Bài THANH PHONG
LITTLE SAIGON – Cố thi sĩ Thomas Moore Nguyễn Chí Thiện qua đời vừa tròn 3 năm. Để tưởng nhớ, cầu nguyện cho một người can đảm bất khuất, ngay khi còn trong ngục tù đã viết những vần thơ tố cáo chế độ vô nhân cộng sản trước đồng bào và thế giới, nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, Nhóm Gioan Tiền Hô và Ban Tù Ca Xuân Điềm đã phối hợp tổ chức hai buổi Tưởng Niệm và một Thánh Lễ cầu nguyện cho linh hồn Thomas Moore.
Quan khách và đồng hương đang chăm chú nghe GS Nguyễn Đình Cường đọc bài thơ “Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do” do thi sĩ Nguyễn Chí Thiện sáng tác. (Thanh Phong/Viễn Đông)
Buổi tưởng niệm đầu tiên diễn ra thật cảm động trước nơi đặt tro cốt thi sĩ Nguyễn Chí Thiện trong khuôn viên nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Vua (nhà thờ kiếng) tại Garden Grove vào trưa Thứ Sáu, ngày 2.10.2015. Ngày hôm sau, Thánh Lễ Cầu Hồn cho linh hồn Thomas More được cử hành trong tòa soạn nguyệt san DĐGD do Linh Mục Nguyễn Đức Minh chủ tế, và vào chiều Chủ nhật, một buổi Tưởng Niệm được tổ chức qui mô tại hội trường thành phố Westminster, với sự tham dự của đông đảo thân hào nhân sĩ, đại diện chính quyền địa phương, dân cử, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và đồng hương. Cô Tạ Phong Tần và blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cũng có mặt trong buổi Tưởng Niệm này.
Sau nghi thức khai mạc và lời chào mừng của bác sĩ Trần Văn Cảo, chủ nhiệm nguyệt san DĐGD, Trưởng Ban Tổ Chức lễ Tưởng Niệm, nhà văn Trần Phong Vũ, người điều hợp chương trình, cho biết, trong buổi Tưởng Niệm cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện hôm nay, ban tổ chức có mời một số diễn giả lên nói về cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, trong đó có nhà văn Mặc Giao, cựu Dân Biểu VNCH và nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục, cả hai đến từ Canada; TS Nguyễn Bá Tùng, GS Trần Huy Bích và nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Nhưng trước khi các diễn giả bắt đầu nói chuyện, ông Trần Phong Vũ mời giáo sư Nguyễn Đình Cường lên đọc bài thơ “Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do” do thi sĩ Nguyễn Chí Thiện viết, trong đó có bốn câu mở đầu:
“ Không có gì quý hơn độc lập tự do
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao…” Chữ “nó” đọc lên ai cũng hiểu ngay, nó là tên tội đồ Hồ Chí Minh, và mấy câu cuối là lời than vãn của thi sĩ:
“ Đất Bắc mắc lừa, mất vào tay nó..
Nhưng nay mà vẫn còn có người mơ hồ nghe nó
Nó mới vạn lần cần nguyền rủa thật to.”
Các diễn giả nêu trên lần lượt trình bày về con người và thơ văn Nguyễn Chí Thiện. Theo nhà văn Mặc Giao, thơ của Nguyễn Chí Thiện nổi bật ở hai khía cạnh, một là tính chiến đấu, hai là văn thể, thể hiện trong thơ. Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục gọi những vần thơ của Nguyễn Chí Thiện là những “hạt thơ máu”; Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng ca ngợi những vần thơ của Nguyễn Chí Thiện là những vần thơ nêu lên tính nhân phẩm, tức quyền sống và giá trị con người. Giáo sư Trần Huy Bích khẳng định, ông Nguyễn Chí Thiện đích thị là thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, không ngoài ai khác. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái nêu lên tập thơ viết tay mà thi sĩ Nguyễn Chí Thiện quăng được vào Tòa Đại Sứ Anh tại Hà Nội , và tập thơ Hoa Địa Ngục đã khiến tên tuổi nhà thơ được nhiều người ngưỡng mộ. Hai nhà đấu tranh mới từ chốn lao tù cộng sản đến Hoa Kỳ là ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và bà Tạ Phong Tần cùng được mời lên chia sẻ tâm tình. Bà Tạ Phong Tần ước mong cộng đồng người Việt hải ngoại tiếp tục tranh đấu buộc nhà cầm quyền cộng sản phải thả hết tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và phải để cho người dân Việt Nam được sống trong tự do, dân chủ và nhân quyền.
Blogger Điếu Cày cũng đọc một bài thơ do ông sáng tác trong tù cho mọi người nghe, và ông cho biết, cũng giống như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, muốn ghi lại những cảm xúc, những suy nghĩ của mình, người tù cộng sản chỉ có cách làm thơ trong đầu, và cố nhớ lại để khi ra khỏi tù mới phổ biến được. Chương trình Tưởng Niệm sau đó chuyển sang phần Văn Nghệ Đấu Tranh do Ban Tù Ca Xuân Điềm phụ trách với một số nhạc phẩm do chính nhạc sĩ Xuân Điềm phổ từ thơ Nguyễn Chí Thiện.
Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại Hà Nội trong một gia đình 4 anh em, người anh của ông là cựu Trung Tá QL/VNCH đang định cư tại Hoa Kỳ, và 2 người chị gái ở VN. Ông bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam năm 1961 qua những vần thơ bốc lửa của ông. Năm 1979 nhân khi được thả ra vì lý do sức khỏe, ông đã lén đưa được tập bản thảo gồm trên 700 bài thơ chép tay của ông vào Tòa Đại sứ Anh tại Hà Nội, kèm theo một lá thư bằng Pháp ngữ yêu cầu chuyển ra phổ biến tại hải ngoại. Ngay sau đó, ông bị bắt lại và giam giữ 12 năm liên tiếp. Nếu cộng chung với những năm bị giam cầm từ 1961 thì lên tới con số 27 năm.
Sự kiện này đánh động lương tâm thế giới, nhiều quốc gia và các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế lên tiếng can thiệp, buộc nhà cầm quyền CSVN phải để ông qua định cư tại Mỹ ngày 1.11.1995. Một tuần sau ông được mời điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ, cũng từ đó danh tiếng của thi tập Hoa Địa Ngục và tác giả của nó càng được vang xa, nhất là thi phẩm bất hủ này được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Hoa..
Ở tù chung với linh mục Nguyễn Văn Lý, qua tấm gương của cha Lý và tinh thần bất khuất của cha Nguyễn Văn Vinh (Chánh xứ Hà Nội) chết cấm cố tại trại Cổng Trời, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã được Ơn Gọi theo Chúa. Thứ Tư ngày 26.9.2012 ông bị yếu mệt và được đưa vào cấp cứu tại Western Memorial Center thành phố Santa Ana, Nam Cali. Trên giường bệnh, ông tỉnh táo và đã công khai muốn được lãnh nhận các thủ tục gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Trước sự hiện diện của một số thân hữu, buổi sáng Thứ Hai 01.10.2012 ông đã được Linh mục Giuse Cao Phương Kỷ ban Bí Tích Thanh Tẩy và Thêm Sức với Thánh Bổn Mạng là Thomas Moore, một trong những vị thánh thời danh của Giáo Hội Công Giáo, nổi tiếng là người khi còn sinh thời chuyên lo tranh đấu cho công bằng và lẽ phải. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện thanh thản ra đi về nhà Chúa lúc 7 giờ 17 phút sáng Thứ Ba ngày 02.10.2012 sau 73 năm tại thế.
L/l Bác sĩ Trần Văn Cảo (714) 716 -6241