Danh Nhân Nước Việt
Một người sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa và khoa bảng, ông là nhà văn hóa, nhà bách khoa thư và cũng là nhà địa dư nổi tiếng. Cống hiến của ông trong lãnh vực văn hóa và địa dư được thể hiện qua hai tác phẩm tiêu biểu là Lịch triều Hiến chương loại chí và Hoàng Việt địa dư chí.
Phan Huy Chú tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, sinh tại làng Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, trong một gia đình có truyền thống văn hóa. Ông nội của ông là tiến sĩ Phan Huy Cận làm quan trong triều đình Lê – Trịnh. Thân phụ là tiến sĩ Phan Huy Ích, giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Tây Sơn. Thân mẫu là bà Ngô Thị Thục, em gái Ngô Thời Nhậm, người được vua Quang Trung giao cho nhiều trọng trách. Cả gia đình bên nội và bên ngoại của Phan Huy Chú với hai dòng họ tiêu biểu là Phan Huy và Ngô Thời, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc.
Phan Huy Chú vốn thông minh, sớm có chí hướng và chịu học tập, lại được sự dạy dỗ của gia đình, nên từ thời niên thiếu, ông đã nổi tiếng học giỏi trong vùng Sơn Tây. Ông thâu tóm được tinh hoa trong nhiều sách vở, nhưng dù có tài năng uyên bác ông chỉ thi đỗ Tú tài.
Tuy không có bằng cấp cao, nhưng ông vẫn nổi tiếng là người có kiến thức uyên bác. Vì vậy, năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng cho triệu ông vào kinh đô giữ chức Biên tu trường Quốc tử giám ở Huế. Ông dâng lên vua bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí do ông biên soạn, và được vua khen thưởng.
-Năm 1825, ông được sung làm Phó sứ sang Trung Hoa. Khi về, được bổ làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, thăng Hiệp Trấn xứ Quảng Nam năm 1829. Ít lâu sau, ông bị giáng chức vì phạm lỗi, chuyển về Huế giữ chức Thị độc ở viện Hàn Lâm.
-Năm 1831, ông lại được cử làm Phó sứ sang Tàu, khi ấy là triều đình nhà Thanh. Nhưng khi về nước, cả phái đoàn sứ bộ đều bị giáng chức vì tội “lộng quyền”.
-Năm 1832, ông được cử theo phái đoàn sang Batavia, Indonesia, để lập công chuộc tội.
-Năm 1834, ông trở về nước và được bổ làm Tư vụ bộ Công. Sau đó, vì chán chốn quan trường, ông cáo bệnh xin về hưu ở làng Thanh Mai, thuộc huyện Tiên Phong, dạy học và soạn sách cho đến cuối đời.
Ông Phan Huy Chú mất ngày 28/5/1840, hưởng dương 58 tuổi.
Phần mộ của ông hiện ở tại thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Nhìn chung, Phan Huy Chú nổi tiếng là nhà nghiên cứu, biên khảo về thơ văn, chứ không phải là nhà thơ hay nhà văn.
Ngoài những tác phẩm như Mai Phong du Tây thành dã lục, Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình tục ngâm, Hải trình chí lược, Lịch đại điển yếu thông luận… thì tác phẩm có giá trị nhất của ông là bộ Lịch triều Hiến chương loại chí (được xem là “bộ bách khoa toàn thư” đầu tiên của Việt Nam) và bộ Hoàng Việt dư địa chí, ghi chép về địa lý nước Việt Nam.
* * *
175 năm đã trôi qua kể từ khi Phan Huy Chú qua đời, nhưng ông vẫn luôn là một tấm gương sáng về tinh thần bền bỉ học tập, là một nhà nghiên cứu có tài đã cống hiến cuộc đời mình cho nền văn hóa và khoa học của đất nước. Ông xứng đáng được xếp vào hạng các nhà khoa học nổi tiếng của nước Việt, chứ không phải là một vị quan có quá nhiều thăng trầm trong chốn quan trường.
Thế nhưng, tên tuổi Phan Huy Chú bỗng trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong dư luận tại VN và trên thế giới trong tuần qua, sau khi có tiết lộ là đương kim Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon, đã đến thăm ngôi nhà từ đường của dòng họ Phan Chú vào tháng 5 vừa qua ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Phát ngôn nhân LHQ vào đầu tuần này cũng xác nhận tin này, nhưng không nói rõ lý do tại sao ông Ban, một công dân Nam Hàn, lại đến viếng thăm một từ đường tại VN. Trước đó thì giới báo chí VN loan tin là sau khi đến thăm vào ngày 23/5/2015, ông Ban Ki-moon còn ghi vài dòng lưu bút, có nội dung như sau:
“Tôi rất xúc động khi viếng thăm và tỏ lòng thành kính sâu sắc trước ngôi nhà thờ Phan Huy Chú và các thành viên khác của dòng họ Phan. Cám ơn dòng họ đã giữ gìn và bảo quản ngôi nhà thờ này. Là một người con của dòng họ Phan, giờ đây giữ chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tôi tự hứa là sẽ cố gắng làm theo những lời dạy dỗ của tổ tiên”.
Bên cạnh chữ ký tên mình, ông Ban Ki-moon còn chú thích tên Việt là Phan Cơ Vân, chứ không phải là Phan Huy Vân.
Nếu các tình tiết này là thật thì chuyện ông Ban có dòng dõi VN không có gì là lạ. Gần 700 năm trước đây, Hoàng tử Lý Long Tường đã dẫn theo hàng trăm thân quyến và tướng sĩ chạy sang Triều Tiên để lánh nạn sau khi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý. Khi quân Mông Cổ tiến đánh Triều Tiên, Hoàng tử Lý Long Tường trở thành một đại tướng chỉ huy đoàn quân đánh bại quân Nguyên và được người dân tôn vinh là “Bạch Hổ tướng quân”. Rất nhiều con cháu của Ngài đã trở thành những công dân xuất sắc của Đại Hàn suốt mấy trăm năm qua.
Thậm chí có nguồn tin cho rằng, cố Tổng thống Lý Thừa Vãn của Nam Hàn cũng là con cháu của Hoàng tử Lý Long Tường.
Chính vì thế, không nên đặt nặng vấn đề là ông Ban Ki-moon có phải là người Việt hay không và người nào trong dòng họ Phan đã di cư sang Đại Hàn sinh sống. Vấn đề đáng chú ý nhất là trong dòng lưu bút của ông Ban có viết câu “Tôi tự hứa sẽ cố gắng làm theo những lời dạy dỗ của tổ tiên”.
Chính câu này cho thấy là dù có tha phương lưu lạc nơi đâu, tiền nhân Việt vẫn không quên giáo huấn con cháu nhớ về nguồn cội của mình, đặc biệt là lòng hiếu kính với tổ tiên. Trong bối cảnh giáo dục suy đồi và băng hoại đạo đức do tập đoàn cộng sản VN gây ra, câu chuyện về Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon tìm về ngôi nhà từ đường dòng họ Phan Huy Chú, phải được xem là một bài học quý giá trong việc dạy dỗ con cháu VN, chứ không phải là cơ hội để “thấy người sang thì bắt quàng làm họ”!
Việt Thái