LOẠN VÌ BẤT CHẤP LUẬT PHÁP (Ngô Nhân Dụng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

            Image result for Co giao danh hoc tro

Em Đỗ Tuấn Lâm, học sinh lớp 4 ở huyện Thường Tín, Hà Nội, chửi nhau với bạn, bị cô giáo phạt, cho 42 bạn cùng lớp tát vào mặt, kêu khóc cũng không tha. Hình ảnh được truyền nhanh trên mạng khiến cô giáo bị cho nghỉ. Bà hiệu trưởng nói rằng cô giáo vốn dạy giỏi, cả lớp cô dậy đều là học sinh xuất sắc! Các công dân mạng đều trách cô giáo, và cả nền giáo dục ở Việt Nam. Nhưng tại sao một cô giáo giỏi lại đối xử tàn nhẫn như vậy, với một học sinh mồ côi và lâu nay vẫn bị bạn cùng lớp bắt nạt?
Trách tội cô giáo và những người bạn của em Lâm là đúng. Nhưng nên biết chính họ cũng là nạn nhân đáng thương. Một học sinh chửi mắng thô lỗ, cô giáo đã “thi hành kỷ luật” theo đúng bổn phận của mình. Thi hành cách nào? Cô chỉ việc bắt chước những cảnh chung quanh mình. Cô giáo biết ở nước ta những người có quyền là nắm toàn quyền. Cô giáo đã thấy cảnh sát lưu thông vẫn tát tai người lái xe, có khi đánh người ta ngã quỵ xuống đường, chỉ vì những tội nho nhỏ như xe thiếu bảng số, hay quên đội nón an toàn. Cô sống trong một xã hội những người nắm quyền tự mình đặt ra luật lệ, người dưới chỉ có việc tuân theo. Cô không bao giờ biết rằng ở nước khác, cảnh sát chỉ có quyền biên phạt người vi phạm luật lưu thông, chứ không được đụng tới thân thể người ta! Trước khi hỏi giấy tờ, cảnh sát còn phải chào người tình nghi phạm luật.
Mới tháng trước, một người dân ở xã Sông Nhạn, tỉnh Đồng Nai đang chạy xe máy, bất ngờ một nhóm dân phòng và công an xã lao ra chặn xe dù anh vẫn theo đúng luật đi đường. Vòi tiền không được, bọn chúng giật chìa khóa xe mang đi, bỏ mặc anh Nguyễn Trường Hải, 36 tuổi, giữa đêm khuya đứng ngoài đường, cách nhà 10 cây số. Cả một “xã hội loạn” đã ảnh hưởng trên hành vi và thái độ của cô giáo cũng như các học sinh.
Các em học sinh xúm lại tát tai bạn cũng chỉ là nạn nhân của xã hội hỗn loạn. Các em đã chứng kiến cảnh con người đối đãi với nhau thế nào, cho nên bắt chước. Những bà con nông dân đi kêu oan vì mất đất, mất ruộng, đã bị công an ném lựu đạn cay rồi đánh, đấm túi bụi. Cả một làng xúm đánh mấy người bắt trộm chó, đánh chết không tha! Các toán côn đồ giành giật cũng đánh nhau không khác gì công an đánh người. Người bị công an tra tấn, hành hạ đến chết trở thành một truyện dài nhiều tập không bao giờ ngưng. Năm ngoái, Bộ Công An báo cáo với Quốc Hội từ năm 2011 đến 2014, có “226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý.” Tại sao người ta mắc bệnh không cho đi nhà thương mà lại giam đến chết không tha? Tại sao có người lại chọn đồn công an làm nơi tự sát?
Các học sinh ở Thường Tín, Hà Nội, chắc phải được nghe chuyện ông Nguyễn Cao Tấn, 45 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Phúc, không xa. Ông Tấn được mời đến trụ sở công an “làm việc,” về nhà thì trên người đầy vết bầm tím. Sáng ngày 28/10/2016, người nhà vào phòng gọi thì thấy ông Tấn đã ngừng thở, thân hình cứng lạnh. Mới ngày 28 tháng 12 vừa rồi, ông Nguyễn Quốc Toản, 36 tuổi, bị bắt tạm giam ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, tới buổi chiều cũng “lấy quần dài làm dây treo cổ tự tử.”
Các em học sinh chắc phải biết tin hàng trăm con nghiện tại Trung tâm Cai nghiện Đồng Nai vào lúc nửa đêm đã phá cửa, tràn ra Quốc lộ 1, tay cầm gậy gộc chặn xe xin tiền, đập phá, giật điện thoại, cướp thức ăn. Căn trại này chỉ có chỗ chứa 600 người, nhưng đã giam giữ 1,500 người khi vụ nổi loạn xẩy ra.
Côn đồ làm loạn, người ghiền bị nhốt làm loạn, công an làm loạn thường xuyên. Dân Việt Nam không còn tôn trọng luật pháp nữa. Vì người ta thấy những kẻ nắm quyền coi thường luật pháp. Họ thấy luật pháp là do bọn cường quyền đặt ra để bảo vệ quyền lợi và tài sản của chúng nó! Cái gì dân còn giữ được thì cố mà giữ. Cái gì chúng nó cướp rồi thì đi biểu tình đến chết cũng khó đòi được. Tất cả công sản quốc gia chúng độc quyền thao túng, khai thác, bán lấy tiền bỏ túi. Khái niệm “của công” đã biến mất!
Cho nên mới hôm qua, 30 tháng 12 năm 2016, người dân xã Triệu Nguyên, huyện Đăkrông, Quảng Trị, đã mang cưa máy, dao rựa vào chặt phá những khu rừng thuộc loại được bảo vệ, chưa được đốn. Một người dân địa phương nói, “Việc phát rừng diễn ra ngang nhiên đã nhiều năm nay, nhưng không thấy nhà chức trách ngăn chặn.” Khi người cầm quyền không còn tôn trọng pháp luật, người dân đã tự làm lấy luật theo ý họ!
Một tháng trước đây, tại huyện Di Linh, nhiều chiếc xe khách, xe tải trên quốc lộ 20 bị ném đá làm vỡ kính, hành khách bị thương và lưu thông gián đoạn. Hung thủ là hai thanh niên đi xe máy, họ đeo ba lô chứa đựng đá, để tấn công xe cộ! Tại sao hai anh này đi phá làng phá xóm như vậy? Họ nổi loạn chống cái gì? Chắc họ chỉ muốn chứng minh rằng: Xã hội loạn rồi! Ai muốn làm gì thì cứ làm đi!
Chúng ta biết rằng xã hội hỗn loạn này là do chế độ độc tài toàn trị gây ra. Nhưng cái gì trong chế độ cộng sản là động cơ chính đưa tới tình trạng này? Đó là quan niệm và thái độ khinh thường pháp luật của các lãnh tụ cộng sản, từ Stalin, Mao đến Hồ Chí Minh và đám con cháu. Đối với các lãnh tụ cộng sản, chính trị quyết định tất cả. Chính trị làm chủ, đứng trên cả luật pháp lẫn đạo đức. Con người cộng sản gương mẫu là một người “chính trị tốt,” nghĩa là chỉ biết vâng theo lệnh đảng, không tự mình suy nghĩ và phán đoán. Một người dân tốt là người chỉ tuân lệnh, cán bộ bảo sao là làm như thế.
Cho nên trong chế độ cộng sản họ không cần trường đại học luật khoa, không cần huấn luyện các luật sư. Tòa án nhân dân do các bần cố nông đứng ra, vừa kết tội, vừa tuyên án, vừa thi hành bản án.
Khi một nhóm người cướp chính quyền rồi tự phong cho họ độc quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội” theo điều 4 hiến pháp, thì họ bất chấp luật pháp. Ai nắm quyền trong tay thì tự mình làm ra luật, phán xử mọi người khác theo ý mình, và thi hành luật của họ với người khác tùy thích. Các lãnh tụ cao nhất bắt đầu nêu gương xấu cho đám tay chân thủ hạ, bệnh lan truyền từ trên xuống dưới, dần dần ảnh hưởng trên tất cả mọi người; ngoài đường, trong xóm là các chú công an, trong nhà thương là bác sĩ, y tá, trong trường họ là các cô giáo, truyền tới cả học sinh. Cứ như vậy, xã hội thành loạn.
Mạnh Tử đã liệt kê các hiện tượng cho thấy một chế độ khó đứng vững: “Khi người trên không dựa vào đạo lý, kẻ dưới không theo luật pháp, trong triều vi phạm lễ nghĩa, các công chức không tin chế độ, người quân tử không giữ nghĩa, kẻ tiểu nhân phạm hình luật.” Ông kết luận: “Một nước như vậy mà tồn tại là điều hiếm có.” (Thượng vô đạo quỹ dã, hạ vô pháp thủ dã, triều bất tín đạo, công bất tín độ, quân tử phạm nghĩa, tiểu nhân phạm hình, quốc chi sở tồn giả, hạnh dã). [上無道揆也,下無法守也,朝不信道,工不信度,
君子犯義,小人犯刑,國之所存者幸.]
Nhiều người lo cho nếp sống đạo lý ở nước ta. Nhưng chỉ một quốc gia sống có pháp luật mới có cơ hội phục hồi đạo lý.
Nhiều người đang lo lắng cho nếp sống đạo lý ở nước ta; không biết làm sao khôi phục được. Nhưng một quốc gia phải sống có pháp luật thì mới tạo cơ hội cho việc phục hồi đạo lý. Khi chế độ cộng sản sụp đổ, việc đầu tiên người Việt Nam cần làm là tái lập tinh thần tôn trọng pháp luật. Muốn vậy, chính những người ở địa vị cao nhất phải làm gương tôn trọng luật pháp; truyền xuống đến cả guồng máy hành chánh, quân đội, cảnh sát, vân vân. Cứ như vậy, mới hy vọng người dân bình thường cũng tôn trọng luật lệ. Các cô giáo, thầy giáo sẽ suy nghĩ trước khi phạt học sinh: Lỗi lầm em mới phạm là thuộc loại tội nào, có bao nhiêu cấp nặng nhẹ trong tội đó, mỗi cấp được phép trừng phạt thế nào, vân vân. Chắc chắn sẽ không có cô giáo nào hô hào cả lớp “đánh hội đồng” một bạn học cùng với mình!
Ngô Nhân Dụng