CUỘC CHIẾN CHƯA TÀN /Kỳ 8 (Trần Nhật Kim)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

VÙNG LÊN (Trại Nam-Hà)

May be an image of text that says 'Núi Ba Cô Đầm Tam Chúc Ba Sao'

Ðồ nhôm sắt cũng không được dùng. Mọi thứ xử dụng hàng ngày từ ca uống nước, bát ăn cơm hay cái muỗng thẩy đều bằng nhựa.
Mọi thứ có liên quan tới tiếng nước ngoài đều bị tịch thu, nhất là tài liệu sách báo.
Tù nhân vi phạm nội quy sẽ lãnh hình phạt tùy theo cảm hứng của cán bộ. Nhẹ thì làm kiểm điểm, còn nặng thì giam phòng tối, và có thể bị còng tay hay cùm chân hay bị cả hai. Thời gian có thể một tuần hay cả tháng, có khi được quên đi cả năm. Có người ở phòng kỷ luật 2, 3 năm liền.
Phần ăn của những người chịu hình phạt kỷ luật bị cắt giảm. Trại nghĩ họ không đi lao động nên không cần tới lượng thực phẩm như người lao động. Vì vậy, đời sống của tù cải tạo ở các trại miền Bắc thật đơn giản.
Cán bộ phụ trách phòng còn trẻ, có thân nhân tử nạn trong cuộc dội bom miền Bắc, nên chẳng có chút cảm tình với tù cải tạo miền Nam. Còn quản giáo phụ trách đội về lao động tên Thành đã không có thiện cảm với anh em ngay từ buổi đầu mới tới. Khi anh em đi lãnh bao tư trang gửi tầu, hắn nhìn mọi người xếp hàng về phòng với bộ mặt khinh khỉnh buông lời mai mỉa: “Ði đâu cũng bao bị như một lũ ăn mày…”
Một câu nói thật mất lòng. Anh em nhìn hắn mỉm cười trêu tức. Cảm tình đầu tiên giữa con người với hắn đã không có, nên sau này trong giờ lao động có những câu nói, hành động coi thường hắn. Không khí lao động vì vậy mà căng thẳng.
Mấy tháng sau Huyền thôi không làm buồng phó, mọi người thông cảm Huyền về những khó khăn ở chức vụ này. Anh em trong phòng đề nghị Kim lên thay, anh chưa nhận lời vì cần thời gian suy nghĩ. Anh nhìn thấy khó khăn trước mắt vì đám người yếu lòng làm tay sai cho cán bộ trại luôn theo rõi báo cáo về sinh hoạt trong phòng. Kim hiểu rõ những người bạn cùng đi với anh từ trại Ty đến Phan-đăng-Lưu, trong dĩ vãng đã chứng tỏ có tinh thần chống cộng tuyệt đối. Ðã nếm trải nhiều thử thách, từ phòng tối đọa đầy đến kỷ luật cực hình, họ vẫn không thay lòng đổi dạ. Ðến Gia-rai tập thể cải tạo đã pha trộn một số người yếu lòng, và khi ra Bắc những người này càng mất tinh thần.
Anh em trong phòng bảo anh: “Anh nên nhận lời làm buồng phó, vì nếu anh không nhận làm, cán bộ trại sẽ cử một tên ăng-ten thì anh em trong phòng sẽ gặp nhiều phiền phức …”
Kim bảo các bạn: “Chức vụ buồng trưởng hay buồng phó thực ra không có gì khó khăn, vì chỉ là người đại diện anh em khi liên hệ với cán bộ.”
Trên hình thức thực đơn giản, nhưng trong thực tế lại trái ngược. Vì là gạch nối giữa tù và cán bộ, nên cán bộ trại luôn muốn được biết sinh hoạt của anh em trong phòng qua những người ở chức vụ này. Và mặt khác thường tạo ra một hố sâu cách biệt với tập thể, dễ bị hiểu lầm vì quyền lợi cá nhân trong khi liên hệ với cán bộ. Khi nhận lời anh phải chọn một trong hai con đường, theo cán bộ trở thành một thứ dễ sai để tấm thân nhàn hạ, hay đứng về phía anh em là một đại diện thực sự để đòi hỏi quyền lợi cho anh em cải tạo.
Anh đã nhấn mạnh với các bạn: “…Nếu các bạn yêu cầu, tôi nhận lời, nhưng có điều phải nói trước là với dĩ vãng chống đối của tôi, có thể gây cho anh em không khí căng thẳng hơn. Tôi luôn chọn con đường đứng về phía các bạn.”
Kim cùng đội đi lao động như thường lệ. Buổi sáng lao động 4 giờ, được nghỉ giải lao 15 phút ở giữa thời gian lao động. Hôm phát quang khu núi phía sau trại, thời tiết quá oi nồng. Hơi nóng toả ra từ dẫy núi đá vôi dưới cơn nắng cháy, nhất là buổi sáng chỉ điểm tâm bằng ca nước lạnh, khiến mọi người mau mệt mỏi.
Thấy làm đã lâu mà cán bộ vẫn chưa cho đội nghỉ giải lao, trong khi anh em đã mệt mỏi, áo ướt đẫm mồ hôi. Anh thấy ba cán bộ đang cười đùa dưới bóng cây, anh nghĩ chắc bọn chúng mải vui nên quên giờ nghỉ của đội, anh quay qua hỏi các bạn:
-“Anh em đã mệt chưa?”
-“Mệt lắm rồi, nghỉ một lát đi.”
Anh bảo các bạn:
-“Chúng ta nghỉ tay 5, 10 phút cho đỡ mệt rồi lại làm tiếp.”
Cán bộ quản giáo thấy đội nghỉ giải lao khi chưa có lệnh, hắn tức giận gọi anh tới:
-“Chưa có lệnh của tôi sao anh đã cho đội nghỉ?”
-“Trời quá nóng nực làm việc lại cực nhọc nên chóng mỏi mệt, tôi để anh em nghỉ 5, 10 phút cho lại sức sau đó lao động sẽ có năng xuất hơn.”
Dù lời nói của anh có lý nhưng trái với sinh hoạt bình thường. Hắn là người có quyền, đại diện cho một thứ công-lý bạo quyền, buộc mọi người phải tuân theo. Hắn tức giận bảo anh:
-“Anh trở về chỗ cho đội lao động trở lại, tôi có lệnh nghỉ khi tới giờ. Nếu anh còn vi phạm tôi sẽ có biện pháp kỷ luật với anh.”
Kim trở về chỗ lao động. Anh em đã đoán biết sự việc khi tên cán bộ gọi anh tới….
Thiên tai đã ảnh hưởng tới đời sống dân chúng tại một số tỉnh miền Bắc nên thực phẩm nuôi tù cũng giảm sút. Bữa ăn có dưa gang xào qua mỡ ở những ngày đầu mới tới không còn xuất hiện. Phần cơm cũng ít đi, không thường xuyên như trước nữa. Bữa ăn 200 gam chất bột đã được chen vào bằng chiếc bánh mì nướng bột mầu nâu do Liên-sô hay Hungary viện trợ, hay những củ khoai mì, khoai lang luộc. Mỗi bữa ăn được vài cọng rau muống luộc, mấy qủa cà pháo hay dưa cải muối mặn. Nếu được ăn canh bí đỏ ít khi thấy nguyên miếng, thường thường chỉ là tổng hợp của nước muối và lợn cợn mầu vàng của xơ bí.
Vào một buổi chiều, bữa cơm chiều đã lấy về phòng. Hôm nay có cơm và canh rau muống nấu muối. Như thường lệ 5 người một mâm.
Kim vừa ngồi xuống chỗ nằm chưa kịp hút điếu thuốc lào, chợt nghe ngoài sân có tiếng anh em phàn nàn về phần cơm. Anh bỏ điếu bước ra sân, buồng trưởng không có mặt tại phòng. Một vài bạn lên tiếng:
-“Không hiểu tại sao phần cơm hôm nay thiếu, mỗi người chỉ có miệng chén, bên dưới toàn cháy. Phó phòng giải quyết cho anh em.”
Kim hỏi các bạn:
-“Các anh đã kiểm soát các mâm khác chưa, có thể bị lộn một mâm không?”
-“Chúng tôi đã xem kỹ, mâm nào cũng vậy.”
Kim nhủ thầm, đây là một trường hợp không thể bỏ qua. Nhất là đám cán bộ nhà bếp từ trước đến nay vẫn có hành động như bố thí, cho mọi người ăn làm sao phải chấp nhận làm vậy. Anh bảo các bạn:
-“Chúng ta hãy tạm ngưng bữa ăn, để tôi gặp cán bộ trực trại.”
Kim ra cổng gác, cán bộ trực trại là một thượng sĩ có tuổi, hắn là người hòa nhã nhất mà anh gặp ở trại này. Bản chất nông dân chân thật, vì vậy còn chút tình người. Thấy Kim ra hắn hỏi:
-“Anh ra đây có việc gì?”
-“Phòng 8 có thắc mắc về bữa cơm chiều, xin cán bộ giải quyết.”
-“Có gì cần, anh nói rõ cho tôi hay.”
-“Phần cơm chiều nay không đúng như tiêu chuẩn thường ngày.”
Cán bộ trực trại theo anh vào phòng. Khi thấy các mâm cơm còn nguyên, hắn hỏi anh em đứng xung quanh:
-“Có chuyện gì mà các anh chưa ăn cơm?”
Kim lên tiếng:
-“Chúng tôi thấy có sự việc không đúng trong bữa cơm chiều nay. Phần cơm chia ra mỗi người chỉ còn một chén, thay vì ba miệng chén như trước đây, dưới đáy nồi toàn là cháy.”
Anh bới một nồi cơm ra chén cho cán bộ trực trại thấy. Sau khi quan sát các mâm, hắn bảo anh em hãy chờ để gọi cán bộ nhà bếp lên cho ý kiến.
Từ trước đến nay bếp cải tạo miền Nam do một cán bộ chuẩn úy phụ trách, mọi việc về ẩm thực cho gần 1000 cải tạo do hắn quyết định. Nhân viên nhà bếp là đám tù hình sự miền Bắc.
Hắn cùng cán bộ trực trại vào sân, theo sau là mấy tên hình sự dưới quyền. Cán bộ trực trại chỉ các mâm cơm hỏi hắn:
-“Anh cho biết tình trạng cơm nước hôm nay. Có phải anh chia cơm thiếu cho phòng 8?”
Vẫn dáng điệu hùng hổ tức giận, hắn nhìn các mâm cơm, chiếu thẳng cặp mắt hầm hầm vào anh em đứng xung quanh, quay qua Kim hắn gằn giọng:
-“Cơm chia như thường lệ, còn cháy tản cho phòng anh hôm nay.”
Kim quay nhìn cán bộ trực trại, anh cúi xuống một nồi cơm còn nguyên, xới cơm ra 5 chén. Mới chỉ được miệng chén đã hết cơm, phía dưới toàn cháy, anh nói:
-“Nếu lượng cơm như thường lệ, mỗi người sẽ được gần 3 miệng chén. Cháy tản luân phiên cho các phòng, và thường để trên mặt nồi cơm. Tôi thấy trường hợp này hơi lạ, số cơm đã thiếu 2/3 so với thường lệ. Tôi muốn nói là nhà bếp đã ăn chặn phần cơm của anh em, trái với nội quy của trại, nên chúng tôi đợi cán bộ trực trại giải quyết.”
Lời nói của Kim làm cán bộ nhà bếp và đám nhân viên của hắn chưng hửng, mất đi vẻ hùng hổ lúc đầu. Bộ mặt tức giận của hắn xám lại, không nói được một lời. Cán bộ trực trại đã thấy sự thật, quay qua bảo Kim và anh em đứng xung quanh:
-“Nhà bếp đã vi phạm. Bây giờ đã tối nấu cơm không kịp, vậy anh bảo anh em ăn cơm, ngày mai nhà bếp sẽ bồi hoàn số cơm thiếu.”
-“Rất cám ơn cán bộ, chúng tôi chỉ muốn đưa ra những sai trái hầu tránh vi phạm sau này, vì ảnh hưởng tới sức lao động của anh em.” Anh quay qua các bạn tiếp lời: “Cán bộ trực trại đã hứa, bây giờ đã trễ, chúng ta ăn cơm để kịp giờ đóng cửa.”
Anh em vui vẻ trở lại mâm cơm, ghi nhận vừa đạt một thắng lợi dù nhỏ, là vạch ra những sai trái của đám cán bộ trại. Mặt khác đã củng cố được tinh thần đoàn kết, không khiếp sợ trước bạo lực cộng sản.
Trong trại có đủ mọi thành phần. Từ quân nhân, nhân viên hành chánh trình diện theo lệnh gọi học tập sau ngày 30/4, đến qúy vị thuộc các đảng phái chính trị và tôn giáo. Và sau nữa là thành phần “phản động chống cộng-sản”, mà đông đảo nhất là giới sinh-viên học sinh đủ mọi trình độ văn hóa.
Tại các phòng, một số anh em thuộc thành phần an phận, lưng chừng, không có hành-động chống đối rõ rệt, dứt khoát nhưng luôn luôn ước vọng quốc gia miền Nam được khôi phục một sớm một chiều, nhận lãnh những gì đã mất trong suốt thời gian cầm tù vừa qua.
Kim cảm phục anh Khương, một sĩ quan cải tạo, đã một lần nói lớn trong phòng khi có người đề cập tới việc được truy lãnh như lời đồn: “…Thử hỏi chúng ta đã đóng góp những gì vào công cuộc khôi phục xứ sở sau thời gian đất nước bị chiếm đoạt. Liệu có xứng đáng đòi hỏi quyền lợi cá nhân, trong khi còn bao nhiêu người tiếp tục đấu tranh, bị bắt cầm tù. Họ có đòi hỏi chút quyền lợi nào cho họ không …”
Pha trộn không khí khích động nóng bỏng của giới trẻ, không chấp nhận chế độ cộng-sản dù ở hoàn cảnh nào, còn có những người khiếp nhược trước bạo lực cộng-sản, dễ mềm lòng trước lời hứa ngon ngọt sớm được về xum họp với gia đình. Họ là người gió chiều nào che chuều đó, và vì một chút tư lợi như được viết thư thăm gia đình, hay có thêm phiếu gửi quà đã quay mặt lại anh em. Có người im lặng theo rõi sinh hoạt anh em trong phòng hầu báo cáo cán bộ trại. Nhưng cũng có tên hành động không cần dấu diếm, con người hắn đã hoàn toàn thay đổi. Như trường hợp của tên Quế, đã lây tư tưởng cộng-sản khi làm việc tại ủy ban quân sự hai bên. Hắn vẫn ca tụng các nhân vật cộng-sản mà hắn đã tiếp xúc trước kia, và trong một buổi họp tại phòng hắn đã lớn giọng :“…Các anh phản động chống cách mạng cái gì. Trước kia có cả 500 ngàn quân ngoại quốc, cả triệu ngụy quân, cả trăm ngàn cảnh sát mà còn bỏ chạy, huống hồ bây giờ chỉ có mấy ngoe. Thiệu Kỳ đã bỏ chạy, các anh trông chờ vào ai …”
Anh em chua xót về lời nói của hắn. Niềm tủi nhục đến với mọi người như khơi vết thương bật máu. Vì hắn là người Quốc gia, từng chiến đấu dưới mầu cờ sắc áo. Ðã từng ăn cơm Quốc gia mà bây giờ lại thờ ma cộng-sản.
Tự thâm tâm Kim nhận ra sự thật chua cay mà người miền Nam phải gánh chịu. Thiệu Kỳ không còn chỗ đứng trong lòng người dân miền Nam, chứ đừng nói một lần nữa là người đại diện. Tập thể cải tạo, những người ở lại với mảnh đất quê hương cho tới những giây phút dẫy chết, đã phỉ nhổ hành động phản bội. Không ai trông mong gì ở bọn họ cả. Người miền Nam đã trải qua thử thách đau thương, cùng chung một ý nghĩ, một ngày nào đó Quốc gia này hưng phục, không thể để bọn phản bội múa gậy vườn hoang một lần nữa.
Và trong hoàn cảnh này, lòng căm hờn chưa tàn lụn, không thể chấp nhận một câu nói, một hành động phản bội đâm sau lưng anh em, phải cho hắn nếm mùi cay đắng.
Vào một buổi trưa, mọi người đang yên giấc để lấy sức lao động buổi chiều, anh chợt nghe tiếng kêu phía sau nhà ngủ. Tiếng kêu như tắc nghẹn không thoát ra ngoài. Anh và buồng trưởng chạy ra sau nhà nơi có tiếng kêu, thấy Quế nằm trên lối đi trước phòng vệ sinh. Mắt hắn nhắm nghiền, miệng há hốc thở dốc như con heo bị thọc huyết, mặt mũi phủ đầy vôi bột. Anh biết hắn không chết được, đây mới là lần cảnh cáo cho những loại người làm tay sai, phản bội anh em như hắn.
Buồng trưởng vội đưa hắn đi trạm xá. Trại cũng không biết ai là thủ phạm. Hoặc gỉa hắn có chết cũng không gây cho đám cán bộ trại một chút quan tâm. Họ đang nhìn tập thể cải tạo này tàn lụn dần dần, như vậy mới hợp với chính sách, tô thắm thành quả chiến thắng vĩ đại.
Y sĩ trại định bệnh cho hắn đã ghi nhận, “cuống họng sưng vì bị bóp cổ kéo lưỡi ra ngoài. Một cánh tay sai khớp vai, mấy dẻ sườn bị gẫy…” Hắn được chuyển tới phòng 12, dành cho thành phần già yếu, bệnh tật miễn lao động.
Hành động trừng phạt có hơi nặng tay, nhưng đó là cách duy nhất cảnh tỉnh hắn về những hành động phản bội mà hắn đã đối xử với anh em. Kim vẫn đánh dấu hỏi, liệu những người như hắn, như tên Ðịnh ở trại Gia-rai, và sau này tên Thi của trại Thanh-cẩm có nhận thức được việc mình làm và hậu quả phải gánh chịu. Hay chỉ vì tính ươn hèn khiếp nhược, chỉ nhìn thấy điều lợi trước mắt mà ngựa vẫn quen đường cũ.
Qua mấy tháng nắng, mọi người đen xạm khô cằn như chiếc khăn đã vắt hết nước, người trông tiều tụy hơn. Chỉ tiêu lao động vẫn không giảm theo sức khỏe tù nhân. Kim càng ngày càng thấy mệt mỏi, anh tự hỏi không rõ mình kéo dài kiếp sống được bao lâu nữa.
Tin có quà của gia đình gửi tới làm mọi người phấn khởi. Về phần Kim, anh không mấy hy vọng vì chưa có dịp thư từ liên lạc với gia đình. Khi rời trại Gia-rai anh có để thư nhờ người ở lại nhắn tin dùm, nhưng chắc gì đã tới tay gia đình. Dù vậy anh vẫn mong đợi những tin vui.
Mỗi phòng có một danh sách ghi tên những người có quà. Danh sách khá dài, hầu như có tên tất cả mọi người trong phòng. Kim rất vui khi thấy có tên, anh đang mong tin gia đình. Mặt khác, thân thể anh như cây khô trong mùa nắng hạn, đang cần những giọt mưa, dù không làm cây trở lại xanh tươi, nhưng cũng giữ được trong nhất thời không khô héo tàn lụn.
Cầm mấy lá thư của các con lòng anh thật buồn. Niềm thương xót dâng lên. Lá thư đứa con trai đầu viết đã chững chạc. Rồi đến ba đứa con gái, tuy còn nhỏ tuổi chúng đã biết cùng nhau chăm xóc việc nhà giúp mẹ, biết lo lắng cho nhau. Còn đứa con trai út mới lên 5, đã đi học. Nhìn nét chữ viết bằng bút chì trong dòng kẻ ô lớn thấy thương nó làm sao. Anh nhớ hôm lên thăm anh ở Gia-rai Long-khánh, lúc anh trở vào trại nó vuột khỏi tay mẹ, chạy theo sau anh gào khóc đòi bắn bỏ bọn cộng-sản vì bắt cha của nó. Anh đã suy nghĩ và lo lắng rất nhiều, trí óc ngây thơ mới 3 tuổi của con sao đã sớm vướng vào thù hận. Hay ngoại cảnh đã in dấu vào tâm trí trong trắng của nó, mà sự gào thét chạy theo bố chỉ là một hành động tự nhiên khi nó biết tình yêu thương bị mất mát. Anh thương nhớ các con vô cùng.
Ðọc thư vợ anh mới biết mấy mẹ con nàng có lên Gia rai thăm anh vào cuối tháng 4 như dự định:
“…Như đã hứa với anh, mấy mẹ con em có lên thăm anh vào kỳ cuối tháng 4. Khi đến nơi mới hay anh không còn ở đó nữa. Em có hỏi nhưng họ không cho biết anh chuyển đến trại nào. Các con hỏi sao không thấy anh càng làm em buồn hơn. Em trở về nhà với nỗi thất vọng hoang mang, lại một lần nữa mất hút anh, không biết số phận anh ra sao. Em chỉ còn biết chờ đợi, hy vọng sớm được tin anh.”
“Cách đây ít ngày, địa phương cho hay em được phép gửi quà cho anh. Thư hướng dẫn ghi rõ địa chỉ gửi quà là trại Chí-hoà, đường Lê-văn-Duyệt. Em nhủ thầm, dù không được gặp mặt nhưng cũng tạm yên lòng, vì anh ở gần nhà, trước sau gì cũng có dịp gặp anh.”
“Em không rõ anh cần thứ gì, vì thời gian cho gửi quà quá gấp. Em vội mua vài thứ thường dùng, nhất là thuốc bổ đa sinh tố. Em gửi ít quần áo anh mặc thêm vì trời về đêm đôi khi trở lạnh. Em làm một vài món ăn anh thích và bánh mì thịt nguội. Xôi lạp xưởng còn nóng, hy vọng khi anh nhận được xôi chưa nguội…”
Nàng thật tội nghiệp. Lấy chồng chưa hưởng được bao năm sung sướng lại lao vào cuộc đời bất hạnh. Anh ra đi không để lại gì cho vợ ngoài gánh nặng nuôi dậy 5 đứa con thơ dại. Gia sản đã trắng tay bây giờ lại thêm mối lo cho chồng.
Kim mở thùng quà trong có ít quần áo, đồ dùng vệ-sinh cá nhân, thuốc bổ đa sinh tố, thuốc cảm sốt, bánh thuốc lào 3 số 8, ít thức ăn khô mặn…Một ổ bánh mì thịt nguội, thứ bánh mì chợ cũ mà anh vẫn thích ăn khi ở nhà. Một gói xôi trắng với cặp lạp-xưởng. Rất tiếc gói xôi đã mốc xanh, thịt nguội trong bánh mì đã lên mùi.
Kim nhìn gói quà mà lòng thật buồn, chắc mấy mẹ con phải nhịn miệng để gửi quà cho anh. Tội nghiệp cho nàng, làm sao có thể bơi chải kiếm sống qua hai hoàn cảnh xã hội khác biệt.
Nhìn các bạn, ai cũng được gia đình gửi những món ăn liền. Như vậy chuyến ra Bắc của các anh vẫn được giữ kín, vì gia đình lầm tưởng đang ở trại Chí-hòa.
oOo
Ðội 8 được giao khai quang khu đất sau dẫy nhà cán bộ. Ðội đau ốm nhiều nên nhân số lao động chỉ còn hơn 30 người. Khi đội nghỉ giải lao, Kim nghe cán bộ quản giáo gọi tên anh. Hắn ngồi trên ghế đẩu, quay lưng về phía hàng rào kết bằng thân cây khoai mì bao quanh khu nhà cán bộ. Anh đi tới trước hắn hỏi:
-“Cán bộ gọi tôi?”
-“Anh ngồi xuống đi, tôi có chuyện cần hỏi anh.”
Một hình ảnh không mấy đẹp mắt thường xẩy ra là cán bộ ngồi trên ghế, còn tù cải tạo ngồi xổm trước mặt hắn. Tự nhiên anh thấy cơn giận trong lòng mình nổi dậy, bản chất hắn vẫn khinh người, bảo các anh khi mới tới lôi thôi như đám ăn mày, tay bao tay bị. Anh đứng cách hắn ba bước, trả lời:
-“Tôi đứng được rồi, cán bộ cần hỏi tôi điều gì?”
Hắn hỏi về sinh hoạt gia đình anh trước tháng 4/75, về dĩ vãng từ thành phần, học vấn đến tội danh đưa anh vào tù. Kim hiểu là hắn đã đọc kỹ hồ sơ cá nhân của anh, nhưng anh vẫn trả lời như đã khai trong bản cung. Bất chợt hắn nói:
-“Tôi nhận là các anh thông suốt lý thuyết về chế độ tư bản, nhưng về lý thuyết cộng sản các anh không thể biết bằng chúng tôi được…”
Kim ngạc nhiên tại sao hắn lại nói với anh về học thuyết cộng sản vào lúc này. Hay hắn vẫn ấm ức vì các anh coi thường hắn trong những lần giao tiếp khi lao động. Nhưng anh công nhận là hắn thuộc bài. Một lần nữa anh được nghe về ba dòng thác cách mạng, học thuyết Mác Lê bách chiến bách thắng.
Anh chợt nhớ là đã trả lời tên cán bộ Ðào, người lấy cung anh ở trại Phan-đăng-Lưu, và lúc này anh cũng muốn nhắc lại câu nói này:
-“Mặc dầu chúng tôi ở miền Nam nhưng rất rõ về lý thuyết cộng-sản. Vì miền Nam tự do, không cấm đoán khi tìm hiểu bất cứ học thuyết nào, dù là của đối phương. Tôi đã học và đọc sách về cộng-sản khi còn đi học. Có một điều chúng tôi hiểu rất rõ là học thuyết này đã lỗi thời, nó không phải là khuôn vàng thước ngọc để noi theo…”
Kim thấy mặt hắn đổi sắc, môi mím lại như cố nén cơn tức giận, để không có những hành động không mấy tốt cho anh trước mặt anh em cải tạo. Hắn nói sẵng giọng:
-“Nhưng xã hội tư bản của các anh chỉ là một thứ phồn vinh giả tạo, không có gì thuộc về cá nhân anh. Căn nhà ở cũng phải trả góp, khi chết vẫn chưa dứt nợ. Còn ở đây, dù căn nhà có nhỏ nhưng là của tôi …”
Nhiều khi anh cũng chẳng muốn trả lời, đôi co với đám cán bộ này vì chẳng đạt mục đích gì, nhưng không hiểu sao hôm nay anh lại to tiếng với hắn. Hay giữa anh và hắn có điểm xung khắc, nên mỗi lần anh dẫn đội đi lao động đều gặp khó khăn. Chắc hắn vẫn nhớ tới mối hận cũ, khi anh tự ý cho đội nghỉ lao động, dám coi thường quyền lực của hắn. Kim quay nhìn anh em trong đội đang nghỉ giải lao, anh bắt gặp những nụ cười cái nháy mắt của các bạn. Anh tự nhủ thêm hay bớt một câu cũng thế thôi. Số phận của anh chẳng làm sao thay đổi, nhưng máu vẫn nóng và lòng luôn căm hờn. Anh chậm rãi:
-“Tôi công nhận cán bộ nhận xét đúng… “
Nói tới đây anh ngưng lại. Anh thấy mặt hắn có vẻ dịu đi trước câu nói thán phục của anh. Hắn muốn anh phải khuất phục, khiếp sợ trước uy quyền của hắn. Anh tiếp lời:
“Nhưng tôi vẫn thích đời sống của xã hội miền Nam, mặc dù phải trả góp 10 năm căn nhà mình ở, nhưng mỗi giờ phút sống trong căn nhà đầy đủ tiện nghi đó, tôi vẫn cảm thấy thích thú hơn là sống trong căn nhà sau lưng cán bộ.”
Cơn tức giận như đã lên đến cực độ, hắn vụt đứng dậy, cầm chiếc roi chỉ vào mặt anh:
-“Anh nhớ là các anh đang đi cải tạo. Chúng tôi chiến thắng vì chúng tôi có chính nghĩa. Anh về chỗ lao động.”
Một lần nữa anh nghe rõ hai chữ “chính nghĩa” từ miệng một tên cộng-sản. Có phải đó là mồi nhử để người miền Bắc phải hy sinh cả người lẫn của cho một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Anh em đứng gần nhìn hắn, nhìn Kim mỉm cười. Anh nhận rõ một điều là từ ngày bước chân vào tù, sự sống thật mong manh. Anh đã chống chỏi từ trại Ty lên Thành, nhiều lúc tưởng chừng mình có thể từ giã cõi đời. Và bây giờ ra đây, tai ương vẫn dồn dập tới. Thôi đằng nào cũng vậy, cực hình bao nhiêu cũng thế thôi, sống chết chỉ có một lần, anh đâu được quyền lựa chọn.
Kim vẫn dẫn đội đi khai quang. Mỗi người sau giờ lao động phải có hai ôm lá cây nộp trại làm phân xanh.
Trời nắng gắt, sức lao động vì vậy không bền. Trước giờ nghỉ giải lao, cán bộ Thành ngồi trên ghế đẩu có hai cán bộ võ trang đứng hai bên, giận giữ gọi anh tới nói lớn:
-“Tôi thấy đội lơ là lao động, nghỉ nhiều hơn làm, anh không đốc thúc anh em lao động cho tốt.”
Anh trả lời hắn:
-“Chúng tôi lao động liên tục, mặc dù người mệt mỏi vì trời nắng gắt mà bụng lại đói. Chúng tôi không thể làm hơn sức của mình.”
Hắn vụt đứng dậy, tay phải cầm cành cây đã tuốt hết lá, nhịp nhịp trước mặt anh, nói lớn:
-“Anh là tên phản động, luôn luôn có tư tưởng chống đối. Tôi phạt kỷ luật anh vì hành động chống lao động. Anh không được nghỉ giải lao. Anh ra ngoài nắng ngồi.” Hắn quay qua nói với đội: “Cả đội vào chỗ mát nghỉ giải lao.”
Thấy hành động vô lý của hắn, anh em trong đội nhao lên tỏ vẻ bất mãn đưa lời phản đối. Trước tình trạng căng thẳng, hai tên võ trang dàn sang hai bên, đạn lên nòng hướng mũi súng về phía anh em. Kim bảo các bạn:
-“Các bạn vào trong mát ngồi nghỉ đi, đã phơi nắng từ sáng đến giờ rồi. Tôi ngồi tại đây, trời nắng nhưng có gió cũng dễ chịu.”
Kim ngồi xuống thảm cỏ không có lấy một bóng cây che nắng. Mồ hôi đã thấm ướt lưng áo, đã nhỏ giọt nơi trán.
Anh Nguyễn Văn Huyền, nguyên đội phó của đội nói với anh em:
-“Chúng ta cùng ngồi nắng với đội phó cho vui.”
Cả đội tới ngồi chung với Kim. Người ngồi kẻ nằm dài trên cỏ cười nói như không có chuyện gì xẩy ra.
Ðám cán bộ chưng hửng khi thấy anh em hưởng ứng lời Huyền, coi thường lệnh của hắn. Hắn những tưởng tách rời Kim ra khỏi đội sẽ dễ trừng trị anh hơn. Chính lúc này anh cảm thấy phấn khởi vì tình đoàn kết của anh em trong đội, mà tình đoàn kết này cần được củng cố và phát triển.
Bước sang tháng 8, trời vào thu nhưng nắng vẫn còn gay gắt. Ánh nắng như hun nóng dẫy núi đá vôi, toả ra hơi nồng đến ngộp thở.
Sau những ngày mưa rả rích, nước trong đầm dâng cao. Những con đê bờ đỗi mà khu B bỏ công xây đắp, đã chìm hẳn xuống dưới mặt nước. Không có lấy một ngọn cỏ tranh vươn lên như khi anh mới tới đây. Khu đầm lầy không còn là nơi lao động. Ý-định biến khu đầm lầy thành nơi sản suất lương thực đã không thành, không thể “lấy sức người biến đất sét thành ngô khoai” như vẫn tự hào noi theo gương “Bác”. Dẫy núi đá vôi trước mắt không chừa ra một khoảnh đất nào có thể trồng cấy, hầu tăng thêm thực phẩm cho trại. Các công tác lao động co vào những công việc cực nhọc nhưng không làm ra lợi tức.
Một sân khấu lớn bằng tre dựng lên trong sân trại, sát với vách tường phòng 7. Sân khấu cao ngang vai, mỗi chiều đến 7, 8 bước chân.
Anh em thắc mắc không hiểu trại dựng sân khấu để kỷ niệm ngày lễ nào. Ngày lễ lớn 19/8 đã qua đi thật lặng lẽ, vẫn chỉ có cơm với bát canh rau để khác với ngày thường. Anh em đặt dấu hỏi hay trại dành cho ngày 2/9, một ngày lễ rất quan trọng mà hàng năm thường tổ chức rầm rộ.
Sinh hoạt trong trại bình thường, chưa thấy một hành động nào có chiều hướng hâm lại nét hào hùng vinh quang của ngày trọng đại. Chiếc sân khấu vẫn trơ trọi trong những trận mưa dài nặng hạt.
Ngày hai buổi lao động, chiều thứ bẩy như thường lệ nghỉ sớm một giờ, được gom nhặt ít củi khô đủ đun ba bữa, chiều thứ bẩy và ngày chủ nhật. Anh em cũng tận dụng thời gian hiếm hoi này, lượm nhặt một ít rau mọc hoang nơi lao động hay trên đường về trại, bất cứ rau gì có thể ăn được. Từ dền dại, đọt sắn đến rau xam, rau má, tầu bay chung nhau nấu chín nồi canh, gọi là có thêm một chút xơ trong bụng.
Anh nhớ khi còn ở nhà, thường nghe mọi người nói phải “ăn thêm rau cho đỡ xót ruột,” ý nghĩa đó bây giờ anh mới nhận ra, là bụng anh lúc nào cũng thấy “xót”. Không phải cảm giác “xót” do ăn nhiều thịt vì không ăn rau như trước , mà hiện bị “xót” tại vì dạ dầy luôn lép xẹp.
Mấy người chung nhau chút rau kiếm được với phần ăn buổi chiều, bất kể là bánh mì, bo bo hay phần khoai mì nấu thành nồi cháo có mỹ danh “thập cẩm”. Nhưng trong thực tế, để diễn tả cho đúng với hình thức và có mầu sắc quê hương, nó thể hiện đúng với tên “cháo heo”, mà chất lượng không thể bằng nồi cháo nuôi heo của miền Nam trước đây. Nêm một chút muối cho vừa miệng. Dù sao nồi cháo đặc khói bốc nghi ngút, với ba miệng chén cho mỗi người cũng làm mát đôi mắt, thêm ấm lòng hơn là chiếc bánh mì khẳng khiu bằng cổ tay người tù, mầu sắc nâu xám hay có khi mốc xanh dài chưa tới gang tay, với vài cọng rau muống luộc hay vài ba quả cà pháo muối mặn chát.
Bữa ăn tối thật thịnh xoạn, và để có nhiều thời gian vui như những buổi họp mặt sau giờ tan sở trước kia, anh em mang nồi cháo vào phòng lấy chăn ủ kín, vừa giữ cháo nóng lâu và cũng tránh cặp mắt soi mói của đám cán bộ kiểm soát phòng trước khi đóng cửa.
Ðôi khi vào những tuần mưa gió liên tiếp, củi ướt không bén lửa, hay đội nghỉ lao động trước ngày cuối tuần, củi đốt trở thành khan hiếm. Mọi thứ giữ được ngọn lửa đều trở thành chất đốt, từ thanh tre nhỏ đến bao nhựa gói quà.
Các bạn trẻ tích cực hơn trong việc tìm kiếm chất đốt, từ các thanh gỗ nâng trần phòng thay quần áo nơi giếng tắm công cộng, đến đòn tay phụ trên mái căn phòng ngủ cũng được dùng làm củi đốt. Rồi đến lượt chiếc sân khấu không xa cổng gác bao nhiêu đã được anh em chiếu cố. Từng cây tre kéo về phòng cho vào miệng cống thoát nước bẻ thành khúc ngắn, lấy gạch thẻ đập thành thanh nhỏ. Chỉ cần 5 phút là cây tre biến dạng. Cán bộ cổng gác nhìn thấy có vào phòng cũng không tìm ra cây tre.
Vì lao động cực nhọc trong khi thực phẩm không đủ chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể, sức khỏe anh em cải tạo sa sút. Hơn nữa, về y-tế phòng ngừa rất kém, thuốc men không đủ cho nhu cầu, hoặc gỉa không có thuốc trị đúng bệnh. Sốt cao hay cảm mạo thời tiết đều được trị liệu bằng thứ thuốc cảm dân tộc có đặc tính như thuốc asperine.
Căn nhà hai gian nền đất nện, được dùng làm trạm xá vừa nhỏ lại tăm tối dơ bẩn. Gian trong là phòng giải phẫu gồm chiếc giường tre, buông một tấm màn sợi vải Nam-định lâu ngày đã đổi mầu, dùng làm “bàn giải phẫu”. Không có cửa ngăn, nên mỗi khi gió từ ngoài cửa lùa vào mang theo cát bụi đã vén cao hai cánh màn.
Chẩn bệnh và giải phẫu do một cán bộ y-sĩ đảm nhận. Không rõ hắn có bao nhiêu năm tay nghề và tốt nghiệp trường sở nào, hay vì nhu cầu chiến tranh được thăng cấp. Sinh mạng con người trao vào tay vị “từ mẫu” này qủa là điều bất hạnh.
Có trường hợp một cải tạo bị giải phẫu nhiều lần do cùng một chứng bệnh, vì đã nhiễm trùng sau mỗi lần mổ. Mọi người không lấy làm ngạc nhiên cho rằng với tay nghề của y-sĩ, thuốc men thiếu thốn nhất là tình trạng không có vệ sinh, con bệnh không chết đã là một điều kỳ lạ. Nhưng thực ra công việc trị bệnh cũng đơn giản, vì mạng sống của tù không mấy giá trị, nên thuốc trị bệnh cũng không cấu kỳ, chỉ có một loại thuốc “Xuyên tâm liên” có vị đắng như ký ninh, trị bách bệnh. Vì tình trạng y tế của trại quá “đơn giản” nên nhiều người đã ra đi một cách lặng lẽ. Vì hoàn cảnh đời sống cũng như phương tiện lao động khiến nhiều bệnh lạ xẩy ra, mà bệnh nhân phải chấp nhận thử thách với tử thần. Những bạn ở căn nhà đối diện với trạm xá thường kháo nhau, khi nào nhìn thấy ánh đèn dầu nhỏ xuất hiện nơi cửa sổ căn bên cạnh trạm xá, là một người đã “lên đường”.
Vì thời tiết khắc nghiệt và lao động cực nhọc, chúng tôi nhiều người đã nhuốm bệnh. Tôi đau đã mấy ngày nên đến trạm xá khai bệnh. Phương tiện duy nhất để giữ vệ sinh trong trại là vôi bột. Nhiều anh làm tại lò vôi đến trạm xá khai bệnh với đôi chân bị phỏng đỏ, nguyên do vì sản xuất vôi bột theo truyền thống cổ xưa. Một hố vuông đào sâu mỗi chiều khoảng 4 thước, đổ đầy nước đến lưng hố. Các xe ba bánh đổ đá vôi xuống hố, nước hố vôi sôi nổi bong bóng, hơi vôi nóng bốc lên. Để cho vôi nung không đóng cục, một chiếc cầu tre kết bằng 4 cây tre bắc chéo một góc hố vôi. Các anh đứng giữa cầu tre, dùng cây tre đã dóc hết cành để khuấy vôi dưới hố. Mặc dù đứng trên cầu tre, nhưng người đã đứng trên miệng hố vôi, hơi vôi nóng xông lên khiến hai chân bị phỏng. Vết phỏng lên tới đùi, không có thuốc chữa trị, trong khi buồng phổi phải hít hơi vôi làm cơ thể mau mất sức.
Sự việc xẩy ra vào ngày 16/9/1977 như một cơn lốc, là thời điểm làm bùng cháy những tức hận, tủi nhục nhen nhúm từ lâu. Như thường lệ, từ tờ mờ sáng các đội thuộc hai khu A và B, tập họp trước cổng gác để báo cáo nhân số lao động với sĩ quan trực. Những người cảm sốt thường vẫn phải đi lao động, còn số anh em bị bệnh nặng của các phòng, được y-sĩ trại cho phép nghỉ lao động sau khi khám bệnh, đã trở về phòng. Khu B bị bệnh khá nhiều vì sau một thời gian dài dầm nước, dãi nắng dưới đầm lầy. Nhân số lao động vì vậy ngày một giảm sút.
Sau khi các đội lao động khu B báo cáo, cán bộ trực trại thấy nhân số thiếu hụt, cho gọi những người bệnh trong phòng ra cổng gác trình diện. Nhừng người bệnh xếp hàng trước mặt hắn. Hắn xỉ vả anh em bệnh là “chây lười lao động, khai bệnh cáo ốm ở lại phòng, quen thói đế quốc ngụy quyền của chế độ cũ”, và bắt mọi người vào hàng đi lao động. Anh em bệnh phản đối và bảo y-sĩ trại đã cho phép nghỉ vì bệnh nặng.
Hắn tức giận túm tay anh bạn vừa phản đối bẻ ra sau. Hắn qúa mạnh tay nên người bệnh dướn người lên, miệng bảo hắn tàn nhẫn vô nhân đạo.
Trước hành động vô nhân đạo của hắn đối với người bệnh nặng, anh em trong hàng đã lên tiếng phản đối và yêu cầu hắn ngưng tay đánh người. Thấy hắn vẫn tiếp tục đánh mấy anh em bệnh, anh em khu B tức giận đồng loạt đứng dậy miệng hét lớn “Không được đánh người bệnh, người bệnh đã được y-sĩ cho nghỉ lao động. Không thể có hành- động vô nhân đạo với anh em…”
Như có sẵn tác phong tàn ác của trại này từ lâu, hắn càng tức giận và mạnh tay hơn với người bệnh, và bảo đám cán bộ võ trang mang mấy người bị đánh đem nhốt vào phòng kỷ luật. Tức nước vỡ bờ, tập thể khu B đã mất trật tự. Từ trong hàng một số đông đã đồng thanh hô to “đả đảo cộng-sản”, có nhiều tiếng hô tiếp ở phía cuối hàng, có tiếng hô “đả đảo cộng-sản” đáp lại của một số anh em trực vệ sinh tại phòng.
Gần 800 con người đang có mặt tại sân trại thoáng hiện một phút giây xúc động. Phải, lâu rồi tiếng hô này đã chết lịm, có chăng chỉ còn là sự uất ức, thù hận trong lòng.
Hàng ngũ cải tạo khu B di động nhiều hơn, đồng loạt đứng dậy. Ðám cán bộ nơi cổng trại ngơ ngác, chúng không dự tính hành động này xẩy ra, nhất là ở trại này. Ðám cán bộ võ trang dàn hàng ngang chĩa súng về tập thể cải tạo. Có lẽ chúng muốn dương oai, hay đề phòng một biến động, mà cuộc tắm máu phải xẩy ra khi cần. Phó trại chạy tới, ra lệnh cho các đội về phòng nghỉ lao động.
Trước khi về phòng, một số anh em các phòng có nhận định việc này không đơn giản và kết thúc nhẹ nhàng như thế này. Mọi người nhất trí thông báo cho nhau để các phòng có chung một hành động. Ðã tới lúc anh em phải đoàn kết hơn, cẩn trọng mọi hành động để đối phó với tình huống mới.
Một ngày nghỉ lao động trôi qua. Chưa rõ cán bộ trại quyết định như thế nào. Mọi người vẫn chờ đợi, và lợi dụng giờ đi lấy cơm hay đi tắm tại giếng công cộng để bàn thảo những gì cần thiết.
Sáng ngày hôm sau, các phòng được lệnh nghỉ lao động để học tập nội quy tại phòng trước khi viết bản khai lý lịch cá nhân. Một lần nữa chiếc bẫy được giăng ra để tìm bắt thành phần có tư tưởng chống đối, có hành động chủ mưu trong biến động vừa qua.
Thực chất bản nội quy có 10 điều, dù có sửa đổi theo hoàn cảnh nhưng nội dung căn bản vẫn giữ nguyên. Vẫn mệnh danh là pháp lệnh, là chính sách của Nhà nước, là hình thức kỷ luật trong các trại cải tạo.
Sinh hoạt tại các phòng có sôi động hơn vì sự việc vừa xẩy ra. Bầu nhiệt huyết được hâm nóng khi chứng kiến cảnh đánh đập tàn bạo đối với anh em bệnh nặng, mà hiện tại đang bị cùm xích trong phòng kỷ-luật. Chưa rõ đời sống sức khoẻ của họ ra sao.
Anh và các bạn trong phòng chia nhau liên lạc với phòng khác để nhất trí trong hành động. Các phòng đồng lòng là tranh đấu đến cùng dù gặp phải bất lợi nào.
Kim hội ý với các bạn, để thuận lợi hơn ở giai đoạn này chỉ đưa ra khe hở của bản nội quy. Nhấn mạnh vào sơ hở của mấy điều đầu tiên, vì các điều dưới chỉ nói về sinh hoạt nội bộ. Ðả kích mạnh về tư cách cán bộ đối với tù cải tạo. Ðòi hỏi phải trả người bệnh về với tập thể. Và một điều cần lưu tâm là sự phát biểu của anh em phải liên tục, để loại bỏ cơ hội phát biểu của thành phần ăng-ten châm lời phá bĩnh.
Ngày đầu sinh hoạt, 8 giờ sáng cán bộ văn-hóa giáo dục tới. Anh em ngồi hai bên sàn nằm dưới chờ đợi. Hắn là một sĩ quan trẻ, nghe nói tốt nghiệp đại học Hà-nội, nét mặt còn măng sữa, lời nói và cử chỉ chứng tỏ chưa lây tính hận thù của đám cán bộ đàn anh. Hắn mới gia nhập ngành công an và được điều về đây.
Hắn đứng giữa lối đi nói lớn:
-“Theo thông lệ khi tới một trại mới, các anh thường có những buổi sinh-hoạt học tập để thấu hiểu nội quy trại. Các anh đến đây đã lâu ngày, nên trại tổ chức buổi học tập, hầu giúp các anh thông suốt chính sách của nhà nước. Các anh có thể phát biểu ý-kiến cá nhân, ý-kiến nào trại thấy có tiến bộ sẽ được học tập.
-“Thời gian sinh hoạt không thúc bách, nhưng phải có chất lượng. Các điểm được đào sâu sẽ giúp các anh tin tưởng vào chính sách để thuận lợi khi viết bản tự khai.”
-“Về phần kiểm điểm phê bình, các anh hãy nói rõ những sai trái vừa qua hầu khắc phục sửa đổi. Các anh bắt đầu sinh hoạt và buồng trưởng sẽ trụ trì trong thời gian học tập.”
Hắn nói xong là bước ra khỏi phòng để anh em sinh hoạt tự do, vì sự có mặt của hắn có thể làm buổi sinh hoạt kém sôi động. Hoặc giả có lời chống đối mãnh liệt sẽ khiến hắn khó khăn trong việc giải quyết tại chỗ.
Buồng trưởng đọc lại 10 điều trong bản nội quy để anh em trong phòng ghi nhận, và nói:
-“Tùy ý anh em sinh hoạt thế nào cũng được. Nêu lên từng điều thứ tự từ điều 1 đến 10, hay đưa ra từng điều không cần thứ tự. Những lời phát biểu sẽ được ghi vào biên bản.”
Kim dơ tay nói trước:
-“Tôi có ý-kiến là chúng ta sẽ phát biểu không cần thứ tự từng điều như ghi trong bản nội quy. Như vậy sẽ có chất lượng hơn, vì có điều cần mổ xẻ kỹ nhưng cũng có điều chỉ nói sơ qua.”
Buồng trưởng hỏi ý-kiến anh em trong phòng, mọi người đồng ý sẽ phát biểu không cần theo thứ tự như trong bản nội quy.
Kim dơ tay xin phát biểu:
-“Sau hai năm cải tạo, tôi đã đi qua nhiều trại tại miền Nam và bây giờ ra Bắc. Tôi đã học tập bản nội quy nhiều lần, có sửa sai để phù hợp hoàn cảnh và chính sách nhà nước.
Ðầu tiên chúng tôi được gọi là “cải tạo viên,” một năm sau đổi thành “trại viên,” để thể hiện chính sách khoan hồng với người cùng huyết thống. Và để có một chút bình đẳng nên chúng tôi gọi cán bộ là “anh,” và sau đó không lâu chữ “anh” lại được đổi thành “cán bộ.”
Khi đến trại này, cách xưng hô một lần nữa lại thay đổi. Mặc dù nằm trong hệ thống do bộ Nội vụ quản lý, nhưng lần này cách xưng hô có vẻ địa phương, nặng tính quan liêu. Cải tạo đã gọi cán bộ là “ông,” và tệ hại hơn nữa các anh cải tạo miền Bắc xưng “con, cháu” với cán bộ.
Tôi nhận thấy hơi quá đáng, khi một cải tạo đã cao tuổi phải dùng chữ “ông” đối với cán bộ bằng tuổi cháu nội mình. Lễ độ là điều cần thiết, nhưng nếu xử dụng không đúng cách sẽ làm mất truyền thống dân tộc.”
Anh nhớ vào lần đi lấy cơm cho phòng khi mới tới đây, mọi người đã nhìn thấy cảnh một cải tạo có tuổi, đã ngả nón ôm trước ngực cúi người nói:”chào ông.” Một bạn trẻ đi cùng nói lớn: “sao không qùy xuống cho phải đạo với cán bộ…” Lời phê bình có quá đáng, nhưng khó ai giữ được bình tĩnh trước một hành động khiếp nhược.
Sau khi Kim dứt lời, anh Lê dơ tay:
-“Tôi đồng ý với nhận xét cuả anh đội phó về lễ tiết của trại này, nhưng cũng cần phải nói đến quan niệm sai lầm của một số cán bộ trại. Chúng ta khi mới tới đây đều chứng kiến cảnh các anh cải tạo miền Bắc bị đánh đập tàn nhẫn khi lao động tại khuôn viên phòng này. Ðành là họ phạm tội phải chấp nhận hình phạt, nhưng sự sửa chữa sai lầm trong đường lối học tập cải tạo không phải là trừng trị ngược đãi, đánh đập tàn nhẫn. Vì “học tập cải tạo” theo đường lối này đã vi phạm quyền sống của con người. Tôi muốn nói đến tính vô nhân đạo của cán bộ trại, đã thi hành sai chính sách nhà nước. Mất đi tinh thần thượng tôn pháp luật.”
Anh Lê vừa dứt lời, cuối phòng đã có người dơ tay.
-“Tôi đồng ý hoàn toàn với ý-kiến của các bạn vừa đưa ra, nhưng có một điều làm tôi thắc mắc về chính sách cải tạo của nhà nước. Ngay từ ngày đầu đi trình diện, chúng ta tạm yên lòng vì lời hứa “khoan hồng nhân đạo”, chúng ta cũng bỡ ngỡ trước danh từ huyền hoặc “học tập cải tạo,” và bây giờ sau hai năm “học tập” chúng ta nhìn rõ chính sách học tập chỉ đặt nặng về trừng trị. Tôi muốn nói đến sự sai lầm của chính sách cải tạo, ngay tại miền Bắc người phạm lỗi không được hướng dẫn một nghề chuyên môn hầu làm phương tiện sống khi trở về với xã hội.”
“Có nhiều em nhỏ, vì hoàn cảnh đời sống xã hội, đã can tội cắp vặt. Vào trại tuổi quá nhỏ, không được hướng dẫn đúng mức, sau 5,7 năm ở trại đã tiêm nhiễm lối sống của mọi người xung quanh, hấp thụ “ngón nghề” điêu luyện hơn. Vì vậy tội ác sẽ khốc liệt hơn khi hội nhập trở lại với đời sống xã hội.”
-“Ðó chỉ mới nói về khía cạnh vật chất, còn giáo dục về tinh thần lại càng khiếm khuyết. Tôi có thể tóm lại là học tập để trở thành người tốt thì không có, còn cải tạo về lao động chỉ ép buộc con người làm việc cực nhọc hơn, sự sống vì vậy tàn lụn nhanh hơn.”
Những lời phát biểu trên được cổ võ, anh em đã góp ý đầy đủ, kéo dài buổi sinh hoạt đến giờ cơm trưa.
Vào giờ cơm trưa anh Vĩnh hỏi Kim:
-“…Liệu chúng ta có đi quá trớn không, sau những lời phát biểu sáng nay, sự việc đã trở thành nghiêm trọng.”
Kim trả lời bạn:
-“Khó mà tránh được những lời nói thẳng trong những buổi sinh hoạt như thế này, khi mà trong lòng chúng ta mang một vết thương tủi nhục, chúng ta luôn luôn căm hờn. Và hiện giờ một số bạn hữu bệnh nặng đang bị kỷ luật, cùm xích trong phòng tối, chưa biết đời sống của họ ra sao.”
“Sau một thời gian ra đây, tôi cảm thấy chúng ta khó có con đường về, trừ khi chế độ này thay đổi. Tuy nhiên, để an toàn hơn, chúng ta dựa vào chính sách đánh mạnh vào những sai trái của đám cán bộ trại này.”
Khi trả lời câu hỏi của bạn, chính trong lòng Kim đã nhận biết chiều hướng chống đối của tập thể anh em, và cũng hứa hẹn còn nhiều gay cấn sau này. Anh nhìn thấy hiểm nguy đang dình dập, nhưng việc đến phải đến, ít ra cũng xác định được ước vọng của tập thể, và mọi người đã quyết tâm sát cánh đối đầu với cộng-sản.
Sau giờ nghỉ trưa, buổi sinh hoạt tiếp tục. Hùng có ý-kiến trước tiên:
-“Tôi đồng-ý với những lời phát biểu sáng nay, và một lần nữa tôi muốn nói thêm về lễ tiết. Hẳn chúng ta chưa quên khi bước chân tới trại này, chúng ta vào phòng 8, thành lập đội lao động. Chúng ta có cán bộ Thành phụ trách về lao động của đội. Ngay từ phút giây đầu tiếp xúc, cán bộ Thành đã gọi chúng ta là “lũ ăn mày”. Tư tưởng nặng tính giai cấp quan liêu, không đúng với đường lối của nhà nước. Và vì sẵn thù hận, có thành kiến với anh em cải tạo nên gây ra nhiều trở ngại thay vì hướng dẫn lao động. Tôi có đặt một dấu hỏi là với thành kiến của cán bộ quản giáo, liệu chúng ta có an tâm cải tạo không?”
Lời phát biểu của Hùng như gãi đúng chỗ ngứa. Anh em thay nhau đưa lời phản đối, cho rằng hắn là người hướng dẫn đội lao động mà có thành kiến không tốt về đội, đội sẽ khó đạt thành qủa tốt trong lao động.
Một anh bạn ở cuối phòng dơ tay phát biểu:
-“Chúng ta đã phát biểu về lễ tiết, về tác phong của một số cán bộ trại, mặc dù khuyết điểm còn nhiều, như hành động tàn nhẫn của một số cán bộ ngày một gia tăng, sẽ được các bạn bổ túc sau.”
“Riêng tôi, tôi muốn đi ngay vào bản nội quy chúng ta đang học tập. Ngay một trong những điều đầu tiên, chúng ta thấy có câu “án lệnh 3 năm tập trung cải tạo …” Không hiểu các bạn ở diện “phản động chống cộng-sản” có ra tòa lãnh án hay không tôi không rõ, còn chúng tôi thuộc thành phần quân nhân trình diện theo lệnh gọi, chưa ra tòa lãnh án bao giờ. Chúng ta đi cải tạo mới hơn hai năm, chưa tới hạn 3 năm. Không hiểu điều này có được thực thi nghiêm chỉnh hay không.”
“Khi tới trại này, tôi có thêm thắc mắc về án tập trung 3 năm của nhà nước. Tôi có gặp mấy em hình sự của trại, một em cho hay năm 10 tuổi có ăn trộm một con gà của hàng xóm, em bị bắt giải giao cho trường bộ cải tạo. Ðến năm 16 em được chuyển qua trại này tiếp tục cải tạo lao động. Em ở đây đã hơn 6 năm, đã qua mấy kỳ 3 năm mà vẫn chưa được về vì cán bộ ghi nhận chưa tốt.”
“Tôi đưa ra thắc mắc là án lệnh 3 năm tập trung cải tạo có được thực thi nghiêm chỉnh không? Và chính sách học tập cải tạo có phải nhằm mục-đích hướng dẫn con người, trong thời gian luật định, để trở về với xã hội sống một đời sống bình thường không?”
Ðiểm thắc mắc của anh cũng là điều ưu tư chung của mọi người cải tạo dù Nam hay Bắc. Người miền Bắc có câu: “Thời gian tập trung cải tạo như một sợi giây thung, kéo dài vô tận”. Ðó là một nhận xét chính xác, vì luật pháp nhà nước “xã hội chủ nghĩa” hạn hẹp, lại trao quyền nhận xét cho người cán bộ trực tiếp, mà cán bộ trại vốn thiếu cả về sự hiểu biết lẫn lòng nhân đạo. Luật pháp chỉ là một hình thức lấy có, bao che cho những hành động vô luật pháp của đám thừa hành.
Tất cả những thắc mắc về các điều trong bản nội quy được anh em trong phòng lần lượt nêu ra. Những sai trái của đám cán bộ được mổ xẻ tận tình. Chẳng hạn như vụ thiếu cơm của phòng 8 là dấu hiệu tham nhũng của cán bộ nhà bếp mà lần đầu tiên mới được nêu ra. Anh em cùng đưa đề nghị yêu cầu trại có thái độ với cán bộ nhà bếp, và tức thời thay đổi đám nhân viên nhà bếp, vì hành động của họ gây phương hại cho sức khỏe anh em cải tạo.
Nghe các bạn phát biểu điều này, Anh tự hỏi không hiểu kết qủa đạt được bao nhiêu, nhưng điều cần nói cứ phải nói.
Qua hai ngày sinh hoạt không khí trong phòng có vẻ sôi động hơn. Trong giờ đi lấy cơm hay lúc đội đi tắm trước bữa cơm chiều, Kim và các bạn trao đổi tình hình với các phòng khu B. Các phòng có cùng một quan điểm, diễn tiến đều đặn, khí thế hăng say.
Vào buổi sáng ngày thứ ba, Kim thêm lời phát biểu:
-“Sau hai ngày sinh hoạt học tập, chúng ta đã nêu ra những thắc mắc về bản nội quy, cũng như tác phong của một số cán bộ trại, trước khi bước qua phần kiểm điểm phê bình, tôi muốn đề cập tới điều mà cán bộ văn-hóa đã lưu ý chúng ta ngay từ buổi đầu, là nêu lên sai trái về sự việc vừa xẩy ra mấy ngày trước đây.”
“Chúng ta chứng kiến hành động của cán bộ trực trại đánh đập anh em bị bệnh nặng, mặc dù họ được y-sĩ trại cho phép nghỉ tại phòng trị bệnh. Sau khi nặng tay đánh đập còn đem nhốt anh em bệnh trong phòng kỷ luật với tay chân cùm xích, tôi có ba thắc mắc:
-Hành động đánh đập tàn nhẫn người bệnh có phải đã thể hiện chính sách “khoan hồng nhân đạo” của nhà nước không?
-Quyền hạn của y-sĩ trại có được tôn trọng không?
-Sinh mạng và quyền sống của con người có giá trị ở xã hội này không?
Và sau chót, tôi có một đề nghị yêu cầu ban quản giáo trại trả anh em bệnh đang bị nhốt trong phòng kỷ luật trở về với tập thể anh em, vì họ cần được chữa trị và săn sóc kịp thời.”
Sau lời phát biểu của Kim, đông đảo anh em trong phòng góp ý, yêu cầu ban giám thị trại thả anh em bệnh bị giam trong phòng kỷ luật. Họ bị bạc đãi, sinh mạng của anh em bị đe dọa vì mang trọng bệnh ngày một thêm nặng.
Trong phần kiểm điểm, anh em đưa lời phản đối hành động của cán bộ trại. Chỉ trích cán bộ thi hành chính sách nhà nước như trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Vấn đề này kéo dài cho hết buổi chiều, chấm dứt phần sinh hoạt học tập nội quy.
Biên bản sinh hoạt được cán bộ văn hóa tới lấy. Sau khi đọc lướt nhanh biên bản, hắn nói:
-“Tôi và ban văn-hóa giáo dục trại đã nghiên cứu biên bản hai ngày sinh hoạt của các anh. Tôi ghi nhận những thắc mắc để nghiên cứu. Hôm nay chấm dứt sinh hoạt, các anh có thể bắt đầu viết bản “tự khai.” Chủ yếu là xoáy vào trọng tâm, đề ra ưu khuyết điểm cá nhân hầu giúp các anh thêm thuận lợi trong khi cải tạo. Về phần nhận xét và những đề nghị sẽ được trại quan tâm.”
Trở lại với bản tự khai lý lịch cá nhân, Kim suy nghĩ mình nên viết những gì trong bản khai này. Trong hai năm tù đầy, đã nhiều lần anh viết lời khai, dù nhàm chán, thuộc lòng như một khúc phim quay ngược anh vẫn phải nhắc lại. Anh phải kể lại cuộc đời anh từ năm lên 7 tuổi, là tuổi đi học anh phải khai đã học trường nào, lớp mấy ở đâu. Anh đã gia nhập phong trào nào khi còn ở ngoài Bắc. Anh di cư năm nào, vào miền Nam ở những đâu. Còn đi học thì học trường nào, thôi học đi làm ở ngành nào. Kể rõ các hoạt động đã tham gia tại miền Nam. Sau tháng 4/75 hoạt động những gì, lý do đi cải tạo…
Khi bị bắt anh suy nghĩ rất nhiều trước khi khai cung. Anh nhận ra một điều, với cộng sản càng khai ít càng tốt, dấu càng nhiều càng hay, mặc dù phải gặp nhiều vất vả ở thời gian đầu. Phải thuộc lòng lời khai, nếu thiếu được ghi nhận vì lâu ngày nên quên, còn nếu mỗi lần khai lại phát hiện một ý mới sẽ bị nhiều phiền phức. Về hoạt động sau ngày 30/4, anh nhắc lại những gì đã khai từ trại Ty đến Thành. Tội danh của anh đã thành lập, một thứ “đầu não phản động.”
Về phần nhận xét, anh không muốn nhắc lại câu nói khi viết bản tự khai ở trại Phan-đăng-lưu “. . . nếu còn một hơi thở, tôi vẫn tranh đấu cho tự do” còn đậm nét trong tập hồ sơ cá nhân theo anh từ Nam ra Bắc. Ý nghĩa câu nói thật đơn giản nhưng ước vọng sâu sắc vô cùng. Bây giờ trong tình huống này, cần nói rõ thêm là phải tranh đấu cho quyền sống của con người, như đã phát biểu trong những buổi sinh hoạt vừa qua.
CÒN TIẾP/Kỳ 9
Trần Nhật Kim