi tiếp tổn thất hai bên . Chơn thật thà khai báo là trong trận đó bên cách mạng bỏ xác lại 27 người . Vừa nghe xong chỉ sau vài câu sỉ vả người cán bộ thoi thật mạnh vào mặt của Chơn. Cái thoi mạnh đến nổi từ trên chiếc xe lăn Chơn bay rớt xuống đất máu me đầm đìa nhưng những tên khác vẫn không tha. Họ lao vào vừa đánh vừa đạp đủ 27 cái để trút cơn thù hận. Trong chiến tranh VN những người lính miền Nam được học về nhân bản, những người lính miền Bắc được dạy về hận thù nên bị đánh không có gì là lạ . Phe ta sau khi bị đánh gãy mất mấy cái răng và mặt sưng chù vù má nhìn không ra
Ngoài trận địa khi đối đầu với địch quân nếu mình không bắn họ thì họ sẽ bắn mình . Đó là qui luật của chiến tranh . Nhưng chúng tôi không bao giờ bắn người khi họ buông vũ khí. Đánh người không có phương tiện tự vệ đã là hèn. Càng hèn hơn khi người không có gì để tự bảo vệ kia lại mất hai chân là một người phế tật. Đó là bài học phi nhân cách mà đám người cộng sản luôn rêu rao chính quyền cách mạng là chính quyền nhân đạo đã thể hiện.
Trong tấm hình thứ nhất ngoài ba đứa tôi gặp nhau tại hải ngoại ra còn có Vũ Văn Liệu hãy còn sống hiện kẹt lại Sa Đéc VN còn tất cả đều bặt tin tức . Trong chiến tranh không có điều gì chắc chắn. Chỉ chắc chắn một điều đó là hơn một nửa chiến binh trong tấm hình thứ nhất đã vĩnh viễn ra đi
Trong tấm hình thứ hai, ba chiến binh xưa gặp lại với nụ cười thật tươi trên khuôn mặt khi đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy . Bên cạnh đó là một người phụ nữ can trường . Theo thông thường ở tuổi này khi gặp nhau thường hỏi thăm con cháu . Tôi hỏi hai người có được bao nhiêu con . Loan đáp là năm đứa . Tôi nghe mà muốn bật ngửa. Hắn cụt chân thế kia mà vẫn giỏi hơn mình . Đầu óc tôi không hắc ám nhưng tôi cứ loay hoay hoài với thắc mắc hắn không có chân như thế kia thì khi yêu nhau hắn xoay sở ra sao . Bất giâc tôi quay qua nhỉn Kim Loan . Cô nàng tủm tỉm cười đầy bí ẩn
Dù sao thì một chuyện tình của 50 năm trước trong chiến tranh khi khởi đầu tưởng rằng bi đát nhưng kết thúc có hậu y như bài bản trong phim tình cảm của Đại Hàn . Được biết năm đứa con của Chơn và Loan hiện nay tất cả đều tốt nghiệp đại học đều có công việc làm ổn định và đứa út cũng đã ngoài 30 là bác sĩ
Trước khi cùng tưởng niệm đồng đội trong tấm hình thứ nhất đã ra đi hãy xin mừng cho ba thằng tôi trong tấm hình thứ hai gặp lại và tôi vẫn còn sống để viết lan man kể không đầu không đuôi những câu chuyện như vầy
New Orleans tháng 9/2019
Quan Duong