NGHỆ THUẬT VÀ CHÍNH TRỊ (Nguyen Luong Hai Khoi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 2 people, people standing, indoor and text that says 'S I came to see how you were doing.'

Đang ngồi xem “Đầy tớ của nhân dân” (Servant of the people) của Zelenskyy, cảm động quá phải bấm bấm vài dòng.
Hoá ra đây là một dự án chính trị của Zelenskyy. Ông làm phim cũng như Phan Châu Trinh viết tiểu thuyết “Giai nhân kỳ ngộ”, Phan Bội Châu viết “Trùng Quang tâm sử”.
Đảng chính trị hỗ trợ Zelenskyy ban đầu có tên, tạm dịch, “Đảng Quyết Đoán”, nhưng khi bộ phim thành công vang dội, họ lấy luôn tên phim làm tên đảng (Đảng Đầy tớ của nhân dân). Sợ đảng khác chôm mất thương hiệu của mình.
Kịch bản bộ phim này được viết dựa trên những nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội rất nghiêm túc.
Nhưng người nghệ sỹ – chính trị gia không biến tác phẩm thành bài giảng khô khan (và ngu ngốc) mà chuyển hoá chúng thành tiếng cười. Cực kỳ thông minh.
Không có gì ngạc nhiên khi Zelenskyy tranh cử, ông chỉ đăng ký, hầu như không vận động tranh cử gì cả, và nhận hơn 70% phiếu bầu.
Kết hợp chính trị và nghệ thuật không phải là chuyện xa lạ trong lịch sử châu Á.
Lương Khải Siêu năm xưa đến thành Đông Kinh xứ Phù Tang lưu học, trở về Trung Quốc oà khóc: Chúng ta muốn phú quốc cường binh, thoát khỏi thân phận bán khai, phải hiện đại hoá tiểu thuyết.
Lưu học ở Đông Kinh, Lương nhận ra trí thức Nhật thời Minh Trị dùng tiểu thuyết để truyền bá tinh thần “khai sáng” học được từ phương Tây.
Việt Nam đến thập niên 1930s xuất hiện Tự Lực Văn đoàn mà người sáng lập đồng thời là yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân đảng giai đoạn sau. Tinh thần cải cách xã hội của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn cũng là một cách biểu đạt tư tưởng chính trị.
Ước mơ chính trị của Tự lực văn đoàn không thành. Cuối đời, nhà sáng lập ra nó để lại một đại tác của văn chương Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết “Dòng sông Thanh Thuỷ”.
Thật tự hào vì văn học Việt Nam có một tiểu thuyết chính trị như thế. (Nhưng thật đau thương vì lịch sử của chúng ta lại sinh ra cuốn tiểu thuyết ấy).
Tôi từng nghĩ rằng thời đại của tiểu thuyết đã qua. Câu nói của Lương Khải Siêu năm nào phải thay “tiểu thuyết” bằng “điện ảnh”.
Nhưng tôi chưa từng tưởng tượng được rằng có thể có một dự án nghệ thuật – chính trị như “Đầy tớ của nhân dân” trên đời.