TƯỞNG NIỆM DANH CA THÁI THANH (1934-2020) – Biên soạn: Phan Anh Dũng

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tối thứ ba 17 tháng 3, 2020 tôi nhận được email của MC Trần Quốc Bảo ở California thông báo tin nữ danh ca Thái Thanh đã qua đời, hưởng thọ 86 tuổi. Sau đó, được tin tới tấp từ thân hữu khắp nơi, chứng tỏ bà Thái Thanh vẫn được nhiều người mến mộ.
 
Bà ra đi trong lúc dịch cúm Covid-19 đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Ở Hoa Kỳ có lệnh cấm tụ tập đông người, có lẽ vì thế nên Cáo phó từ gia đình Thái Thanh cũng phải xin “miễn tham dự chia buồn, an táng và phúng viếng … chỉ xin mọi người góp lời cầu nguyện cho Bà “.
 
Trong 10 năm trở lại, thỉnh thoảng có chút tin về bà Thái Thanh, sức khỏe yếu đi nhiều và trí nhớ bắt đầu có vấn đề … gia đình cho người ái mộ xem vài video clips khi tổ chức sinh nhật hay khi bà tham dự hoạt động nào đó bên ngoài.
 
Tôi nhớ lại kỷ niệm khi ông bà ngoại và bố mẹ tôi di cư vào Sài Gòn năm 1954 và mua một căn nhà trong hẻm 121 đường Ngô Tùng Châu (bây giờ là đường Lê thị Riêng), giữa ngã sáu Phù Đổng và nhà thờ Huyện Sĩ/trường Nguyễn Bá Tòng. Ngày nào tôi cũng đi ngang qua căn nhà khang trang một từng của Thái Thanh, ở khoảng giữa hẻm 121. Lúc đó Thái Thanh còn sống chung với tài tử Lê Quỳnh, ông là sĩ quan Không Quân của QLVNCH nên phía trước nhà có đậu một xe Jeep! Ý Lan, con gái đầu lòng của Thái Thanh thường hay đến nhà chơi với mấy cô em tôi. Sau này, ca sĩ Mai Hương cho tôi biết lúc mới di cư cũng ở căn nhà đó một thời gian. (Mai Hương là con ông bà Phạm Đình Sỹ & Kiều Hạnh. Ông Sỹ là anh ruột của Hoài Trung Phạm Đình Viêm, Hoài Bắc Phạm Đình Chương,Thái Hằng Phạm Thị Băng Thái và Thái Thanh Phạm Thị Băng Thanh).
Thật ra tôi không nghe Thái Thanh hát nhiều trước 1975 vì lúc còn trung học lại thích nét nhạc “trẻ” và những giọng ca khác. Tuy nhiên, khi đi du học, tôi không nhớ ai đã tặng cho băng cassette Tơ Vàng 4 – Thái Thanh, Tiếng hát vượt thời gian“. Mùa Đông đầu tiên ở miền bắc Hoa Kỳ, nằm trong nội trú nghe Thái Thanh hát ĐÊM CUỐI CÙNG (Phạm Đình Chương) và TÔI ĐANG MƠ GIẤC MỘNG DÀI (Phạm Duy) thì thật là não nề và nhớ nhà đến khóc được! Sau này, càng lớn tuổi thì tôi lại càng mến phục giọng ca đẹp vượt thời gian của Bà …
 
Tôi đồng ý với anh Vương Trùng Dương và nhiều thân hữu yêu nhạc là Thái Thanh hát rất điêu luyện không những về kỹ thuật mà còn rất tình cảm, làm thăng hoa bản nhạc. Tuy có thiên phú về âm nhạc, tôi thiết nghĩ bà cũng phải tập luyện trước khi trình bày một bản nhạc, dù mới hay cũ, dù là nhạc của Phạm Duy mà bà được tác giả và giới thưởng ngoạn không tiếc lời khen hay là nhạc của người khác – mà có lẽ bà chỉ hát một vài lần trong đời ca hát như ĐÊM BUỒN của Hoàng Thi Thơ, MẤY DẶM SƠN KHÊ của Nguyễn Văn Đông hay EM ĐÃ QUÊN MÙA THU của Nam Lộc &Tùng Giang …
 
Thay mặt Cơ Sở Cỏ Thơm và thân hữu yêu nhạc vùng Hoa Thịnh Đốn, chân thành cảm ơn danh ca Thái Thanh đã dâng hiến tiếng ca tuyệt diệu cho tân nhạc Việt Nam qua nhiều thập niên. Thành kính gởi lời chia buồn đến đại gia đình của danh ca Thái Thanh. Cầu mong hương linh Bà sớm về Cõi Niết Bàn.
 
Phan Anh Dũng
Rockville, Maryland – 19 tháng 3, 2020
                              

 

                  

 

Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những địa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc.” – Ca sĩ Thái Thanh

                                          

 

                                     THÁI THANH hát TÌNH CA” (Phạm Duy) – thu âm trước 1975

 

                            

                           

                                                           Một số hình ảnh

                                      

             Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Thái Thanh Phạm Thị Băng Thanh, Hoài Trung Phạm Đình Viêm

                                     

                                               

                        

                    

               Đứng: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Phạm Đình Viêm / Ngồi: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh          

                       

                                              Phòng trà Đêm Mầu Hồng – Sài Gòn

                                     

                                 

                                       

Thái Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc chụp với văn nghệ sĩ  trong đó có Anh Khoa, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Jo Marcel, Elvis Phương, Ngọc Hoài Phương, Nguyễn Ngọc Bích …

 

                                                                HÌNH LỚN 

 

                                            

                                                 Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh

 

          

    

                      Băng Nhạc TƠ VÀNG 4 – Thái Thanh Tiếng Hát Vượt Thời Gian (Youtube)

                                            Thái Thanh giới thiệu băng nhạc (mp3)

 

Danh ca Thái Thanh ra đi, gởi lại “Tiếng Hát Vượt Thời Gian & Không Gian”
                                             ** Vương Trùng Dương **

                                            

Nữ danh ca Thái Thanh qua đời vào 11 giờ 50 phút ngày 17/3/2020 tại Orange County, California, hưởng thọ 86 tuổi.

Nữ danh ca Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh), sinh ra và trưởng thành trong đại gia đình gắn liền với âm nhạc Việt Nam trong nhiều thập niên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Hoài Trung… và thế hệ thứ hai.

Với giọng ca thiên phú và được tập luyện cùng người thân trong gia đình, năm 14 tuổi đã khởi nghiệp tiếng hát (Băng Thanh) và năm 17 tuổi đổi lại Thái Thanh khi vào Sài Gòn trong ban Thăng Long. Từ đó tên tuổi Thái Thanh đã được nổi tiếng trên Đài phát thanh Pháp-Á (Radio France Asie).
Những ca khúc của người anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy (chồng ca sĩ Thái Hằng) và người anh ruột là nhạc sĩ Phạm Đình Chương (ca sĩ Hoài Bắc) và nhiều ca khúc nổi tiếng với tiếng hát Thái Thanh được mọi người ngưỡng mộ “đệ nhất danh ca” giữa hai thập niên 50, 70.
Trước năm 1975 ở Sài Gòn, nhà văn Mai Thảo gọi danh ca Thái Thanh “Tiếng Hát Vượt Thời Gian” và năm 1971 xuất hiện đĩa nhạc Tơ Vàng 4: Thái Thanh – Tiếng Hát Vượt Thời Gian (1971), Hương Xưa 10: Thái Thanh Tiếng Hát Vượt Thời Gian…

Năm 1985, Thái Thanh định cư ở Hoa Kỳ. Với tên tuổi được ái mộ, danh ca được mời đi lưu diễn nhiều nơi và sau đó Thái Thanh mở lớp dạy hát tại cùng địa điểm dạy nhạc của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi ở Orange County.

Năm 2000 Thái Thanh bị tai biến mạch máu não, năm 2002 tuyên bố giải nghệ, nhưng sau đó vẫn tham gia một số chương trình.

Trải qua nửa thế kỷ, danh ca Thái Thanh gắn liền với lời nhận định đó. Chương trình nhạc thính phòng tại Montréal vào Chủ Nhật 13 tháng 11 năm 2005 “Vinh Danh Thái Thanh: Tiếng Hát Vượt Thời Gian”.
Tiếng hát Thái Thanh được đánh giá là giọng ca tiêu biểu đã ngự trị trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, đĩa than 78 vòng, đĩa nhựa 45 vòng, băng reel của các hãng đĩa, băng nhạc một thời ở miền Nam VN và hiện nay nhờ hệ thống internet còn phổ biến để thưởng thức.

Với nhạc sĩ Phạm Duy qua những tình khúc tiêu biểu: Tình Ca – Tìm Nhau – Tình Hoài Hương – Kiếp Nào Có Yêu Nhau – Nghìn Trùng Xa Cách – Kỷ Vật Cho Em – Ngày Xưa Hoàng Thị – Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà –  Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng – Dòng Sông Xanh (Le Beau Danuble Blue, nhạc J. Strauss) – Dạ Khúc (Serenade) – Mối Tình Xa Xưa (Serenade) – Chiều Tà (Serenata) lời Việt của Phạm Duy…

Với nhạc sĩ Phạm Đình Chương: Đôi Mắt Người Sơn Tây – Ô Mê Ly – Đêm Màu Hồng – Nửa Hồn Thương Đau – Người Đi Qua Đời Tôi – Đêm Cuối Cùng – Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn…

Ngoài ra, những ca khúc của nhiều nhạc với còn lưu lại với tiếng hát Thái Thanh:
Hòn Vọng Phu 1-2-3 (Lê Thương)
Thiên Thai – Buồn Tàn Thu – Đàn Chim Việt (Văn Cao)
Tình Nghệ Sĩ – Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay (Đoàn Chuẩn)
Đêm Thu – Giọt Mưa Thu – Con Thuyền Không Bến (Đặng Thế Phong)
Ave Maria (nhạc Franz Schubert, lời Việt Nguyễn Văn Đông) – Mấy Dặm Sơn Khê (Nguyễn Văn Đông)
Trở Về Dĩ Vãng (Lâm Tuyền)
Thuở Ấy Yêu Nhau (Hoàng Nguyên)
Bóng Người Đi – Các Anh Đi – Tiếng Dương Cầm (Văn Phụng)
Ngàn Thu Áo Tím (Hoàng Trọng)
Gởi Về Anh (Đỗ Thu)
Chiều Biên Khu (Tuấn Khanh)
Ngọc Lan – Tiếng Xưa (Dương Thiệu Tước)
Hoài Cảm (Cung Tiến)
Đường Xưa Lối Cũ (Hoàng Thi Thơ)
Em Gắng Chờ (Huỳnh Anh)
Mùa Thu Không Trở Lại (Phạm Trọng Cầu)
Paris Có Gì Lạ Không Em – Tuổi Mười Ba (Ngô Thụy Miên)…

*

Về cuộc tình, trên đài danh vọng của danh ca nhưng cuộc tình cũng lận đận. Với mối tình cùng tài tử Lê Quỳnh chung sống với nhau được 9 năm (1956 – 1965) thì gãy gánh, sau khi đã có với nhau 5 mặt con, trong đó có ca sĩ Ý Lan và Quỳnh Hương. Thuở đó báo chí Sài Gòn xôn xao với “đệ tam nhân” là nhà văn nên Lê Quỳnh nổi giận đánh ghen Mai Thảo. Sau đó Lê Quỳnh muốn nối lại tình xưa nhưng bị khước từ, tuy nhiên vẫn giữ nghĩa với nhau “tình bạn” chăm sóc con cái.

Thái Thanh thành hôn với nghị viên hội đồng Đô Thành Sài Gòn Trần Quý Phong, chủ khách sạn Catinat. Phòng trà Đêm Màu Hồng của ban hợp ca Thăng Long, độc quyền vào đầu thập niên 1970. (Sau tháng Tư năm 1975 ông Trần Quý Phong bị đi tù và khách sạn Catinat bị tịch thu). Những người năm cũ đã ra người thiên cổ!

Về nhân cách sống, danh ca Thái Thanh được mọi người quý mến từ những người cùng sinh hoạt trong làng ca nhạc và độc giả bốn phương với ca sĩ thành danh nhưng tế nhị, hiền hòa, cởi mở, vui vẻ…
Danh ca Thái Thanh đã vĩnh viễn ra đi nhưng tiếng hát vẫn vượt thời gian và không gian. Tiếng hát vẫn còn đó với những bản tình ca bất hủ.
Điều đáng tiếc vì tình trạng nguy hiểm Covid-19, ban bố cấm tụ tập nên mọi người ái mộ nữ danh ca quá cố không đến nghĩa trang tiễn biệt lần cuối! (trong phần Cáo Phó có đề cập: gửi lời cầu nguyện được an nghỉ trong yên lành).

Little Saigon, March 17, 2020
Vương Trùng Dương

 

 

Tốt tươi và phơi phới, bay bổng và cao vút, tiếng hát Thái Thanh (…) là một hơi thở bình minh, ở đó không có một dấu vết nhỏ của tháng năm và quá khứ đè nặng.

Nhà văn Mai Thảo

Thái Thanh, ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tê buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống.

Nhà phê bình Thụy Khuê


Giọng Thái Thanh đặc biệt hợp với dân ca. Người ca sĩ sở hữu giọng ca thướt tha và da diết vô cùng; thướt tha như khi hát Nụ tầm xuân và da diết như khi hát Mùa đông binh sĩ (đều của Phạm Duy).

Nếu so sánh với một ca sĩ khác là Hà Thanh (cũng rất đặc sắc của Việt Nam và của Huế, đã rời chúng ta mấy năm trước) sẽ thấy cả Thái Thanh lẫn Hà Thanh đều có điểm tương đồng nhất định ở sự thướt tha và mượt mà. Tuy nhiên, chất da diết riêng Thái Thanh sở hữu. Trời đang lạnh nghe Thái Thanh sẽ thấy lạnh thêm; đang nhớ nhung ai nghe Thái Thanh thì nhớ nhiều hơn nữa…

Tôi hân hạnh gặp Thái Thanh cùng con gái là ca sĩ Ý Lan khi sang Pháp năm 1989. Qua trao đổi, tôi nhận thấy bà rất có tư cách, rất nhẹ nhàng, ít nói và rất tinh tế. Lần ấy, tôi đã bày tỏ sự cảm phục và ngưỡng mộ của mình đối với người ca sĩ rất đỗi tài danh.

Khi nghe tin Thái Thanh mất, dù đã chuẩn bị tâm thế đón nhận thông tin này từ khá lâu vì bà bị bệnh và lớn tuổi, nhưng tôi vẫn rất xúc động. Đây là một thiệt thòi lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.

Nhà văn, dịch giả Bửu Ý

“….Rồi mấy tuần sau đó, tại đường Doudeauville Ba Lê, họp mặt với các bạn sinh viên bên đó, tôi được vặn cho nghe vài bản nhạc Việt Nam của ban Thăng Long trình diễn. Và trong một giây phút nào đó, nghe giọng cô Thái Thanh, tôi bỗng thấy hiện ra rõ rệt tất cả những cordes vocales nơi cổ họng của cô ca sĩ nổi tiếng mà tôi rất ưa chuộng.

Tôi thấy được hết những hạch tuyến nơi cổ họng, những tế bào, những bộ phận lớn nhỏ đã phụ họa với nhau để phát ra những âm thanh trong, ấm, thanh tao và diệu kỳ kia”.

Trích Nẻo Về của Ý, Thích Nhất Hạnh

Với nhiều ca sĩ, bà là giọng ca thần tượng khó có người thay thế. Còn với ca sĩ Khánh Ly: “Kể ra trên thế giới, diva không nhiều lắm đâu, còn nói tới Việt Nam, nếu có, tôi nghĩ chỉ một người xứng đáng được xưng tụng là diva, đó là cô Thái Thanh”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc người Pháp Georges Etienne Gauthie nhận định trong cuốn Nghĩ về nghệ thuật của Thái Thanh viết năm 1972: “Sau khi nghe nàng hát, có khi chúng ta cảm thấy nơi chính mình một chút bâng khuâng, lúc bấy giờ có lẽ là niềm “nhớ nhung cõi trời” – mà Baudelaire đã nói – dù sao giọng hát Thái Thanh vẫn không phải là giọng u buồn.

Giọng Thái Thanh là một giọng ca hoan lạc, giọng hát của hạnh phúc ca xướng, giọng hát của hạnh phúc nói chung. Hãy nghe nàng vào lúc cao hứng nhất, khi giọng hát của nàng vụt nở như một nụ cười hiền dịu hướng về cõi đời này, hãy chăm chú lắng nghe…

Giọng hát Thái Thanh lúc đó qua từng nhịp thơ và từng nhịp nhạc, như chỉ muốn nói với ta có một lời. Lời nói tình yêu”.

 

 

 

 Băng nhạc SƠN CA 10 – THÁI THANH & BAN THĂNG LONG” – Giám đốc nghệ thuật: NS Nguyễn Văn Đông 

 

 

                   THÁI THANH HÁT Ở TU VIỆN LỘC UYỂN, SAN DIEGO CA 2004:  Youtube

    

 

 

           DANH CA THÁI THANH HÁT Ở TIỆC SINH NHẬT 80 TUỔI NĂM 2014:  NỤ TẦM XUÂN (Phạm Duy)

                                              

                                                          Ý Lan- Thái Thanh – Quỳnh Hương

                                            

                   Ngọc Hân phỏng vấn Ý Lan & Quỳnh Hương về Mẹ Thái Thanh – Tháng 12 2017:  Youtube

 

                                           MỘT SỐ PHÂN ƯU

 

                                             

 

Vĩnh Biệt Nữ Danh Ca Thái Thanh, nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười… Ngày Thứ Ba, 17 tháng 3 năm 2020, một vì sao rực rỡ nhất của nền âm nhạc Việt Nam vừa lịm tắt.
TQB sẽ thực hiện một số báo Tưởng Niệm TIẾNG HÁT THÁI THANH trong số báo Trẻ 544 phát hành cuối tháng 3, kính mong sự đóng góp những kỷ niệm của các ca nhạc sĩ và thân hữu.
Xin gửi bài và lời phân ưu về email: mctranquocbao@yahoo.com

 

                                

TIẾNG HÁT VƯỢT THỜI GIAN ĐÃ LÊN MÂY!

Thưa quý anh chị và các bạn,

Để tưởng nhớ người ca sĩ đàn chị vừa ra đi. Trong niềm nhớ thương và luyến tiếc, kính mời quý anh chị và các bạn nghe lại giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh trong một ca khúc do Nam Lộc và Tùng Giang hợp soạn.

EM ĐÃ QUÊN MÙA THU – https://youtu.be/TQCxGBHphe4

Một kỷ niệm và cũng là niềm hãnh diện mà tôi đã nhận được từ chị.
Vĩnh Biệt chị,

Thành kính chia buồn cùng Ý Lan và các em trong gia đình!
Trường Kỳ & Tùng Giang, sẽ đón chị ở bên kia thế giới!

Nam Lộc

 Rat thuong tiec danh tai Thai Thanh.  Xin thap mot nen nhang cau nguyen huong linh Chi dược an nghi chon an binh.

Xin chia se noi dau buon voi Y Lan, Quynh Huong, Le Viet va toan the gia dinh.  Yeu thuong.
Kieu-Chinh
 (Thái Hằng & Thái Thanh)

CÒN ĐÂY ÂM HƯỞNG THÁI THANH!

Chị đã đi rồi thật vậy sao!
Vẫn nghe trong gió tiếng thì thào
“Ngày Xưa Hoàng Thị” chân chưa mỏi!
“Bến Cũ”, “Biệt Ly” sóng dạt dào…

Lời vọng âm vang bờ thế kỷ…
Giọng huyền ảo chuyển tận ngàn sao
Người đời tặng Chị danh …”bất tử’
Chị mãi còn đây / có đi đâu…(?)

Nao nao trong nỗi buồn xa vắng…
“Đệ Nhất Danh Ca” suốt một thời
Dẫu muốn tách phần riêng… hải ngoại
Di sản chung là Việt Nam… tôi.

*

Oanh vũ một thời không được hót !
Quẩn quanh mò mẫm phiếm dương cầm
Cánh bằng khi cất cao trời lộng
Âm chất nghẹn đầy trào vút dâng…

Sài Gòn ngoái lại buồn vô tận…
Như Hà Nội xưa luống một lần
Đá sỏi còn lưu trên dấu ấn…
Bám theo đời khổ nạn trầm luân!

*

Chờ “Hội Trùng Dương” ngày trở lại…
“Hẹn Hò” năm tháng vẫn không quên
“Người Về” vương vấn bàn chân mỏng
“Dòng Sông Xanh” lạnh buốt con thuyền!

Vần thơ tiễn biệt bằng chân cảm
Hòa khúc ngũ cung Chị giải bày
Làm sao tỏ hết niềm thương tiếc
Bóng phượng về trời lướt cánh bay !…

Hạ Thái
Mar/19/2020
Từ Thung Lũng Hoa Vàng, Cali. – USA

“…” tên vài bài hát nổi bật của Thái Thanh, nhiều lắm!
Tôi thích nghe chị hát bài : Chuyện Tình Buồn” thơ Phạm Văn Bình, Phạm Duy phổ nhạc và
Đưa Em tìm Động Hoa Vàng” thơ Phạm Thiên Thư cũng Phạm Duy phổ nhạc.

 

 

 
 
 

 

 

 

 

 

  

NGHỆ SĨ THƯƠNG TIẾC DANH CA THÁI THANH

Nguồn – https://vnexpress.net/

Khánh Ly, Hương Lan, Phương Dung… ngưỡng mộ giọng hát vượt thời gian và yêu quý tính cách hòa nhã, gần gũi của cố danh ca Thái Thanh.

Nghệ sĩ qua đời ngày 17/3 tại Mỹ, thọ 86 tuổi. Bà là một trong những gương mặt ảnh hưởng sâu sắc nhất trong nền tân nhạc Việt Nam bởi tài năng, tình yêu bền bỉ, trọn vẹn dành cho âm nhạc. Dù hiểu bà qua đời vì tuổi cao, sức yếu, nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ vẫn bàng hoàng.

Khánh Ly viết trên trang cá nhân: “Thế là Ngọn Hải Đăng đã tắt. Tôi chẳng bao giờ quên những ngày tháng được cùng bà cười hát vui đùa tại Sài Gòn êm ả. Bà ngồi giữa chúng tôi gồm Hồng Vân, Ngọc Minh, Lan Ngọc lặng lẽ nghe Hồng Vân kể chuyện tếu. Thỉnh thoảng bà mắng yêu: ‘Chúng mày quá lắm nhé’. Dẫu có kiếp sau cũng chẳng bao giờ tìm lại được những tháng ngày đẹp đẽ ấy nhưng tôi sẽ giữ mãi trong tim hình ảnh Thái Thanh – Ngọn Hải Đăng của riêng tôi!”.

Thập niên 1960, Phương Dung làm chung với Thái Thanh ở phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cả hai là giọng ca độc quyền của phòng trà. Trong mắt bà, đàn chị gần gũi, dễ thương, vui vẻ, sẵn sàng truyền kiến thức, kinh nghiệm cho người đi sau. “Tôi ngưỡng mộ giọng hát cao vút, luyến láy, nhẹ nhàng của chị. Đến nay, tôi chưa thấy giọng ca nào hát bài Tình hoài hương của Phạm Duy hay như Thái Thanh. Chất giọng cao vút, trong veo của chị chạm vào sâu thẳm tâm hồn người nghe”, Phương Dung nói.

Danh ca Hương Lan nói chị may mắn có cơ hội được hát chung phòng trà với Thái Thanh ở Chợ Lớn Sài Gòn trước năm 1975. Do nhỏ tuổi nhất trong số các ca sĩ nổi danh, Hương Lan được được bà cưng chiều. Sau khi Thái Thanh qua Mỹ, chị ít có cơ hội được gặp gỡ trò chuyện, chỉ nắm thông tin về bà qua con gái Ý Lan. “Ý Lan rất gắn bó với mẹ. Sau này, Ý Lan ít khi nhận lời đi hát xa vì lo lắng cho mẹ tuổi già sức yếu. Tôi nuối tiếc khi làng nhạc mất đi giọng ca vượt thời gian như bà”, Hương Lan nói.

Nhạc sĩ Bảo Chấn có ba năm được đệm đàn cho Thái Thanh ở phòng trà Khánh Ly. Theo ông, danh ca là người chỉn chu, khó tính khiến anh rất sợ. Anh thường bị bà mắng và góp ý khi đệm đàn. “Có lần cô Thái Thanh hát bài Bà mẹ Gio Linh (Phạm Duy), tôi đàn không tập trung khiến cô hát không được. Trên sân khấu Thái Thanh nói ngay: ‘Cháu đánh hay lắm, hay là cháu đánh luôn đi để cô đi xuống’ khiến tôi xấu hổ. Nhờ sự khó tính của cô, tôi chững chạc, trưởng thành hơn rất nhiều”, nhạc sĩ kể.

Những nhạc sĩ thế hệ sau luôn dành cho Thái Thanh lòng yêu kính. Ca sĩ Quang Dũng từng có dịp hát chung với danh ca trong một chương trình ở Canada năm 2013. Anh kể thời tiết rất lạnh Thái Thanh vẫn đến sớm nhất dù là người hát cuối cùng. Anh ấn tượng ở bà phong cách người Hà Nội xưa với cốt cách, tiếng nói, dáng đi. “Tôi chưa thấy một nghệ sĩ nào khiến cho cả khán phòng đứng dậy vỗ tay 10 phút mà chưa cần cất tiếng hát hay lời mở đầu. Tôi gần như nín thở khi nghe bà hát”, Quang Dũng cho biết. Anh cũng quý sự hiếu thảo của Ý Lan – người luôn dành nhiều thời gian kề cận, chăm sóc, trò chuyện khi mẹ đau ốm vì tuổi già.

Ca sĩ Đức Tuấn cho biết trên trang cá nhân: “Được gặp và trò chuyện với Cô Thái Thanh là diễm phúc mà thanh niên lứa tụi con mấy ai có được. Cô an nghỉ Cô nhé. Mãi yêu giọng hát của Cô. Một hành trang theo con suốt cuộc đời.

Trong mắt Bằng Kiều, Thái Thanh là một nghệ sĩ hài hước, điệu nghệ, lúc nào cũng toát lên nét sang trọng, quý phái. “Với tôi, danh ca Thái Thanh lúc nào cũng sống mãi với hình ảnh áo dài, tóc trắng. Nửa thập kỷ qua đến giờ, những nhạc phẩm Thái Thanh từng hát, tôi chưa thấy ai có thể so sánh được với bà. Có lẽ nhiều năm sau nữa, làng nhạc cũng khó tìm được. Bà là huyền thoại của nền tân nhạc Việt Nam, thần tượng của biết bao thế hệ”, Bằng Kiều nói.

Ca sĩ Dương Triệu Vũ (sinh năm 1984) cho biết anh nhớ mãi lần được xem Thái Thanh và con gái – Ý Lan – song ca Nụ tầm xuân và Bài ca sao (Phạm Duy) trên sân khấu Thúy Nga ở hải ngoại. “Tôi nhớ mãi cảm giác ‘đứng hình’ của mình khi được trực tiếp nghe, ngắm nhìn hai thần tượng từ nhỏ của mình”, Triệu Vũ nói. Năm 2008, anh có dịp gặp và nói chuyện với danh ca khi cùng Bằng Kiều, Quang Lê, Trần Thái Hòa, Trịnh Lam… hát lại trích đoạn trường ca Con Đường Cái Quan (Phạm Duy). Ngày xưa, bà và ban hợp ca Thăng Long từng thể hiện nhạc phẩm này.

“Bà dù cao tuổi, tóc bạc phơ nhưng khi nghe kể về cách xử lý, ý nghĩa của ca khúc, bà như trẻ hơn 20 tuổi, giọng nói đầy nhiệt huyết. Tôi thấy bà thật đáng yêu. Thái Thanh là một nghệ sĩ không bao giờ già trong tâm hồn. Đam mê ca hát của bà không bao giờ tắt và bà luôn là nguồn cảm hứng lớn cho nghệ sĩ thế hệ sau”, Dương Triệu Vũ nói.

Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Quang Huy viết: “Vĩnh biệt cô Thái Thanh, giọng ca như một bức rèm lả lướt trong cơn gió giữa đêm mịt, những nốt cao nhất được xử lý mềm mại và ngọt như chén rượu ngon chạy đi khắp cơ thể”.

Hàng trăm bạn đọc của VnExpress bày tỏ tình cảm với cố danh ca. Độc giả Hoai Phong viết: “Ngoài truyền thống âm nhạc của gia đình, sự nghiêm túc với nghề, nỗ lực tập luyện và học hỏi đã làm nên tên tuổi của Thái Thanh. Cùng những ca sĩ, nhạc sĩ thời đó, bà đã tạo nên những tấm gương sáng trong làng giải trí mà các nghệ sĩ thời nay không bao giờ có được”.

Tâm Giao

Đức Huy, Ánh Tuyết, Trấn Thành, Lê Tuấn cúi đầu từ biệt danh ca Thái Thanh

Nhạc sĩ Đức Huy nhớ lại: “Bà Thái Thanh là giọng ca được yêu mến của bao nhiêu thế hệ rồi. Tôi được dịp làm việc với bà hồi đầu năm 1990 ở miền Nam California. Ngồi làm việc cùng bà, tôi cảm nhận bà rất chuyên nghiệp và thân thiện. Lần đó, bà đã hát ca khúc ‘Để quên con tim’ của tôi “.

Ca sĩ Ánh Tuyết – người được đặt nhiều hy vọng trong việc kế thừa danh ca Thái Thanh, xúc động nói: “Danh ca như tầm cỡ cô Thái Thanh ai ai cũng kính trọng. Song tới tuổi bà thì chuyện sinh lão bệnh tử khó tránh khỏi, bà ra đi theo quy luật tất yếu nhưng sự kính trọng dành cho bà thì còn mãi – sự kính trọng cao quý nhất.
Trong một cuộc đời rất dài, hãy nhìn lại bà đã để lại những gì! Giọng hát, cách sống của bà sẽ để cho các lớp sau phải học hỏi nhiều. Bà cống hiến thế nào cho nghệ thuật, để rồi nối tiếp đến thế hệ con, cháu bà.
Với tôi hay những ai yêu quý, dõi theo bà, bà ra đi chắc chắn không khỏi gây tiếc nuối, hụt hẫng trong lòng người. Tôi cũng không tránh khỏi quy luật ấy”.

MC Trấn Thành viết về nữ danh ca quá cố: “86 xuân một đời người! Vẻ vang và lộng lẫy chắc cũng đã mệt mỏi, nghỉ ngơi cụ nhé!!! Con cháu kiếp kiếp đời đời vẫn luôn dõi theo hào quang của cụ!

Người đi! Nhưng tâm hồn và tiếng hát vẫn sẽ ở lại, đủ lâu để “về sau, và nhiều năm sau nữa” dân gian vẫn sẽ truyền miệng kể nhau nghe về một huyền thoại lẫy lừng mang 2 tiếng THÁI THANH.

Xin cúi đầu, tay chắp, đặt nhẹ cành hoa tạ từ lên mộ “người hát tình ca” với tất cả lòng biết ơn, để “kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau“.

Và cũng như lời bà đã hát:
“Nước mắt đã buông rơi
Theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa… anh ơi!”

Ca sĩ Lê Tuấn: Chính những lần được xem danh ca biểu diễn đã “ngấm” vào máu và được anh đưa vào bước đường nghệ thuật của mình sau đó. “Tôi nhớ mãi giọng hát cô cất lên Dòng sông xanh là cả khán phòng thật rộn ràng, tưng bừng tạo nơi người nghe sự hưng phấn. Các nhạc công tài nghệ trong ban Shotguns cũng rộn ràng, đắm say theo tiếng hát của cô. Ai ai cũng vỗ tay cho phần kết bài hát. Ngay sau Dòng sông xanh, cô tự giới thiệu ca khúc mới nhất lúc đó của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là Nửa hồn thương đau. Cô nhắm mắt đưa giọng hát dìu khán giả… đi tìm một thoáng hương xưa hay gặp người xưa ước mơ. Cô nức nở, nghẹn ngào ở từng lời, từng chữ trong bài hát và kết bài hát như tiếng khóc lẻ loi một mình. Cô thật xứng danh nữ danh ca số một của Việt Nam mấy mươi năm”.

Ca sĩ Lê Tuấn cũng khẳng định, mỗi khi hát xong, danh ca Thái Thanh rất khó để đi vào trong vì bao nhiêu tiếng ” bis bis” từ khán giả vang lên yêu cầu hát tiếp. Thế là bà ở lại hát Áo anh sứt chỉ đường tà, Bà mẹ Gio Linh, Đôi mắt người Sơn Tây, Kỷ vật cho em… “Tim tôi như bị thắt lại theo những đoạn cô diễn cảm bi ai đến chết ngất và tôi nổi hết da gà ở đoạn nhạc hùng tráng, vỡ òa với từng bài hát để đời ấy. Cũng vì được xem cô biểu diễn mà tôi đã sáng lên một điều là “trong ca phải có diễn ” và diễn bằng nội tâm nhân vật của bài hát. Tôi đã luôn cho rằng mình quá may mắn khi từ nhỏ đã có được ấn tượng hoàn chỉnh khi xem những buổi diễn live xuất thần đang thời phong độ nhất của Diva Thái Thanh. Cô luôn gây ám ảnh cho tôi ngay cả trong giấc mơ tôi được đi xem hát. Cô là tượng đài mà tôi mãi vọng theo khi bước vào nghề ca hát”, Lê Tuấn chia sẻ.
 


Nhạc sĩ Ngô Tín trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt cho rằng, tự thân tiếng hát thôi không đủ, mà điều quan trọng là tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với những bước đi của lịch sử dân tộc Việt thế kỷ XX, từ những ngày kháng chiến, đến khi về Thành, vào Nam hay ra hải ngoại.

Nhạc sĩ Ngô Tín thì phân tích, “Thái Thanh sinh ra trong một gia đình văn nghệ gắn với ban Hợp ca Thăng Long với người anh là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, chị là ca sĩ Thái Hằng [vợ nhạc sĩ Phạm Duy]. Dòng máu văn nghệ như vậy là đã hun đúc ngay từ trong gia đình. Thái Thanh là người chuyên chở dòng nhạc của Phạm Duy, mà những sáng tác của Phạm Duy đã theo những bước đường lịch sử của đất nước, nên tiếng hát Thái Thanh đi theo cùng vận nước là vậy. Cho nên, với tôi, Thái Thanh qua tiếng hát của mình, đã trở thành mẫu người tiêu biểu cho vận nước, một tượng đài, chứ không chỉ bằng tiếng hát đơn thuần không thôi”.

Nhạc sĩ Trần Quang Nam, trong bút đàm với BBC News Tiếng Việt, đồng ý với nhận xét ”khi nghe tin Thái Thanh mất, nhiều người ngậm ngùi không chỉ vì tin bà mất, mà là thương tiếc cho một thời đã qua”.

Nhạc sĩ Trần Quang Nam viết tiếp: “Thái Thanh là một huyền thoại, một hình tượng và là một tiêu chuẩn trong thế giới âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc, đặc biệt là những trường ca của Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Lê Thương… cũng là nhưng di sản của âm nhạc Việt Nam, thì những di sản đó khi đi đến người nghe, đã phải có Thái Thanh ở trong đó!”

“Giọng hát, cuộc đời ca hát của cô chính là một di sản lớn!” – nhạc sĩ 65 tuổi, tác giả ‘Mười năm tình cũ’, cư dân California từ năm 1975, lúc sau này về Việt Nam mở quán cà phê và sinh hoạt văn nghệ, nhấn mạnh.



Nghệ sĩ Kim Cương: “Điều tôi quý trọng ở chị Thái Thanh là đức độ”

Tôi thuộc đàn em của chị Thái Thanh. Từ khi còn ngồi ghế nhà trường tôi đã mê giọng ca của chị.

Đến năm tôi làm giám đốc đoàn hát của má Năm Phỉ, với những suất hát có tăng cường ca nhạc, người đầu tiên tôi mời tham gia là nhóm hợp ca Thăng Long có chị Thái Thanh. Kể từ đó, chị em chúng tôi có thời gian làm việc chung lâu dài.

Điều tôi quý trọng ở chị Thái Thanh là đức độ của chị. Chị sống rất chừng mực, tiến thân bằng tài năng thật sự của mình chứ không dùng bất cứ chiêu trò nào để lăng xê tên tuổi.

Trong những ngày đầu sau 30-4-1975, anh em nghệ sĩ khá hoang mang không biết tình hình đổi mới sẽ như thế nào. Sau đó, được tin thành phố cho các đoàn hát hoạt động lại, đoàn Kim Cương chúng tôi trong những ngày đầu hoạt động lại cũng mời chị Thái Thanh tham gia, tuy nhiên do tình hình sức khỏe nên chị không thể hợp tác tiếp.

Nhưng mọi cuộc vui, tiệc tùng của anh em nghệ sĩ chúng tôi chị đều nhiệt tình tham gia. Tôi nhớ, năm đầu tiên tụi tôi làm tất niên, có phần rút thăm trúng thưởng, tôi đã nói nhỏ nhân viên dành cho chị một bình bông rất đẹp. Chị vui lắm vì thấy trong những ngày đầu khó khăn mà anh em nghệ sĩ vẫn đoàn kết, nỗ lực vượt khó.

Bẵng thời gian sau, chị định cư ở nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc thông qua con gái chị là ca sĩ Ý Lan. Mỗi lần Lan về nước chị đều gởi cho tôi lúc thì gói kẹo, lúc là quyển sách.

Ý Lan nói: “Mẹ nói nhớ cô Kim Cương lắm!” làm tôi vô cùng xúc động và coi Ý Lan như em gái mình. Cách đây 2 năm tôi có sang Mỹ, biết chị Thái Thanh đau nhiều, tôi nói Ý Lan sắp xếp để chị em tôi gặp gỡ.

Lần đó chị em tôi có dịp tâm sự, nhắc nhiều kỷ niệm xưa vui lắm. Và đó cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa 2 chị em tôi. Sáng nay nghe tin chị ra đi tôi hụt hẫng ghê lắm. Biết rằng sống chết là chuyện đất trời, bao nhiêu nghệ sĩ kỳ cựu đã ra đi, bản thân tôi cũng không biết ngày nào… Cứ ngồi nhớ lại những kỷ niệm với chị rồi buồn, tiếc thương tiễn một danh ca thật thụ…

                             

                   Trung Tâm Diễm Xưa Productions vĩnh biệt danh ca Thái Thanh, mời nghe lại:

                                                     NGHÌN TRÙNG XA CÁCH 

                                    THÁI THANH HẢI NGOẠI – QUÊ HƯƠNG VÀ KỶ NIỆM  

                            THÁI THANH HẢI NGOẠI – NHỮNG TÌNH KHÚC VƯỢT THỜI GIAN

                               THÁI THANH HẢI NGOẠI – ĐÊM, NHỚ TRĂNG SÀI GÒN

                                   THÁI THANH HẢI NGOẠI – NGÀY XƯA HOÀNG THỊ

                            

                   Từ facebook của Thuy Nga – Paris By Night / March 17 at 6:23 PM

Thành Kính Phân Ưu

Thái Thanh (sinh năm 1934) được xem là một đại danh ca huyền thoại, là một trong những tiếng hát hiếm quý nhất của Việt Nam. Bà là cây đại thụ khiến tất cả các ca sĩ đều phải kính nể tôn trọng, khán giả mọi tầng lớp đều yêu quý ngưỡng mộ, và được mệnh danh là “giọng hát khóc cười cùng mệnh nước nổi trôi”.

Từ những ngày đầu với Ban Hợp Ca Thăng Long (cùng các anh chị là Hoài Bắc tức nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Thái Hằng và Hoài Trung), bà nhanh chóng được mọi người biết đến. Tên tuổi Thái Thanh lẫy lừng trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình, từ hãng đĩa nổi tiếng cho đến các phòng trà tiếng tăm ở Sài Gòn trước năm 1975.

Những gì thuộc về Thái Thanh rất khó bị lặp lại bởi những ca khúc mà bà ngân lên, kể cả những bài đã từng có người hát trước đó, như thể bà khoác lên cho chúng một chiếc áo mới, một cuộc đời mới. Nhiều người vẫn không thể thích ai khác ngoài Thái Thanh qua những ca khúc như Tình Ca, Tình Hoài Hương, Chuyện tình buồn, Kỷ vật cho em, Ngày xưa Hoàng Thị,… hay những sáng tác của Phạm Đình Chương và đặc biệt phải kể đến là những nhạc phẩm của Phạm Duy, người sau này trở thành anh rể của bà.

Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”. Ông nhận xét: “Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm”.
Cho đến tận bây giờ, Thái Thanh vẫn được xem là Đệ Nhất Danh Ca của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Được tin bà vừa tạ thế, Trung Tâm Thúy Nga cùng toàn thể ca nghệ sĩ xin thành kính phân ưu cùng ái nữ là danh ca Ý Lan và gia quyến. Nguyện hương hồn bà an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Bà mãi mãi là một trong những huyền thoại lớn nhất của âm nhạc Việt Nam.

                                 

                         

 

                                    PARIS BY NIGHT COLLECTION / THÁI THANH Youtube

 

                         

          Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi
                                                       ** Tạ Tỵ **
 

Một bữa, nhận được tin Thanh Tâm Tuyền được tha, qua Doãn quốc Sỹ, chúng tôi rủ nhau tới thăm, có cả Thái Thanh. Sáng sớm, tôi và Sỹ đã có mặt tại nhà Thái Thanh ở gần chợ Thái Bình. Sau khi trèo chiếc cầu thang cao dốc ngược, tôi thấy Thái Thanh đang chải đầu. Xung quanh nhà toàn chậu hoa, tôi biết Thái Thanh mê cây cảnh. Sợ mất xe đạp, tôi và Sỹ xuống thang, chờ Thái Thanh ở dưới chân cầu thang. Chừng 15 phút sau, Thái Thanh khoan thai, tay xách cây dù nhỏ đi xuống. Tôi và Sỹ đều gếch chân lên bàn đạp sẵn sàng. Doãn quốc Sỹ mời Thái Thanh ngồi vào chiếc pọoc-ba-ga để anh đèo, nhưng Thái Thanh nói:

– Em nặng quá, anh đèo gì nổi, từ đây lên anh Tuyền bên Gia Định xa lắm!

Nói xong, Thái Thanh đi ra phía lộ, kêu xích lô. Sau khi ngã giá, Thái Thanh bước lên xích lô ngồi, trông vẫn đúng điệu lắm. Tôi và Doãn quốc Sỹ như hai vệ sĩ già, đạp xe lẽo đẽo theo sau. Khi xe leo khỏi con dốc Cầu Kiệu, tôi mệt muốn đứt hơi, rồi qua Lăng Tả Quân, gặp Tòa Tỉnh Trưởng Gia-Định cũ, chúng tôi quẹo trái, rồi quẹo mặt, qua Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn một đoạn khá dài, chúng tôi nhìn thấy Thanh Tâm Tuyền đứng chờ ở ven đường. Doãn quốc Sỹ đã hẹn trước với Thanh Tâm Tuyền rồi. Lúc ấy đã gần 9 giờ sáng. Thấy đói, tôi mời tất cả vào một quán cóc bên lề đường ăn sáng, uống cà phê. Ăn uống xong, Tuyền đưa chúng tôi vào nhà bằng lối đi ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp đến căn nhà trệt xinh xắn có hàng ba sơn màu xanh, có cả giàn hoa giấy màu tím hồng trông rất nên thơ. Vào đến trong nhà, ngoài chiếc bàn nhỏ, trên mặt để sẵn đĩa bánh bích quy loại bình dân và ấm nước trà. Cách đấy một khoảng có mắc chiếc võng. Ở cuối nhà, kê chiếc phản gỗ. Chị Tuyền, người miền Nam, trông hãy còn duyên dáng lắm ra chào, rồi xin phép phải đi có chút việc. Thế là chỉ có chúng tôi, nói chuyện tù mãi cũng chán, Thái Thanh lấy cây đàn guitare treo trên vách xuống , so lại dây rồi hát những ca khúc của Phạm Duy, Cung Tiến. Thoạt đầu tiếng hát còn nhỏ, sau như không trấn áp nổi sự hào hứng, Thái Thanh hát thật mạnh, thật to. Tiếng hát âm vang rồi thoát qua khung cửa sổ, qua chiếc cửa ra vào không khép, nên chỉ thoáng sau, một rừng người lố nhố che kín cả khoảng rộng để nghe tiếng hát Thái Thanh. Chúng tôi vui chơi đến trưa mới ra về. Thanh Tâm Tuyền lại đưa tiễn ra tận lề đường. Chờ cho Thái Thanh kiếm được xích-lô, lúc ấy tôi và Doãn quốc Sỹ mới đạp xe theo. Lần về, khi đến Đakao, tôi quẹo qua ngả khác đến thăm một người bạn, chì còn Doãn quốc Sỹ đưa Thái Thanh về nhà.

Tạ Tỵ

Trích: Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi.
(Thằng Mõ xuất bản 1990.)

 

                           Chuyện rất ít người biết
   
… Có vài sân khấu nhiều kỷ niệm nhất với chúng tôi. Đó là phòng trà Hòa Bình của Nhạc sĩ Ngọc Bích, với những ca sĩ thành danh rồi bay đi như Bích Chiêu, Bạch Yến, Bạch Quyên, Trúc Mai, Băng Tâm… Phòng trà đáng nhớ hơn là Đêm Màu Hồng của ông công tử Trần Quý Phong chủ hotel Catinat. Nơi đó những ông Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo vẫn ngồi uống rượu. Có ban nhạc của gia đình Phạm Đình Chương, Thái Thanh.

Thái Thanh là đệ nhất danh ca Việt Nam ai cũng biết rồi, nhưng còn chuyện rất ít người biết. Tôi nhớ lại những năm còn trẻ, chúng tôi thường đến nhà thân mẫu Phạm Đình Chương (chúng tôi gọi là bà cụ Hoài Bắc) đánh chắn.
Hồi đó Thái Thanh mới lấy chồng, ở trên căn lầu nhỏ xíu phía sau nhà. Cô thường ngồi sau mẹ, chia bài nhanh thoăn thoắt. 120 quân bài chia làm 6 phần, rất ít khi nhầm. Thỉnh thoảng cô nhỏm vào nhìn bài của mẹ, tay vẫn chia đều… chia đều.  Ván bài chưa xong cô đã chia xong. Ở Sài Gòn không ai chia bài nhanh hơn cô.  Bây giờ nghe chị Tâm Vấn kể lại, mấy tháng trước, khi sang Mỹ, đến thăm Thái Thanh không còn nhận ra ai nữa. Sao bỗng thấy bùi ngùi quá Thái Thanh ơi!…

VĂN QUANG – 10/2015

(Trích bài viết “Bây Giờ Là Mùa Thu, Tôi Đi Tìm Dĩ Vãng” của Nhà văn Văn Quang đăng trong Tạp Chí Cỏ Thơm số 72, Mùa Thu 2015)

                   Thái Thanh, tiếng hát lên trời
  ** Thụy Khuê **

     Trong những phút giây thiếu vắng trống trải nhất hay những nhớ nhung tha thiết nhất của cuộc đời, mọi hiện diện hữu hình đều vô nghĩa; ta chờ đợi một đổi trao, khát khao một giao cảm thì bỗng đâu, một hiện diện vô hình lóe lên tựa nguồn sáng, tựa tri âm: sự hiện diện của tiếng hát.

Nếu thơ là một ngôn ngữ riêng trong ngôn ngữ chung, theo Valéry, hay thi ca là tiếng nói của nội tâm không giống một thứ tiếng nói nào của con người, theo Croce, thì âm nhạc hẳn là tiếng nói của những trạng thái tâm hồn và nhạc công hay ca sĩ là nguồn chuyển tiếp, truyền đạt những rung động từ hồn nhạc sĩ đến tâm người nghe.

Thị giác giúp chúng ta đọc một bài văn, nghiền ngẫm một bài thơ, nhưng chẳng mấy ai có thể thưởng thức một bản nhạc bằng thị quan của riêng mình mà phải nhờ đến người trình diễn, đến ca công, ca kỹ. Ngàn xưa nếu người kỹ nữ bến Tầm Dương chẳng gieo “tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây” chắc gì ngàn sau còn lưu dấu vết Tỳ Bà Hành?

Sự biểu đạt tác phẩm nghệ thuật hay sự truyền thông cảm xúc từ nhạc bản đến thính giả, nơi một vài nghệ sĩ kỳ tài, không chỉ ngưng ở mực độ trình diễn mà còn đi xa hơn nữa, cao hơn nữa, tới một tầm mức nào đó, ca nhân đã sáng tạo, đã đi vào lãnh vực nghệ thuật: nghệ thuật vô hình của sự truyền cảm, nghệ thuật huyền diệu sai khiến con người tìm nhau trong bom lửa, tìm nhau trong mưa bão, nghệ thuật dị kỳ tái tạo bối cảnh quê hương đã nghìn trùng xa cách, nghệ thuật mời gọi những tâm hồn đơn lạc xích lại gần nhau dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu, nghệ thuật không tưởng đừng cho không gian đụng thời gian khi ca nương cất tiếng hát, tiếng hát của bầu trời, giao hưởng niềm đau và hạnh phúc: Thái Thanh.

*

Người ta nói nhiều đến sự nhạy cảm của phụ nữ, đến một thứ giác quan nào đó ngoại tầm nam giới. Những người đàn bà phi thường như Callas, Piaf, Thái Thanh,… đã tận dụng đến cùng cảm quan bén nhạy của mình để sai khiến, xao động, chuyển hóa ngôn ngữ, âm thanh của bài hát thành nội cảm cầm ca, cấu tạo nên một vũ trụ thứ hai, đắm đuối, cuồng say, trong lòng người:

Trời trong em, đồi choáng váng
Rồi run lên cùng gió bốn miền

Tiếng hát Thái Thanh đến với chúng ta bằng rung động trực giác rồi tan loãng trong suy tư, xoáy vào những hố sâu, những đỉnh cao, vào tiềm lực của sự sống. Trong nghệ thuật hội họa, Van Gogh dùng sắc độ chói rạng để diễn tả những cuồng nhiệt, những trận bão trong tâm hồn. Trong nghệ thuật trình diễn, Thái Thanh vận dụng tiết tấu âm thanh, tạo nên sức cuốn hút mãnh liệt giữa con người, tình yêu và vũ trụ:

Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng Dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi!

*

Vẽ lên hình ảnh người nữ ca sĩ dưới ánh đèn sân khấu, Hoàng Trúc Ly đã có câu thơ thật hay:

 Vì  em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh

Câu này, trái với vài truyền thuyết, không nhắm vào một danh ca nào nhất định, chỉ gợi lên không khí các phòng trà ca nhạc Sàigòn khoảng 1960. Nhưng tiếng hát lên trời là một hình ảnh có lẽ hợp với giọng ca Thái Thanh nhất, giữa những tiếng hát thời qua và thời nay. Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ.

*

Ngày nay, những khi tìm lại giọng ca huyền ảo của Thái Thanh trong tiện nghi, ấm cúng, ít ai còn nhớ đến định mệnh gian truân của một tiếng hát, những bước gập ghềnh khúc khuỷu, chênh vênh, trôi nổi, theo vận nước lênh đênh. Tiếng nhạc Phạm Duy gắn bó với tiếng hát Thái Thanh thành tiếng của định mệnh, chứng nhân của nửa thế kỷ tang thương, chia lìa trên đất nước. Tiếng Thái Thanh là tiếng nước tôi, là tiếng nước ta, là tiếng chúng ta, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ…

Tiếng hát Thái Thanh vang vọng những đớn đau riêng của phận đàn bà, mà người xưa đã nhiều lần nhắc đến bằng những công thức: hồng nhan đa truân, tài mệnh tương đố, tạo vật đố hồng nhan. Giọng hát Thái Thanh dịu dàng đằm thắm nhưng vẫn có chất gì đắm đuối và khốc liệt. Thái Thanh tình tự những khát vọng và những đau thương của hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, những thế hệ đàn bà bị dập vùi trong cuộc chiến kéo dài hằng nửa thế kỷ, kèm theo những giằng co tranh chấp, những băng hoại của một xã hội bất an. Nạn nhân âm thầm, vô danh là những người tình, những người vợ, những người mẹ đã có dịp nức nở với tiếng hát Thái Thanh: từ o nghèo thở dài một đêm thanh vắng đến nàng gánh lúa cho anh đi diệt thù, đến lúc anh trở về bại tướng cụt chân, đến nhiều, rất nhiều bà mẹ Việt Nam, từ Cai Kinh ngang tàng đến Gio Linh Ðồng Tháp suốt đời cuốc đất trồng khoai… Tiếng hát Thái Thanh là tiếng vọng khuya khoắt của những cơn bão lịch sử.

Và Thái Thanh đã sống lăn lóc giữa cơn lốc đó. Từ tuổi mười lăm, mười bảy, cô Băng Thanh -tên thật Thái Thanh- đã mang ba-lô theo kháng chiến chống Pháp: Hà Nội, khu III, khu IV, chợ Sim, chợ Ðại, chợ Neo, Trung Ðoàn 9. Về thành, cô đã góp công, tích cực và hiệu lực vào việc củng cố, phát triển nền tân nhạc phôi thai với ban hợp ca Thăng Long, sau đó là kiếp ca nhi phòng trà những nơi gọi là “Sài Thành hoa lệ”, những đêm màu hồng, chiều màu tím.

Trong mười năm sa mạc, Bầu trời xanh không hát, chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh như lời Phạm Duy trong một tổ khúc. Sang Hoa Kỳ, Thái Thanh hát lại, vẫn đắm say, vừa kiêu sa vừa gần gũi, đam mê và điêu luyện.

*

Thái Thanh tạo cho mỗi tác phẩm một sinh mệnh mới: Bài hát được “Thái Thanh hóa”, như đã đạt được “đỉnh cao” của cuộc đời, từ đó khó tìm thấy ai đưa nó vượt lên cao hơn nữa. Bởi Thái Thanh, ngoài giọng hát điêu luyện phong phú mở rộng trên nhiều cung bậc, còn có nghệ thuật làm nổi bật lời ca trong nhạc khúc và tạo ra một khí hậu, một tâm cảnh chung quanh bài hát. Nghe Thái Thanh hát là thưởng thức một khúc nhạc, một bài thơ, trong một thế giới nghệ thuật trọn vẹn. Giọng hát xoắn sâu, xoáy mạnh vào tâm tư người nghe, khi lâng lâng, khi tẻ buốt, sai khiến tâm tư vươn lên, hay lắng xuống. Giọng hát Thái Thanh tha thướt và tha thiết buộc người nghe phải sống cao hơn, sâu hơn, sống nhiều hơn. Tiếng hát Thái Thanh có lúc gợi cảm, khơi tình, hổn hển như lời của nước mây như lời thơ Hàn Mặc Tử.

Khi tiếng hát cất lên, dường như mọi hữu thể làm bằng sỏi đá, sắt thép, thân xác và nước mắt phút chốc tan biến, trở nên vô hình, vô thể, hóa thân trong tiếng hát, khi trầm mặc, khi vút cao; Thái Thanh, phù thủy của âm thanh là một thứ Ðào Nương trong truyền thuyết có ma lực hú về những âm tình u khuất.

*

Trong những cassette giới thiệu nhạc của mình, Phạm Duy một đôi lần có lưu ý Thái Thanh thỉnh thoảng hát sai. Dĩ nhiên một tác giả có quyền đòi hỏi người khác phải trung thành với văn bản của mình; riêng trong nghề ca xướng, nghệ nhân vẫn có thông lệ đổi vài chữ cho hợp với hoàn cảnh, nhất là ở Việt Nam, nền văn nghệ trình diễn vốn dựa trên truyền thống truyền khẩu lâu đời.

Ví dụ như bài Cho Nhau, Phạm Duy viết:

Cho nhau ngòi bút cùn trơ…
Cho nhau, cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già

Thái Thanh hát:

  Cho nhau ngòi bút còn lưa

Cho nối đêm mơ về già

Lưa là một chữ cổ, có nghĩa là còn sót lại, nhưng mang một âm thanh u hoài, luyến lưu, tiếc nuối. Ca dao Bình Trị Thiên có câu:

 Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến Cộ con đò vắng đưa
Cây đa bến Cộ còn lưa
Con đò đã thác năm xưa tê rồi.

Chính Phạm Duy cũng có lần sử dụng chữ lưa trong bài Mộng Du: Ta theo đường mộng còn lưa… Dĩ nhiên ngòi bút cùn trơ chính xác hơn, nhưng không thi vị bằng ngòi bút còn lưa.

Cho nốt đêm mơ về già, như Phạm Duy đã viết, là cho phứt đi, cho đi cho xong. Thái Thanh thay chữ nốt bằng chữ nối, tình tứ và thủy chung hơn: những giấc mơ về già chỉ là tiếp nối những giấc mơ tuổi xuân mà anh không tặng được em vì gặp em quá muộn; cho nhau chỉ còn trái đắng cuối mùa, nhựa sống trong thân cây chỉ còn dâng được cho em dư vị chua chát và cay đắng.

Phạm Duy viết:

    Cho nhau thù oán hờn ghen…
Cho nhau cho cõi âm ty một miền

Thái Thanh hát:

 Cho nhau cho nỗi âm ty một miền

Chữ nỗi vô tình buông ra mà hay hơn chữ cõi, vì cõi chỉ là một miền, một không gian, một ý niệm hiện hữu, có vẻ bao la nhưng thực ra hữu hạn. Chữ nỗi vô hình, nhỏ bé nhưng vô hạn, đi sâu vào tâm linh con người: với tuổi già nỗi chết nằm trong cuộc sống. Cho em nỗi chết là cho tất cả những niềm hoang mang, khắc khoải, đau thương còn lại, nghĩa là chút tình yêu còn lưa trong từng nhịp đập yếu ớt của trái tim đã cạn dần cạn mòn hết những mùa xuân.

*

Nói như thế, không có nghĩa là khuyến khích ca nhân đổi lời tác giả. Chính Thái Thanh nhiều khi hát sai, ví dụ như trong Về Miền Trung: Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi mà đổi ra thành Thương thân thiếu phụ, khóc đầu hài nhi là hỏng, nhưng người nghe dễ nhận ra và điều chỉnh. Nhiều chỗ sai, người nghe không để ý.

Ví dụ câu này có thể xem như là một trong những câu hay nhất của Phạm Duy và tân nhạc Việt Nam:

 Về miền Trung còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao đốt lửa rực đô thành

Thái Thanh hát một chiều mai đốt lửa… là đánh vỡ một viên ngọc quý. Chữ nao mơ hồ, phiếm định, chỉ là giấc mơ ánh sáng, màu sắc của nghệ sĩ -mà Nguyễn Tuân gọi là cơn hỏa mộng- nó chỉ là hình ảnh nghệ thuật, chứ Phạm Duy mong chi ngày đốt kinh thành Huế? Có lẽ ông còn giữ trong ký ức câu thơ của Chính Hữu(1) trong Ngày Về mà ông rất thích:

Bỏ kinh thành rừng rực cháy sau lưng

*

Thơ không thể dịch được, nghĩa là không thể chuyển thơ từ ngôn ngữ nước này sang ngôn ngữ nước khác mà không làm mất hồn thơ, làm mất chất thơ, nhưng có thể chuyển thơ sang hình thức nghệ thuật khác như chuyển thơ sang nhạc hay phổ nhạc những bài thơ hoặc ngược lại, đặt lời thơ cho bản nhạc.

Chúng ta có nhiều nghệ sĩ sáng tác những nhạc khúc tuyệt vời với ngôn ngữ thi ca, nhưng chúng ta có ít ca sĩ thấm được hồn thơ trong nhạc bản. Ðạt tới tuyệt đỉnh trong ngành trình diễn, Thái Thanh nắm vững cả bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca và nghệ thuật phát âm tiếng Việt, giữ địa vị độc tôn trong tân nhạc Việt Nam gần nửa thế kỷ: Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.

Giữa những phôi pha của cuộc đời, tàn phai của năm tháng, giọng hát Thái Thanh vang vọng trong bầu trời thơ diễm tuyệt, ở đó đau thương và hạnh phúc quyện lẫn với nhau, người ta cho nhau cả bốn trùng dương và mặc tàn phai, mặc tháng năm, tiếng hát vẫn bay bổng ở chốn trần gian hoặc ở vô hình.

Thụy Khuê Paris, tháng 11-1990

Chú thích:

Những lời ca trích trong bài này của nhạc sĩ Phạm Duy.

(1) nói đến tâm trạng chiến sĩ Trung Ðoàn Thủ Ðô khi rời Hà Nội đầu năm 1947.

                             

                                      Thái Thanh hát TÌNH HOÀI HƯƠNG” (Phạm Duy)

                            1990 – North Orange Symphony Orchestra – nhạc trưởng: Lê Văn Khoa

                                              

 

                                                                

                          Danh Ca Thái Thanh hát (live): Nắng Chiều (Lê Trọng Nguyễn)

 

Trước tin Thái Thanh rời bỏ hàng triệu thính gỉả mến mộ để vĩnh viễn ra đi, xin mời nghe kể lại kỷ niệm lần đầu trong đời được thưởng thức ” Tiếng Hát Vượt Thời Gian ” trình diễn trên sân khấu.

Dương Ngọc Hoán

                 

                            

                          

             

 

                                            MỜI XEM:  TOÀN BÀI VIẾT (PDF)

                                THÁI THANH – Nguyễn Đình Toàn

Ðối với những thính giả đã đứng tuổi, từ 40 trở lên, tiếng hát Thái Thanh không chỉ còn là một tiếng hát thông thường, một giọng hát hay, mà gần như còn là một phần đời của chính mình nữa. Vâng, trong một nửa thế kỷ qua, tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với vận mạng của xứ sở. Người ta dã nghe tiếng hát ấy trong mọi hoàn cảnh, vui cũng như buồn. Có thể nói, âm nhạc Việt Nam biến đổi theo lịch sử đến đâu, có tiếng hát Thái Thanh đến đó.

Máu lửa, chiến tranh, bom đạn, chia cắt, người sống, người chết, nước mắt, mồ hôi, thấm nhập vào âm nhạc của chúng ta như thế nào, đều được phản ánh qua tiếng hát Thái Thanh. Lịch sử của chúng ta không kể hết những nỗi bi thương. Tai họa rình rập người ta khắp nơi, khắp chốn. Những mạng sống được tính từng giây, từng phút. Thế nên, không có gì lạ, khi người ta, trong khoảnh khắc nào đó, nghe tiếng hát Thái Thanh đồng thời cũng nhận ra mình vẫn còn. [Lịch sử của chúng ta thiếu gì lúc đã khiến người ta thấy như mình chẳng còn hiện hữu nữa!]
Thái Thanh được yêu mến nhất qua những bài dân ca. Không phải thứ dân ca dựa dẫm trên những làn điệu Ả Ðào hay chầu văn chẳng hạn, được biến chế, thêm thắt, như một số các ca khúc chúng ta được nghe gần đây. Mà là thứ dân ca xuất phát tự lòng người, từ những hoàn cảnh lịch sử, ước muốn chia xẻ, giải bớt oan khiên, phục hồi hy vọng. Những bài hát trở thành dân ca chứ không phải những bài dân ca có sẵn. Qua tiếng hát Thái Thanh, người ta cảm thấy yêu tiếng nói của dân tộc hơn, thương yêu nhau hơn.
Nói Thái Thanh được yêu mến nhất với những bài dân ca, không có nghĩa bà chỉ hát được dân ca. Thật ra, dân ca, theo cách hát, cách lựa chọn bài hát của Thái Thanh, tự nó, đã là một thứ tình ca rồi. Nghe Thái Thanh hát tình ca, dù là nhạc của Phạm Duy, Văn Cao, Dương Thiệu Tước hay Phạm Ðình Chương, người ta mới thấy rõ, đạt tới một trình độ nào đó, một ca sĩ có thể quyết định mà không sợ nhầm lẫn, mình có thể hát được bài hát nào, loại nhạc nào.
Trường hợp Thái Thanh cũng là trường hợp hãn hữu. Vì, bà khởi dầu sự nghiệp của mình vào những ngày gần như cả nước bừng lên tinh thần ái quốc, mùa Thu năm 1945. Bên cạnh bà, lại có anh rể là Phạm Duy, anh ruột là Phạm Ðình Chương, viết bài cho hát. Những bài hát được sáng tác vào lúc ấy, mang ý nghĩa thực sự của những đóng góp trực tiếp để làm nên lịch sử. Ðưa được những bài hát ấy đến quảng dại quần chúng là công lao lớn của Thái Thanh.
Theo những người được nghe ca khúc Bà Mẹ Gio Linh vào đúng cái lúc xẩy ra chuyện “quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ chém đầu” và bà mẹ đi lấy đầu con về ấy, Thái Thanh, bằng tiếng hát của mình, đã gây một sự xúc động lớn đến nỗi, tất cả những người nghe đều cảm thấy mình phải để tang người đã chết. Những sự xúc động như thế làm tăng thêm sức mạnh, tăng thêm ý chí cho người ta, là điều dễ hiểu thôi.

Tiếng hát Thái Thanh là “tiếng nước tôi”, là tiếng tình yêu, là tiếng hy vọng, là tiếng chia ly, oan khổ. Nó vang vọng những nỗi đớn đau của người đàn bà. Nó phản ánh những khát vọng, đau thương của hàng triệu phụ nữ Việt Nam bị rập vùi trong một nửa thế kỷ chiến tranh, kèm theo những băng hoại của một xã hội bất an. Những nạn nhân âm thầm vô danh là những người tình, người vợ, người mẹ, đã có dịp thở than bằng tiếng hát Thái Thanh.

Người ta đã nói nhiều về sự nhậy cảm của người đàn bà, một thứ giác quan ở ngoài tầm của nam giới, Thái Thanh đã tận dụng cảm quan ấy để chuyển hóa âm thanh thành cái vũ trụ đắm đuối trong lòng người. Cái cách nhấn câu, nhả chữ của Thái Thanh khi hát, là một mẫu mực cho những ai muốn theo đuổi công việc này. Dù bà có hát những bài được sáng tác ngay vào ngày hôm nay, người ta vẫn nghe ra cái chất ca dao trong tiếng hát. Không có một bề dày quá khứ và văn hóa, không thể có tiếng hát như vậy được.

Phê bình truyện Kiều, Phạm Quỳnh có một câu, hẳn những ai đã đọc Kiều, yêu Kiều, đều nhớ:
Truyện Kiều còn thì tiếng Ta còn.
Tiếng Ta còn thì nước Ta còn.

Cái tiếng Ta ấy, tiếng Việt Nam ấy, nay có thể thêm vào, phải được nghe qua tiếng hát Thái Thanh nữa, để biết cái nặng nhẹ của một chữ phải được phát âm chính xác thế nào. Phải nghe Thái Thanh hát Buồn Tàn Thu” của Văn Cao hay  Mẹ Gio Linh” của Phạm Duy để thấy tiếng nói biến thành lời ca thế nào, và được ca sĩ trả lời ca lại cho tiếng nói ra sao.

Không có gì bền vững mãi. Ðó là luật của thiên nhiên. Giữ vững được tiếng hát của mình trong ngót một nửa thế kỷ, không phải chuyện ai cũng làm được. Khó khăn hơn nữa, với hoàn cảnh lịch sử của chúng ta, công việc của một ca sĩ nhiều khi không phải chỉ là hát mà còn phải biết im lặng nữa.
Ước mong sao có một buổi gặp gỡ nào đó giữa Thái Thanh và các thính giả, trước khi bà ngừng hát hẳn. Ðể những người yêu tiếng hát của bà có thể trực tiếp trao tận tay bà, mỗi người một bông hồng tạ ơn.
Nói tới đây, chúng tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Tagore, xin trích để tặng bà:
Tôi đã nhận được lời mời đi vào cuộc lễ trần gian
Và như thế đời tôi đã được chúc lành
Phận sự của tôi trong cuộc lễ này là sử dụng nhạc khí của mình
Và tôi đã cố hết sức tôi.

Nguyễn Đình Toàn

                                  

                         

                                       THÁI THANH hát NGÀY ĐÓ CHÚNG MÌNH” (Phạm Duy)
   
                   
                   

Mối tình danh ca, tài tử không trọn vẹn của Thái Thanh & Lê Quỳnh

Ca sỹ Ý Lan đã từng tâm sự, nơi chị mong muốn tìm về để được hát nhất trong cuộc đời là Nhà hát Lớn Hà Nội. Bởi nơi đây là khung trời kỷ niệm của cha mẹ chị – tài tử Lê Quỳnh và danh ca Thái Thanh đã gặp gỡ và yêu nhau.

Theo Ý Lan kể, mẹ chị đã từng nói trong nhưng lần đi hát tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào những năm 50, mẹ chị đã gặp một anh chàng đam mê giọng hát Thái Thanh đã trốn vé để vào xem, đó là tài tử Lê Quỳnh lúc chưa thành danh. Từ gặp gỡ và đam mê, cả 2 đã nên duyên vợ chồng với 5 người con. Nhưng cuộc tình của họ đã không trọn vẹn.

 Danh ca Thái Thanh & Tài tử Lê Quỳnh

Năm 1956, đám cưới của danh ca Thái Thanh và tài tử Lê Quỳnh đã gây xôn xao khán giả mộ điệu tại Sài Gòn. Thời điểm đó Thái Thanh đã là một đệ nhất danh ca, còn Lê Quỳnh là một trong những nam tài tử điện ảnh đầu tiên của màn ảnh rộng Việt Nam.Lúc kết hôn, cả 2 đều còn rất trẻ, chỉ 22 tuổi và nhưng đã ở đỉnh cao của sự nghiệp. Lê Quỳnh- Thái Thanh đã có với nhau 5 người con 3 gái và 2 trai và mối tình rất đẹp của họ ngày đó đã trở thành hình mẫu cho các gia đình tại Sài Gòn. Tuy nhiên vì còn trẻ nên cả 2 vẫn còn những suy nghĩ không chín chắn, điều này đã khiến cho càng về sau, cuộc hôn nhân đẹp này càng có những xung đột. Theo báo chí Sài Gòn ngày đó, Lê Quỳnh không chỉ nổi tiếng bởi đóng phim mà còn được biết đến là tài tử đào hoa. Nhiều lần Thái Thanh đã phải im lặng chịu đựng trước những tiếng đồn về chồng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chính mối quan hệ của Thái Thanh cũng là một nguyên cớ để cho mối tình tan vỡ. Lê Quỳnh cũng rất hay ghen và theo lời kể của người trong gia đình, có lần Lê Quỳnh còn ghen khi anh tài xế chở 3 anh em Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh chủ động xuống mở cửa cho Thái Thanh. Nhưng đỉnh điểm là cuộc đánh ghen tại phòng trà Bồng Lai. Ngày đó Thái Thanh cũng hay tham gia sinh hoạt văn nghệ với nhóm văn sỹ Bắc Hà, trong đó có nhà văn Mai Thảo. Từ mối quan hệ này mà Lê Quỳnh đã nổi cơn ghen và trong một lần gặp gỡ, Lê Quỳnh đã đánh Mai Thảo tại phòng trà Bồng Lai. Sau đó, Lê Quỳnh đã xin lỗi, nhưng Thái Thanh vẫn cảm thấy bị mất mặt và tổn thương nên nên cương quyết ly dị. Họ đã chính thức chia tay khi người con gái đầu lòng là ca sĩ Ý Lan chỉ mới được 8 tuổi. Sau này, khi nói về câu chuyện đánh ghen do nguyên nhân có người thứ 3, Thái Thanh đã cho biết: “Anh Mai Thảo anh ấy rất quý tôi đến cái độ tôi muốn thế nào anh ấy chiều như thế. Nhưng mà tôi, tôi cổ lỗ sĩ lắm, các ông ạ. Hễ không có cưới là không có ăn ở với nhau…”. Sau khi ly dị, ai cũng tưởng Thái Thanh sẽ đến với Mai Thảo, nhưng tất cả đã không diễn ra như thế. Họ vẫn chỉ là bạn bè thân thiết trên phương diện tình cảm.

Ý Lan tâm sự: “Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ Thái Thanh âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều khi tôi làm mẹ. Tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho tôi là niềm hạnh phúc và cả sự may mắn vô bờ bến”. Còn Lê Quỳnh, theo ca sỹ Ý Lan thì dù chia tay nhưng 2 người vẫn là bạn bè, thường xuyên cùng chăm sóc con cái. “Tôi có tiếng hát và kỹ thuật hát được thừa hưởng từ mẹ, còn kỹ thuật trình diễn được thừa hưởng từ bố. Đây là điều may mắn với tôi. Bố mẹ tôi đã không còn sống chung với nhau từ khi tôi 8 tuổi nhưng bố mẹ vẫn rất quý nhau và trân trọng nhau, cho nên Ý Lan và các em trong gia đình vẫn được thừa hưởng tình yêu của cả 2 người. Sự nổi tiếng của bố Lê Quỳnh và mẹ Thái Thanh là cả một gia tài dành riêng cho con cái. Ý Lan trở thành ca sĩ như ngày hôm nay là nhờ có cả hai yếu tố quan trọng mà bố mẹ đã để lại trong dòng máu của Ý Lan. Ý Lan luôn coi mẹ là thần tượng trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc.”- Ý Lan nói.

Trọng Thịnh

Thái Thanh Phạm thị Băng Thanh, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Hoài Trung Phạm Đình Viêm

               1. Buồn Đêm Mưa (thơ: Huy Cận)

               2. Đoàn Lữ Nhạc (Đỗ Nhuận)

               3. Giã Từ Đêm Mưa (Văn Phụng)

               4. Hò Leo Núi

               5. Hội Trùng Dương

               6. Ly Rượu Mừng

               7. Những Bước Châm Âm Thầm (thơ: Kim Tuấn; nhạc: Y Vân)

               8. Ô Mê Ly ( Văn Phụng & Văn Khôi)

               9. Sáng Rừng

              10. Xóm Đêm

              11. Ngựa Phi Đường Xa (Lê Yên & Phạm Đình Chương)

              12. Tình Tự Tin (Phạm Duy)

              13. Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng – (Lời: Phạm Duy)

              14. Tiếng Dân Chài

              15. Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội (lời: thơ Hoàng Anh Tuấn)

Ghi chú:
1/ Nhạc ở trên do Phạm Đình Chương sáng tác trừ những nơi có thêm giải thích
2/ Bài 1 đến 10 trong một băng nhạc ra đời trước 1975 do Hoài Bắc, Thái Thanh và Hoài Trung trình bày
3/ Bài 11 và 12: do Hoài Bắc, Thái Thanh và Hoài Trung trình bày vào một thời điểm khác
4/ Bài 13 đến 15: Hoài Bắc, Hoài Trung trình bày với Mai Hương, Kim Tước, Phạm Thành và Quỳnh Giao sau 1979 ở Hoa Kỳ

Toàn bộ CD “ĐÊM MÀU HỒNG”

do gia đình Thái Thanh trình bày – Diễm Xưa Productions phát hành

Danh ca Thái Thanh đã về chốn “Nghìn trùng xa cách”
Lê Viết Thọ BBC News Tiếng Việt – 18 tháng 3, 2020

Nữ danh ca Thái Thanh vừa giã từ cõi tạm ngày 17/3/2020 (giờ Nam California), hưởng thọ 86 tuổi.

Dẫu biết, thời gian gần đây, sức khoẻ danh ca Thái Thanh đã yếu, dẫu vẫn biết, sinh ly là chuyện thường hằng, nhưng sự ra đi của tiếng hát vượt thời gian này không khỏi để lại một ngậm ngùi…

Ngậm ngùi là bởi, tiếng hát Thái Thanh, không định khung trong những danh vị, như danh ca, tiếng hát vượt thời gian, hay “chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ”, như nhận định của Thuỵ Khuê trong một tiểu luận, nay ra đi để lại một khoảng trống không thể bù đắp.

Nhạc sĩ Ngô Tín, trong cuộc trả lời phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, thì gọi Thái Thanh là ‘Tiếng hát trường cửu’, theo cái nghĩa, đó là tiếng hát không thể và không bao giờ bị vượt qua. Hơn thế, bà là một tượng đài nghệ thuật thực sự, cũng theo lời nhạc sĩ Ngô Tín, hiện sống tại Mỹ.
“Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”

Tự luyện giọng theo các lối dân ca và tự đọc sách nhạc tiếng Pháp, rồi đi hát và thành công từ năm 14 tuổi trong vùng kháng chiến, rồi vang danh cùng ban hợp ca Thăng Long của gia đình. Thái Thanh, nghệ danh mà bà lấy từ thập niên 1950 gắn liền với những bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng như những bản nhạc tiền chiến, nhạc tình miền Nam.

Đó là tiếng hát mà theo nhận xét của Jimmy – Nhựt Hà – từ chương trình ‘The Jimmy show’ (Saigon Entertainment Television) về các nghệ sĩ miền Nam, trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, kết hợp giữa dân ca Bắc Bộ với opera phương Tây; giữa giọng nữ cao có kỹ thuật điêu luyện đến mức khiến ta không còn nhận ra đâu là kỹ thuật, với tình cảm dạt dào, rất có hồn trong từng ca từ và nốt nhạc, dễ đi vào lòng người.

“Nghe Thái Thanh hát ‘Người đi qua đời tôi‘, nhất là ở câu kết, cô hát bằng tất cả tình cảm của mình, rất nức nở”- Jimmy – Nhựt Hà nói.

Dược sĩ Đoàn Trực, 49 tuổi, ở Nam Califfornia, một người hâm mộ tiếng hát Thái Thanh, thì nhận xét rằng, tiếng hát của bà “đại diện cho một nền âm nhạc hòa quyện những tinh tuý của Âu châu và Á Đông. Giọng hát, phong thái, tính cách của người ca sĩ tài danh đại diện cho một nền văn hóa quý phái, cao thượng và nhân văn của dân tộc Việt Nam”.

Tự tiếng hát ấy đã mở ra một trường phái là vậy.

Nhưng đâu chỉ có thế?

Image caption Từ phải qua: Danh ca Thái Thanh, nhạc sĩ Ngô Tín, Ý Lan và bà Đặng Tuyết Mai, trong đêm ra mắt CD “Em bây giờ mắt biếc” của Ngô Tín năm 2007 tại Vũ trường Majestic.

Nhạc sĩ Ngô Tín trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt cho rằng, tự thân tiếng hát thôi không đủ, mà điều quan trọng là tiếng hát Thái Thanh đã gắn liền với những bước đi của lịch sử dân tộc Việt thế kỷ XX, từ những ngày kháng chiến, đến khi về Thành, vào Nam hay ra hải ngoại.

Nhạc sĩ Ngô Tín thì phân tích, “Thái Thanh sinh ra trong một gia đình văn nghệ gắn với ban Hợp ca Thăng Long với người anh là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, chị là ca sĩ Thái Hằng [vợ nhạc sĩ Phạm Duy- NV]. Dòng máu văn nghệ như vậy là đã hun đúc ngay từ trong gia đình. Thái Thanh là người chuyên chở dòng nhạc của Phạm Duy, mà những sáng tác của Phạm Duy đã theo những bước đường lịch sử của đất nước, nên tiếng hát Thái Thanh đi theo cùng vận nước là vậy. Cho nên, với tôi, Thái Thanh qua tiếng hát của mình, đã trở thành mẫu người tiêu biểu cho vận nước, một tượng đài, chứ không chỉ bằng tiếng hát đơn thuần không thôi”.

Có lẽ cũng bởi nhận xét như thế, nên khi nghe tin bà qua đời, nói như nhạc sĩ Trần Quang Nam, trong bút đàm với BBC News Tiếng Việt, đồng ý với nhận xét ”khi nghe tin Thái Thanh mất, nhiều người ngậm ngùi không chỉ vì tin bà mất, mà là thương tiếc cho một thời đã qua”.

Nhạc sĩ Trần Quang Nam viết tiếp: “Thái Thanh là một huyền thoại, một hình tượng và là một tiêu chuẩn trong thế giới âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc, đặc biệt là những trường ca của Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Lê Thương… cũng là nhưng di sản của âm nhạc Việt Nam, thì những di sản đó khi đi đến người nghe, đã phải có Thái Thanh ở trong đó!”

“Giọng hát, cuộc đời ca hát của cô chính là một di sản lớn!” – nhạc sĩ 65 tuổi, tác giả ‘Mười năm tình cũ’, cư dân California từ năm 1975, lúc sau này về Việt Nam mở quán cà phê và sinh hoạt văn nghệ, nhấn mạnh.
Thần tượng của nhiều thế hệ

Nhạc sĩ Ngô Tín, khi hay tin danh ca Thái Thanh qua đời, cũng tâm sự với BBC News Tiếng Việt rằng, ông đã nghe tiếng hát Thái Thanh từ rất lâu, khi ông còn nhỏ và đi học ở Quy Nhơn.

Ngày đó, ông đi dạy học, chơi đàn, nhưng thay đổi đã đến khi ông nghe ‘Chuyện tình buồn’ (Phạm Duy, thơ Pham Văn Bình) qua tiếng hát Thái Thanh. Điều khiến ông quyết tâm trở thành người viết nhạc là sau khi ông nghe ca khúc này.

“Đó là năm 1973, tôi còn ở Quy Nhơn. Một lần, tôi nghe Thái Thanh hát ‘Chuyện tình buồn’ đã tạo cho tôi một xúc cảm thật đặc biệt. Và tự dưng, tôi cảm thấy trong tôi có một nguồn động lực, để quyết tâm rằng, tôi phải trở thành người viết nhạc. Từ đó, tôi đã chuyển từ guitar classic và flamenco qua sáng tác”.

“Năm 2007, tôi gom 10 ca khúc yêu thích nhất trong số gần 200 ca khúc mà tôi đã sáng tác để ra mắt CD ‘Em bây giờ mắt biếc’. Lễ ra mắt diễn ra tại California, trong đó, Ý Lan [con gái danh ca Thái Thanh] hát tới 4 bài. Ngày ra mắt album cũng là ngày tôi vinh danh cô Thái Thanh – người đã trở thành động lực thôi thúc tôi trở thành nhạc sĩ – trước khán phòng khoảng 500 người, như một lời cảm ơn. Hôm đó, danh ca Thái Thanh cùng Ý Lan và chi Tuyết Mai lên sân khấu tặng hoa.”

Nhạc sĩ Ngô Tín tâm sự: “Nhưng không chỉ là động lực, khi nghe những bài hát mà Thái Thanh thể hiện thì cũng như là tôi đã chọn cho mình một hướng đi rồi. Từ đó, những tình khúc mà tôi viết được định hình theo hướng đó. Tiếc là sau này, danh ca Thái Thanh đã lớn tuổi, nên những ca khúc của tôi không còn có cơ hội được thể hiện qua tiếng hát của cô; nhưng bù lại, Ý Lan lại là người chuyên chở nhiều ca khúc của tôi nhiều nhất”.

Còn nhạc sĩ Trần Quang Nam thì kể rằng, ông chỉ gặp Thái Thanh một lần, nhưng hình như lúc nào Thái Thanh cũng như một người thân, bởi “tôi sinh ra và lớn lên trong hầu như mỗi ngày với tiếng hát của chị, ở đài phát thanh, ở truyền hình, ở mọi nơi có tiếng hát của chị!”.

Với một người thuộc thế hệ sau, Jimmy- Nhựt Hà biết đến tiếng hát Thái Thanh ngay từ nhỏ, khi còn ở Việt Nam qua những băng nhạc mà ba anh thường nghe và đã ái mộ tiếng hát của cô từ đó.

Jimmy – Nhựt Hà nói rằng, việc anh chưa thực hiện được một chương trình riêng với danh ca Thái Thanh, để khán giả được nghe ‘tiếng hát vượt thời gian’ này tâm tình, khiến anh thấy tiếc nuối:

“Ngay từ những ngày đầu làm Jimmy Show, tôi rất muốn được làm một tập về danh ca Thái Thanh. Jimmy có liên lạc với gia đình, nhưng lúc đó sức khoẻ của cô Thái Thanh không cho phép. Bởi vậy, từ chiều đến giờ, Jimmy rất buồn và tiếc nuối vì chưa làm được một tập để khán giả nghe cô Thái Thanh tâm tình. Nếu gia đình đồng ý, Jimmy sẽ thực hiện một tập tưởng niệm danh ca Thái Thanh”, Jimmy nói.

Còn nhà báo Nguyễn Vy Tuý, từ Úc châu, thì lại nói rằng, ông cũng như nhiều người Việt tỵ nạn vẫn còn ‘mắc nợ’ tiếng hát Thái Thanh.

Bởi theo ông, một giọng ca có ảnh hưởng vào các giai đoạn trong đời mình,”từ lúc bé thơ đã nghe ‘Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi’, đến lúc biết yêu mà dang dở ‘người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người’, rồi khi phải bỏ nước ra đi: ‘Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa, mà khóc với cười’… mà mình lại chưa mua một dĩa CD gốc của ca sĩ ấy, hay đến xem họ trình diễn, hoặc tặng họ một bó hoa… để tỏ lòng ngưỡng mộ, thì thực sự mình còn mắc nợ họ”.

“Đối với người Việt hải ngoại, thời gian Thái Thanh còn kẹt trong nước khiến ai nấy ngậm ngùi, nhớ thương. Nhưng đến khi cô ấy ra được hải ngoại lại rất hiếm khi xuất hiện trên các sân khấu. Riêng dân Việt tại Úc thì chưa có lần nào hân hạnh đón tiếp ‘giọng hát vượt thời gian’ ấy đến thăm. Vậy thì chúng tôi vẫn còn nợ Thái Thanh là như vậy”.

“Thôi thì, riêng tôi trả nợ bằng cách cầu cho giọng ca ấy được an nhiên nơi miền vĩnh phúc”, nhà báo Nguyễn Vy Tuý nói với BBC News Tiếng Việt.

 

 

                  Thái Thanh, tiếng hát quê hương 

 
Buổi trưa Sài-Gòn nắng đổ chang chang, phố phường yên ắng không một tiếng còi xe. Mọi người cần “đánh” một giấc nồng để lấy sức cho nửa ngày làm việc còn lại. Một bầy trẻ lên năm, lên bảy đi lang thang hết con phố này đến ngõ hẻm khác. Chiếc xe bán thuốc lá kiêm luôn “đại lý vé số” của bà Hòa “mặt rổ hoa mè” cũng được che chắn kỹ lưỡng để tránh cái nóng ban trưa. Ngó vào bên trong, bà đang thắp nhang và lâm râm khấn vái “ông Địa ơi, chiều nay cho con trúng số, con mua nải chuối về cúng ông”. Thằng bé tròn trĩnh nhất trong đám con nít giả giọng “bắc kỳ” của bà và cất tiếng “không trúng thì ông không được ăn” .. “Tiên sư bố chúng mày”, giọng của bà Hoà vang lên khô khan và một chiếc dép từ trong tấm bạt “bay” ra, hướng về mấy đứa trẻ trâu. Thiệt là hên, chúng đồng loạt reo lên “hụt” ! Một đứa khác vừa chạy, vừa quay đầu lại hát nghêu ngao chọc tức bà chủ “có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra hai con gà mái”. Đám trẻ “biến” thật nhanh trong ánh vàng hanh, lung linh rực rỡ. 
Ngót hai mươi năm sau, bước chân của thằng bé nghịch ngợm năm xưa đã xa rời chốn cũ. Mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê, nó thường tìm lại những kỷ niệm ngày thơ qua những trang sách, những cuốn băng nhạc. Dòng sông cũ vẫn đong đầy cảm xúc dạt dào, dù đã bao năm bãi bồi, bến lỡ. Nó mới biết được những câu hát vu vơ ngày đó được “chế” lời từ bài hát Tiếng hát quê hương” của hai nhạc sĩ tiền bối Y Vân và Xuân Lôi. Nó mĩm cười thích thú với cái tinh nghịch trẻ thơ ngày nào và cũng bùi ngùi, rưng rưng khi thời gian đã quá xa. Ngoảnh về chốn cũ, bụi thời gian đã phủ lên đó một màu rêu xám lạnh. 

Bài hát có lời ca đẹp với âm điệu thật nhẹ nhàng và rất dễ đi vào lòng người qua giọng hát của ca sĩ Thái Thanh. Mãi đến sau này, không thấy ca sĩ nào hát lại trên sân khấu hay thu thanh trong băng, đĩa nhạc .. 

“Có cô gái miền quê hát bài ca 
 Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió 
 Thôn xóm nhà, khi nắng tà 
 Êm êm trong muôn câu hò 
 Có anh lính thường ngâm những bài thơ 
 Lúc qua núi cao hay bên đồng lúa 
 Non nước nhà, vui thái hòa 
Vang vang lên muôn lời ca” 
Báo chí thường ca tụng tiếng hát này “vượt thời gian và vượt cả không gian”, nhưng trong đáy tim của nó, đó là tiếng lòng, là tiếng hát của quê hương. Ngày trước trên đài ti-vi số 9 ở Sài-Gòn có phát hình mỗi tuần một lần chương trình “Quê hương mến yêu” do thi sĩ Bàng Bá Lân thực hiện. Mở đầu chương trình bao giờ cũng chiếu một khúc phim ngắn, có dòng sông uốn khúc và cô lái đò trên một chiếc ghe mong manh, bé nhỏ. Nhạc nền (background) là ca khúc “Tình hoài hương” của nhạc sĩ Phạm Duy với tiếng hát Thái Thanh, tiếng hát trong veo và êm ả như một dòng suối, “quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng ruộng vắn” .. 
Tiếng hát đó tắt lịm sau ngày mất nước. Cuộc sống cơ cực khiến cho người ta chỉ còn nghĩ đến cái ăn, cái mặc để tồn tại qua ngày, đoạn tháng. Mười năm sau, khi đã được định cư trên vùng đất mới, tiếng hát đó lần nữa được cất lên và vang xa khắp bốn biển, năm châu, nơi có mặt những người Việt-Nam xa xứ, tị nạn. 
Mùa thu năm 1992, tôi may mắn có dịp gặp và được nghe lại tiếng hát giờ đây đã thật sự “vượt thời gian và vượt cả không gian”. Trong chuyến lưu diễn Tây Âu, cô đã ghé qua Tây Đức và góp mặt trong vài xuất hát hiếm hoi. Đêm đó, cô đã hát lại rất nhiều những ca khúc đã trình bày trước năm 1975, những nhạc phẩm đã đưa tên tuổi mình lên đài danh vọng như “Nghìn trùng xa cách”, “Tình hoài hương”, “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Thuở ban đầu” .. Đến giờ giải lao, dù bị khán giả vây kín, cô vẫn vui nở nụ cười thật tươi và ân cần ký tên trên mỗi bìa nhạc cũng như gói ghém những câu nói thật dễ mến, thật gần gũi. Trong mắt cô, tôi đọc được biết bao niềm cảm xúc và cái hạnh phúc mênh mông không thể mua được bởi bạc tiền. Tôi có yêu cầu cô hát lại bài Quán bên đường” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ những dòng thơ của thi sĩ Trang Thế Hy. Trong phần sau của chương trình, cô đã chìu ý và hát lại nhạc phẩm này. Đêm đó còn có sự góp mặt của rất nhiều giọng hát hữu danh khác nữa, nhưng nổi bật nhất, được xuất hiện trên sân khấu nhiều nhất, được hát nhiều nhất và được tán thưởng nhiều nhất vẫn là tiếng hát Thái Thanh với những bản tình ca một thuở. 
Những năm sau này, vì lý do sức khỏe, tuổi cao và bệnh tật, cô đã giã từ ánh đèn sân khấu và để lại thật nhiều tiếc nuối trong lòng người mộ điệu. Sanh lão bệnh tử, luật trời hay định mệnh đã dành sẵn cho mỗi con người, khó ai trong đời này có thể thoát được. “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi” .. Cô đã thanh thản ra đi nhưng những bản tình ca mãi còn đây, tiếng hát đó vẫn còn vương vấn trong tâm trí hay trong góc khuất trái tim của người yêu nhạc, yêu tiếng hát Thái Thanh và giữ gìn như một kỷ niệm. Âm thầm tiễn đưa cô, tiếng hát huyền thoại, tiếng hát của quê hương. 
 
VƯU VĂN TÂM (Germany) – 19.03.2020
    Thái Thanh – Người khiến tiếng Việt trở nên lộng lẫy
Có thể coi giọng ca Thái Thanh là một huyền thoại và gần như không nhiều người yêu nhạc tại Việt Nam phản đối điều này. Vẫn biết sinh tử là chuyện thường hằng của đời sống, nhưng sự ra đi của cô vẫn mang đến sự nuối tiếc, bùi ngùi lớn cho hàng triệu trái tim yêu âm nhạc.
Người phụ nữ tạo ra trường phái Ấn Tượng/Cường Điệu trong cách hát: Thái Thanh đi hát từ năm 14 tuổi và sở hữu một giọng ca đáng kinh ngạc khiến những ai lần đầu tiên nghe phải giật mình. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân nhạc Bắc Bộ (chầu văn, quan họ, chèo) và Opera phương Tây. Điều đáng nói là bà đã tự học hát, học nhạc qua những cuốn sách âm nhạc và đã tự định hình cách hát của mình – Đó chính là sự “cường điệu”. Cường điệu, gây sự chú ý là một phẩm tính biểu hiện nằm ngoài văn hóa tinh thần cũng như tính cách của người Việt Nam lúc bấy giờ, vốn ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Nho giáo. Ngay cả những người đàn ông dù rất tài ba cũng ráng ép mình khiêm cung, còn phụ nữ thì càng không được và không khuyến khích được biểu hiện. Bà Thái Thanh ngay từ nhỏ đã dám làm điều mà ngay cả các đấng nam nhi cũng ngại ngần không dám, và chính điều đó đã khởi đầu cho một hành trình phi thường trong nền văn nghệ Việt Nam. Có người nói vui là ai công lực yếu không nghe nổi Thái Thanh bởi tính cường điệu này. Tuy nhiên, khi nghe được thì sẽ bị nghiện, bị mê hoặc và tôn thờ. Bà sở hữu âm vực giọng rất rộng trải dài từ trung đến cao, uyển chuyển, kỹ thuật lắt léo lên bổng xuống trầm, bi ai, bông đùa như một trò chơi đơn giản đến khó tin. Hầu hết các tác phẩm qua giọng ca Thái Thanh đều thổn thức, rũ rượi, nồng nàn hơn nguyên bản bởi sự cường điệu hóa trong cách biểu hiện tác phẩm. Thường sự “đi quá giới hạn” sẽ gặp ngay phản tác dụng và làm mất tinh thần tác phẩm, nhưng với Thái Thanh, khi bà làm quá, chính tác giả cũng giật mình, rơi lệ tâm đắc và phát hiện ra những chiều kích ẩn sâu trong tác phẩm của mình. Đó là chưa nói đến cách phát âm, nhả chữ vô cùng chuẩn mực, từng câu từng chữ đều được bà trau chuốt, diễm lệ hóa như người thợ thủ công khó tính nhất.
Nói không ngoa, Thái Thanh là nữ ca sỹ đã góp phần làm cho tiếng Việt trở nên lộng lẫy và lóng lánh đến không bút nào tả xiết. Xin trích dẫn nhận định của nhà văn Nguyễn Đình Toàn về điều này: “Qua tiếng hát Thái Thanh, người ta cảm thấy yêu tiếng nói dân tộc hơn, thương yêu nhau hơn”. Với trường phái cường điệu, ấn tượng của giọng ca, bà có thể được xem như một nữ anh thư hào kiệt của phụ nữ Việt trong thời kỳ bị đè nén, kìm kẹp bởi những gông cùm công – dung – ngôn – hạnh đầy bảo thủ, khắc nghiệt. Thế nên, danh xưng tượng đài âm nhạc vốn chỉ dành cho những nhạc sỹ lớn, khán thính giả cũng không ngại ngần trao cho bà. Thậm chí không cần bất cứ danh xưng nào, hai chữ Thái Thanh đã mang theo một sức nặng và ánh hào quang lộng lẫy, khó phai mờ trong tâm trí người yêu nhạc.
Danh ca Thái Thanh sinh ra tại làng Bạch Mai, Hà Nội với cái tên mang nhiều kỳ vọng từ một gia đình trí thức Bắc Hà: Phạm Thị Băng Thanh. Băng Thanh là một phần trong cụm từ “Băng Thanh Ngọc Khiết”, chỉ về phẩm hạnh cao quý, trong sáng. Khá nhiều người trẻ sau này biết đến Thái Thanh qua ca từ của nhạc sỹ Anh Bằng trong tác phẩm Giọt buồn không tên: “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly”. Tuy nhiên, nhắc đến Thái Thanh không thể tách rời dòng nhạc Phạm Duy, dù bà đã ca thành công hầu hết các thể loại từ dân ca, nhạc kháng chiến miền Bắc trước 1954 (tiêu biểu Quê em miền trung du trở thành hiện tượng trên đài phát thanh Pháp Á), nhạc tiền chiến, nhạc tình, nhạc đạo… Và chắc chắn không ai cần phân định xem giọng Thái Thanh là sang hay sến, bởi một ca khúc tưởng bình dân đại chúng nhất qua tiếng hát của bà cũng trở nên đẹp và lộng lẫy khó tin. Không ai ca nhạc Phạm Duy hay hơn Thái Thanh. Chính bởi dòng nhạc Phạm Duy mà Thái Thanh được báo chí, giới chuyên môn thời bấy giờ mệnh danh là “Đệ nhất danh ca”. Có thể nói, những tác phẩm vang danh nhất của cây đại thụ Phạm Duy, bà đều tỏa sáng rực rỡ.
Xin khép lại bài viết này bằng câu hát của nhạc sỹ Phạm Duy trong tác phẩm Tình Ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi…”. Qua tiếng hát Thái Thanh, tiếng nước tôi càng trở nên đẹp đẽ lạ thường. Một giọng ca sang cả, tao nhã mà vẫn đậm đà tình quê hương. Xin tri ân tiếng hát ngàn năm có một của Thái Thanh, bay bổng suốt hơn nửa thế kỷ và theo gió mây về cõi trời cao. Tiếng hát Thái Thanh sẽ còn vang vọng rất lâu, chừng nào người Việt Nam còn nghe nhạc Phạm Duy. ….
Echo Saigon xin được làm một chuyên đề nhỏ về Danh Ca Thái Thanh – Tiếng Chuông Vàng Của Thế Kỷ.
Để khởi đầu cho chuyên đề này, xin được giới thiệu đến quý bạn hữu tác phẩm để lại dấu ấn mãnh liệt trong lòng công chúng thời bấy giờ:Kỷ Vật Cho Em (Phạm Duy phổ thơ Linh Phương).
THIÊN CA (NGUYỄN HẬU ECHO SAIGON)
Nguồn: CỎ THƠM (Phan Anh Dũng)