THƯƠNG CHIẾN MỸ-TRUNG BƯỚC QUA CHẶNG ĐƯỜNG MỚI _ VAI TRÒ CỦA WTO

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trụ sở WTO tại Geneve, Thụy Sĩ

Tổ chức Thương mại Thế giới (tiếng Anh: World Trade Organization, viết tắt WTO; tiếng Pháp: Organisation mondiale du commerce; tiếng Tây Ban Nha: Organización Mundial del Comercio; tiếng Đức: Welthandelsorganisation) là một tổ chức quốc tế, trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, có chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các nước thành viên với nhau theo các quy tắc thương mại. Hoạt động của WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. Hiện có 141 quốc gia thành viên với những điều khoản quy định rõ ràng, nhưng Trung Cộng đã liên tục vi phạm các điều khoản để lấy lợi cho họ. Gần đây Mỹ đánh thuế trên hàng hóa của Trung Cộng xuất khẩu qua Mỹ để cân bằng cán cân thương mại đôi bên. Nhưng Trung Cộng đã lợi dụng khe hở của WTO đâm đơn kiện Mỹ về việc nâng thuế.
Mỹ đã rút ra khỏi Tổ Chức Y Tế Thế Giới  WHO (World Health Organization) vì đó là con rối của Trung Cộng, nay nhận thấy WTO cũng là con rối của Trung Cộng nên có thể Mỹ cũng rút ra khỏi tổ chức này.  

Một bài báo trên tờ New York Times đã đánh động việc này như sau:

Cơ quan Phúc thẩm WTO hiện chỉ còn 3/7 thành viên sau hai năm bị Mỹ cản trở bầu ủy viên mới và có thể tê liệt sau ngày 10/12.
Ngày 10/12 là thời điểm hai trong số ba thành viên còn lại của Cơ quan Phúc thẩm (SAB) thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm. Ba thành viên là số lượng tối thiểu để SAB có thể tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại liên quan đến thương mại giữa các thành viên WTO.
Trong hai năm qua, Mỹ đã ngăn cản WTO bổ nhiệm các thành viên mới vào SAB, cơ quan xét xử cao nhất của WTO có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp thương mại. Tất cả 7 thành viên của SAB đều phải được bầu theo nguyên tắc đồng thuận và sẽ không thành viên mới nào được lựa chọn vào cơ quan này nếu Mỹ không chấp thuận.
Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cản trở WTO bổ nhiệm các thẩm phán mới cho SAB, các tranh chấp thương mại quốc tế trong thời gian tới sẽ không thể được giải quyết, khiến hệ thống thực thi các quy định của WTO gần như tê liệt.

Theo các chuyên gia, tình cảnh “khốn đốn” của WTO diễn ra trong tình trạng không thể tồi tệ hơn, khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã khiến thương mại toàn cầu bị xáo trộn và quyết định áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Cộng nhiều khả năng sẽ được Trump thực thi vào tuần tới.

Việc SAB, cơ quan trọng tài thương mại hàng đầu thế giới, rơi vào tình cảnh tê liệt có thể thúc đẩy các quốc gia tự tìm cách giải quyết tranh chấp thương mại bằng “luật rừng”, mở đường cho những cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” khốc liệt.

Đó cũng có thể là dấu hiệu cho sự suy tàn của tổ chức đã hoạt động 24 năm qua, khi hệ thống phân xử các tranh chấp thương mại từ lâu đã là cơ chế hoạt động hiệu quả nhất của WTO.

“WTO đang đứng trước cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi thành lập”, Phil Hogan, ủy viên phụ trách thương mại châu Âu phát biểu tại Nghị viện châu Âu hôm 30/9.  “Nếu các quy định quản lý thương mại quốc tế không còn được thực thi, chúng ta sẽ chỉ còn ‘luật rừng’”, Hogan nói.

Tổng thống Trump đã chấp nhận kịch bản này, sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế của Mỹ để đòi hỏi những điều khoản thương mại tốt hơn. Ông phớt lờ các quy định của WTO khi đơn phương áp thuế kim loại với cả các đồng minh như Canada, châu Âu và Nhật Bản, cũng như liên tục tăng thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Cộng, khiến WTO liên tiếp nhận được những đơn khiếu nại.

Trump cùng các cố vấn cấp cao từ lâu đã coi WTO là một “chướng ngại vật” cản trở ông thực hiện lời hứa “nước Mỹ trên hết”. Washington cho rằng WTO đã cản trở Mỹ bảo vệ người lao động và mở rộng ảnh hưởng của nước này như một nền kinh tế số một thế giới. Trump và các cố vấn cũng chỉ trích WTO thiên vị Trung Cộng, nước có nền kinh tế bùng nổ kể từ khi gia nhập tổ chức hồi năm 2001, trong khi dường như không làm gì để kiềm chế các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh.

Các cố vấn của Trump chỉ ra rằng việc WTO không thể đối đầu Trung Cộng là lý do khiến Trump phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

“Việc Mỹ có khả năng đưa ra chính sách thương mại của riêng mình là điều rất quan trọng”, Stephen Vaughn, cựu cố vấn Đại diện Thương mại Mỹ, nói. “Khả năng này thậm chí còn trở nên quan trọng hơn khi chúng ta đang đứng trước những thách thức từ Trung Cộng”.

WTO được Mỹ và châu Âu thành lập từ hơn hai thập niên trước như một giải pháp hướng đến các thị trường mở trên thế giới, điều tiết thương mại và thúc đẩy hòa bình, ổn định. Một trong những trách nhiệm chính của tổ chức là tạo ra các thỏa thuận thương mại giữa các nước thành viên và giải quyết các tranh chấp theo đúng quy định.

Tuy nhiên, WTO đã gần như thất bại ngay trong chức năng soạn thảo các hiệp định thương mại, khi tổ chức này nhận ra rằng việc đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên như Mỹ, Trung Cộng, Afghanistan và Ấn Độ là điều dường như không thể.

Việc Trung Cộng gia nhập WTO từ ngày 11/12/2001 càng khiến tổ chức này căng thẳng hơn. Trung Cộng với hơn một tỷ người tiêu dùng tham gia vào thị trường thế giới đã tạo ra một cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp quốc tế, và cũng là một cú sốc đối với người lao động Mỹ và nhiều nước khác khi phải cạnh tranh với một lực lượng lao động hùng hậu giá rẻ.

Các quy định của WTO được soạn thảo từ trước khi Trung Cộng gia nhập, và giới chỉ trích cho rằng tổ chức này đã thất bại trong việc ngăn Bắc Kinh huy động các doanh nghiệp tư nhân dưới sự hỗ trợ của nhà nước chi phối nền công nghiệp thế giới.

Chính quyền Trump chỉ trích quyết định của WTO cho phép Trung Cộng hưởng  tình trạng đặc biệt như một quốc gia đang phát triển, dù nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mỹ cũng lên án WTO không nỗ lực ngăn cản Trung Cộng trợ giá sản phẩm, thay vào đó lại phản đối các biện pháp của Washington nhằm ngăn hàng hóa giá rẻ tràn vào nước này.

Trong khi chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thương mại giữa các nước thành viên của WTO phần lớn bị tê liệt, cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại của tổ chức tỏ ra hiệu quả hơn khi tiếp nhận hàng chục vụ khiếu nại mỗi năm.

Không giống như các tổ chức quốc tế khác, WTO có khả năng thực thi các phán quyết của mình. Khi một quốc gia được xác định là đã phải chịu tổn thất từ các hoạt động thương mại của nước khác, WTO có thể cho phép nước bị thiệt hại bù đắp thông qua các khoản thuế “trả đũa”.

Mỹ thắng phần lớn các vụ kiện của nước này ở WTO, dù Trump thường khẳng định ngược lại. Hồi tháng 10, WTO đã cho phép Mỹ đánh thuế với 7.5 tỷ USD hàng hóa châu Âu mỗi năm, sau khi phán quyết rằng châu Âu đã trợ giá bất hợp pháp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus.

“Chúng tôi chưa từng giành chiến thắng với WTO, hay cơ bản là sẽ không thể thắng”, Trump tuyên bố hôm 16/12 khi ông họp với Tổng thống Italy Sergio Mattarella. “Và giờ đây, chúng tôi đang giành nhiều thắng lợi. Chúng tôi giành nhiều thắng lợi bởi vì họ biết nếu chúng tôi không được đối xử công bằng, chúng tôi sẽ rời tổ chức”.

Tuy nhiên, Mỹ cũng để thua một số vụ kiện và chính quyền Trump đang đứng trước nhiều thách thức khi liên tục tung đòn thuế trừng phạt các đối tác thương mại.

Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác đang trông cậy vào hệ thống xét xử của WTO để xác định liệu các đòn thuế của Trump nhằm vào sản phẩm nhôm thép của họ có vi phạm quy định thương mại hay không. Tuy nhiên, nhiều nước, trong đó có EU, Mexico và Canada, không thể chờ đợi phán quyết của WTO và đã có những động thái trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.

Những người ủng hộ WTO cho rằng hệ thống giải quyết tranh chấp của tổ chức đã đem lại trật tự cho một hệ thống thương mại quốc tế vốn là nơi “kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu”. Nhưng giới chỉ trích lại cho rằng hệ thống này có quá nhiều quyền kiểm soát, đặc biệt là khi 7 thành viên của SAB đưa ra phán quyết có tính ràng buộc.

Các quan chức Mỹ, bao gồm cả các quan chức chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, từng cáo buộc cơ quan phúc thẩm WTO đang thực hiện hoạt động tư pháp, cho rằng họ đang vượt quá thẩm quyền của mình trong việc tạo ra các quy định mới.

Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ, cho rằng các quyết định của WTO kìm hãm khả năng bảo vệ người lao động của Mỹ và khẳng định rằng tổ chức này cần phải được cải tổ. Hồi tháng 3, ông nói với các thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện rằng WTO đang chuyển mình “từ một diễn đàn đàm phán sang một diễn đàn giải quyết mâu thuẫn”, điều sẽ bóp nghẹt các thỏa thuận thương mại mới và làm xói mòn cam kết của một số quốc gia với tổ chức.

Hơn hai năm qua, ông Lighthizer đã thực hiện “một cuộc tấn công có chủ đích” nhằm vào SAB mà ông cho là để thay đổi cơ quan này, khi liên tục phản đối việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho cơ quan phúc thẩm của WTO.

Các nước khác chia sẻ mối lo ngại với Mỹ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến Trung Cộng, nhưng họ không đồng ý với cách làm của Trump. Họ cho rằng Mỹ và các quốc gia khác nên giải quyết các vấn đề và củng cố hệ thống thương mại toàn cầu, chứ không nên phá hoại nó.

Nguy cơ các quy định thương mại toàn cầu bị suy yếu khiến các quốc gia có nền kinh tế nhỏ hơn quan ngại. Điều này cũng làm đau đầu EU, khối có niềm tin mạnh mẽ vào hệ thống đa phương với nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thương mại.

“Các quy định thương mại chưa hoàn hảo, bởi chúng được sinh ra trong một bối cảnh nhất định, song chúng đã làm tốt nhiệm vụ”, Cecilia Malmstrom, cựu ủy viên thương mại EU, tuyên bố hồi tháng 9. “Nếu như chúng không hoàn hảo, hãy hợp tác để hoàn thiện, chứ đừng phá hoại chúng”.

Nhưng các quan chức Washington cho rằng đề xuất cải tổ WTO không đáp ứng yêu cầu của họ. Dennis Shea, đại sứ Mỹ ở WTO, cho rằng Mỹ đã tham gia với tinh thần xây dựng, song “chưa thấy các quốc gia khác có cách tiếp cận tương tự”.

Các quốc gia thành viên của WTO đang thảo luận biện pháp mới nhằm ứng phó với khả năng SAB biến mất, như xây dựng một quy trình phúc thẩm phi chính thức bất chấp phán quyết của tổ chức. Nhiều nước lại hy vọng rằng SAB có thể được khôi phục khi Trump mãn nhiệm, dù có thể phải chờ đến năm 2021 hoặc 2025.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho biết hồi cuối tuần trước rằng việc đình chỉ hoạt động của SAB là một thách thức nghiêm trọng, song điều này “không có nghĩa là dấu chấm hết đối với hệ thống thương mại đa phương”.

Tuy nhiên, Ujal Singh Bhatia, một trong hai thẩm phán SAB sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 10/12, cho rằng bằng cách làm tê liệt cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại, Mỹ đã làm dấy lên hoài nghi về tính hiệu quả của WTO.

“Tại sao mọi người phải tham gia WTO để đàm phán quy định nếu như họ không chắc rằng các quy định đó có thể được thực thi”, Bhatia nói.

Theo NYTimes