[OPINION] TỪ CHUYỆN MIẾN ĐIỆN NGHĨ VỀ CÁC CHÂN RẾT TUYÊN TRUYỀN CỦA CHINA (Hai Le)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of map

Đường ống dẫn dầu China xuyên Myanmar, có quân đội đồn trú bảo vệ suốt dọc chiều dài.

Cho tới thời điểm hiện tại, dường như ai cũng đã thấy được cuộc đảo chính của phe quân đội ở Miến Điện là bất lương. Việc bắn giết thường dân vô tội không có gì có thể biện hộ được. Tuy nhiên, vào những ngày đầu của cuộc đảo chính, những người bênh vực cho chính thể của bà Aung San Suu Kyi đều hứng chịu rất nhiều búa rìu. Có một làn sóng người Việt công kích Aung San Suu Kyi và bất cứ ai nói tốt cho bà ấy rất dữ dội ở cả hai cánh tả và cánh hữu, cả hai phía Việt cộng lẫn Việt Nam Cộng Hòa.
Lý do nào ẩn giấu đằng sau cuộc “tổng động viên” này? Đây chắc chắn không phải là một sự tình cờ, bởi giọng điệu và lớp lang của họ gần như tương đồng: vu cho chế độ của bà Aung San Suu Kyi là thân China.
Sau đó, khi các nước ít khi can thiệp vào ân oán giang hồ như Nhật cũng bắt đầu định nghĩa những gì đang xảy ra ở Miến Điện là đảo chính, thì đồng loạt những người này lại đưa ra lý do là chính quyền của đảng bà Aung San Suu Kyi là độc tài và quân đội đứng lên thay người dân lật đổ. Ngay trong giai đoạn này, cá nhân tôi đã bị tấn công khá ác liệt vì tôi vẫn đứng về phía bà Aung San Suu Kyi và những người trẻ tuổi đi theo bà ấy. Chắc chắn không phải một mình tôi bị, nhiều anh em cánh hữu khác cũng đã có trải nghiệm tương tự trước sự hung hãn của những kẻ chỉ vì trái quan điểm nhưng tỏ ra hung hăng như thể cả gia đình họ bị đảng của bà Aung San Suu Kyi thảm sát. Nhiều người cũng ái ngại trước sự hung hãn đó và chỉ nhắn tin riêng để chia sẻ với tôi.
Chắc anh em còn nhớ khi đó tôi có đăng một bài, đặt ra 10 câu hỏi rất cơ bản về chính trị xã hội Miến Điện và phản ứng của vài người khi đó. Việc khác quan điểm về một vấn đề là bình thường, nhưng cái tôi muốn nói là sự hung hăng tấn công triệt hạ, nó không hề bình thường.
Những ai lăn lóc trên giang hồ mạng lâu ngày, đều ít nhiều hiểu liều doping đem tới sự hung hăng đó là gì. Nó không phải là lòng công đạo muốn chủ trì chính nghĩa, nó không phải là lòng ái quốc của trẻ trâu bất phân đen trắng, nó cũng không phải là liều chết bảo vệ quan điểm, nhưng nó là yuan – hay nói gần gũi hơn chính là Nhân Dân Tệ.
Từ cuộc biểu tình của người Miến Điện, ta đã thấy người dân phá hủy những cung đường sắt nghi ngờ chở hàng từ China, họ đốt phá những hãng xưởng của người China, và trong cuộc biểu tình họ trương khẩu hiệu đòi đuổi các IT quân sự của China và lên án China hỗ trợ đảo chính.
Nên nhớ đây là những người biểu tình ủng hộ Aung San Suu Kyi và phản đối quân đội. Một đứa trẻ lên ba cũng có thể hiểu quân đội Miến Điện và tàu cộng cùng phe với nhau, ít ra là trong mắt người dân.
Như vậy trước đó và kể cả bây giờ, những kẻ nói chính quyền của đảng bà Aung San Suu Kyi thân tàu cộng là sai lầm hoặc cố ý xuyên tạc để dẫn dắt dư luận. Việc bơm cho dư luận nghi ngờ một chính thể bị lật đổ là thân tàu, sẽ giúp cho tàu có vẻ như đứng cùng phía với nạn nhân và giảm tải được nhiều nghi ngờ. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước tàu không hề gọi đây là đảo chính và lên án, nhưng gọi là một cuộc “cải cách chính trị” và tại Liên Hiệp Quốc thì họ cũng ngăn cản các nước ra nghị quyết lên án, thậm chí không cho dùng từ “đảo chính” để mô tả. Rõ ràng, việc vu vạ cho chính quyền dân chủ non nớt ở Miến Điện là thân tàu chính là một sự dẫn dắt dư luận.
Nhưng việc dẫn dắt này sẽ có lợi cho ai? Tôi không nghĩ Việt cộng có phần xơ múi gì lớn trong chính biến ở Miến Điện ngoài chuyện hợp tác với quân đội Miến Điện làm công ty điện thoại; mà kẻ có lợi lớn nhất là tàu cộng với địa thế của Miến Điện trong kế sách “1 vành đai 1 con đường” của họ Tập.
Vị trí của Miến Điện và Bangladesh nằm án ngữ giữa Vân Nam và Ấn Độ Dương. China khó lòng đầu tư để ra biển xuyên qua Bangladesh vì địa hình núi non trùng điệp phía Tây của Vân Nam, Miến Điện chính là một lựa chọn khả dĩ. Không phải tự nhiên mà Tập Cận Bình tới Miến Điện đầu năm 2020 giữa bối cảnh thương chiến với Mỹ bị ông Trump táng xiểng niểng và các vây cánh khác trong đảng cộng sản tàu thì tìm cách bật lại.
Đảng tàu cộng đã tìm mọi cách ve vãn chính quyền của đảng bà Aung San Suu Kyi trên mọi phương diện, cùng với nhiều lời hứa hẹn nâng cấp cơ sở hạ tầng cho toàn bộ Miến Điện đổi lại có thể khơi thông đường đi từ Vân Nam xuống vịnh Bengan. Phong cách của người tàu ngàn năm nay là dùng lợi để mua chuộc, mua tướng được thành. Và có vẻ các tướng lãnh quân phiệt của Miến Điện dễ mua hơn bà Aung San Suu Kyi, một người đã dành cả cuộc đời của mình cho dân tộc. Tàu cộng – quân đội – chính quyền dân sự, cả ba tạo thành một thế trận giằng co. Phía chính quyền dân sự của Miến Điện đã nỗ lực làm ì ạch và ngăn cản chuyện làm đường cao tốc và làm ống dẫn dầu của China trong nhiều năm qua khiến cho quân đội và China phát điên. Nên nhớ, đường ống đã được China và phe quân sự ký kết hợp đồng và khởi thủy xây dựng từ năm 2004, trước khi bà Aung San Suu Kyi ra khỏi nhà tù rất nhiều năm.
Cho tới thời điểm hiện tại, việc ở Miến Điện cũng đã phân rõ ranh giới, Tập không còn đủ kiên nhẫn và việc đảo chính của quân đội là bước cuối cùng để xóa hết những lực cản từ bà Aung San Suu Kyi và dân Miến Điện để thuận lợi thực hiện các công trình này. Tuy nhiên, tàu cộng sau những ê chề về sự thất bại trong thương chiến và cuộc ngoại giao khẩu trang bất thành, đang nỗ lực tìm lại uy tín (mà họ tưởng họ có); lời dụ ngọt tặng vaccine cho Olympic Tokyo 2021 (và bị Nhật từ chối) là một ví dụ rất rõ nét.
Chính vì vậy, như đã nói ở đoạn trên, Tập Cận Bình một mặt cần đẩy nhanh việc ra biển thông qua Miến Điện, một mặt cần thể diện, ít nhất là tránh xa rắc rối với chuyện Miến Điện. Và không gì tốt hơn là hạ bệ chính quyền của đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi trong mắt dư luận bằng cách nói họ thân China. Sự nham hiểm này hiếm thấy ở nơi nào khác nhưng lại quá quen thuộc với mưu kế của người tàu.
Một điều đáng nói chính là công cuộc tuyên truyền của tàu cộng có sự đóng góp không ít của những tay viết theo đơn đặt hàng người Việt. Tôi không nghĩ là tất cả những người công kích Aung San Suu Kyi đều nhận tiền tàu cộng, nhưng chắc chắn là có không ít kẻ như vậy, gián tiếp qua hệ thống chân rết tuyên truyền của tàu. Thậm chí, nhiều khi chính những người đó cũng không biết “nhuận bút” của họ đến từ đâu.
Các chân rết tuyên truyền của tàu cộng đã thâm nhập sâu tới đâu vào cộng đồng người Việt hải ngoại?
Hai Le