ĐI HỐT CỐT CHA TỪ TRẠI TÙ NGOÀI BẮC (Lê Xuân Mỹ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Di ảnh Ông Lê Xuân Điềm, Thiếu Tá Cảnh Sát, Bộ tư lệnh Cảnh Sát Sài Gòn. Ông sinh năm 1924. “Học tập cải tạo” tại K2 trại cải tạo Tân Lập, Vĩnh Phú. Mất ngày 10/2/1979 tại trại K2.

Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất Mỹ” được rút gọn theo nội dung.Ba toi_Le xuan My

***

Vượt qua bao nhiêu cửa ải khó khăn, thủ tục nhiêu khê cuối cùng chúng tôi mới cầm được tờ giấy ra thăm ba tại trại cải tạo Tân Lập, Vĩnh Phú.

Tháng 2 năm 1979, hai mẹ con ra Hà nội bằng xe lửa. Sau khi hoàn tất mọi chuẩn bị sau cùng, chúng tôi cùng người gánh hàng thuê lên tàu chợ tuyến Cao Bằng Lạng Sơn để về ga Ấm Thượng. Hành lý mang theo là hai bao tải đồ ăn gồm lương khô, thực phẩm, thuốc men, áo quần…bất kỳ cái gì cũng cần thiết cho người đang “học tập” cải tạo. Năm 1978, tôi đã thăm được ba lần đầu tiên, đã biết trước địa điểm, lại háo hức mong gặp ba, chuyến đi lần này diễn ra suông sẻ nhanh chóng hơn trước rất nhiều.

Xuống ga Ấm Thượng, vượt qua gần 30 km đường bộ, 2 lần gọi đò qua những dòng sông nước chảy xiết, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà khách K2 Tân Lập Vĩnh Phú vào lúc nửa đêm. Chuyến đi vất vả nhưng mẹ chịu đựng gian khổ và khoẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Nghĩ đến lúc gặp lại ba vào ngày mai, hai mẹ con suốt đêm thao thức không ngủ được. Nằm bó gối ở một góc phòng, trong tiếng ễnh ương rên rĩ, tôi nhìn ra bên ngoài từ khe hở của vách tre lá của nhà khách ở một vùng đất gần biên giới Việt Hoa xa xôi, và cảm nhận cái nỗi thê lương của những tháng ngày mà ba tôi, người sĩ quan tù cải tạo, đã và đang trải qua.

Tiếp chúng tôi là một tay công an khá lớn tuổi với khuôn mặt rất hình sự. Tôi đưa giấy tờ, trình bày lý do, và xin phép được gặp ba. Gã cầm giấy tờ đi vào bên trong. Độ khoảng 15 phút, gã đi ra vẫn với khuôn mặt khó đăm đăm. Gã nói: Rất tiếc không thể để hai người gặp tù nhân này được. Ông nhà đang bị kỷ luật vì vi phạm nội quy trại. Hai người có thể để thức ăn và đồ dùng lại chúng tôi sẽ chuyển cho ông. Mẹ tôi bắt đầu khóc lóc và năn nỉ. Gã một mực cương quyết lắc đầu. Mẹ tôi càng lúc càng khóc to hơn.

Càng bị từ chối, nỗi uất ức càng lớn, bà bắt đầu nằm lăn ra sàn đất. Vừa la vừa lết, vừa khóc vừa hét. Gã công an lúng túng không biết xử lý cách nào. Những người đến thăm nuôi và cả những cán bộ của các bàn bên cạnh đều hướng về phiá chúng tôi. Tình hình căng thẳng đến tai cấp chỉ huy trại. Một sĩ quan công an bước vào. Hai người thầm thì nhỏ to gì đó. Cuối cùng viên sĩ quan đến gặp chúng tôi, dịu dọng.

Thật ra chúng tôi rất muốn giúp bà nhưng quả thật hiện nay ông nhà đang bị kỹ luật bị giam ở ngoài trại cách đây rất xa. Thôi bà về đi. Tuần sau bà quay lại. Tôi sẽ cho bà gặp ưu tiên với thời gian gấp đôi bình thường. Còn bây giờ bà cứ để thức ăn và đồ dùng chúng tôi hứa sẽ đưa tận tay ông nhà, không thiếu một thứ gì.

Năn nỉ ỉ ôi cách mấy cùng không lay chuyển tên cán bộ quản giáo, tôi nghĩ chắc là hết cách. Chắc phải ở lại Hà Nội thêm một tuần. Nhìn khuôn mặt có vẽ hiền lành của viên sĩ quan công an, tôi nghĩ gã có vẻ thiệt tình. Tôi nói nhỏ với mẹ, mình vê thôi, ba bị kỷ luật. có xin cũng không được. Chịu khó về Hà Nội ngủ lây lất. Tuần sau lên lại hy vọng họ giữ lời hứa cho gặp được ba lâu hơn.

Trong khi quay lại bàn tiếp tân để làm thủ tục đưa thức ăn và đồ dùng cho ba, bỗng dưng tôi thấy một ánh mắt hơi khác lạ của một tù nhân làm nhiệm vụ đem nước chè xanh cho những người đến thăm nuôi. Để ấm nước xuống bàn, người này đi chầm chậm về phiá chòi vệ sinh sau khi ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt nhấp nháy kỳ lạ. Tôi xin phép gã cán bộ công an đi vệ sinh.

Bước vội vào phía trong vừa kịp thấy dáng khòm khòm của người tù nhân bước ra. Tôi bước vào, nhìn quanh cái chòi tiêu, tiểu được xây tạm bợ bằng lá tranh với cánh cửa tre nửa kín nửa hở. Tôi ngồi xuống và nhìn quanh vách tre lá. Tôi có linh cảm hình như người tù nhân muốn cho tôi biết một điều gì đó. Tôi cố nhìn thật kỹ. Quả đúng như linh cảm, trên góc đòn tre phía trái của cầu tiêu, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ, trên đó viết nguệch ngoạc một dòng chữ: “Ông Điềm bệnh nặng.”

Hoảng hốt tôi vội chạy ngược vào phòng tiếp tân. Dằn cơn xúc động tôi kéo mẹ ra góc phòng báo tin. Mẹ bình tĩnh và khôn ngoan hơn tôi tưởng rất nhiều. Bà quay trở lại bàn tiếp tân và nói: Xin cán bộ cho tôi ở lại đây đợi chồng tôi về chứ bây giờ vừa đi vừa về Hà Nội cũng mất hai ngày. Gã cán bộ nói láo trơn tru: Ông bị biệt giam ở nơi rất xa, phải tuần sau chúng tôi mới đưa ông nhà ra găp bà được.

Đến lúc này nỗi uất ức trong lòng mẹ tôi bùng nổ, bà khóc và la hét to hơn: “Mấy ông nói láo, tôi biết chồng tôi đau nặng, đồ sát nhân, sao không cho chúng tôi gặp. Các ông có còn là con người không?”

Đến lúc này thì mẹ tôi không còn biết sợ là gì nữa, Tất cả những oán hận chất chứa trong lòng bao lâu này được dịp thoát ra, không ai có thể ngăn được. Cả phòng khách của K2 bắt đầu nhốn nháo, ồn ào. Nhiều người bu quanh mẹ tôi lúc này đang nằm lăn lộn dưới sàn đất cứng ngắt. Gã cán bộ chạy vào trong và đi ra cùng với viên sĩ quan lúc nãy. Gã dịu giọng nói với chúng tôi: Xin bà bình tỉnh Mời bà và anh vào trong, chúng tôi sẽ giải quyết. Nói xong gã ra lệnh cho hai tay công an dìu mẹ tôi vào căn phòng phiá trong. Có lẽ không muốn những người thăm nuôi khác biết chuyện.

Căn phòng sạch sẽ hơn phòng bên ngoài nhiều. Viên sĩ quan công an nói: Bây giờ tôi xin nói thật về tình trạng của ông nhà. Thật ra ông đang bệnh và chúng tôi đang tích cực chữa chạy cho ông. Nay bà đã biết, tôi sẽ thu xếp cho bà vào gặp ông. Ông nhà đang nằm ở bệnh xá, tôi sẽ cho người dẫn ông bà đi. Xin ông bà đợi một lát. Nói xong gã bước ra, nói nhỏ gì đó với công an trực.

Gã công an bước đi thật nhanh. Khoảng 40 hay 50 phút gì đó gã trở về, bước đi gấp gáp, hấp tấp. Lại thì thầm to nhỏ với viên chỉ huy. Tôi linh cảm có chuyện không hay. Lần này viên sĩ quan trầm giọng: Thưa bà, chúng tôi vừa mới nhận được tin, mặc dù chúng tôi đã tận tình chữa trị, nhưng vì sức yếu, ông nhà vừa mất cách đây 5 phút. Chúng tôi xin chia buồn với bà. Chúng tôi sẽ đưa bà đi gặp ông lần cuối cùng.

Nghe tin dữ, mẹ tôi như điên cuồng. Bà nằm lăn ra đất. Vừa khóc vừa la. Không từ nào mà bà không đem ra. Không nhân vật nào bà không réo tên chửi. Vừa chửi vừa khóc, khóc đến khan cả giọng. Mồ hôi quyện với đất đỏ dính đầy áo quần, mặt mũi. Hết khóc rồi bắt đầu cười ngây dại. Tôi ôm mẹ không nói được nên lời. Nỗi đau quá lớn làm thần kinh tôi như tê liệt. Ôm mẹ với trái tim nhói đau như kim châm và mẹ ngất đi.

Khoảng 15 phút sau, chúng tôi được dẫn di gặp ba. Nơi ba nằm là một căn nhà nhỏ đơn sơ gọi là bệnh xá nằm sâu trong K2 cách nhà khách khoảng 30 phút đi bộ. Ba nằm trên một giường tre, thân hình gầy guộc, khuôn mặt ốm nhom như bộ xương khô. Hàm râu lổm chổm có lẽ được cắt ngắn một cách vội vàng không dài thòn như lần đầu tôi gặp.

Hình như đã hết nước mắt, mẹ không khóc yên lặng ngồi bệt xuống đất vói tay ôm lấy ba. Tôi ngồi xuống phiá bên kia. Hai mẹ con ôm choàng lấy ba. Vẫn còn hơi ấm của một cơ thể vừa mới qua đời. Mẹ vuốt mắt ba. Mắt trừng trừng nhìn ba. Hình như tôi thấy trong mắt mẹ màu đỏ của máu. Sẽ không bao giờ tôi quên được cái hình ảnh của ba và mẹ tôi trong bệnh xá trại K2 Tân Lập hôm đó. Mẹ không khóc nhưng lại ngất thêm một lần nữa khi tôi định kéo mẹ đứng lên.

Sau này qua một người bạn tù của ba, lúc mẹ con tôi đến thăm trại, đang hấp hối nhưng ba tôi biết. Lúc đó ba đã rất yếu. Ba nói ba sẽ cố gắng sống để găp mẹ một lần và ba cố gắng húp được vài muỗng cháo trắng. Những muổng cháo trắng cuối cùng trước khi ra đi mãi mãi. Giá mà tay cán bộ có một chút tình người thì có lẽ mẹ cũng được gặp ba một lần sau chót. Chỉ cần một lần mà thôi, của một cuộc tình ba mươi mấy năm. Tôi biết ba đã không đành lòng ra đi. Đành lòng sao được hả ba, khi vượt hàng ngàn cây số từ nam ra bắc, chỉ còn cách một bước chân thôi mà mẹ không thể nói với ba những lời yêu thương sau chót, để được nghe một lời trăn trối sau cùng. Tức tưởi và uất hận lắm ba. Mà thôi ba ơi. Cứ yên lòng ra đi rồi có ngày mẹ, ba và chúng con sẽ lại gặp nhau một nơi nào đó, trên thiên đàng. Chúng ta sẽ lại có những ngày tháng hạnh phúc bên nhau như thuở nào.

Để xoa dịu mẹ con chúng tôi, lần đầu tiên K2 có tổ chức một đám ma tù nhân tương đối đàng hoàng. Từ trước, đã có rất nhiều tù nhân chết ở đây. Toàn bộ được bó vào các manh chiếu mây tre rách rưới và được chon vùi sơ sài trong các mảnh đất trống bên trong trại. Ba có lẽ là người đầu tiên đưọc ưu tiên có hòm làm bằng gỗ ván thông dù rất mỏng dính. Chôn theo với ba là mấy bộ đồ rách bươm. Cũng có 4 người tù khiêng quan tài. Phía trước và phía sau có 4 công an đi cùng. Cũng có ly hương là cái chén ăn cơm cũ kỹ. Tôi cầm bài vị là một bức ảnh căn cước nhỏ xíu của ba còn sót lại trong trại. Mẹ đi sau quan tài. Đoàn đưa tang gồm 10 người lặng lẽ đi về phía một đồi trọc xa xa, phiá ngoài hàng rào trại K2. Trên đường đi, tôi để ý thấy có những gò đất với rất nhiều ngôi mộ vô danh. Nơi chôn ba là một ngọn đồi, chỉ có một cây đa thật to. Những người tù đào vội một lớp đất không sâu lắm, hòm được đặt xuống và lấp lại. Thế là xong. Ba tôi, một sĩ quan cảnh sát miền nam thua cuộc, cuối đời nằm ở đây, một vùng đất gần tận cùng biên giới Việt Hoa. Một mình, cô đơn, lạnh lẽo. Mẹ không còn nước mắt để khóc. Suốt buổi lễ cứ nhìn trừng trừng. Một khuôn mặt tưởng như vô hồn, nhưng tràn đầy oán hận. Một nỗi hận đến vô cùng. Tôi cắn chặt môi đến tươm máu. Thôi ba ơi, hãy yên nghỉ tạm nơi đây, con sẽ quay trở lại một ngày không xa. Trước khi trở về, tôi cẩn thận ghi dấu vị trí ngôi mộ với một chữ thập ghép bằng hai nhánh tre và khắc tên ba trên gốc cây to trước mộ. Hai năm sau, thương ba nằm một mình hiu quạnh, mẹ con tôi trở ra lại trại Tân Lập cùng với một người đảo mộ thuê từ Hà Nội. Không xin được giấy phép bốc mộ, nửa đêm chúng tôi đã lén lút đào chui và trải qua những giờ phút gian truân, nguy hiểm. Cuối cùng chúng tôi cũng đem ba về nằm bên cạnh ôn mệ trong mảnh đất phía sau nhà, dưới chân núi Ngự Bình Huế. Từ khi đem được ba về nằm ấm cúng bên cạnh những người thân yêu, cuộc sống của gia đình tôi từng bước thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Có quá nhiều cái tình cờ, may mắn mà dù không muốn tin, tôi cũng phải tin có sự che chở của ba, có sự sắp đặt của ơn trên. Và nhờ đó gia đình mẹ và 9 anh em chúng tôi vượt qua được những ngày tháng khó khăn, tủi nhục, đen tối để đến cuối năm 1998 toàn bộ gia đình đoàn tụ trên miền đất thật xa quê nhà nhưng tự do này. Là những người cuối cùng trong đại gia đình qua Mỹ theo diện đoàn tụ, vợ chồng chúng tôi cùng 3 con nhỏ về sống tại thành phố nhỏ Tulsa thuộc tiểu bang Oklahoma. Vào cuối năm 1998, khi chúng tôi mới đến cư ngụ, Tulsa là một thành phố hiền hoà nhưng cũng thật buồn và trầm lắng. Người Việt không nhiều, nhưng may mắn cũng có một vài chợ Việt Nam, một vài quán ăn người Việt, không ngon lắm nhưng cũng làm vơi đi nỗi nhớ nhà của những đứa con mới vừa lưu lạc. Lúc vừa mới đến, thấy gia đình 5 người chưa có công việc làm, mấy người bạn đề nghị chúng tôi đi xin housing và chế độ trợ giúp cho người low income. Vào thời đó ở cái thành phố đất rộng người ít này, việc xin trợ cấp của chính phủ tương đối dể dàng. Ai cũng khuyên vì với tuổi đời gần 50, một vợ và 3 con còn nhỏ, tội gì phải đi làm cho vất vả, ở nhà của chính phủ, con cái có nhà nước lo, sáng kéo nhau ra quán cafe, chiều tập trung tại một nơi nào đó cùng với bạn bè, xem đánh cờ và ngồi tám chuyện ngày xưa. Vừa nhàn, vừa có tiền tội gì phải vất vả mưu sinh. Đâu phải ai cũng có điều kiện để xin được trợ cấp như gia đình tôi đâu. Nhưng đó không phải là con đường của tôi sẽ đi. Đứa con của một sĩ quan tù cải tạo chết ở biên giới Việt Hoa ngày nào sẽ không thể sống như thế. Thế là, sau thời gian đầu chuẩn bị cho những việc cần thiết, lấy bằng lái xe, ở tạm nhà người em gái, chúng tôi bắt đầu cho một cuộc sống mới trên một miền đất xa lạ này. Vợ tôi xin vào làm phụ bếp trong một nhà hàng Việt Nam. Tôi và đứa con đầu nhờ có bằng TOEFL nên đăng ký đi học đại học trở lại. Ngoài giờ học, cháu đi làm thêm công việc phục vụ nhà hàng, tôi nhờ có chút tay nghề sửa máy tính và tivi, xin vào làm technician cho hãng bán máy móc điện tử COMPUSA. Hai con nhỏ đi học ở trường gần nhà. Tiền lương không cao lắm, nhưng với vật giá không đắt đỏ và con người hiền hoà của một thành phố nơi nhà thờ nhiều hơn nhà dân này, chúng tôi đã có những bước khởi đầu hội nhập không quá đỗi khó khăn. Và quan trọng là tôi được đoàn tụ với mẹ, các em, và cùng với gia đình riêng, chúng tôi đã sống không giàu có, nhưng lương thiện, đầy đủ và tự do. Có quá nhiều điều để kể về những ngày tháng trên một miền đất không phải là nơi tôi sinh ra này, hy vọng sẽ có trong một bài viết khác, ở đây tôi chỉ muốn nói đến những mối nhân duyên mà ông trời đã sắp đặt liên quan đến câu chuyện của ba tôi, người sĩ quan tù cải tạo chết tại trại K2 Tân Lập Vĩnh Phú tháng Hai năm 1979. Cuộc sống ở Tulsa phải nói là rất dể chịu và an bình. Với sự tằn tiện và chịu thương chịu khó, chúng tôi cũng mua trả góp được một căn nhà nhỏ, tạm đủ cho một gia đình 5 người, những ngày tháng an bình và hạnh phúc. Nhưng rồi năm 2000, sau khi lấy lại bằng đại học, tôi xin được việc làm tại KLA-TENCOR ở San Jose, Ca. Nghe tôi định di chuyển về San Jose, bạn bè, người thân ai cũng bàn ra. Thứ nhất tôi đang sống an nhàn, mọi việc ồn định, lên San Jose, tuy lương cao hơn, nhưng nhà cửa, cuộc sống đắt đỏ, lạ lẫm, chắc chắn sẽ khó khăn vất vả hơn nhiều. Làm lại từ đầu, có trụ nổi không hay lại khăn gói trở về như một số người ở bên này. Nhưng, với tôi, quan trọng không phải là đồng lương cao thấp, đường đi dễ dàng hay vất vả, bằng phẳng hay gập ghềnh, mà là một công việc phù hợp với cái kiến thức và cái khả năng được đào tạo của mình, trong một ngành nghề mình yêu thích. Thế là gia đình nhỏ, 5 người chúng tôi một lần nữa khăn gói đi về một thành phố xa lạ hơn, một nơi được xem như đắt đỏ vào bậc nhất nước Mỹ để kiếm sống. Cho đến bây giờ trải qua gần 20 năm, với biết bao thăng trầm, thời gian, với tôi, thời gian ở San Jose vẫn là một quãng đời đáng sống. Có nhiều điều để nhớ lại, nhưng trong phạm vi bài viết, tôi muốn nhắc đến, chính là cái duyên, cái tình cờ sắp đặt của thượng đế, của định mệnh khi chính tại miền đất này, tôi đã gặp lại hình bóng của người cha thương yêu. Đầu năm 2001, khi tôi đang làm tại KLA-TENCOR, lúc đó nhà cửa rất là hot. Tôi tìm mãi mới thuê được căn nhà 4 phòng ngủ. Giá thuê không hề rẻ, 1800USD một tháng. Trả tiền nhà rất vất vả khó khan, mất toi ½ số tiền lương hàng tháng. Chúng tôi quyết định tìm người cho share lại bớt một phòng. Đúng lúc có một technician mới vào làm trong dây chuyền của tôi mới được tuyển vào làm việc, cần nơi ở. Thế là thoả thuận về ở chung. Vừa tiện đi làm chung xe, vừa sẽ chia tổn phí, tiện lợi đôi bề. Ở một thời gian, làm chung với nhau cả năm, trong một dịp tình cờ khi nhờ ông bạn share phòng cắt tóc giùm, qua cuộc nói chuyện, phát hiện ra ông bạn cùng nhà mấy lâu nay củng là một sĩ quan từng đi “học tập cải tạo”. – Anh đi tù ở đâu? – Tân Lập, Vĩnh Phú – K mấy? – K2. Biết ông Điềm không? – Biết quá đi chứ. Thế đó. Quá bất ngờ hơn, khi người share phòng bấy lâu lại chính là người đã đưa cho tôi mảnh giấy báo tin ba tôi đau nặng tại phòng thăm nuôi K2 trại cải tạo Tân Lập ngày nào. Không thể nói hết sự kỳ diệu của định mệnh, khi sau 22 năm ngày mất, một sĩ quan tù binh cải tạo gặp lại người con của một bạn tù trên một đất nước quá xa vùng đất biên giới xa xôi. Không diệu kỳ sao được, khi trong hàng triệu người Việt lưu lạc, có mặt trên hàng chục quốc gia, sống trên hơn 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, tôi gặp lại đúng một người duy nhất đã đút cho ba tôi những muỗng cháo trắng cuối cùng trước lúc lâm chung. Người đã sống với ba trong những tháng ngày bi thảm đó. Một trong 4 người bạn tù khiêng cha tôi về miền đất lạnh Từ xưng anh, từ đó tôi gọi là chú, chú L. Hai chú cháu có những đêm thức trắng để kể chuyện về ba tôi. Chú là người báo cho ba tôi biết hai mẹ con chúng tôi đang đợi chờ mỏi mòn tại phòng thăm nuôi. Duy nhất, chú là người bên ba để chứng kiến những giọt nước mắt cuối cùng tức tưởi của một người đang hấp hối. Chú là người duy nhất nhìn thấy cặp mắt mong đợi mỏi mòn của ba. Dù chỉ gần nhau trong gang tấc, trước khi ra đi vẫn không thể nhìn nhau một lời sau cuối. Cám ơn chú L. Người bạn tù của ba tôi, ân nhân không bao giờ quên được của tôi. Sau khi nghỉ hưu, chú về ở với con gái nghe đâu ở tiểu bang Minnesota xa xôi. Chưa một lần chúng tôi gặp lại nhau. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, cháu cũng cầu mong chú và những người thân yêu thật nhiều may mắn và bình an. Và tôi tin rằng ở một nơi nào đó thật xa xôi, ba vẫn luôn dõi theo và che chở cho gia đình chú cũng như cho mẹ con chúng tôi. Nếu có một kiếp sau, con vẫn sẽ là con của ba, người tù cải tạo chết ở miền đất biên giới Việt Trung, ngày 10 tháng 2 năm 1979. Lê Xuân MyTác giả: Lê Xuân Mỹ Bài số: 5718-20-31525-vb6062119

ĐI HỐT CỐT CHA TỪ TRẠI TÙ NGOÀI BẮC

Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Sau năm 1975, là con của một sĩ quan tù “cải tạo”, ông đã góp 2 bài viết kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa, sau đó cùng mẹ đến chứng kiến cái chết của người cha trong trại tù. Bài mới nhất là chuyện tác giả đưa mẹ đi lấy xương cốt người cha, bằng cách trở lại trại tù bốc mộ trộm.

Ngày đưa ba đi trình diện học tập dành cho “sĩ quan nguỵ quân” tại trường Chu Văn An năm 1975, là khoảnh khắc cuối cùng mẹ nhìn thấy mặt ba còn sống. Chuyến đi tưởng chỉ 10 ngày trở thành 2 năm 6 tháng chia lìa và xa nhau mãi mãi. Mỏi mòn chờ đợi để cuối cùng chỉ được ôm xác người chồng yêu thương lần cuối cùng ở một trại cải tạo ngút ngàn tận cùng biên giới Việt Trung.

Tháng hai năm 1979, trở về Sài Gòn sau khi để lại ba nằm hiu quạnh trong trại cải tạo Tân Lập Vĩnh Phú, mẹ trở thành một người hoàn toàn khác hẳn. Cái tính cứng cỏi ngày xưa của mẹ giờ thêm lòng căm thù và nỗi đau mất chồng khiến mẹ trở nên điên dại. Đã có những tháng ngày mẹ không thiết tha gia đình, lang thang từ nhà ra chợ. Câu chuyện mất chồng của mẹ lan truyền nhanh chóng trong khu xóm đường Lam Sơn với toàn gia đình sĩ quan chế độ cũ. Lan truyền đến tận cái chợ nhỏ Cây Quéo cuối con đường Hoàng Hoa Thám quận Bình Thạnh. Ai cũng biết câu chuyện người đàn bà Huế mất chồng trong trại cải tạo.

Cuộc sống gian khổ, nỗi nhớ chồng quay quắt làm mẹ ngày một gầy guộc đi. Đã không còn là người đàn bà trắng trẻo mập mạp phúc hậu của khu phố sĩ quan ngày nào. Ban ngày chỉ là tạm quên, đêm về là những giây phút mẹ nhớ đến cái lặng lẽ cô độc của ba nơi miền đất phía Bắc xa xôi. Nhớ đến cặp mắt chưa kịp khép của ba trong ngày gặp mặt. Mẹ cứ hay bảo, không biết ba mày có đói hay không, áo quần có lành lặn hay không, có ai hành hạ ba mày hay không. Rồi mẹ lại khóc và mẹ lại nhớ đến cái khuôn mặt hốc hác, tiều tuỵ ngày ba qua đời. Nhớ đến hàm râu dài lưa thưa, cái thân hình gầy guộc và cái áo cũ rách nát tả tơi. Có những đêm ngồi bên cửa sổ nhìn ra khoảng tối mênh mông, mẹ lặng lẽ khóc nức nở một mình.

Những tháng năm sau đó với mẹ con tôi, thời gian qua thật dài. Không biết làm gì để an ủi mẹ ngoài chuyện cùng mẹ thay ba lo cho những đứa em còn nhỏ dại. Ngoài giờ làm việc tại Bưu Điện, vợ chồng tôi phụ me, làm đủ thứ nghề để sinh sống. Bán quần áo cũ tại chợ trời, làm bánh đậu xanh, nuôi gà trong phòng ngủ, nuôi heo trong cầu tiêu để chỉ thật mong đến ngày đủ sức đem ba trở lại quê nhà.

Cùng với những vất vả lo toan cho cuộc sống, qua thời gian, mẹ và chúng tôi phải làm quen những ngày tháng không có ba. Các em vẫn hằng ngày cắp sách đến trường. Vợ chồng chúng tôi đã có đứa con đầu tiên. Đứa cháu ra đời chưa bao giờ thấy được ông nội bằng xương bằng thịt. Mỗi khi nhìn con tôi lại nhớ đến ba. Cháu bao nhiêu tuổi, bấy nhiêu năm ba rời xa chúng tôi.

Có những ngày ăn bo bo thay cơm. Có những ngày liên tiếp không có gạo chỉ có bột mì. (Thời đó tại Sài Gòn chúng tôi phải làm quen với chế độ tem phiếu như ngoài Bắc). Tùy theo lúc, theo số người trong gia đình, có khi được cấp gạo, có khi nhận toàn bột mì, cũng có khi cả tuần nhận toàn bo bo. Mẹ xoay xở chế biến thành đủ thứ món ăn bằng bột mì cho đỡ ngán. Dù sao thì cũng không thể gian khổ bằng ba trong những ngày tù miền Bắc. Tôi tự an ủi như vậy để sống. Mẹ bề ngoài rất can trường nhưng trong lòng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về ba. Mẹ lúc nào cũng ao ước đem được ba về. Hết than ngắn lại thở dài.

Thường phải qua 3 năm, mới có thể dời mộ nhưng chỉ mới chưa đầy 3 năm, thương mẹ mỏi mòn trông đợi, tôi cùng mẹ xin giấy phép ra Bắc đem xác ba về.

Dĩ nhiên mọi chuyện không dễ dàng. Thời đó làm gì có cái loại giấy phép ra trại cải tạo để đem xác chồng. Lên phường xin đại cái giấy phép ra thăm ông chú còn ở lại ngoài Bắc. Cứ ra Hà Nội cái đã mọi chuyện tính sau.
Thế là sáng ngày 15 tháng 8 năm 1981, hai mẹ con khăn gói lên tàu hoả “thống nhất”, miền Bắc trực chỉ. Ở lại nhà chú một đêm, hôm sau cùng với ông Tiến, người chuyên bốc mộ thuê do chú giới thiệu, ba chúng tôi lại lên tàu chợ Hà Nội – Vĩnh Phú tiếp tục cuộc hành trình. So với 2 lần đi thăm ba những năm về trước, chuyến đi này tương đối dễ dàng hơn. Hành lý của hai mẹ con chỉ là một cái xách tay nhỏ đựng vài bộ áo quần và một ít thức ăn khô, duy chỉ có ông Tiến là lỉnh kỉnh cuốc xẻng, mấy cái bị lác và mấy chai dầu hồi, ông bảo dùng để rửa xương.

Tướng người ông Tiến đen đúa khắc khổ nhưng nhanh nhen và vui tính. Cái giọng bắc 75 mới đầu hơi khó nghe, rồi cũng quen dần. Chuyến đi có thêm người đào mộ thuê cũng nhờ thế làm thời gian trôi qua nhanh hơn. Ông làm cái nghề này cũng đã mấy mươi năm sau cái ngày cởi bỏ áo quần bộ đội. Ai cần đào mộ là có mặt ông. Thường bốc xác lên đem đi chôn chỗ khác, cũng có khi đem đi thiêu.

Miền Bắc hồi đó có rất nhiều những ngôi mộ vô danh nằm lẫn trong các ruộng vườn. Người ta nhờ ông. Ông lại có thêm công việc tìm kiếm, đào xới, dọn dẹp và đem vào các hố chôn tập thể. Hay có khi chỉ cần tẩm dầu và đốt. Ông kể, công việc tuy vất vả nhưng cứ có hoài. Tiền thì không bao nhiêu vì dân ở đây thường rất nghèo, nhưng cũng đủ sống qua ngày.

Ông lão chép miệng. 30 năm đi lính, chỉ biết đánh nhau, xuất ngũ không có tay nghề, làm cái việc suốt ngày bên các xác chết ít người chịu được, cũng ít gian khổ hơn thời chiến tranh. Ông nói thêm, đây là lần đầu tiên có người trong Nam ra nhờ ông, lại là đào mộ của người học tập cải tạo. Tôi hỏi, người chết là sĩ quan miền Nam, sao ông vẫn nhận. Ông lão chép miệng, cũng là con người cả. Ai chết rồi cũng như nhau, hận thù gì nữa. Mà thật ra tôi có thù hận ai đâu. Ngày xưa đi lính, bảo bắn thì tôi bắn, không bắn thì chết sao ông.

Lần đầu tiên trên một miền đất với tôi chỉ là thù hận, tôi thấy một cảm giác an toàn..

Từ sáng sớm ba người chúng tôi lên ga Hàng Cỏ và đến tối thì chúng tôi đến trại K2. Sáng hôm sau chúng tôi gặp cán bộ trại xin đào lấy xác ba đem về chôn tại quê nhà và như dự đoán bị từ chối ngay. Lý do phải có giấy cho phép của cấp trên. Thời gian chờ đợi ít nhất cũng phải trên ba tháng. Hơn nữa, tay cán bộ trại giam nói thêm, ông nhà chết chưa quá ba năm chắc cấp trên không cho đâu.

Không còn cách nào khác, không lẽ lặn lội mấy ngàn cây số ra đây rồi về tay không, chúng tôi quyết định đi bốc mộ trộm. Đến lúc này mỗi khi nhớ lại tối hôm đó tôi vẫn còn rùng mình. Tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại quyết định liều lĩnh như vậy. Đào mộ chui, chết hoặc ở tù như chơi. Có lẽ phần vì còn trẻ liều lĩnh, phần thương ba, thương mẹ và một phần do sự khuyến khích của người đào mộ thuê. Cũng may là ngôi mộ của ba nằm ngoài vòng đai trại cải tạo, nếu không ai biết trước việc gì sẽ xảy ra cho chúng tôi.

Đêm đó đợi lúc trời chạng vạng tối, trời mưa lất phất, 3 người chúng tôi đi đến khu rừng có mộ ba. Tôi vẫn nhớ rất rõ đường đi. Cũng không xa lắm vành đai trại và cũng chỉ một con đường đất nhỏ hẹp.
Vẫn không thay đổi gì nhiều, chỉ khác là cỏ mọc um tùm hơn. Cây thánh giá trước mộ vẫn còn đó, xiêu vẹo. Dấu khắc tên ba trên cây vẫn còn dù thời gian có làm mờ đi. Và cũng chỉ duy nhất một mình ngôi mộ của ba nằm ở đó, lạnh lẽo, hiu quạnh. Chung quanh không có ngôi mộ nào khác. Có lẽ chỉ một mình ba tôi là có thân nhân đến tiễn đưa khi chết, nên được chôn nơi đây. Những người khác chắc chỉ được bó chiếu, nằm chung nhau trong một ngôi mộ tập thể vô danh nào đó.

Chúng tôi bắt đầu công việc đào đất trong cái ánh đèn cầy leo lét. Người đào mộ làm việc chuyên nghiệp và nhanh thoăn thoắt. Lớp đất xốp có lẽ được lấp vội vàng nên công việc đào xới cũng dễ dàng. Rồi cũng đến lúc chạm đến cái nắp hòm củ kỹ mục nát. Nén xúc động, tôi mở nắp quan tài. Ba nằm đó, bộ xương còn nguyên vẹn với một phần da thịt và tóc chưa phân hủy hết.

Chúng tôi nhặt xương ba lên theo thứ tự đầu, giữa, chân, tay, bên phải bên trái. Mẹ nức nở nhưng không dám khóc to. Mẹ vừa khóc vừa rửa xương ba bằng chai nước cánh hồi, sau đó chúng tôi phụ nhau bỏ vào hai xách tay bằng lác mang theo. Một bao tôi xách gồm phần đầu và phần tay chân bên trái. Bao lác của mẹ gồm xương sống và phần tay chân bên phải. Người đào mộ dặn phải làm như thế để khi về đem chôn trở lại, ba mới siêu thoát với hình hài còn nguyên vẹn chân tay.

Chúng tôi lặng lẽ vượt gần 30 cây số lên đường trở ra ga Ấm Thượng ngay trong đêm. Cũng phải vượt qua hai con sông nước chảy xiết, qua những con đường đất quanh co, và những ngôi nhà leo lét ánh đèn. Không một bóng người. Tiễn chúng tôi chỉ là những tiếng côn trùng ếch nhái và những giọt mưa phùn lành lạnh.

Vừa đi vừa cầu nguyện. Rồi cũng suông sẻ ra đến ga Ấm Thượng khi trời tờ mờ sáng. Kịp đón chuyến tàu về đến ga Hàng Cỏ Hà Nội thì cũng đã xế chiều. Mệt lả người vì thiếu ăn và thiếu ngủ nhưng chúng tôi rất vui vì đã đem ba về an toàn.

Chia tay người bốc mộ ngay tại sân ga, bấy giờ tôi mới cảm thấy đói. Hai mẹ con ngồi tựa cột đèn nhà ga, mỗi người ôm chặt một bị lác chứa xương người. Chúng tôi chia nhau ăn ổ bánh mì dai nhách, uống ly chè xanh đắng chát, nhưng thật ngon lành.

Đêm lạnh, hai mẹ con chúng tôi ngồi bên nhau, cô độc ngay trong cái sân ga đông kịt người. Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa mãi mãi với tôi vẫn là nơi vô cùng xa lạ và không bao giờ muốn quay về.

Đang nằm thiu thiu ngủ bỗng dưng tôi thấy tay mình nhẹ tưng, bừng tỉnh cũng là lúc tôi thấy một bóng người phóng qua mình tôi về phía trái. Ôi cái bị lác của tôi. Tôi phóng người đuổi theo, vừa chạy vừa la: xương người, xương người. Đứa bé ăn trộm bị tôi đuổi kịp quăng bị lác xuống đất chạy vào bóng đêm mất dạng. Tôi lượm bị lác lên và ôm chặt vào lòng. Đêm đó hai mẹ con lại ngồi tựa cột đèn, thức trắng. Lại một đêm thật dài, dài đến vô cùng.

Trời mới tờ mờ sáng, chúng tôi lên chuyến tàu sớm đầu tiên xuôi Nam và đến ga Huế vào nửa đêm.

Nhà ông bà ngoại tôi nằm dưới chân núi Ngự Bình, cách lăng Thành Thái không bao xa. Ngôi nhà cổ với sân vườn sau là các ngôi mộ của gia tộc bên ngoại. Về nhà quá khuya nhưng đã có rất đông họ hàng, các em cùng vợ con tôi từ Đà Nẵng về cả ngày hôm trước. Có cả ông Cặn hàng xóm, người chuyên môn lo về cúng kiếng với hòm rương nhang đèn đầy đủ.

Đám ma của ba tôi được tổ chức đơn giản nhưng với đầy đủ thủ tục lễ nghĩa như với một người vừa mới qua đời. Xương của ba được sắp xếp lại theo thứ tự tay chân trái phải và đưọc đặt vào quan tài cùng với các đồ dùng còn sót lại của những ngày trong trại cải tạo. Không thể mặc cho ba manh áo mới lành lặn, mẹ xếp ngay ngắn bên cạnh.

Bà con hàng xóm láng giềng khu vực An Lăng có mặt thật đông. Hôm đó mẹ đã khóc ngất đi nhiều lần mặc dầu ba qua đời đã lâu. Dù sao mẹ cũng đã mãn nguyện thực hiện được ước muốn từ bao năm qua: đưa được ba về, nằm ấm cúng trong mảnh vườn nhỏ gia tộc bên cạnh ôn mệ, họ hàng. Hôm đó tôi đã khấn trước mộ ba: Ba ơi, hãy yên nghỉ, chúng con luôn thương nhớ ba. Con sẽ thay ba lo cho mẹ và các em. Ba có linh thiêng xin phù hộ cho mẹ và cho chúng con.

Tôi tin là có một thế giới, nơi ba đang sống, thật gần với chúng tôi, luôn theo dõi phù hộ chúng tôi, trong những ngày đen tối còn lại tại quê nhà và những tháng năm lưu lạc trên quê người.

Đã 40 năm sau ngày ba mất, đại gia đình chúng tôi, một mẹ và 9 người con vẫn đang thật bình yên trên xứ Mỹ này. Mỗi năm chúng tôi đều thay phiên về thăm ba. Ngôi mộ được chăm sóc có sạch sẽ bởi một người bà con còn ở lại. Chỉ riêng tôi, hơn 20 năm qua vẫn chưa một lần trở lại. Chắc ba cũng hiểu, nỗi đau vẫn còn mãi trong tôi. Đã có những khó khăn, đã có những vất vả trên quê hương thứ hai này, nhưng mẹ và anh em chúng tôi đều kiên cường vượt qua để sống một cách lương thiện.

Dù mẹ đã lúc quên lúc nhớ nhưng tôi vẫn luôn tin rằng hình bóng của ba vẫn luôn còn mãi trong tận cùng trái tim của mẹ. Mẹ không nói, nhưng chắc vẫn nhớ nhiều điều trong quá khứ, nhất là cái ngày hai mẹ con mình đi nhặt lại xác cha, phải không mẹ của con.

Viết trong ngày Vu Lan 2019

Lê Xuân Mỹ