NƠI ĐỊA NGỤC LOÀI NGƯỜI (Minh Thúy Thành Nội)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tác giả bắt đầu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”.  Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali. Tác giả nhận giải đặc biệt năm 2019. Đây là bài viết mới nhất của tác giả.

IMG_7434

Mấy ngày qua tôi dọn dẹp nhà cửa để đón cặp vợ chồng từ tiểu bang Connecticut qua. Chị tên Thanh Hương, thuộc khoá đàn chị của trường NTN mà tôi thường sinh hoạt họp mặt chung, anh tên Lê Phong đi du học Mỹ khóa một OCS (Officer Candidate School) vào năm 1970, là Sĩ Quan Liên Lạc Hải Yểm  (Naval GunFire Liaison officer). Anh đã đi tù “cải tạo” từ năm 1975 tới 1985.

Anh chị qua dự khoá hội ngộ “Gia Đình Hải Quân THĐ /OCS” tại nhà hàng Dynasty nằm trong khu Grand Century thuộc vùng Bắc Cali. Hai ngày nữa mới họp mặt, nên anh chị có thời gian chở tôi xuống Sacramento thăm bà hiệu trưởng trường Nữ Trung Học Thành Nội xưa. 

Sáng nay dậy sớm, tôi dọn thức ăn sáng và pha cà phê. Mấy anh em ngồi ôn chuyện xưa ngoài vườn. Tiếng chim hót réo rắt vui tai, không khí yên bình của buổi sáng tạo cảm giác thảnh thơi cho những người lớn tuổi đã về hưu, hưởng nhiều bổng lộc của đất nước Mỹ này. Bắt đầu từ những câu chuyện trên trời dưới đất, đi quanh thời gian hiện tại và ngày xưa, từ từ dẫn đến giai đoạn miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản. Bỗng dưng nét mặt anh Phong trầm xuống. Anh kể khoảng thời gian bị đi tù, quãng đời mà anh nói luôn ám ảnh trong đầu óc, dù anh đã cố gắng quên.

Chúng tôi hết đùa giỡn, lắng nghe câu chuyện một cách trân trọng của những mảnh đời khổ nhục lúc bị mất nước. Những người con từng hăng say chiến đấu, hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước, nhưng vận nước nổi trôi, và các anh phải chịu sống trong lao tù đày đọa. Giọng anh từ từ như đang sống lại …

– Tui bị đưa đi “cải tạo” đầu tiên từ trại Thanh Hoá, rồi đến Nghệ An, Hà Tịnh, Lòng Hồ Sông Mực, cuối cùng về trại Ái Tử Bình Điền. Nói chung khi được mùa khoai bắp thì tiêu chuẩn mỗi tù nhân nhận hai trái bắp đủ hột, ăn không được no, mất mùa thì trái bắp không có hột, chỉ toàn là cùi bắp, tù nhân phải ăn hết cùi bắp mới giải quyết cơn đói hành hạ đến run tay run chân.

Chị Hương nén tiếng thở dài, quay sang tôi: 

– Em thấy khổ chưa 

Anh tiếp tục:

– Ngày nọ vệ binh ném lựu đạn bắt cá ở Lòng Hồ Sông Mực, cán bộ đã bắt hết những con cá lớn béo tốt. Buổi chiều sau một ngày lao động, tù nhân trở về sông tắm rửa, còn lại những con cá nhỏ, anh em tù bắt về dự trù tối nấu ăn. Nơi Lòng Hồ Sông Mực trời rất lạnh, nên hai đầu láng lúc nào cũng có hai nhóm lửa để sưởi ấm. Một anh tù tên T hí hửng, mừng rỡ công lao mình hốt được lon cá, vừa đem ra tìm cách hơ cho cá chín. Không may, bọn cán bộ đi ngang qua, họ túm anh này ra ngoài rừng bắt ăn lon cá sống. Anh T vừa ăn vừa ói mửa nôn thốc vì mùi tanh. Nhiều cán bộ bao vây đánh anh T liên tục, ép phải ăn cho hết. Suốt buổi anh T bị đánh nhừ người, tiếng ói như bò rống vang trong đêm khuya. Anh em bạn tù nằm nín thở không ai ngủ được, trăn trở nhìn ánh lửa bập bùng trong bóng tối, trí óc ngớ ngẩn tê liệt, miệng lưỡi đắng nghét, quai hàm cứng lại muốn á khẩu. 

Anh ngừng nói, hợp ngụm cà phê dường như đè nén nỗi cảm xúc đang dâng lên

– Tui cũng vớt được nửa lon gô, đêm trắng mắt sợ hãi, ám ảnh âm thanh ói mửa của T, chỉ trông trời mau sáng để đem cá ra suối đổ đi, vì điều đơn giản là không muốn mình bị đánh và ăn cá sống như anh bạn.

– Trời ơi

Tôi rùng mình thốt lên. Anh lắc đầu nói tiếp:

– Anh Nguyễn N trước là Đại uý Trinh Sát có dáng người cao ráo, nhanh nhẹn, đẹp trai và tánh tình rất vui vẻ. N được phân công làm đội trưởng ra vào nhà bếp nhận những việc lặt vặt. Nhà bếp để dành phần cơm cho cán bộ đi công tác, N đói quá ăn lén phần cán bộ nhiều lần. Cán bộ nghi ngờ giả đi công tác, rình rập theo dõi và N bị bắt quả tang, cán bộ đánh một trận nhừ tử gần chết. Cái đói hành hạ thời gian sau N thường bắt cóc nhái ăn, rồi bị chết và chôn tại Lòng Hồ Sông Mực.

Im lặng một hồi như đang nguyện cầu cho người bạn xấu số, mọi người cũng im lặng theo, anh tiếp: 

– Cán bộ có lúc ăn tiệc, thức ăn dư thừa quăng đổ vào thùng nước gạo. Ngày hôm sau những người giữ công việc nuôi heo dùng nước gạo, vớt những thứ gì có thể ăn được đem về chia anh em tù, bị cán bộ biết được, họ cấm không cho đụng tới thùng nước gạo, chờ đến năm, sáu ngày sau thùng nước thối rữa mới cho lấy.

Hàng ngày anh em vào rừng kiếm gỗ, có những khúc to nặng tới mét rưỡi, gắng sức cả chục người mới vác về nỗi, dùng cưa đóng bàn ghế cho cán bộ. Có những hôm đi sâu tới ba, bốn ngọn đồi. Anh em gặp bãi nấm vui mừng hái luộc ăn tại chỗ, ai dè bị trúng độc. Trong đoàn có bác sĩ H bị nặng nhất, đi không được anh em phải khiêng về.

Nhấp tiếp cà phê, anh lại thong thả:

– Tụi tui đi Thanh Hoá chặt 10 hecta rừng ở Lòng Hồ Sông Mực để làm Thuỷ Điện. Giai đoạn đó tui bị bệnh thương hàn nặng được đưa về Ái Tử. Một hôm khoảng chín, mười người tù rủ nhau đi trốn, vừa ra cổng đã bị chận bắt. Tui được giao việc nuôi heo, mang thức ăn cho những người ngồi trong hộp (chuồng chó). Đi ngang qua ngôi nhà điều tra của cán bộ, thấy áo tù dính đầy máu rớt văng từng mảnh khắp nơi, chắc hẳn các bạn tù bị đánh đập kinh khủng lắm….

              Tô cháo đã vơi, ly cà phê cũng cạn. Trời rực hồng tươi sáng, cây cỏ xanh um, mấy khóm hoa hồng vàng, đỏ, tím tươi màu còn đọng những giọt sương mai lấp lánh chưa chịu tan. Bầu trời xanh ngát, những cụm mây trắng tản mát trôi nhiều phương, tôi ngẩng mặt nhìn rồi thốt một câu lấy lệ “ngàn năm mây bay” để cố nuốt những giọt lệ chực trào ra, trái tim nén thở theo câu chuyện đau lòng tức tưởi.

            Tôi châm trà thêm vì anh vẫn nói say sưa như chưa bao giờ được nói. Hình như mắt anh lạc thần, không nhận diện những gì trước mắt mà chỉ thấy khoảng thời gian trong địa ngục tối tăm của tháng ngày tù đày.

Nhiều tiếng phôn liên tục, anh Phong tạm ngưng câu chuyện để sửa soạn lên họp bạn, bàn bạc chuẩn bị cuộc gặp gỡ của “Gia Đình Hải Quân THĐ /OCS” ngày mai.

           Đêm hội ngộ khoảng hơn hai trăm người. Bạn bè gặp nhau tay xiết chặt mừng rỡ, bộ y phục trắng ngời của binh chủng Hải quân lúc làm lễ thật oai phong đẹp mắt.

Tôi đang để dòng ký ức quay về năm tháng cũ thì anh Phong đến ngồi bên chúng tôi, nét mặt anh tư lự thoáng buồn:

– Họp mặt để gặp nhau mừng rỡ chuyện trò, vì mái tóc ai cũng đã điểm sương chiều, vượt tuổi thất thập cổ lai hy. Bao nhiêu bạn đã ra đi, mấy người còn ở lại?!! Nhớ thời tuổi trẻ giữ gìn non sông, hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc, bảo vệ lá cờ vàng có chính nghĩa. Sự biến đổi tình hình quá lẹ làng, cái đau của thể xác nào so được nỗi đau của tinh thần luôn dày vò. Mặc lại bộ quân phục của Hải Quân như để giải tỏa niềm mơ ước cũng như nỗi uất ức phần nào, và cũng để ôn lại một thời của người lính Việt Nam Cộng Hoà với tinh thần bất khuất, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Tôi suy nghĩ miên man: những lớp người được đi du học Mỹ, được đào tạo huấn luyện kỹ càng về ngành thuỷ. Tinh thần họ anh dũng, chí làm trai can trường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ miền Nam, đem sự an vui cho người dân sống trong ấm no, tự do và hạnh phúc. Biết bao người lính đã hy sinh xương máu với cuộc chiến do miền Bắc muốn xâm lấn, biết bao người lính vẫn kiên trì chiến đấu đến giờ phút cuối. Ôi thế sự bể dâu…Chỗ lạc hậu đòi giải phóng nơi tân tiến văn minh, chỗ nghèo đói đòi giải phóng nơi ấm no. Họ dùng miệng lưỡi khôn khéo để ngon ngọt với dân miền Nam, nhưng dân miền Nam vẫn luôn nhớ câu nói của tổng thống Thiệu “Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm.”

Các hình ảnh đấu tố chôn sống cày đầu thật dã man tàn ác ở miền Bắc với chiến dịch cải cách ruộng đất. Chuyện điển hình là ông nội tôi có tên trong danh sách, gia đình phải trốn thoát chạy đêm từ làng quê lên Hà Nội để xuống Hải Phòng di cư vào Nam. Ký kết ngừng bắn, để dân được sống yên bình nhưng tuổi thơ của tôi luôn nghe bên tai tiếng pháo kích, luôn xem cảnh nhà sập, trường học sập, trẻ em người lớn chết thảm thương diễn ra hằng ngày. Bằng chứng rõ rệt nhất là Tết Mậu Thân không thể che giấu được tội ác của họ. Miền Nam đào tạo các binh chủng lính là để tự vệ, quan tâm bảo vệ tới đời sống thanh bình của người dân chứ chẳng xâm lấn miền Bắc, chỉ có họ ký kết ngưng bắn nhưng lại phá hủy, xé ngay bản hoà đàm Paris.

             Tháng tư năm 1975 họ chiến thắng miền Nam, cho tôi mở lớn mắt nhìn cảnh tượng người dân Quảng Trị vừa nghe rục rịch tình hình chiến sự đã khủng hoảng cắm đầu chạy trên Đại Lộ Kinh Hoàng để vào Huế, đã diễn ra biết bao cảnh chết chóc điêu tàn. Huế lại đua nhau chạy vào Đà Nẵng. Tại sao lại có cảnh cha gánh mẹ già, vợ vác con dại…Từng đoàn người lầm lũi đi bộ trên đèo Hải Vân, dùng tất cả sức mòn hơi cạn miệt mài đi như chạy trốn ma quỷ đang ám sau lưng, tiến nhanh về phía có ánh mặt trời. 

            Tháng tư năm 1975 một bầu trời tang thương, mây đen u ám chụp xuống cuộc sống dân miền Nam. Nhà sĩ quan bị tịch thu, dân bị ép đi kinh tế mới, con “ngụy” không được học. Vợ sĩ quan lăn lóc giữa chốn bụi trần, dãi nắng dầm mưa kiếm cơm gạo nuôi con, và chắt chiu từng đồng dành dụm đi thăm chồng…

Đổi tiền, khám xét tư gia thành phần buôn bán, ăn cướp trắng trợn tài sản mồ hôi nước mắt của dân…Đây rất rõ ràng chuyện của ba tôi, ông là trưởng cuộc Cảnh Sát, sau một năm đi học tập, ông không được ở thành phố. Muốn yên thân ba tôi kéo cả gia đình lên kinh tế mới vùng Sông Dầu thuộc tỉnh Phan Rang sinh sống. Với sáng kiến và sự lanh lẹ tháo vát, ông mở ngay lò đúc gạch, con cái sắm bò vào rừng kéo gỗ. Tình trạng khả quan ba tôi tuyển hết dân trên vùng kinh tế mới vào làm lò gạch, phát lương và xuất tiền trả bệnh viện lúc công nhân ốm đau. Dần dần ông đệ đơn xin huyện xã cấp gạo theo tiêu chuẩn công nhân được hưởng quyền lợi lãnh phần mỗi tháng. Công việc càng ngày càng phát triển, các bệnh viện, trường học, cơ quan lên ký hợp đồng mua gạch rất đông khách hàng. Chỉ một khoảng thời gian ngắn khấm khá, cấp lãnh đạo gởi giấy “mượn” lò gạch, mượn trâu bò và xe kéo. Ba tôi biết trước tình hình, còn chút của cải là hai chiếc xe đạp và máy hát, sáng sớm hôm sau cha con tôi đạp về vùng kinh tế mới khác gởi nhà ông chú. Không bao giờ tôi quên được hình ảnh hai cha con đạp xe từ 5 giờ sáng tới 2 giờ chiều dưới trời nắng gắt, chỉ nghỉ ăn cơm trưa nơi cửa hàng dịch vụ ăn uống tại thành phố Phan Rang. Ba tôi thở dài nói với các con “Một chế độ lạ lùng bất nhân, mình nghèo thì họ đạp cho chết luôn, mình khá một tý thì họ đi ăn cướp ngang nhiên …chưa thấy chế độ nào như chế độ này.”

Khi họ vào chiếm Đà Nẵng, mẹ tôi sợ hãi tột cùng, mặt tái xanh gọi tôi lại, đưa tiền và mếu máo nói “con thích ăn gì thì cứ ăn, xong tới tiệm thuốc Tây mua mấy chai thuốc diệt rầy bọ về, mấy mẹ con mình cùng uống, chứ mẹ đã từng sống với họ rồi, sống không nổi đâu con ơi”. Tôi sững sờ nhưng quay lưng bỏ đi tránh nhìn nét mặt đau khổ tột cùng của người mẹ đã chạy trốn năm 1954 di cư vào Nam.

            Cảnh vượt biên tiếp diễn, chồng vợ xa nhau, tình yêu tan rã, gia đình ly tan, mạnh ai nấy đi tìm sự sống, tìm sự tự do trong nguy hiểm, sống chết liều mình giữa biển khơi, đàn bà con gái gặp hải tặc. Chẳng kể đâu xa, gia đình nhà chồng tôi có em gái bị mất tích, cháu gái biền biệt không nghe tin tức, bà con chồng bị hải tặc giết quăng xác giữa biển khơi. Muốn hiểu thêm nữa thì có hàng vạn chuyện thương tâm kể sẽ không hết.

            Thông cảm niềm đau chung của đất nước và nỗi buồn khôn tả của các anh. Nhớ lời của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam “làm tướng mà không giữ được thành thì sống làm chi nữa”, cùng Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ cũng như Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung tá Nguyễn văn Long, và còn nhiều nhân vật khác nữa đã tuẫn tiết. Những người lính thầm lặng bỏ xác, còn các anh thì bị đày đọa chốn rừng sâu nước độc, chỗ tăm tối mà loài người cứ ngỡ chỉ có ở chín tầng địa ngục trong các bộ kinh Phật Giáo thường đọc, nhưng sự thật đã hiển hiện ngay nơi cõi trần gian này.

Ngày cuối cùng anh chị còn lên San Jose dùng bữa cơm thân mật với số bạn bè định cư vùng này trước khi trở về. Chia tay chúng tôi, anh chị than nhẹ 

– Đi chơi vẫn không yên, bà con kêu réo giúp việc này, lo việc kia dồn dập. 

Tôi cười: 

– Tại có tài thì phải mang nợ.

Quả thực trong thời gian ở lại nhà tôi, anh chị đã bận rộn liên tục trả lời phôn. Tôi được biết bước đầu lúc đặt chân đến Mỹ, định cư nơi tiểu bang Connecticut, anh làm việc tại cơ quan International Rescue Committee (IRC), giúp đỡ người tỵ nạn thế giới. Lo vấn đề foodstamp, trợ cấp, welfare, tìm xe, hướng dẫn đường xe bus, kiếm việc, làm SS, ID.

Lúc tuổi về hưu cho đến hiện nay anh nhận thông dịch mọi việc toà án, bệnh viện, di trú, quốc tịch. Hai người thay phiên nhau đi đón phi trường hoặc làm tài xế những việc khẩn cấp.

Anh chị là người sống có tình có nghĩa, đầy ắp lòng nhân hậu nên tùy trường hợp mà tính giá tượng trưng hoặc giúp đỡ không công. 

Tiễn anh chị ra xe, anh tuy đã gần bát thập nhưng nhìn còn khỏe mạnh, hai người thường lái xe xuyên bang thăm bạn bè. Con cái trưởng thành lập gia đình ra riêng, chỉ còn đôi vợ chồng già tìm niềm vui nơi các sinh hoạt cộng đồng, nơi hội Cao Niên, và họp bạn năm xưa. Những câu chuyện anh kể, hãi hùng và man rợ đã lấy những giọt nước mắt của tôi không ít. Giờ đây các anh còn chỗ dung thân nơi đất khách quê người, tuổi già lực bất tòng tâm, nhưng vẫn còn an ủi được nhìn thấy lá cờ vàng thân yêu. Tôi luôn kính ngưỡng những người lính Việt Nam Cộng Hoà, những người bị tù tội một thời tưởng như từ cõi địa ngục được sống sót trở về.

Tháng Tư Bừng Ký Ức

Mỗi tháng tư về gợi nhớ thay

Miền Nam điêu đứng lệ vơi đầy 

Đua nhau chạy giặc tìm phương thoát 

Giặc Cọng xông tràn quyết chiếm vây 

Lầm lũi đoàn người bước thật nhanh 

Hải Vân cuốc bộ vẫn cam đành 

Tay bồng, tay ẵm kiên trì sức 

Gắng gượng trèo đèo phút tử sanh

Các tướng can trường chẳng sợ chi

Niềm đau “mất nước sống làm gì“ 

Xem thường sự chết tìm đường tử 

Lịch sử trang hùng sẽ khắc ghi 

Người lính phế binh quá thảm thương

Thân đang điều trị chuyện khôn lường 

Lết rời bệnh viện đời tăm tối 

Cuộc sống không tìm ánh thái dương 

“Cải tạo” chồng đi biệt mút mùa 

Rừng thiêng nước độc bị giam lùa

Khổ sai, lao động thân mòn mỏi 

Nước mắt chan hoà cúi phận thua

Vợ lết bên lề nét xác xơ 

Kiếm tiền nuôi nhọc đám con thơ 

Chắt chiu gom góp thăm tù tội 

Đợi mãi mù tăm dõi bóng chờ 

Những kẻ yêu rồi cũng hết duyên

Chia tay vượt biển trốn chui thuyền 

Tương lai tự cứu liều giông bão 

Ánh sáng Tự Do quyết đến miền

Mỗi tháng tư về dạ chứa chan

Lưu vong gìn giữ lá cờ vàng 

Bây giờ dẫu điểm sương đầu bạc 

Bốn tám năm còn nỗi hận mang

Minh Thúy Thành Nội 

   Tháng Tư / 2023

https://vvnm.vietbao.com/a247779/noi-dia-nguc-loai-nguoi