NGƯỜI MỸ KHÔNG CÒN BỊ BỎ QUÊN NỮA (Nguyễn Đạt Thịnh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Gần 3 giờ sáng ngày thứ Tư mùng 9 tháng 11/2016, ứng cử viên Hillary Clinton gọi điện thoại chúc mừng đối thủ Donald Trump -cú điện thoại đó mang ý nghĩa nhìn nhận là Trump thắng cử; sau khi cảm ơn bà Hillary, Trump quay lại bảo những cảm tình viên đang ngồi quanh ông, ‘kể từ hôm nay Người Mỹ Không Còn Bị Bỏ Quên Nữa’.

Ông không nói người ‘Mỹ Trắng’, vì từ phút thắng cử, ông đã được coi là tân tổng thống Hoa Kỳ, người có bổn phận phải bảo vệ, nâng đỡ toàn thể 316 triệu công dân Mỹ, kể cả những người Mỹ Đen, những người Mỹ gốc Mễ, không bầu ông, không thích ông.

Trump là một nhà địa ốc chuyên xây cất khách sạn, xòng bạc, và sân golf, kiêm tài tử reality television -một loại truyền hình chuyên sân khấu hoá cuộc sống có thật ngoài đời- và giờ này trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, với lời hứa hẹn sẽ làm Hoa Kỳ trở thành vĩ đại như ngày trước.
Trump không nói gì đến người Nga, nhưng ông cũng không bỏ quên người Nga; tổng thống Nga chúc mừng ông thắng cử, không nhắc gì đến công ơn Nga giúp đỡ ông, và chỉ mong là Nga-Mỹ sẽ có những cuộc thảo luận thân hữu.

                Trump hứa hẹn sẽ làm Hoa Kỳ trở thành vĩ đại như ngày trước; tổng thống Nga chúc mừng ông

Nhiều quan sát viên cho là Trump sẽ bãi bỏ những trừng phạt kinh tế vì việc Nga chiếm Crimea và gây hấn với Ukraine.

Chủ tịch Quốc Hội Nga, ông Vyacheslav V. Volodin, tuyên bố, “Hy vọng vị tân tổng thống Hoa Kỳ sẽ có những cuộc thảo luận thân hữu với Nga trong tinh thần tương kính và cộng tác.”

Giao tình giữa tân tổng thống Hoa Kỳ với người Nga có chiều khắng khít hơn liên hệ giữa ông với những chính khách Cộng Hòa.
Trump chỉ trích những khuôn thước cũ kỹ trên chính trường Hoa Kỳ, chỉ trích nhiều chính khách của cả 2 đảng, và cũng bị những người này chỉ trích. Mới tháng Tám vừa rồi 50 chính khách Cộng Hòa kỳ cựu -nhiều người là thành viên của nội các George W. Bush đã đồng ký một lá thư tố cáo Donald Trump ‘thiếu tư cách, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm để trở thành tổng thống Hoa Kỳ.’ Lá thư còn cảnh cáo là nếu đắc cử, Trump sẽ trở thành vị tổng thống bừa bãi nhất, vô trách nhiệm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Cựu ngoại trưởng Colin Powell còn tuyên bố là ông ta đành bỏ phiếu bầu bà Clinton, vì lo sợ Trump trở thành tổng thống sẽ gây ra thảm hoạ cho người Mỹ. Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan, nói ông bầu Trump vì ông bầu toàn thể những ứng cử viên nào có tên trong danh sách Cộng Hòa.

Tháng Sáu vừa rồi, Ryan miễn cưỡng endorse Trump, nhưng vẫn giữ khoảng cách, không muốn dính dáng gì đến Trump. Lập trường của Trump là ông không cần sự ủng hộ của các chính khách Cộng Hòa mà chỉ cần quần chúng Cộng Hòa.

Dĩ nhiên việc Trump đắc cử được cả thế giới theo dõi; lãnh tụ đảng Dân Chủ Nga, ông Vladimir Zhirinovsky gửi điện văn chúc mừng Trump; trong điện văn chúc mừng, Zhirinovsky viết, “Dĩ nhiên chúng tôi rất thoả mãn vì người tài giỏi đã thắng ứng cử viên kém mình.” Nhưng nhà lãnh tụ Nga này còn yêu cầu triệu hồi đại sứ Mỹ John Tefft về nước, và thay thế ông bằng một vị đại sứ khác; Zhirinovsky viết, “ông ta phải ra khỏi nước Nga, vì ông ta ghét Nga.”

Tại Pháp, chính khách cực hữu Jean-Marie Le Pen, sáng lập viên của đảng National Front, cũng tweeted một câu chúc tụng niềm nở, giữa 2 chánh khách cực hữu. Ngược lại người Cuba lại lo ngại là chính sách thân Cuba của tổng thống Obama sẽ chấm dứt với nhiệm kỳ của ông.

Ông Esteban Morales -một chính khách từng tham gia chiến đấu với Fidel Castro- nhận định việc thắng cử của Trump có thể sẽ tạo khó khăn cho nền bang giao mới tái lập giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Cộng diễn dịch việc cử tri Mỹ chọn ứng cử viện Cộng Hòa là chỉ dấu cho thấy người Mỹ không thích chính sách ‘quay về Á Châu’ của tổng thống Obama.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo, số phát hành ngày mùng 9 tháng 11/2016 nói việc thay đổi chính phủ, và thay đổi chính thể cho thấy nhược điểm của chính sách Dân Chủ Tây Phương; Trung Quốc có chính sách bền vững hơn.

Viên chức Nhật Tateo Kawamura nói thủ tướng Nhật Shinzo Abe theo dõi rất sát cuộc bầu cử và nhận định là cuộc tranh cử gay go hơn mức ước tính của ông ta. Ông Abe ngại là chính sách của Hoa Kỳ (đối đầu với tham vọng bành trướng của Trung Cộng) sẽ có thay đổi.

Tổng trưởng bộ Nội Các Nhật -ông Yoshihide Suga- nói có thể việc thay đổi tổng thống Hoa Kỳ không gây trở ngại cho tình đồng minh Mỹ-Nhật.

Nhà phân tách tài chánh Gabriela Siller của tổ chức Banco Base ngại là việc Trump đắc cử có thể làm đồng Peso của Mễ mất giá và làm giảm lưu lượng hàng hoá xuyên biên giới giữa 2 nước Mỹ-Mễ giảm bớt 3%.
Trong lúc vận động bầu cử, Trump có đe là sẽ tái xét quy chế ‘Thị Trường Tự Do Bắc Mỹ,’ và xây một bức tường trên biên giới Mỹ-Mễ để ngăn không cho người Mễ vượt biên vào Mỹ.

Bức tường biên giới đó và một số việc khác có thể chỉ là lập luận tranh cử, Trump nói để nhấn mạnh quan điểm chống di dân lậu của ông; sau khi đắc cử, ngôn từ ông sử dụng có vẻ đang hoà hoãn hơn, kết hợp hơn.
Ông nói vào lúc 3 giờ sáng ngày thứ Tư 11/09/2016, “tôi cam kết với mỗi công dân Hoa Kỳ việc tôi sẽ là tổng thống của mọi người Mỹ; ” giọng hiền hoà ông nói tiếp, “Đối với những người trước đây không ủng hộ tôi, tôi sẽ tìm đến xin gặp quý vị và xin quý vị giúp tôi đoàn kết mọi người sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Đối với bà Hillary người đã nỗ lực rất nhiều, và phục vụ rất lâu cho đất nước chúng ta, chúng ta tri ơn bà. Tôi rất thành thật khi nói lên điều đó.”

Đánh bại 15 ứng cử viên Cộng Hòa trong vòng loại, rồi lại tiếp tục thắng Hillary Clinton trong vòng bầu cử chung, cuộc quả là một kỳ công của ứng cử viên Donald Trump -một chính khách dù sao cũng chỉ thuộc hạng tài tử.

Tuy nhiên, việc khó hơn cuộc tranh cử vô cùng khó khăn đó là cầm quyền; ông sẽ cầm quyền như thế nào trong cương vị nhà lãnh tụ có nhiều phương tiện nhất hoàn cầu -cả trên 2 mặt quân sự và kinh tế.
Người Nga bênh vực ông, giúp ông đánh cắp nguyên cả khối email của bà Clinton, sau này ông có đồng minh với họ không? Hay ông chỉ cảm ơn họ.

Ông có tiếp nối chính sách ‘chuyển hướng về Á Châu’ của tổng thống Barack Obama không? Và ông có dẹp bỏ luật ObamaCare như ông từng tuyên bố không?

Vài chục triệu người nghèo vừa có được bảo hiểm y tế từ vài năm nay đang cầu mong được Trump bỏ quên. Họ cầu mà có được không?
Chờ xem.

Nguyễn đạt Thịnh