American dream, là từ ngữ mà ai ở Mỹ cũng biết. Đó là làm chủ một căn nhà.
Viết được có vỏn vẹn hai câu, tổng cộng 18 chữ, cái dội ngược! Bỏ cả tháng! Hôm nay nhân đọc một bài viết của một người xưng là Việt kiều Mỹ, viết về đời sống Mỹ, trong đó có đá động đến chuyện mua nhà ở Mỹ, tự nhiên thấy “nóng máy” trở lại, và muốn viết tiếp. Phải nói là “nóng gáy” thì đúng hơn, vì tác giả viết kiểu loa Phường, ra rả ở ngoài Bắc trước 75, rằng: “Đồng bào miền Nam bị bóc lột, khổ đến độ miễng dùa cũng không có để bới cơm!” Theo sự đánh giá của tui, người viết là một người “chỉ đi mưa” (chưa đi Mỹ). Tui có thể phản biện từng mục trong bài đó. Nhưng thôi, mất thì giờ cãi cọ, tranh biện chi với người dưng nước lã, vô ích. Tui viết chuyện tào lao chơi coi bộ khoẻ hơn, dễ viết hơn, mà tui cũng khoái viết kiểu này nữa mới ác!
Ai thích kiểu viết tào lao của tui, thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”, ngồi tréo ngoảy, vừa nhâm nhi, vừa đọc chơi nghen. Mệt cứ nghỉ. Tui viết tới mệt cũng nghỉ.
Đầu năm 1982 gia đình tôi đặt chân đến Mỹ, định cư ở thành phố San Jose, thành phố lớn và đông người Việt hạng nhì, của Mỹ. San Jose là thủ phủ của silicon valley, thung lũng điện tử, nằm ở phía Bắc của California. Thành phố lớn, dân số gần một triệu. Khí hậu ở đây giông giống ở Nam Cali, chỉ hơi nóng hơn vào mùa hè, và lạnh hơn chút xíu vào mùa đông. Các hãng điện tử đông nghẹt, nên công ăn việc làm cũng nhóc. Tiếng Anh tiếng u không rành, bằng cấp không có, nghề ngỗng cũng trớt quớt? No problem! Kiếm cái job làm assembler thôi, cũng không sợ phải ăn độn. Cơ hội kinh doanh tràn ngập, và rất dễ dàng khởi nghiệp. Cho nên người Việt tụ về đông như kiến!
Nhà cửa ở San Jose thời đó còn rẻ lắm. Một căn nhà 3 phòng ngủ, hai phòng tắm, có living room, family room, diện tích chừng 1500 square feet (cỡ 166 m2), khu East San Jose, giá tròm trèm 100K. Chỉ cần có tiền down payment chừng 10K (tiền trả đợt đầu) là có thể mua được. Nếu người mua có việc làm vững chắc, chỉ cần bỏ xuống 20K (20% down payment), thì ngân hàng khỏi cần suy nghĩ, OK tức thì. Mua dễ vậy đó.
Bà xã tôi lên kế hoạch mua nhà trong vài năm tới. Tôi trả lời như đinh đóng cột:
– Em đừng lo chi cho mệt! Lo quá sẽ ốm o gầy mòn, bớt đẹp! Có 100K thôi mà, mua thiếu chịu chi, cho ngân hàng nó xẻ xương mình! Anh làm vài năm, mình gom tiền mặt, trả cái cụp, khoẻ re!
Tôi còn mang tâm thức rất Việt, rất Hai Lúa. Mua cái gì cũng xúc lúa ra bán, trả tiền cái rụp, như cha tui xúc 210 giạ lúa ra mua cái máy đuôi tôm hiệu BS-5, năm 1963. Không đủ tiền, thì chờ mùa lúa sau. Nợ chi? Hơn nữa, lúc đó mới 28 tuổi đầu, vừa buông ghế nhà trường, chạy sang đây, thấy người ta kiếm tiền dễ quá, nên coi trời bằng vung! Phách ghê lắm! Nói là tự tin lắm, cũng không sai vào đâu! Nói là lạc quan càng trúng! Mà cũng liều mạng nữa! Đó cũng là một trong những ưu điểm “dễ thương” của tuổi trẻ, luôn nhìn đời bằng cặp mắt lạc quan! Mấy cụ già nho chùm, hán(g) rộng, thì diễn nôm: Lạc là lệch, quan là nhìn! Hoặc khó tính chút sẽ phán: “Ngựa non háu đá”! Cũng không sai luôn!
Đời coi vậy mà không phải vậy. Các cụ nói “y như trong kinh”! Làm hoài, để dành hoài, ăn kho khô quẹt trường kỳ, ăn mì gói quanh năm, mà một trăm ngàn đếm hoài không có. Cường điệu chút cho vui, chớ ở Mỹ ai ăn mấy thứ đó, giống như người ta ăn bo bo, sao mà chịu nổi?
Đếm miết, cũng không làm sao đếm tới con số 100K, mà giá nhà thì tăng như diều gặp gió. Căn nhà 100K ngày mới qua, sau 7 năm, giờ là 200K, lên gấp đôi! Tiền để dành tăng theo cấp số cộng, cộng từng trăm, từng ngàn, còn giá nhà tăng theo cấp số nhân, nhân 2, nhân 4,…. Tiền để dành nó chạy theo giá nhà, như thằng đi bộ rượt theo xe hơi! Thua!
Giờ tôi mới chịu theo kế hoạch mua nhà cổ điển của người Mỹ, mà bà xã đem ra luận bàn trước đây: Bấm bụng trả góp, ngân hàng nó xẻ thịt, lóc xương, suốt 30 năm dài, nằm gai nếm mật, cũng kệ bà nó.
Lấy một thí dụ: một căn nhà giá 285K, thuộc khu vực tương đối khá, có trường học rất tốt. Down 85K. Nợ 200K. Phân lời 8%. Nợ 30 năm. Mỗi tháng trả tiền mortgage cho nhà bank khoảng $1468 USD.
Sau 10 năm, căn nhà bây giờ trị giá khoảng 500K! Sau 30 năm, tức là ở thời điểm này, không có một triệu hai, thì đừng hòng đụng được nó! Đó là căn nhà ở San Jose. Nếu nó nằm ở thành phố khác, như Cupertino, Fremont, Mountain View,… ở những vùng phát triển hơn, thì không phải triệu hai, mà vài triệu là chuyện thường. Ở những Tiểu Bang khác, tuy giá nhà không tăng phi mã như Cali, nhưng sau 30, ít nhất cũng tăng gấp đôi.
Điều tôi muốn viết, không phải để khoe khoang dùm những người Việt sinh sống ở đây. Xứ này, chỉ cần chừng 10 năm, bất cứ người Việt siêng năng nào, cũng có nhà, đâu có gì hay ho mà phải khoe. Sau vài chục năm, họ có vài căn, có cơ sở làm ăn, có building cho mướn, con cái toàn sư và sĩ,… cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Điều tôi muốn viết: Mỹ là xứ sở của cơ hội và mua nhà là một đầu tư khôn ngoan.
1. Mỹ là xứ sở của cơ hội.
Mua nhà ở đây nó khó mà cũng dễ. Chỉ cần có tiền down payment, có việc làm ổn định, có credit tốt, là đủ tiêu chuẩn mua nhà. Lương cao thì mua nhà đắt tiền. Lương thấp, mua nhà rẻ, hay mobilehome, cũng có cơ hội làm chủ căn nhà rất dễ dàng. Sau vài năm, làm ăn có tiền rủng rỉnh, đổi từ nhà xập xệ lấy nhà sang trọng hơn, rồi từ từ mua nhà trên núi hay gần bờ biển… Ở VN, chờ để dành đủ tiền, mới chồng cái cụp kiểu Hai Lúa, cho nên có người già sụ, sắp chở tới lò thiêu xác, mới mua nổi căn nhà.
2. Mua nhà để ở, là một cách đầu tư chắc ăn, không sợ lỗ.
Thử ngồi làm hai bài toán.
Bài toán thứ nhất: Nếu căn nhà ở trên, mua theo kiểu trả góp bình thường 30 năm, thì tổng số tiền bỏ ra cho nó là bao nhiêu? Thời 1990, tiền lời rất cao, khoảng 10%. Tiền lời thay đổi tùy thời điểm kinh tế lên hay xuống, và nhất là tuỳ vào điểm tín dụng (credit score) của người mua. Người có thành tích trả nợ tốt, tín dụng tốt, thì ngân hàng sẽ cho phân lời thấp, và ngược lại. Ngay thời điểm 2018, phân lời chỉ khoảng trên 4%. Người mua cũng có quyền refinance, tức là mượn nợ mới với phân lời thấp, để trả nợ cũ có phân lời cao. Thôi, cứ lấy con số phân lời là 8% đi. Nợ $200K trong 30 năm, với phân lời 8%, mỗi tháng trả $1468 USD, thì tổng số tiền lên tới $528,480. Cộng thêm tiền thuế đất khoảng 1,5% trên trị giá $285K, thì mỗi năm khoảng $4275, và 30 năm thì khoảng $140K (thuế đất hằng năm có tăng chút đỉnh, không đáng kể). Tiền bảo hiểm khoảng $30K (1k/năm). Cộng thêm tiền down payment $85K nữa, thì tổng cộng tiền bỏ ra đầu tư cho căn nhà là $753,510. Tóm lại, sau 30 năm, chủ nhà phải chi ra khoảng $750K.
Bài toán thứ hai, đi mướn nhà: Hồi đó, căn nhà này, cho mướn cỡ $1200/tháng. Chỉ nói căn nhà đó thôi, chớ tiền mướn sẽ thay đổi tùy theo nhà rộng, hẹp, đẹp, xấu, và nhất là khu dân cư đó có gần trường học tốt, gần khu mua sắm, có an toàn hay nhiều tội phạm,… Giá cho thuê cũng tăng theo thời gian. Hiện tại, căn nhà này nếu cho mướn thì ít nhất cũng phải $3700/tháng. Nếu tính giá thuê $1200/tháng trong 30 năm, không tăng xu nào (chuyện không bao giờ xảy ra), thì tiền thuê nhà là $342,000. Vì tiền thuê nhà tăng không theo một quy luật nào, cho nên muốn tính chính xác không dễ. Thôi, tính kiểu nhà quê, lấy trung bình cộng, tức là $2450/tháng trong 30 năm, thì tiền thuê sẽ là $882,000!!!!
Kết luận làm sao về hai bài toán này? Thì người ngu mới đi mướn nhà! Còn sợ gì mà hỏng dám nói! Đúng vậy! Để tui phân tích thêm cái ngu:
* Sau 30 năm, người mua trả $750K. Người thuê trả $340K. Như vậy người thuê tiết kiệm được $410K, phải không? Ngàn lần không, vì tiền nhà tăng hằng năm. Nếu người thuê trả $882K theo cách tính thứ hai (không sai bao nhiêu đâu), thì người thuê ngu đậm nét hơn người mua rõ ràng! Cái ngu nhất, là con số $340K hay $882K nó biến mất, biệt tăm, dù kiếm lại một xu để cạo gió, cũng không thấy!
* Sau 30 năm, người thuê vẫn trên răng dưới lựu đạn sét, trong khi người mua ẵm gọn hơn một triệu, ngon ơ! Người mua không những lấy lại không sót một xu tiền bỏ ra, mà còn có thêm tiền lời cả nửa triệu! Người mướn mất trắng $340K cho tới $882K! Người mua nhà, ôm gọn vào lòng hơn một triệu! Đếm mỏi tay! Ai nói mua nhà là ngu, là đưa đầu cho nhà bank nó đột? Nó tạo cơ hội cho mình làm giàu, trên căn bản cả hai đều có lợi. Bóc lột chỗ nào?
* Cái ngu chưa hết: Người mướn từ nay phải móc túi $3700/tháng để trả tiền mướn, và năm sau tăng lên $4000/tháng,… cho tới chết! Cho tới chết, tôi nhắc lại! Trong khi người mua, từ nay cho đến chết, tôi cũng nhắc lại, từ nay cho đến chết, sẽ không tốn xu nào cho tiền nhà nữa, ngoại trừ tiền thuế đất, bảo hiểm, tu bổ căn nhà, không đáng kể.
*Người mua còn được khấu trừ tiền lời trả cho nhà bank vào hồ sơ khai thuế lợi tức cuối năm. Thí dụ bạn trả tiền lời trong năm đó cho nhà bank là 10K, thì chính phủ cho phép bạn khấu trừ số tiền đó vào lợi tức toàn năm của mình. Thu nhập 100k/năm, giờ chỉ khai thuế 90K/năm. Mức thuế nộp cho chính phủ sẽ giảm đi. Ngoài việc cho phép khấu trừ tiền lời, bạn còn được khấu trừ nhiều khoản khác nữa liên quan đến việc bạn làm chủ căn nhà. Chỉ viết khái quát thôi, chớ khai thuế nó đủ thứ luật lệ như mớ bòng bong vậy. Người mướn thì một xu cũng không có được phép trừ vào thuế lợi tức.
* Người mua, ở nhà mình, muốn làm gì thì làm, còn người mướn coi chừng, lạng quạng thằng chủ nhà nó tống cổ, nếu không tôn trọng luật lệ thuê mướn. Ai thoải mái hơn ai? Ai sung sướng hơn ai? Người mướn khổ tới chết! Người mua sướng tới chết!
Nói chung, mua nhà để ở là cách đầu tư với trăm ngàn cái lợi như tui vừa nói. Không bao giờ lỗ, dù giá nhà lên hay xuống, đó là chuyện hiển nhiên. Giá nhà lên, thấy lời, thấy thành triệu phú, nhưng tiền thì không thấy, vì nó nằm trong căn nhà chớ không phải rủng rỉnh trong túi. Giá nhà xuống, hót ruột, thấy lỗ, nhưng kỳ thực cũng chẳng bị ai đòi nợ, vì hàng tháng vẫn là con nợ ngoan ngoãn, trả tiền ngân hàng sòng phẳng, giống người mướn nhà phải trả tiền thuê, vậy thôi. Nhà lên giá, rồi xuống giá, rồi lại lên giá, rồi xuống nữa,… cứ kệ con bà nó! Sau 30 năm, nó là của mình, khỏi trả tiền nhà, là khoẻ gà, khoẻ vô cùng, so với người vẫn còng lưng đi mướn và trả cho chủ nhà đến chết.
Đầu tư kiếm lời thì khác à. Phải thời, sẽ thành triệu triệu phú. Giá nhà sụp, trắng tay, thành homeless như chơi. Dám chơi dám chịu. Lời vui, lỗ đừng buồn. Giỏi cỡ Trump mà có lúc cũng xuýt làm homeless, vì thua lỗ sặc máu họng. Có sức chịu đựng, giỏi xoay sở, thì lại ngoi lên trở lại. Trump không phải chỉ giàu, mà nhờ tiếng tăm giỏi giang, còn làm tới Tổng Thống một nước giàu mạnh nhứt hành tinh!
Trong gần 40 năm ở Cali, tôi đã chứng kiến ít nhất ba lần thị trường địa ốc chao đảo. Lần gần đây nhứt, là năm 2006. Bong bóng nhà do đám tư bản đỏ Trung quốc và đám tài phiệt Mỹ bơm quá mức, nổ cái đùng! Giá nhà rớt cái bụp từ mây xanh xuống tận địa ngục. Giá nhà rớt hơn phân nửa. Có nơi rớt tới hai phần ba! Las Vegas, Nevada, rớt ba phần tư! San Jose, California, căn nhà nói trên, từ 900K rớt xuống còn 450K! Một căn nhà ở vùng quê, xa San Jose, từ 650K, rơi tự do xuống còn chừng 200K! Las Vegas, căn nhà 400K rơi tự do xuống mức 100K! Không riêng gì Cali, Nevada, những Tiểu Bang khác trên cả nước Mỹ đều bầm dập trận này.
Người ta dự đoán ít nhất cỡ 10 năm sau nó mới bắt đầu phục hồi, và cần thêm 10 năm nữa mới có thể đạt được cái giá cao nhất nó từng đạt. Nhưng không, chỉ vài năm là nó lên giá lại, và chưa đầy 10 năm, nó đã vượt qua cái giá kỷ lục cũ. Cũng căn nhà đó, bây giờ không phải 900K mà một triệu hai! Giá nhà vẫn chưa có dấu hiệu đứng lại. Người ta vẫn tranh giành để mua nhà. Giá cả vẫn là seller’s market.
Viết tới đây, coi như đã kết luận rồi. Nhưng thấy còn “sung”, nên tôi viết ngoài đề một vài chuyện chơi rồi nghỉ. Ai còn sức thì đọc, mệt cứ nhấn nút biến nhe.
1. Mỹ, một đất nước đa dạng.
Tui tuy sống ở Mỹ gần 40 năm, nhưng không phải chuyện gì cũng rành. Nước Mỹ rộng mênh mông. Diện tích tương đương Trung Quốc. Nội California cũng lớn ngang ngửa với VN rồi. Dân Mỹ chỉ hơn 300 triệu. Chủng tộc thì “hầm bà lằng xắng cấu”, giống nào có trên đời là có ở Mỹ! Văn hoá do đó cũng “tả pí lù” luôn, món gì cũng có hết! Luật lệ thì như rễ chùm của rừng mắm Cà Mau. Luật Liên Bang, luật Tiểu Bang, luật Thành phố. Luật còn thay đổi và tăng thêm hằng năm, phát chóng mặt. Luật sư ngành nào biết ngành đó, chớ hỏi sang lãnh vực khác thì cũng ngọng, cũng phải “tra tự điển luật”, mới biết. Cho nên tôi viết bất cứ chuyện gì cũng rất dè dặt và rào đón lung tung cho khỏi hớ. Thí dụ, nói về luật lái xe, tui luôn viết: Ở Cali, vượt đèn đỏ, phạt năm tờ! Ở Cali, Thành phố Los Angeles, đái đường, phạt $1000 và ghi sổ bìa đen hình sự,… Luật lệ bất động sản, mua bán nhà cửa, cũng vậy. Thuế đất ở Cali khoảng 1.5%, trong khi Texas hơn 3%. Khi tôi viết, phải hiểu là tôi chỉ nói ở Cali, cho chắc ăn, vì các Tiểu Bang khác, luật lệ sẽ khác.
2. Bài viết của một người tự xưng là Việt kiều Mỹ.
Đọc bài viết theo cái link dẫn ở đầu bài (họ đã lấy xuống), có vài chỗ tôi phải ngừng lại một hồi để cười cho đã.
Thí dụ: anh ta than rằng bằng cấp của VN, sang đây Mỹ không công nhận, mà phải học lại từ đầu. Đương nhiên rồi! Người Việt ở bển còn coi bằng cấp của mấy cha nội TS, PTS, Thạc sĩ, Cử nhân,… như rác, vì lò ấp ra họ nhanh và dễ như người ta ấp trứng vịt, thì Mỹ hay bất cứ nước nào mà coi trọng? Ngay cả ở Mỹ, bằng cấp ở Mỹ, cũng chỉ là điều kiện cần để kiếm việc, nhưng chưa phải là điều kiện đủ để hành nghề. Bạn tốt nghiệp Bác sĩ, Dược sĩ, Nha sĩ, Luật sư,… muốn hành nghề phải thi lấy bằng hành nghề của Tiểu Bang, gọi là State Board. Khó dàn trời! Biết bao nhiêu người có bằng cấp, mà thi Board trầy vi tróc vẩy vẫn không đậu, không hành nghề được. Thậm chí bạn đậu State Board ở Texas, bạn muốn sang Cali làm việc, bạn vẫn phải lấy State Board của Cali. Không đậu thì đừng hòng làm việc ở đây. Ngay cả nghề làm nail, cũng phải thi State Board, đậu mới được hành nghề. Khó nhất là những ngành liên quan đến sức khỏe, sinh mạng của người dân. Một thí dụ, Dược sĩ thi California State Board: ngày đầu thi 8 hrs, ngày thứ hai 4 hrs. Khảo hạch tất cả những thứ họ đã học. Cho nên những người giỏi quay cóp bài, dù có thi đậu bằng cấp từ trường học, cũng không dễ gì qua cái ải này, vì không có khả năng chuyên môn thực sự.
Bằng cấp của Mỹ nó như vậy đó. Được thế giới công nhận, vì nó khó động trời, và người cầm mảnh bằng trong tay là kẻ có thực lực, không do copy, không do chạy chọt, không do học tại chức,…
Anh ta cũng than rằng, ở Mỹ quá cực khổ mà vật giá trên mây, sống không nổi. Trích: “Đối với thành phần lao động này ở Mỹ thì phải nói là vô cùng vất vả. Tất nhiên, ở Mỹ không ai ép buộc mình phải làm việc nhiều giờ cả, nhưng vì cuộc sống và bạn muốn có tất cả mọi thứ nên phải làm việc cộng lái xe 11-13 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Với mức vật giá đồ ăn người Việt ưa thích tương đối đắt đỏ: 8 USD cho một kg rau muống, 1,29 USD cho 3 nhánh sả hoặc rau thơm các loại, 12 USD một kg nhãn tươi, 3,99 USD một trái đu đủ, hoặc thơm, 20 USD cho một hộp chôm chôm 36 trái… thì với mức lương khiêm tốn 1500-2500 USD/tháng chưa xài đã hết. Vì vậy đa số thành phần lao động chi tiêu hết sức tiết kiệm và dĩ nhiên là rất nhiều người không dám bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế.” Ngưng trích.
Trời! Ở đâu mà không làm việc? Chỉ có bọn ăn bám mới ngồi không đòi hưởng. Nghèo là phải. Anh ta ở Tiểu Bang nào mà rau muống tới $8 USD/ký? Tôi chưa từng nghe hay thấy giá này. Cho dù là vậy, sao không mua thịt, mua rau, của Mỹ mà ăn? Chắc vẫn còn tin “một ký rau muống bổ bằng một ký thịt bò”, nên quyết ăn rau muống thay thịt? Tôi nam kỳ rặt, thích ăn giá sống, mà cũng mê rau muống. Nhưng tui không ngu gì mùa đông mà đi mua rau muống với giá $1.99/lb (khoảng $4 USD/ký). Tui chờ mùa hè, giá còn 99 cents/lb mới ăn. Chết thèm chết khát gì ba cái đồ quỷ đó mà phải ăn quanh năm? Biết bao nhiêu rau quả của Mỹ, Mễ, còn ngon vạn lần rau muống. Tương tự vậy, những món anh ta liệt kê, công nhận đắt thiệt, nhưng chỉ có người không biết tính toán mới xài ngu như vậy.
Cái kết luận của anh ta, đúng như tui dự đoán. Trích: “Cũng vì những lý do kể trên, dù tôi đã ở Mỹ lâu năm nhưng tôi lại thuê phòng hoặc căn hộ để ở. Bao nhiêu tiền làm ra tôi đều đầu tư về Việt Nam, vừa xây dựng quê hương đất nước vừa thắng lợi lớn. Hiện tại có những bất động sản của tôi ở Việt Nam đã lên giá 30 lần vì tôi mua từ năm 1998. Hàng tháng tôi vẫn có thu nhập từ tiền thuê nhà, còn hơn cả thu nhập ở Mỹ. Và nhất định một ngày không xa tôi sẽ về Việt Nam để sinh sống.” Ngưng trích.
Nghe giọng văn ở phần kết luận thì biết ngay anh ta là ai, viết với chủ đích gì liền. Ở Mỹ cực khổ quá, bị bóc lột quá, nên về VN mua nhà. OK! Anh không thích cứ về đó. Nhưng khuyên người khác thì có vẻ “lội nước ngược”, bởi vì người từ bển mới ồ ạt sang đây mua nhà, toàn chơi tiền mặt, phá giá thị trường! Ai, thành phần nào, cần gì nói rõ cho mích lòng!
3. Vài thống kê về nhà cửa Mỹ cho vui với đời.
Theo thống kê của Census Bureau (Uỷ Ban Điều Tra Dân Số), thì tỷ lệ những căn nhà có người ở là chủ nhà, chớ không phải thuê, biến thiên từ 65% đến 69%. Nghĩa là 100 đơn vị gia cư trên đất Mỹ thì có từ 65 đến 69 căn mà người ở làm chủ. Một căn có thể có nhiều người lớn sống chung, cho nên nếu tính tỷ lệ người trưởng thành của Mỹ làm chủ một căn nhà, thì chỉ trên dưới 50% thôi. Những Tiểu Bang miền tây, giá nhà rẻ, tỷ lệ chủ nhà cao hơn những TB nhà cửa giá trên trời. Những người làm chủ một căn nhà, thường là từ 40 tuổi trở lên. Những người Mỹ da trắng gốc u Châu làm chủ căn nhà nhiều nhất, người Mỹ gốc Á Châu hạng nhì, và người da đen gốc Phi Châu thì tỷ lệ thấp nhất trong tất cả các sắc dân.
Đây là thống kê do tui thực hiện: Vietnamese thì việc mua nhà là mục đích tối quan trọng. Những người bạn cùng thời với tôi, sang đây đầu thập niên 80, không có người nào còn ở nhà mướn, mà tay nào cũng một căn ở, vài căn cho thuê! Xạo chết liền!
4. Nói riêng cộng đồng Việt hải ngoại.
Thường là sau 10 năm lập nghiệp, họ đã tậu xe đẹp và làm chủ căn nhà rồi. Nói họ hà tiện cũng trúng, nói họ vén khéo cũng trúng, nói họ biết tính toán cũng trúng. Rất nhiều người Mỹ sinh ra và lớn lên ở đây, tiếng Anh không là vấn đề, bằng cấp cũng không là vấn đề, nhưng vẫn ở nhà mướn, sống “paycheck by paycheck”. Chỉ cần thất nghiệp chừng sáu tháng hay một năm là thành homeless, ra đường sống vất vưởng!
Tôi nghe người Việt hay nói về dân mình: Người miền Nam làm được một đồng, nhậu cha nó hết một đồng, rồi đi mượn thêm một đồng để nhậu tiếp cho đã! Tui dân Nam kỳ, không bênh được mục này! Dân Bắc kỳ thì làm được một đồng, xài chừng năm mươi xu (mua rau muống để nuộc?), còn năm mươi xu nhét ruột tượng để dành. Dân miền Trung thì làm một đồng, để nguyên, ráng làm kiếm thêm một đồng nữa, phòng bão lụt có tiền cứu mạng.
Sang đây, cơ hội đồng đều, thiên nhiên ưu đãi y như nhau, thì Bắc Trung Nam đều như nhau, phải cày bừa cực lực, để lập nghiệp, để lo cho tương lai con cái. Dân Nam bớt nhậu ngó thấy. Nhậu mà lái xe, là “tàn đời trai” với cảnh sát và luật Mỹ! Dân Bắc vẫn tiết kiệm còn hơn hồi thời “ăn cá rô cây”! Dân Trung vẫn ăn ớt thay cơm để dành tiền! Giỡn chút cho vui, chớ giá một ký ớt đắt gấp hai ba bốn lần giá một ký gạo!
Người Việt mình thành công không có gì lạ. Y chang như mấy chú ba Tàu sang VN trước 75. Họ vào nghề: “ve chai lông vịt, hột gòn, đổi vôi, cốm, nước tương”! Chỉ một thời gian vài năm, là họ cất nhà lầu, mở tiệm, mướn lại người Việt làm công cho họ.
Mệt rồi. Kết luận cái nghỉ cho khoẻ.
Tóm lại, mua nhà để ở, mua lúc nào, mua ở đâu trên đất Mỹ, cũng không sợ lổ. Mua đầu tư thì nên cẩn thận. Không dự đoán được thời cơ, không giàu kinh nghiệm, coi chừng “đánh đâu thua đó, đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, càng đánh càng thua!” Tôi đánh 3 trận, thua hết hai! Trận nầy tui đang thắng. Thanks God! Thua trận chót nầy nữa, thì coi như tiền quan tài cũng cúng luôn! Tại mình dở, chớ nhìn Donald Trump coi, phát ham! Cũng có biết bao nhiêu đại gia người Việt trên đất Mỹ giàu nứt đố đổ tường, nhờ đầu tư BĐS.
Đầu tư ở VN, tui hoàn toàn không hứng thú. Tối ngày lên FB hay coi tin tức, thấy dân oan biểu tình hà rầm chuyện bị cướp đất, đã thấy phát mệt cầm canh rồi. Bọn đại gia BĐS, có cấu kết với cường hào ác bá để cướp đất dân nghèo, để làm giàu trên xương máu dân lành hay không, tui không dám kết luận, nhưng dân oan thì tui thấy đầy nhóc. Không lửa làm gì có khói? Đầu tư, lỡ nó cấu kết với nhau, mang gươm giáo gậy gộc, cùng với bọn đầu trâu mặt ngựa, ùn ùn kéo tới, hung ác hơn quân Nguyên, để “giải phóng mặt bằng” một cái, là đứt gân máu, chết trước giờ xổ số!
Khi chúng “mở cửa”, một thằng bạn rủ về VN đầu tư, tui trả lời không cần suy nghĩ bởi vì tui quá rành chiêu trò của họ: “Tao thà làm ăn mày ở Mỹ cũng không về bển!”. Thôi thì cứ bắt chước đám nhà giàu tư bản đỏ Trung Quốc, nhà giàu (đỏ) VN, và nhà giàu các nước khác, đầu tư ở Mỹ cho nó lành.
Peter Chánh Trần
TB: Bài nầy đúng 4 tuổi. FB nhắc, nhưng mỗi lần ấn share, thì cái nút share nó không chịu hiện lên cho người đọc share tiếp, nên tui copy/paste lại. Có chỉnh sửa chút chút.