THÁNG TƯ ĐAU BUỒN (Phạm Đình San)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hôm nay Ngày 3 Tháng 4 Năm 2022, tôi xin được chia sẻ lại bài bút ký này đến cựu chiến hữu trong thuỷ thủ đoàn Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ-11 và quý bạn hữu xa gần như nhắc nhở lại những sự kiện đau buồn đã xảy ra 47 năm về trước tại miền Nam Việt Nam.

No photo description available.

Trực thăng bốc người di tản trên nóc toà Đại Sứ Mỹ tại Sàigòn ngày 29-5-1975. Hình của Hubert van Es.

No photo description available.

30/4/1975 – Tại Côn Sơn, Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải nhận thêm người tị nạn di tản sang Philippines. Hạm Trưởng chiến hạm này là CVA59 Đinh Mạnh Hùng.

No photo description available.

Đúng 12 giờ trưa ngày 7/5/1975, thuỷ thủ đoàn Hộ Tống Hạm Chí Linh (HQ-11) làm lễ hạ quốc kỳ VNCH lần cuối cùng. Sau đó Hạm Trưởng HQ-11 bàn giao chiến hạm cho sĩ quan đại diện Hải Quân Hoa Kỳ trước khi đưa tàu vào Subic Bay, Philippines.

***************

Little Sàigòn – California Ngày 3 Tháng 4 Năm 2022
Thấm thoắt đã 47 năm rồi. Thời gian quả thật đã trôi quá nhanh nhưng vẫn không thể làm chúng ta quên được dĩ vãng đau thương của ngày 30 tháng 4 năm 1975. Kể từ ngày đó bạn bè thân thuộc của chúng ta ở lại quê nhà đã chịu bao cảnh đắng cay, đói rách, tù đày. Và chính bản thân chúng ta tuy may mắn hơn những người ở lại nhưng đã phải sống cuộc đời lưu vong bất đắc dĩ với một mặc cảm đào tẩu bỏ lại quê hương, gia đình và chiến hữu ở lại đằng sau…
Người Mỹ bước vào cuộc chiến Việt Nam bằng một thái độ ngờ nghệch, thiếu chuẩn bị tâm lý quần chúng nội địa, và cũng không chuẩn bị tư tưởng cho quân đội tham chiến nên đành chịu những thất bại chua cay, để rồi sau cùng phải vội vã rút ra khỏi cuộc chiến bằng những lời cam kết giả dối đầy tính cách phản trắc trong việc bỏ rơi xứ sở chúng ta. Những gì đã xảy ra trong Tháng Tư 1975 các bạn có còn nhớ không?
Ngày 01/04/1975 – Qui Nhơn, Phú Yên, Nha Trang thất thủ: 14/44 tỉnh thành miền Nam đã bị lọt vào tay cộng quân.
Ngày 02/04/1975 – Đa số nghị sĩ Thượng Viện đã đòi tống thống Thiệu phải từ chức. Trong khi thị xã Cam Ranh bị thất thủ thì Nguyễn Thị Bình tuyên bố tại Paris là cuộc tấn công vào Sài Gòn có thể xảy ra.
Ngày 03/04/1975 – Đại diện MTGPMN tại Tân Sơn Nhứt bắn tiếng cho một phái đoàn trung gian rằng sẽ sẵn sàng ngưng bắn và chỉ hoà đàm với một chính phủ không có tổng thống Thiệu. Hội đồng tướng lãnh bèn yêu cầu tổng thống Thiệu từ chức.
Ngày 04/04/1975 – Thủ tướng Trần Thiện Khiêm từ chức. Chủ tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Cẩn lên làm thủ tướng nhưng MTGPMN tuyên bố chỉ chấp nhận thương thuyết khi tổng thống Thiệu ra đi. Một âm mưu đảo chánh bị bại lộ, nhiều người bị bắt. Cần Thơ bị pháo kích lần đầu kể từ bảy năm qua. Một máy bay C-5A Galaxy chở cô nhi đi Hoa Kỳ bị bắn rơi trên một cánh đồng cách phi trường Tân Sơn Nhất 4 cây số. Bất hạnh thay cho đám trẻ thơ vô tội!
Ngày 06/04/1975 – Một đơn vị Nhảy Dù đã tự động chiếm lại Nha Trang nhưng không giữ được bao lâu vì thiếu tiếp tế và yểm trợ. Niềm hy vọng tái chiếm miền Trung tan theo mây khói.
Ngày 08/04/1975 – Dinh Độc Lập bị một phi cơ A37 dội bom, viên phi công phản phúc đã lái phi cơ bay ra vùng cộng quân vừa chiếm đóng. Cộng quân tấn công bằng chiến xa vào Chơn Thành cách Sàigòn 30 cây số.
Ngày 09/04/1975 – Hà Nội đã điều động phi cơ vào các phi trường tại những vùng vừa chiếm được của miền Nam, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục làm ngơ. Trong khi đó các phong trào nhân dân phản chiến tại Sài Gòn lại tiếp tục đòi tống thống Thiệu phải từ chức ngay.
Ngày 14/04/1975 – Nội các do thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn thành lập trình diện theo hiến pháp VNCH.
Ngày 15/04/1975 – Kho bom lớn nhất của VNCH tại Biên Hoà đã bị đặc công CS đặt chất nổ phá huỷ tan tành. Phi trường phản lực cơ Biên Hoà bị pháo kích liên tục với nhịp độ dữ dội chưa từng thấy trong cuộc chiến miền Nam.
Ngày 16/04/75 – Phan Rang thất thủ. Trên bờ, tướng Bộ Binh Nguyễn Vĩnh Nghi và tướng Không Quân Phạm Ngọc Sang chống cự đến giờ phút chót thì bị bắt khi cộng quân tràn ngập phi trường. Dưới biển, trong khi tiến sát bờ biển Cà Ná để yểm trợ hải pháo cho bộ binh và tấn công ngăn chặn đoàn cơ giới và chiến xa của CSBV đang tiến trên Quốc Lộ 1 hướng về Phan Thiết, hộ tống hạm Chí Linh HQ-11 đã bị xe tăng của địch phản pháo trực xạ gây thiệt hại phần sau lái, thượng sĩ vô tuyến Nguyễn Văn Bàn bị tử thương (cụt đầu) khi anh đang cố gắng dựng cột antenna phụ trên boong sau của chiến hạm.
Ngày 17/04/75 – Tướng Dương Văn Minh lên tiếng đòi tổng thống Thiệu từ chức để cứu vãn tình hình.
Ngày 18/04/75 – Tin tình báo tiết lộ có 10 sư đoàn thiện chiến CS đang tập trung cách Sài Gòn 19 cây số chuẩn bị tấn công.
Ngày 19/04/75 – Trưởng phái đoàn MTGPMN đòi hỏi kiều dân Mỹ và đại sứ Martin phải rời Sài Gòn trước khi có hội đàm với chính phủ “vô Thiệu”.
Ngày 20/04/75 – Phan Thiết thất thủ sau khi bị xe tăng của cộng quân đồng loạt thanh toán các điểm kháng cự cuối cùng của địa phương quân tiểu khu.
Ngày 21/04/75 – Tổng thống Thiệu tuyên bố từ chức và trao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương. MTGPMN không chịu và đòi chỉ nói chuyện với một chính phủ không có người của tổng thống Thiệu.
Ngày 22/04/75 – Hàm Tân thất thủ. Không lực VNCH tại Biên Hoà phải rời về Tân Sơn Nhất. Tình báo phương tây tiết lộ 125 ngàn quân CS Hà Nội và MTGPMN đang vây chặt 55 ngàn quân VNCH quanh Biệt Khu Thủ Đô. Trong lúc đó tại Đại Học Tulane ở New Orleans, Louisiana, tổng thống Henry Ford tuyên bố với báo chí: “Đối với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam coi như đã chấm dứt.”
Ngày 24/04/75 – Nội các của Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn từ chức.
Ngày 25/04/75 – Tổng thống Trần Văn Hương đề cử phái đoàn đi Hà Nội để thương thuyết nhưng Bắc Việt bác bỏ đề nghị đó.
Ngày 26/04/75 – Quốc hội biểu quyết bằng lòng trao quyền cho bất cứ ai được tổng thống Hương chỉ định.
Ngày 27/04/75 – Trục lộ giao thông giữa Vũng Tàu và Sàigòn bị cắt đứt.
Ngày 28/04/75 – Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức tổng thống, nghị sĩ Vũ Văn Mẫu làm thủ tướng. Cộng Sản không chịu hoà đàm như đã hứa và tiếp tục xua quân tiến đánh vì phần thắng đã nghiêng về phía chúng khi biết chắc Hoa Kỳ đã phủi tay tại chiến trường miền Nam.
Ngày 29/04/75 – Phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo dữ dội. Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra lệnh đóng cửa cơ quan D.A.O và người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ. Đài phát thanh MTGP đòi quân đội VNCH phải buông súng đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 30/04/75 – Miền nam Việt Nam bị khai tử, quân lực VNCH bị trói tay bởi lệnh buông súng của Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu. Các chiến hạm còn khả năng khiển dụng của Hải Quân VNCH đã tuân theo lệnh cuối cùng của nội bộ, đến tập trung tại Côn Sơn; một số bắt liên lạc được với Hạm Đội 7 của Hải Quân Mỹ đã di chuyển ra hải phận quốc tế mang theo hàng chục ngàn người ti nạn vừa bị Cộng Sản Bắc Việt cướp mất quê hương miền Nam mến yêu.
“THÁNG TƯ” đen tối đó mãi mãi là dấu vết thời gian của một giai đoạn lịch sử đau thương mà chúng ta không thể nào quên được cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất quê hương thứ hai này; một thứ quê hương vá-víu-vay-mượn của những kẻ lưu vong.
*****
Bây giờ là tháng 4/2022, tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 47, trong tâm trạng của một kẻ lưu vong “bất đắc dĩ”, tôi chợt nhớ đến Ben-Artzi, một người bạn Mỹ gốc Do Thái từng làm cùng sở trước khi tôi về hưu năm 2006. Anh ta kể cho tôi nghe câu chuyện về ông bố và người chị cả của anh đã tình nguyện trở về Israel năm 1967 để tham gia cuộc chiến chống liên minh Ả Rập. Cả hai đã tử trận trên đồi Golan trong cuộc chiến ngắn ngủi chỉ có 6 ngày. Cuộc chiến này được các sử gia gọi là “The Six-Day War” và Do Thái đã thắng một cách oai hùng.
Ben-Artzi chấm dứt câu chuyện bằng những lời tâm tình với tôi: “những người Do Thái lưu vong không bao giờ là những kẻ “vong bản” đối với tổ quốc đâu. Vì lẽ đó nước Do Thái của chúng tôi vẫn tồn tại sau ngày tái lập quốc, và dân Do Thái chúng tôi vẫn sống hùng, sống mạnh mặc dàu lúc nào chúng tôi cũng tứ bề thọ địch”. Anh im lặng vài giây rồi nhìn thẳng mặt tôi và nói tiếp: “Còn người Việt lưu vong của các anh thì sao? Nếu trong tương lai Trung quốc mở cuộc chiến xâm lăng Việt Nam một lần nữa như năm 1979 và đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ ?”. Sau câu hỏi, anh quay trở vào phòng làm việc, không chờ đợi một câu trả lời nào của tôi.
Tôi xin phép được chia sẻ với các bạn những câu tâm tình của anh bạn Ben-Artzi như là lời kết cho bài bút ký này.
Phạm Đình San
Tưởng Niệm Quốc Hận thứ 47
Updated Ngày 3 Tháng 4 Năm 2022