Oct.09th.2022
Nhà thơ NGUYỄN CHÍ THIỆN (1939-2012)
Hôm nay tôi viết về thi sĩ Nguyễn Chí Thiện (NCT) nhân ngày giỗ của anh.
Đó là một điều vinh dự cho riêng tôi. Nhưng tôi xin viết rất ít và mong quý vị hiểu nhiều. Tôi cố gắng trình bày những cảm nghĩ của tôi hơn là những lý luận.
Tôi viết bằng thứ ngôn ngữ của tấm lòng hơn là của lý trí.
Vì tôi biết rằng có nhiều quý vị có thể có một quan hệ quen biết gần gũi với thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, hiểu anh Thiện hơn tôi nhiều.
Chưa kể một số các vị trong ngành truyền thông như bà Đỗ Thị Thuấn, anh Lý Trung Tín, anh Đinh Quang Anh Thái – Người đàn em được anh Thiện tín cần nhờ giữ bản thảo từ Luân Đôn gửi sang – anh Phan Nhật Nam (PNN), từng ở chung một nhà với anh Thiện tại số 4117 Mc Faden / 410, Santa Anna. Căn nhà có đặc điểm phòng bên ni là cánh cửa vườn địa đàng, phòng bên tê, cánh cửa vào chốn tu thất. Nhất là PNN đã viết một bài phân tích xuất sắc trình bày tất cả sự thật chung quanh những việc chống đối thi sĩ NCT. Bài Tính Thiện – Sự Thật chỉ là một – và ở xa có anh Nguyễn Ngọc Bích – một người đi theo NCT như hình với bóng, từng đi chung một chuyến sang Úc với anh Thiện – hay Bùi Văn Phú, v.v. đều có những cơ hội tiếp xúc, phỏng vấn với anh Thiện.
Và dĩ nhiên còn nhiều người khác.
Nguyễn Chí Thiện – biểu tượng cao quý của người Việt Quốc gia chống cộng sản.
Người Việt hải ngoại đã có rất nhiều người là tù nhân cộng sản – đã có nhiều người viết Hồi Ký về quãng thời gian tù cộng sản. Nhưng cũng có khá nhiều người chọn thái độ im lặng, an phận khi ra đến hải ngoại.
Quá khứ làm nên bản thân một người. Nhưng nửa quá khứ thì sao? Phần còn lại của cộng đồng đành chấp nhận sống lại cái phần nửa Việt Nam Cộng Hòa kéo dài quá khứ với nhiều mặt tích cực và tiêu cực cũng có.
Nhiều người, khá nhiều người cũng tính khởi sự làm lại một điều gì, nhưng có một sự nghẽn mạch vì môi trường đã thay đổi. Sức viết như dừng lại. Đây là tất cả tình trạng xã hội, tâm sinh lý, hội chứng sau 1975 mà không nói hết được ở đây.
Vấn đề này cũng có thể đặt ra cho các nhà văn trong nhóm Nhân Văn Gia Phẩm (NVGP). Tài họ có, dư cũng có như Trần Dần, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm ngay cả Văn Cao, v.v. Tôi còn nhớ sau 1955, đọc “Trăm Hoa đua ntrên Đất Bắc” của ông Hoàng Văn Chí trong đó có thơ của Trần Dần. Đọc bài “Nhất định thắng” ai mà không bị xúc động, xót xa khi đọc những bài thơ như thế? Về người yêu của ông là Bùi Thị Ngọc Khuê (ký tắt là K. sau này là vợ ông). Thật rất tiếc. Tại sao họ chọn thái độ im lặng không viết?
Văn Cao tài hoa hơn người về nhiều mặt cũng chọn lấy rượu giải sầu và ngưng sáng tác.
Tôi chỉ có thể cắt nghĩa là Hội Chứng hậu cộng sản đã có khả năng tàn phá, làm tê liệt thần kinh, phá hoại cá tính, bản thân con người đến độ làm tê liệt tất cả.
Trong khi đó một số những nhà thơ nhà văn sống ở Hà Nội – họ là người của tình thế với tính cách người trong cuộc – họ từng bị nghiền nát như cám bởi bộ máy nghiền cộng sản. Người miền Nam chưa thực sự có những kinh nghiệm sống đắng cay như nhà văn Tô Hoài sáng sáng phải dạy sớm đi gắp phân. Dương Tường, để có chút tiền uống rượu đãi bạn, bèn phải hiến 200cc máu. Thủ lãnh Nhân Văn Giai Phẩm Nguyễn Hữu Đang bị đọa đầy cách ly phải đi nhặt những vỏ bao giấy thuốc lá bán cho trẻ con đổi lấy những con nhái làm bữa nhậu.
Cái lo của họ, cái nhục của họ, cái đói rét túng thiếu, cái của họ bút nào tả hết.
Vì vậy, tiếng nói của họ như sức bật của một lò xo, tiếng kêu của loài súc vật bị chọc tiết, tiếng con người nói lên khát vọng làm người.
Tiếng kêu ấy làm người miền Nam nói chung, sửng sốt, kinh ngạc. Thụy Khuê từng gọi thơ Phùng Cung là thứ thơ bị treo cổ.
Đọc “Tướng Hồi hưu” của Nguyễn Huy Thiệp để rùng mình rởn tóc gáy về sự tồi tệ, mất nhân phẩm của con người. Mà thực sự Nguyễn Huy Thiệp có ngồi tù một ngày nào đâu? Ông chỉ là giáo viên vùng cao, tại sao có những cảm nghiệm chua chát, lạnh thép đến như thế. Bởi vì chữ nhà tù cộng sàn phải hiểu theo một nghĩa rộng như chúng ta thương nói:
Có một nhà tù nhỏ và có một nhà tù lớn.
Nguyễn Chí Thiện làm thơ trong nhà tù nhỏ.
Nguyễn Huy Thiệp viết văn trong nhà tù lớn.
Cả hai đều là tù nhân của chế độ!
Cuộc sổng của họ qua thế giới nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp không phải là thế giới người mà là thế giới của man rợ đến phải kêu lên:
“Trời ơi, cuộc sống đến thế này thì chết mất.”
Cái cảm nghiệm nổi da gà ấy tôi cũng cảm nhận được khi đọc “Trăng nước sông Hồng” trong Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện. Cái cảm nhận ấy tôi cũng đọc được hai câu mở đầu cho tác phẩm Hỏa Lò:
“Hỏa Lò gần Trung Ương nhất
Con người gần con vật nhất.”
Họ đã để lại những tác phẩm không chối cãi được.
Như các nhà văn Vũ Thư Hiên – tác giả “Đêm giữa Ban Ngày” và “Miền thơ ấu”, Bà Dương Thu Hương với khá nhiều tác phẩm như “Vô Đề”, “Thiên Đường Mù” và nhiều bài tham luận nảy lửa, đanh thép. Cộng thêm nhà báo Bùi Tín với “Hoa Xuyên Tuyết”, “Mặt Thật” và một cuốn viết bằng tiếng Pháp “1945–1999, Viet Nam La face cachée du régime”.
Đây là những tác giả đã sống, đã trải nghiệm, đã hiểu sự lừa dối, mặt trái từ bên trong chế độ ấy.
Có thể họ có cái ân sủng khó cắt nghĩa để họ đã có thể viết được như thế. Thật vậy cùng chịu đựng gian truân tù đầy, nhưng không phải ai cũng có thể cho ra đời những tác phẩm lớn.
Nếu cần kể thêm một người nữa trong giới trí thức hàng đầu của miền Bắc thì đó là giáo sư Trần Đức Thảo, tác giả cuốn sách in muộn sau khi ông đã chết: “Những lời trăn trối”.
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã trân trọng đón tiếp các ngòi bút nhân chứng ấy.
“Đêm giữa Ban Ngày” có thể coi như tác phẩm để đời của nhà văn Vũ Thư Hiên và cho lý tưởng chống độc tài, chống cộng sản của người Việt tỵ nạn. Những lời trăng trối của Trần Đức Thảo là một cái đinh cuối cùng đóng vào chốt cái quan tài của chế độ cộng sản.
Tôi muốn gợi ý quý vị là nên tìm hiểu xem trong hoàn cảnh nào và trong bối cảnh nào đã biến những tác phẩm ấy trở thành gia tài chung của Việt Nam.
Dương Thu Hương là một ngòi bút bất khuất không tương nhượng với cộng sản và bộc lộ một sự cay đắng đến tột cùng của một người cầm bút. Sự hận thù của bà đo lường được trong từng câu, từng đoạn văn bàng bạc trong các tác phẩm ấy.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận vẫn có những điều mà đôi bên giữa người Việt hải ngoại và các người cầm bút trên chưa thể ngồi xuống và chia xẻ với nhau một cách trọn vẹn.
Vũ Thư Hiên có thể là người dễ gần gũi, chia xẻ nhất trong số những người ấy. Ông Bùi Tín dù đã có cố gắng với nhiều thiện chí trong các bài viết của ông – vẫn có những khoảng cách giữa đôi bên không thu ngắn lại được. Có những diễn biến tư tưởng nơi ông cần thời gian để dần dần thay đổi quan điểm nhìn về ông. Sự thay đổi nơi Bùi Tín khi ông đánh giá lại những nhân vật được coi là thần tượng như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Vì thế, nhiều người vẫn có những vội vã nghi ngờ về hành trạng của ông mặc dù đó là những nghi ngại không chính đáng.
Bà Dương Thu Hương thì tự chọn thái độ một mình một chợ, chống cộng sản quyết liệt, nhưng cũng không muốn đứng chung với người Việt hải ngoại. Hai cuốn sách của bà, cuốn “Vô Đề” khi khởi sự cầm bút và cuốn “Đỉnh cao chói lọi”, tiếng Pháp có nhan đề “Au Zenith”. Cuốn Vô Đề có những phần hư cấu nặng tính tuyên truyền, xa sự thật mà tạm thời bỏ qua cho bà. Tôi Không quan tâm cho lắm về dư luận ngoại quốc khi nói về cuốn “Đỉnh cao chói lọi”. Riêng tôi nhận thấy bà chưa thoát ra khỏi bóng ma Hồ Chí Minh. Đến “Chốn vắng” thì tôi không đọc được nữa.
Còn lại chỉ có mình anh Nguyễn Chí Thiện được cộng đồng hải ngoại đón nhận hầu như trọn vẹn.
Mỗi câu thơ là những nhát dao chém vào mặt chế độ:
“Mười mấy năm sống giữa lao tù
Sống giữa buồng tim chế độ
Tôi đã hiểu tới tận cùng bể khổ
Mà trước kia Phật tổ hiểu lơ mơ”
(Trích Buồng tim chế độ, trong Hoa địa ngục)
Nếu trước đây lúc 15 tuổi, anh làm thơ như một thứ vui chơi.
Cái vui chơi ấy sau này vận vào anh.
Thơ sau này gắn vào định mệnh đời anh và anh chỉ làm thơ như một vũ khí đấu tranh.
Nguyễn Chí Thiện và Trần Đức Thảo là hai người duy nhất có cái can đảm dám vạch mặt chỉ tên Hồ Chí Minh một cách công khai.
Trần Đức Thảo viết như một thông điệp rõ ràng về bản chất Hồ Chí Minh:
“Hồ Chí Minh là một tên đại bịp như Tào Tháo và chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa phi nhân, không có con người.”
Nguyễn Chí Thiện cũng chẳng kém:
“Bác hồ rồi lại BácTôn
Cả hai đều thích ôm hôn nhi đồng
Nước da hai bác mầu hồng
Nước da các cháu nhi đồng màu xanh
Giữa hai cái mặt bành bành
Những khăn quàng cổ đỏ bay quanh cổ cò”
(1970, trong “Hoa Địa ngục”).
Nay thì anh đi khắp đó đây – chỗ nào có cộng đồng người Việt thì có anh. Và chỗ nào cũng nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt.
Tôi chỉ thắc mắc là anh có thể chưa đi đến các cộng đồng người Việt ở Ba Lan, ở Hungary, ở Tiệp Khắc, ở Liên bang Nga. Hoặc gặp gỡ những thành phần lực lượng thứ ba ở Pháp, ở Mỹ. Hình như họ không mấy có cảm tình với NCT.
Họ có thể cặm cụi ngồi dịch sách cho nhà văn Dương Thu Hương, nhưng một chữ cũng không có cho Nguyễn Chí Thiện – ngoại trừ tác giả Nguyễn Ngọc Quỳ – dịch Hoa Địa Ngục – “Fleurs de L’enfer”, không nằm trong thành phần thứ ba.
Lướt qua một số trang Web như Diendan Forum, Viet Studies ta sẽ hiểu tại sao có một sự lạnh nhạt như thế.
Và tại sao, anh lại chưa có cơ hội đến những nơi đó?
Và tôi đọc được sự úy kỵ đó, rất có thể do sự chống Cộng sản triệt để của anh đã làm nhiều người thuộc giới nhà văn miền Bắc – dù đã đi tù cộng sản không mấy hài lòng.
Tình trạng một số nhà văn miền Bắc – dù là nạn nhân cộng sản – dù bị tù dầy, bị cấm cầm bút. Nhưng một khi được tháo khoán, cho lương bổng, phục hoạt trở lại ngạch trật như cũ họ thường an phận, chấp nhận.
Quá khứ đã phủ lên họ một lớp sơn không chùi rửa cho sạch được.
Hiếm có một nhà văn nào miền Bắc có đủ độ liều, can đảm chống lại chế độ cộng sản để đi tù đến ba lần như trường hợp Nguyễn Chí Thiện.
Các nhà văn miền Bắc – nạn nhân cộng sản như trong Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm – tiêu biểu như nhà thơ Lê Đạt, Hoàng Cầm, Trần Dần đều có một thái độ ‘ôn hòa’, bằng lòng và coi việc tranh đấu trong quá khứ là một chuyện đã qua. Nó có một nửa phần vẫn kinh trọng Hồ Chí Minh, nửa phần vẫn nghĩ rằng họ đã góp phần vào cuộc chiến thắng ‘thần thánh’, vang dội địa cầu.
Tôi đã có dịp gặp nhà thơ Lê Đạt. Tôi có cảm tưởng, như ông chưa bị tù đầy cộng sản. Có thể bản tính hiền hòa, con người lạc quan của Lê Đạt, ông chấp nhận cuộc đời hiện tại một cách dễ dàng khác hẳn thái độ của Văn Cao.
Nhưng tôi tạm thời để trong ngoặc đơn và không muốn đi sâu thêm nữa về vấn đề này.
Sở dĩ người Việt tỵ nạn cộng sản ở Hải Ngoại trân trọng và quý mến anh Nguyễn Chí Thiện dĩ nhiên về những bài thơ hay ác liệt của anh.
Ngoài ra, không thể không nói tới thái độ quyết liệt, không khoan nhượng của anh với bất cứ ai ở hải ngoại có ý tưởng hòa giải hoặc ngay cả những người cộng sản ly khai. Có lúc ông gằn giọng viết:
“Ấy thế mà có những đứa may mắn thoát được ra nước ngoài, ngày hôm nay lại chấp chới tính chuyện về hợp tác với kẻ thù”.
Phần những người quen biết NCT như một số bạn bè của anh, họ còn quý mến NCT ở cái nhân cách cương trực, thẳng thắn và đầy tình người của anh đối với họ.
Thi sĩ NCT đúng là người Việt chống cộng tiêu biểu cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Và chúng ta không lạ gì khi có buổi trò chuyện này như chấm dứt ba năm đoạn tang anh như một niềm hoài niệm về người ngục sĩ.
Có một phát biểu mà tôi thấy cần nêu ra đây là nếu bảo nguyễn Chí Thiện này là giả, thì tôi mong muốn có được hàng trăm ông Thiện giả như thế này.
Người Việt hải ngoại, bạn bè Nguyễn Chí Thiện
Phần lớn người Việt hải ngoại vượt biên kể từ sau 1975 thì trái lại coi anh Nguyễn Chí Thiện như người trong nhà. Họ nhìn Nguyễn Chí Thiện như một người bạn, một nhà thơ lớn và thỏa mãn phần lớn cái tâm tư của họ.
Điều mà đa số không làm được – nay anh Thiện là người thay họ nói lên được, nói đúng, nói đầy đủ bằng những câu thơ xuất phát từ tim óc!
Họ đã dành cho anh nhiều cảm tình một cách chân tình. Ngay cả khi tập thơ của anh được chuồn vào tòa đại sứ Anh và sau đó được in ở hải ngoại với tính cách vô danh.
Phần anh, anh cũng đáp lại từng ấy thứ cho cộng đồng người Việt.
Phải nói, người ta hãnh diện được quen biết anh do từ lòng quý mến tự nhiên chứ không vì lý do vật chất hay gì gì khác.
Nhưng cái bề ngoài của anh có cái vẻ lạnh lùng, ít nói nên những người chưa quen biết anh nhiều người có thể không ưa. Khi anh còn ở chung với Phan Nhật Nam trong khu McFaden, hầu như thứ bảy mỗi tuần, tôi đều đến nơi này. Tôi thường nhìn thấy anh đi bộ và chung quanh có một số gia đình Việt Nam sống quần tụ.
Nhiều khi có thể họ chào anh, nhưng anh vô tình, không để ý, không đáp lại. Họ bảo anh thằng chả ‘khinh người’. Thật oan cho anh.
Có một lần khác, tôi dẫn một người bạn làm báo cũng có tiếng đến nói chuyện với anh. Câu chuyện không đi đến đâu, có tính tra hỏi nghề nghiệp nhà báo. Ra về, nhà báo tỏ vẻ thất vọng, coi thường anh về kiến thức đọc, về trí nhớ có đôi chút lẫn lộn.
Nhưng cái số người không ưa NCT như thế thật quá ít ỏi.
Nếu nói về bạn, anh có hai loại: Thứ nhất, những người từng ở tù với anh.
Trong đợt tù lần đầu (1961-1964) tại trại Phú Thọ. Bạn tù của anh là Nguyễn Văn Phổ, con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Trần Thiếu Bảo, người trách nhiệm in báo cho NVGP.
Lần tù thứ hai 1966-1977, bị giam ở trại Thanh Phong, Yên Bái. Bạn tù của anh là Vũ Thế Hùng, thân phụ linh mục Vũ Khởi Phung, DCCT, Kiều Duy Vĩnh. Các nhà thơ nhà văn như Phùng Cung, Vũ Thư Hiên. Không quên một số Biệt kích từ miền Nam ra như Nguyễn Hữu Luyện, Đặng Chí Bình, Lưu Nghĩa Lương, Lê Văn Bưởi.
Lần đi tù thứ ba 1979-1991. Lần này NCT tù chung với cha Nguyễn Văn Lý, tại trại Ba Sao, Nam Hà, Hà Nam Ninh.
Có một lần duy nhất, tự nhiên ông nói với tôi,
“Đêm qua, nghĩ tới các bạn tù cũ, tôi không cầm được nước mắt.”
Cũng hay. Càng tù nhiều, càng thêm bạn – mà đều là bạn chí cốt cả!
Ông có một tình bạn sâu xa và hằng nghĩ tới những người đã từng chia xẻ số phận tù đầy cộng sản. Và nếu có điều kiện, ông thường giúp đỡ kín đáo những người bạn ấy. Phải nói, Nguyễn Chí Thiện là người có chân tình với bạn bè từng chia sẻ cảnh ngộ.
Ở Hải ngoại, có thể ông có rất nhiều bạn bè và nhiều người đã tận tình giúp đỡ, sát cánh với ông từ lúc ban đầu. Nhiều lắm, tôi không tiện nêu ra đây vì kính trọng những thâm tình họ dành cho ông.
Chỉ có một người chẳng cần nói ra đây mà vẫn phải nói. Đó là Trần Phong Vũ.
Sự quý mến anh Nguyễn Chí Thiện gần như một điều hiển nhiên. Mà không vì lý do gi khác. Tiền bạc, danh tiếng? Không, hoàn toàn không.
Đó là những tình tự con người đến với nhau một cách tự nhiên mà chính bản thân tôi cũng bắt gặp như thế – do những giao cảm giữa người với người mà ta bắt gặp được nơi anh.
Sự quý mến NCT không phải chỉ đơn giản ở những tiếng vỗ tay tán thưởng lối nói vắn gọn, khúc triết, khôi hài, nhưng sắc bén mỗi lần anh nói chuyện.
Người ta còn bắt gặp nơi anh một người chống cộng sâu sắc, triệt để, quyết liệt kinh qua những năm tù cộng sản.
Nhưng nếu nói về tình bạn thì phải hiểu ở nột chiều sâu hơn, một cái nhìn lắng đọng, không hời hợt và cái đó phải đọc cuốn “Hỏa Lò” của anh.
Nếu phải chọn thích cái gì của Nguyễn Chí Thiện thì tôi phải chọn thêm “Hỏa Lò”. Nếu “Hoa Địa ngục” là những tiếng gào thét, uất hận thì người ta tưởng anh chỉ biết làm thơ. “Hỏa Lò” mới bộc lộ rỏ được cá tính, con người và những tâm tình của Nguyễn Chí Thiện. Những ngôn từ rất Bắc Kỳ được ông xử dụng suốt tập sách những ứng xử rất người, sống động như trong câu chuyện “Trăng Nước sông Hồng”.
Anh là người tù cộng sản bất khuất không bao giờ cúi đầu, chịu khuất phục trước cộng sản.
Tôi vẫn cho câu nhận xét của anh Vũ Thư Hiên về Nguyễn Chí Thiện là tâm đắc nhất:
“Cái thân xác mảnh khảnh, với nhiều bệnh tật lại chứa chất một ý chí can trường, một sự can đảm không gì lay chuyển được”.
Ra hải ngoại, anh không để cho bất cứ ai mua chuộc bằng tiền bạc hay danh vọng, không theo đảng phái nào.
Anh sống đạm bạc, nghèo túng, không tham tiền bạc, danh vọng và cô độc.
Vậy mà nơi anh vẫn phảng phất một nỗi buồn sâu kín không nói ra.
Buổi họp báo thành công trọn vẹn, vậy mà sau đó tôi gặp lại anh, anh không bày tỏ một chút xíu nào niềm hân hoan sung sướng, hay sự hãnh diện mà anh xứng đáng được hưởng.
Có lẽ, tôi nghĩ cũng chẳng cần cụ thể hóa những điều ấy ra đây, vì những ai từng quen biết anh thì đều nhận ra: Có một nhân cách Nguyễn Chí Thiện.
Anh ở trên tất cả những điều ấy.
Thân phận lưu đầy và nỗi niềm cô đơn của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện
“Chó xích có một ngày
Thả ra mừng cẳng nhảy
Người cùm có một năm
Thả ra buồn chống gậy.”
(Người và chó, trich trong Hoa Địa ngục).
Phải chăng bốn câu thơ trên lột tả thân phận kẻ lưu đầy của một người cầm bút, của một Nguyễn Chí Thiện?
Phần tôi, tôi hiểu chữ lưu đầy không giới hạn trong một không gian vật lý, mà là một không gian tinh thần hay tâm lý. Người ta thường hiểu rằng sự lưu đầy là sự bị cách ly, bị chôn vùi trong bốn bức tường nhà tù hay cụ thể hơn nữa là là đầy đi những nơi xa xôi hẻo lánh như nhà tù Côn Đảo dưới thời thực dân Pháp. Hay trường hợp vua Hàm Nghi bị đầy sang Alger. Hoặc tệ hại và kinh hoàng hơn nữa là trường hợp những người bị Stalin lưu đầy đi Sibérie tại các vùng như Novossibirsk, Kranoiarsk hay Abakan.
Hàng triệu người sau đó đã chết vì đói, vì lạnh hoặc vì bệnh tật.
Vì thế chữ không gian lưu đầy mà tôi dùng trong bài này phải đượx hiểu là một không gian mang ý nghĩa triết học, dựa trên phương pháp hiện tượng học.
Theo lẽ thông thường, ta coi căn nhà ta đang ở là không gian gần gũi, thân mật và mang ý nghĩa nhân bản nhất. Nhà là nơi để về, để dừng chân và tìm được sự an bình.
Trở về nhà là một khái niệm đầy tình tự con người. Mới đây, người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Tạ Phong Tần được sang Mỹ. Bà tuyên bố, tôi như có cảm tưởng được trở về nhà. Sự trở về nhà theo ý nghĩa của bà Tạ Phong Tần là nay bà không còn bị giam cầm, tù tội, không còn bị những đe dọa ám hại, không còn bị tra hỏi đủ loại. Trở về nhà theo nghĩa bà được yên thân không còn lo sợ, không còn mòn mỏi trông đợi ngày được ra tù nữa.
Hiểu như thế, căn nhà không phải chỉ là nơi nhà cao cửa rộng, hoặc xây cất cầu kỳ với tường bê tông, sàn nhà với đá cẩm thạch hay hoa cương. Hoặc đồ đạc trong nhà đắt giá sang trọng.
Căn nhà dù nhỏ như một túp lều đi nữa vẫn có thể là một tổ ấm, với những góc kỷ niệm, với những đồ đạc quen thuộc từ một cái tủ – một khung cửa sổ – đến một ngăn kéo– một chậu hoa và những đồ đạc thân quen mà ta quen dùng.
Anh gù trong film Notre Dame de Paris cho thấy chỗ anh ở trống toang, không đủ che mưa nắng, thiếu mọi thứ tiện nghi tối thiểu. Vậy mà dưới mắt anh ta thì chỗ anh ta nằm chính lại là tổ ấm mà chỉ mình anh ta cảm nhận được.
Cho nên nhà là nơi mà ta có được cảm giác an bình hoặc hơn nữa là nơi ta bắt gặp và tìm thấy hạnh phúc.
Căn nhà cũng là nơi ta nhận ra ánh sáng quen thuộc như sáng ban mai lọt qua cửa sổ, ánh chiều tà chiếu xiên khoai qua các tàng cây lá, màn đêm buông xuống – bức màn đêm đen tối – nhưng lại là thứ ánh sáng an bình đồng lõa như vỗ về ru giấc ngủ an lành.
Nhưng nếu trong nhà mà những người cư ngụ trong nhà tranh cãi bất đồng thì căn nhà có thể biến thành nơi tù đầy con người.
Nói như thế, không gian lưu đầy con người có thể ở trong tù mà cũng có thể ở ngoài tù. Trần Đức Thảo không đi tù – lúc nào cũng ở ngoài tù – vậy mà cuộc đời ông khổn khổ, bị vây hãm, bị rình rập đến nửa điên, nửa khùng. Lúc nào ông cũng bị ám ảnh là có người theo dõi, rình rập ông.
Không gian lưu đầy Trần Đức Thảo chính là không gian ngoài nhà tù – là một thứ nhà tù lớn.
Trong thời gian Nguyễn Chí Thiện được thả ra khỏi tù. Ông chỉ cần một chỗ để viết ra giấy, ông cũng không có. Ở Hải Phòng thì công an có thể vào khám xét bất cức lúc nào. Mang tập thơ đó lên Hà Nội thì có thể bị khám xét bất ngờ. Ông đành quyết định lên Hà Nội ở nhờ nhà một đứa cháu – vì nó ở một khu an toàn – không sợ bị khám xét, và nhờ thế tập thơ Hoa Địa Ngục lân đầu tiên viết trên giấy và sau đó có cơ hội để ông chuyển ra nước ngoài qua tòa đại sứ Anh.
Hai lần vào tù – thơ ông đều làm trong đầu – và bị bắt giam tù. Vậy thì chỗ nào là an toàn – chỗ nào là nơi cón người có thể sống an toàn?
Câu trả lời chính đó là hoàn cảnh lưu đầy trên chính quê hương. Không có chỗ nào là nhà, không có chỗ nào để về, không có chỗ nào là an toàn, không có nơi trú ngụ nào để con người có thể sống kiếp con người có quyền sống, quyền suy nghĩ, quyền làm thơ.
Hội chứng lưu đầy ấy còn bám theo Nguyễn Chí Thiện khi ông đã ra được nước ngoài – lúc đã sống trên đất Mỹ.
Tôi nhớ lại, có thời gian anh Nguyễn Chí Thiện còn ở chung nhà với Phan Nhật Nam. Anh sống như một người khách xa lạ – ngại tiếp xúc với xóm giềng – ngại ngay cả chào hỏi.
Anh mang một tâm sự gì không ai biết.
Anh thường đi bộ chung quanh khu chung cư. Từ hình dáng đến phong thái của anh, đi khá chậm rãi, hầu như không nhìn ai, không quan tâm đến bất cứ sự việc chung quanh.
Hình như anh đang ở một thế giới nào khác.
Có một điều gì đó làm người nhìn anh thấy có một chút ái ngại. Anh như cái bóng thời gian còn sót lại, lững lờ đi giữa thế giới người. Cuộc sống lưu đầy trong địa ngục trần gian như những hội chứng không xóa được, còn bám theo anh.
Anh vẫn không thoát ra khỏi những ám ảnh hãi hùng của 27 năm tù đầy chăng?
Một cái gì như lạc lõng giữa cuộc đời.
Anh như chẳng thèm nhìn ai. Thấy cũng buồn.
Sự lưu đầy ấy trở thành định mệnh đời anh, mặc dầu anh đã sống thoải mái tự do trên đất Mỹ.
Có thể nói anh là người không cô độc vì vây quanh có nhiều người, nhiều bạn bè quý mến anh. Nhưng anh vẫn cô đơn giữa cuộc đời.
Đó phải chăng là hội chứng sau những năm tù đã tàn phá cuộc đời anh? Tâm lý bạn bè thương mến anh thường là muốn nhìn anh như một một người bình thường về mọi mặt. Và không mấy ai để ý đến yếu tố đời sống tâm linh của anh.
Nhưng thực tế phải khẳng định rằng không một người tù nào bị giam cầm dưới chế độ cộng sản khi lúc ra tù còn bình thường được nữa. 300.000 tù nhân đi học tập cải tạo chắc họ hiểu rõ điều đó. Nhiều người tránh không muốn nhắc lại điều này. Bóng quá khứ đổ chụp lên những ngày còn lại của cuộc đời họ.
Ngay những người dù ở ngoài nhà tù mà bị theo dõi, tra vấn, canh gác cũng để lại những hậu quả tinh thần như những vết thương không bao giờ lành lặn.
Tôi nghĩ rằng, việc tù đầy chẳng những đã tàn phá thể xác anh Nguyễn Chí Thiện, nhưng nó cũng làm anh trở thành một con người về phương diện tinh thần không như trước nữa.
Tôi đã tìm đọc các bài viết về anh, các cuộc phỏng vấn đủ loại, hầu như ít ai để ý hoặc muốn nhắc đến cái sức khỏe tinh thần của anh cả.
Chỉ trừ trường hợp anh Trần Phong Vũ đã tiết lộ nỗi buồn của Nguyễn Chí Thiện trong một buổi tối, sau bữa cơm chiều, ngồi ở bãi biển và được anh Nguyễn Chí Thiện cởi bầu tâm sự.
Anh có một nỗi buồn sâu xa thể hiện ngay trên khuôn mặt, trong giọng nói, trong cách nhìn cuộc đời.
Việc ra hải ngoại tưởng như có thể giải tỏa cho anh khỏi những nỗi buồn ấy. Anh tâm sự là anh đã lầm. Nỗi buồn vẫn còn đó cho đến lúc anh lìa khỏi cõi đời.
Tôi không dám suy đoán cũng như giải mã nỗi buồn ấy.
Nhưng chỉ biết là cuộc đời anh không vui. 27 năm tù đã tàn phá tất cả. Phải nhìn nhận như thế. Anh không phải gỗ đá. Anh chưa dở điên, dở khùng cũng là điều may rồi. Nhờ đó, anh đã có dịp đi đây đi đó nói chuyện giúp cho mọi người thực sự hiểu được sự tàn bạo của cộng sản.
Nếu chỉ như thế đủ cho mọi người chúng ta có một lời tạ ơn anh, tạ ơn trời đã cho anh còn đủ minh mẫn trong suốt những năm tháng ở hải ngoại.
Thật vậy nhìn lại cuộc đời anh Nguyễn Chí Thiện với 27 năm tù trong địa ngục trần gian. 27 năm tù không phải chỉ là con số trừu tượng. 27 năm ấy, anh đã trả bằng xương máu, bằng cả tuổi trẻ đời một người và tương lai một con người.
Thật là một giá quá đắt. Nhiều khi chính anh cũng không hiểu đầy đủ là anh tiêp tục trả món nợ tù đầy như một kiếp người.
Theo tôi, ngay những năm đầu bị tù đầy, anh đã tự tìm cho mình một lối thoát, một sự ‘bận rộn’ cần thiết để có thể sống còn.
Đó là làm thơ. Làm xong cố gắng nhập tâm, thuộc lòng từng bài. Không phải dăm bài, không phải trăm bài mà mấy trăm bài. Cái đầu chỉ là kho chứa thơ và không có gì khác nữa.
Đêm ngày, anh nghĩ đến làm thơ – không có phương tiện viết ra giấy, và dù có cũng không dám viết ra. Ngày đêm chỉ đọc nhẩm trong đầu đến thuộc lòng tích lũy lại đến 400 bài thơ. Thật ra theo ông Nguyễn Ngọc Quỳ, người dịch tác phẩm Hoa Địa ngục ra tiếng Pháp, số bài thơ là 800.
Tôi ngồi nghĩ, làm sao có thể làm đến 800 bài thơ – không viết ra giấy – chỉ có trong đầu? Làm sao có thể có loại trí nhớ như thế? Làm sao sống sót sau 27 năm tù và còn thuộc được những bài thơ chỉ ghi bằng trí nhớ?
Mỗi bài thơ là một bản cáo trạng. Mỗi bài thờ dù ngắn – dù dài đều thể hiện sự căm thù cộng sản.
Tình cảnh lưu đầy này đưa đến một cách tất yếu là sự cô đơn một mình.
Đây là một sự tranh đấu hoàn toàn cô độc, tranh đấu nội tâm với một kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Cuộc tranh đấu giữa một con người với cả một chế độ, với cả một guồng mày cai trị của đảng. Những câu thơ của anh đạt tới sự kết tinh, nén chặt không ai khác có thể làm được.
Nếu so với các người bất đồng chính kiến hiện nay có nhiều cơ may được sự hỗ trợ từ bên ngoài thì sự khác biệt – giữa thời NCT và họ – là một trời một vực.
Thơ trong tù của anh trước hết là để giải tỏa niềm cô đơn và tránh cho anh khỏi rơi vào tình trạng: tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Anh còn sống sót đến ngày hôm nay và dâng hiến cho đời những vần thơ từ đáy ngục ấy cũng chính là nhờ những câu thơ.
Thơ nâng đỡ anh và vực anh dậy.
Không có thơ ấy, anh không sống được đến ngày hôm nay và giả dụ còn sống sót đến ngày hôm nay cũng không còn ra người.
Người Việt hải ngoại, dư luận thế giới hình như chỉ muốn nhắc tới những lời thơ tranh đấu với những câu thơ cực đắt với một cái đầu cực tỉnh của anh.
Họ thương mến anh và nghĩ như thế.
Bài nói chuyện của tôi chủ yếu hướng về những năm tháng tù đầy, cảm nghiệm từ bên trong cuộc sống lưu đầy của một người tù bất hạnh của anh như một nén hương tưởng niệm và mong linh hồn anh được thanh thoát trên cõi trời.
Tôi nhìn lại những năm tháng tù đầy của anh với một sự bất nhẫn không tả được đối với chế độ cộng sản bạo tàn.
Thật vậy, câu chuyện của anh kể về những khởi đầu cho một nỗi bất hạnh tù đầy thật quá là tầm thường.
Nó chỉ hiểu được trong một chế độ bất nhân, chà đạp trên phẩm giá con người.
Vậy mà nó đả trở thành bi kịch đời anh.
Anh dạy thay thế cho một người bạn dạy môn sử trong một lớp học bổ túc văn hóa cho cán bộ. Thay vì dạy y như trong sách, anh nói theo sự thật anh đọc được. Người Nhật thua trận trong thế chiến hai không phải vì hồng quân Liên Xô, nhưng vì hai quả bom được bỏ xuống đất Nhật.
Nhật đã chỉ đầu hàng người Mỹ. Chỉ có vậy.
Ít lâu sau, anh bị ra tòa với bản án hai năm tù. Nhưng cuối cùng kéo dài đến 5 năm.
Trong tù anh làm thơ. Ra khỏi tù, anh tiếp tục làm thơ.
Và nếu như những tù nhân khác. Anh sẽ tởn đến già tránh xa thơ với thẩn, tránh xa mọi nỗi hiểm nguy bị bắt lại.
Nhiều người đã làm như thế để sống còn. Vũ Thư Hiên quên hẳn chuyện viết lách và xoay qua câu chuyện buôn bán kiếm sống .
Nhưng mục đích chính là để tránh xa cảnh tù tội một lần nữa.
Vậy mà riêng NCT vẫn bám lấy sống chết với nó. Trong tù, thơ đã giúp anh tồn tại. Thì nay vì thơ, anh vào tù lần nữa. Bị tù lần thứ hai.
Tôi nghĩ rằng thơ đối với anh là vũ khí duy nhất anh có được để đối đầu với kẻ thù của anh.
Và chính nhờ đó theo như nhận xét của Vũ Thư Hiên, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là ngòi bút không bị bẽ gẫy.
Cộng sản đã hành hạ, đã thắng anh về sự tàn tạ thể xác, ngay cả héo úa rã rời tinh thần. Nhưng chưa bao giờ họ thắng được con người – nhân cách NCT.
Ngòi bút của anh chưa một lần bị bẻ gẫy
Nhưng thơ làm anh ‘bận rộn’, đầu óc lúc nào cũng hoạt động không ngừng và nhờ đó anh giữ được sự cân bằng, không rơi vào tình trạng khắc khoải – hy vọng – chờ đợi – những tâm trạng trồi sụt – những lúc vui buồn lẫn lộn – những mơ ước hoang tưởng – rồi rơi vào tuyệt vọng và gục ngã.
Điều thứ hai, nhiều ngươi bị tù còn vướng bận vợ con bên ngoài nên có thể làm bất cứ điều gì để mau chóng được về với gia đình.
Anh Thiện độc thân. Đó là một lợi thế của người đi tù.
Ra tù năm 1977, theo anh Vũ Thư Hiên, từ ga Trần Quý Cáp, anh tới thẳng nhà Vũ Thư Hiên, ăn với Vũ Thư Hiên một bữa cơm rồi mới về Hải Phòng.
Cũng theo anh Vũ Thư Hiên, Nguyễn Chí Thiện vẫn ngơ ngác nhìn đời qua cặp kính trắng, ít nói hơn cả khi ở tù, còn ít cười hơn nữa.
Nguyễn Chí Thiện hoàn toàn thu minh vào nội tâm
Nhận xét của anh Vũ Thư Hiên rất là quan trọng. Nó cho thấy những năm tháng trong tù đã thay đổi cả thể xác đến tâm hồn Nguyễn Chí Thiện.
Lúc ra khỏi tù, như nhiều tù nhân khác. Thân xác anh đã héo mòn, kiệt quệ. Cộng thêm bệnh lao phổi đã có lần ho ra máu. Không hề nghe nói anh có chạy chữa gì trong thời gian này. Ngay khả năng làm một người đàn ông bình thường anh cũng không còn nữa.
Anh gần như một phế nhân.
Anh bất đắc dĩ trọn đời sống độc thân.
Người cầm bút trong chế độ cộng sản Xuân Diệu đã từng nói: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Cùng lắm họ chỉ là người bán chữ nuôi miệng. Nhưng bán chữ không đủ nuôi miệng, nhiều người phải đi bán máu. Một lần bán 200 cc máu thì được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Đó là trường hợp nhà thơ, nhà dịch Dương Tường đạ được nhắc tới trong phần đầu bài.
Tô Hoài kể trong tác phẩm “Chiều Chiều”, ông phải về nông thôn đi thực tế, sáng sáng phải dạy sớm đi hót phân người, mà phải hót đúng phân ruộng của mình. Ông Viết:
“Cục cứt trong ruộng người ta cũng không được đụng vào. Sáng nay thôi, tôi hót phân dưới ruộng, một tên đến sừng sỏ ngay. Con trâu hay thằng người ỉa ruộng tôi làm là phân của nhà tôi, anh lên đường cái mà hót. Luật đất đai đã nói đất đai của nhà nước, thằng cha lạc hậu thế mà mình phải chịu.”
Nhà văn, người cầm bút trong chế độ xã hội chủ nghĩa có thể khổ đến thế.
Một người cầm bút dưới chế độ cộng sản tự nó là một điều bất hạnh.
Trước Nguyễn Chí Thiện, đã có bao nhiều người cầm bút có số phận lao đao trong chốn lao tù cộng sản. Họ chỉ có một cái tội chung vì họ đã chọn một cái nghề được coi là nguy hiểm, đầy gian truân nhất trong một chế độ Đảng trị: Đó là Nghề cầm bút.
Đúng như nhà văn Dương Thu Hương, tại Hà Nội Ngày 21 tháng 7 năm 1994 đã viết:
“Nghề văn, nói chung là một nghề nguy hiểm.”
Vì thế, không lạ gì khi được trả tự do, Phùng Quán đã trở về quê quán và tự nguyện tránh xa mùi bút mực. Ông xoay ra làm nghề đập đinh, phụ với vợ làm nghề bánh rán kiếm sống qua ngày nuôi ba đứa con.
Tại sao chữ nghĩa lại nguy hiểm đến như thế? Nhất là đối với chế độ cộng sản? Giết người, tham nhũng, trộm cướp là tội trọng hình, nhưng vẫn còn có cơ hội được giảm án, được trở về đời sống dân thường.
Nhưng tội cầm bút là tội phạm trên mọi tội phạm. Nó đeo đuổi hầu như suốt đời và đôi khi chỉ được giảm án với sự can thiệp và áp lực của dư luận quốc tế.
Thật vậy, giả thử nhà thơ Nguyễn Chí Thiện không gửi được 400 bài thơ qua trung gian tòa đại sứ Anh thì số phận ông sẽ ra sao? Nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài thì thử hỏi số phận Trần Đức Thảo – Nguyễn Chí Thiện sẽ ra sao? Đó là câu hỏi đặt ra cho mọi ngưởi – cho chúng ta – ngày hôm nay để cùng suy nghĩ tìm ra câu trả lời.
Và số phận cuộc đời của họ đã trở thành một bi kịch như những kẻ bị lưu đầy trên chính quê hương của mình. Số phận của họ cũng là số phận dành cho những người cầm bút như Nguyễn Hữu Đang, Thụy An.
Phần Nguyễn Chí Thiện chỉ là một thanh niên còn đang tuổi đi học. Đảng sợ gì nơi ông? Vậy mà họ đã đầy đọa ông trong 27 năm trời. Thơ của Nguyễn Chí Thiện trở thành thơ của người có bản lãnh, có nhân cách người tù với một đầu óc cực tỉnh.
Những chi tiết, những hoàn cảnh ông nêu ra trong thơ phải nói là những câu thơ cực đắt.
Nhưng chính trong tình huống cực đoan mà họ đã để cho đời những tác phẩm lớn. Vũ Thư Hiên không trốn khỏi Nga, qua Ba Lan và đến Partis xin tỵ nạn thì làm sao chúng có được tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày.
Hầu như tất cả những bài thơ của Nguyễn Chí Thiện chỉ được đời biết đến đều được in ở Hải Ngoại.
Nghĩ tới Nguyễn Chí Thiện, tôi giữ lại nhận xét, ông là người cầm bút bất khuất mà ngòi bút không bị bẻ gẫy. Ông cũng là nạn nhân số một của cộng sản trong tư thế một người cầm bút bị lưu đầy trên chính quê hương mình.
Tôi xin trích dẫn một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện:
“Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
Mấy chục năm trời bức bách lãng quên
Bao hận thù độc địa dấy lên
Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng
Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng
Kẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chân…”
(Sẽ Có Một Ngày, 1971, trích trong Hoa Địa Ngục.)
Đôi lời kết thúc
Khi tôi viết bài này hình ảnh NCT cứ vật vờ trong ký ức. Tôi đã dành thời gian đi bộ thật nhiều để suy nghĩ. Có lần tôi đã đi bộ vào lúc 10 giờ sáng trong khu nhà con trai tôi hiện đang ở. Đây là thế hệ thứ hai của người Việt mà phần lớn thành công ở xứ người. Nhớ lại ngày nào còn lúi xúi ở những căn nhà thuê, 3 rưỡi – một buồng ngủ – giường nệm, bếp núc đều được các hội thiện nguyện cho hoặc đi nhặt về.
Vậy mà hai chục năm sau mọi sự đã đổi khác.
Nay chúng ở những căn nhà đồ sộ, kiểu biệt thự, giá bạc triệu trở lên. Cỏ đằng trước và sau nhà được thuê cắt xén kỹ càng, những cây cối cũng được chăm sóc cắt tỉa. Nhà nào cũng hai ba xe cộ loại sang. Nếu chúng không may mắn còn ở lại quê nhà. Tôi không thể mường tượng tương lai chúng sẽ như thế nào?
Tại sao họ lại đối xử tồi tệ với con người như thế? Nhiều tại sao lắm.
Đáng lẽ đất nước mình nếu không được như người thì củng được một nửa như thế.
Tôi cũng ước ao một ngày nào đó, dân mình vừa làm – vừa ca hát-với tiếng đàn- tiếng nhạc vang lên – ca múa trong ngày hội như các dân tộc Nam Mỹ.
Ngày nào sẽ vắng những tên công an phường, vắng những bọn lãnh đạo đỏ trên quê hương mình? Để đất nước được tự do, được dân chủ, được no ấm, được ca hát, được nhảy múa, được làm thơ tình.
Đất nước chúng ta ngày hôm nay mất đi ba thứ giao cảm cần có cho cuộc đời này:
• Giao cảm với Trời: Tôn giáo bị chà đạp, cấm đoán, kiểm soát. Chỉ còn lại bọn buôn thần bán thánh, sư cha quốc doanh.
• Giao cảm với thiên nhiên: Chúng lạm dụng, phá hủy môi sinh, môi trường . Trên trời không còn tiếng chim bay, cá dưới nước không có chỗ lội. Thú rừng cạn kiệt. Rừng môi sinh bị khai phá, hủy diệt.
• Giao cảm giữa con người. Đây là thứ giao cảm không có không được. Con người Việt Nam hôm nay ra sao. Đó là một cuộc cạnh tranh sinh tồn như thời nguyên sơ để sống còn.
Và tôi ước mơ, nếu có thể không bao giờ một lần nữa phải đọc thơ Nguyễn Chí Thiện!
Từ đó tôi nghĩ đến đất nước mình mà những thế hệ con tôi- thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt sẽ dần không còn biết đến Việt Nam nữa.
Ít ra hiện tại, người Việt Hải ngoại đã chứng tỏ cho cộng sản Hà Nội biết:
“Chúng tôi có chính nghĩa.”
10 sept 2022
Nguyễn văn Lục