NGUY CƠ ĐỐI ĐẦU QUÂN SỰ VỚI MỸ SAU VỤ TRUNG CỘNG THỬ HỎA TIỄN Ở BIỂN ĐÔNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hỏa tiễn DF-21 của Trung Cộng từng thấy trong cuộc diễn binh 70 năm kết thúc Đệ II thế chiến 

Trung Cộng gia tăng tập trận theo cường độ các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc Trung Cộng thử hỏa tiễn ngày 27/08/2020 giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, trong khuôn khổ cuộc tập trận từ 24-29/08 trên bốn mặt trận (Biển Đông, Hoàng Hải, Bột Hải và eo biển Đài Loan) có nguy cơ thúc đẩy Mỹ điều động thêm nhiều hỏa tiễn đến khu vực và làm gia tăng rủi ro một cuộc xung đột vũ trang.

 

Mỹ-Trung chạy đua hỏa tiễn ở Ấn Độ Dương

hỏa tiễn DF-26, được bắn thử với hỏa tiễn DF-21 ngày 27/08, có tầm bắn 4.000 km (2.485 dặm), được coi là “loại hỏa tiễn diệt tầu sân bay” và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Loại hỏa tiễn này nằm trong các loại vũ khí bị cấm trong Hiệp ước về loại bỏ hỏa tiễn tầm trung (INF) được Hoa Kỳ và Liên Xô ký từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Do không bị ràng buộc vì Hiệp ước này, Trung Cộng đã triển khai khoảng 2.000 hỏa tiễn liên lục địa hoặc hỏa tiễn hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Đây là lý do được Washington nêu khi giải thích về việc rút khỏi INF.

Đối với bộ Quốc Phòng Mỹ, theo thông cáo ngày 27/08, “các hành động của Bắc Kinh, kể cả việc thử hỏa tiễn, càng gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông“. Do đó, Washington sẽ càng thêm ngờ vực Bắc Kinh và “ít có khả năng quân đội Mỹ chùn bước” vì “cạnh tranh và chống Trung Cộng ở quy mô khu vực và toàn cầu” trở thành chiến lược của chính quyền Mỹ, theo nhận định của Derek Grossman, chuyên gia về an ninh thuộc Trung tâm nghiên cứu Rand.

Malcolm Davis, nhà phân tích thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng các vụ thử trên sẽ buộc Hoa Kỳ “phải đánh giá rất nghiêm túc về khả năng hỏa tiễn của Trung Cộng”. Loại hỏa tiễn DF không còn là “đồ chơi” được phô trương trong những cuộc duyệt binh trước đây ở Bắc Kinh, theo nhận định Chen Gang, trợ lý giám đốc Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore. Và để khống chế quân đội Trung Cộng, có rất nhiều khả năng Hoa Kỳ phát triển và triển khai thêm hệ thống hỏa tiễn ở Ấn Độ Dương.

Nguy cơ xung đột ngoài ý muốn

Ngoài khả năng tăng cường khả năng quân sự, đặc biệt là hỏa tiễn, một nguy cơ khác được chuyên gia Grossman lấy làm ví dụ, đó là “khả năng tính toán nhầm” từ phía Trung Cộng, khiến một hỏa tiễn DF-21 rơi gần một tầu sân bay của Mỹ đi ngang khu vực, quân đội Hoa Kỳ có thể sẽ phải đáp trả nếu cho rằng hỏa tiễn chệch mục tiêu. Nếu trường hợp này xảy ra, tình hình sẽ chỉ thêm xấu đi.

Tuy nhiên, Isaac Kardon, thuộc Trường Hải Chiến Mỹ, không tỏ ra bi quan như vậy khi đánh giá “sự leo thang giữa quân đội hai nước vẫn ở cấp độ thấp” vì “cả hai lực lượng chuyên nghiệp sẽ vô cùng thận trọng trong cách hành xử”.

Các cuộc tập trận ngày càng hùng hậu và trên quy mô lớn của Trung Cộng nhằm ba mục tiêu : kích động tinh thần dân tộc trong nước, ngăn chặn các lực lượng bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, can thiệp vào Biển Đông và cảnh cáo các nước láng giềng về các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Liệu chiến lược hung hăng này có quay lại chống Trung Cộng ? Các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Cộng ngày càng phản đối mạnh mẽ : Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh hủy các cuộc tập trận ở Hoàng Sa, Manila cho biết sẽ cầu viện Washington nếu Trung Cộng tấn công tầu của Philippines ở Biển Đông. Riêng Mỹ sẽ không từ bỏ các chiến dịch FONOP ở trong vùng.

Theo Thu Hằng (RFI)