CÔ GIÁO CHRISTA MCAULIFFE (Bông Lau)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May 30-2020

Hôm nay thứ Bảy đúng 3:22 giờ chiều nếu thời tiết tốt không có mưa, gió và sấm chớp thì NASA và SpaceX sẽ khai hỏa hỏa tiễn Chim Ưng 9 (Falcon 9) đẩy phi thuyền Con Rồng (Crew Dragon) vào không gian.
Luật an phi của NASA là nếu trong mây có điện từ gây sấm chớp không được gần giàn phóng tối thiểu 10 dặm hải lý, vì nếu phi thuyền bị thiên lôi uýnh trúng thì các hệ thống điện tử của phi thuyền có thể bị hư hại và sẽ gây tai nạn thảm khốc.
Hoa Kỳ đã qua mặt Liên Bang Nga và Trung Cộng về kỹ nghệ không gian một khoảng cách rất xa. Nga coi như không có nhiều chương trình không gian trong thời gian gần đây. Còn Trung Cộng chỉ mới đạt được thành quả đáp một phi thuyền không người lái xuống mặt sau của chị Hằng Nga.
Mặt sau của Chị Hằng là phía sau ót của chị được coi như vùng bí hiểm vì phi thuyền không thể liên lạc trực tiếp với địa cầu. Vì lý do đó Trung Cộng phải có một vệ tinh khác bay ở quỹ đạo mặt trăng để tiếp vận các tín hiệu liên lạc.
Chế tạo phi thuyền không người lái dễ hơn nhiều so với phi thuyền chuyên chở và bảo đảm sự sống còn của phi hành gia sống ngoài không gian. Điều quan trọng là phải đưa họ trở về lại trái đất, còn phi thuyền không người lái thì không. Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm ấy với gần chục chương trình Apollo đưa người lên mặt trăng cách đây nửa thế kỷ. Nhưng sự thành công ấy phải trả bằng giá đắt.
Phi hành gia là những người có bộ óc thông minh xuất chúng, lòng can đảm và sự bình tĩnh vô song để đối phó với muôn ngàn hiểm nguy đang chờ đón ngoài vũ trụ. Nhiều người ra đi nhưng khi trở về chỉ là những ánh sao băng tan vỡ rực sáng. Như trường hợp tai nạn của phi thuyền Con Thoi Columbia vào ngày 01 tháng 01 năm 2003.
Tai nạn xảy ra vì những miếng xốp cách nhiệt nơi cánh trái bị văng mất khi phóng đi. Khi trở vào bầu khí quyển ở cao độ 400 ngàn bộ ở Thái Bình Dương lúc 08:44:09 giờ sáng. Sự ma xát với không khí làm dưới cánh và bụng của con tàu Columbia nóng đỏ và hơi nóng ấy đã xâm nhập vào cấu trúc bên trong cánh trái gây ra những sụp đổ dây chuyền.
Lúc 08:54:24 giờ Trung Tâm Không Gian Houston ghi nhận các cảm biến ở cánh trái ngưng hoạt động. Khi ấy Columbia đã vào không phận California với vận tốc 22.5 lần tiếng động âm thanh và nhiều người thấy có những mảnh nhỏ bay rời ra và cháy sáng.
Lúc 08:59:32 lời nói sau cùng của phi hành đoàn là “Roger, uh, bu…” (Nghe hiểu, uh, bu…). Vận tốc của Columbia giảm xuống 19 lần vận tốc âm thanh và ở cao độ khoảng 200 ngàn bộ.
09:00:18 giờ, nhiều nhân chứng ở Texas thấy Columbia bể ra nhiều mảnh vụn cháy sáng rực kéo những đường khói trắng dài và có tiếng nổ bùm chấn động dội xuống. Các chuyên gia phân tích tất cả bảy phi hành gia đã chết lúc ấy. Có hai nữ phi hành gia trong toán, một cô người Mỹ gốc Ấn Độ.
Tai nạn của phi thuyền Con Thoi Challenger vào ngày 28 tháng 01 năm 1986 liên quan tới vấn đề thời tiết.
Hôm ấy nhiệt độ ở địa điểm phóng là Cape Canaveral, Florida bất thường trụt xuống 18 °F (−8 °C). Các kỹ sư phụ trách về hai hỏa tiễn phụ (rocket booster) lo sợ các vòng cao su (O ring) lót ở các phần ráp nối của hỏa tiễn sẽ bị hư hỏng vì chỉ giới hạn ở nhiệt độ 40°F (4 °C). Tuy nhiên NASA quyết định phóng Challenger.
Kết quả là một đoạn ráp nối của hỏa tiễn phụ gần động cơ bị hở và nhiên liệu lỏng (từ trạng thái hơi được ép thành khí lỏng) thoát ra và bốc cháy đốt nóng bình nhiên liệu khổng lồ sơn màu đỏ nằm bên cạnh chứa hydrogen và oxygen lỏng. Bình này phát nổ như trái bom khi phi thuyền Challenger rời giàn phóng được 72 giây và đã ở trên không phận Đại Tây Dương.
Phòng lái của Challenger còn nguyên vẹn khi bình nhiên liệu nổ tung ở cao độ 14 km. Các chuyên viên nghĩ rằng các phi hành gia vẫn còn sống lúc ấy. Tuy nhiên họ đã không thể sống sót khi rơi xuống và va chạm với mặt biển.
Trong bảy phi hành gia của Challenger tử nạn hôm ấy, có hai phụ nữ. Sáu người là những bác sỹ, kỹ sư, cựu phi công tài giỏi chuyên nghiệp của NASA. Đặc biệt có một người không phải là phi hành đoàn “cơ hữu”. Người ấy là một cô giáo của một trường trung học đệ nhất cấp ở vùng thủ đô Washington.
Cô giáo tên là Sharon Christa McAuliffe lúc ấy 37 tuổi. Cô đam mê về vũ trụ và dạy học trò các môn khoa học. Sharon Christa McAuliffe được các hội đoàn giáo chức tuyển chọn và NASA đồng ý cho cô McAuliffe tham dự một chuyến đi. Cô giáo phải nghỉ dạy không ăn lương một năm để NASA huấn luyện những kỹ năng cơ bản trước khi đi vào vũ trụ.
Nhiệm vụ của cô giáo McAuliffe khi đi theo tàu Con Thoi là phụ trách hai lớp học mỗi lớp kéo dài 15 phút sẽ được truyền hình trực tiếp đến hàng triệu học sinh Mỹ ở địa cầu. Ngoài ra cô giáo còn phụ trách những chương trình giới thiệu trực tiếp các hoạt động của Con Thoi Challenger cho các học trò ở quê nhà. Cô muốn tuổi thơ Mỹ say mê và tiếp nối giấc mộng chinh phục không gian như những người đi trước.
Cô giáo Sharon Christa McAuliffe đã chết khi đang xây dựng những giấc mơ cho tuổi thơ và cho chính cô. Vì cảm kích hoài bão của cô giáo của một quốc gia đối thủ ý thức hệ, Liên Xô đã đặt tên hai ngọn núi lửa (do thiên thạch ngoài không gian rớt xuống triệu triệu năm trước) một ở Nguyệt Cầu và một ở Kim Tinh là Núi McAuliffe (McAuliffe Crater) để vinh danh cô giáo.
NASA đã tìm thấy di hài của bảy phi hành gia Con Thoi Challenger từ đáy biển Đại Tây Dương. Cô giáo Sharon Christa McAuliffe đã được chôn cất ở nghĩa trang Blossom Hill, nơi cô sanh ra. Concord, tiểu bang New Hampshire.
Vì cảm kích, Liên Xô đã đặt tên hai ngọn núi lửa (do thiên thạch ngoài không gian rớt xuống triệu triệu năm trước) một ở Nguyệt Cầu và một ở Kim Tinh là Núi McAuliffe (McAuliffe Crater) để vinh danh cô giáo. Hình chụp núi Núi McAuliffe ở mặt trăng.
Cô giáo Sharon Christa McAuliffe.
Cô giáo Sharon Christa McAuliffe được NASA huấn luyện về cuộc sống vô trọng lực trong máy bay quân sự KC-135.
Bảy phi hành đoàn của phi thuyền Challenger. Cô giáo Sharon Christa McAuliffe đứng thứ hai từ trái, hàng phía sau.
Một đoạn ráp nối của hỏa tiễn phụ gần động cơ bị hở và nhiên liệu lỏng thoát ra và bốc cháy thành một vòi lửa phía trên đốt nóng bình nhiên liệu khổng lồ sơn màu đỏ nằm bên cạnh chứa hydrogen và oxygen lỏng.
Phi thuyền Con Thoi Challenger nổ tan tành ở cao độ 14 km khi mới rời giàn phóng 72 giây.
Di hài của bảy phi hành gia Con Thoi Challenger được máy bay quân sự C-141 đưa về NASA
Nhiều người ra đi nhưng khi trở về chỉ là những ánh sao băng tan vỡ rực sáng. Đây là tai nạn của phi thuyền Con Thoi Columbia vào ngày 01 tháng 01 năm 2003
Phi hành đoàn của Con Thoi Columbia. Họ trở thành những ánh sao băng
Một mảnh vỡ nón bay của phi hành đoàn Con Thoi Columbia được tìm thấy ở Texas.
Một đế giày của phi hành đoàn Con Thoi Columbia được tìm thấy.
Các mảnh vỡ của phi thuyền Con Thoi Columbia.