Tưởng niệm hai vị cố vấn của MLNQVN:Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và Bác sĩ Nguyễn Tường Bách

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Lời tưởng niệm hai vị cố vấn của MLNQVN là Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và Bác sĩ Nguyễn Tường Bách do Bác sĩ Lâm Thu Vân đọc trong dịp tiếp tân khai mạc Đại hội MLNQVN vừa rồi:

 
Kính thưa quý vị quan khách!
Kính thưa quý bạn!
 
Thật là một vinh dự lớn lao cho tôi khi được anh chị em trong ban tổ chức buổi lễ này giao cho tôi phụ trách việc, cùng quý bạn, tưởng niệm B.S. Nguyễn Tường Bách và Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện, hai vị cố vấn của MLNQVN vừa qua đời cách nay chỉ vài tháng thôi.
 
Lý do của sự phân công này, tôi đoán, chỉ là lý do tình cảm thôi:  Anh Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Phối Hợp của MLNQVN đã hiểu lòng ngưỡng mộ của tôi đối với hai vị này và sự đau xót của tôi khi tôi không được dự đám tang của cụ Nguyễn Tường Bách và của Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện.  Rồi lễ 49 ngày, 100 ngày, giỗ giáp năm của anh Nguyễn Chí Thiện… tôi không được dự.  Nhưng, tôi tự thấy đã có cái an-ủi hay cái may mắn là đã được gặp hai thần tượng này của tôi chỉ vài tháng trước khi hai vị từ giã cõi đời. Tháng 6 năm 2012, tôi qua Cali để dự nhiều buổi họp khác nhau, và nhân dịp đó, tôi có năn-nỉ anh Nguyễn Bá Tùng làm ơn giúp tôi để tôi được thăm riêng Cụ Nguyễn Tường Bách và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.  Lý do rất giản dị:  đó là 2 thần tượng của tôi từ lâu rồi, hai người cầm đuốc soi đường để tôi neo theo mà cố gắng góp phần mình, phần thật nhỏ của tôi, vào việc tranh đấu cho Nhân Quyền.
 
Tôi nhìn về Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Chí Thiện như một cọng cỏ dại nhìn lên những cây cổ thụ, hay một hạt cát nhìn lên những đỉnh núi của dãy Hi Mã Lạp Sơn.  Vì, đối với tôi, sự nghiệp của con người không phải là tiền-của hay quyền-lực, mà là sự đóng góp của người đó cho phúc-lợi của tập thể, của nhân loại.  Thực vậy, trọn đời niên thiếu, trọn tuổi thanh xuân của hai vị đã cống-hiến cho quê hương, dân tộc.  Phần còn lại của cuộc đời, hai vị đã dừng chân nơi đất Cali này để tiếp tục tranh đấu, theo đuổi lý tưởng đã chọn từ thiếu thời.
 
Trong khuôn khổ của Đại Hội này của MLNQVN, không ai trong chúng ta không bùi ngùi cảm nhận sự vắng mặt của hai thành viên khả kính và thân thương của MLNQ.  Từ khi Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện và B.S. Nguyễn Tường Bách qua đời, đã có bao nhiêu dịp cho các anh chị em chúng ta và các hội đoàn khắp nơi nhắc đến tiểu sử và công nghiệp của hai vị ấy.  Vì thế, hôm nay tôi xin phép khỏi nhắc đến những gì đã được nhắc nhiều rồi, và xin đề nghị chúng  ta chỉ cùng nhau ghi nhận những bài học từ cuộc đời của hai nhân vật xuất chúng này.
 
Thưa quý bạn! Tôi chỉ được gặp B.S. Nguyễn Tường Bách vỏn vẹn có 4 lần.  Cảm tưởng đầu tiên của tôi:  đây là một người rất bình dị, khiêm tốn, nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng trách nhiệm đối với số phận của dân tộc mình.  Đó là một điều đáng quý vô cùng!  Nhưng sau khi đọc quyển sách “Việt Nam, một thế kỷ qua” của Nguyễn Tường Bách, tôi bị choáng váng trước những khám phá về quá khứ của con người bình dị ấy:  chẳng những đây là một nhân-chứng của lịch sử mà đồng thời cũng là một thành viên của nhiều tổ chức cách mạng, văn hóa, xã hội, trong buổi giao thời giữa thời kỳ Pháp thuộc và cái gọi là “Độc Lập” của Việt Nam do Việt Minh dựng lên.
 
Bước vào tuổi đôi mươi trong bối cảnh rối ren, phức tạp của đất nước vào năm 1939, người trí-thức yêu nước Nguyễn Tường Bách và các đồng chí của ông đã lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch”, vừa chống Pháp dành độc lập cho Việt Nam, vừa đương đầu với sự thanh toán ám muội của Việt Minh (tức là Cộng Sản Việt Nam) đối với các đảng phái không phải Cộng Sản.
 
Xin trích ra đây vài câu tâm tình của Nguyễn Tường Bách:
” Không ai ngờ được là từ một nhà báo, một bác sĩ, thời cuộc đã xô đẩy tôi nghiễm nhiên đóng vai người chỉ huy cả văn lẫn võ, rồi lại dẫn một cuộc trường chinh gian truân và sôi nổi.”
    (Lúc đó Nguyễn Tường Bách chưa đầy 30 tuổi)
 
Ở một đoạn khác, Nguyễn Tường Bách viết:
” Với lòng bồng bột của tuổi trẻ, người ta thường dám dấn thân và mạo hiểm… Giá trị con người chính là chỗ biết dấn thân, biết hy sinh, dù có thất bại.”
 
Thưa các bạn! Tuổi trẻ ở thời điểm 1939-1946 đã theo gương ai mà dấn thân vì nước, vì dân như thế?  Xin nghe Nguyễn Tường Bách nói ở một đoạn khác:
” Cuộc khởi nghĩa Yên Bái oanh liệt đã bị bọn thực dân Pháp đàn áp một cách tàn bạo, dã man.  Không ai có thể quên, cũng không có quyền quên, những tấm gương quật cường và hy sinh của bao anh hùng liệt-sĩ vì dân, vì nước.”
 
Thưa quý bạn!  Nguyễn Tường Bách có những tấm gương để theo như Nguyễn Thái Học, Cô Bắc, Cô Giang, đồng thời ông được sự dìu dắt của Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Hoàng Đạo và các bậc đàn anh khác trong Tự Lực Văn Đoàn và Việt Nam Quốc Dân Đảng.  Như vậy, dù trải qua nhiều gian khổ, Nguyễn Tường Bách có được cái diễm phúc là hoạt động có tổ chức, có anh em đồng chí, đồng đội.
 
Trái lại, Nguyễn Chí Thiện ra đời gần 20 năm sau, đơn độc chiến đấu, một mình chống độc tài, chống sự gian trá và sự tàn bạo của guồng máy Cộng Sản Việt Nam.  Vũ khí của Nguyễn Chí Thiện là gì?
– chỉ là mấy trăm bài thơ “Hoa Địa Ngục” và sức chịu đựng phi thường trong 27 năm tù khắc nghiệt.  Dù cuộc đời tan nát, Nguyễn Chí Thiện không đầu hàng kẻ ác.  Bài thơ sau đây gần như ai cũng biết:
 
“Trong cuộc trường chinh đọ sức với lao tù
Tôi chỉ có lời thơ ấp ủ
và hai lá phổi gầy sơ.
Để đánh kẻ thù, tôi không được hèn ngu.
Để thắng kẻ thù, tôi phải sống thiên thu.”
………………………………………………….
 
“Thơ vẫn đó
biến trái tim thành kính chiếu yêu
nhận rõ nguyên hình Cộng Sản
Tất cả sẽ suy tàn, sức thơ vô hạn
thắng không gian và thắng cả thời gian.”
 
Đó là lời của một chiến sĩ khi ra trận, đơn thân độc mã.  Nhưng trong cuộc sống hằng ngày, Nguyễn Chí Thiện không đơn độc, Nguyễn Chí Thiện có rất nhiều bạn, bạn thơ và bạn tù.  Và anh rất trân-quý tình bạn.  Tôi đã khám phá ra nét đẹp này trong tâm hồn anh khi anh thình lình giao cho tôi một công việc rất đặc biệt và rất khó đối với khả năng của tôi:  anh Thiện nhờ tôi xuất bản, càng sớm càng tốt, toàn bộ tác phẩm của Phùng Cung, tức là những truyện ngắn mà Phùng Cung đã sáng tác từ 1954, trước khi bị tù 12 năm của Cộng Sản Việt Nam, và các bài thơ “Trăng Ngọc” sáng tác trong tù.  Những tác phẩm này đã được Phùng Cung giấu kỹ cho đến chết, chưa bao giờ được ra mắt độc giả.  Nguyễn Chí Thiện đã hứa với Phùng Cung là sẽ tìm cách tung ra ở hải ngoại những sáng tác của Phùng Cung.  Là một trong những văn sĩ trong nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm nạn nhân của cuộc đàn áp văn nghệ sĩ của Cộng Sản Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Phùng Cung là bạn tù và bạn thơ của Nguyễn Chí Thiện.
 
Thưa quý vị!  Từ khi định cư ở Hoa Kỳ từ 1995, năm nào thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cũng gởi tiền về cho các bạn tù của anh ở Việt Nam, hoặc cho gia đình của các người bạn đó, dù cho người bạn anh đã qua đời, như Phùng Cung, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang.  Lần chót tôi gặp Nguyễn Chí Thiện, độ 4 tháng trước khi anh qua đời, anh còn giao cho tôi một số tiền để tôi gửi về Việt Nam cho gia đình của một bạn tù đã qua đời cách nay hơn 15 năm.  Lắm lúc, khi nghe ai đó phao lên rằng Nguyễn Chí Thiện này là Nguyễn Chí Thiện giả, tôi tự hỏi:  “có bao giờ những kẻ càn rỡ này biết rằng một Nguyễn Chí Thiện giả không thể nào tiếp tục cưu mang, giúp đỡ các bạn tù trong nước như vậy, suốt mười mấy năm trời, đến khi nhắm mắt lìa đời không?,,”
 
Thưa quý bạn,
Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Chí Thiện là hai tấm gương hi sinh đời mình để phục vụ cho dân tộc mình, suốt đời trung thành với lý tưởng vì dân, vì nước.
 
Tôi tin rằng, hiện giờ, nơi đây, trong buổi họp mặt này của anh chị em chúng ta, có sự chứng kiến linh thiêng của hai vị tiền bối Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Chí Thiện.  Và hương linh của hai vị đang chứng giám cho tấm lòng của anh chị em chúng ta cương quyết theo gương của hai vị, hết lòng tranh đấu cho Nhân Quyền, tự do, dân chủ cho đồng bào tại Việt Nam, tranh đấu bền bỉ để đem lại thành quả, một ngày không xa.
 
Phải có ngày đó!

Sẽ có ngày đó!  như Nguyễn Chí Thiện đã nói trong bài thơ “Sẽ có một ngày” mà ai cũng thuộc.