Ba Má tôi quyết định đưa gia đình về sống tại một vùng thôn quê hẻo lánh này từ đầu năm 1970. Từ đỉnh đèo Rù Rì, nhìn về hướng đông bắc, một eo biển nhỏ hiện giữa những đồi núi chập chùng. Eo biển đó là eo biển Lương Sơn, trên đường ra Ninh Hòa. Làng quê đó, chính là làng Lương Sơn như mọi người thường gọi.
Đây là một làng nhỏ, cách chân đèo Rù Rì khoảng 3 km và trung tâm thành phố Nha Trang chừng 12 km. Lưng dựa vào núi, mặt nhìn về hướng biển, nên dân trong làng sống chủ yếu vào nương rẫy trên núi và tôm cá ngoài biển khơi.
Từ lúc hiểu được, tôi đã nghe, đã biết về những tai nạn thảm khốc trên đèo Rù Rì. Lên 6, 7 tuổi, tôi đã nghe những lời than khóc buồn bã từ thân nhân của những người mất, bị tai nạn trên vùng đèo này.
Lớn lên tí xíu, tôi đã chính mắt nhìn thấy những thân thể đầy máu, sau những tai nạn nơi đây. Khi tôi bắt đầu vào Trung Học, mỗi ngày dắt xe đạp lên đèo, xổ đèo, những hình ảnh đó luôn ám ảnh tôi. Tôi lo một, nhưng ba má tôi lo đến mười.
Mỗi năm, ít nhất một vụ tai nạn khủng khiếp xảy ra. Ngôi miếu nhỏ nằm giữa lưng chừng đèo, ở mặt Nam, luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi một mình dắt xe đạp đi qua. Tôi sợ, nên thường đi chung với các bạn. Hoặc khi đạp xe đến tận chân đèo, nhưng chưa thấy ai, thế là ngồi chờ; chờ có người nào đó cùng dắt xe lên đèo.
Năm 1983, số tai nạn quá nhiều, mà hai tai nạn thảm khốc, một vào giữa năm, xảy ra ngay miếu thờ, và một vào cuối năm, những ngày cận Tết, bên kia dốc đèo, tại hướng ngã ba: một đường lên Thành, và đường hướng kia về Nha Trang. Tai nạn này, đã cướp đi mất một người bạn mà tôi quen biết, học trên tôi một lớp.
Có lẽ, nhiều tai nạn quá khủng khiếp xảy ra liên tiếp, và chúng tôi cũng đã khôn lớn, Ba tôi, quyết định kể một chuyện hệ trọng mà ông giấu từ lâu. Câu chuyện đó liên quan đến ông Cố tôi và lời nguyền cay độc ngày xưa ấy.
Ba tôi kể rằng, vào những năm đầu 1900’s, người Pháp mở đường xá từ miền Nam ra tận miền Trung. Mở ra rộng hơn, tạo cho môt vóc dáng mới cho quốc lộ 1. Ông Cố tôi, là một người nhà quê, giỏi chữ Nho từ nhỏ, nhưng thi nhiều lần không đỗ nên ông chỉ làm một ông giáo làng. Nhưng điều ngạc nhiên là không biết ông học từ đâu, mà có thể đọc và hiểu được ít nhiều tiếng Pháp.
Và khi người Pháp vừa ép buộc, vừa tuyển mộ khắp nơi để mở đường, vì kinh tế gia đình, ông cố tôi quyết định gác nghề dạy học, và tham gia đoàn người đi mở đường này. Thông thạo chữ nho, và hiểu ít nhiều tiếng Pháp, ông được giao cho việc phụ sổ sách. Dần dần, tạo được tín nhiệm với viên sĩ quan Pháp đứng đầu công trình này, ông được giao phó nhiều công việc quan trọng hơn. Cuối cùng, ông được trọng dụng như là một người giúp việc gần gũi và tín cẩn.
Từ thành Diên Khánh, đường được mở rộng xuống Nha Trang. Rồi từ Nha Trang ra Ninh Hòa. Nỗi vất vả của những người mở đường này là đoạn đèo Rù Rì. Đường dốc quanh co. Không ít người đã bỏ mình ở đó.
Một hôm, trong lúc đang đào đất, những người phu đã phát hiện một hầm lớn bên chân đèo phía Bắc. Khi ông Cố tôi đến, người ta phát hiện trong hầm này có nhiều lọ cổ. Trong đó có 1 cái lọ lớn và 13 cái lọ nhỏ hơn. Tất cả đều làm bằng sành.
Cái lọ lớn, cao hơn nửa mét, màu xanh lá cây đậm, dạng như cái trống, chính giữa phình, hai đầu hơi nhỏ lại. Trên mặt lọ, có cái nắp đậy kín, không một khe hở. Với kích cỡ và hình dáng này, khi tôi còn nhỏ, nghe mọi người gọi là cái “thạp” hay “khạp”. Xung quanh thân lọ, nửa dưới là những hoa văn, phần trên là những hình thù nửa thú, nửa người, trông rất kỳ quái.
Mười ba cái lọ còn lại, cùng một kích cở, cao khoảng ba tấc. Dưới chân thật nhỏ, rồi phình ra lớn hơn khi lên cao. Chỗ phình cao nhất khoảng hai phần ba từ chân lọ. Phần trên cùng hơi túm lại, nhưng vẫn lớn hơn phần đáy.
Lọ không có hình thù quái gở, những ngược lại là một màu đỏ sẫm, trên khắc những hoa văn tỉ mỉ. Tất cả đều có nắp đậy và dán kín. Không ai biết bên trong lọ có gì. Ông Cố tôi cho trình lên viên sĩ quan người Pháp. Lúc đó, viên sĩ quan này đang trên đường từ Phan Thiết ra. Ba ngày sau, y mới được dịp chiêm ngưỡng những chiếc lọ cổ quái này.
Tối hôm đó, vị sĩ quan cho người mở ra. Có hai người Việt được chứng kiến, người thông dịch và ông Cố tôi. Bắt đầu từ cái lọ nhỏ. Thoạt đầu, không làm sao mở được cái nắp lọ. Một chất keo đặt biệt đã dán kín, không một khe hở.
Vị quan người Pháp được cố vấn là nên nung nó lên, rồi mới mở, nhưng cũng không thành công. Sau đó, vì nóng lòng, chiếc lọ bị đập bể trên miệng. Bên trong chẳng có gì, ngoại trừ một ít tro xam xám. Cái thứ hai cũng thế. Cái thứ ba cũng thế.
Viên sĩ quan Pháp ra hiệu ngừng. Đến lượt chiếc lọ lớn, hai tay cầm hai đầu, y giơ lên rồi rung nhè nhẹ. Bên trong dường như có tiếng gì khua động, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, cũng không cách nào mở được nắp lọ. Vị quan Pháp cho dừng tay và sai thủ hạ tìm cách khoang miệng lọ. Khi miệng lọ được mở ra, hai miếng da dày, màu xám đen, chồng lên nhau, cuốn tròn lại. Ngoài ra không còn một thứ gì khác.
Mọi người đều ngạc nhiên, nhất là viên sĩ quan Pháp. Ông cầm lên ngắm nghía rồi trải hai miếng da thú lên bàn. Mỗi miếng da có chiều dài khoảng gần 1 thước, chiều ngang khoảng 3 tấc. Khó đoán biết được là da dê hay da trâu. Miếng da thứ nhất có nhiều hàng chữ nhỏ dọc ngang. Miếng thứ hai, vẽ những hình thù quái gở. Những hình người nam cụt đầu, những hình người nữ không lành lặn. Đằng sau miếng da thứ hai như có dấu triện, màu đỏ, và bốn con số viết rời nhau.
Tất cả nhìn nhau, im lặng. Viên quan Pháp hỏi ông Cố tôi về ý nghĩa của hai tấm da này, vì biết ông Cố tôi thạo chữ nho. Ông Cố tôi lắc đầu. Đó không phải là tuồng chữ nho. Tuy nhiên, trong ông, bừng lên một ý nghĩ. Đó là chữ của người Chăm Pa. Và ông trình bày ý nghĩ của mình. Muốn hiểu, phải tìm cho bằng được những người còn đọc được lối chữ cổ này. Và sau đêm đó, ông Cố tôi xuôi Nam, mang một sứ mệnh quan trọng trong đời.
Những hình nhân kỳ dị không thể là những điềm lành. Biết, nhưng vẫn phải đi. Tôi và bốn người tùy tùng lên ngựa ngay sáng hôm sau, ngược về hướng Phan Rang. Một người mang chiếc bao dày trên lưng, bên trong chứa hai miếng da kỳ dị. Ba người còn lại mang lương thực. Tôi như một người trưởng nhóm. Đi, nhưng trong lòng không chút hy vọng.
Ngay ở ngày thứ hai, một chuyện lạ đã xảy ra. Người mang hai tấm da đột nhiên ngã quỵ sau khi nghĩ trưa. Anh ôm bụng, mặt mày tái ngắt. Một hồi sau, anh ngưng thở. Sự việc xảy ra quá nhanh, mà không ai trong đoàn biết lý do tại sao và phải làm gì. Chúng tôi chôn anh ta lại, và chiếc bao được giao lại cho một người khác trước khi tiếp tục lên đường.
Chúng tôi đến Phan Rang vào một buổi chiều mưa buồn bã. Mưa rã rích suốt đêm. Sáng hôm sau, vào chợ, gặng hỏi nhiều người. Hầu như ai cũng lắc đầu, không hiểu. Có người chỉ cho chúng tôi đi về những khu xa vắng khác, dò tìm. Chúng tôi đi xa hơn về phía Nam. Lòng vẫn còn mang một chút hy vọng.
Qua nhiều ngày tìm kiếm, hỏi thăm, vô vọng, lại một việc kỳ lạ khác xảy ra. Người mang hai miếng da đó, bị tiêu chảy. Chúng tôi kiếm những người thầy thuốc trong khu vực gần đó, vẫn không chữa nỗi. Anh ta ra đi mà đôi mắt còn trợn lên một màu trắng dã. Hai người còn lại, không ai dám mang hai miếng da này. Ba chúng tôi đều nghĩ, những chuyện xui xẻo, chắc phải đến từ hai miếng da này.
Tối hôm đó, cả ba nhìn chiếc bao đựng hai miếng da mà ngán ngẩm. Ai cũng mang trong lòng những ý nghĩ riêng tư nhưng không nói ra. Tôi quyết định mang hai miếng da này, dù gì mình cũng là trưởng đoàn. Tôi khấn vái thiên địa, thánh thần cùng linh hồn những người đã khuất rằng: chúng tôi chỉ phụng mệnh đi tìm ý nghĩa những gì ghi lại trên hai miêng da này mà thôi.
Chúng tôi không có một ý nghĩ gì xấu cả. Xin thiên, địa, thánh thần phù hộ cho chúng tôi được bình an, tai qua nạn khỏi, mà trở về với gia đình. Chúng tôi sẽ cúng tạ trời đất khi an toàn trở về. Vẫn tiếp tục dò hỏi. Vẫn vô vọng. Lương thực cạn dần. Hy vọng đã lùi xa. Chắc phải quay về. Về? làm sao ăn nói với viên sĩ quan?
Sáng hôm cuối cùng, trước khi trở về, chúng tôi chậm chạp trở ra con đường lớn. Bất ngờ, gặp một bà lão, người khô khốc như một thanh củi đang ngược hướng chúng tôi. Điều ngạc nhiên là khi bà cụ chận chúng tôi lại và hỏi rằng: có phải chúng tôi từ xa đến và đang đi tìm một cái gì đó phải không? Tôi thuật lại cho bà cụ nghe đầu đuôi câu chuyện. Bà nhìn cả ba, rồi nhìn tôi kỷ hơn. Sau đó bảo ba chúng tôi đi theo bà.
Bà dẫn chúng tôi qua một đoạn đường khá xa, dẫn tới một quả đồi nhỏ. Trên đồi là một nóc nhà cũ kỹ và có phần xiêu vẹo. Chúng tôi được bảo ngồi chờ phía trước sân. Bà lão đi ra sau, thì thầm chuyện gì đó với ai, khá lâu. Một lúc sau, một người đàn ông già, nhỏ thó, chòm râu bạc trắng, dài ngang tận bụng đi lên. Ông cụ gọi chúng tôi ra sau, mời chúng tôi ngồi xuống những hòn đá được kê làm ghế, dưới một tàn cây. Tôi tháo chiếc bao, lấy hai miếng da ra. Ông cụ nhìn ngang, thất sắc. Một hồi sau, định thần, ông cụ bắt đầu kể…
Tôi cũng không biết chi tiết những dòng chữ nhảy múa này. Ông chỉ vào tấm da thứ nhất. Rồi tiếp. Nhưng ý nghĩa của nó và những hình thù trong tấm da kia, thì tôi hiểu. Bộ tộc chúng tôi khi nhìn vào hình ảnh vẽ trên miếng da đó, hiểu được người vẽ muốn nói gì. Còn tấm da có viết chữ…
Ông lão như nghẹn lời. Đôi mắt buồn hiu, như muốn khóc. Trời đứng gió. Ai nấy nhễ nhại mồ hôi. Nhìn xa xa, những đồi cát như bốc lên từng đợt, từng đợt lửa, muốn thiêu đốt cả một vùng rộng lớn. Ông già đưa tay quệt mồ hôi rồi kể tiếp…
Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi sống với Thầy tôi, khi còn nhỏ lắm. Thầy tôi không dạy tôi những chữ cổ này. Ông dạy tôi, thứ chữ mới mà người ta đang dùng bây giờ. Tôi học được nhiều điều ở thầy, từ việc thờ phượng, cúng bái, đến việc ăn ở; từ chuyện lịch sử hưng thịnh đến sự suy vong của Chăm Pa nói chung và của bộ tộc tôi nói riêng.
Khi tôi khôn lớn, thầy bảo: nếu một mai ông mất, hãy đem tất cả gia sản trong cái hòm gỗ mà đốt đi với ông. Tôi cúi đầu vâng dạ. Tôi cũng không hỏi Thầy là trong đó có chứa đựng những gì.
Chúng tôi ngồi im lặng, nhưng cảm nhận được dường như ông già đang nấc lên theo từng hơi thở.
Sau đó vài hôm, Thầy tôi bảo: trong cái hòm gỗ đó, không có tài sản gì quí giá về tiền bạc, nhưng nó chứa đựng mồ hôi, nước mắt và máu của dòng họ ông. Đó là những bộ da thú, ghi chép về gia phả của Thầy. Một gia phả đẫm máu. Những người đi trước muốn ông phải trả thù. Nhưng vì biết mình là hậu duệ cuối cùng và không làm được, nên ông muốn đốt đi những tấm da thú ghi lại những máu và nước mắt ấy.
Thầy tôi dạy rằng: hơn hai trăm năm mươi năm trước, giặc phương Bắc đã đánh vào tận nơi này. Vua của chúng tôi vì thế yếu, đầu hàng và đồng ý dâng đất để cầu hòa. Trước khi rút lui, nhiều phần thành quách bị đập phá. Những vị tướng lãnh và thuộc hạ của họ, dù đã qui hàng vẫn bị đưa lên ngọn đầu đài. Chỉ riêng gia tộc ông có tất cả 14 người bị chém cùng một kiểu, một dao lìa đầu. Người phương Bắc nói rằng: chém để làm gương!
Ngày mà họ bị đưa lên ngọn đầu đài là một ngày đen tối trong lịch sử Chăm Pa. Sau đó, rất nhiều thanh niên bị bắt làm nô lệ. Nhiều phụ nữ bị hành hạ, bị bắt đi làm những kẻ hầu. Sử sách người Chăm Pa có ghi chép, số người bị chết trong trận chiến, bị chém sau khi qui hàng, bị bắt đi làm nô lệ, không dưới nửa vạn. Tiếng khóc than oán hờn dậy đất.
Nước mắt ông lão trào ra theo từng lời kể, cùng với mồ hôi, chảy xuống thành từng dòng. Ba chúng tôi cũng không cầm được nước mắt.
Trước khi sứ thần chính thức mang lệnh Vua dâng đất cho giặc phương Bắc, vị Vua của chúng tôi đã cho người chuẩn bị rất kỷ càng. Vua sai người viết một lời nguyền trên một tấm da thú. Tấm thứ hai vẽ lại những cảnh chém đầu mà giặc phương Bắc gây nên cùng những cảnh phụ nữ bị làm nhục, làm nô lệ. Đây chính là hai miếng da lịch sử mà thầy tôi kể lại vào những ngày cuối đời. Người viết lời nguyền này là một vị pháp sư nổi tiếng cả nước lúc bấy giờ.
Thầy đã dạy rằng: tấm da thú ghi lại lời nguyền được chôn ở một nơi hẻo lánh. Để xuôi về phương Nam, người ta phải bước qua nó. Vị Vua của chúng tôi hiểu rằng mình đang trong thế yếu. Trước sau, đất đai này, bá tánh này cũng sẽ rơi vào tay giặc. Vì thế, lời nguyền có chủ ý mong người phương Bắc đối đãi tử tế với bá tánh chúng tôi.
Tôi không nhớ chính xác từng chữ. Đại ý, lời nguyền nói rằng: mai này, khi bất cứ ai vượt qua lời nguyền để xuôi về Nam, người đó phải có một tấm lòng rộng mở, phải sống tử tế với người khác.
Là Dân thường, sau khi bước qua lời nguyền này, mà lòng của họ còn mang những dã tâm, thì chính bản thân hay người thân sẽ bị bao nhiêu điều xấu xảy ra, có khi phải bỏ xác nơi đèo heo gió hút này.
Là Quan, sau khi bước qua lời nguyền, xuôi về Miền Nam, thì phải có một tấm lòng bao dung nhân hậu, mới mong giữ được hòa thuận trong bá tánh, mới giảm được máu và nước mắt của dân tình. Nếu làm trái lại, dòng họ hay bá tánh dưới sự cai quản tàn ác của người này phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc trùng trùng.
Là Vương, sau khi bước qua lời nguyền này để xuôi Nam, lòng Vương phải như trời biển, thương dân như thương con, đối với kẻ cựu thù như đối với trăm họ của chính mình, cứu vớt những người cùng khổ bất chấp họ là ai; phải mang lại cơm no áo ấm cho người người, thì mới mong xã tắc vững bền, giang san mới hưng thịnh.
Ngược lại, là Vương mà lòng dạ hiểm độc, coi bá tánh như ngọn cỏ, xem kẻ cựu thù như loài thú, trong lòng chỉ nghĩ đến hận thù, thì muôn đời, lời nguyền vẫn còn đó. Máu của bá tánh không bao giờ ngưng chảy. Máu sẽ chảy dài từ nơi này đến bất cứ nơi nào mà có dấu chân của người hiểm độc đứng đầu xã tắc đã bước qua. Và chính gia đình hay hậu duệ của Vương, phải gánh lấy những điều tệ hại nhất… Trong bá tánh, ai có lỡ tay, đào thấy lời nguyền, phải chôn ngay lại tức khắc, nếu không, hậu quả sẽ không lường…
Sau đó, nhà vua cho làm một buổi lễ tế thần linh. Trong buổi lễ đó, hai tấm da được đặt vào trong cái lọ lớn. Vị Pháp sư cho rằng: phải có người theo giữ lời nguyền này, thì lời nguyền mới mãi được linh thiêng. Nhà vua nghe theo và lựa chọn 13 dũng sĩ dám hy sinh vì bá tánh. Nhà Vua bảo đảm bổng lộc cho gia đình họ đến suốt đời.
Hôm đó, trời nóng như thiêu đốt. Đến gần giữa ngọ, khi vị pháp sư tụng niệm những điều bí ẩn vừa chấm dứt, những hồi trống rền rã gióng lên, 13 dũng sĩ chuẩn bị bước lên giàn thiêu, thì gió ở đâu bỗng nổi lên ào ạt. Cờ, phướn bay phần phật như muôn ngàn âm binh đang lũ lượt kéo về.
Những hồi trống chấm dứt, gió mới ngưng. Vạn vật như im lặng. Mười ba dũng sĩ, từng người, từng người bước lên giàn thiêu. Đó đây, tiếng thút thít của các người thân, cùng những người tham dự, nhỏ nước mắt cho những người hy sinh vì đại nghĩa.
Khi họ bước lên giàn thiêu, cả 13 người cùng đứng trong thế tấn, nhìn xuống cả quảng trường rộng với một sự bình thản lạ lùng. Một viên quan đọc những lời châu ngọc của Vua, ca tụng lòng hy sinh của họ cho bá tánh. Rồi lửa bốc lên, bốc lên. Tiếng khóc đó đây trong đám đông càng lúc càng lớn. Lửa hận thù. Lửa hy sinh, Lửa cứu độ…
Xác thân còn lại của họ được bỏ trong 13 cái lọ nhỏ. Lời nguyền cùng tro bụi của 13 người dũng sĩ, sau đó, được chôn tại phía bắc của một ngọn đèo. Sau đó, Vua mới sai người mang lệnh Vua đi về phương Bắc, lòng đau đớn cắt đất tiền nhân dâng cho cường địch, để nhận lấy sự an bình trong giai đoạn nhất thời…
Ông già người Chăm, nước mắt rưng rưng sau khi kể xong: Những tranh giành lịch sử, dù thành công hay thất bại, luôn luôn nhuốm máu của bá tánh.
Trong lúc ông Cố tôi mãi mê đi tìm ý nghĩa của hai mảnh da đó, thì viên sĩ quan người Pháp, nhận được điện tín từ Pháp quốc, cho biết vợ ông bịnh nặng. Công việc chăm coi mở đường, giao lại cho người sĩ quan mới. Khi ông Cố tôi về, trình bày tường tận chuyến đi, cùng những lời giải thích của ông già người Chăm, viên sĩ quan mới lắc đầu.
Trong đầu y nối kết những tai họa vừa xảy ra, và nhanh nhẩu bảo rằng y không muốn nhìn nó nữa. Hãy chôn lại, theo như lời ông già người Chăm đã nói. Ngay sáng hôm sau, ông Cố tôi cho người chôn lời nguyền cùng 13 cái lọ nhỏ trở xuống, tại một nơi nào đó trên đỉnh đèo Rù Rì. Sau đó, ông xin được nghỉ việc, trở về nhà, cúng tạ trời đất, thần linh như đã hứa và tiếp tục công việc của ông, công việc của một thầy giáo làng cho đến cuối đời.
Sau khi biết được lời nguyền đó, tôi đi tìm những dấu tích lịch sử theo lời ông già người Chăm đã kể. Tôi tìm được một chút đầu mối liên quan. Sử sách cho biết, năm Mậu Tý (1648), khiChúa Nguyễn Phúc Lan đột ngột qua đời, Nguyễn Phúc Tần lên ngôi ở tuổi 29, thường được gọi là Hiền vương.
Năm 1653, Hiền Vương, sai quan cai cơ Hùng Lộc đem quân vượt đèo vượt núi Thạch Bi (đèo Cả), đánh Chăm Pa. Lực lượng mạnh, cộng thêm yếu tố bất ngờ, Hùng Lộc đã đánh đến tận Phan Rang. Vua Chiêm đại bại dâng thư xin hàng và cắt châu Kaut Hara của Chiêm Thành từ sông Phan Rang ra đến Đèo Cả dâng cho.
Chúa Nguyễn đặt dinh Thái Khang với 2 phủ, 5 huyện. Hai phủ là Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh). Năm huyện là Phước Điền, Hòa Châu, Vĩnh Xương thuộc phủ Diên Ninh; Tân Định, Quảng Phước thuộc phủ Thái Khang. Hùng Lộc được cử làm Thái Thú cai trị 2 phủ, dinh đóng tại Thái Khang tức Ninh Hòa bây giờ. Đây cũng là thời điểm Chăm Pa nộp cống xưng thần với các chúa Nguyễn.
Tuy vậy, sự trả thù vẫn luôn luôn là một nỗi niềm thao thức của các vì vua Chăm Pa. Gần 40 năm sau, năm 1692, Chúa Chăm, tên Bà Tranh, đã tấn công vào phủ Diên Ninh và dinh Thái Khang, nhằm chiếm lại núi sông đã cắt dâng từ thuở trước.
Cuộc tấn công này đã thất bại. Quân Chăm bị tướng Nguyễn Hữu Cảnh đánh tan tác vào năm 1693. Chúa Nguyễn đổi tên Chăm Pa thành Thuận Thành Trấn, sau đó đổi Thuận Thành Trấn thành Bình Thuận Phủ.
Sau này, tôi hỏi Ba: Vậy chứ lời nguyền ấy, được ông Cố chôn tại địa điểm nào trên đèo Rù Rì? Ba bảo rằng, gia phả không ghi lại đích xác. Chỉ biết, trước khi ông Cố mất, có bảo chôn trên đỉnh đèo, ngọn núi cao nhất, ở phía tây, dưới chân cây cổ thụ già, cách đỉnh khoảng 15-20 thước.
Thời gian đã bào mòn tất cả. Bây giờ, trên ngọn đèo Rù Rì không còn một cây cổ thụ nào cả. Tuy vậy, tôi không suy nghĩ nhiều về địa điểm chôn giấu lời nguyền, mà lại bị ám ảnh về một đoạn trong lời nguyền: “Là Dân… Là Quan… Là Vương…”.
*** Suy nghĩ lại, tôi thấy lời nguyền không cay độc như lần đầu mình được nghe. Nó chỉ cay độc và thảm khốc, khi “bất cứ ai sau khi vượt qua nó, xuôi về Miền Nam”, mà không biết sống tử tế, nhân hậu và đạo đức với đời, với người. Bao nhiêu năm rồi, lời của ông già Chăm, nói với ông Cố tôi, được ghi lại trong gia phả, luôn luôn đeo đuổi tôi: Những tranh giành quyền lực trong lịch sử, dù thành công hay thất bại, luôn luôn nhuốm máu của bá tánh.
Hy vọng, sau khi viết ra những dòng chữ này, tôi sẽ thoát khỏi giấc mơ hãi hùng đó và máu sẽ thôi chảy trên ngọn đèo Rù Rì này.
(Sài Gòn trong tôi/ Đoàn Nhã Văn)
——
From Facebooker Brian Vũ