NĂM SỬU NÓI CHUYỆN TRÂU (Phạm Hoàng Chương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

File:Walking the water buffalo.jpg - Wikimedia Commons

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm Tý đang ngày càng thê thảm, sa lầy trầm trọng chưa biết khi nào mới đụng đáy thì Xuân năm Sửu đã bắt đầu lấp ló ở cuối đường hầm. Con trâu biểu hiệu cho no đủ, đất ruộng màu mỡ, gạo thóc đầy kho, không biết có đem lại điều gì phấn khởi,tin tức sáng sủa nào cho nhân loại nói chung, hay cũng lại ì ạch chậm chạp mò mẫm trong vũng lầy kinh tế thế giới tối mò như một năm qua.
Trâu là con vật to lớn,  có sức mạnh,  nhưng lại hiến lành,  cần cù, . Nhẫn nại,  nhưng lại nặng nề,  chậm chạp,  không được lanh lợi nhanh trí như loài khỉ mèo, chuột vượn. Nói đến trâu, ai cũng liên tưởng đến ruộng đất, đồng áng, công việc cày bừa vất vã  ở chốn thôn quê,  cũng như tâm tình hiền lành chất phác của người nông dân quanh năm suốt tháng chỉ biết an phận làm ăn bên mái nhà tranh vách đất. Nhưng ở đời Trời sinh,  người cũng như vật,  hễ hiền quá thì lại hay cọc, nên đôi khi, cũng như voi, trâu có thể nổi điên rượt người hay cọp chạy có cờ và dùng sừng để chém. Khi đã điên lên thì vô cùng hung dữ,  sức mạnh vô song,  quyết đánh kẻ thù tới chết mới thôi. Có người cho ngoài cặp mắt hiền ra,  trâu bò ,  lừa ngựa có mặt mũi  rất  cổ quái,  dị hợm,  dữ dằn,  nếu  ban đêm gặp có thể làm ngất xỉu con nít và những người yếu bóng vía. Do đó, thành ngữ “đầu trâu mặt ngựa” dùng để diễn tả những phường bất lương côn đồ,  thảo khấu,  sống bằng nghề đâm thuê chém mướn. Thậm chí bọn nhai sa,  ngục tốt hành hạ tội nhân  dưới địa ngục cũng được vẽ như một thứ quái vật  mình người mặt thú (trâu ngựa),  le lưỡi máu me,  dáng dấp hung dữ , tay cầm mã tấu,  chỉa ba.
Trâu là con vật ăn uống đơn sơ giản dị,  không làm phiền đến chủ, không làm chủ phải tốn tiền mua thức ăn như những loài heo, gà, chó, ngựa. Bao lâu trời còn mưa, cỏ còn mọc trên đất thì trâu tự lo cho đầy bao tử , không hề phàn nàn chê khen, làm phiền đến chủ. Ngày thì làm lụng, lúc nghỉ ngơi ung dung gặm cỏ, đêm đến thì phơi thây ngoài sân, màn trời chiếu đất, yên lặng ngủ nghỉ. Trong khi Voi trấn áp muôn loài trong rừng  với thân xác khổng lồ,  bước đi huỳnh huỵch, dậm chân dẫm nát mình cọp, trâu đích thị là “voi của đồng cỏ”, bụng to như thùng rượu vang, sừng cong nhọn bén như hai thanh đao sắt, sẵn sàng đương đầu với cọp beo không ngán.Voi và trâu,  tuy có sức khỏe vô địch, lạ lung  thay lại không ăn thịt, không sát  sinh hại vật, không tranh giành thức ăn với con người và các thú khác. Trời sinh thức ăn rẽ tiền cho voi và trâu là cỏ. Nghé con còn bú sữa trâu mẹ, chứ khi  đầy năm rồi thì đã bắt đầu ăn cỏ non.Cỏ thì ở đâu cũng có, con người không phải lo vấn đề lương thực, hay phải chia sẽ bớt thức ăn mình cho trâu. Cho nên khi vợ chồng nào nghèo mà “chót dại ham vui” đẻ nhiều con, hay khi người dân miến Nam VN bị đày lên vùng kinh tế mới sống, thường tự an ủi bằng câu “Trời sanh voi (trâu), Trời sanh cỏ”,  rồi nai lưng ra làm chết xác.
Nghé con mới dứt sữa mẹ,  chỉ biết ăn cỏ non đã đành, thế nhưng tại sao thỉnh thoảng trâu già (đực)cũng thích gặm cỏ non”Có thực như vậy không, hay chỉ là câu tục ngữ hài hước của dân gian. “Trâu già gặm cỏ non”, có lẽ do dân miền Nam chế ra,  ám chỉ mấy ông già răng rụng mà còn ham gái tơ,  ai nghe cũng không khỏi nín  cười. Không biết cụ Nguyễn công Trứ và Nguyễn Trãi ngày  xưa, 70 tuổi còn lấy nàng hầu trẻ,  có bị dân chúng cùng thời chê cười không, hay vì uy danh quá lớn mà dân thường không dám mạo phạm. Cũng có thể lúc đó câu tục ngữ này chưa ra đời, vì đất miền Nam bấy giờ còn hoang vu,  chưa dược chúa Nguyễn khai phá mở mang.. Tội nghiệp thay cho các loài súc vật, bị con người coi là loài hạ đẳng, chuyên môn  lôi ra ví von  trong thơ văn,  tục ngữ,  ca dao để làm trò cười chế nhạo những kẻ bất lương gian ác.Chẳng hạn như: “Mèo khen mèo dài đuôi”, “nuôi Ong tay áo,  nuôi Khỉ dòm nhà’, “cháy nhà ra mặt Chuột”, “chủ vắng nhà Gà mọc đuôi tôm”, “ngu như Bò”.v..v…Theo thiển ý tôi thấy,  các loài thú vật vô tích sự, phá phách, ăn hại  như khỉ, rắn, chuột, chồn, cọp…có thể đem ra để ví von  châm chọc người xấu, còn đối với trâu , bò hiền lành làm lợi cho nhà nông thì thật là bất công và tội nghiệp  cho các loài này.
 Đã vậy,  trong đám gia súc gần gũi con người,  chưa có con vật nào lao động hết mình, làm việc cật lực,  giúp chủ mưu sinh đắc lực bằng trâu bò. Thật  thế,  cả cuộc đời, trâu chỉ biết nai lưng,  gồng cổ ra làm quần quật trong vũng sình lầy,  giúp gia đình chủ no cơm ấm áo, không hưởng được lạc thú nào ở đời,  đến khi già yếu lại bị xẻ thịt,  phơi da, cắt móng,  bán mang tiền về cho chủ. Sinh ra làm con thú khác như lợn,  mèo,  chó,  tuy có khi bị giết thịt,  còn được an nhàn no cơm ấm cật lúc sống. Sinh ra làm thân trâu bò,  rõ ràng đúng là chỉ để trả Nghiệp, trả nợ một đời dãi dầu mưa nắng,  rã rời xương cốt chưa đủ, lúc chết cũng không được an nghỉ nguyên lành thân xác. Người Việt trước ở Việt nam quen sống an nhàn, thong thả,  tới chừng qua Mỹ tỵ nạn phải làm quần quật hai ba jobs mới đủ trả bills, thường hay tự ví mình  như trâu, “đi cày” chứ không phải đi làm bình thường ngày hai buổi theo kiểu công chức Việt nam… Ngựa cũng là con vật sinh ra để lao động  trả nợ con người như  trâu bò, nên “trâu” hay đi liền với”ngựa”, thét rồi mỗi khi nhắc đến Nghiệp chướng nặng nề, dân gian đều nói:
“Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.”
Do đó, những ai sinh tuổi Sửu, tuổi Ngọ, ưa than số mình  vất vã như trâu, ngựa, số phải  làm hoài chứ không được an nhàn, thảnh thơi, mặc dù có tiền..Thât ra không phải như vậy, tôi đã từng thấy những người Quí sửu,  Mậu ngọ,  quyền cao chức trọng,  nhà cao, cửa rộng,  gia nhân kẻ hầu người hạ trong ngoài. Cũng vậy,  những ai sinh năm Hợi không nhất thiết đều là “ở không nằm duỗi cũng no”, cũng có nhiều người lận đận, mất nhà mất job,  tay làm hàm nhai qua ngày.
Trâu làm lụng,  cày bừa, chuyên chở chắc chắn, nhưng mà chậm. Người ta hay nói “chậm như rùa”, hình ảnh quá đúng, nhưng trâu cũng bị liệt vào loài chậm.Cái gì cũng chậm, nhai cỏ, vẫy đuôi,  lội nước, cất bước…Chậm vì không muốn bon chen ham hố. Trâu như  ông già đủng đỉnh, nhân hậu, từ tốn,  không thèm bon chen danh lợi với đám trẻ con ngựa non háu đá. Trong cổ học tinh hoa, có chuyện “Rửa tai” nói về đối đáp giữa Hứa Do và Sào Phủ là hai văn nhân bên Tàu ngày xưa,  có tài mà khinh chê danh lợi, lui về quê làm ruộng,  chăn trâu, an bần lạc đạo.Một anh đứng ở trên dòng nước rửa tai vì không muốn để tai dính những tiếng danh lợi dơ bẩn nhà Vua vừa hứa cho,  nếu chịu ra làm quan, một anh đang cho trâu uống nước ở dưới dòng, phải dẫn trâu đi lên  trên dòng thật xa vì sợ nước rửa tai của bạn trôi xuống  làm  bẩn miệng  trâu mình. Miệng mồm con trâu mà còn sợ bị tiếng danh lợi làm hoen ố, huống chi là phẩm giá con người, phải giữ cho thanh cao. Tôi nhớ mãi câu chuyện đó và cho đó là một trong những chuyện hay nhứt của Cổ học tinh hoa, vừa triết lý thâm thúy, vừa dạy đời, nói lên một nhân sinh quan cao thượng của người xưa, chỉ muốn làm bạn với thánh hiền tiên Phật. So với những kẻ mua quan bán tước, tranh giành danh lợi, dua nịnh,  tham nhũng hối lộ, hãm hại lẫn nhau vì đồng tiền chức tước của đám cầm quyền trong nước bây giờ,  thật là một trời một vực, thở dài ngao ngán, không biết cách gì so sánh được nữa.

Trong nhân tướng học, người có tướng miệng trâu, hai môi dày mà nở, là tướng phú quý,  trường thọ,  khôn ngoan. Người có răng trâu, dài đều thẳng hàng, thì vinh hoa bổng lộc. Người có dáng đi đủng đỉnh như trâu là tướng giàu có nhàn nhã..  Có người bênh Trâu,  viện lí do to xác, nên đi chậm. Nhưng heo cũng to xác,  phục phịch,  mà sao đánh hơi thấy có thức ăn lại chạy nhanh thế. Đúng ra trâu cũng có chạy,  nhưng chỉ khi nào thật cần thiết, hay nguy cơ đến tánh mạng. Cho nên tục ngữ ta có câu: “Trâu chậm uống nước đục”,  thật không có gì hay bằng,  vừa gợi hình, vừa gợi ý,  vừa nghĩa bóng,  vừa nghĩa đen, ai nghe qua cũng hiểu liền..Những người lớn tuổi mới qua Mỹ theo diện H.O hay ODP,  thường bị thiên hậ trêu đùa là “trâu chậm uống nước đục”. Những năm 75 cho đến 90, cái gì cũng rẽ, việc thừa người thiếu, tốt nghiệp đại học hai ba hãng kêu mướn, người không đi học cũng “tay trắng mà nên cửa nhà” , hai ba tiệm nail, hai ba cái nhà dễ dàng. Bây giờ,  nhà cửa, vật giá, xăng nhớt, cái gì cũng lên, làm ăn cạnh tranh phá giá,  người khôn của khó, thất nghiệp liên miên.Vậy mà có nhiều người còn vui vẻ phản bác lại:”Uống nước đục còn hơn không có gì để uống”, thật nghĩ mà thương cho dân Việt mình, bằng lòng làm con trâu chậm, với sức chịu đựng đáng nể,  trong nghịch cảnh nào cũng khắc phục được để ngoi lên..

Văn chương bình dân hay nhắc chuyện “nói dối như Cuội” và “thằng Cuội ngồi gốc cây đa”,  Cuội đi chăn trâu cho chủ, giết trâu đãi bạn rồi đem đuôi trâu về cho chủ, báo cáo cọp tha mất trâu vào rừng,  ăn thịt bỏ lại cái đuôi.Chủ nổi giận đuổi đi, sau đó  đi hoang mới gặp bầy  cọp con, bẻ gẫy chân, nhờ cọp mẹ mà tìm ra thứ lá cây giã nát đắp lành chân gẫy, thành thầy lang y chũa bệnh cho người. Trong Việt Sử,  cũng có nhắc đến vua Đinh bộ Lĩnh thủa nhỏ chăn trâu cho chú,  còn bé mà khẩu khí đế vương,  bày trận Cờ lau chia phe đánh lộn, làm thịt trâu của chú chiêu đãi “quân sĩ”bạn bè.  Ở vùng Đồng tháp lục tỉnh miền Nam trước kia, mỗt năm nước lụt sáu tháng, không có cỏ cho trâu ăn,  trâu chết vì đói, nên tới mùa nước ngập, nhà nông phải trả tiền cho bọn “len trâu” chuyên nghiệp, biết võ nghệ, lùa hàng  trăm con lên các vùng đất cao nhiều cỏ nương náu, đến mùa nước rút mới lùa về giao trả cho chủ. Người chết cũng không có đất chôn, phải cột đá nặng dìm xác xuống nước hay treo trên cây cao cho chim quạ ăn chờ tới mùa khô. Trong các tiểu thuyết của nhà văn Sơn Nam, có truyện “Mùa len trâu” , nói rõ về cuộc sống đặc biệt của người dân xứ này,  đã được quay thành  cuốn phim nổi tiếng rất hay, được giải thưởng Cannes. của Pháp.
Tục ngữ ta lại có câu “Đờn khảy tai trâu”,  ám chỉ cho kẻ ngu si dốt nát, không biết thưởng thức nghệ thuật, văn thơ, âm nhạc,  mới nghe qua như tiếng mỉa mai  độc ác, nhưng nghĩ lại thật vô cùng chí lý. Trâu bò thì chỉ biết ‘cày’ quần quật suốt ngày , rảnh rang thì lại ngồm ngoàm nhai đi nhai lại, ung dung tỉnh bơ, lộ vẻ bất cần trước tiếng sáo vi vu,  êm đềm,  dìu dặt chủ nhân ra sức trổ tài. Chắc hẳn ngày xưa có bậc thi nhân cỡi trâu mơ mộng ngắm mây bay gió thổi,  ra sức uốn lưỡi  thổi sáo du dương, hay khảy móng đàn khúc Nam Ai ai oán mà  trâu vẫn cứ  lim dim tỉnh bơ đại tiện ra cỏ, nên mới tức giận chế ra câu này.
Trong kho tàng ca dao Việt ngữ lại có những bài thơ rât đẹp ca tụng công lao của Trâu và tình cảm ơn sâu nghĩa nặng giữa người với trâu.Trâu là người bạn kề vai sát cánh trong cuộc mưu sinh hàng ngày của nhà nông, cày bừa, dậm lúa, chở hàng, kéo nặng…
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruông trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đâu trâu đấy ai mà quản công
Một mai cây lúa lên bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”
Trâu khỏe hơn bò, tuy thịt dai nhách và không ngon như thịt bò,  giá trị lao động làm ra của cải vật chất rất cao, nên có những dân tộc thiểu số Viêt nam có tục lệ nhà gái  thách cưới đàng trai bằng trâu bò. Có trâu bò thì  có thóc lúa, cơm gạo, thóc lúa có thể đổi lấy quần áo, nữ trang, , nhiều thức ăn khác, không sợ đói. Chả thế mà có một năm Trung quốc chơi xỏ nước ta bằng cách đặt mua móng trâu, nhất là trâu cái với giá rất cao, khiến nông gia Bắc việt đua nhau giết trâu lấy móng bán cho Tàu, vô tình hủy hoại nguồn lao động quí giá làm ra lúa gạo, để xảy ra nạn đói và giá lúa tăng cao. Móng trâu không biết có phải là vị thuốc hay  như ba Tàu rêu rao không, chứ da trâu chắc chắn làm trống đánh rất kêu, đóng giày mang rất bền. Tục ngữ có câu”Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” thì phải biết da trâu bền chắc đến cỡ nào.
Thú vui quê mùa mộc mạc gắn liền với trâu cũng được diễn tả qua thi ca âm nhạc:
Ai bảo chăn trâu là khổ”
Chăn trâu sướng lắm chứ…
Trong nghệ thuật, hội họa, điêu  khắc, trâu là một hình ảnh đẹp nên thơ của  thiên nhiên, được nhiều họa sĩ Trung hoa và Việt nam chọn làm đối tượng, nhờ dáng dấp hiền lành giản dị mà tiềm tàng sức mạnh , thêm anh mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi tiêu lại nói lên cái vẻ tiêu dao thoát tục của người xa lánh danh lợi vật chất tầm thường.
Trong  đạo Phật,  thiền tông Trung hoa cũng dùng  hình ảnh Trâu và chú mục đồng để diễn tả các giai đoạn tu hành đưa đến trạng thái Tâm không giải thoát. Tu đến mức không còn  thấy có người có ta nữa thì đã khá, nhưng phải đến khi cái biết  ấy cũng không còn nữa mới thực là hoàn toàn giải thoát.
Trở lại câu chuyện thời sự thế giới,  nếu năm Mậu Tý đánh dấu sự xụp đổ thê thảm của thị trường nhà đất,  của hệ thống các ngân hàng thế giới ,  giá trị cổ phiếu,  thì năm Sửu này cũng không cách nào nhanh chóng khôi phục lại cuộc khủng hoảng kinh tế trong sáu tháng  hay một năm. Chậm như trâu thì tuy có từng bước chắc chắn khắc phục giải quyết đi nữa, cũng  không bao giờ hy vọng nhanh chóng trở lại thời buổi huy hoàng của đầu thập niên 2000. Trâu không ăn sang, không đòi hỏi nhà cao cửa rộng, chỉ ăn cỏ, ngủ đồng,  nên chúng ta cũng phải theo thời, bắt chươc trâu,  thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm ăn uống tiêu xài, sống tri túc thanh bạch, mới có thể yên ổn an lành trong một thời kỳ xáo trộn hung hiểm đầy bất trắc có thể xảy ra cho mọi quốc gia,  không biết  cho tới mức độ  nào.
PHC