*** Tháng Tư Đen Tối (4/1975)
“AI ĐẦU HÀNG !? NHƯNG TAO THÌ KHÔNG “
Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng – Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng – Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Cầu Sạn, Trung Lập Hạ, Củ Chi – nơi diễn ra trận đánh tử chiến cuối cùng của những Chiến Sĩ can trường thuộc Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân – Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Thiếu Tá Trần Đình Tự, sinh năm 1943 ở Hà Nội, thuở nhỏ học Tiểu Học Ngô Sĩ Liên (phố Hàm Long). Năm 1954 được 11 tuổi, Tự được cha mẹ đem vào Miền Nam theo cuộc di cư vĩ đại. Tại Sàigòn, Tự học Trung Học nơi ngôi trường có truyền thống giáo dục tốt đẹp và kỹ lưỡng vì trước đó trường thuộc hệ thống quản trị và chương trình dạy dỗ do Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Trường Hồ Ngọc Cẩn.
Tuy được hoãn dịch vì trong gia đình đã có hai người anh đang phục vụ trong những cơ quan trực thuộc quy chế quân đội; thế nhưng, Trần Đình Tự đã làm đơn, đem đến Bộ Quốc Phòng để nộp xin tình nguyện được gia nhập quân đội. Anh xin đi học Khoá 14 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Mãn khoá, Trần Đình Tự được bổ sung tài nguyên sĩ quan cho Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng ở miền Tây Nam Phần. Sau sáu tháng, anh làm đơn xin tình nguyện được phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân. Anh được toại nguyện và về Tiểu Đoàn 33 BĐQ ở Biên Hoà.
Tháng 2-1971, trong cuộc hành quân trực thăng vận xuống căn cứ của sư đoàn 7 cộng sản, trong lúc giao tranh Tự bị trúng mảnh đạn pháo vào đầu, anh được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hoà, rời khỏi Tiểu Đoàn 33 BĐQ từ đó.
Mùa hè 1972, bọn lính đánh thuê tay sai của khối cộng sản quốc tế Trung Cộng – Liên Xô là cộng sản Bắc Việt ồ ạt dùng đại quân, đại pháo tấn công xâm lược miền Nam VN trên khắp các mặt trận, nặng nhất lúc đó là mặt trận Quảng Trị, hàng chục sư đoàn chính quy vượt sông Bến Hải, vượt biên giới Việt Lào, đồng loạt tấn công. Do đó, Bộ TTM/ QĐ VNCH đã điều động Liên Đoàn 5 BĐQ không vận ra tăng cường cho mặt trận Quân Khu 1.
Cũng lại tháng 2-1972, sư đoàn 308 tổng trừ bị của bọn cs, xe tăng, đại pháo tấn công điên cuồng LĐ 5 BĐQ, sự chênh lệch quá đáng về lực lượng đã khiến LĐ 5 BĐQ phải vừa đánh vừa lui dần về phía sau để chờ sự tăng viện, nhưng đến khu vực cầu Trường Phước, đoạn Quốc Lộ I cũ, LĐ 5 BĐQ bị lọt ổ phục kích của một trung đoàn VC tăng cường đơn vị pháo.
Tiểu Đoàn 38 BĐQ do Thiếu Tá Vũ Đình Khang chỉ huy, Trần Đình Tự – Sĩ Quan Hành Quân (Trưởng Ban 3) nhận lệnh của Trung Tá Liên Đoàn Trưởng Ngô Minh Hồng phải đánh cản hậu, bằng mọi cách phải chặn đứng sức tiến của địch để Liên Đoàn rút qua sông (gồm TĐ30, TĐ33 và BCH/ LĐ).
Tiểu Đoàn 38 BĐQ đã hoàn thành nhiệm vụ, riêng hai vị sĩ quan đầu đàn của đơn vị cũng hoàn thành trách nhiệm là ở lại sau cùng để “con cái” qua sông an toàn và cuối cùng chính hai ông thẩm quyền: Vũ Đình Khang, Trần Đình Tự lọt vào tay giặc trở thành tù binh. Lý do lãng xẹt: cả hai không biết bơi, loay hoay cùng mấy người hộ tống đang “nghĩ kế” để vượt con rắn lục thì bị giặc đến bắt và “cõng” qua sông Bến Hải đem về giam tại trại tù Lạng Sơn.
Năm 1973 – Hiệp Định Paris – ngưng bắn da beo, da cọp. Trao đổi tù binh, Trần Đình Tự lại trở về với gia đình Mũ Nâu, gắn bó đời mình với binh chủng BĐQ. Anh được thăng cấp Thiếu Tá và được cử làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 33 BĐQ thay thế vị chỉ huy cũ, được điều động đi chỉ huy một đơn vị khác.
Những ngày bão lửa, cuồng lưu của bom đạn đã qua. Hiệp định đình chiến đã ký kết, nhưng vẫn chưa có hoà bình. Giao tranh vẫn liên tục nơi này nơi kia. Liên đoàn 5 BĐQ đã cải danh thành LĐ32 BĐQ, cũng đã và đang cùng các LĐ/BĐQ khác bảo vệ tỉnh Bình Long. Mặt trận An Lộc, vẫn nặng nề trong âm mưu xâm lược của cộng sản.
Tháng 3-1975, trên toàn lãnh thổ VNCH tự nhiên vỡ ra từng mảng sau khi Ban Mê Thuột thất thủ. Hết nơi này “di tản chiến thuật” lại đến chỗ kia “tái phối trí”. LĐ 32 BĐQ lại một lần nữa theo lệnh, rời bỏ An Lộc để về tại phối trí, thiết lập tuyến phòng thủ bảo vệ tầm xa cho thủ đô Sàigòn, tuyến bố trí kéo dài một vòng cung từ Khiêm Hanh (Bầu Đồn) Tây Ninh kéo dài qua con Suối Cao – Gò Dầu, tạo thành một cái đê chặn đứng cơn nước lũ cộng sản từ các mật khu Dương Minh Châu, Bời Lời, Bến Cát (Tam Giác Sắt) không cho con lũ này chảy về Sàigòn.
Áp lực có nặng nề, cường độ giao tranh ngày càng cao, đạn pháo giã gạo trên đầu mỗi giờ mỗi tăng. Những người lính Mũ Nâu LĐ32BĐQ dưới sự chỉ huy điềm tĩnh và gan lì của Thuận Thiên (Trung Tá Lê Bảo Toàn) vẫn giữ vững phòng tuyến, chưa có khúc ruột nào bị cắt đứt hay chọc thủng và dĩ nhiên TĐ38 cùng các đơn vị bạn TĐ30, TĐ33, Đại Đội Trinh Sát 5 BĐQ.
Thế nhưng vận nước đã đến lúc phải chịu đau thương, thân phận người lính VNCH có chiến đấu dũng mãnh như sư tử đến lúc bị bức tử, đành phải nhẫn nhục buông súng. Đến 11 giờ ngày 30 tháng 4. 1975 tại Trung Tâm Hành Quân của Liên Đoàn, Thuận Thiên nhận được lệnh từ cấp chỉ huy Quân Đoàn: ”Hãy ngưng bắn ngay lập tức, ở yên tại chỗ để đợi phía bên kia đến bàn giao khu vực”.
Trung Tá Lê Bảo Toàn chết sững, buông cái ống liên hợp máy truyền tin rớt xuống đầu người lính đang ngồi dưới chân. Ông đổ vật xuống chiếc ghế như cây chuối bị đốn ngang. Hai mươi năm phục vụ quân ngũ – 19 năm dong ruổi vào ra vùng đạn bom, 5 lần bị thương lần nào cũng thập tử nhất sinh, nhưng chưa bao giờ ông thấy đau như lúc này. Ông nghẹt thở, buốt trong óc tưởng như ai đang đóng ngập cái đinh 10 phân vào đầu, có lẽ lấy kéo cắt ruột cũng chỉ đau đến thế.
Ông lịm đi, người Sĩ Quan Hành Quân phải gọi khẽ :”Trung Tá!” . Ông gượng đau để lấy lại bản lãnh. Sau cú “sốc”, Trung Tá Lê Bảo Toàn đã điềm tĩnh trở lại. Ông cầm máy gọi lần lượt từng Trưởng: TĐ 30 Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoản, TĐ 33 Thiếu Tá Đinh Trọng Cường, TĐ 38 Thiếu Tá Trần Đình Tự. Cả ba đã đáp nhận . Trung Tá Toàn chậm rãi, ông cố giữ cho tiếng nói của mình, với âm lượng đều đặn như mọi ngày:
– Các anh vặn nhỏ máy, tôi thông báo lệnh quan trọng.- Im lặng một giây, ông nói tiếp – Các anh ra lệnh cho “con cái” buông súng – Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng rồi. Sẽ có đại diện của “phe họ” đến để bàn giao. Cám ơn các anh, các vị Tiểu Đoàn Trưởng, các Sĩ Quan trong Liên Đoàn. Tôi cũng đặc biệt cám ơn các anh em Hạ Sĩ Quan, binh sĩ. Chúng ta đã bấy lâu công tác, sống chết với nhau. Nay, nhiệm vụ của tôi kể như đã chấm dứt, tôi không còn trách nhiệm với Liên Đoàn nữa. Thân chào tất cả anh em trong Liên Đoàn, lời cuối cùng của tôi trong cương vị Liên Đoàn Trưởng là yêu cầu các anh bình tĩnh và chúc tất cả may mắn.
Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời Trần Đình Tự đã cưỡng lệnh cấp chỉ huy.
Sau khi nhận lệnh buông súng và lời chào của Trung Tá LĐT, anh quay qua Đại Úy Xường – Tiểu Đoàn Phó TĐ 38 BĐQ
– Anh Xường, tôi vừa nhận lệnh mình phải buông súng. Đây là lần chót, tôi yêu cầu và cũng là lệnh: anh nói lại cho các Đại Đội Trưởng và thay tôi dẫn đơn vị ra điểm tập trung. Tôi sẽ ở lại, đánh nữa, tôi không đầu hàng, anh hiểu cho. Tôi không khi nào để chịu lọt vào tay tụi nó lần nữa.
Tiếp đó, anh cho tập trung BCH, Trung Đội Thám Báo và nói với họ là đã có lệnh buông súng, các anh em sẽ theo lệnh Đại Úy Tiểu Đoàn Phó, còn ai muốn ở lại chiến đấu với anh đến giờ chót thì đứng riêng một bên.
Lần lượt số người tách khỏi hàng được gần 40 chiến sĩ. Trần Đình Tự đưa tay chào Đại Úy Xường và các quân nhân dưới quyền, rồi dẫn những người quyết tử tiến vào khu vực vườn khoai mì để tiếp tục “ăn thua” với lũ cộng phỉ.
Kết cục, cuộc chiến đấu cũng phải chấm dứt. Thiếu Tá Tự và anh em hết đạn, bị bọn giặc cướp tràn ngập, bắt tất cả những người còn sống (12 người) giải về sân Trường Tiểu Học Trung Lập Hạ gần đó.
Tên chỉ huy lũ cộng phỉ tiến về phía Thiếu Tá Tự lớn tiếng lăng nhục Quân Đội VNCH và chỉ ngay mặt Thiếu Tá Tự thoá mạ thậm tệ, rồi bắt anh cởi áo quần (lon Thiếu Tá may dính trên cổ áo). Tự đứng yên nhất định không chịu, tên cộng phỉ rít lên điên máu: “Đến lúc này mà mày còn bướng hả? Mày có làm theo lệnh của ông không thì bảo. Nhân danh cách mạng ông ra lệnh cho mày cởi áo quần ngụy và nằm xuống. Chúng mày đã đầu hàng, nghe rõ chưa!”
Thiếu Tá Tự cười ngạo mạn:
– Ai đầu hàng, nhưng tao thì không! Mày nghe đây, chúng mày mới là lũ ác ôn, chúng mày mới đích thực là lũ tay sai ngoại bang, lũ vong thân chó má. Bọn mày là những tên tội đồ của dân tộc VN, hiểu không? Một lũ đê tiện!
Tên chỉ huy vc mắt nổi gân máu như một gã điên, tiến đến sát mặt Thiếu Tá Tự, giơ tay giật mạnh, bung hai hàng nút từ cổ xuống đến bụng. Tên giặc cộng rút luôn con dao găm Thiếu Tá Tự đeo bên hông. Nó đâm thật mạnh vào bụng Th/ Tá Trần Đình Tự, rọc mạnh xuống phía dưới. Ruột Th/ Tá Tự lòi tuột ra ngoài. Chưa hả cơn, nó còn ngoáy mạnh mũi dao vào tận trong bụng Th/ Tá Tự. Anh hét tiếng bi ai và nghẹn uất, đổ sụm xuống, oằn mình giật từng cơn trong vũng máu.
Đồng thời với hành động dã thú man rợ ấy, tên ác thú mặt người nghiêng đầu nhìn Th/Tá Tự rồi nói gọn: “Đem những thằng này bắn hết đi! Toàn là ác ôn cả đấy!”
Những chiến sĩ BĐQ còn lại, bị bọn du kích thổ phỉ dẫn ra phía sau trường và bị bọn chúng bắn xối xả mấy loạt AK-47. Xác của các anh đã bị chúng dã man quăng xuống con mương gần trường tiểu học. Sau đó, bọn ác thú man rợ dẫn nhau bỏ đi.
Thiếu Tá Trần Đình Tự, bị giặc cộng mổ bụng chết được hơn một tuần, gia đình ở Sàigòn nhận được tin. Vợ anh tìm đến nơi anh bị hành hình để xin xác chồng. Đau đớn cho chị, xác chồng đã chẳng thấy, lại còn bị những tên cộng phỉ tại địa phương lớn tiếng sỉ nhục vong linh chồng mình.
Chị đã quay về Sàigòn sau câu trả lời gọn lỏn của chúng: “Chồng chị là tên ngụy ác ôn, đàn áp bóc lột nhân dân, nợ máu quá nhiều, nhân dân nổi giận trừng trị. Cách mạng rất khoan dung không trả thù như vậy. Chị đi tìm nhân dân mà xin các anh ấy!”
Chưa hết. Sự trả thù đê hèn vẫn đeo đuổi theo từng cá nhân người lính VNCH, từng gia đình mỗi người. Năm 1985, tôi được thả về từ trại tù cs. Sau vài tháng tôi đến nhà Thiếu Tá Trần Đình Tự ở đường Dương Công Trừng (Thị Nghè) thăm ba mẹ Tự. Đến nơi được biết thân phụ anh phần uất hận, phần thương con – tất cả con trai của cụ, hai người anh Tự cũng bị tập trung vào trại tù cộng sản, Cụ đã lâm trọng bệnh qua đời năm 1975. Mẹ của Tự, bà cụ ở lại chịu đủ điều cay đắng, thương con Cụ lập bàn thờ Trần Đình Tự bên cạnh bàn thờ chồng. Tấm ảnh thờ Tự chụp lúc vừa được vinh thăng Thiếu Tá, nên anh mặc quân phục.
Chính vì tấm ảnh thờ mà cách vài ngày mấy tên cộng sản địa phưong như công an, ủy ban nhân dân lò mò đến để buông những lời lẽ mất dạy, vô luân, đốn mạt nhưng lại cao giọng đạo đức rẻ tiền.
– Cách mạng rất phân minh, rành rẽ mọi điều, tình tự dân tộc đều đâu ra đấy. Tội ai người ấy chịu. Bà thờ chồng, thờ con trai điều này đáng biểu dương, nhưng tấm ảnh tên ác ôn kia thì không được để đấy, bà phải cất đi, lấy ảnh khác mà để.
Thân mẫu Tự cố dằn cơn tức uất:
– Các ông thông cảm, Ở đâu thì theo đó, con tôi đã chết thảm, xác không có để mang về. Nó chẳng còn cái ảnh nào, chỉ có một, các ông để cho tôi thờ nó. Hàng ngày được nhìn thấy chồng, con vẫn ở bên mình.
Tên cộng phỉ trả lời:
– Nếu không có cái khác thì cất đi hoặc để linh động, cách mạng nhất trí cho bà để cái ảnh nhưng lấy mực bôi cái lon lá và bộ quần áo ngụy đi.
Mẹ Tự nhất định không chịu, cứ để tấm ảnh trên bàn thờ cho đến một lần, chúng nó đem bà cụ ra tổ dân phố để “đấu tranh xây dựng”. Bà cụ nổi doá nói tướng lên:
– “Cách mạng khoan hồng”, “Cách mạng độ lượng” cái gì ? Bác Hồ có chỉ dạy các anh ép người dân đến mức này không? Hai năm liền chồng chết, con chết thảm, con đi tù, các ông muốn tôi phải thế nào hay là các ông giúp tôi chết phứt đi cho rồi. Tôi theo chồng theo con là khỏi khổ!”
Có lẽ vì thấy ép quá, không có lợi khi sự việc đã gây xầm xì trong khu vực, bọn cộng phỉ địa phương lờ dần đi, không ghé nhà Tự để mè nheo, quấy rầy bà cụ nữa. Tự được yên thân trên bàn thờ, nhưng mẹ mình laị vĩnh viễn không được thấy con, dù là nhìn tấm ảnh: Cụ đã bị mù loà, sống lủi thủi trong bóng đêm của quãng đời còn lại với mấy đứa cháu nội.
Cái chết anh hung của Cố Thiếu Tá Trần Đình Tự được kể lại bởi Đại Úy Xường, Tiểu Đoàn Phó TĐ 38 BĐQ, khi cùng ở Trại 8 Yên Bái năm 1977. Đại Úy Xường cũng đã bị cộng sản sát hại dã man trong trại tù cộng sản Nghệ Tĩnh năm 1979. Anh bị những tên cộng sản mặt người dạ thú bóp cổ chết trong ngục thất sau nhiều lần trốn trại anh bị bắt lại. Đại Úy Xường xuất thân Khoá 22A Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Người thứ hai thuật lại những giờ phút sau cùng của Cố Thiếu Tá Trần Đình Tự chính là người lính Mũ Nâu mang máy truyền tin cho Th/Tá Tự. Cùng bị tàn sát sáng 30-4-1975 một lượt với Tự và các anh em khác. May mắn, Đức Trọc – tên anh ta – bị thương giả chết chờ cho bọn cộng phỉ đi xa rồi ráng bò vào nhà dân, được dấu diếm băng bó, rồi thuê xe lam chở về Sài Gòn. (Sài Gòn trong tôi/ BĐQ Thiên Lôi kể lại)
……..
Thông tin bổ sung về 12 chiến sĩ Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân VNCH, kể cả Thiếu Tá Trần Đình Tự, bị bọn việt cộng tàn sát dã man chiều ngày 30-4-1975 tại xã Trung Lập Hạ, Củ Chi.
*** Tiểu Đoàn 38 BĐQ, còn khoảng 40 người, khi từ Tây Ninh rút về đến vùng Trung Lập Hạ thì lọt vào vòng vây của bọn du kích thổ phỉ ở đây. Bọn du kích thổ phỉ phóng loa kêu gọi đầu hàng. Những chiến sĩ can trường của TĐ 38 BĐQ đã đáp trả lại chúng bằng những tiếng súng đầy căm phẫn. Trận đánh kéo dài từ 10g sáng đến khoảng 4g chiều mới kết thúc.
Rồi bỗng nhiên tiếng súng im bặt, không khí nặng nề, ngột ngạt với mùi khói súng nồng nặc khắp vùng, người chết của hai bên nằm la liệt khắp nơi….. Tiếp đó, bọn du kích tiếp tục kêu gọi đầu hàng và thông báo căn cứ Đồng Dù đã thất thủ nếu không đầu hàng, chúng sẽ gọi xe tăng đến yểm trợ chúng … Những chiến sĩ TĐ 38 BĐQ vẫn không đáp trả …
Thật sự, lúc đó, Tiểu Đoàn 38 BĐQ đã gần như kiệt quệ và hoàn toàn hết đạn từ lâu… Tất cả chỉ còn lại 12 người, bao gồm cả vị Tiểu Đoàn Trưởng, người chiến sĩ mang máy truyền tin, một sĩ quan Thiếu Úy đầu bạc, và 9 người lính còn lại…. Họ đang ngồi bên nhau bình thản cùng nhau hút những điếu thuốc Quân Tiếp Vụ cuối cùng. Tất cả đã hết đạn để chiến đấu nên đành thúc thủ và bị bọn cộng phỉ bắt trói dẫn về trường Tiểu Học Trung Lập Hạ gần đó.
Sau khi TĐ 38 BĐQ hết đạn, một tên du kích cộng phỉ tên là Cò Ráng – đã thóa mạ và mắng nhiếc những chiến sĩ can trường của Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân. Sau khi vào trong hội ý, chúng đã dẫn Thiếu Tá Trần Đình Tự ra cái đồng ớt gần đó nhục mạ và sát hại ông tại chỗ nhằm áp đảo tinh thần những anh em chiến sĩ còn lại.
Sau đó, bọn cộng phỉ đã hèn hạ tàn sát tất cả những chiến sĩ còn lại của Tiểu Đoàn 38 BĐQ bên con mương gần Trường Tiểu Học Trung Lập Hạ và sau đó vất xác các anh xuống con mương.
Tiểu Đoàn 38, thuộc Liên Đoàn 32 Biệt Động Quân có lẽ là đơn vị BĐQ cuối cùng đã chiến đấu vào giờ thứ 25 của cuộc chiến. Các anh đã chiến đấu vô cùng dũng mãnh một trận cuối cùng của đời Chiến Sĩ VNCH, thật vinh quang nhưng cũng đầy cay đắng.
Các anh đã chọn cho mình một cái chết đau đớn nhưng đầy kiêu hãnh và oai hùng và muôn đời sau các anh sẽ còn được mọi người nhắc đến trong những trang sử hào hùng và vẻ vang trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tự Do, Công Bằng và Bác Ái cho Miền Nam Việt Nam, chống lại sự xâm lăng thô bạo của bọn giặc cướp từ phương bắc …
(Sài Gòn trong tôi/ Theo Trần Đình Thế)