NHỮNG CON NGƯỜI CÔNG CHÍNH (Khổng Trung Linh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Kính dâng hương hồn Bố và những người Việt Nam yêu nước! 

Tôi được sinh ra vào mùa Thu năm 1957 tại Phú Nhuận, Sàigòn, ba năm sau khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác nhạc phẩm “Hương Xưa” cũng vào thời gian này. Khôn lớn ở miền Nam, tôi hoàn toàn không có một ý niệm gì về quê quán vùng Việt Bắc, nhưng lúc nào cũng mơ tưởng về quê nội mến yêu qua những hình ảnh nhạc sĩ Cung Tiến diễn đạt trong nhạc phẩm đầy ắp tình tự dân tộc của ông, và phần lớn, qua những câu chuyện bố tôi kể lại. Về những chiều vàng thơm thơm hương cốm, về những cánh diều căng gió, về những con đê, tiếng địch thanh bình, lũy tre làng, tổ đình và ao hồ miền Hải Dương, Bắc Việt.

Tỉnh Hải Dương, theo tôi hiểu, nổi tiếng về bánh đậu xanh, bánh gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà, táo Gia Lộc, v.v. Nhưng nếu kể về văn học, y học và đạo học thì phải nói đây là quê hương của: Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thiền Sư Tuệ Tĩnh, Phạm Ngũ Lão, Lê Hữu Trác, Phạm Sư Mạnh, Phạm Đình Hổ, Khúc Thừa Dụ, và Phạm Quỳnh. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương. Nơi có Thập Bát Am (18 làng Am: Trung Am, Cổ Am, Nam Am, Thanh Am, Đông Am, Tiêm Am, Hậu Am v.v.) và Thập Bát Tướng theo sấm Trạng. Câu sấm này ám chỉ khi chân chúa ra đời, 18 vị tướng quân xuất phát từ 18 làng Am sẽ xuất hiện để phò minh quân.

Quê nội tội thuộc làng Nam Am. Tuy không phải là vùng đất phát quan như các làng khác, nhưng ông tôi thuộc hạng thông minh, chăm chỉ, nên trở thành học sinh xuất sắc và sau này trở nên trưởng tràng và là con rể của một cụ khóa về quê mở trường dậy học (thầy khóa, trước kỳ thi Hương tối thiểu là ba tháng phải tổ chức kỳ khảo khóa để sơ tuyển những người đủ tư cách và trình độ đi thi. Sau đó, lập danh sách trình lên trên để chuẩn bị kỳ thi Hương. Người nào qua được kỳ khảo khóa này được gọi là thầy khóa). Cụ khóa người làng Cổ Am, họ Đào. Một giòng họ nổi tiếng phát về hoạn lộ. Theo lời bà nội tôi kể lại: cụ khóa đi bộ từ huyện về làng, vừa đi vừa đọc sách, về đến đầu làng thì cụ đã thuộc lòng hết cả quyển sách! Cụ khóa thi không đỗ vì bài cụ viết quá thâm sâu, quan chánh chủ khảo đọc không hiểu nên đánh rớt. Tuy nhiên, các học trò sau này của cụ đều đỗ đạt và chấp chánh trong triều đình.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và một số đồng chí bị bắt ở Hải Dương đem về Yên Bái xử tử.  Sau đó, Eugene René Robin, Thống sứ Bắc kỳ còn ra lệnh ném bom triệt hạ làng Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương và những vùng lân cận vì có tin là nghĩa quân về ẩn náu ở những nơi đó. Những cuộc oanh kích này khai quật mồ mả tổ tiên người dân tỉnh Hải Dương. Ông tôi uất hận, chiều chiều cho xe kéo chạy khắp phố Tây dùng tiếng Pháp chửi họ thậm tệ vì hành vi man rợ này. Những người lính sen đầm (gendarmes) biết tiếng “Monsieur Khổng Trung Lục” nên làm ngơ, để cụ thản nhiên chửi Tây cho hả giận. Cũng vì lý do trên, từ đó ông tôi thường trầm tư ngồi uống rượu một mình.


Xe kéo thời Pháp thuộc.

Bố tôi kể rằng ông tôi thích rượu Làng Vân. Rượu được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà,Việt Yên, Bắc Giang với men rượu bí truyền của làng. Ông tôi không uống nhiều. Chỉ một xị rượu nhỏ và khoanh giò, ông ngồi như thế trên một bục đá sau nhà, đến hết cả một cuối tuần. Lâu lâu, ông nhấp một ngụm rượu rồi thở dài. Những khi hết rượu, ông lại gọi các con đi mua về một xị, bất kể nắng mưa hay đêm khuya gió bão. Bố tôi và bác tôi, hai anh em sợ ma nên hay rủ nhau giả lái xe gắn máy có còi hụ chạy hết quãng đường làng tối nghịt mua rượu cho thầy.

Ông tôi mất khi chưa đầy 50 tuổi. Nỗi đau mất nước gặm nhấm tâm hồn người.

Hôm tiễn đưa, bạn thiết chỉ có vài người. Sau đó, bà nội tôi nhận được thơ từ văn phòng ông tôi, lên thu dọn đồ đạc. Lúc mở két ra thấy vỏn vẹn vài đồng tiền Đông Dương. Cả đời ông tôi làm lụng vừa đủ trả nợ cho cậu và nuôi các em họ!

Những khi kể về ông tôi, bố tôi hay nhắc về những kỷ niệm thuở thiếu thời với cha mình. Với ông, thầy là một người cha nghiêm nghị, cổ kính, kính trời, trọng đất, ít bộc lộ tình cảm nhưng xử thế hết sức công minh.

Ông dạy con: “Các con đừng gọi ai bằng con, bằng thằng, hay nó, nếu không thích thì gọi là họ hay người ta.”

Có lần sau cơn mưa lớn, mấy cha con đi coi vườn tược, ao hồ, ông thấy trong ao nhà có giống cá lạ, ông nói: “Thầy không nuôi loại cá này, hôm nay lại có, như vậy chúng nó theo nước mưa từ ao hàng xóm sang!” Ông cho người mua mấy gánh cá cùng loại đổ trả vào ao hàng xóm.

Thời đó, các quan chức trong làng thường mặc áo thụng và đội khăn đóng. Ông tôi đội khăn quấn trắng trên đầu và mặc áo vải the đi làm. Mỗi sáng thức dậy, ông sai bố tôi cầm một đầu khăn đứng cuối nhà, cứ thế ông gấp làm mấy lượt, đoạn dùng tay miết khăn thành nếp rồi chít lên đầu. Sau này lớn lên bố tôi mới hiểu rằng ông cả đời chịu tang mẹ.

Ông tôi phụ trách lương bổng cho nhân viên, cả quan chức Tây lẫn Việt toàn vùng duyên hải Bắc Việt. Mỗi khi tính toán sổ sách, ông cầm bút lướt từ trên xuống dưới, tính nhẩm trong đầu, cộng trừ nhân chia, không bao giờ sai một xu.

Mỗi khi ông đi làm hay đi đâu về đến đất làng, ông cởi giầy ra kẹp vào nách rồi đi chân trần cho tới lúc về đến đầu ngõ. Khi về đến cổng nhà, ông cất giọng tằng hắng thật lớn. Bà nội tôi nghe tiếng ông về, kéo mấy bà bạn xuống nhà ngang tiếp tục câu chuyện dở dang bên mấy miếng trầu, để lại khoảng không gian tĩnh mịch cho chồng.

Trên nóc bếp, bố tôi kể rằng huân chương của người Pháp trao tặng treo lủng lẳng bám đầy bồ hóng. Mấy huy chương có cờ tam tài, ông cắt chia cho mấy anh em chơi. Đâu đó lại có vài đôi giầy Gia Định treo lủng lẳng. Không biết ai cho riêng sắc chỉ vua ban thì được trang trọng trưng bày ở tổ đình đầu làng. Theo bố tôi kể thì tước của ông tôi là Hồng Lô Tự Thiếu Khanh. Sau này khôn lớn, tra cứu phẩm trật nhà Nguyễn, chúng tôi mới biết tước của ông tôi tương đương với quan ngũ phẩm trong triều đình.

Tưởng cũng cần nói thêm: sau các Hòa ước Harmant và Patenôtre, nhà Nguyễn chỉ còn cai quản Trung Kỳ với chế độ bảo hộ, không có quân đội, không tài chính, không ngoại giao. Vua nhà Nguyễn chỉ lo việc cúng tế, nhóm họp dưới quyền chỉ huy của Khâm sứ người Pháp, không mang triều phục. Về hình thức, bộ máy triều đình Huế không thay đổi (vẫn có vua, Cơ mật viện, các Thượng thư…) nhưng về bản chất đã hoàn toàn thay đổi. Họ chỉ là triều đình trên danh nghĩa nhưng không có quyền hành và chỉ  là những viên chức phục vụ.

Ông tôi theo đạo Công giáo. Một lần vô tình đi dự nhằm Thánh Lễ của người Pháp, ông bị ông từ Tây đuổi ra khỏi nhà thờ. Uất nhục, từ đó ông bỏ Lễ, thề cho đến chết không hề đặt chân đến khuôn viên Thánh Đường. Lo cho phần rỗi của cha mình, bác tôi nguyện sống cuộc đời tu trì để cầu nguyện, hãm mình chỉ cho thầy hầu ông cụ được ơn trở lại. Vì thế từ Hải Dương, bác tôi lặn lội vào Hà Nội, xin gia nhập tu viện Chúa Cứu Thế, một dòng có tiếng về truyền giáo. Phần lớn linh mục xuất thân từ dòng này đếu nổi tiếng về tài hùng biện và thông thái. Có vị còn được xưng tụng là “thần khẩu” như linh mục Nguyễn Văn Vàng.

Theo lời bà tôi kể lại: sau này ông tôi trở lại đạo và sống thuần thành cho đến cuối đời.

Khi cha bề trên được tin ông tôi mất, ngài cho gọi bác tôi vào và khuyên nhủ:
“Nay bố con đã mất, con nên về để lo cho mẹ và các em.” Bác tôi vâng lệnh bề trên từ giã cuộc đời tu hành trở về cuộc sống trần tục để chu toàn bổn phận và trách nhiệm của người anh cả trong gia đình.

Sau này, khi ra chấp chính dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, bác tôi nổi tiếng về tài ăn nói và bình định. Ông về đến đâu, hết lòng lo cho dân chúng sở tại, nên nhân dân rất thương mến. Có lần, khi ông thuyên chuyển đi nhiệm sở mới, cư dân quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đến tiễn ông và nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Tôi nhớ khi còn nhỏ, lâu lâu chúng tôi được cho đi xem chiếu bóng. Trước khi vào phim chính, thường hay có hát quốc ca, chào quốc kỳ và suy tôn Ngô Tổng Thống. Đôi khi trong phần tin tức, chúng tôi thấy hình ảnh ông trong những đoạn phim thời sự. Cả đám con nít chẳng hiểu tí gì về thời sự, chỉ biết chỉ vào màn ảnh miệng la chí chóe: “Bác Lộ kìa!” hay “Bố kìa!” Mấy khán giả ngồi bên cạnh cũng phải phì cười.

Tháng Tư năm 1975, miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm. Bác tôi ở lại. Một năm sau, vụ án nhà thờ Vinh Sơn (đường Trần Quốc Toản Sài Gòn) bùng nổ. Bạo quyền cộng sản Việt Nam coi đây là một vụ án nổi loạn chống lại chính quyền. Vì có nội tuyến, bác tôi bị nhà cầm quyền vây hãm và bắt giam, tuyên án tử hình và rồi sau đó vội vã mang ra sân bắn Thủ Đức hành quyết cùng với Đại Đức Võ Văn Nhì, mặc dù thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận được thơ riêng xin ân xá.  Hội Ân Xá Quốc Tế và Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI cũng đã chính thức can thiệp. Theo lời kể lại, vị Đại Đức này đã tìm hiểu về giáo lý Công Giáo trong thời gian trong tù, và vài ngày trước khi ra pháp trường, ông đã nhận phép rửa tội qua tay bác tôi, tử tù Khổng Trung Lộ, bí danh: Hoàng Thiên Phước, cựu quận trưởng, cựu giám đốc Thông Tin, cựu dân biểu, Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 308. Sư đoàn có nhiệm vụ đánh úp thành phố Hồ Chí Minh để lật đổ chính quyền cách mạng. Mấy năm sau, người nhà mới tìm ra chỗ chôn xác hai người. Bác gái tôi xin phép cải táng và mang nắm tro tàn của ông qua Hoa Kỳ để con cái được gần gũi, khói nhang.

Trước Tòa phúc thẩm thành phố, hai bị can Võ Văn Nhì và Khổng Trung Lộ lãnh án tử hình (đứng hàng đầu: người  thứ nhất và thứ ba, từ phải sang trái).

Là con trai út trong gia đình, bố tôi được thừa hưởng cả hai nền học vấn Nho và Tây học. Sau khi ông Nguyễn Mạnh Hà đỗ tiến sĩ Luật bên Pháp năm 21 tuổi, ông gởi thơ về thăm các Frères ở Hà nội. Trong thơ ông hứa sẽ bồi hoàn mọi phí tổn ăn học cho người nào đỗ tiến sĩ cùng tuổi hoặc nhỏ hơn ông. Các Frères bảo nhau: “Chỉ có Dominic Lưu!”

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, chiến tranh Đông Dương bùng nổ. Đường học vấn của bố tôi cũng như các thanh niên thiếu nữ thời bấy giờ bị gián đoạn. Ông và một số bạn học bỏ vào Huế theo học lớp sĩ quan ở trường Đập Đá do ông Phan Văn Giáo, đương kim Tổng Trấn Trung Phần, thành lập. Sau khi tốt nghiệp, ông về binh chủng Truyền Tin. Làm việc ở Pleiku dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Hải với chức vụ sĩ quan Truyền Tin tiểu đoàn 9 Sơn Cước.

Thời gian này, người Pháp chuẩn bị bàn giao Quân Đội lại cho người Việt Nam. Trong những kỳ tập trận, họ cố tình bắt bẻ, làm khó dễ sĩ quan Việt Nam mới ra trường. Trên trực thăng thì sĩ quan Pháp ra lệnh bằng tiếng Pháp, lệnh hành quân cũng bằng tiếng Pháp, văn thơ thảo bằng tiếng Pháp, và công điện cũng được trao đổi bằng tiếng Pháp. Thế nhưng, mười lần như một, các tiểu đoàn Truyền Tin Việt Nam lúc nào cũng đứng đầu!

Bố tôi kể, ngày đầu về Pleiku nhận nhiệm sở mới. Người Pháp kê ba bàn làm việc ngang nhau, và để ông ngồi giữa hai người lính Lê dương (Légionnaires). Hai người này vốn là sĩ quan Đức Quốc Xã ngày xưa, sau thế chiến thứ hai được trưng dụng bởi đoàn quân Légionnaires, và sang Việt Nam phục vụ. Lê dương Pháp (Légion étrangère) là một đội quân tinh nhuệ của Lục quân Pháp. Được thành lập năm 1831, đây là đơn vị đặc biệt của quân đội Pháp vì các binh sĩ thuộc những người nước ngoài tình nguyện chiến đấu cho nước Pháp và hoàn toàn chịu sự chỉ huy của sĩ quan Pháp.

Hai người lính này lên mặt trịch thượng và ra vẻ bất hợp tác. Bố tôi thấy thế liền đập bàn và nói: “Trong quân đội, người ngồi giữa chỉ huy.” Hai viên sĩ quan này chưa hiểu hết ý, ông quát: “Ai đặt tôi ngồi giữa?” Từ đó, hai ông lính Lê Dương ríu ríu tuân theo lệnh người sĩ quan chỉ huy Việt Nam. Khi nào cần thảo văn thơ, ông giao cho họ đánh máy. Khổ nỗi những ông sĩ quan gốc Đức này không giỏi tiếng Pháp bằng viên sĩ quan Việt Nam mới ra trường, nên lại phải gãi đầu, gãi tai nhờ bố tôi sửa chữa vừa lỗi chính tả, vừa lỗi văn phạm. Từ đó, họ vừa mến vừa cảm phục!

Ông được Thiếu Tá Hải, một trong những sĩ quan Việt Nam đầu tiên ngành Truyền Tin hết lòng thương mến. Một hôm, sau buổi thuyết trình về tình hình chiến khu, Thiếu tá Hải gọi ông đến và trước mặt quân nhân các cấp, ông trao lon Trung Úy cho bố tôi với lời nhắn nhủ: “Moa thăng cấp cho Lưu để còn làm việc với tụi nó!” Nó đây ông muốn ám chỉ cấp chỉ huy người Pháp lúc bấy giờ. Hình như vì lòng thương mến này và tính bất khuất của cả hai người, sau này Thiếu Tá Hải bị thuyên chuyển. Riêng phần bố tôi, một lần bị áp bức, ông khích động anh em quân nhân Việt Nam cạo trọc đầu, xuống đường để phản kháng. Sau vụ “nổi loạn” này, bên Pháp có hai sĩ quan bị cách chức. Bên Việt Nam, cũng có hai sĩ quan bị giáng cấp. Hồ sơ quân ngũ của ông bị cấp chỉ huy Pháp phê: “Sĩ quan văn võ song toàn, nhưng có óc nổi loạn!’Tuy nhiên, cấp chỉ huy Việt Nam vẫn căn cứ vào lời phê của người Pháp, chứ không duyệt xét lại. Vì lời phê này, ông mang cấp bậc Trung Úy đến tám năm trong khi các bạn cùng khóa đều được thăng cấp Tá hoặc Tướng.

Hồi đó, vị Tổng Tham Mưu trưởng được chỉ định là một vị tướng lãnh trong quân đội Pháp biệt phái sang Quân Đội Việt nam Cộng Hòa, vì vậy vị Chỉ huy trưởng Viễn Thông cũng là một sĩ  quan cao cấp trong quân đội viễn chinh Pháp tại Ðông Dương. Các vị chỉ huy trưởng trực thuộc cũng như các đơn vị trưởng đều là người Pháp. Đa số sĩ quan Truyền tin VN được đào tạo trong nước, ngoại trừ một số nhỏ được chọn lọc gởi đi học tại trường Truyền Tin Montargis. Mãi cho đến khi người Pháp rút khỏi Ðông Dương và trao trả trọn vẹn chủ quyền lại cho VN, nền Ðệ Nhất Cộng Hòa được thành lập và canh tân lại Quân Ðội Việt Nam, binh chủng Truyền Tin mới thật sự do người VN chỉ huy. Từ đó hầu hết các sĩ quan Truyền Tin được gởi đi Hoa Kỳ tu nghiệp để làm nồng cốt cho việc tổ chức lại hệ thống Truyền Tin theo Quân Đội Hoa Kỳ.

Sau một cuộc đụng trận ở đèo An Khê, là một ngọn đèo nằm trên đường từ Quy Nhơn (Bình Định) đi Pleiku (Gia Lai). Bố tôi bị thương nặng, ông được đưa về Nha Trang dưỡng bệnh. Chiều chiều, từ trong khuôn viên dưỡng đường, ông ngồi nhìn ra bờ Thái Bình Dương làm thơ, viết văn cho khuây khỏa. Cũng tại nơi này, qua một áng văn, ông đã chứng minh rằng có Thượng Đế! Bài viết này đến tay linh mục Giuse Đinh Cao Thuấn, Giám đốc Nha Tuyên Úy Công Giáo Quân Đội VNCH lúc bấy giờ. Ngài đọc xong, liền liên lạc với bộ Tổng Tham Mưu, xin bố tôi về làm chủ bút Bán Nguyệt San Tinh Thần, một tờ báo dành riêng cho các quân nhân Công Giáo.

Chính trong thời gian này, bố tôi được dịp tìm hiểu thêm về tình hình chính trị, quân sự nước nhà. Ông thật sự bất mãn trước những bất công xã hội, và ước nguyện làm hết khả năng mình để thay đổi bộ mặt xã hội thời bấy giờ.

Khi ra tranh cử Dân Biểu ở đơn vị Gia Định năm 1967, là sĩ quan Công giáo, ông đến trình diện một cha chính xứ. Linh mục này đặt ngay câu hỏi: “Ông A hứa cho nhà xứ mấy trăm bao xi măng, ông B hứa trùng tu khuôn viên thánh đường, còn ông Đại úy hứa cho nhà xứ cái gì?” Bố tôi thẳng thắn trả lời: “Thưa cha, vì là sĩ quan Công giáo nên con đến trình diện cha chứ con không đến xin phiếu. Nếu cha thấy con xứng đáng thì cha ủng hộ con, còn không cha ủng hộ người khác.” Đoạn ông kiếu từ linh mục chánh xứ và ra về. Lần đó ông dẫn đầu tỉnh Gia Định, một phần nhờ anh em quân nhân hết lòng ủng hộ, nhưng có lẽ vì văn thơ nói lên tinh thần yêu nước của bố tôi được Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI ban khen qua Đức Khâm Sứ tòa thánh Angelo Palmas tại Sàigòn. Tôi còn nhớ trên bích chương tranh cử ông đã tâm tình với cử tri như sau: “Dân tộc này phải được mọi người kính nể, kẻ thù cũng như đồng minh. Phải chiến thắng cộng sản, đồng thời cũng phải chế ngự những hành động ngạo mạn của những người bạn đồng minh kiêu hãnh, đôi khi mù quáng đến độ sa lầy không lối thoát!”

Trong những năm làm việc với chức vụ dân cử trong Hạ Nghị Viện, ông được anh chị em đồng viện quý mến và gọi ông là “linh hồn” của khối Độc Lập. Dân Biểu Nguyễn Trọng Nho, một sĩ quan QLVNCH trước khi làm dân biểu Hạ Viện và thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đặc trách về Hiến Pháp tại miền Nam Việt Nam trong ngày cuối nhiệm kỳ đã đến bắt tay bố tôi và nói: “Trong bốn năm, tôi chỉ phục mình anh vì những gì anh nói đều từ tâm anh nói ra.”

Ông thường tâm sự với tôi:
“Khi mình ở trên cao, mọi việc đều thấy rõ và nhìn vấn đề sáng lắm” Từ chỗ “sáng” này, trong bốn năm ở Quốc Hội, ông đặt lại tất cả vấn đề, từ thương phế binh tới quả phụ, tử sĩ, từ quân dịch đến cảnh sát.

Khi nói đến vấn đề quân dịch, ông đã thẳng thẳn trình bày với Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung: “Thưa Trung Tướng, người tân binh không sợ quân dịch, nhưng họ sợ ngưỡng cửa Quân Trường. Họ bỏ tiền ra mua gói xôi, nhưng khi đưa lên miệng họ không nuốt được vì nó đã chua rồi!” Cũng trong một phiên họp Lưỡng Viện, ông đặt vấn đề hối lộ với Đại Tá Trần Văn Hai, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia:”Thưa Chuẩn Tướng, mất nuớc hay không là do Cảnh Sát.”
Đại Tá Trần Văn Hai thất sắc nói: “Ông Dân Biểu có quá lời?”
Bố tôi dẫn chứng:
“Vì không dùng công xa nên tôi có dịp đi lại bằng những phương tiện công cộng. Một chuyến xe đò vào thành phố, trên chất đầy hành khách và hàng hóa, nhưng khi đến gần trạm kiểm soát, người lơ xe bắt tay nhân viên công lực và xe chạy luôn không ngừng. Một chiếc xe lam, trên phủ đầy rau cải và hành khách, cũng vậy, đến gần trạm kiểm soát cũng một cái bắt tay và xe chạy luôn không ngừng. Những cái bắt tay quen thuộc này đã tiếp tay đưa vào thành phố không biết bao nhiêu đồ quốc cấm, chưa kể đạn dược, vũ khí làm lợi cho phía bên kia!”

Vì nổi tiếng thanh liêm, một lần kia ông được đặc cử qua Giám Sát Viện một thời gian để thanh tra. Chiều hôm trước đó, ông đi bộ thẩn thơ trước cổng cơ quan này. Một nhân viên an ninh thấy ông tần ngần trước trạm kiểm soát lớn tiếng hỏi: “Này anh kia! Đứng đây làm gì? Không đi chỗ khác chơi tôi bắt bỏ bót bây giờ.” Ông móc thẻ Quốc Hội và từ tốn giải thích là ông sắp về thanh tra ngày mai nên hôm nay đến để coi sơ chỗ làm việc. Khi nghe đến đây, viên cảnh sát thiếu điều quỳ sụp xuống lạy như tế sao: “Thưa ông, ông tha cho vì con không biết ông.” Bố tôi trấn an, cám ơn và bỏ đi. Một tuần sau bố tôi từ nhiệm!

***

Tôi lớn lên với những mẫu chuyện vui buồn như thế.

Tôi lớn lên, thương cảm cho những chiến binh sau những cuộc hành quân khốc liệt, uống say mướt trong những giờ nghỉ phép để rồi ngày mai lại vội vã hành trang lên đường, tung thân vào những cuộc chém giết phi lý, tương tàn. Mắt ưá lệ khi thấy cha mình mỗi lần chén thù, chén tạc với những người lính chiến, tủi hận cho một đất nước điêu linh, trầm thống.

Tôi lớn lên và được chia sẻ để thấy được những mảnh đời trái ngang; được chứng kiến cảnh những bà mẹ già khăn áo lặn lội từ Trung vào Nam, nằm ngồi la liệt ở khuôn viên nha Hưu Bổng Sàigòn để chờ lãnh được món tiền tử những người con thân yêu để lại; thấy được những cảnh đời éo le trong một đất nước chiến tranh, bất hạnh, và nghèo khó; thấy những người quả phụ bế trên tay đứa bé còn đỏ hõn chẳng một lời than trách khi định mệnh khắc nghiệt đã lấy đi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhất trên đời.

Tôi lớn lên và được chia sẻ để thấy được những bất công, chênh lệch của xã hội thời bấy giờ. Thấy những thánh đường nguy nga, tráng lệ, những chùa chiền, lăng tẩm huy hoàng để “nhốt” Chúa, Phật vào đó mà bên cạnh là những căn nhà mái lá, lợp tôn nằm bên những con đường sình lầy tanh nồng cống rãnh.

Để thấy được những sân quần vợt, những câu lạc bộ, hồ bơi sang trọng bên cạnh những quán cơm bình dân, cà phê vỉa hè. Thấy những buổi dạ tiệc trên sân thượng của những khách sạn Catinat, Caravelle mà những phần ăn tối của thực khách nhiều khi còn hơn mấy tháng lương của một người lính tác chiến.

Thấy những bến xe đi về Lục Tỉnh tràn ngập rác rưởi bên cạnh những khu bán phấn, buôn hương.

Thấy phi trường Tân Sơn Nhất từ trên không nhìn xuống chỉ bằng những “hangar” xứ người.

Thấy những “đám đông thầm lặng”, coi việc nước non là trách nhiệm của người khác, phó mặc cho ngoại nhân những quyết định ảnh hưởng đến vận mạng của cả một dân tộc.

Năm 1970, với tư cách là một thường dân, bố tôi sáng lập Tổ Chức Một Đồng Giúp Người Bất Hạnh. Để gây qũy hoạt động, ông đã đi khắp nơi trên thế giới để vận động sự tài trợ của những tổ chức thiện nguyện, từ New York đến California, từ Pháp qua tới Singapore, từ Hong Kong đến Tokyo. Riêng tại Tây Đức, Caritasverband đã hứa giúp Tổ Chức Một Đồng một ngân khoản là $1,000,000 Mỹ kim với điều kiện duy nhất là chữ ký chấp thuận của vị Nguyên Thủ Quốc Gia: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Bố tôi về nước, tức tốc vào Dinh Độc Lập loan báo tin vui và đệ trình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cơ cấu tổ chức của Tổ Chức Một Đồng và chấp nhận ký thác số ngân khoản trên vào Ngân Hàng Quốc Gia, và hoàn toàn chịu dưới quyền kiểm soát của Tổng Trưởng Tài Chánh Nguyễn Bích Huệ. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nghe xong nói với bố tôi: “Anh để tôi xem”. Thiếu chữ ký của ông Thiệu, Tổ Chức Một Đồng không có ngân qũy để hoạt động. Trong khi đó, sơ đồ, dự án xây cất cô nhi viện, nhà thương, bảo sanh viện, viện dưỡng lão, nhà tiền chế, cầu cống thôn quê, ..v.v đều đã sẵn sàng.


Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI tiếp kiến riêng Ông Bà Dân Biểu Khổng Trung Lưu tại trung tâm nghỉ mát ở thị trấn Castel Gandolfo, và chúc lành cho Tổ Chức Một Đồng Giúp Người Bất Hạnh.

Cũng trong thời gian này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngỏ ý muốn bố tôi làm Chủ Tịch Hạ Nghị Viện để thay thế cho cụ Nguyễn Bá Lương gần đến tuổi về hưu. Hơn nữa vì sau hai lần vận động Lưỡng Viện phá vỡ âm mưu ép liên hiệp do người Mỹ chủ trương, ông đạt sự tín nhiệm của đa số đồng viện.

Theo đề nghị này, bố tôi sẽ về một đơn vị nhỏ để có thì giờ lo cho Hạ Nghị Viện. Đơn vị nhỏ này là tỉnh Quảng Đức. Quảng Đức là một tỉnh được thành lập năm 1959 và nằm trên cao nguyên Mơ Nông thuộc Tây Nguyên-miền Trung Việt Nam. Tính đến năm 1971, dân số tỉnh Quảng Đức là 38.305 người, đa số là người Thượng, bao gồm Ê-đê, Xtiêng, Cơ ho và M’Nông. Được sự hậu thuẫn của Phủ Tổng Thống, Đại Úy “Hai Ưu Tiên”(bí danh của cựu Đại Úy Khổng Trung Lưu) lên đường tranh cử với mẹ tôi và một người anh em kết nghĩa (ông Lý Tạc, sau này chúng tôi mới biết ông là thành viên của Trung Hoa Quốc Dân Đảng) với sự yểm trợ đắc lực của Quân Đội. Ông đi đến đâu, dân chúng, quân nhân nhiệt tình ủng hộ đến đó. Có những chỗ ông không đến kịp mẹ tôi phải đi thay, ngỏ lời với cử tri.

Không ngờ người Mỹ quyết định bỏ Việt Nam Cộng Hòa để thay vào đó lá bài Trung Cộng.


Cựu Đại Úy “Hai Ưu Tiên” trên đường tranh cử đơn vị Quảng-Đức.

Đức Giám Mục Lê Văn Ấn, kiêm nhiệm đặc trách Tổng Tuyên úy Công giáo Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được tin mật, ngài gởi điện thơ cho các linh mục với nội dung: “Tìm xem Lưu nó đang ở đâu, bảo nó về. Nó đứng đầu danh sách phải loại do Henry Kissinger gởi sang thì làm sao mà thắng được!” Quả nhiên sau đó tình hình thay đổi trong một sớm một chiều. Lần đó bố tôi thất cử! Vị dân biểu đại diện cho Tỉnh Quảng Đức của Hạ Nghị Viện chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhiệm kỳ cuối cùng trước 30-04-1975 là ông Vương Sơn Thông, một khuôn mặt hoàn toàn xa lạ với chính giới Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ.

***

Gần 40 năm sau khi miền Nam Việt Nam, tiền đồn chống cộng của Đông Nam Á thất thủ, chúng ta hãy nghe ông Huy Đức, tác giả cuốn sách Bên Thắng Cuộc trình bày trong lời giới thiệu: “Cuốn sách bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để giành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.

Hay gần đây nữa, chúng ta hãy nghe LS Nguyễn Văn Đài, một nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam thố lộ:

Giờ đây, mọi người lại hỏi tôi “anh nghĩ và có cảm xúc như thế nào về ngày 30-4?”

Tôi trả lời: Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.

Một chế độ dân chủ và văn minh mà theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang:

“Chế độ VNCH ngày xưa có nhiều điểm ưu việt hơn chế độ chính trị của miền Bắc. Khi giải phóng vào thì tôi thấy là nền giáo dục của họ rất tốt, họ giáo dục cho trẻ em cái Lễ, chứ không phải là đấu tranh giai cấp. Con người ở miền Nam họ sống với nhau cũng có nghĩa hơn, chứ không phải như những con người giả dối, trong hội trường thì tung hô một nẻo, về nhà thì nói một nẻo. Rồi còn có báo chí, nhân quyền được tôn trọng hơn, có tự do ngôn luận hơn chứ không như ở miền Bắc là bưng bít, phải nói theo đảng làm theo đảng, không được phê bình đảng, không nói được nguyện vọng của nhân dân, của quần chúng.”

Thật là điều đáng buồn khi những người Cộng Sản phải mất hơn 30 năm để nhìn ra được: những “ngụy quân”, “ngụy quyền”, người dân của chế độ VNCH thật ra chỉ là những người có trái tim yêu trọng Chân, Thiện, Mỹ. Vì những giá trị cao thượng này mà ở Sài Gòn sau ngày 30/4/1975, 443.360 người phải ra trình diện, trong đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sỹ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, 9.306 người trong các đảng phái được cách mạng coi là “phản động”. Chỉ có 4.162 người phải truy bắt trong đó có một viên tướng và 281 sỹ quan cấp tá.

Theo tài liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, trong khoảng thời gian 1975-1995 đã có 849.228 người vượt biên bằng đường biển và đường bộ. Theo tài liệu của Indonesia, trong khoảng thời gian 1975-1996 đã có 250.000 người Việt Nam và Campuchia tá túc trên đảo Galang. Một số thuyền nhân được các tàu khác (trong số đó có Hải quân Mỹ) cứu vớt; một số khác đến được các đảo trong biển Đông xung quanh Việt Nam; một số bị thiệt mạng trên biển, rất nhiều người bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp trước khi được cứu. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã thiết lập một số trại tị nạn ở những nước lân cận và đã nhận được giải Nobel Hòa bình năm 1981, một phần là nhờ những hoạt động này. Hiện nay chưa có một con số thống kê chính thức về con số thuyền nhân bỏ mình trên biển cả hay trong rừng sâu. Không có con số chính thức về số thiếu nữ bị bắt đi, tách khỏi thân nhân trên đường đi tìm tự do. Đã có những tượng đài được dựng lên để tưởng nhớ đến những thuyền nhân bị thiệt mạng trong các cuộc vượt biên, như ở Pulau Bidong (Malaysia), Pulau Galang (Indonesia).

Triết lý Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng này được trang báo mạng Vietnamnet nhắc lại trong một bài báo vào cuối năm 2013. Phải chăng sự bế tắc của nền giáo dục Việt nam hiện tại đã đánh thức nhiều người Việt hiện nay rằng có một di sản giáo dục cần trân trọng?

****

Người ơi, môt chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa

Ngươi ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò.

Còn đó tiếng tre êm ru,

Còn đó bóng đa hẹn hò,

Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu

Người ơi,

còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao

Người ơi,

còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao

Còn đó tiếng khung quay tơ,

Còn đó con diều vật vờ

Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa

Khổng Trung Linh