Tuần trước lang thang trên internet, tình cờ nghe nghệ sĩ Ngọc Sang từ trong nước ngâm bài thơ Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác. Anh cũng vừa gởi lên vài giờ trước đó. Nghệ sĩ Ngọc Sang có Facebook nên tôi cám ơn và xin phép anh thay những hình ảnh trong youtube bằng những ảnh thật của chùa Viên Giác như trong đoạn video này. Mấy chục năm trước, có lần VOA phỏng vấn và hỏi bài thơ nào của tôi mà tôi thích nhất, tôi trả lời đó là bài Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác. Lý do rất riêng tư vì tôi đã mang ơn cây đa già trước sân chùa. Những ngày đó, năm giờ sáng, khi phần đông người trong chùa còn ngủ, tôi thức dậy bắt đầu công việc mỗi ngày của mình. Tôi phải quét lá sớm để bảy giờ thì đi bộ đến trường. Sân chùa rộng, nhiều khi vừa quét xong nhìn lại phía đầu sân bên kia, lá rơi đầy như trước, lại phải quét thêm lần nữa.Nhiều buổi sáng khi quét lá xong, trời còn sớm tôi ngồi trên bệ đá trước giảng đường học bài. Nhìn những chiếc lá đang nhẹ nhàng rơi xuống, tôi nghĩ về mình và những đứa bé cùng cảnh ngộ. Số phận của chúng cũng mang nỗi cô đơn sâu thẳm và mong manh như chiếc lá đang rơi.Đa dạy tôi làm người chân thật, đa dạy tôi chịu đựng, đa dạy tôi vươn lên trong cuộc đời vẫn còn đầy những gian nan trắc trở. Tôi đã vươn lên, không to lớn như vóc dáng tôi từng thêu dệt, không hoàn hảo như ước mơ tôi đan ở tuổi thiếu thời nhưng cũng không làm đa buồn trách. Tôi chưa bỏ quên mơ ước của mình. Dù khó khăn, tôi vẫn cố làm một người chân thật, một người yêu thương lấy cuộc đời nầy.Sau gần năm năm quấn quít dưới bóng đa, buổi chiều mùa thu năm 1972, tôi lạy Phật ra đi vào Sài Gòn học đại học. Hôm đó lá chưa rơi nhiều nhưng tiếng xào xạc hòa trong gió lớn. Hai cây đa già cùng tấu lên khúc nhạc như để tiễn đưa tôi. Tạm biệt chiếc đại hồng chung và những tiếng ngân dài, tạm biệt chiếc giường gỗ và bầy rệp đỏ, tạm biệt chiếc mùng ngăn muỗi nhiều chỗ vá. Không giọt nước mắt nào nhỏ xuống trong giờ chia tay người đi kẻ ở, không, tôi tự tay mở cánh sắt nhỏ ngăn hai thế giới, và ra đi âm thầm như ngày mới đến. Và cứ thế tôi đi, mỗi ngày một xa, vào Sài Gòn và xa hơn sang nước Mỹ.Dù ở đâu, tôi vẫn hằng mơ ngày trở lại để được ngồi một mình dưới bóng mát cây đa như ngồi bên người mẹ già nua trong buổi xế chiều, để nghe tuổi hoa niên trở về thổn thức. Mười hai năm sau ngày ra đi, tôi viết bài thơ Nhớ Cây Đà Chùa Viên Giác để tỏ lòng biết cây đa già đã che nắng che mưa. Đa ơi đừng gục xuống, hãy chờ tôi trở lại. Tôi sẽ kể đa nghe chuyện đời tôi qua mấy độ thăng trầm nghiệt ngã. Nhưng đa không chờ được, một thời gian sau cây đa già thân yêu gục chết. NHỚ CÂY ÐA CHÙA VIÊN GIÁCTôi chưa kịp trở về thăm Viên GiácMười hai năm bèo dạt bến sông đờiCây đa cũ chắc đã già hơn trướcBiết có còn rụng lá xuống sân tôi Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉÐể niềm đau chảy suốt những mùa thuThời thơ ấu cây đa già tri kỷVẫn còn đây trong ký ức xa mù Tôi khổ cực từ khi cha mất sớmNên bà con, thân thuộc cũng xa dầnKhi tôi khóc, đa đau từng cuống láKhi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủÐa làm cha che mát những trưa hèÐa làm bạn quây quần khi rảnh rỗiÐa làm người chơn thật chẳng khen chê Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổiQuét lá vàng như quét nỗi cô đơnLá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tớiNhư đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứMột chiều thu tôi lạy Phật ra điBỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớmCây đa già đứng lặng khóc chia ly Ðường tôi qua đã không còn bóng mátNgày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuyaÐa ở lại âm thầm ru khúc hátNgậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớCũng xin đừng gục xuống dưới sân tôiXin cố đứng để chờ nghe tôi kểChuyện trầm luân của một kiếp con người Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên GiácNhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đâyÔi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớnÐi làm người du thực ở phương tây Tôi viết nốt những bài thơ dang dởVá tình người rách nát thuở hoa niênÐa sẽ hát bài đồng dao muôn thuởNhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm. Trần Trung Ðạo
Posted by Trần Trung Đạo on Saturday, May 7, 2016