LÍNH NGHĨ GÌ ? NGƯỜI LÍNH VNCH TRONG DÒNG NHẠC LAM PHƯƠNG (Văn Phan/NguoiViet)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

SANTA ANA, California (NV) – Nhạc sĩ Lam Phương là một trong số các nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam hồi trước 1975, như Trần Thiện Thanh, Anh Bằng, Trúc Phương, Anh Thy, Nguyên Vũ, Hoàng Thi Thơ… có nhiều bản nhạc viết về người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa.

Nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Trần Triết)

Trong khi nhạc Trần Thiện Thanh nổi tiếng vì các ca khúc vinh danh những anh hùng đã bỏ mình trong cuộc chiến (Anh Không Chết Đâu Anh, Người Ở Lại Charlie, Bắc Đẩu, Người Chết Trở Về…) và nhạc của Anh Thy cũng như Nguyên Vũ thì viết về tình yêu lã lướt giữa các chiến sĩ Hải Quân với những người em gái hậu phương (Hoa Biển, Tâm Tình Người Lính Thủy, Vùng Biển Trời Và Màu Áo Em, Thoáng Giấc Mơ Qua…), thì nhạc của Lam Phương thường nói đến những hy sinh, gian khổ nơi sa trường cùng với tình yêu đôi lứa của những người lính phải xa nhà, xa người yêu vì cuộc chiến.

Người chiến sĩ Cộng Hòa trong dòng nhạc của Lam Phương có thể là một anh tân binh quân dịch, tuy bước chân vào lính nhưng lòng vừa nặng nợ núi sông mà cũng vừa nặng tình với người yêu bé nhỏ nơi quê nhà, chỉ vì nàng chẳng màng chuyện kén chọn nơi giàu sang để trao thân, gởi phận mà chỉ cần người yêu của mình biết làm tròn bổn phận người trai mùa tao loạn, hăng hái lên đường tòng quân để bảo vệ quê hương đang bị Cộng Sản xâm lược là được rồi:

“Đời thường tìm sang giàu đến
Lòng này thì khác người ơi
Ước thề hứa duyên cho người
Cầm cây súng tòng quân tươi cười…”
(Bức Tâm Thư)

Người lính miền Nam Việt Nam đã tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu của nền Cộng Hòa khi Hiệp Định Geneva 1954 phân chia nước Việt Nam thống nhất thành miền Bắc Cộng Sản và miền Nam Tự Do, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Ngày đó, các cán binh Cộng Sản vẫn còn được cài đặt lại để chờ ngày nổi dậy chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là tại vùng Đồng Tháp Mười và Cà Mau, nơi người lính chiến phải luôn vững tay súng để bảo vệ an ninh thôn xóm và cuộc sống yên lành cho người dân:

“Khi người lính chiến đã đấu tranh giữ hòa bình cho Đồng Tháp, Cà Mau
Ta người nông thôn quên sương gió, góp gian lao cho được mùa mong cầu…”
(Nắng Đẹp Miền Nam)

Đã chọn đời lính thì có nghĩa là chấp nhận mọi gian khổ, hiểm nguy. Và nếu chưa có người yêu nơi hậu phương thì người lính cũng có những mất mát tình cảm khi phải xa cách bạn bè thân yêu thuở thiếu thời, với bao mộng ước về tương lai:

“Rồi ngày mai ra đi, chốn biên thùy anh sá chi gian nguy
Có bao giờ anh nhớ chăng đêm nào nằm gần nhau
Hồn say mộng ước mai sau…”
(Tình Anh Lính Chiến)

Hình bìa nhạc phẩm “Biết Đến Bao Giờ” của Lam Phương xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. (Hình: Tài liệu gia đình)

Người lính trong nhạc của Lam Phương bằng lòng chấp nhận những gian khổ, hiểm nguy chỉ vì lòng yêu quê hương, đất nước, mặc dù chàng vẫn tự nhủ lòng rằng sẽ yêu em cho đến trọn đời:

“Anh chốn biên thùy, đường hành quân gian nguy
Gió sương không nề vì tình dâng quê hương…”
(Thương Nhau Trọn Đời)

Chàng trai lính chiến trong nhạc của Lam Phương thường tìm cách an ủi người yêu khi xa cách, với niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng:

“Em ơi anh đi vì nước non mình đợi chờ
Muôn quân đang reo lửa khói tung ngập màu cờ
Thân trai ra đi vì nước đôi vai gánh nặng
Buồn chi cách xa vì ngày vui sẽ không xa…”
(Buồn Chi Em Ơi)

Đã làm thân lính chiến thì những cách ngăn là điều không thể nào tránh khỏi trong tình yêu đôi lứa, bởi vì lúc quê hương có chiến tranh chính là “lúc non sông cần trai hung:”

“Khi chiến tranh còn gây thêm máu lửa
Thì mộng mơ xin trả hết cho đời
Quê hương này còn mãi mãi nhờ anh…”
(Đêm Tiền Đồn)

Tuy nhiên, nói gì thì nói, người lính chiến cũng không tránh khỏi nỗi buồn trĩu nặng trong tâm tư vì nhớ nhung người yêu nơi quê nhà xa xôi ấy, nhất là vào những đêm dài ngồi ôm súng ngăn giặc thù nơi rừng sâu, núi thắm. Và phải chi ngày nào anh chiến sĩ đừng hẹn hò, yêu đương với người em gái hậu phương thì ngày nay có đâu buồn đau:

“Nếu hôm xưa không đến tìm em với muôn lời nồng say
Thì giờ trong bóng đêm, tình đâu vấn vương và biết tìm ai nhớ thương
Đêm nay gối súng viết lên dòng thơ gởi em…”
(Đêm Dài Chiến Tuyến)

Nhạc phẩm “Biết Đến Bao Giờ” của Lam Phương xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. (Hình: Tài liệu gia đình)

Dường như những lúc chiều buông chính là những giây phút người chiến sĩ hay nhớ về người yêu nghìn trùng xa cách giữa khi đất nước còn chinh chiến, điêu linh:

“Có những chiều mưa buồn giăng giăng khắp lối
Có những chiều giá lạnh tím cả hoàng hôn…
Tôi đây mang tâm tư anh lính xa nhà
Mà lòng vẫn thấy xót xa, vì non nước còn đau buồn…”
(Chiều Hoang Vắng)

Dù năm tháng cứ trôi qua với bao mùa Thu lá đổ, người lính chiến miệt mài nơi rừng sâu, núi thẳm vẫn một lòng chung thủy với người tình bé nhỏ miền xa, với biết bao niềm nhung nhớ khi vơi, khi đầy. Đáp lại, người em gái chốn quê nhà lúc nào cũng nhớ đến chàng trai lính chiến đang dãi dầu sương gió nơi sa trường, với lòng hoài vọng một ngày mai sum vầy bên túp lều tranh lý tưởng:

“Chiều nào lặng lẽ nhớ người trai đi chiến chinh
Lời thề hôm nao không nhạt phai theo tháng năm
Một mảnh trăng Thu một mối tình
Trọn đời êm ấm cùng mái tranh…”
(Mấy Độ Thu Về)

Người con gái ấy luôn nhớ tới người trai nơi chiến trường, nhất là những buổi chiều sương xuống lạnh, lòng băn khoăn tự hỏi không biết người tình ngoài biên cương có chạnh nhớ đến mình hay không, để rồi lòng nguyện lòng sẽ chung tay, góp sức với người yêu lính chiến để cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước thêm tươi đẹp mai sau:

“Anh ơi, chiều nay sương xuống lạnh
Sa trường, anh có nhớ em không?
Rồi đây, bên chí trai tang bồng
Em đem chút má hồng
Để cùng xây đắp non sông…”
(Mộng Ước)

Nếu người lính chiến trong nhạc phẩm “Anh Về Với Em” của Trần Thiện Thanh đã an ủi người yêu trước cảnh lứa đôi chia lìa bằng câu “Làm người yêu lính chiến mấy ai tròn đôi” thì người chiến binh trong ca khúc “Biết Đến Bao Giờ” của Lam Phương đành lòng chấp nhận “cuộc đời chỉ ân ái với cánh thư hồng ấp yêu,” nếu không thì cũng phải “chờ đến Xuân về chiều:”

“Rừng là rừng chập chùng, giá lạnh trai chiến trường
Đêm nay xa quê hương, xa lìa tiếng nói người thương
Ngày anh lên đường chiến đấu, hoa lòng đã nở tình yêu
Nhưng chờ đâu thấy người anh yêu, chờ đến Xuân về chiều…”
(Biết Đến Bao Giờ)

***

Nhạc lính của Lam Phương tuy không đượm màu tang tóc, thê lương và bi tráng như nhạc lính của Trần Thiện Thanh nhưng lại buồn rười rượi hay ít ra thì cũng man mác buồn trước những cuộc tình phải chia xa vì khói lửa chiến chinh, với hoàn cảnh của biết bao thân trai giữa mùa ly loạn.

Nhưng nếu xét về vận số trong cuộc đời thì có lẽ Lam Phương – và có thể cả các nhạc sĩ Minh Kỳ, Trúc Phương và Nguyễn Văn Đông nữa – đã không gặp nhiều may mắn như những kẻ từng đồng hội, đồng thuyền với mình. Vào những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Lam Phương đã bị bệnh tật bủa vây cùng với niềm cô đơn chất ngất khi “nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành, đời mong manh quá kể chi chuyện mình, nắng buồn cuộc tình bỗng tắt bình minh…” (Một Mình).

Bìa các nhạc phẩm “Đêm Dài Chiến Tuyến,” “Chiều Hoang Vắng,” “Mộng Ước” của Lam Phương xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975. (Hình: Tài liệu gia đình)

Nhạc sĩ Lam Phương qua đời vào lúc 6 giờ chiều ngày 22 Tháng Mười Hai, 2020, tại bệnh viện Fountain Valley Regional Hospital ở Orange County, miền Nam California, để lại cho đời hàng trăm ca khúc tuyệt vời, gồm những nhạc phẩm sáng tác trước năm 1975 và sau này tại hải ngoại. Có thể nói rằng mấy dòng nhạc sau đây trong ca khúc “Một Đời Tan Vỡ” của chính tác giả đã phản ánh đúng cuộc đời tình ái của người nhạc sĩ vừa tài ba vừa nổi tiếng đào hoa nhưng thiếu may mắn này:

“Tình ơi sao đen như áng mấy chiều Đông
Gió heo hút con tim lạnh căm
Đời sương gió bước chân lẻ loi, âm thầm
Giây phút yêu đương xa vời lắm…”

Tưởng niệm một nhạc sĩ tài hoa, hiền hậu và dễ mến như Lam Phương, có thể người ta phải nghĩ ngay đến thuyết “tài, mệnh tương đố” (“chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau,” tức là hễ người tài ba thì hay gặp định mệnh khắt khe) của người xưa – mà tiêu biểu là cuộc đời đầy sóng gió của nàng Vương Thúy Kiều tài, sắc vẹn toàn, nhân vật chính trong tuyệt tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” của đại thi hào Nguyễn Du hồi thế kỷ 19 – qua hai câu thơ: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau…”

 (Vann Phan) [qd]