Nguyên Huy/Người Việt
Nhân húy nhật lần thứ ba của Cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện, tạp chí Diễn Đàn Giáo Dân, đã tổ chức ba buổi tưởng niệm liên tục về nhà thơ chiến đấu hàng đầu vào ba ngày cuối tuần qua, trong đó có một ngày mọi người đã quần tụ trước nơi thờ tro cốt của Cố Thi Sĩ, tại nhà thờ chánh tòa Giáo Phận Orange County.
Đồng hương đến tham dự lễ Tưởng Niệm Cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện.
Vào buổi chiều Chủ Nhật, 4 Tháng Mười, buổi tưởng niệm chót đã diễn ra tại phòng hội của thị xã Westminster, với hàng trăm người tham dự.
Bảy diễn giả đã được ban tổ chức sắp xếp lên diễn đàn đọc thơ và nói về nhà thơ chiến đấu hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ này, theo lời nhà văn Trần Phong Vũ phát biểu khi điều khiển chương trình.
Khai mở buổi tưởng niệm, Giáo Sư Nguyễn Đình Cường lên đọc bài thơ “Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do” của Cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện, trong đó nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã không kiêng nể gì gọi ông Hồ Chí Minh là “Nó” khi Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt mọi người dân phải cung kính thờ cúng, đặt hình Hồ Chí Minh lên bàn thờ, trên cả gia tiên của mọi gia đình. Lời thơ cho cử tọa thấy rõ ngay thái độ, lập trường cương quyết phản kháng của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.
Sự diễn tả của Giáo Sư Nguyễn Đình Cường khi đọc lên bài thơ này đã tạo ngay được không khí hào hứng đón nhận phát biểu của các diễn giả tiếp sau đó.
Một trong hai vị khách từ Canada đến là Cựu Dân Biểu Mặc Giao nói ngay rằng Thơ của Nguyễn Chí Thiện thật “quá hay rồi, ai cũng đã biết” nên chỉ xin được bày tỏ chút tâm tình của mình về thơ Nguyễn Chí Thiện. Theo ông Mặc Giao, thơ của Nguyễn Chí Thiện nổi bật trên hai khía cạnh, một là tính chiến đấu và hai là văn thể, thể hiện trong thơ.
Qua những dòng thơ uất hận, nghẹn ngào trước thực tế cầm quyền của Cộng Sản Việt Nam, chiến đấu tính trong thơ của Nguyễn Chí Thiện đã bùng lên khó mà dập tắt. Nó đã bùng cháy trong suốt cả tập thơ “Hoa Địa Ngục” hay “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực.”
Ông Mặc Giao nhận định: “Từ khổ đau, uất ức đã tạo nên sự nghiệp cho nhà thơ. Ông sinh ra không phải để làm thi sĩ mà ngục tù, đói khổ, uất ức, đã khiến ông phải làm thơ ,để ghi vào trí não vì trong tù vừa không có phương tiện ghi lại, lại vừa bị cấm ngặt. Ông cũng đã thú nhận trong thơ rằng thơ mà nói đến chính trị, thường khô khan nhưng vẫn phải làm để cho mai sau được biết về chế độ Cộng Sản. Ông đã là một phát ngôn nhân cho cả dân tộc. Không ai ‘chửi’ Hồ Chí Minh đau như Nguyễn Chí Thiện. Thơ của Nguyễn Chí Thiện như những viên đạn bắn thẳng vào quân thù.”
Ông Mặc Giao bày tỏ tiếp rằng thơ Nguyễn Chí Thiện vì là những cảm xúc từ “cuộc đời nức nở” xuất phát từ thực tế, không là bâng quơ nên đã cuốn hút người đọc, đọc say mê, đọc không thể ngừng lại được.
Kỹ thuật nào đã làm nên được những dòng thơ cảm xúc mạnh mẽ như thế? Xin thưa đó là tình cảm chân thực phát xuất từ trái tim của mình.
Diễn giả thứ hai đến từ xa là nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục, xin chỉ vắn tắt vì những bài viết về Cố Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện ông đã trình bày trên online cả rồi, nay ông chỉ xin vắn tắt rằng trong cuộc sống của con người chỉ có ba lãnh vực là Trời Đất (tín ngưỡng), Thiên Nhiên và Con Người thì cả ba lãnh vực này Cộng Sản đều loại bỏ, thế thì con người phải sống không còn là con người như Nguyễn Chí Thiện đã mô tả qua những “hạt thơ máu” của ông. Nhà biên khảo kết luận: “Mong rằng trong tương lai đất nước Việt Nam sẽ không còn trường hợp như Nguyễn Chí Thiện nữa.”
Hai nhà tranh đấu ở trong nước, Điếu Cầy và Tạ Phong Tần cũng có mặt
trong buổi Tưởng Niệm nhà thơ tranh đấu Nguyễn Chí Thiện.
Tiếp đó là ba nhân sĩ trong cộng đồng ở nam California gồm Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng thuộc Mạng Lưới Nhân Quyền, Giáo Sư Trần Huy Bích và nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Ông Nguyễn Bá Tùng tìm thấy trong thơ Nguyễn Chí Thiện đề cập đến nhân phẩm của con người rất nhiều. Đó là những dòng thơ về Nhân Phẩm con người đã bị Cộng Sản dập bỏ, dầy xéo… Nhà thơ đã nói lên tiếng nói của nhân quyền.
Giáo Sư Trần Huy Bích kể ra những thân thích của mình từng ở chung ngục tù cùng Nguyễn Chí Thiện khẳng định đó là Nguyễn Chí Thiện thật.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái cho biết một việc về Nguyễn Chí Thiện đã được mọi người tham dự thích thú hoan nghênh. Đó là tập thơ viết tay mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện quăng vào Tòa Đại Sứ Anh nay ở đâu. Theo ông Thái thì qua một đoạn đường với các nhân viên ngoại giao Anh, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, rồi qua tay Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng thì nay nó đang nằm trong tay cựu Trung Tá QLVNCH Nguyễn Dzân, anh ruột của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, hiện đang ở Virginia.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái cũng nhắc đến những dòng thơ cuối trong tập thơ Hoa Địa Ngục là những dòng thơ mong một quê hương đất nước thanh bình trong đó “những hận thù sẽ tan vào hương khói.”
Hai nhân vật phát biểu sau cùng mà ban tổ chức trân trọng giới thiệu là hai chiến sĩ đấu tranh ở trong nước vừa được Hoa Kỳ can thiệp đưa sang định cư ở Hoa Kỳ là Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần.
Trong dịp này bà Tạ Phong Tần bày tỏ cảm nghĩ về nhà thơ Nguyễn Chí Thiện và mong mỏi cộng đồng người Việt hải ngoại hãy tranh đấu kêu gọi Cộng Sản phải tôn trọng quyền con người và phải thả hết tù nhân chính trị. Trong khi đó Blogger Điếu Cầy xác nhận rằng vào nhà tù cộng sản là phải làm thơ nếu muốn viết những cảm nghĩ của mình về chế độ Cộng Sản qua những mắt thấy tai nghe để lưu trữ trong óc.
Chính Điếu Cầy trong những năm tháng bị giam giữ trong ngục tù Cộng Sản, ông cũng đã làm một số những bài thơ và ông đã đọc cho mọi người nghe.
Trong suốt buổi sinh hoạt, ban Tù ca Xuân Điềm đã đóng góp nhiều ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Chí Thiện khiến buổi sinh hoạt thêm phần linh hoạt.