Tăng lương: Mừng mà lo

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tăng lương: Mừng mà lo
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ
2015-09-07
 Nghe Audio   Phần âm thanh
043_dpa-pa_59026859.jpg

Nhân viên một đại lý bia đang đi giao hàng cho khách bằng xe gắn máy

 AFP photo
Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam vào ngày 3 tháng 9 vừa qua chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng vào sang năm ở mức 12,4%. Mức này sẽ được trình chính phủ phê duyệt và công bố vào tháng 10 tới.
Khi nhận được tin này, người làm công ăn lương, nhất là tầng lớp công nhân tại Việt Nam, có những suy nghĩ ra sao?
Lương tăng, giá cũng sẽ tăng!
Tâm trạng hoài nghi về khoản lương tăng thêm có thể giúp đắp đổi phần nào khó khăn cho cuộc sống lâu này của người làm công ăn lương vẫn phổ biến.
Một công nhân hiện làm việc cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai cho biết ý kiến về vấn đề tăng lương:
“Công nhân khi nghe tin như thế này họ mừng mà họ cũng sẽ lo, vì khi đồng lương tăng lên cũng đồng nghĩa vật giá cũng sẽ tăng. Vật giá mà tăng thì đồng lương tăng sẽ không thấm béo vào đâu cả. Vật giá mà tăng đồng loạt thì công nhân chỉ có buồn thôi, cho nên nghe tăng lương vừa là nỗi vui và là nỗi lo!
Và một số doanh nghiệp họ cũng sẽ tăng những khoản để lấy lại tiền mà khi họ tăng lương cho công nhân: tăng phí bảo hiểm, cắt trợ cấp, ép công nhân tăng ca… Họ làm mọi cách để cắt giảm lại.”
Nhà hoạt động đồng thời cũng là một người đang làm công ăn lương, anh Nguyễn Thiện Nhân từ Bình Dương nói về tin tăng lương lần này như sau:

Điều quan trọng là không biết Nhà nước Việt Nam tăng lương như thế nào, căn cứ vào cái gì để tăng lương cho công nhân để họ đầy đủ, có điều kiện sống tốt hơn so với hiện tại.
– Cô Đỗ thị Minh Hạnh

“Tỉ lệ tăng lương này là sự thỏa thuận giữa các cơ quan trong Nhà nước, nghe mức thì hơi cao nhưng thực sự không chạy theo kịp mức lạm phát của các năm qua, như năm nay đồng tiền mất giá cũng khá nhiều và vật giá các mặt hàng thiết yếu cho công nhân cũng lên giá khá nhiều. Theo đánh giá của các cơ quan Nhà nước thì mức tăng này chỉ đáp ứng được khoảng 70-80% cho nhu cầu cuộc sống tối thiểu.
Việc tăng này cũng có hai mặt: một mặt làm cho đời sống đỡ vất vả hơn, nhưng mặt khác trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại sẽ làm cho các nhà đầu tư cũng ngán ngại. Ngoài việc trả lương thêm cho công nhân, doanh nghiệp còn phải chịu những phí và thuế cao hơn đánh theo mức lương tối thiểu; cho nên việc tăng lương không chỉ làm cho doanh nghiệp phải tăng chi phí lương mà còn tăng những chi phí khác nữa.”
Cô Đỗ thị Minh Hạnh, cựu tù nhân lương tâm và nay là một đại diện của tổ chức Lao Động Việt hoạt động vì quyền lợi công nhân tại Việt Nam, đưa ra nhận định về biện pháp tăng lương tối thiểu của chính quyền Hà Nội lần này:
“Đã là công nhân họ lúc nào cũng muốn lương của họ được tăng cả, vì mức sống và lương hiện nay thì công nhân không đủ để sống và lo cho gia đình.
Ở Việt Nam hiện nay đồng tiền rớt giá một cách nghiêm trọng. Điều quan trọng là không biết Nhà nước Việt Nam tăng lương như thế nào, căn cứ vào cái gì để tăng lương cho công nhân để họ đầy đủ, có điều kiện sống tốt hơn so với hiện tại. Bởi vì mức lương mà không cân bằng sức lao động cho công nhân và thực tại xã hội Việt Nam thì vẫn dẫn đến hoàn cảnh của công nhân không được cải thiện nhiều; nếu như không phù hợp.”
Phản bác lập luận của doanh giới
Truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của một số doanh nghiệp tại Việt Nam như đại diện của Công ty Cổ phần May 9 Nam Định cho rằng việc tăng lương lần này thực chất chính là tăng chí phí bảo hiểm cho doanh nghiệp. Vị đại diện này lập luận rằng hiện nay doanh nghiệp đang trả lương theo sản phẩm và cao hơn mức tối thiểu.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Trường Giang, được trích dẫn là phí công đoàn của toàn ngành này sẽ tăng lên trên 450 tỷ đồng và chi bào hiểm xã hội sẽ tăng lên hơn 6 ngàn tỷ đồng.

Phía chính quyền thì phải kiểm tra, phải xử phạt những chủ vi phạm một cách nghiêm minh; chứ không phải tạo ra luật pháp để đó rồi bênh vực mấy ông chủ mặc kệ công nhân.
– Một công nhân ở Đồng Nai

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ Phần Phát triển Sản xuất Thương Mại Sài Gòn, ông Trần Quốc Mạnh nêu ra một viễn cảnh là nếu tăng lương cao công nhân làm được ít tháng rồi doanh nghiệp phá sán không còn việc làm, người công nhân phải đi tìm việc khác lại từ đầu. Theo ông này thì lương tăng ít nhưng vẫn có công việc làm và doanh nghiệp trụ được rồi có khả năng công nhân có thêm tiền thường nếu doanh thu của doanh nghiệp cao lên.
Trước lập luận đó của doanh giới, người công nhân ở Đồng Nai có ý kiến:
“Họ chống chế, biện minh cho họ thôi chứ ví dụ doanh nghiệp bán hai đôi giày là gần bằng một tháng lương của công nhân rồi. Nếu tăng lương một chút thì chẳng có gì thiệt hại và phải đóng cửa cả. Họ tìm mọi cách để kìm hãm lương tăng của công nhân.”
Anh Nguyễn Thiện Nhân nêu ra những nguyên nhân khiến chi phí của các doanh nghiệp tại Việt Nam bị đội lên:
“Người ta thống kê rằng doanh nghiệp muốn kiếm 1 đồng lợi nhuận phải bỏ ra 1,02 đồng để bôi trơn. Đây là một khoản chi phí bất hợp lý khiến cho doanh nghiệp tốn quá nhiều chi phí khiến họ phải cắt giảm lương công nhân khiến cho đời sống công nhân vất vả. Rồi còn những ách tắc khác như thủ tục hành chính rườm rà… khiến đội chi phí điều hành của doanh nghiệp lên. Từ đó họ lại ép lương công nhân, ép giờ tăng ca, giảm những mức phục vụ cho công nhân được tốt hơn; do đó đời sống của công nhân thật sự vất vả và lương rất thấp.”
Giải pháp nêu ra
Để giải quyết cho tình thế được nói là mâu thuẫn quyền lợi giữa giới chủ và người làm công ăn lương lâu nay, người công nhân tại Đồng Nai đưa ra những đề nghị thực hiện:
“Phải biết quan tâm đến công nhân, đặt quyền lợi của người công nhân lên đầu tiên, đặt cuộc sống của họ lên đầu tiên. Công nhân có được cuộc sống tốt rồi mới an tâm giúp cho doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt. Từ đó thúc đẩy năng suất cao lên thì mới có thể thu lại lợi nhuận cao được. Còn nếu chủ bòn rút thì cuối cùng công nhân nản, nghỉ việc, không còn năng suất. Phía chính quyền thì phải kiểm tra, phải xử phạt những chủ vi phạm một cách nghiêm minh; chứ không phải tạo ra luật pháp để đó rồi bênh vực mấy ông chủ mặc kệ công nhân. Và có một nghiệp đoàn độc lập.”
Nhà hoạt động Đỗ thị Minh Hạnh cũng đồng ý với giải pháp về công đoàn độc lập mà người công nhân từ Đồng Nai đưa ra.
Còn theo anh Nguyễn Thiện Nhân thì phải tiến hành cải cách:
“Bây giờ phải cải cách thủ tục hành chính cũng như cải cách thể chế chính trị bất hợp lý để mở đường lối thoát cho bế tắc về kinh tế và về xã hội hiện nay.”
Cải cách thể chế, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đồi mới khoa học- công nghệ và quản trị… được nêu ra lâu nay; thế nhưng việc tiến hành đồng bộ các yêu cầu bức thiết đó vẫn chưa thấy triển khai tại Việt Nam.