ĐỆ TỨ KHOÁI (Peter Chánh Trần # Lúa Mười)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Có ai không biết “tứ khoái” của đời người là gì không vậy? Có ai không biết cái câu tục ngữ “nhất quận công, nhì ỉa đồng” không? Đó! Đệ tứ khoái là nó đó!
Trong “tứ khoái”, thì có ba cái khoái là nhu cầu sinh tồn của loài người, nghĩa là thiếu nó, chết chắc. Ăn, ngủ, ỉa, thứ nào thiếu hay bị trục trặc cũng chết dở. Cái khoái thứ ba thì chỉ thuần tuý là khoái, nghĩa là có càng tốt, không có cũng không sao. Nhìn các vị chân tu, chỉ chân tu thôi nghen, còn mấy cha nội “quốc doanh” thì không bảo đảm, họ cả đời không biết mùi “xác thịt”, không biết chịch choạc là gì, nhưng họ vẫn sống hùng, sống mạnh, và sống tràn trề hạnh phúc.
Hôm nay tui phá lệ: Đem cái đít gắn lên đầu, viết kết luận trước khi viết tào lao dông dài. Ai thắc mắc tại sao tôi dám kết luận như vậy, thì chịu khó mần mò, đọc hết thì biết thôi.
Kết luận vầy: Nếu tui là cái ông có cái đầu bất thường, “ăn, ngủ, đ…, ỉa” gì cũng nghiêng 45 độ về bên tay phải của ổng, tui sẽ dùng tiền thuế của dân để xây cầu tiêu công cộng, khắp hang cùng ngõ hẻm, chớ không làm chuyện tào lao, vô bổ: xây tượng đài. Còn đứa nào khiếu nại: “không có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi”, thì tui sẽ bắt phạt viết 1000 lần cái câu “không có cầu tiêu cho dân ỉa là một thiệt thòi cho cả nước”, rồi lấy kim may hậu môn hắn lại, cho hắn chết dần chết mòn, chết một cách vô cùng đau khổ, coi cái thiệt thòi nào lớn hơn cái thiệt thòi nào!
Tôi không thích dùng từ ngữ thô tục. Nhưng có khi phải dùng, vì xài những từ đồng nghĩa, hay nói bóng nói gió, nó không lột tả hết điều mình muốn diễn đạt. Vì vậy, thay vì viết “đại tiện, làm chuyện đại sự, đi vệ sinh, đi bỏ phiếu, bị tào tháo rượt,…”, tui chỉ ngắn gọn chữ “ỉa”, y chang như cách dùng chữ rất bình dân, rất gợi hình, rất gần gũi, của cái câu “nhứt quận công, nhì ỉa đồng” ở trên. OK?
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Mệt nghỉ. Chán nghỉ. Tui viết tới mệt cũng nghỉ.
Có khi nào bạn đang ngồi dự tiệc tùng, hay ngồi trong một buổi họp quan trọng, chung quanh toàn những nhân vật tai to mặt bự mà bạn mắc ỉa đến không thể nhịn nổi không? Có khi nào bạn đang lái xe ào ào, tự dưng thấy ruột sôi rồ rồ và có cảm giác chỉ cần một một tích tắc phù du, nếu không kịp mở “cửa hậu” cho nó thoát, thì tai nạn sẽ xảy ra liền không? Có khi nào đứng trước mặt ai đó, mà mặt bạn đỏ lên, vận hết nội công, hít một hơi dài vô tận, để đưa chân khí từ miệng xuống đan điền, đến tận ngã ba đường cái, đến gần ngay cái cửa hậu, rồi dồn hết công lực vô mấy cái cơ vòng dùng để đóng và mở cửa, mà bạn gần như bất lực, sắp chịu thua không? Có khi nào bạn phải ráng gồng người, khép hai chân chặt vào nhau, đi mà không dám dạng chân, hay không dám bước dài, vì sợ cái sức tống như vũ bão, như phi thuyền cất cánh, sẽ bắn đại cái của nợ ra quần không?… Còn nhiều câu hỏi, và nhiều cảnh “trái ngang”, dở khóc dở cười lắm. Bạn tự nhớ và tự đỏ mặt mình ên đi! Đời người khó ai tránh khỏi. Chối hay nhận, cũng vậy thôi.
Tôi nhớ như in hình ảnh vô cùng đau khổ của cha tôi, ngày ông từ quê, ra Cần Thơ thăm thằng con đi học xa. Ông già dẫn thằng con đi ăn, rồi đi mua vải may quần tây và sắm ít đồ cần thiết cho thằng nhỏ. Hai cha con đang vui vẻ, tự dưng ông già nói:
– Con biết ở đâu có cầu tiêu hong? Cha không nhịn được nữa rồi.
Trường tui học dĩ nhiên là có cầu tiêu máy, có bàn ngồi, bồn giựt nước, sach sẽ, nhưng khá xa để quay về. Cầu tiêu công cộng thì có một cái, nằm cặp bờ sông, trên đường từ bến Ninh Kiều về hướng Cầu Xéo. Lâu quá tui quên tên đường và ở khúc nào. Còn một nơi nữa tôi biết, là bên trong bịnh viện đa khoa Thủ Khoa Nghĩa, góc đại lộ Hoà Bình và đường Tự Đức. Chỗ này gần nhứt. Tôi gợi ý, và cha tôi kêu xe lôi đổi hướng, quay về đó. Tôi thấy cha tôi mặt mày cứ nhăn nhó, rồi từ màu hồng, biến sang tái tái. Tôi biết cha tôi đã vận hết sức để kềm chế. Tôi động viên:
– Cha ráng một chút. Sắp tới rồi.
Nếu không có nhà thương Thủ Khoa Nghĩa gần đó, thì chuyện gì sẽ xảy ra. Ai cũng biết. Kể chuyện này cũng chẳng có gì là xấu hổ, vì đó là một nhu cầu cần thiết, hết sức chính đáng, xảy ra hằng ngày, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, cho tất cả mọi người, chớ không riêng gì cha tôi. Tổng Thống, Nữ Hoàng, Triết gia, Khoa học gia, Giáo chủ, ông lú, ông niễng, ông thiến heo, thím ngân, người đui, người què, hay kẻ cùng đinh vô danh tiểu tốt đều phải ỉa! Không ỉa bình thường mỗi ngày, thì cách một ngày cũng phải giải quyết. Bí ỉa là thúi ruột, chết chắc!
Tôi nhớ và thương cha tôi phải chiến đấu vô cùng gay go với cái chuyện xem ra lãng xẹt như vậy. Từ ngày đó, tui “rút sợi dây kinh nghiệm”: Tôi phải tập thói quen đi cầu mỗi buổi sáng. Đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh. Hơn năm mươi năm qua, bất kể nắng mưa, nóng lạnh, ngày nào cũng vậy, riết thành thói quen. Làm xong bổn phận và trách nhiệm với cơ thể mình, thì cả ngày không cần lo nữa. Đi đâu, đi bao xa, bao lâu, không cần phải nghĩ đến chuyện vận công đến đỏ mặt tía tai, tìm nhà vệ sinh, luýnh quýnh như “gà mắc đẻ”!
Cẩn thận vậy, lo xa vậy, nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Hôm nay trên đường đưa hai đứa cháu đi học về, tự nhiên cái ruột nổi chứng! Trời ơi! Đau quặn thắt! Đau như ai trộn dấm xé phay! Đau tới mức chỉ còn 5 phút là tới nhà, nhưng không thể nhịn nổi. Không thấy trạm xăng, cũng không thấy nhà hàng nào cả! May quá, trước mặt là một công viên. Tấp xe vô, chạy cái rẹt vô nhà vệ sinh công cộng. Sau năm phút, mặt mày tươi rói, yêu đời, yêu người trở lại. Thanks God!
Nhà vệ sinh ở xứ Mỹ nầy có khắp mọi nơi. Cây xăng, nhà hàng, công viên là ba nơi chắc chắn có. Thường thì ở nhà hàng lúc nào cũng sạch sẽ hơn ở cây xăng hay công viên. Dù ở đâu, họ cũng để sẵn giấy vệ sinh và giấy lau tay. Trừ ở công viên, những nơi khác còn có thêm giấy lót bàn cầu cho mình ngồi, để tránh việc lây lan ghẻ lác của người khác. Bạn ghé bất cứ nhà hàng nào, như Mc Donald, Taco Bell, Danny’s, Burger King,… dù là cơ sở tư nhân, bạn cứ tự nhiên sử dụng toilet mà không cần phải mua bất cứ thứ gì của họ. Đi vô shopping mall hay những tiệm lớn như Costco, Home Depot, Lowe’s,… toilet cũng vô cùng “khang trang”, xài thoải mái, tự nhiên.
Ở công viên, ngoài toilet ra, họ còn có để bọc nylon cho những người dẫn chó đi bộ mà quên mang bọc theo. Người Mỹ ý thức rất cao. Khi dẫn chó đi bộ, lúc nào cũng mang theo bọc để hốt phân nếu chó lỡ phóng uế. Tới con chó cũng được chính phủ Mỹ lo cho! Mỹ thôi nghen. Tôi nghe nói kinh đô ánh sáng Paris, đường phố đầy cứt chó! Ai từng tới đó, hay có ở Paris, xác nhận dùm điều này nhe.
Các nước Âu Châu tuy cũng văn minh tiến bộ, nhưng về mặt nhà vệ sinh thì thua xa xứ Mỹ. Nghe nói đi Âu Châu, lúc nào cũng phải thủ tiền lẻ để đi nhà vệ sinh công cộng, chớ không có free như ở Mỹ. Nghe nói, vô restaurant, muốn dùng cầu tiêu của họ, phải là thực khách, phải mua món gì đó, thì họ mới cho xài. Đó là những xứ sở phát triển rất sớm, nhà cửa chật chội, cơ sở kinh doanh không hiện đại như Mỹ, và dĩ nhiên nhà vệ sinh không phải là ưu tiên bắt buộc phải có. Dù sao, có nhà vệ sinh, tuy không nhiều, không “sang trọng”, và phải trả tiền, thì vẫn hơn là không có.
VN thì sao? Tôi kể nghe chơi thêm một chuyện có thiệt nữa. Ông bà bạn thân, dẫn đứa con gái chín mười tuổi về VN thăm quê hương. Về miền tây. Thời đó nhà nào cũng có ao cá dồ (dồ dễ nói hơn vồ nghen). Đi cầu cá dồ là một chuyện hết sức bình thường ở quê. Già trẻ trai gái gì cũng tỉnh bơ “lên TV”! Ngồi trong cầu chỉ ló nửa thân người, từ ngực trở lên, giống như xướng ngôn viên đang ngồi nói tin tức trên TV! Một người quen dí dỏm giải thích vậy. Ông đi qua bà đi lại, ai nhìn, ai ngắm, kệ bà họ, ta cứ tự nhiên thả bom! Đứa con gái quen xài nhà vệ sinh kín cổng cao tường, sạch sẽ, rất riêng tư, nên không cách nào có thể xài cầu cá dồ. Chưa nói tới khi bước lên cái cầu tre lắt lẽo đó, sợ vỡ mật, vì có thể lỡ trợt chân nhào xuống hầm, làm mồi cho cá dồ luôn! Đúng một tuần, hai vợ chồng phải bỏ quê ra tỉnh, ở khách sạn, và lo quay về Mỹ, vì sợ con gái bị “thúi ruột”! Chuyện thiệt trăm phần trăm. Xạo chết liền!
Ở thành phố thì sao? Nhà vệ sinh ở đâu mà tìm cho ra? Hơn bốn mươi năm trước rất hiếm. Bây giờ vũ như cẩn! Khi cần giải quyết cái nhu cầu cần thiết và cấp bách đó thì phải làm sao? Du khách nước ngoài sang VN một lần, họ có còn muốn trở lại VN lần thứ hai không? Nội cái chuyện không có nhà vệ sinh, không cần cái nạn chặt chém, cướp giựt, rác rưởi dơ dáy đầy đường, cũng đủ để họ không bao giờ còn muốn du lịch ở VN nữa! Bất lợi cho người dân, và thiệt hại cho đất nước về mặt du lịch là chuyện người đui cũng thấy!
Tôi thấy người ta phàn nàn, chửi bới những người “đái đường”, thậm chí mạt sát, chê bai họ thiếu văn hoá này nọ. Họ chỉ thấy cái ngọn mà không thấy cái gốc. Nếu có nhà vệ sinh giăng mắc như mạng nhện, giống như xứ Mỹ, có ai cần phải “đái đường” hay ỉa bậy không? Khi mắc tiểu tới mức không nhịn được, thì dù trước mặt có ghi bảng “cấm đái”, “ai đái bậy cũng giống như con chó”, thì họ cũng vạch quần ra đái đại, vì làm sao mà nhịn cho nổi. Dân đái! Công an cũng đái! Đàn ông đái! Đàn bà cũng đái! Người ta xỉ vả mình là con chó, cũng phải đái! Lớn tầm cở như ông niễng hay ông lú, biểu họ nhịn đái, nhịn ỉa xem họ có làm được không? Chẳng qua có kẻ hầu ăn, hầu ngủ, hầu ỉa, hầu đái cho họ, nên họ mới không cần đứng trước cái bảng cấm “ai đái bậy cũng giống như con chó” mà vạch quần ra tè thôi!
Tôi chấp tay xá mấy ông quan lớn VN một xá! Mấy ổng chỉ lo những chuyện lớn, những dự án ngàn tỷ, còn nhà vệ sinh mấy chả đâu có quan tâm. Họ là cái đám người cái gì cũng ăn, ăn không chừa một thứ gì, nhưng họ không…ỉa! Đương nhiên, họ không quan tâm đến đám dân luôn cần ỉa.
Người dân có đái đường, có ỉa bậy, đừng chửi họ, đừng mạt sát họ, đừng nói họ vô văn hoá, vì đó là một nhu cầu sống chết, chứ không đơn thuần là một cái khoái trong tứ khoái. Khoái có thể nhịn, nhưng nhu cầu thì không thể. Hãy chửi rủa những kẻ dùng tiền thuế để xài vào những chỗ tầm phèo, không ích lợi gì cho người đóng thuế. Hãy chửi những kẻ đem tiền đi làm chuyện bá láp, không chịu xây cầu tiêu cho dân ỉa! Chính trị đâu có gì to tát. Có khi chỉ là chuyện cái cầu tiêu để đái hay ỉa.
Viết tới đây, tui lại nhớ tới một nhân vật nổi tiếng ở bển. Anh ta là dân trí thức, là BS, trong friend list của tôi. Tôi đọc posts của anh ta thường xuyên. Những điều anh ta viết, anh ta đều cho là chân lý, nghĩa là không ai được phản biện. Cãi là anh ta block! Phách vô cùng! Phách không thua đốc tờ Hồ Hải! Tôi thật sự không dị ứng với cái phách của anh ta, vì anh ta thật sự thông minh, có nhiều ý tưởng hay hơn người, có thứ để làm phách. Tôi chỉ dị ứng với người không có cái gì để làm phách mà vẫn phách! Má tôi hay nói, người như vậy là “phách chó”, và tui hoàn toàn đồng ý với bà mẹ rất nhà quê của tôi về nhận xét này. Con chó hay sủa là con chó chết nhát, không dám cắn! Chỉ cần dậm chân một cái là cong đuôi chạy thục mạng, gọi là “phách chó”! Tui dị ứng với anh BS này chỉ ở một điểm: Anh ta luôn bênh vực chính quyền mọi mặt và không ngừng chửi người dân ngu dốt, thất học, chậm tiêu,… Ai động tới chính quyền là anh ta bụp liền. Tôi trích dẫn vài thí dụ:
* Dân ai cũng nghĩ mình sẽ tham ô, vơ vét khi được làm quan, vậy mà cứ ngồi mơ có những Quan Liêm Khiết, ở đâu ra vậy mấy Tiên Rồng? Não bị sao vậy á!
* tại sao hàng triệu người VN 4000 ngàn năm qua ko ai nhận ra một sự thật là: ngoài lỗi của Quan, thì Lỗi Cơ Bản NẰM Ở DÂN?
* Trước khi làm Quan, họ không là Dân, nhẽ họ là chó à? Nên nói Quan được đẻ ra từ Dân đơn giản vậy mà cũng không hiểu là sao?
Ngưng trích.
Đọc thoáng qua, ai cũng thấy có lý, và trong nháy mắt có cả ngàn like tung hô anh ta. Tôi thì cho đó là một cách nguỵ biện, lấy cái ngọn làm cái gốc. Anh ta diệt cỏ, mà chỉ phát phần ngọn, còn gốc và rễ anh ta không dám đụng!
Quan từ Dân mà ra là một tiền đề đúng. Nhưng Quan hư đốn đổ thừa do Dân hư đốn là nguỵ biện, là nói lấy đặng lấy được, là nói ngược nói ngạo.
Tôi hỏi một câu: Tại sao dân hư đốn? Câu trả lời đơn giản: Bởi vì dân không được giáo dục tốt. Câu hỏi kế tiếp: Ai có bổn phận giáo dục người dân để họ trở thành công dân tốt? Câu trả lời con nít cũng biết, đó là chính quyền, là Bộ giáo dục, là chương trình giáo dục của quốc gia. Con nít biết lễ phép, tôn sư trọng đạo, biết sống ngay thẳng, biết tôn trọng người xung quanh, biết xin lỗi, biết cám ơn, biết chia cơm sẻ áo,… đều từ nhà trường, từ thày cô là chính. Từ đó mới sản sinh ra một lớp công dân lương thiện. Từ đó sẽ có những quan lương thiện. Thày cô cứ dạy chém giết, khủng bố, thù hận, tranh hơn thua,… thì “trồng người” kiểu đó, đương nhiên sẽ sản sinh ra một bầy dã thú! Từ bầy dã thú đó sinh ra quan dã thú, theo luận điệu của anh ta. Đúng bon!
Ngoài bộ giáo dục trực tiếp đào tạo thế hệ trẻ để thành những công dân tốt trong tương lai, thì còn cơ quan lập pháp, là nơi làm luật, để bắt mọi công dân sống theo qui củ. Trộm siêu thị dù một cục kẹo, cái bàn chải đánh răng, cũng bị xử tù, và bị ghi vào hồ sơ hình sự suốt kiếp. Đánh trẻ vị thành niên, tù, mất quyền nuôi dưỡng, hoặc vừa tù vừa mất quyền nuôi dưỡng. Bất kể lý do gì, như hỗn láo, mất dạy, ngỗ nghịch, hay bị bịnh tâm thần, mà hành hạ, bac đãi chúng, đều bị tù. Hành hạ, bạc đãi, bạo hành trẻ vị thành niên là tù! Đó là luật! Period! Đái bậy, phạt $1000 USD! Xả rác ngoài đường, phạt $1000 USD!…
Luật pháp nghiêm minh, và sự chế tài của luật pháp, giúp người dân trở nên lương thiện, chớ không có chuyện tự nhiên sinh ra là thành một công dân tốt. Luật pháp góp phần rất lớn trong việc giáo dục con người để trở thành những công dân gương mẫu.
Dân không tự làm luật. Chính phủ làm luật. Đó là bổn phận của những người lãnh lương từ thuế của dân.
Như đã nói ở trên, trách nhiệm giáo dục người dân để trở thành một công dân tốt là của chánh phủ. Chắc chắn không phải của anh ta. Anh Bộ Ngọng lãnh lương để ngồi chơi xơi nước à?
Anh ta đang cố gắng thay chính phủ làm việc đó, là chuyện “đội đá vá trời”, nếu không muốn nói là do tính khí ngông cuồng tự đại. Tôi khâm phục cái tâm huyết muốn nâng cao dân trí mà anh đã và đang làm. Nhưng phải nói rằng anh ta đang làm chuyện tào lao, y như việc công an ngồi đó phong thánh phong thần, trang bị áo giáp cho cái đám hiệp sĩ đường phố để bắt cướp thay họ vậy!
Anh ta có nhiều người follow để đọc, để học những tư tưởng hay và mới lạ hằng ngày, tôi cũng hoan nghênh. Nhưng anh “giáo dục” được bao nhiêu người để họ trở thành người tốt? Mười ngàn, vài chục ngàn, thậm chí một trăm ngàn trong tổng số gần 100 triệu dân? Rồi những thế hệ kế tiếp, anh ta sống trường thọ như ông Bành Tổ để đảm nhận việc giáo dục người dân hay sao?
Nhắc lại: Muốn có những công dân tốt để từ đó sản sinh ra quan tốt, chính quyền tốt, thì người dân phải được thừa hưởng một nền giáo dục tốt, do chính phủ tạo ra. Giáo dục công dân là bổn phận của chính phủ. Dân hư hèn, xã hội loạn lạc, là do chế độ thúi nát!
Ở những nước văn minh, tự do, dân chủ, quan là do dân bầu. Làm không nên thân, dân không phải chỉ chửi, mà dân sẽ lôi cổ xuống khỏi ghế ngay! Không có rút kinh nghiệm. Dở thì đi về đuổi gà cho vợ, để họ bầu người giỏi khác thay thế. Quan phạm pháp, nhà tù mở cửa đón, dù là Tổng Thống! Không có chuyện quan đứng trên pháp luật. Chính vì ngồi đó rút kinh nghiệm muôn năm, nên gần một trăm năm “trồng người”, kết quả cho ra toàn là vượn! Ngày nào dân còn sợ quan, thì còn độc tài, và đất nước trăm năm cũng không khá nổi. Ngày nào dân dám chửi quan, dám lôi cổ mấy thằng quan ăn tàn phá hại đất nước vào tù, chừng đó mới hy vọng đất nước tiến bộ. Tôi nói câu nào sai, cứ đem ra tùng xẻo!
Lạc đề khá xa. Thôi, chuyện tào lao chắc nhiêu đã đủ mệt rồi. Đọc mệt, viết càng mệt hơn. Tôi viết thêm vài câu về cái đệ tứ khoái rồi nghỉ.
Cái chức quận công thời phong kiến nó sướng cỡ nào, tui không biết. Ỉa đồng chắc chắn sướng, vì tui từng thử qua. Nhưng chắc chắn ỉa đồng thua xa ỉa ở Mỹ.
Đi Mỹ, dù là đi để ỉa, cũng là một chuyến đi thú vị, nên đi, đáng đi, và cũng đáng để quay lại nhiều lần. Không tin thì sang đây ỉa thử một lần, coi tôi có phóng đại hay không! Đó là một đất nước đáng sống, dù chỉ là sống để ỉa, để giải quyết cái nhu cầu căn bản, hay để hưởng thụ cái đệ tứ khoái của đời người!
Peter Chánh Trần
Peter C. Tran, Nguyễn Hoàng Dũng and 197 others
48 Comments
19 Shares
Like

Comment
Share