VŨ HỐI, MỘT MẮT CÒN LẠI, NHÌN CẢ TRỜI QUÊ HƯƠNG (Võ Đại Tôn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

SYDNEY – 21.8.22

THƯA QUÝ VỊ VÀ QUÝ THÂN HỮU,THẬT ĐAU LÒNG NHẬN ĐƯỢC TIN NGƯỜI BẠN THÂN, ĐỒNG HƯƠNG QUẢNG NAM, CỦA TÔI VỪA “RA ĐI” – XIN CHÂN THÀNH CHIA BUỒN CÙNG TANG QUYẾN VÀ QUÝ THÂN HỮU.TÔI XIN KÍNH GỬI BÀI VIẾT THƠ/VĂN CỦA TÔI TRƯỚC ĐÂY VỀ NGHỆ SĨ ĐA TÀI VŨ HỐI, MONG CÙNG CẢM THÔNG CHUNG, VÀ MONG GIÚP PHỔ BIẾN ĐỂ CÙNG NHAU TƯỞNG NHỚ MỘT NGƯỜI BẠN CHÂN TÌNH VỪA KHUẤT BÓNG NHƯNG MÃI CÒN SỐNG TRONG TÂM TƯỞNG CHÚNG TA. ĐA TẠ. 
 V.Đ.T. (SYDNEY).
VŨ HỐI,
một mắt còn lại,  nhìn cả trời Quê Hương…
 Võ Đại Tôn

Trời Dallas về khuya bỗng nhiên trở lạnh. Hai người nằm bên nhau trong căn phòng nơi xứ lạ, ngọn đèn tỏa ánh sáng xanh mơ. Chúng tôi đã thoát ra khỏi xà lim ngục tù cộng sản một thuở nào, tàn tạ cả thời trung niên, nhưng nhiều đêm như đêm nay ác mộng lại trở về qua thao thức, trí tưởng chập chờn quay lại quê hương với vết thương đọa đày dường như vẫn còn nguyên vẹn. Nơi đó cội nguồn vẫn đang là ngục tù rộng lớn với những giòng máu tím đen cuộc đời. Máu của chúng tôi và biết bao tù nhân trong lao tù hòa chung cùng máu của Dân Tộc. Mẹ Âu Cơ đang ôm mặt khóc. Tôi thẩn thờ ngồi dậy, tay bóp đội chân khẳng khiu đang co giật từ hậu quả của những đòn thù tra tấn, và Vũ Hối mở to một mắt còn lại nhìn tôi. Ánh mắt im lặng nhưng nói nhiều lời, gửi trao tâm sự : – cũng không ngủ được ! –  Chúng tôi lại thì thầm trong bóng đêm, dường như có tiếng sóng gợn từ giòng sông Thu Bồn đưa hồn chúng tôi trôi về một bến. Hai người cách nhau vài tuổi, một họ Võ-Vũ như nhau, một huyện quê, một đời tù, một say mê nghệ thuật, một con đường lý tưởng, một phương mặt trời.

Bức tranh Mộng Hoà Bình tác giả Vũ Hối
Thư Hoạ Vũ Hối

Những danh từ hạn hẹp do con người tạo ra qua tiếng nói và mực in trên giấy để trao vương miện hoặc phủ bùn đen trên mỗi kiếp nhân sinh rồi cũng sẽ tan đi hay nhạt nhòa tựa hơi gió thoảng qua rèm, dấu mờ vàng úa bám víu thời gian. Ngoại trừ những tên tuổi đã đi vào lịch sử Dân Tộc với danh thơm muôn thuở hay lưu xú vạn niên. Tôi nhìn Vũ Hối không qua hình ảnh của một bậc thầy Thư Họa, một người thơ và một nhiếp ảnh gia, mặc dù tất cả những bộ môn nghệ thuật ấy đã cùng hội ngộ trên đỉnh cao thiên phú dành cho một người. Tôi không nhìn Vũ Hối qua giải khôi nguyên Hội Họa Quốc Tế tại Hoa Kỳ, qua sự hiện diện trong Đại Hội Mỹ Thuật Thế Giới, qua vinh danh là Họa Sĩ Sáng Tạo Nghệ Thuật với công trình sáng lập trường phái Luân Vũ Họa và trường phái Thư Họa, qua sự tiếp đón trọng thể từ những vị nguyên thủ quốc gia, luôn cả Tổng Thống từ một phương trời Đông Âu Tiệp Khắc xa xôi đã dành riêng cho tài hoa Vũ Hối mang giòng máu Việt. Tôi không cần lặp lại những vần thơ của Vũ Hối đã từng được các nhạc sĩ, ngay từ thời tiền chiến, phổ thành ca khúc, để nghe tiếng võng đưa theo Lời Ru Của Mẹ *.
Bởi vì, tất cả những điều đó đã được các nhà phê bình nghệ thuật, bạn bè gần xa, những người ngưỡng mộ tài danh Vũ Hối đã hơn một lần thốt ra thành lời hoặc in trên sách báo. Như Du Tử Lê đã viết “Vũ Hối là một bằng chứng bất công của Thượng Đế hay kết quả sau cùng của một hiến tặng cuộc đời cho văn học nghệ thuật”. Như Hà Huyền Chi đã ghi : “Chữ và thơ Vũ Hối tươm mật trên từng tuyến máu giao hưởng, làm thành một cõi riêng”. Như tôi cũng từng cảm thông viết nên dòng thơ gửi về Vũ Hối qua bài Một Trời Lộng Bút * với những câu “Ngọn bút anh rung, vẽ một đời mơ, Sông quyện núi, tụ về say nét mực. Một phut giây mà quặn đau tiềm thức, Chữ thay hình đổi dạng kiếp phù sinh…”. Tôi đã từng im lặng ngồi nhìn Vũ Hối, với một mắt còn lại cuối nửa đời sau của anh, vung tay bắt từng cánh chim phượng, từng khúc lưng rồng, từng ánh tơ trăng, từng điệu vũ cầu vồng, từng lá rụng mưa rơi, từng giọt lệ mọng nước rưng rưng và vô vàn hoa bướm, buộc tất cả phải tượng hình luân vũ trên trang giấyqua nét chữ chập chờn. “Vút cao lên, tỏa rộng ánh bình minh, Hay chìm xuống, ngỡ ngàng cơn nửa mộng…”. Tất cả, đã có người thương mến và cảm phục viết về Vũ Hối, hôm qua, bây giờ, và sẽ mai sau.

Đêm nay, tôi chỉ muốn nhìn Vũ Hối đang nằm cạnh tôi dưới một góc trời lưu vong, đôi bạn từng tù, như một người thực sự yêu Nước. Một người dân xứ Quảng không đeo mặt nạ. Tôi quay nhìn thật rõ con mắt còn lại của anh mà ngậm ngùi thương bạn, thương mình, thương cả Quê Hương. Vũ Hối cũng lặng lẽ nhìn tôi, một mắt, trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn khuya. Tôi chợt cảm thấy lòng mình nao nao, không dám nhìn sâu thêm nữa, sợ cõi tận cùng cay đắng nơi đó con người đã đối xử với nhau bằng hận thù bạo lực. Vì lý do không chịu khai báo trong tù, cộng sản đã tra khảo anh đến mù một mắt và xác thân gần như bại liệt. Nhiều người trong giòng họ Võ-Vũ chúng tôi tại Quảng Nam đã bị cộng sản giết hại, tù đày, qua từng giai đoạn nổi trôi của mệnh Nước điêu linh. Để rồi hôm nay, thế hệ chúng tôi cho dù mắt mù, chống nạng, vẫn còn đứng lên để đòi lại quyền sống không phải chỉ cho riêng mình. 

Những thửa ruộng cằn khô đất cày lên sỏi đá, giòngsông như sữa mẹ Thu Bồn, lũy tre làng xác xơ chiều ôm nắng quái, đã nuôi chúng tôi nên Người, chung lòng quặn đau niềm đau Tổ Quốc. Dường như không có một bước chân nào Vũ Hối đã đi qua, từ trại tù nơi quê nhà đến bốn phương trời lưu vong hôm nay, dường như không có một bức Thư Họa nào của Vũ Hối đã triển lãm trong các sinh hoạt cộng đồng hoặc được trang trọng treo lên nơi nội thất bạn bè, rồng bay trên tơ lụa, phượng múa trên dĩa vàng tráng men, dường như không có một câu thơ nào của Vũ Hối trong giây phút linh cảm xuất thần hoặc tích tụ từ bao nỗi trầm thăng cuộc đời và mệnh Nước, mà không mang dấu ấn Quê Hương. Hồn anh và đất Mẹ đã hòa chung thành Một. Trong dáng khẳng khiu thân xác, trầm tư mộc mạc, ta thấy lại ngọn tre đường làng ngả nghiêng chiều gió đang bật dậy để vói đến trời cao. Tinh thần sĩ phu tự hào nòi giống. Trong cuộc sống bịt bùng xà lim hay nơi chốn tạm dung, lúc nào anh cũng vươn mình đi tìm Lẽ Sống. Cho Tình Người và cho Nghệ Thuật. Nét Đẹp chân chính tụ đầy ánh mắt còn sót lại một đời.

Vũ Hối chập chờn bước đi, nấu nước pha trà cho hai chúng tôi buổi sáng rồi cặm cụi ngồi viết một vài câu thơ trên dĩa sứ để đúng hẹn trao tặng bạn bè. Trong ánh đèn mờ ảo, tôi thấy từng dòng chữ nhảy múa luân hồi, từng cánh hoa rụng xuống, từng nhát kiếm bay lên. Anh chợt ngẩng đầu nói với tôi mà như nói một mình : –“Chỉ còn một mắt, khó thấy rõ nét để thỏa chí tung tay”. Tôi tiếp lời mà cũng như nói một mình : -“Một mắt cũng đủ nhìn đời, nhìn làm chi cả hai con mắt cho thêm nản lòng !”. Chúng tôi, hai thân-tù-hôm-qua, cùng chung một nỗi cô đơn, chợt cùng nhìn ra khung cửa sổ. Anh lại nói : -“Trời sắp sáng rồi !”. Tôi biết. Dường như anh muốn nói, và tôi cũng đang nghĩ : Quê Hương sẽ không còn bóng đêm !.
VÕ ĐẠI TÔN
(Dallas, TX – USA).
    Lời Ru Của Mẹ : bài thơ nổi tiếng của Vũ Hối đã được phổ nhạc từ thời tiến chiến.
    Trích trong bài thơ Một Trời Lộng Bút của Võ Đại Tôn viết tặng Vũ Hối, 2001.
Xin đọc tiếp bài thơ “Một trời lộng bút” dưới đây. Cảm Tạ.
 MỘT TRỜI LỘNG BÚT…
Cảm đề bức Thư Họa “Điểm Tuyết Mai Vàng Vọng Cố Hương” của Vũ Hối)
                                                    
Đứng bên này đại dương
Nghe Thu Bồn sóng vỗ.
Trong lòng anh – cánh mai vàng nở rộ
Trời quê hương mây nước cũng thành Thơ.
Ngọn bút anh rung, vẽ một đời mơ
Sông quyện núi, tụ về say nét mực.
Một phut giây mà quặn đau tiềm thức
Chữ thay hình đổi dạng, kiếp phù sinh.
Vút cao lên, tỏa rộng ánh bình minh
Hay chìm xuống, ngỡ ngàng cơn nửa mộng.
Gió vờn hoa, nhụy vàng lay khẽ động
Nụ tròn trinh e ấp tuyết hồn Xuân.
Đời thoáng qua, ngân nhủ mắt nhân quần
Ai thấy được phút giao thần linh cảm ?
Xin lắng nghe tiếng vàng reo ngọc chạm
Bút hồn Quê réo rắt máu tim anh.
Mực dù phai, Tâm Bút với Tâm Thành
Luôn vĩnh cửu theo Hồn Thiêng Đất Mẹ.
VÕ ĐẠI TÔN (Hoàng Phong Linh).
 
https://phailentieng.blogspot.com/2022/08/vu-hoi-mot-mat-con-lai-nhin-ca-troi-que.html?fbclid=IwAR0VN2VxfJrf79tkEHHkQZrF21KmRtRm5s1HydetATjUk6vO8drkjvv0Vi0