Phố bỗng thành sông

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
2015-09-07
  Nghe Audio   Phần âm thanh
620.jpg

Đường phố Biên Hòa ngập nước chỉ sau một trận mưa lớn

RFA photo
Mưa trong vòng một giờ đồng hồ, phố bỗng biến thành sông. Mưa trong vòng một ngày, cả thành phố thành một biển nước. Mưa trong vòng một tuần, cả thành phố bị bế tắc, ngưng trệ vì nước ngập khắp lối… Chuyện này chỉ xảy ra trong thời gian gần đây, khi các con sông nổi giận và khi thành phố trở nên yếu đuối, oằn mình gánh chịu những công trình tốn tiền tỉ nhưng giá trị chỉ tính bằng xu. Những con sông đã thật sự nổi giận.
Sông Đồng Nai nổi giận
Ông Vũ, sống tại Cù Lao Phố, Biên Hòa, Đồng Nai, chia sẻ: “Mưa nó bắt đầu từ Rằm tháng Bảy cho đến tháng Mười, mỗi khi triều cường dâng thì nó ngập thôi. Nước dơ dáy lắm vì nước cống có bao nhiêu trồi lên đường bấy nhiêu mà!”.
Theo ông Vũ, chuyện thành phố Biên Hòa bị ngập nặng chỉ sau chưa đầy một giờ đồng hồ mưa lớn là chuyện chỉ mới có lần đầu. Trước đây thành phố này cũng từng bị ngập nhiều lần nhưng muốn Biên Hòa bị ngập, ít nhất phải mưa kéo dài vài giờ đồng hồ và mưa lớn chứ không như hiện tại.
Trận mưa vào lúc 13h chiều ngày 25 tháng Tám vừa qua chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng hầu hết các tuyến đường chính ở thành phố Biên Hòa bị biến thành sông. Và nước sông Đồng Nai cũng dâng cao một cách bất thường. Theo ông Vũ, chuyện này không phải tự dưng mà có, đó là hậu quả của việc đắp sông một cách vô ý thức của các doanh nghiệp.
Ông Vũ nói rằng với các doanh nghiệp vừa muốn mau làm giàu lại vừa không có hiểu biết về sông ngòi, chuyện chấp nhận bỏ ra một ít tiền để lấn sông, tạo thêm mặt bằng sản xuất là một cơ hội hái ra tiền. Nhưng với nhà nước, họ không được phép để xảy ra chuyện này. Vì đây là vấn đề hết sức hệ trọng, không đôn giản chỉ là đắp sông và lấn sông như người ta tưởng.
Bởi với các con sông, dòng chảy, dòng đối lưu và dòng năng lượng thủy triều của bất kì một con sông nào đều phải đòi hỏi cả ngàn năm, thậm chí hàng chục ngàn năm để ổn định. Để tạo ra những vecto ổn định cho dòng chảy, dòng năng lượng như hiện tại, sông Đồng Nai đã từng có sự xê dịch qua lại hai bên bờ với biên độ có khi lên đến cả chục cây số. Sự xê dịch này diễn ra từ năm này qua năm nọ, kéo dài cả ngàn năm, thậm chí cả chục ngàn năm để tạo liên kết bờ, tạo vecto ổn định và tạo trầm tích đáy sông.
Một khi con sông đã đi vào ổn định, đương nhiên là sự ổn định tương đối, điều đó có nghĩa là quá trình xê dịch bờ của nó tạm ngưng trong một thời gian nào đó vì lưu lượng của nó đã phù hợp với liên kết bờ, liên kết đáy. Nhưng có vẻ như nhà nước cũng như doanh nghiệp không hiểu điều này nên mới cho móc hàng chục thủy điện ở thượng nguồn, dưới hạ lưu thì cho đào đắp vô tội vạ. Điều này một lần nữa khiến dòng chảy bị xáo động, vecto của sông cũng như dòng năng lượng thủy triều bị tác động mạnh.
400.jpg
Người dân vất vả di chuyển trên đường ngập nước. RFA photo
Và một lần nữa, sông phải gồng mình tạo ra dòng chảy mới cho phù hợp với địa hình mới sau khi con người đã tác động vào sông bằng cách đào đắp lung tung. Với sông là một sự gồng mình để chữa lành vết thương hai bên bờ. Nhưng với con người, đó là sự nổi giận, cuồng nộ của sông, nó có thể hất bất kì ngôi nhà nào bên bờ sông xuống dòng chảy cuồn cuộn trong một buổi sáng và thậm chỉ sau một trận mưa, nó có thể dâng lũ, xé toạc một bờ bao hoặc hất tung một con đường xuống nước.
Đây không phải là chuyện tưởng tượng mà là kinh nghiệm đáng sợ về sự nổi giận của nhiều con sông trên thế giới, đặc biệt là các con sông tại Việt Nam đã trở nên cuồng dữ, chảy xiết trong mùa mưa vài năm trở lại đây bởi nạn hút cát, đào đắp manh mún để nuôi cá hai bên bờ và xây dựng công trình, nhà cửa trên cơ thể sông.
Ông Vũ đưa ra kết luận, sông có sự sống và có linh hồn, sông sẽ là người bạn thiết và nên thơ của một thành phố, sông làm cho thành phố trở nên xanh mát, sạch sẽ, tươi đẹp. Nhưng đồng thời sông cũng có thể biến thành phố trở thành nơi bất an, nguy hiểm nếu như con người không biết đối xử tử tế với sông. Rất tiếc, những con sông tại Việt Nam hầu như là bị đối xử rất tệ!
Ăn của rừng và ăn của sông
Một cư dân Biên Hòa, Đồng Nai tên Khái, chia sẻ thêm: “Ví dụ mùa mưa thì nước nó dâng lên chừng một hai tiếng thì nó cũng rút chứ nó không ngập lâu. Nói chung thì chưa đến mức ngập nhiều. Nhưng nước nó dơ lắm, bây giờ nếu có tiền mua đất thì nên mua những nơi cao ráo chứ đừng mua chỗ ngập, dơ lắm, mưa ngập mệt lắm…!”.
Theo ông Khái, hậu quả của những trận ngập lụt thành phố không nhỏ chút nào. Bởi ngoài yếu tố vật chất, yếu tố tâm lý xã hội mới đáng sợ. Lấy Sài Gòn và Biên Hòa làm ví dụ, ông Khái nói rằng nếu như những năm trước 1975, Sài Gòn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” vì ngoài yếu tố xanh, sạch, đẹp, thịnh vượng và lịch sự, Sài Gòn không phải chìm trong những trận ngập lụt mỗi khi mưa tới và Sài Gòn là miền đất hứa của nhiều người tha phương.
Hiện tại, với đời sống lộn xộn, nhiều nơi nhếch nhác bởi mưa ngập, đời sống của đại bộ phận người có thu nhập thấp trở nên bấp bênh… Và Sài Gòn chẳng còn đủ sức để làm cho người dân nơi đây tin rằng mình đang sống giữa một thành phố giàu có, năng động nữa. Thành phố Biên Hòa cũng vậy, sau một trận mưa, mọi thứ trôi lỏm ngõm, xe hơi lấn lướt xe máy, cả phố trở thành sông, nhiều đồ đạt của dân bị ngập ướt và nguy cơ chập điện rất cao.
Ông Khái nói thêm là với đà xây dựng thiếu qui hoạch tổng thể, xử lý chất thải công nghiệp cẩu thả và hệ thống thoát nước hỏng hóc, không đủ tiêu chuẩn khoa học như hiện tại, hầu hết các thành phố trên cả nước đều đối diện với nguy cơ ngập lụt khi mùa mưa tới. Và với đà này, không chừng vài năm nữa, các vùng thôn quê lại tổ chức cứu trợ cho người thành phố mỗi khi sông nổi giận. Đây là chuyện rất có thể xảy ra!
Ông Khái cho rằng sở dĩ các thành phố hiện tại trở nên nhếch nhác, ngập ngụa là bởi người ta đã ăn rừng đến độ rừng không còn máu để chảy, ăn hết rừng, người ta chuyển sang ăn các con sông đến độ sông oằn mình với những vết thương. Việc ăn rừng diễn ra trong các dự án thủy điện, khai thác gỗ lòng hồ vô tội vạ và lâm tặc, kiểm lâm thi nhau tùng xẻo rừng. Việc ăn sông diễn ra trong các dự án nạo vét, cải tạo sông và xử lý nước thải công nghiệp gian dối, hệ thống cống rãnh liên tục đào lên lại đắp xuống… Tất cả những trường hợp này đều do lỗi quản lý mà ra, đây là một loại lỗi hệ thống trong một hệ thống bị lỗi!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.