THÁNG MƯỜI , NGÀY GIỖ MỘT NGƯỜI VIỆT NAM YÊU NƯỚC : NGUYỄN CHÍ THIỆN (Nguyễn Mạnh Trinh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (1939-2012)

Tôi đọc tập thơ Hoa Ðịa Ngục nhiều lần. Từ ấn bản đầu tiên “Bản Chúc Thư Của Một Nguời Việt Nam” rồi “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực” rồi “Bản Chúc Thư của Một Người Việt Nam” đến “Hoa Ðịa Ngục.” Lần đầu tôi đọc và chú trọng nhiều đến tác giả hơn là tác phẩm. Một thi sĩ đã làm một công việc phi thường là không ngại nguy hiểm đến bản thân vượt qua hàng rào an ninh dầy đặc của công an vào trong Tòa Ðại Sứ Anh để nhờ phổ biến tập thơ viết trong ngục tù Cộng sản. Hành động ấy đã làm chấn động cả thế giới và lương tâm nhân loại.

Lúc đầu tôi đã đọc Nguyễn Chí Thiện với thơ của một chiến sĩ và nhìn ngắm ông như một người đứng lên tranh đấu cho tự do nhân quyền. Thơ chỉ là một phương tiện để phản kháng, để kể lại đời sống của một người tù khổ sai của chế độ với nỗi căm phẫn của người bị áp chế đàn áp.

Nhưng sau một thời gian, tôi đọc thơ Nguyễn Chí Thiện như thơ của một thi sĩ đầy nét sáng tạo nhân bản. Thơ của ông không khô khan như lúc đầu tôi lầm tưởng. Không phải thế giới thơ ông toàn những phông đen hắc ám của nhà tù mà vẫn còn chút ánh sáng của niềm tin không mệt mỏi. Tôi tìm thấy trong Hoa Ðịa Ngục những mơ mộng lãng mạn của một người dù trong hoàn cảnh cùng tận tới đáy cuộc đời nhưng vẫn y nguyên nét nhân bản và không hề tuyệt vọng. Trong thơ, đã rõ ràng hơn chân dung thi sĩ. Một thi sĩ Việt Nam, với những nét đặc biệt của một dân tộc đã bị quá nhiều truân chuyên đau khổ.

Có lần trong một cuộc phỏng vấn ngắn, tôi đã hỏi ông nghĩ thế nào về thơ tình và ông có làm thơ tình không. Ông trả lời là ông dị ứng với thơ tình trai gái bởi vì trong đời ông thời gian bị tù tội quá lâu nên ít có lúc nghĩ đến tình yêu đôi lứa.

Nhưng nếu đọc trong Hoa Ðịa Ngục thì không phải như vậy. Ông có làm thơ tình và cũng để lại nhiều tâm tư trong những bài thơ đó.

Thí dụ như bài “Tình câm”:

“Anh sợ lắm lòng anh xiêu đổ mất
anh ngăn anh đừng qua lại nơi đây
Nhưng than ôi em vắng bóng một ngày
Anh đã sống như người điên loạn nhất
Anh lạnh lẽo, em ơi đừng tưởng thật
Anh cũng giống như vỏ ngoài quả đất
Chứa trong lòng bao khói lửa hôn mê
Anh nhìn em rồi lặng lẽ ra về
Ðể đau khổ để âm thầm cay đắng
Không thể nữa, không làm sao cố gắng
Giữ cho tình câm nín ở trong tim…”

Hoặc trong bài “Tình mơ”:

“Anh yêu em, anh chỉ nói thế thôi
Nói thế thôi, cũng đã thừa rồi
Vì tình ái đâu cần ngôn ngữ
Tình từ tim mà ngôn ngữ từ môi
Anh yêu em em đã hiểu lâu rồi
Em đã hiểu từ ban đầu gặp gỡ
Anh hỏi thăm đường, em trỏ lối, thế thôi
Em hiểu anh trong dáng dấp bồi hồi
Trong ánh mắt ngập ngừng xao xuyến…”

Làm thi sĩ nhưng bảo mình không phải là thi sĩ. Viết thơ tình nhưng lại dối lòng bảo mình dị ứng với vần điệu tình yêu. Có lẽ, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã chọn là một người chiến sĩ tranh đấu cho công bằng tự do cho đất nước và nhìn chế độ của Ðảng Cộng sản Việt Nam như là những tội nhân gớm ghiếc với tất cả những nét vô loại xấu xa phi nhân bản. Tù ngục của chế độ chuyên chính vô sản là sợi dây xích buộc trói toàn dân và những người có tâm huyết với dân tộc phải tố cáo trước lương tâm và công luận quốc tế những tội ác đã bị bưng bít hay bị guồng máy tuyên truyền che lấp sự thực.

Nằm ở xà lim, nhà thơ khi viết những câu thơ của đời tù ngục của mình cũng đã tỉnh táo nghĩ rằng thơ tố cáo lên án Cộng sản và chế độ ngục tù mãi là những đề tài tuy rất quen với mọi người nhưng dễ gây ra sự nhàm chán. Và ông đã viết với tấm lòng của ý nghĩ chân thực:

“Không sống trong lòng Cộng sản
bạn nên thông cảm một điều
Chế độ Mác-Lê tôi sở dĩ nói nhiều
tới mức phát nhàm phát chán
Vì thực tế không nhàm không chán
Mà kinh hoàng ai oán lắm bạn ơi!
Tôi sẽ nói khắp nơi
Nói tới muôn đời
Nói mãi!”

Trong bài tựa tập thơ Hoa Ðịa Ngục, thi sĩ đã viết “Với hoàn cảnh ấy, tôi phải làm thơ, nhất là ở trong tù, giấy bút không có, khám trại thường xuyên, bọn tù bẩm báo lại không thiếu. Thơ có thể làm trong đầu, học thuộc giữ trong đầu. Văn xuôi thời chịu! Nhưng dùng thơ mà để bàn tới chính trị, mà để luận tội mà để miêu tả hiện thực, toàn cảnh bắn giết, đánh đập, cùm kẹp, dớt dãi, tranh giành ngô khoai sắn, thì rất khô khan, khó có chất thơ, nhưng vẫn phải làm để cho mọi người và con em sau này biết rõ về tội ác Cộng Sản, về thảm cảnh của dân tộc. Ðể loại thơ này đỡ nhàm chán, trong muôn ngàn sự việc xảy ra hàng ngày trong muôn ngàn tâm tư, cảm xúc, tôi cố chọn lọc những gì nổi bật nhất, đập vào tim óc nhất. Coi mình là người ghi chép cảnh thực, tình thực của một giai đoạn lịch sử đớn đau tột độ tôi luôn luôn tôn trọng sự thực không cường điệu khuếch đại, bôi đen hoặc gây cấn hóa. Vả lại, nguyên những sự thực cũng chỉ ghi được phần nào, cần gì phải vẽ vời thêm! Tôi hết sức tránh những chữ, những hình tượng cầu kỳ, văn chương vì nó không họp với loại thơ tôi làm. Tôi cố vươn tới sự giản dị như một nhà thơ Pháp đã nói “S’élever à la simplicité”…”

Làm thơ trong hoàn cảnh biệt giam tù ngục là một công việc phi thường. Viết được hàng mấy trăm bài thơ đã khó, làm sao mà nhớ để chép lại càng khó khăn hơn. Nhất là trong hoàn cảnh bị theo dõi nghiêm ngặt không phải chỉ riêng với các giám thị, quản giáo mà còn phải dè chừng, để ý tới cả những người bạn đồng tù, có thể là những “angten” sẵn sàng báo cáo để lập công.

Thi sĩ đã nói về thơ của mình, tuy xác nhận không phải là thơ nhưng lại chan chứa ngôn ngữ của thi tính. Qua tâm sự chất ngất, qua cách diễn tả thẳng thắn những suy tư của mình:

“Thơ của tôi không phải là thơ
Mà là tiếng cuộc đời nức nở
Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở
Tiếng khò khè hai lá phổi hoang sơ
Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ
Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ
Tiếng răng lạnh đập vào nhau khổ sở
Tiếng dạ dày đói lả bóp bâng quơ
Tiếng tim buồn thoi thóp đập bơ vơ
Tiếng bất lực trước muôn ngàn sụp lở
Toàn tiếng của cuộc đời sống dở
Và chết thời cũng dở, phải đâu thơ”

Thơ đối với ông là một phương cách duy nhất để gửi ra ngoài thế giới lời tố cáo của một công dân bị bắt giam không có lý do xác đáng và trải qua một thời gian đằng đẵng hầu như suốt cuộc đời bị cầm tù. Ông đã gửi thông điệp bằng một cách liều lĩnh nhất mang cả cuộc đời mình hy sinh cho sứ mệnh. Sau này, có lần ông tâm sự: “Nhớ lại cái cảm giác phập phồng lo lắng tìm tới Tòa Ðại Sứ Anh để trao gửi mấy trăm bài thơ, tôi muốn đứng tim. Khi chuẩn bị làm công việc liều lĩnh này tôi biết trước sẽ bị bắt kại, hoặc tệ hơn nữa có thể bị xử bắn, hoặc công khai hoặc dàn dựng trong một vụ trốn trại như đã từng xảy ra cho những bạn tù của tôi trước đó. Nhưng tôi không thể lùi. Vì chỉ có cách đó mới hy vọng thơ tôi đến được với người đọc.”

Năm 1960, khi vào tù lần đầu tiên, ông đã nghĩ đến cái chết của mình. cái chết của một người linh cảm đến những quãng đời sắp tới ngập tràn u uất của bóng tối:

“nếu một ngày mai tôi phải chết
thời lòng tôi cũng chẳng tiếc đời xuân
đời đáng yêu đáng quý vô ngần
song đau khổ đã cướp phần hương sắc
trong đêm vắng nhìn sao buồn xa lắc
hồn chìm buông theo quá vãng thời gian
trong phút giây quên thực tế bạo tàn
quên tất cả nỗi cơ hàn cay đắng
gương lịch sử đưa tôi về mấy chặng…”

Sống ở hải ngoại, canh cánh trong lòng những mơ ước, những mong đợi ngày chế độ bạo tàn sụp đổ. Dù:

“Tôi đương sống, nhưng từ lâu đã chết
chết trong tim, trong óc, chết tâm hồn
cố đào lên bao thứ sớm vùi chôn
song chúng đã tan mùi, xông rữa hết”

Nhà thơ tự nhủ dù đã gần với đất nhưng không thể xuôi tay. Con đường tranh đấu còn dài và tổ quốc đang điêu linh, dân tộc đang đắm chìm trong cơn hồng thủy.

“cuộc sống nhục nhắn không thể mang danh là cuộc sống
mà là chết mỏi, chết mòn chết mục chết miên man
ngửa mặt trông trời, trời thăm thẳm mênh mang
cúi mặt nhìn đất, đất trơ lì bất động….
Nuốt nhục, nuốt đau, nuốt buồn nuốt khổ
Ðể nuôi lớn khối căm hờn
nay khối hờn căm đã già, sắp tới ngày xuống lỗ
anh nuốt nhiều hơn nuốt mãi không sờn…”

Ngày 2 tháng 10 năm 2012, nhà thơ từ giã cõi đời. Ông tâm sự với những người bạn thân tri kỷ rằng rốt cuộc ông đã không nhìn thấy ngày chế độ Công sản sụp đổ. Một chiến sĩ kiên trì tranh đấu cho tự do dân chủ đã ra đi. Và ước vọng một đời của thi sĩ bây giờ cũng chỉ là ước vọng dù chế độ vô sản chuyên chính ấy đang trên bờ vực diệt vong.

Ngày ấy, ngày mơ ước của thi sĩ mà cũng là mơ ước của toàn dân:

“Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất Ðảng
Ðội lại khăn tang
Ðêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Sống sót về đây an nhờ phúc phận
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Ðứng bên nhau trên mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Ðặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên
Tã trắng thắng cờ hồng.”

Thời gian qua thật mau. Lật bật đã đến ngày giỗ thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Suốt bốn năm, sau khi thi sĩ từ trần, đã có rất nhiều bài viết tưởng niệm tiếc thương một chiến sĩ yêu nước, chiến đấu cho tự do dân chủ của đất nước. Với ông, thi ca không những là một nghệ thuật cao quý mà còn là một vũ khí để tấn công bạo quyền Cộng sản với tất cả những nét nhân bản của một con người chân chính dúng nghĩa con người.

Nhớ ngày giỗ của thi sĩ, trong làn khói hương của tưởng nhớ, bài viết này hy vọng sẽ là những ghi khắc lại chân dung của một thi sĩ đích thực, một nghệ sĩ tuyệt vời và một chiến sĩ kiên cường bất khuất.

Tập thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là một tập thơ đặc biệt cả về nội dung cũng như sự xuất hiện. Nội dung là những bài thơ của một đời tù ngục kéo dài tới một thời gian khủng khiếp khó mà tưởng tượng được, của những nỗi niềm bi tráng của một trí thức bị đầy ải trong gông cùm Cộng sản. Ở đó, có máu, có nước mắt, có mồ hôi của những phận đời tuy nghiệt ngã nhưng vẫn đứng dậy đòi quyền làm người. Là Bản Chúc Thư của Một Người Việt Nam, là Hoa Ðịa Ngục, là 192 bài Thơ Bi Hùng, là Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực, là những ấn bản khác nhau của tập bản thảo đã được mang vào Tòa Ðại Sứ Anh ở Hà Nội để phổ biến ra thế giới năm 1979 với bức thư kèm theo bằng Pháp ngữ:

“Nhân danh hàng triệu triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Ðó là kết quả hai mươi năm làm việc của tôi. Phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm. Tôi nghĩ rằng không ai khác mà chính chúng tôi những nạn nhân có nhiệm vụ phải phơi bày cho thế giới thấy niềm đau đớn khôn cùng của cả một dân tộc đang bị áp chế và đầy đọa. Cuộc đời tan nát của tôi chỉ còn một ước mơ duy nhất là được thấy càng nhiều người ý thức được rằng Cộng sản là một tai họa khủng khiếp của nhân loại. Xin ông nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tôi cũng như của những đồng bào bất hạnh của tôi.”

Người mang bản thảo vào Tòa Ðại Sứ Anh bị công an bắt ngay khi vừa rời khỏi. Ông tên Nguyễn Chí Thiện và tiếp tục những ngày tù ngục sau đó. Về sau, bản thảo tập thơ đựợc học giả Patrick Honey phổ biến trên thế giớI.

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại Hà Nội tác giả tập thơ Hoa Ðịa Ngục và đã bị tù Cộng sản tới gần ba thập kỷ. Ông bị tù lần đầu tiên vì lý do trong khi dạy học trò đã dạy học trò sửa lại những chi tiết sai của sách giáo khoa bị kết tội phản động và tuyên truyền chống chế độ. Cuối năm 1960, một người bạn nhờ ông dạy thế hai giờ môn sử địa tại một trường trung học. Cuốn sách dùng làm tài liệu để giảng dạy là “Cách Mạng Tháng Tám 1945” do nhà xuất bản Sự Thật ấn và phát hành. Sách này xuyên tạc sự thực khi nói Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt là nhờ quân đội Liên Xô chiến thắng quân đội Nhật Bản. Tôn trọng sự thực, ông đã giảng cho học sinh biết là thế Chiến Thứ II chấm dứt nhờ Hoa Kỳ thả hai trái bom nguyên tử lên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện.

Ông bị bắt giam, ra tòa kết án 2 năm nhưng bị giam tới 3 năm rưỡi mới được tha về. Ông đã qua nhiều trại giam như là trại tù Cổng Trời ở Phong Quang, Hà Giang là nơi nổi tiếng giam nhiều chính trị phạm.
Ông đã làm nhiều bài thơ trong thời gian này.

Sau nhiều năm tù tội, ông hoàn tất tập thơ Hoa Ðịa Ngục và mang vào Tòa Ðại Sứ Anh để phổ biến ra công luận thế giới. Tập thơ đã gây ra nhiều chấn động trên văn giới quốc tế.

Nguyễn Chí Thiện thành một thi sĩ tranh đấu cho tự do nhân quyền, được liệt kê tiểu sử trong Who’s Who in Twentieth Century World Poetry (Mark Willharddt chủ biên) và nhiều tài liệu, tạp chí văn học khác. Ông cũng là họi viên danh dự của nhiều Trung tâm văn bút quốc gia như Pháp, Hoa kỳ, Hòa Lan, Ðức… Ông đoạt giải Rotterdam năm 1984, giả “Freedom to Write” năm 1989 của PEN Hoa Kỳ. Cũng như được làm khách danh dự để sáng tác của International Parliament of Writers ở Paris. Ba lần ông được đề nghị là ứng cử viên giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển.

Tác phẩm của ông gồm tập thơ Hoa Ðịa Ngục, tập truyện Hỏa Lò. Tập truyện song ngữ “Hai Truyện Tù – Two Prison Life Stories. Jean Libby chủ biên…

Hai Truyện Tù là câu chuyện về hai mảnh đời trong ngục tù Cộng sản viết bằng Việt và Anh ngữ. Quyển sách viết nhằm để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, những người cần biết sự thực từ những chứng nhân lịch sử còn đang sống sót dưới chế độ tham tàn đàn áp của Cộng sản bằng sức mạnh của tinh thần và ý chí mãnh liệt tin tưởng vào chính nghĩa sẽ thắng và bạo tàn sẽ tàn lụi. Sách cũng thích hợp với những thuyền nhân những người thuộc thế hệ di dân thứ nhất đã mang tất cả cuộc đời, tính mạng của mình và gia đình mình vượt biển Ðông tìn tự do với mộng ước sẽ xây dựng đời sống mới tại những quốc gia tự do dân chủ. Truyện cũng viết cho những sinh viên Việt nam lớn lên dưới chế độ đảng trị sắt máu, hay những người khước từ tìm hiểu về các tác phẩm văn học của những trí thức, những tù nhân chính trị đang bị giam cầm.

Tập truyện Hỏa Lò gồm 6 truyện ngắn và một chuyện vừa “Sương Mờ Che Phủ Non Sông”, là những câu chuyện của những người tù, những câu chuyện được ghi nhận từ những chi tiết thực của đời tù ngục. Nó phác họa và vẽ lại một thế giới mà người Việt Nam nào cũng quen thuộc nhưng khó tưởng tượng ra được những nét đặc biệt của một đời sống của hỏa ngục. Có khi ông viết như một hồi ký nhưng phần đông ông muốn kể về những người khác đang cùng chịu đau khổ như ông. Ông ít viết về mình với nhận xét chủ quan mà viết về những người khác có tính biểu tượng hơn và nhiều nét chung mang hơn. Ông viết với một kỹ thuật diễn tả cao và lồng rất ý nhị suy nghĩ của mình qua phong cách diễn tả và phác họa các nhân vật. Họ là chứng nhân của một thời kỳ sa đọa nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ðọc Hỏa Lò, để thấy thân phận của người dân trong chế độ Ðỏ và thấy được nỗi căm hận của người bị áp chế…

Tập thơ Hoa Ðịa Ngục của ông lúc đầu xuất bản dưới nhan đề “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam” và “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực” đã gây ra rất nhiều ngộ nhận trong một thời gian. Nhưng rồi về sau, qua những nhân chứng sống, và những chi tiết chính xác thì sự việc đã rõ ràng hiển nhiên và những bôi nhọ đánh phá ác ý đã bị vô hiệu. Thơ của ông được dịch ra Anh ngữ, Pháp ngữ, Ðức ngữ qua các bản dịch của Huỳnh Sanh Thông, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Thị Hằng, Bùi Hạnh Nghi… được truyền đi khắp thế giới và Nguyễn Chí Thiện trở thành một nhân vật nổi tiếng của thế kỷ này. Những bài thơ được phổ nhạc của ông với các bản nhạc của Phạm Duy, Phan Văn Hưng, Trần Lãng Minh, cũng góp phần rất nhiều để phổ biến những thông điệp mà thi sĩ chiến sĩ Nguyễn Chí Thiện muốn trao gửi.

Nhờ vào cuốn sách ông được nhiều tổ chức tranh đấu cho nhân quyền can thiệp và có cả những quốc gia đã chính thức dùng tiếng nói của mình để đòi hỏi chế độ Công Sản Hà Nội phải thả ngay người thi sĩ cang cường ấy. Cuối cùng ông được thả và sang Mỹ định cư ngày 1 tháng 11 năm 1995. Một tuần lễ sau ông được mời ra điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Rồi sau đó tiếng tăm của ông đã được lan ra sâu rộng trong công luận và giới truyền thông. Tập thơ Hoa Ðịa Ngục được dịch sang nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Ðức, Tiệp Khắc, Nhật Bản, Nga, Trung Hoa.

Nhà văn Paul Goma người Rumani, Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Những nhà Văn Lưu Vong đã viết về Nguyễn Chí Thiện:

“Một “nhà thơ gương mẫu” sẽ không chỉ nói về chuyện của mình. Nguyễn Chí Thiện không biện hộ cho chính ông. Ông đã lên tiếng thay cho tất cả những đồng bào bất hạnh của ông còn đang bị đàn áp trong các nhà tù Cộng sản.

Tiếc thay chúng ta những con người lưu vong từ các nước Cộng Sản chúng ta đã quá biết về số phận dành cho những người không chịu khuất phục, nhất là các nhà thơ. Ôi, đã biết bao là các nhà thơ bị tiêu diệt từ cuộc đảo chính mang tên “Cách Mạng Tháng Mười” Thử hỏi đã bao người đấu tranh cho một Việt Nam “dân chủ” giờ đây tỉnh ngộ về thực tế khủng khiếp của ngày hôm nay để thấy giấc mộng đó biến thành một quê hương tù ngục cả một dân tộc bị hy sinh và con người bị xếp xuống hàng chó ngựa.

Nhưng xin hãy cứ giữ lấy niềm tin ngày nào còn có những nhà thơ như Nguyễn Chí Thiện, ngày đó chúng ta còn có quyền tin ở chính nghĩa tối hậu.”

NGUYỄN MẠNH TRINH