LUẬT PHÁP MỸ (Peter Chánh Trần # Lúa Mười)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Ngày 30 tháng tư năm 2017, tui buồn quá, không thiết tha làm bất cứ chuyện gì. Tui viết vỏn vẹn có mấy chữ trên trang nhà: “Hôm nay 30 tháng Tư. Tôi buồn. Không muốn làm gì hết”. Tức thì có một đứa trẻ ranh, nhảy vào chửi một câu: “tôi buồn… cười vì thấy các bạn bám càng máy bay”! Tôi trả lời thằng nhóc một câu cũng ngắn gọn: “Vậy bạn có buồn… cười khi thấy đám con cái các quan lớn bám càng qua đây không? Hay là chảy nước miếng?”
Tôi nghĩ, chắc là chỉ cần “tặng” hắn một viên “khai tâm đơn” đã đủ thấm, để khai thông trí não bằng hột tiêu, trong cái đầu tôm của hắn, và đồng thời mở cặp mắt mù của hắn luôn thể. Tôi lầm! Tôi chưa kinh nghiệm với cái đám robots được lập trình sẵn này. Chúng là loại vô tri vô giác, chỉ là một “phần mềm” được viết ra từ một lập trình viên! Những câu được viết sẵn trong cái hột tiêu đó, cứ tỉnh bơ nhả ra tiếp theo, mặc cho các bạn trong nhà tôi không ngừng phỉ nhổ hắn ta. Lỳ, trơ trẽn, hèn hạ, gian manh,… là bản chất của bọn chúng!
Một người bạn lớn tuổi, tôi rất quí, mà tôi quen qua FB, Bắc Kỳ từ trong ruột Bắc Kỳ ra, sống ở Hà Nội, có lẽ là danh gia vọng tộc, CS nòi, biết rõ đám này hơn ai hết, đã khuyên tôi: “Anh Peter ơi, nhớ block hết mấy cái mõm thối lại đừng cho chúng nó dây vào nhé. Đọc mất cả hứng.”
Không ai hiểu CS bằng chính người CS, hay người sinh ra và lớn lên với CS. Cái kinh nghiệm 12 năm sống với CS khi còn cởi truồng tắm sông, và sau đó là mỗi năm về nghỉ vài tháng hè ở nhà quê, rồi 5 năm từ 1975 đến 1980 của bản thân tôi, chưa là cái đinh gì đối với người dân Bắc Kỳ phải sống với họ cả kiếp. Họ hiểu CS hơn ai hết. Nghĩ lại, có lẽ họ đáng thương hơn dân miền Nam nhiều lắm. Trang nhà của tui đa số là người Bắc. Tui nghe lời khuyên của anh bạn BK: block, tiễn thằng bé robot kia ra khỏi nhà mình. Một bầu không khí an bình, vui tươi, lại tràn ngập trong trang FB của mình.
Sau này, tui cũng thường vô các trang FB của những người “phản động”. Đọc những đối đáp của họ với đám người máy kia, có khi thấy tức cười không nhịn được. Có những nick mở ra chỉ để chọc và để chửi cái đám vô tri vô giác đó. Tôi nghĩ họ buồn, chán, không có chuyện gì làm cho quên kiếp bị trị bởi những con khỉ, tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ”, cho nên mở nick ra để chọc và chửi bọn nhóc kia cho đỡ sầu, chớ cái thứ óc đó làm gì mà khai tâm nổi!
Từ đó, tôi “rút sợi dây kinh nghiệm”:
* Để thời gian làm những việc mà mình cho là hữu ích hơn, chớ không thèm mất giờ với đám trẻ “hết thuốc chữa” này. Đứa trẻ nào ở trong nhà tui, thích đọc chuyện tào lao của tui, cứ ngồi yên mà thưởng thức. Quậy, tui tiễn.
* Đập bỏ cái máy sản xuất chớ không cố sửa sản phẩm. Một sản phẩm lỗi, chỉ ngồi chỉnh sửa sản phẩm, thì sửa đến khi nào? Ngày nào còn cái máy sản xuất ra sản phẩm lỗi, thì nó vẫn tiếp tục cho ra những sản phẩm y khuôn đúc như vậy thôi. Cái máy chính là nguồn căn. Đập bỏ cái máy, thay cái máy khác, hay thay cái khuôn khác, mới là trị dứt căn! Chuyện đó để chính những người có gan hơn mình, còn chịu trận ở lại, tìm cách mà nện. Họ không nện, họ cam lòng, là chuyện của họ, kệ họ đi.
* Để thời gian viết chuyện tào lao chơi, lâu lâu giựt giò lái một phát cho giãn gân giãn cốt, coi bộ vui hơn.
Tính viết chuyện luật pháp Mỹ, mà đã hơn 700 chữ, vẫn còn tào lao, chưa chịu nhập đề! Tháng tư đen mà, làm sao quên được cái cảm giác hãi hùng, thất vọng, chán chường, khi nhìn thấy nón cối, dép râu, chà nát quê hương mình? Nếu có kiếp sau, tôi cũng không thể nào có cảm tình được với nón cối và dép râu, vì nó là biểu tượng của cái ác. Chúng có súng, mình tay không, đành bỏ chạy. Vậy mà mình buồn vì bị chúng cướp, bị đuổi cùng diệt tận, chúng cũng mắng nhiếc đu càng này nọ! Phật trên bàn thờ chắc cũng nhảy xuống, nhịn sao cho đặng? Cho nên cũng phải ba điều bốn chuyện với chúng một chút rồi mới nhập đề cho đỡ lộn gan lộn ruột!
Thì đã nói là chuyện tào lao, cứ chuyện nọ xọ sang chuyện kia mà. Đọc một hồi thế nào cũng thấy hai chữ luật pháp. Chuyện tào lao không vội được đâu! Ai thích tào lao, thì cứ ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” mang ra đi, vừa nhấm nháp, vừa đọc. Mệt nghỉ! Tui viết mệt cũng nghỉ.
Giờ vô đề.
Một đất nước văn minh, tiến bộ, một xã hội an bình đáng sống, chắc chắn phải có một nền tảng luật pháp công minh, một nền giáo dục nhân bản. Tôi luôn muốn viết về luật pháp và giáo dục của cái nước “giãy hoài không chết”, cũng là từ nhận định này. Những chuyện tào lao khác, như: súng đạn, mua nhà, mua xe, bảo hiểm,… chỉ là râu ria, viết cho có viết.
Lần trước đã viết về giáo dục rồi (được 2 bài). Cũng đã tào lao một bài về luật chia gia sản khi ly hôn, hai bài về cảnh sát và luật pháp Mỹ. Bữa nay tào lao chuyện luật pháp Mỹ nữa.
Mỗi lần chỉ viết tào lao một chút, vì luật là cả một rừng, mà kiến thức của tui như hột cát trên sa mạc. Tui chủ yếu viết theo kinh nghiệm, về những chuyện mắt thấy tai nghe, trong gần 40 năm sống ở đây. Các cao thủ chuyên ngành luật pháp, cứ tự nhiên vào nhà tôi thêm: mắm, muối, đường, bột ngọt, tiêu, hành, tỏi, ớt,… cho đa dạng, cho đậm đà, tôi đội ơn.
1. Tiền trên trời rớt xuống.
Mấy ngày nay thấy người ta xôn xao chuyện cậu Cu Chi Nguyên (lần đầu trong đời biết có họ Cu), 19 tuổi, ở TP HCM. Mấy người “phản động” đừng tỏ ra dị ứng khi thấy tui viết tên TP HCM, mà không viết là Sài gòn nhe. Chuyện tốt tui ghi tên mình yêu thích, chuyện bủm thì mình viết tên mình dị ứng, là đúng chủ trương đường lối của “đảng ta”, phải không? Tự nhiên từ trên trời rơi xuống 5 tỷ, tiền VC, rớt ngay vào tài khoản ngân hàng của cu Nguyên. Nguyên biết rõ đó là sự sai lầm của ngân hàng, và đương nhiên biết rất rõ đó không phải là tiền của mình làm ra, dù một xu cũng không phải, nhưng tỉnh bơ rút, lần lượt chơi luôn một tỷ rưỡi, xài thả ga.
Nguyên bị công an bắt giữ để điều tra, và khi bị bắt thì thế nào cũng tù tội. Quan quyền có thẻ đảng, dù thụt két ngân quỹ quốc gia hàng ngàn tỷ cũng có thể thoát như trở bàn tay, chớ dân mà bị bắt, dù trộm một con vịt về nhậu chơi, thì chạy trời cũng dính án, án nặng. Nói tóm lại, đó là hành động phạm pháp dựa theo luật pháp của VN.
Chuyện sai lầm của ngân hàng hay sai lầm ở bất cứ lãnh vực nào, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời nào, cũng có thể xảy ra. Vấn đề đặt ra là luật pháp và cách thi hành luật pháp của mỗi quốc gia ra sao thôi.
Ở Mỹ, đó là tội ăn cắp, sẽ bị luật pháp chế tài. Ăn cắp một cây kẹo, một bàn chải đánh răng trong siêu thị còn bị truy tố, lãnh án, huống hồ số tiền to như vậy.
Định nghĩa của tội ăn trộm của luật pháp Mỹ, nó bao quát lắm, chớ không phải nửa đêm đào ngạch khoét vách nhà người khác để dọn đồ, hay rón rén chộp con gà hàng xóm,… thì mới gọi là trộm đâu: Holding or possessing property that you know doesn’t belong to you also constitutes theft or larceny under most State laws (Giữ hay chiếm hữu tài sản mà mình biết nó không thuộc về mình, là phạm tội ăn trộm ăn cắp, dựa theo luật lệ của hầu hết các Tiểu Bang).
Mời đọc cái link tôi gởi kèm ở cmm đầu tiên. Đọc cho biết một trường hợp cụ thể xảy ra ở Mỹ. Tôi tóm tắt cho ai làm biếng đọc tiếng Anh tiếng u: Câu chuyện xảy ra tháng 10, năm 2007. Một nhân viên mới vô nghề của ngân hàng First Commonwealth Bank, đã đánh máy trật một con số trong số trương mục của một người, và số tiền ký thác (deposit) $280,000 USD của người này đã nhảy sang trương mục của ông già Herbert Arthur Starbird. “Sai con tán, bán con trâu”, là đây.
Hertbert, một ông lão “vô sản”. Trước đó 3 hôm, ngân hàng của ông báo cho ông biết là ông đã viết check không tiền bảo chứng (overdrawn, bounced), nghĩa là ông ta hỏng còn xu nào trong trương mục. Điều đó chứng tỏ với toà rằng, ông ta biết tường tận, con số $280,000 kia không phải là tiền của ông.
Tôi giả dụ trong trương mục của ông ta có vài triệu, thì khi ai đó bỏ vô $280,000 đô, có thể ông ta không chú ý, hay không hay biết về sự nhầm lẩn này, là chuyện có thể hiểu được. Nhưng khi mình hỏng còn một xu cạo gió, tự nhiên trên trời rớt xuống $280,000 thì làm sao không biết? Biết không phải tiền của mình, mà xài thả cửa, thì bị toà tuyên án là phải rồi! Không oan sai tí nào.
Toà tuyên án ông ta phải trả lại $157,000 cho ngân hàng (số tiền ông đã rút ra tiêu xài), cộng thêm $100 USD tiền phạt, và án 7 năm probation (tù treo, hay tù tại gia có sự để mắt giám sát của toà).
Nhiều người sẽ nói rằng, tù treo mà nhầm nhò gì, có ăn cơm tù, có mặc áo cam, có bị bọn đầu trâu mặt ngựa trong tù đánh đập hay hiếp dâm tập thể,… đâu mà sợ? Không phải vậy đâu nghen. Xứ này có án là coi như dấu chàm đen thùi lùi, đóng cái bụp trong hồ sơ của mình suốt kiếp. Đi cày bừa, làm những công việc ai cũng chê với lương ba cọc ba đồng, OK. Nhưng xin vào những công ty lớn, việc làm khoẻ mà lương cao, hay những công việc có dính tới chính phủ, thì đừng có hòng! Ngay cả những bạn bè quen thân, khi họ biết mình từng có án, thì họ cũng e dè, xa lánh.
Có vài người quen ở VN in box hỏi tui công an bắt cậu cu Nguyên kia đúng không? Luật pháp Mỹ ra sao?
Ngắn gọn luật Mỹ thế này:
* Khi mình biết tiền hay bất cứ vật gì, không phải của mình, mà chiếm đoạt, sử dụng, là phạm tội ăn cắp. Ăn cắp mà người bị mất cắp không hay biết, hay có biết, dù biết sớm hay biết muộn, vẫn là ăn cắp. Tội như nhau.
* Ngay cả khi mình lượm được của rơi, như tiền mặt, những vật quí,… cũng phải giao nộp cho cảnh sát, chớ không tự động coi đó là của mình. Tuỳ theo luật từng Tiểu Bang, số tiền bao lớn, thì sau một thời gian ấn định mà không ai nhận đồ đánh rơi, thì cảnh sát có thể sung vô công quỹ, hay cho phép người lượm được quyền sở hữu.
* Bạn đào trong đất nhà bạn, tình cờ phát hiện ra mỏ vàng. Bạn phải báo chính quyền, vì đó là tài sản quốc gia, chớ không phải nằm trong khuôn viên đất đai của mình là của mình.
* Bạn sửa chữa căn nhà, phá vách tường, thấy một bao tiền trong đó, khoan mừng! Đó không phải tiền của bạn làm ra. Nó của chủ trước hay ai đó. Âm thầm xài, thì tội ăn cắp chỉ có mình bạn biết, luật pháp không hay. Lộ tẩy, bạn chắc chắn rất phiền hà với luật pháp. Báo cảnh sát là thông minh nhất, là ngay thẳng nhứt.
Luật gì kỳ vậy? Mình đâu có đào ngạch khoét vách, hay giựt dọc của ai đâu mà gọi là ăn trộm ăn cắp, mà phạt tù?
Hỏng kỳ đâu! Cái nguyên tắc của luật này ở chỗ: Giữ hay sử dụng tài sản mà mình biết rõ nó không phải của mình, là ăn cắp, bất kể vì lý do gì nó vô tay mình. Tui lấy thí dụ cho dễ hiểu: Bạn nuôi con chó hay con gà. Bạn sơ ý, chỉ là sơ ý, để nó sổng chuồng, chạy qua nhà hàng xóm. Hàng xóm đóng cửa rào lại, rồi tự nhiên bắt con chó hay con gà của bạn làm thịt nhậu tỉnh bơ, với lý do: nó ở trong đất của tui là của tui. Tui đâu có sang nhà bạn ăn cắp hồi nào đâu? Ai biểu để nó chạy sang nhà tui chi! Lý luận đó tương tự như lý lẽ: Ai biểu ngân hàng chuyển tiền vô trương mục tui chi? Chuyển thì tui xài!
Tui mở ngoặc viết ngoài đề một chuyện sai sót của ngân hàng, có thiệt, một câu chuyện gần 40 năm mà tôi vẫn nhớ.
Năm 1983, tui vô ngân hàng đổi tấm ngân phiếu $1000 đô. Thời đó tiền còn đếm bằng tay, chớ không có rẹt rẹt rẹt bằng máy như bây giờ. Thời đó tui còn “một chân ướt, một chân chèm nhẹp”, mới đến xứ này chưa bao lâu. Nói kiểu nhà quê là “trên răng dưới lựu đạn sét”, ngơ ngáo như Hai Lúa, cho nên suy nghĩ và cách hành xử còn rặt mùi nước mắm đồng! Cái kiểu VN mình suy nghĩ lạ hơn Mỹ dữ lắm: Ai đưa tiền thì không dám đếm lại, sợ đếm lại thì chứng tỏ là mình không tin người đưa tiền, làm chạm tự ái của họ. Cũng chính vì nghĩ vậy, cho nên tôi chỉ đứng coi cô nhân viên đếm, và không đếm lại khi cô ta đưa tiền cho tôi. Hơn nữa, cầm một món tiền lớn như vậy, cũng khớp. Đó là lần đầu tiên cầm $1000 đô ở xứ này.
$1000 đô năm đó lớn lắm! Nói cụ thể cho dễ mường tượng: $1000 đô lúc đó mua được 1010 gallons sữa tươi, hay 1010 gallons xăng (1 gallon=3.785 liters). Sữa tươi năm 1983, chỉ có 99 cents/gallon. Năm nay, 2019 khoảng 4 đô. Xăng hồi đó cũng 99cents/gallon, và ngay bây giờ cũng khoảng trên dưới 4 đô. Diễn nôm thêm chút nữa: Nhà 6 người, uống sữa thay nước lạnh nghen, mỗi ngày uống một gallon sữa, thì cũng phải 1010 ngày, tức tròm trèm 3 năm mới quất hết 1010 gallons! Xăng thì sao? Thời buổi này xe Hybrid khá thịnh hành, cho nên lấy thí dụ bạn có chiếc Toyota Prius, chỉ uống có 1 gallon mà phóng được 52 miles! Trung bình một người đi làm, đi cua đào, đi ăn nhậu,… thì một tháng chạy cỡ 1000 miles. Vậy $1000 USD đủ để mua xăng chạy gần bốn năm rưỡi! Nói tới Mỹ, phải nói bơ sữa. Mấy ngày nay ở VN, người ta chửi mấy thằng lên giá xăng, hút tới tuỷ của dân nghèo để làm giàu, chửi tối trời ông địa luôn. Tui thí dụ sữa và xăng là “hợp thời trang” nhứt.
Về nhà móc túi đếm lại, trời ơi, chỉ có $900! Thiếu $100! Nên biết: Thời đó, chỉ $100 đô thôi, cả nhà sáu bảy người vô nhà hàng sang trọng ăn một bữa no nê! Nhiều lắm, lớn lắm! Tui xanh mặt, vì đó là tiền vay tiền mượn của bạn bè. Tôi lấy phone quay số gọi nhà bank và xin nói chuyện với quản lý, bởi vì đâu có biết cô nhân viên là cô nào, tên gì, trong đám nhân viên cả chục người. Tôi nói rõ cho anh quản lý nghe câu chuyện. Anh ta không hề phân bua, không hề lý sự cái kiểu VN: “Sao không cẩn thận? Sao không chịu đếm trước khi ra khỏi ngân hàng? Tiền qua tay rồi là xù! Tui làm sao biết bạn nói thiệt hay sạo? Nếu cô nhân viên đó nói là đếm cho bạn đủ, thì làm gì nhau?….”
Không! Anh ta chỉ nói ngắn gọn, đơn giản thế này:
– Sir, I’m sorry to hear that. Right now I can’t do anything until we close. We will check out each window at the end of the day. If we will find some extra money, I will call you. (Thưa ông, tôi lấy làm tiếc khi nghe ông nói vậy. Ngay lúc này, tôi không làm gì được. Cuối ngày, chúng tôi sẽ kiểm toán từng bàn thu ngân. Nếu tìm ra số tiền thừa, tôi sẽ gọi ông.)
Cuối ngày anh ta gọi tôi như đã hứa. Anh ta tìm ra $100 đô, sau khi kết sổ của cô nhân viên đó.
Giả sử, thay vì gọi tôi lại để trả $100 đếm lộn, anh ta cấu kết với cô nhân viên kia để “ém” luôn, rồi chia nhau xài, ai biết, ai làm gì anh ta? Một trăm đó anh ta có thể dùng để đãi cả nhân viên của anh ta một bữa ăn trưa thịnh soạn. Nếu anh ta hành xử như vậy, thì tui chỉ có nước khóc bằng tiếng Miên, và nếu tất cả nhân viên của anh ta cũng đều xấu như vậy, thì tui không có câu chuyện để viết lại hôm nay!
Ở một đất nước khác, thì coi như “cúng” $100 rồi! Tiền trong túi mình chúng còn tìm cách giựt, huống chi là tiền tự nhiên “rơi” vào tay chúng!
Nhà trường Mỹ đã dạy cho họ tính ngay thẳng thật thà ngay từ còn bé tí tẹo. Tất cả các trường học và những nơi công cộng đều có cái thùng ghi “lost and found”: Ai làm mất đồ gì, họ gom lại bỏ vô đó. Ai mất, cứ tới đó coi, đúng là gà lạc của mình, thì tự bắt về.
Nói chuyện mất đồ, lại nhớ đến câu chuyện tôi đọc trên FB mấy ngày nay ở VN: Có anh chàng mất Iphone 7. Anh ta gọi số phone của mình, thì đầu dây kia một cô gái bắt máy nghe. Anh chàng xin chuộc lại cái phone. Cô nàng ra giá, tới lui, một hồi thì trơ trẽn đề nghị: Anh cho tôi mật mã phone của anh cho tui xài luôn đi, để tui khỏi đi nhờ người ta mở. Đàng nào anh cũng mất phone, coi như mất luôn đi, bla, bla,…
Đọc câu chuyện, tôi chỉ biết kêu trời! Lương thiện và gian ác, văn minh và lạc hậu, có giáo dục và vô giáo dục, khác nhau ở chỗ này.
Trở lại chuyện $100 đô của tui. Tôi đến nhận lại 100 với tâm trạng vừa vui mừng, vừa hết lòng cảm kích cái ngân hàng Bank Of America nói riêng, và nước Mỹ nói chung! Tôi cảm kích sự thành thật, lòng ngay thẳng. Tôi cảm kích cả nền giáo dục đã đào tạo ra những con người tốt lành như vậy. Tôi chưa từng nếm trải được một sự thành thật đáng ca ngợi, đáng nhớ như vậy. Đó là bài học về sự thành thật đầu tiên tôi học ở xứ này, một bài học nhớ đời.
Cho đến hôm nay, sau gần 40 năm, cho dù không còn cần thiết, cho dù họ bắt phải để ít nhất $1500USD trong account để được miễn đóng lệ phí hàng tháng, tôi vẫn giữ cái account đó. Khi tôi mở tiệm, mở business account, tui cũng mở của Bank Of America. Đó là một cách biết ơn, một cách tỏ ra cảm kích họ. Ngoài ra, tôi cũng đã không ngừng kể cho nhiều người nghe về nghĩa cử cao đẹp của họ. Đó là một cách quảng cáo không công cho họ, và tôi rất vui lòng làm chuyện quảng cáo không công này. Đồng thời, cũng là cách để truyền đạt cái tính lương thiện, nhân bản của người dân xứ này.
Từ cái kinh nghiệm việc đếm lộn tiền lần đó, tui cũng “rút thêm một sợi dây kinh nghiệm” nữa. Mỗi lần tôi đưa tiền cho ai, thường là người Việt, mà thấy họ ngần ngừ không chịu đếm, biết là họ ngại, sợ mình nghĩ họ không tin mình, nên tui luôn mở lời trước. Cái cách của tui lúc nào cũng nửa đùa nửa thiệt. Nói thiệt nghe như nói chơi. Nói chơi mà thật sự mang nghĩa thiệt:
– Làm ơn đếm lại dùm tui cái! Đếm thử coi tui có đếm dư thì trả lại tui nghen! Khà khà khà!
Vậy là người ta vui vẻ đếm, vì sợ tui đếm dư, thay vì lo tui đếm thiếu mà ngại không dám đếm!
Kết luận cho câu chuyện “Tiền trên trời rớt xuống”: Nếu công an VN, luật pháp VN bắt cu Nguyên trả lại tiền đã ăn cắp của nhà bank, cộng thêm tiền phạt, cộng thêm án tù (tù treo cũng được), thì coi như VN đã văn minh, tiến bộ. Dùng luật pháp, sự chế tài của luật pháp, thì dần dà người dân có ý thức, để trở thành công dân tốt. Áp dụng cho tất cả mọi công dân, chớ dân đen thì phạt, còn mấy thằng có “kim bài” tha bổng , thì sự trừng phạt sẽ phản tác dụng 180 độ! Dân đào ông bới cha, không có gì lạ.
2. Xe chở học sinh (school bus)
Tôi thấy rất nhiều người ở VN share đi share lại cái clip về chiếc xe màu vàng chở học sinh ở Mỹ. Khi chiếc xe ngừng lại, chớp đèn đỏ, bảng STOP bên hông xe bật ra, thì tất cả những xe phía sau ở tất cả các làn đường cùng chiều, đều đồng loạt ngừng,. Họ chờ cho đến khi các em học sinh xuống xe hết, đèn đỏ thôi chớp, và bảng STOP xếp trở vô lại, thì mới chạy tiếp.
Người ta viết cmm, hết lời khen ngợi cách hành xử văn minh này. Tôi hoàn toàn đồng ý. Đó là cách hành xử hết sức văn minh, coi trọng trẻ em, coi trọng sự an toàn của người khác chớ không vì muốn sớm vài phút mà giành đường, vượt đại. Tôi tin là những nước văn minh đều như vậy, chớ không riêng gì Mỹ.
Nhằm bảo vệ sự an toàn cho học sinh, còn nhiều chuyện khác nữa, chớ không riêng vì phải ngừng sau xe bus:
* Ở gần trường học, lúc nào cũng có tấm bảng ghi speed limit 25 mph (mile per hour), để nhắc người lái xe phải chạy chậm, phải hết sức cẩn thận coi chừng các cháu học sinh. Ở Mỹ mà chạy 25 dặm/giờ là rất chậm, chậm như rùa bò rồi. Với tốc độ đó, thắng sẽ rất dễ dàng.
* Mỗi ngã tư hay ngã ba, ở các trường Elementary School (Tiểu Học), trong giờ tan học, hay trước giờ học, lúc nào cũng có nhân viên (tình nguyện hay có lương nhẹ), cầm bảng STOP để chận xe cho các em băng qua lộ. Người lái xe khi thấy bảng STOP, dù bảng được dựng trên đường, hay do nhân viên cầm, hay trên xe bus, họ đều ngừng lại, chờ cho tới khi học sinh bước lên khỏi lòng đường, người cầm bảng hạ bảng, thì mới lưu thông trở lại.
* Ở những trường Middle School hay High School, vì học sinh đã lớn, không cần người cầm bảng STOP, nhưng người lái xe cũng tự động ngừng và chờ như vậy, cho đến khi các học sinh băng qua lộ hoàn toàn. Chờ cho đến khi tất cả bước lên lề đường, hoàn toàn, không còn ở dưới lòng đường mới chạy, chớ không phải vừa thấy các em qua lộ gần xong, có khoảng trống là chen vô để chạy đâu nghen. Cũng y như chờ người đi bộ ở các nơi đèn đường, hay những nơi có lằn dành riêng cho người băng ngang qua lộ vậy. Người bộ hành còn dưới lòng đường, dù có khoảng trống mà mình cho là an toàn, cũng không được chạy. Phải chờ họ bước lên lề đường. Nhường đường đã là một thói quen của người lái.
Đó là sinh hoạt hằng ngày, khắp mọi nẻo đường xứ Mỹ, bất kể thôn quê vắng vẻ hay thành thị nhộn nhịp, bất kể có “thày hai” hiện diện hay không. Đó là chuyện hết sức bình thường, không làm cho ai ngạc nhiên ở xứ này, vì nó đã thành nề nếp, thành thói quen, thành cách sống, thành cách ứng xử. Nó đã thâm nhập vô tận trong máu của dân chúng rồi.
Tất cả những chi tiết tôi vừa viết là luật. Phạm vào là ăn ticket:
* Bạn có biết khi đèn đỏ của xe bus chở học sinh chớp liên hồi (blinking), thì bạn phải tuân thủ y như khi bạn đến ngả tư mà đèn đỏ chớp nháy không? Đó là luật. Không tuân thủ luật lệ này, ở Califonia, ăn một cái ticket $695 USD!
* Bạn có biết chạy quá tốc độ qui định 25 mph, không ngừng ở bảng STOP, không nhường đường cho học sinh (người bộ hành) là phạm luật, và bị phạt từ $500USD trở lên không? Yes! Là luật!
Để tui mở ngoặc viết chi tiết về đèn hiệu một chút: Đèn xanh, chạy. Đèn vàng, chú ý, cẩn thận. Đèn đỏ, ngừng, chờ cho tới lúc đèn xanh mới chạy. Đèn đỏ chớp nháy, thì nó tương đương một bảng STOP, nghĩa là phải ngừng hoàn toàn. Sau khi ngừng, dáo dác nhìn, thấy an toàn mới quẹo hay chạy thẳng. Riêng đèn đỏ chớp nháy của xe bus thì tương đương như đèn đỏ không chớp ở ngả tư. Nghĩa là phải ngừng và chờ tín hiệu tắt, mới được chạy, chớ không phải thấy an toàn là chạy hay quẹo như bảng STOP thường. Chính vì luật lệ minh bạch, chi li, và mức phạt kinh khủng như vậy, nó dạy cho người ta từ từ ý thức việc tôn trọng sinh mạng học sinh.
Viết tới đây, tôi nhớ có coi cái clip của Dưa Leo (Gia Huy?) về bảng STOP, thâu tại Mỹ. Anh ta quay một chiếc xe chạy tới bảng STOP, tức thì chạy chậm lại gần như ngừng, dù con đường vắng hoe! Anh ta tỏ ra rất cảm phục, vì đường không xe mà vẫn lết lết rồi mới quẹo. Dưa Leo cho rằng như vậy là văn minh, là có kỷ luật, chớ ở VN dù đèn đỏ chúng cũng phóng áo ào luôn, nói gì bảng STOP! Dưa Leo không rành luật Mỹ, tui không lấy làm lạ, hay chê cười anh ta đâu. Thật ra, anh tài xế đó đang vi phạm luật lái xe mà Dưa Leo không biết. Đến bảng STOP, hay đèn đỏ, tài xế phải ngừng hoàn toàn (Completely stop), không có chuyện lết lết, cho dù đường vắng hoe ở giữa đêm khuya. Tôi nói lại, completely stop nghen. Sau khi ngừng ở bảng STOP, thì ai tới trước đi trước, tới cùng một lượt thì xe bên tay phải của mình ưu tiên đi trước. Rà thắng rồi quẹo, nghĩa là xe vẫn chạy chớ chưa ngừng, sẽ bị phạt y như vượt đèn đỏ, hay không ngừng ở bảng STOP vậy.
Lái xe ở Mỹ, thỉnh thoảng cũng gặp những tay du côn, gọi là road rage. Chúng cũng lạng lách, cắt đầu xe người khác, hay bóp còi, hoặc đưa ngón giữa f*ck người khác. Nhưng phải nói là rất ít, vô cùng ít. Trong gần 40 năm lái xe, tôi gặp loại này một vài lần. Tốt nhứt là đừng đương đầu với chúng. Cứ tảng lờ như không thấy, không nghe chúng. Loại đó để cho dân du côn như chúng dạy chúng, hay để các “thày hai” cho chúng ăn tickets, chúng mới ngoan ngoãn làm người tốt trở lại.
Tóm lại, chính luật pháp là nền tảng của một nước văn minh. Luật pháp nghiêm minh, dạy cho công dân biết tuân thủ nghiêm chỉnh, có biện pháp chế tài không khoan nhượng, thì người dân dần dà sẽ có ý thức, và từ từ sẽ trở thành một nề nếp, một lối sống, một văn hoá.
Luật rừng rú, kẻ thi hành công vụ tuỳ tiện, toà án như một sân khấu diễn hề, công dân làm sao không tìm cách luồn lách, và kết quả là một quốc gia y như trong rừng: mạnh được, yếu thua. Đừng chê trách người dân, mà hãy đổ trách nhiệm lên đầu những kẻ có bổn phận đào tạo ra công dân. Luật pháp là một yếu tố quan trọng ngang hàng hay quan trọng hơn cả ngành giáo dục. Hai thứ đó không ổn, thì một xã hội loạn lạc, xuống cấp, đâu có gì là lạ. Những người làm ra luật phải là người thật sự đại diện cho dân, có kiến thức, chớ không phải cái đám bá vơ bá láp do một quyền lực lưu manh đưa ra, rồi bắt dân bỏ phiếu để hợp thức hoá cái trò lừa bẩn thỉu. Luật lệ cho dù có nghiêm khắc: tội nặng “cắc bùm”, tội nhẹ hơn cho gỡ lịch, nhẹ nữa thì nọc ra quất cho nát đít như Singapore, Malaysia,… thì người dân cũng OK tuân thủ. Luật làm ra để bao che cho một giai cấp ôn hoàng dịch lệ, thì dân nào phục, dân nào muốn tuân theo. Họ nguyền rủa, chửi bới đinh tai nhức óc, không có gì là lạ.
Peter Chánh Trần
Tháng Tư đen 2019