XIN CÚI LẠY HỒNG KÔNG (Viết Từ Sài Gòn/RFA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hình minh họa. Người biểu tình Hong Kong phản ứng trước hơi cay từ cnahr sát ở đại học Bách Khoa hôm 18/11/2019

 Người biểu tình Hong Kong phản ứng trước hơi cay từ cnahr sát ở đại học Bách Khoa hôm 18/11/2019 AFP

Trong những năm tháng đất nước đầy chia lìa, người Nam kẻ Bắc gặp nhau nhưng trong nỗi phân li, với phận người chìm nổi, có người lênh đênh trùng dương rồi vĩnh viễn ở lại với sóng gió… Trong cuộc chia lìa ấy, Hồng Kông như một chiếc phao hi vọng, Hồng Kông dang tay, cưu mang và che chở hàng chục ngàn người Việt Nam, Hồng Kông như một bồ tát cứu độ giữa giờ vĩnh quyết. Và hàng triệu người Việt đã qua khỏi cửa tử, đã đặt chân lên những mảnh đất tự do, cũng nhờ vào những bồ tát cứu độ như Hồng Kông.

Bởi không đâu hiểu được giá trị nhân văn, không đâu dễ rủ lòng thương và không đâu dễ sẵn sàng chìa tay chia sẻ khốn khó với đồng loại nhanh hơn những người yêu tự do, yêu hòa bình và đã quen sống với tự do, hòa bình, tôn trọng phẩm hạnh con người. Hồng Kông đã sống như thế, đã hòa quyện màu sắc của mình trên bức tranh nhân bản của thế giới như vậy.

Và chính điều này lý giải tại sao người Việt, không riêng gì người miền Nam mà cả người miền Bắc cũng luôn cảm thấy Hồng Kông gần gũi hơn Trung Quốc, thậm chí gần gũi hơn Đài Loan mặc dù mối tương tác giữa người Việt và người Hồng Kông ít hơn rất nhiều so với việc tương tác với người Đài Loan, Trung Quốc. Bởi sức ảnh hưởng của dân chủ, của văn minh và cả sự giàu có, hào phóng của Hồng Kông đã hấp dẫn không riêng gì người Việt.

Thế rồi cái mốc 1997 như một định mệnh buồn, từ một nơi mặc dù chưa rõ chủ quyền quốc gia nhưng vẫn luôn được mặc định như một quốc gia hùng mạnh, một cảng thơm của nhân loại, Hồng Kông bị đùn đẩy về tay Trung Hoa Đại Lục. Và Trung Quốc cũng là một quốc gia mà ở đó, thứ chủ nghĩa đã khiến cho nhiều người Việt Nam phải bỏ mạng trên biển, nhiều người Việt Nam phải bỏ xứ mà lênh đênh giữa trùng dương và may mắn được Hồng Kông cứu độ một thời nay bỗng trở thành kẻ cai quản Hồng Kông. Và sự cai quản bằng thủ đoạn, cai quản bằng áp chế, thậm chí bằng đàn áp không bao giờ phù hợp với người Hồng Kông. Bởi hơn ai hết, người Hồng Kông đã trả qua và đã vượt qua những chặn đường đen tối của nhân loại từ rất lâu, nghiễm nhiên trở thành vùng đất của tự do, tình yêu và sáng tạo. Bỗng dưng nay mọi sự có khuynh hướng trở về thời đồ đá, thì với người Hồng Kông, không gì khủng khiếp và tệ hại hơn. Những cuộc đấu tranh nổ ra là điều tất yếu.

Và đêm qua, hay nhiều đêm sau nữa, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát, thậm chí quân đội với người dân Hồng Kông yêu tự do đang làm đổ máu. Máu của tự do, máu của văn minh, tiến bộ, máu của những người từng dang tay che chở cho chúng ta đổ xuống trong sự im lặng của chúng ta và của thế giới. Rất có thể ngày hôm sau, hay một ngày nào đó trong tương lai, Hoa Kỳ, Anh, Pháp hoặc Liên Hiệp Quốc sẽ can thiệp, sẽ có biện pháp hữu hiệu để giúp Hồng Kông thoát khỏi kiếp nạn. Nhưng, để đợi cho đến ngày ấy, cái ngày có thể là có thật mà cũng có thể là không có thật, đã có biết bao người Hồng Kông đã bỏ mạng vì lý tưởng tự do, hòa bình và thịnh vượng của mình?! Và, hầu hết những người ngã xuống đều là những người trẻ, điều này như một minh chứng cho thế giới tiến bộ thấy rằng chính thế hệ trẻ, thế hệ được tiếp cận với văn minh nhân loại một cách đầy đủ nhất, thế hệ yêu tự do và yêu sáng tạo, thế hệ mà không ai khác ngoài chính họ là những ông chủ tương lai của đất nước, là những người làm hoa tiêu và nắm tay lái đưa con tàu Hồng Kông đi vào tương lai kế tiếp đã thấy được họ cần gì, họ muốn tiến bộ ra sao và họ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống để có được nó.

Điều đó cũng giống như trước đây gần nửa thế kỉ, cha ông của họ đã chấp nhận mọi thứ để cứu lấy những thuyền nhân Việt Nam và người chạy trốn từ các quốc gia mất tự do khác. Và sự giúp đỡ cứu rỗi của họ là bất vụ lợi bởi họ chỉ tốn kém tiền bạc và công sức cho việc này, bù lại họ không có được gì ngoài một sự mất đi, hi sinh cho đồng loại. Để rồi sau gần nửa thế kỉ, những con cháu của Hồng Kông đang dần trở thành nạn nhân của chế độ độc tài Cộng sản. Hơn ai hết, người Hồng Kông hiểu được một khi mất tự do, một khi rơi vào độc tài, con cháu của họ lại phải thành những thuyền nhân để rồi lênh đênh trên biển lịch sử và liệu lúc ấy, trên đại dương lịch sử có còn một Hồng Kông nào khác để con cháu họ tị nạn?!

Hình minh họa. Một phụ nữ và con nhỏ tại trại tị nạn ở Hong Kong hôm 24/5/2000
Hình minh họa. Một phụ nữ và con nhỏ tại trại tị nạn ở Hong Kong hôm 24/5/2000 AFP

Khi người Việt Nam chạy trốn khỏi độc tài Cộng sản, thế giới đã dang tay che chở, trong đó có Hồng Kông. Thế nhưng khi người trẻ Hồng Kông đứng lên đấu tranh để chống độc tài, để mưu cầu tự do thì dường như thế giới đang im lặng, Việt Nam cũng đang im lặng. Chúng ta im lặng bằng cách ồn ào ngay trên ngôi nhà của mình hoặc im lặng bằng cách thở dài hoặc im lặng bằng những lời bình luận chua chát để nói rằng đó như là sự đã rồi, đó là định mệnh của Hồng Kông hoặc đó là nỗi buồn của lịch sử… Nhưng có một thực tế, chúng ta chưa bao giờ lên tiếng theo đúng sự mách bảo của lương tri, chúng ta chưa bao giờ lên án Cộng sản Trung Quốc và Tập Cận Bình một cách đầy đủ, thế giới vẫn chưa có (mà lẽ ra cho đến nay, phải có hàng ngàn, hàng triệu) thỉnh nguyện thư của trí thức năm châu, Việt Nam vẫn chưa có thỉnh nguyện thư gửi lên Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ hay những quốc gia tự do. Chúng ta cần một tiếng nói, nhiều tiếng nói và hàng triệu, hàng tỉ tiếng nói cho Hồng Kông. Bởi bảo vệ Hồng Kông không chỉ đơn giản là bảo vệ người trẻ, bảo vệ sinh mạng trước bạo tàn mà chúng ta đang bảo vệ cho lý tưởng của tự do, bác ái và dân chủ, cho tương lai tự do của chính chúng ta. Thế nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn im lặng và thế giới vẫn im lặng (trong sự lên tiếng có chừng mực của mình!).

Điều này, với thế giới tiến bộ, như là một sự sỉ nhục bởi chúng ta đang sổ toẹt vào chính lương tri của mình, và với Việt Nam, với cộng đồng người Việt từng hàm ơn Hồng Kông, thì đây là một sự vong ân, chúng ta đã tự cho thấy mình không xứng đáng để nhận được ân sủng của Chúa và Thượng Đế Tự Do, Bác Ái nếu như chúng ta chỉ bình chân quan sát, chúng ta vẫn giữ thái độ im lặng và chừng mực!

Và dù sao chăng nữa, tôi cũng xin cúi lạy Hồng Kông, xin cúi lạy những người trẻ Hồng Kông đã không may mắn trong công cuộc đấu tranh đầy ý nghĩa và giá trị nhân văn của mình nhằm bảo vệ tự do, bác ái và hòa bình cho quê hương của mình và nhân loại nói chung… Họ đã ngã xuống, đã chết đi trong đau đớn, đã chết trong sự lạnh lùng và tàn độc của đồng loại cũng như đã chết trong sự im lặng đầy vô cảm của thế giới. Tôi xin cúi lạy các bạn! Những người trẻ anh hùng và vắn số!

Tôi cũng xin cúi lạy Hồng Kông, một Hồng Kông tự do, thơm tho và văn minh vừa chết hay đã mang trọng thương trong cơn lửa đạn! Một Hồng Kông từng cứu lấy cha ông, họ hàng, thân quyến và đồng độc, đồng loại chúng tôi, để từ đó, những người được cứu có cơ hội đặt chân lên mảnh đất tự do, bước vào vùng trời nhân ái! Đáp lại điều này, chúng tôi đã chọn im lặng hoặc vô can. Điều ấy như một sự vong ơn và phản trắc trước văn minh nhân loại và tình người trên thế giới này! Xin cúi lạy Hồng Kông một lần nữa!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu  Tự Do