ĐỌC MẤY VẦN THƠ LÍNH, NHỚ CHIẾN TRƯỜNG XƯA VÀ ĐỒNG ĐỘI CŨ (Phạm Tín An Ninh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Cuộc chiến 20 năm kết thúc trong tức tưởi. Có lẽ do tính chất bi tráng cùng những hệ lụy của nó nên miền Nam đã sản sinh rất nhiều nhà thơ gốc lính. Và trong số những người lính thực sự cầm súng trực diện với chiến trường có một số nhà thơ vang danh, cống hiến cho đời những tác phẩm văn chương giá trị, gây cảm xúc trong lòng người, đặc biệt với những ai vốn từng là lính chiến.

Từ anh Binh nhì ĐPQ với bút danh Nguyễn Bắc Sơn của Tiểu Khu Bình Thuận, anh Đại úy chỉ huy Thám Báo Quân Đoàn 3 với bút danh Trạch Gầm, đến anh Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng với bút danh Nguyễn Phúc Sông Hương của Sư Đoàn 18 BB. Đơn vị nổi danh khi trấn giữ tuyến lửa Long Khánh trong gần hai tuần lễ, quyết tử chiến ngăn chặn cả hơn một quân đoàn CS với xe tăng đại pháo tiến chiếm Sài gòn trước giờ thứ 25.

***

Nếu Nguyễn Bắc Sơn nổi tiếng với những câu thơ hào sảng:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui
.

và đậm tính nhân bản, lãng mạn:

Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Bỗng thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

thì với thơ của Trạch Gầm đầy khí khái, nghĩa tình:  

Một ngày Phước Long có thằng gào thét
Đánh đấm cả đời mất mẹ Quê Hương
Một ngày Dakto có thằng bật khóc
Thương đám bạn bè trắng núi phơi xương

Tao gặp mày ở Sài gòn nóng hổi
Vừa thổi vừa ăn mấy nụ cười tình
Chưa đủ no đã chun đầu vào lính
Một… hai… ba – cùng vận nước điêu linh

Mầy ra Dakto tao vào An Lộc
Huy chương nào cũng dính máu anh em
Thằng còn sống cũng như thằng vừa chết
Chẳng đêm nào… được một đêm bình yên

Ai đã từng là lính chiến lại không rưng rưng cảm động với những câu thơ bi tráng như là “Một Lời Xin Lỗi” của Trạch Gầm:

Nhớ bọn mày lúc nào tao chẳng nhớ
Mấy thằng em tuổi mười chín, hăm hai
Ngoài đời không vui đâm đầu vào lính
Chia xẻ gian nan, tróc tháng tróc ngày

Tao xin lỗi vài thằng chưa biết mặt
Mới trận đầu thân đã gói poncho
Chiến trường đau, lạnh lùng còn se thắt
Gói nhớ thương trao cho kẻ đợi chờ

Tao xin lỗi vài thằng em bỏ cuộc
Tặng một phần thân thể cho quê hương
Chan nước mắt tròng trành ly tạm biệt
Khập khễnh lưng trời thương nhớ nhớ thương

Hai tiếng anh Ba tụi mày còn gọi
… rất thật lòng tao xứng được vậy không?
Ngạo nghễ quen rồi, bây giờ chịu nhục
Nhớ bọn mầy như nhớ núi thương sông
.

Đến nhà thơ lính có bút danh mang cả hoàng triều và núi sông xứ Huế: Nguyễn Phúc Sông Hương, với những câu thơ vừa hào khí vừa lãng mạn đa tình – tình với đồng đội, tình với chiến địa, và cả với người tình mới quen trong vùng đất đau thương mà người lính mang hồn thơ ấy phải rút theo đơn vị, đành bỏ lại trong bom đạn và dưới xích sắt của quân thù – Đọc những câu thơ trong “Nửa Hồn Xuân Lộc”đã gây trong tôi bao niềm lâng lâng cảm xúc:

Nếu được như bố già thượng sĩ
Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
Vỗ về nón sắt, cười khinh bạc,
Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi.

Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc
Lại muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
Cay nồng đôi mắt gục trên vai.

Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
Em biết dù tim ta sắt đá
Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.

Mây xa dù quen đời chia biệt
Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!

Bí mật lui quân mà đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi.
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung đứt đoạn rồi.

Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi!

Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
Như một vành tang bịt đất trời!
Chân theo quân rút, hồn ta ở
Sông nước La Ngà pha máu sôi;

Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ
Cuốn qua Xuân Lộc khóc cùng người
Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,

 

Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,

Chôm chôm hai gốc đong đưa võng,
Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười…
Nếu được đưa quân lên Định Quán
Cuối cùng một trận cũng là vui!

 

Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng
Sư đoàn 18 sao quân lui?
Thân ta là ngựa sao không hí
Cho nỗi đau lan rộng đất trời

Hồn ta là kiếm sao không chém
Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!

Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người

Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui

Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc
Ta muốn tìm em nói ít lời,
Nhưng sợ em buồn, không nói được
Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

Ngại phút rời xa em sẽ khóc,
Bao người vợ lính sẽ buồn theọ
Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu.

Cao nguyên bài học đầy cay đắng
Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi …
Ta chẳng muốn làm người bại trận
Thành người tình phụ đó em ơi.

Ðêm nay quân rút hồn ta ở
Nhìn nước La Ngà pha máu sôi,
Thuơng chiếc cầu chờ cơn thác lũ
Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người.

Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng,
Bầy gà mất mẹ sống mồ côi.
Em hỡi em thương người lính trận
Người lính đêm nay phụ bạc rồi.

 

Bao năm ta trọn tình đất đỏ,
Một phút này thôi thẹn với đời
Sốt rét đêm run, ngày không ngã
Bao lần máu đổ dửng dưng cười.

Một phút này thôi, hừ lại ngã
Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi.
Sáng mai chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ nhìn lui luống ngậm ngùi!

Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy,
Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi
Muôn năm em hỡi trời Xuân Lộc
Giữ nửa hồn ta mãi với người.

Sáng mai chân bước qua Bình Giã,
Cẩm Mỹ nhìn lui luống ngậm ngùi!
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy,
Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.

Muôn năm em hỡi trời Xuân Lộc
Giữ nửa hồn ta mãi với người.
Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng
Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi .. .

Ðêm nay quân rút sầu riêng rụng
Trong vườn em và trong tim tôi!
Tôi sợ một ngày mai bại trận
Ðể em côi cút lại trên đời.

Nếu phải một ngày mai bại trận
Ðêm nay sao ta lại bỏ người!
Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc,
Thét gào pháo địch mãi không thôi.

Xuân Lộc trời ơi Xuân Lộc cháy
Ai gọi tôi về trời Gia Rai!!
Em ơi, Xuân Lộc, em Xuân Lộc
Xích sắt nghiến qua những xác người …

Đọc những vần thơ lãng mạn của Nguyễn Phúc Sông Hương, có lẽ không mấy ai nghĩ ông là một vị tiểu đoàn trưởng hào hùng của Sư đoàn 18 nổi danh, từng chỉ huy một tiểu đoàn đơn độc nhảy xuống tái chiếm Đồi Gió giữa lòng địch ngập một trời lửa đạn, nhằm giải vây An Lộc trong trận chiến mùa Hè 1972, được Tướng Tư Lệnh Lê Minh Đảo vinh thăng tại mặt trận. Và đọc những vần thơ đầy hào khí của ông, chắc cũng chẳng có mấy ai nghĩ Nguyễn Phúc Sông Hương chính là nhà thơ Thái Luân lúc còn là chàng thiếu úy Tâm Lý Chiến trẻ măng ở Huế đã từng ấn hành tập thơ Vùng Tủi Nhục gồm những bài thơ nặng mùi phản chiến (theo nhận định của chính quyền thời ấy) nên bị phạt (oan?) 40 ngày trọng cấm và ba tháng tù, rồi đưa ra đơn vị tác chiến, buộc phải rời xa cố đô nơi có quá nhiều biến động, để trôi giạt tận Vùng 3, đánh những trận chiến hào hùng và đẫm máu tại An Lộc rồi cuối cùng tại Long Khánh trước khi tan đàn rã nghé!

(Sư Đoàn 18 còn có nhà thơ Ý Yên kỳ cựu, tốt nghiệp Khóa 13 Võ Bị Đà Lạt, cũng là một tiểu đoàn trưởng vừa đánh giặc vừa làm thơ của đơn vị thiện chiến này. Ông từng là đại đội trưởng rất đặc biệt của tôi khi còn là sinh viên sĩ quan ở quân trường Thủ Đức. Thường đọc những bài thơ mới sáng tác cho bọn tôi nghe, sau các buổi di hành hoặc hành quân thực tập)

***

Những vần thơ của những nhà thơ vốn là các chiến binh thực thụ ấy đã gây trong tôi nhiều cảm xúc, đưa tôi về lại các chiến trường xưa và da diết nhớ đến bao huynh đệ, đồng đội cùng sống chết một thời.

Từ giã học đường, tôi vào lính khi còn rất trẻ. Cũng không hẳn vì thích đời binh nghiệp, nhưng thấy đất nước đang trong khói lửa và bạn bè thân quen đều lần lượt nhập ngũ, gần như con đường nào rồi cuối cùng cũng dẫn tới một quân trường, nên đúng như lời một bài ca cũ, “năm 21 tuổi tôi đi vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai”.

Ra trường, được bổ nhậm về một đơn vị tác chiến lưu động. Trải qua nhiều chức vụ, tôi cũng chẳng dám nhận mình là một cấp chỉ huy đảm lược, những chiến công hầu hết là nhờ vào máu xương của anh em binh sĩ. Không biết tôi đã hướng dẫn họ được những gì, nhưng chắc chắn tôi đã học được ở họ sự trung thành, lòng can đảm và nhiều kinh nghiệm chiến trường. Trong hơn mười năm chiến trận, tôi từng được thăng cấp đặc cách ngoài mặt trận và nhận một số huy chuơng tưởng thưởng. Nhiều lúc trầm tư, tôi phân vân không hiểu đó có phải thực sự là công trạng của mình, khi hình dung đến khá nhiều khuôn mặt đồng đội dưới quyền đã hy sinh, trong lúc mình vẫn đang còn sống? Tôi không bao giờ quên được những ánh mắt của họ đã nhìn tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng. Không biết họ muốn trăng trối, gởi gấm hay oán trách điều gì. Tôi thường dành phần để được vuốt mắt họ khi tình hình có thể, như muốn thay một lời tạ lỗi, ít nhất là đã không bảo vệ được họ. Lời người xưa bao giờ cũng đúng “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Tôi không hề dám mơ tưởng đến chuyện làm tướng bao giờ, nhưng dù chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ, tôi cũng đã mắc nợ khá nhiều xương máu của đồng đội anh em, mà chắc chắn sẽ không bao giờ còn trả được.

Tôi nhớ tới người lính dưới quyền đầu tiên đã chết trên tay tôi.

Tháng 8 năm 1965, kết thúc cuộc hành quân truy lùng một đơn vị địch vừa xâm nhập vào vùng núi Hảo Sơn bên cạnh khu vực Vũng Rô – Đá Bia, trung đội tôi đang là lực lượng trừ bị tiếp ứng, được tăng cường một tổ đại liên, nhận lệnh mở đường dọc theo thiết lộ, nằm sâu giữa hai vách núi, để chiếm một ngọn đồi, đặt đại liên yểm trợ cho đơn vị kịp rút ra mang theo một số thương binh, trước khi trời tối và dưới những cơn mưa như trút nước. Con đường độc đạo hoàn toàn bất lợi, nhưng không còn cách nào khác. Nhờ Pháo Binh bắn dọn mục tiêu, trung đội tôi dễ dàng chiếm lĩnh ngọn đồi, ngay sau khi một toán địch quân tháo chạy. Các đại đội lần lượt rút ra, riêng trung đội tôi phải nằm lại để yểm trợ và đề phòng địch quân tập hậu. Khi được lệnh rút ra sau cùng, tôi xin Pháo Binh bắn chặn, để trung đội chia làm hai cánh yểm trợ nhau rút nhanh ra. Lệnh cho anh trung đội phó dắt một tiểu đội và tổ đại liên đi theo triền thấp bên trái, địch khó phát hiện. Tôi đi với cánh quân theo con đường sắt, một lộ trình nguy hiểm hơn, nhưng rất cần thiết để bảo vệ tổ đại liên. Cho phân tán từng toán nhỏ 3 người, nép sát vào vách núi, di chuyển rất nhanh, nhưng chỉ một phút sau, nhiều loạt đạn từ trên triền núi phía sau bắn xuống, có cả tiếng thượng liên và B-40. Đạn địch xối xả xuống đường xe lửa, chát chúa ngay sát dưới chân tôi, tóe lên nhiều đốm lửa. Tôi nghe vài tiếng la đau đớn. Anh trung sĩ tiểu đội trưởng và một người lính đi sau lưng tôi trúng đạn. Anh trung sĩ bị bắn vào chân, còn anh lính kia bị thương nặng ở vùng bụng, ruột đổ ra ngoài. Lệnh cho một người lính khác dìu anh trung sĩ, còn tôi thì băng vội vết thương bằng các băng cá nhân cho anh lính bị trọng thương ở bụng, vừa gọi xin tiếp ứng và Pháo Binh tiếp tục bắn dọc trên triền núi phía sau lưng, rồi cõng anh lính bị thương rất nặng chạy nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm. Người tôi ướt đẫm máu, nước mưa, và cả nước mắt (cho người đồng đội thương binh không có chút hy vọng sống còn).

Trên đường trở lại làng Thạch Tuân đóng quân đêm, cả tiểu đoàn dàn hàng ngang lội bì bõm dưới những đám ruộng ngập đầy nước. Du kích lại bắn ra. Chúng tôi bám theo các bờ ruộng xâm nhập vào làng, nhanh chóng bao vây tứ phía, mấy tên du kích không chạy kịp, trốn dưới hầm bị chúng tôi bắt. Xe tải thương không thể đến được vì không có an ninh lộ trình. Khuya hôm ấy, anh lính bị trọng thương của tôi, vốn là một tân binh quân dịch, quê tận Gò Công, đã trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi, sau khi giao cho tôi cái bóp có hai tháng tiền lương và thì thào lời trối trăng đứt đoạn, nhờ tôi chuyển lại cho vợ và đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi mà anh chỉ mới về phép thăm cháu một lần. Đó là người lính đầu tiên dưới quyền đã chết, trên tay tôi. Anh có cái tên rất dân dã mà tôi không bao giờ quên được: Nguyễn văn Tý. Trùng tên người nhạc sĩ sáng tác bài Dư Âm mà tôi thường hay hát. Và sau này, cứ mỗi lần nghe bản nhạc này, tôi lại nhớ đến anh.

***

Tôi nhớ tới người chỉ huy đầu tiên đã chết bên cạnh tôi.

Hơn một năm hành quân liên tục ở Phú Yên, một tỉnh mất an ninh vì trước đó là căn cứ của Liên Khu 5 CS, đầu tháng 6.1966, đơn vị tôi được lệnh bàn giao cho một trung đoàn từ Bình Tuy ra tăng cường, xuống tàu Hải quân di chuyển vào Bình Thuận, mở cuộc hành quân đặc biệt nhằm giải tỏa Mật khu Lê Hồng Phong, một địa danh mà nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từng “ngủ võng trên đồi cát, nghe súng rừng xa nổ cắc cù”, và viết những bài thơ để đời.

Trong một cuộc chạm súng, ngay sau khi vừa chiếm được một căn cứ của địch, đại đội chúng tôi bị pháo kích. Một quả 82 ly rớt xuống ngay ban chỉ huy, làm Trung úy Trương Ngọc Điệp, đại đội trưởng bị tử thương và tôi bị thương nhẹ ở cánh tay trái. Khi ấy tôi đang là đại đội phó và chúng tôi chỉ đứng cách nhau vài mét. Sau khi thay anh điều động đại đội tản ra bố trí và gọi Pháo Binh phản pháo, tôi đã dùng bàn tay phải vuốt mắt cho anh, trong lúc người y tá đang băng bó cánh tay trái. Điều đau đớn hơn là anh Điệp ra đi khi vừa trở lại đơn vị chỉ mới hai tuần sau kỳ nghỉ phép làm đám cưới. Anh người quê An Cựu, Huế, thân phụ là một sĩ quan cao cấp ở Huế lúc ấy, vợ anh là môt cô giáo cũng gốc Huế, nhưng sống ở Ninh Hòa (Nha Trang). Hai người quen nhau trong thời gian đơn vị về thụ huấn bổ túc tại TTHL Lam Sơn Dục Mỹ, trước đó.

***

Tôi nhớ đến ba thằng bạn cùng khóa, ra cùng đơn vị. Cả ba thằng đã chết trong ba trường hợp khác nhau, mà hậu quả từ một cuộc chiến đầy  phẫn uất, đau lòng.

Trần Công Lâm, người bạn cùng trung đội SVSQ Thủ Đức, nằm bên cạnh tôi và thân thiết như anh em. Nhà và vợ mới cưới ở ngay Thủ Đức, nhưng theo tôi ra cùng đơn vị trên tận cao nguyên “gió lạnh mưa mùa”. Ra trường, từ một thằng mà bọn tôi thường gọi đùa nó là con gái, gần một năm sau, ông tiểu đoàn trưởng còn chê nó “chú mày ra trường cả một năm rồi mà vẫn cứ như thư sinh, làm sao mà chỉ huy được lính!” Vậy mà chỉ hai năm sau nó trở thành một anh đại đội trưởng Trinh Sát bách chiến bách thắng, vang danh khắp quân đoàn. Bao lần tình nguyện nhảy xuống đầu địch, dắt toán viễn thám đột kích bắt sống địch quân. Hành quân đánh giặc mà cứ như một cuộc rong chơi, Nó kiếm trên 30 cái huy chương nhành dương liễu và ngôi sao vàng, sao bạc, thêm 5, 6 cái chiến thương bội tinh. Ai cũng bảo là đạn tránh nó. Tháng 6 năm 1972, nó lên nắm tiểu đoàn giữa trận chiến Kontum ngập tràn khói lửa. Nhưng chưa đầy sáu tháng, nó đã phải nằm xuống một cách tức tưởi trên một ngọn đồi còn đầy dấu tích đạn bom, khi dắt toán thám báo đi thám sát, một người lính giẫm phải mìn, làm nó chết oan. Thương tiếc nó và nghĩ tới vợ cùng hai đứa con thơ dại của nó sống khổ cực ở một khu giáo xứ xa xôi, tôi đã ngồi một mình dưới bunker âm thầm giấu nước mắt và cầu nguyện cho nó trong cả một buổi chiều gió mưa ảm đạm.

Phù Văn Vũ, thằng bạn cùng khóa và cũng về chung đơn vị. Nó bô trai và uống rượu “ngầu” nhất trong đám bọn tôi. Lúc nào gặp cũng thấy nó mở miệng cười, dù ngày mai có ra sao. Bị thương tại Di Linh, Lâm Đồng, khi chỉ huy đại đội đánh giải vây cho một đơn vị Địa Phương Quân. Xuất viện được theo học một Khóa CTCT trung cấp ở Đà Lạt, rồi nhận lệnh thuyên chuyển về Vùng 3 làm tiểu đoàn phó, đến cuối năm 1973 lên nắm tiểu đoàn. Ngày tháng miệt mài với súng đạn cùng đồng đội sống chết trên các chiến trường mịt mờ xa tít, chúng tôi mất liên lạc, tin tức của nhau.

Sau tháng 4/ 75 oan nghiệt, khi có thông báo của “Ủy Ban Quân Quản Cộng Sản Sài gòn” kêu gọi “ trình diện học tập cải tạo”, tôi đến địa điểm Trường Đại Học Kiến Trúc. Xếp hàng chờ ghi danh làm thủ tục, thấy phía đằng trước có một người chống hai cái nạng gỗ. Khi anh ta quay mặt lại, tôi nhận ra Phù Văn Vũ. Trong cảnh sa cơ cá chậu chim lồng này mà gặp được một người bạn thân thì mừng vui lắm. Hai thằng dặn nhau phải luôn đi chung. Đặc biệt Vũ rất cần tôi phụ giúp băng bó, chữa trị vết thương. Bọn tôi bị đưa tới trại tù An Dưỡng (Biên Hòa), may mắn ở cùng một nhà, một tổ. Vết thương khá lớn ở chân phải của Vũ vẫn còn mưng mủ, tôi trở thành “y tá” riêng cho Vũ, rửa vết thương và băng bó mỗi ngày. Theo lời Vũ kể, vào cuối tháng 3/75, lúc ấy đang làm tiểu đoàn trưởng thuộc một sư đoàn ở Vùng 3, Vũ bị thương nặng ở đầu gối chân phải do đạn pháo của địch. Ngày 1 tháng 5, đang điều trị ở Tổng Y Viện Cộng Hòa thì bị VC đuổi ra. Về nhà được vợ con săn sóc thuốc men chu đáo nên mới khá hơn một chút.

Trong tù, không đủ thuốc men, nên mãi đến tháng 6/1976, khi lên tàu Sông Hương chuyển ra Bắc, vết thương vẫn còn rỉ máu.

Khi xuống tàu để lên bến Hải Phòng, họ tách chúng tôi ra mặc dù tôi đã hết lời năn nỉ xin được đi chung để giúp đỡ Vũ trong tình trạng vết thương chưa lành và đi đứng khó khăn.

Tôi bị đưa về Trại 3 (Hang Dơi) nằm cực bắc Yên Bái thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn lúc ấy. Sau một thời gian, trong một lần đi xuống kho tổng trại ở Nghĩa Lộ để vác gạo về cho trại, thấy một người chống nạng, chăn bầy bò bên đường, tôi nhận ra Vũ với đôi chân thấp cao, khập khiễng. Bất ngờ gặp lại nhau, cả hai thằng đều mừng mà ứa nước mắt. Vũ cho biết đang ở Trại 8, và vì phải chống nạng nên được cho chăn bò của trại. Khi tên vệ binh thúc tôi phải đi, Vũ kịp dúi vài tay tôi một gói nhỏ gói bằng lá rừng. Tôi bỏ nhanh vào túi áo. Khi dừng lại nghỉ trưa trên ngọn đèo cao, mở ra tôi thấy một cái bánh nướng làm bằng bột sắn (khoai mì), tôi vừa ăn vừa lau nước mắt.

Trại 3 của tôi cách Trại 8 của Vũ khoảng hơn hai mươi cây số, đặc biệt phải đi qua một cái đèo rất cao. Ba tháng sau, trong chuyến đi vác gạo kế tiếp, khi gần đến khu Trại 8, thấy bầy bò từ xa, tôi háo hức để được gặp lại Vũ, nhưng khi người chăn bò đưa tay chào các bạn tù, tôi ngạc nhiên nhận ra anh bạn này không phải Vũ, mà lại là một người khác, khá già, râu tóc bạc phơ. Anh cho biết là Vũ đã chết trước đó hơn một tháng, do bệnh kiết lỵ mà không có thuốc chữa. Tôi bỗng thấy đau nhói trong lòng, và bâng khuâng nghĩ tới vợ con Vũ, bởi lúc ngồi trên tàu Sông Hương ra Bắc, Vũ đã buồn bã nói với tôi, các con còn quá nhỏ, ngày Vũ đi vào tù, nhà không còn tiền và cũng chẳng có tài sản gì đáng giá, rồi không biết vợ con sẽ phải sống ra sao. Khi ấy tôi chỉ còn biết lấy hoàn cảnh tương tự của chính mình để an ủi Vũ.

Một hôm vào khoảng đầu năm 2007, tôi rất bất ngờ khi được một anh bạn tù trong nhóm “Tìm Hài Cốt Của Bạn Tù Bị Chết Tại Miền Bắc” của cựu Thiếu tá Nguyễn Đạc Thành, cho biết  đã tìm ra được mộ của Phù Văn Vũ và cũng đã liên lạc với vợ con Vũ để về Việt Nam bốc mộ. Anh bạn còn cho tôi xem tập hồ sơ, có cả hình ảnh của Vũ lúc còn trong quân ngũ, và hình của ngôi mộ hoang phế trong núi rừng Việt Bắc với tấm bia xám xịt còn lờ mờ mấy chữ: “Phù Văn Vũ chết ngày 23.8.1977” (chỉ sau một năm chuyển ra Bắc)

Trần Ngọc Thăng, thằng bạn thân cùng Khóa khác và cũng là bạn học cùng truờng thời trung học ở Nha Trang lúc trước. Ra trường, Thăng tình nguyện về Biệt Động Quân.  Khoảng ba năm sau tôi bất ngờ gặp nó mang ba lô về trình diện đơn vị tôi tại Sông Mao. Nhân lúc đang nghỉ dưỡng quân, tôi gọi tất cả mấy thằng bạn cùng khóa về câu lạc bộ đón mừng nó. Điều đặc biệt là khi ấy tất cả bọn tôi đều đã mang lon trung úy, chỉ có nó vẫn còn Thiếu úy. Nó bảo mới lên nắm đại đội thì đụng độ với ông tiểu đoàn phó khi ông này sỉ vả và tát tai một anh chuẩn úy trung đội trưởng của nó vì một điều không đáng, nó can thiệp phản đối thì ông xô và đá vào cả ống chân của nó, nó sôi máu nên sẵn cầm súng trên tay nó bắn một phát vào bàn chân ông. Bị phạt 30 ngày trọng cấm, ra tòa và nằm ở quân lao hơn 8 tháng trước khi chuyển ra đơn vị tôi. Có lẽ vì vậy nó lầm lì ít nói, chẳng biết sợ ai, nhưng rất chí tình với bạn bè. Tình nguyện về làm đại đội phó Trinh Sát. Qua nhiều chức vụ khác, đến đầu năm 1973, khi đang làm tiểu đoàn phó, Thăng được bổ nhậm lên làm tiểu đoàn trưởng trong một trường hợp khá đặc biệt cần thiết để chấn chỉnh đơn vị này. Thời gian còn làm đại đội trưởng, hành quân ở khu vực từ Di Linh đến Đức Trọng, Thăng quen biết một nữ sinh sắc tộc Thái Trắng, khá xinh, nhưng mãi đến đầu năm 1974 hai người mới làm đám cưới và một đứa con trai ra đời trong những ngày cuối tháng Tư buồn. Trong lúc Thăng bị tù ngoài Bắc, ở nhà vợ Thăng treo cổ tự vẫn, khi có một gã công an bám theo đeo đuổi, đứa con trai được giao lại cho bà nội nuôi nấng. Theo người nhà kể lại, khi chết, vợ Thăng mặc chiếc áo dài trắng thuở còn đi học, lúc mới gặp Thăng, và có để lại một lá thư, nhưng bị công an tịch thu nên không ai biết vợ Thăng đã viết những gì trong đó. Ra tù vài năm, Thăng đưa mẹ, hai cô em gái và đứa con trai vượt biển. Đến Mỹ, định cư ở San Jose, Thăng nhờ mẹ chăm sóc đứa con thơ để vừa đi làm vừa đi học. Mỗi lần nói chuyện trong điện thoại, tôi đều ca ngợi Thăng có chí, nó cười bảo: “tao vùi đầu vào sách vở là chỉ để được quên, không muốn có chút thì giờ nào để phải hồi tưởng hay suy nghĩ điều gì”. Cuối cùng nó cũng lấy được bằng Cao HọcTâm Lý (Master of Psychology). tìm được việc làm lương cao, ổn định, còn cưới được một chị vợ trẻ, hiền lành, bạn cùng học thời sinh viên với nó. Bạn bè ai cũng khen và mừng cho nó.

Bỗng một hôm được tin Thăng chết. Chết một cách đau đớn. Thăng dối vợ, bảo đi thuê hộ khách sạn cho một người bạn từ tiểu bang khác tới. Nhưng thực ra Thăng đi thuê phòng trong một khách sạn nhỏ ở gần nhà, rồi ở đó dùng súng bắn vào đầu mình tự sát, sau khi viết mấy lá thư để lại trên bàn xin lỗi vợ và đám bạn bè. Tôi cũng nhận được lá thư Thăng viết cho tôi, do Cảnh sát trao lại. Nét chữ ngay ngắn, đẹp đẽ, chứng tỏ Thăng rất bình tĩnh trước khi tự kết liễu đời mình:

“Xin lỗi mày, tao đi trước mà không kịp chia tay với mày. Bọn mình rồi sẽ như những con chim đã đến lúc phải bay về với núi rừng thuở trước. Thôi thì tao đi trước để dọn chỗ cho bọn mày, những thằng bạn thân thiết, đã từng sống chết với nhau. Chỉ có một điều tao tiếc và ân hận là đã không đựợc chết một cách oai hùng ở chiến trường như thằng Lâm, thằng Bê, anh Tài, anh Đức…”

Đọc xong, thấy đau đớn trong lòng tựa hồ như đang có nhiều vết chém, vậy mà không hiểu vì sao tôi không khóc được, có lẽ không còn nước mắt?

Nhân ngày Quân Lực, đọc những bài thơ bi tráng của những nhà thơ lính chiến thực thụ: Nguyễn Bắc Sơn, Trạch Gầm rồi đến Nguyễn Phúc Sông Hương, tôi bỗng da diết nhớ tới đồng đội bạn bè, nghĩ thật nhiều đến cái chết của ba người bạn cùng khóa, cùng một đơn vị, cùng sống chết bên nhau, một thời thân thiết. Ba cái chết trong ba thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Một thằng đánh giặc nổi danh rồi chết tại chiến trường, một thằng luôn yêu đời, vui vẻ hiền lành bị chết trong tù với đôi chân tàn phế, và một thằng từng ngang dọc một thời, sống bất cần, ba chìm bảy nổi, vượt thoát thành công, đỗ đạt trên xứ người, cuối cùng bắn vào đầu mình tự vẫn. Ba cái chết khác nhau, nhưng chỉ có một nguyên nhân duy nhất: đó là hậu quả của một cuộc chiến bất hạnh, và chúng tôi lại là những chiến binh bất hạnh nhất.

Và tôi chạnh lòng liên tưởng tới một hình ảnh đặc biệt đau đớn khác:

Ngày 14.7.1974, sau hơn một năm Hiệp định Paris được ký kết gần như chỉ giữa Hà Nội và Hoa Kỳ trên chính xương máu của người lính miền Nam, mọi viện trợ quân sự bị cắt bỏ, VNCH bỗng chốc trở thành đơn độc giữa mọi thứ phản trắc, quân thù, Bắc Việt xua đại quân với lực lượng cả sư đoàn có chiến xa hùng hậu tấn công căn cứ tiền đồn Ben Het, do Tiểu Đoàn 88 BĐQ/ BiênPhòng của Thiếu Tá Võ Ngọc Di, đã cô đơn cố thủ giữa vòng vây địch trong suốt hơn hai năm, kể từ khi Tân Cảnh – Dakto thất thủ, vào tháng 4/ 1972. Sau khi chiếm được căn cứ, bắt giết vị tiểu đoàn trường và tàn sát những binh sĩ BĐQ kiêu hùng này, Cộng quân tràn xuống phía Đông Nam tấn công vào thị xã Kontum, mà Tiền Đồn 5 là cứ điểm đầu tiên như một cửa ngõ cần phải san bằng. Sau khi tiểu đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu trú phòng gần như bị tan rã, một tiểu đoàn chủ lực của đơn vị tôi được lệnh tiếp viện và thay thế khẩn cấp.  Khi hệ thống phòng thủ trong căn cứ vừa bị phá hoại bởi đạn pháo kích chưa được sửa chữa xong, thì Cộng quân lại mở cuộc tấn công mới, mở đầu bằng nhiều loạt pháo kích liên tục hàng ngàn quả, với các đủ loại đại pháo, có cả đại bác 130 ly. Đơn vị trú phòng gần như bị vùi trong biển lửa. Hầu hết những sĩ quan đều tử trận, trong đó có Đại úy Dương Đình Chính: Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Úy Nguyễn Đức Vinh: Sĩ Quan liên lạc Pháo Binh, Thiếu Úy Nguyễn Xuân Quang: Đại Đội Trưởng bảo vệ Căn cứ và một số sĩ quan khác. Vì để tiêu diệt lực lượng địch vừa chiếm và cố thủ căn cứ, nên Quân Đoàn ra lệnh đánh bom tiêu diệt. Tiền Đồn 5 trở thành bình địa và tất cả tử sĩ đều bị thiêu hủy hay chôn vùi dưới bao lớp đất đá. Sau đó không lâu, Kontum cũng âm thầm bị bỏ lại trước cuộc di tản thảm bại và kinh hoàng của Quân  Đoàn 2 trên tỉnh lộ 7 B. Tiền Đồn 5 chôn xác bao nhiêu đồng đội cũng đành lãng quên theo vận nước.

Thiếu úy Nguyễn Xuân Quang chết đi để lại người vợ hiền và 4 đứa con thơ, đứa nhỏ nhất chưa tròn 1 tuổi. Bị đuổi ra khỏi trại gia binh Sông Mao, bà dắt díu đàn con chạy về vùng quê Chợ Lầu, dựng tạm căn nhà lá bên bờ sông Lũy, kiếm sống qua ngày bằng khoai sắn tự trồng và cá lưới được dưới dòng sông. Vậy mà cuộc sống khốn cùng ấy vẫn chưa một ngày yên ả. Những kỳ thị áp bức cùng bao lời khắc nghiệt của những người bên thắng cuộc đã làm cho bà Quang không còn con đường sống. Bà đã uống mấy chai thuốc rầy để chết đau đớn trước mặt cha mẹ mình và bốn đứa con thơ. Bà xin lỗi vì đã để lại cho cha mẹ già một gánh nặng, và xin lỗi các con đã phải đành lòng bỏ con lại bơ vơ, bà không thể bắt các con phải chết theo mình. Sau đó vài năm, đứa con trai lớn cũng đã uống thuốc rầy theo mẹ. Đứa con trai thứ nhì, Nguyễn Thế Vinh, năm 1975 mới lên năm, bây giờ trở thành người phụ giúp đắc lực cho ông ngoại già trong cuộc mưu sinh đầy khốn khó. Nhưng đau đớn thay, “họa vô đơn chí”, năm chín tuổi, khi chăn hai con bò của Hợp tác xã, lấy mấy ký lúa phụ ông, Vinh bị té xuống đất từ trên lưng bò. Cánh tay phải bị gãy. Do trạm xá không có thuốc thang và băng bó không đúng cách, cánh tay bị nhiễm trùng, hoại tử, phải bị cắt bỏ đến gần bả vai. Nhưng với ý chí kiên cường thừa hưởng từ người cha quá cố, Vinh quyết chi vừa đi làm vừa đi học. Tốt nghiệp đại học kinh tế ưu hạng, gởi bao đơn xin việc, nhưng không nơi nào chịu nhận, Vinh mở các lớp dạy kèm rồi vận động nhiều mạnh thường quân, mở một trung tâm nuôi dạy các đứa trẻ mồ côi, tàn tật, một số là con cháu của các thương phế binh VNCH. Trung tâm Hướng Dương này rất nổi danh cùng với tên tuổi vị  thầy nhân hậu Nguyễn Thế Vinh, người nghệ sĩ chơi đàn chỉ bằng một bàn tay trái còn lại, và vẫn luôn công khai hãnh diện về người cha, một người lính VNCH hào hùng đã hy sinh cho tổ quốc.

Vào tháng 4/2019, trong một chuyến đến Úc Châu, gây quỹ cho cơ sở mái ấm Hướng Dương, Nguyễn Thế Vinh đã tìm hiểu tin tức về cha mình. Nhờ có người biết tôi cùng ở đơn vị với thân sinh quá cố của Vinh lúc trước, nên đã giới thiệu, và Vinh gọi cho tôi. Nhờ một số tin tức từ cháu Vinh, tôi dò hỏi những bạn bè cùng tiểu đoàn với anh Quang lúc trước và một số bạn bè từng phục vụ ở TK Kontum, cuối cùng chúng tôi tìm được chính xác vị trí của Tiền Đồn 5, nơi anh Quang, cha của cháu Vinh nằm lại. Và sau đó với những tin tức mới được cung cấp, Vinh tìm mọi cách liên lạc được với các gia đình, con cháu của hầu hết những sĩ quan, đồng đội khác của cha mình còn nằm lại ở đây cùng với cha của Vinh. Một số cháu ở VN, một số sống ở nước ngoài. Trong đó có trưởng nam của cố Thiếu Tá Dương Đình Chính ở Phan Rang và trưởng nam của cố Thiếu Tá Nguyễn Đức Vinh ở Sydney, Úc châu…

Nhờ sự hỗ trợ của những huynh đệ cùng đơn vị cũ và một số mạnh thường quân, cũng như sự giúp đỡ tận tình của một số bà con Kontum còn nặng lòng với lính, các cháu đã quy tụ về Kontum, tìm đến Tiền Đồn 5, giờ đã phủ đầy lau sậy nằm sâu trong núi rừng, thắp những nén hương muộn màng và tổ chức một buổi cầu siêu tưởng niệm cho thân phụ và những chú bác đồng đội quá cố, mà chắc linh hồn vẫn còn phảng phất ở quanh đây.

Cuộc chiến đã kết thúc – dù trong tột cùng bất công và tức tưởi – nhưng mãi đến 45 năm sau, khi đã hơn nửa đời người, những người con mới tìm đến được nơi cha mình đã hy sinh và xác thân vùi chôn ở đó. Nhìn hình ảnh những người con quỳ xuống với những nén hương thắp muộn trên ngọn đồi hoang vắng, điêu tàn, từng xảy ra bao trận chiến đẫm máu của đồng đội mình, lòng tôi lắng xuống. Hồi tưởng lại thời gian cuối cùng của cuộc chiến, tôi bỗng thấy đồng cảm và thấm thía với tâm trạng của người lính trẻ Paul Bäumer, nhân vật chính trong All Quiet On The Western Front (Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh) của Erich Maria Remarque, mặc dù câu chuyện đã xảy ra từ thời Đệ Nhất Thế Chiến:

“Ngày tháng trôi qua. Mùa hè 1918 này là mùa hè đẫm máu và kinh hoàng nhất. Thời gian giống như những thiên thần đang bay lượn trên vùng hủy diệt một cách không thể hiểu nổi. Dường như ai cũng biết rằng chúng tôi sẽ phải thua trong cuộc chiến này. Nhưng rất ít ai nói ra điều ấy. Chúng tôi đang bị đẩy lui. Chúng tôi không còn đủ quân số, không đủ tiếp liệu, đạn dược để có khả năng phản kích sau cuộc tổng công kích này. Ngược lại, các chiến dịch hành quân vẫn đang tiếp diễn – và những cái chết sẽ vẫn còn tiếp tục…”

Duy chỉ có một điều khác biệt. Paul Bäumer may mắn hơn chúng tôi, đối phương của anh dù là người không cùng một nước, nhưng chắc chắn không tàn ác và man rợ như kẻ thù đã thắng chúng tôi, những kẻ cùng một dòng giống nhưng không hề có trái tim người.

Phạm Tín An Ninh