CHẶNG ĐƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM MỚI CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM (Nhà văn TRẦN PHONG VŨ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

*Di sản từ nhiệm kỳ trước *Những nan đề trước mặt *Gánh nặng trách nhiệm

Đại Hội lần thứ XIII của HĐGMVN đã kết thúc hôm Thứ Sáu 07-10-2016 sau ba ngày hội họp và đã bầu ra một ban điều hành nhiệm kỳ mới 2016/2019. Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hóa được tín nhiệm vào vai trò tân Chủ tịch HĐGMVN cùng với ba vị trong Ban Thường Vụ là Đức Cha Nguyễn Năng, Phó Chủ tịch, Đức Cha Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký, Đức Cha Vũ Văn Thiên, Phó TTK.

Trong số các Giám Mục phụ trách 17 Ủy Ban trực thuộc HĐ, người ta chú ý tới sự kiện Đức Cha Nguyễn Thái Hợp được tái tín nhiệm ở vị trí Chủ tịch Ủy ban Công Lý – Hòa Bình, một Ủy ban sinh sau đẻ muộn[1] mà trên danh nghĩa được coi là hết sức quan trọng đối với Giáo Hội trước cảnh ngộ trên đe dưới búa lâu nay.

Bài viết này không đề cập những trách nhiệm và bổn phận đương nhiên HĐGMVN phải chu toàn về phương diện nội bộ, cụ thể là các chương trình, kế hoạch nhằm thăng tiến đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Ở đây chúng tôi chỉ giới hạn vào sứ vụ “nhập thế” của Hội Thánh Chúa Kitô mà Thư Chung Đại Hội thứ nhất năm 1980 của các Giám Mục đã chi ra qua chủ đề “Sống Phúc Âm Giữa Lòng Dân Tộc”.

Dĩ nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là từ “Dân Tộc” được dùng trong chủ đề này không bị đồng hóa với “Đảng, chủ nghĩa Mác & nhà nước CS”.

I.- Những di sản từ Hội Đồng tiền nhiệm để lại

Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam vừa trải qua một nhiệm kỳ buồn nhiều hơn vui khi nhìn lại chặng đường của vị nguyên chủ tịch HĐGM trong ba năm qua. Ở vị trí Tổng Giám Mục một TGP lớn như Sàigòn lại nắm giữ vai trỏ Chủ tịch cơ cấu lãnh đạo tối cao của Giáo Hội CGVN, thú thật chúng tôi không giấu được cảm nghĩ đau buồn là tuồng như Đức Cha Bùi Văn Đọc đã không làm gì để chứng tỏ sự trung thành đi theo lộ trình từng được Đức Kitô, Đấng khai sáng kỷ nguyên Tân Ước vạch ra mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II & đương kim Giáo Hoàng Francis đã, đang miệt mài làm chứng[2].

Không đâu xa, chỉ cần nhớ lại ý nghĩa và hệ quả gây ra từ bản thông báo của Đức Cha công bố hôm 30-4-2016 nhân danh HĐGM là đủ rõ. Sau nhiều đêm ngày trăn trở, vì lương tâm người tín hữu đòi buộc, thời gian ấy chúng tôi đã phải viết một bài khá dài để bày tỏ quan điểm về văn kiện này, một văn kiện chỉ vỏn vẹn trên dưới 300 chữ, trọng điểm đặt vào vài giòng sau đây:

“Vì thế, trong lúc này, xin quý cha và anh chị em giáo dân khi diễn tả những lo lắng và bức xúc của mình, tránh những hành động quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hướng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật”. (Người viết tô đậm)

“Trong lúc này” ở đây là lúc thảm nạn cá chết phơi trắng dọc dài 250 cây số bãi biển bốn tình miền Trung do hành vi thâm độc của những kẻ thù giấu mặt mượn tập đoàn gang thép Formosa xả thải các hóa chất cực độc xuống vùng biển Vũng Áng, khiến dư luận người dân trong và ngoài nước vô cùng xót xa, phẫn nộ khi nghĩ tới nỗi đau thương hàng trăm ngàn gia đình đồng bào ruột thịt sống bám vào biển từ bao nhiêu đời nay phải gánh chịu. Những tiếng kêu gào thảm thiết vang lên khắp nơi, trong khi đảng và nhà nước CSVN hoàn toàn câm nín. Chưa nói tới những hành vi đàn áp, khủng bố thô bạo của công an nhắm vào đám đông đồng bào, các bloggers, giới trí thức trong các cuộc biểu tình chống Fomosa, chống tập đoàn Tàu cộng xâm lược.

Một số câu hỏi đặt ra: Bản thông báo với nội dung như thế được công bố vào thời điểm ấy với mục đích gì, phục vụ ai và do thế lực nào thúc đẩy? Câu trả lời dành cho mọi người, trong số có hàng Giáo phẩm CGVN, đặc biệt quý vị trong Ban Thường Vụ, quý vị đặc trách các Ủy Ban –cách riêng Ủy Ban Công Lý – Hòa Bình, để từ đấy xác định lại quan điểm và hướng đi mới của HĐ.

Trường hợp chùa Liên Trì của HT Thích Không Tánh vừa bị công an nhà nước tiếp tay thế lực tài phiệt san bằng cũng gợi nhớ tới mối âu lo của các Dì Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm về thái độ thờ ơ, tắc trách của người cầm đầu TGP Sàigòn và cũng là Chủ tịch HĐGM nhiệm kỳ vừa qua, trước những hành vi tương tự của công an nhằm ăn cướp đất đại, cơ sở của Dòng.[3]

Sự xuất hiện hôm khai mạc Đại Hội XIII HĐGM của ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) cũng là một điều khá lạ dưới mắt người tín hữu Công giáo. Tấm hình chụp TGM Đọc, người tiền nhiệm của vị tân Chủ tịch HĐ nhiệm kỳ tới, tươi cười nhận món quà tặng vàng chóe từ tay ông Nhân càng làm cho mọi người sững sờ, để từ đấy vẩn lên nhiều câu hỏi lẽ ra không nên có.

Về những gì ông Nhân phát biểu trước các GM trong ngày khai mạc hội nghị cần được phân tích cặn kẽ hơn trong một bài khác. Mục tiêu của bài này là chỉ ra một điều: đó là thái độ lì lợm, bất cố liêm sỉ ẩn sau những ngôn ngữ man trá, trống rỗng phát ra từ cửa miệng một con người mang vẻ trí thức có cái tên là “Thiện Nhân”!

Ông nói:

“Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam luôn lắng nghe các ý kiến của các tôn giáo nói chung và của đồng bào Công giáo nói riêng.”

Tự hỏi: khi trơ trẽn nói như thế trước HĐGMVN, cơ cấu từng thay mặt hơn 7 triệu người CG gửi tập đoàn Ba Đình một văn kiện dài để góp ý về việc sửa đổi cái gọi là Hiến Pháp của chế độ năm 2013, trong đó yêu cầu loại bỏ điều 4, ( điều quy định dành độc quyền điều hành đất nước cho đảng CS!) cuối cùng mọi chuyện “vũ như cẩn”, ông có nhận ra bản chất bất tín, bất lương, bất nhân, bất thiện của chế độ mà ông đã tiêm nhiễm thế nào không? Chưa hết, ông ta còn nhơn nhơn nhắc tới Thông Điệp về môi trường của ĐTC Francis để khoe thành thích về vài việc làm vô bổ, trong khi lại nín khe không có một lời về hành vi hủy hoại môi trường biển, tội ác tày trời của Formosa đã gây ra cho đồng bào ông ở bốn tỉnh miền Trung!

Đến lời ca cẩm này: “Ở đâu có đồng bào công giáo, ở đó có sự đoàn kết, thương yêu, bình an và phát triển” thì người ta phải ngạc nhiên thật sự. Ông đã xác nhận một điều quá chính xác về bản chất và tâm nguyện của người tín hữu Công Giáo. Thật vậy, câu hỏi đặt ra là ông có nói thật lòng không khi trước đó ông đề cao sự kiện một số linh mục mà người công giáo chân chính mệnh danh là “Quốc Doanh” từng chống lại quy luật Giáo Hội, tham gia cái gọi là Quốc Hội bù nhìn do đảng CS dựng lên?

Chúng tôi nêu lên vài chi tiết liên quan tới những lời phát biểu môi miếng của khuôn mặt đại diện của đảng CSVN không ngoài mục tiêu để tô đậm thêm cái di sản không mấy đẹp do người tiền nhiệm trao lại cho HĐGM nhiệm kỳ vừa khởi đầu.

Từ cái di sản với nhiều bóng tối ấy, người viết muốn nói qua về một số trở ngại mà dù muốn hay không HĐGM sẽ phải đối diện trong nhiệm kỳ vừa bắt đầu.

h1Mời quý độc giả nhìn kỹ hai khuôn mặt trong tấm hình nhận được từ quốc nội

II.- Những thách đố và nan đề trước mặt

Đầu tiên là những thách đố trường kỳ, dai dẳng phát xuất từ một chế độ độc tài, chuyên chính, sắt máu, bất khoan dung tôn giáo: chế độ cộng sản. Về điểm này, vị tân Chủ tịch HĐGM đã có khá nhiều kinh nghiệm. Không phải chỉ thời ông giữ vai trò Phó Chủ tịch nhiệm kỳ 2010/2013 mà ngay từ những năm dài về nhà làm ruộng sau khi bị cộng sản Hà Nội cưỡng bách phải rời tu viện sau khi chúng cướp được miền nam.

Thứ đến là những thách đố nảy sinh ngay trong nội bộ. Giữa các thành phần trong ban thường vụ. Trong mối liên hệ với các Giám mục anh em, cách riêng các vị đang dặc trách các Ủy ban chuyên môn. Sự kiện này đưa tới nhiều hệ lụy trong khi thảo luận và biểu quyết những vấn đề mà ngôn ngữ trong nước gọi là “nhạy cảm”.

Thách đố thứ hai này càng trở nên trầm trọng khó hóa giải hơn khi có bàn tay của chế độ cộng sản thọc sâu vào nội bộ HĐGMVN để mua chuộc bằng những “bẫy nhung êm ái”, kể cả những thủ đoạn răn đe, hù dọa, gây phân hóa hàng Giáo phẩm, tạo nên những tị hiềm, đố kỵ lẫn nhau. Đấy là chưa kể trường hợp có những cá nhân biến chất tự bán mình để trở thành loại “Giuda thời đại”![4] Trong trường hợp này thách đố không chỉ giới hạn quanh chuyện chia rẽ, đố kỵ thường tình mà còn tạo nên tâm trạng sợ hãi thường xuyên, nhất là với những vị vốn đạo đức, hiền hòa thành tâm yêu mến Giáo hội, tha thiết muốn đóng góp phần mình vào việc duy trì sự trong sáng của Hội Thánh nhưng đôi khi không dám bày tỏ ý kiến thật của mình chỉ vì e ngại đụng chạm, nhất là cái ám ảnh sợ “bức vách có tai”.

Trong điều kiện như thế, bằng cách nào cơ cấu lèo lái chủ trương đường lối của Hội Thánh vượt qua được những khó khăn, trở ngại khắp mặt, hầu đưa con thuyền Giáo Hội đi đúng hướng, đáp ứng sự trông đợi của quảng đại quần chúng tín hữu, trong đó tuyệt đại đa số là những thành phần thấp kém, nạn nhân của cường quyền bạo lực? Trong trường hợp này cho thấy vai trò quan trọng và quyết định của người cầm đầu HĐGM. Với lòng đạo đức, một lập trường kiên định luôn trung thành với Hội Thánh, dứt khoát không làm tôi hai chủ, ngài sẽ cùng với những anh em Giám mục của mình vượt qua được mọi cám dỗ thường tình, khôn ngoan và cứng rắn đủ để có những quyết định đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Như một phản xạ tự nhiên, viết đến đây chúng tôi không khỏi liên tưởng tới Đức Cha Hoàng Đức Oanh qua nội dung bài giảng của ĐC ở nhà thờ Thái Hà trong Thánh Lễ lúc 6 giờ 30 chiều 22-9-2016[5].

* Cuộc thăm viếng của ông Nguyễn Thiện Nhân mang ý nghĩa gì?

Sự có mặt của ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch MTTQ trong ngày đầu Hội Nghị bầu lại ban chấp hành HĐGM mang khá nhiều ý nghĩa. Như mọi người đều biết tổ chức do ông Thiện Nhân[6] lãnh đạo vốn là một bộ phận ngoại vi của đảng và nhà nước CSVN có trách nhiệm theo dõi sát đường đi nước bước của các tôn giáo, đặc biệt những nhà lãnh đạo cấp cao. Riêng với Giáo hội Công giáo, ngoài các vị Tổng Giám Mục cai quản ba TGP lớn, không ai khác hơn là vị Chủ tịch HĐGM. Vì thế, sự xuất hiện của ông Nhân và những lời phát biểu hoa hòe hoa sói của ông trước Hội Nghị bầu ban chấp hành mới của HĐGM, hẳn không ngoài mục tiêu đảng và nhà nước CSVN nhắm vào vị Giám Mục sẽ được bẩu vào vị trí Chủ tịch trong nhiệm kỳ tới. Ngoài những lời lẽ “vun vào” trong bài phát biểu, món quà vàng chóe được ông Nhân trân trọng trao TGM Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGM nhiệm kỳ vừa chấm dứt mang ý nghĩa gì, nếu không là một lời nhắn khéo các GM nên chọn một người thừa kế có chung lập trường, quan điểm với người tiền nhiệm. Hành vi của ông Nhân sẽ trở thành một lời cảnh cáo trong trường hợp vị được chọn ra ngoài toan tính qua những cuộc đi đêm trước đó.

Câu chuyện bên lề cuộc bầu bán ban chấp hành nhiệm kỳ 2013/2016 tôi được nghe kể lại khá ly kỳ. Hồi ấy, trong mấy đợt bỏ phiếu đầu, GM Bùi Văn Đọc ngang phiếu với GM Nguyễn Chí Linh, người vốn được coi là xứng đáng khi ấy. Trong đợt bỏ phiếu cuối cùng do sự can thiệp của HY Phạm Minh Mẫn, GM Bùi Văn Đọc đã được chọn.

* Dư luận quần chúng nhìn vào tân ban điều hành HĐGMVN

Về phía đồng bào, nói chung không phân biệt tôn giáo từng có dịp theo dõi những buổi cầu nguyện, hát kinh hòa bình, cầu nguyện cho quê hương, cho Công Lý, nghe những bài giảng của các Linh Mục ở nhà Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội, Kỳ Đồng, Sàigòn, khi hay tin HĐGM bước qua nhiệm kỳ mới, đều không giấu được niềm hy vọng. Có hai chỉ dấu khiến mọi người lạc quan nhìn về phía trước.

Thứ nhất là sự kiện Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa được chọn thay Đức TGM Sàigòn giữ chức vụ Chủ tịch HĐGM trong nhiệm kỳ ba năm sắp tới. Thứ hai là trường hợp Đức Giám mục Vinh Nguyễn Thái Hợp được tái tín nhiệm trong vai trò Chủ tịch Ủy Ban Công Lý – Hòa Bình.

Với quá khứ từng bị cộng sản cưỡng bách rời chủng viện về nhà chờ đợi hơn mười năm trời mới được tiếp tục trở lại con đường tu trì để thành Linh mục rồi Giám mục, sau đó lại chứng kiến những thủ đoạn gian ác của chủ nghĩa vô thần nhằm khống chế Giáo Hội, hẳn Đức Cha Nguyễn Chí Linh có thừa kinh nghiệm để bảo vệ và phát huy sự thuần nhất trong Hội Đồng Giám Mục. Đây được coi là yếu tố nền tảng giúp Hội Đồng có những quyết định khôn ngoan, sáng suốt khi phải đối phó với những thủ đoạn sai trái của đảng và nhà nước cộng sản đối với Giáo hội và quê hương. Riêng Đức Giám mục Vinh, từng giữ trọng trách điều hành Ủy Ban Công Lý – Hòa Bình trong ba năm qua và với vai trò này ngài đã hơn một lần lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ những nạn nhân bị bách hại, đặc biệt trong mấy tháng vừa qua khi tổ hợp gang thép Formosa xả thải hóa chất cực độc xuống Vũng Áng gây nên thảm họa cá chết hàng loạt khiến cho nhiều triệu đồng bào sống bám vào biển lâm cảnh khốn cùng. Nay Đức Cha được tái cử vào vị trí này, dư luận trong ngoài nước tin rằng đây là chỉ dấu cụ thể cho thấy các Giám mục công khai bày tỏ niềm tin tưởng là ngài sẽ tiếp tục đứng bên cảnh các nạn nhân vụ môi trường biển bị hủy hoại cũng như tất cả những nạn nhân khác của chế độ cộng sản vô thấn.

III.- Gánh nặng trước mặt

Ngày nào chế độ cộng sản còn hiện hữu trên quê hương thì cùng với đại khối dân tộc, tập thể Công Giáo dân cũng như tất cả tín đồ của các tôn giáo bạn vẫn còn là đối tượng truy diệt của chúng. Hơn ai hết những người cộng sản thấy rõ sức mạnh của những công dân có tín ngưỡng. Vì thế sau ngày cướp được chính quyền, mục tiêu hàng đầu chúng nhắm tới là tìm mọi cách để truy diệt niềm tin tôn giáo. Trong văn thư gửi Đỗ Mười năm 1992, chính Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã nhấn mạnh tới mục tiêu tàn độc này của Hà Nội.

Với tình thế hiện nay, nếu môi trường biển bị hủy hoại xô đẩy hàng triệu nạn nhân lâm cảnh khốn cùng và còn di lụy cho nhiều thế hệ con cháu mai sau, thì về một phương diện khác nó cũng mở ra một cơ may hiếm có cho khát vọng dứt điểm chủ nghĩa cộng sản trên quê hương. Sự nhất trí để đồng tâm hiệp lực giữa các tôn giáo, cách riêng 7 triệu đồng bào Công giáo là một nhu cầu cấp bách trong lúc này để mở đường cho dân tộc đi vào một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên không còn chủ nghĩa cộng sản.

Riêng với Công giáo, ngay lúc này ban lãnh đạo mới của HĐGM hẳn không thể làm ngơ trước tiếng kêu gào thống thiệt của hàng ngàn nạn nhân đã bị công an nhà nước bạo hành, gây trở ngại nhằm ngăn chặn không cho họ tới huyện Kỳ Anh nộp đơn tái khiếu kiện tổ hợp gang thép Formosa hôm 18-10 vừa qua. Theo các luật sư, hành vi này của nhà cấm quyền tỉnh Nghệ An là một vi phạm trầm trọng tới quyền khiếu kiện của công dân. Ngoài ra, hệ quả của cơn bão kinh hoàng vừa trút xuống thân phận hàng triệu nạn nhân khiến cho hàng chục ngàn mái ấm gia đình bị nhận chìm trong biển nước gây nên cảnh chết chóc cho hàng chục người và hàng triệu bà con lâm cảnh không nhả hẳn cũng đòi buộc HĐGM phải quan tâm. Trách nhiệm này cũng trực tiếp đặt ra cho Đức Cha Nguyễn Thái Hợp vừa là chủ chăn của đông đảo nạn nhân và cũng là giáo dân của ngài, nhất là khi hệ quả trận bão càng tăng tốc do thái độ tắc trách của nhà cầm quyền trong việc xả nước bừa bãi tại các đập thủy điện.

____

[1] UB Công Lý – Hòa Bình trực thuộc HĐGM các Giáo hội địa phương được thành lập dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. UB này nằm trong Thánh Bộ Công Lý – Hòa Bình của Tòa Thánh do chính ngài sáng lập. Riêng Việt Nam, vì hoàn cảnh khắc nghiệt, mãi tới nhiệm kỳ 2013-2016 vừa qua, Ủy ban này mới được khai sinh.

[2] Sau 40 ngày chay tịnh, trước khi khởi đầu rao giảng, Chúa Giêsu vào hội đường, mở sách ngôn sứ Isaia gặp đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, sai tôi công bố cho kẻ tù đày biết họ được thamở mắt cho người mù, trả tự do cho người bị áp bức…” (Luca, đoạn 4 câu 17-18). Ở ngôi vị Giáo Hoàng, Đức Francis có lần nói: Hội Thánh phải trở về với căn tính là Giáo Hội của người nghèo, phải lấm lem cạnh những người cùng khổ. Riêng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã hơn một lần nhấn mạnh:Con người là đường đi, là đích điểm phục vụ hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo.

Cùng với bài viết này, chúng tôi mời độc giả đọc lại bài “Vài suy nghĩ quanh Bản Thông Báo của TGM Bùi Văn Đọc về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung Việt Nam”.

[3] Người ta chưa quên câu trả lời cuộc phỏng vấn Đức TGM Sàigòn của phái viên đài RFA cách đây chưa lâu. Khi được hỏi về thái độ của ngài trước sự kiện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm có thể bị nhà nước giải tỏa, ĐC Đọc trả lời: đấy là chuyện của địa phương.  Nhiều người tư hỏi: địa bàn Thủ Thiêm chỉ cách tòa Tổng Giám Mục Sàigòn khoảng 10 cây số, như vậy Dòng MTG thuộc địa phương nào?

[4] Chúng tôi không hàm hồ khi nói thẳng ra mối nghi ngại này. Cố GM Phan Thiết Huỳnh Văn Nghi đã rót vào tai tôi những trải nghiệm đau xót của ngài trong mấy ngày chúng tôi tạm trú ở Foyer Phát Diệm, Roma để tham dự Năm Thánh 2000. Sau này tôi còn được nghe biết thêm nhiều chi tiết đáng buồn hơn qua những lời trăn trối của cố Giám Mục Bắc Ninh Nguyễn Quang Tuyến với LM Nguyễn Hữu Lễ mà qua những nguồn khác, tôi tin cha Lễ không bịa dặt.

[5] Trong bài giảng này ĐC Oanh đã nói tới căn bệnh “vị kỷ” và “vô cảm” của người Kitô hữu –trong số có cả ngài, với tư cách Giám Mục. Để cụ thể hóa ĐC nói tới “ba mạnh”: mạnh miệng, mạnh tay, mạnh chân và “bốn yếu”: yếu đầu, yếu mắt, yếu tai và yếu tim (ở đây, dù mạnh hay yếu đều là những căn bệnh bất trị). Mạnh miệng để chỉ biết nói mà không làm, như người tín hữu tuyên xưng đức tin, người mục tử luôn rao giảng Tin Mừng, nhưng chỉ là môi mép. Mạnh tay để vơ vét làm lợi cho bản thân, cho xứ đạo, cho giáo phận. Mạnh chân để chạy trốn trách nhiệm phải có của người tin, của vai trò làm thày dạy chân lý. Yếu đầu vì không biết vận dụng khối óc để phân biệt hay dở, chính tà, u mê nghe theo những lời tuyên truyền phỉnh gạt của kẻ thù để tự đánh lừa mình, rao truyền làm hại người khác. Yếu mắt để có lúc trở nên kẻ mù không nhín thấy những bất công, sai trái do kẻ ác gây ra, không thấy nỗi oan khuất khổ đau anh em mình phải chịu. Yếu tai, không nghe được những lời rên xiết để cảm được nỗi bất hạnh của đồng bào, đồng đạo. Quan trọng hơn là yếu tim để trở nên lãnh đạm, vô cảm, không biết tới nỗi đau của tha nhân, không quan tâm tới những hành vi độc ác quanh mình. Chính các khuyết tật nằm trong những cái mạnh và cái yếu ấy đã đưa tới nỗi bất hạnh cho mấy triệu nạn nhân biển chết, cá chết, người chết ở bốn tỉnh miền Trung. Thủ phạm trực tiếp là Formosa và những cá nhân, tập thể đồng lõa đã gây nên thảm họa môi trường. Thủ phạm gián tiếp là chính những thành phần vướng vào 3 mạnh, 4 yếu trên đây, coi tai ương xảy ra ở Vũng Áng là của ai khác không liên hệ đến mình!

[6] Chắc chắn không phải ngẫu nhiên người lãnh đạo MTTQ lại mang tên Thiện Nhân (người lương thiện). Đây có thể là tên thật của ông. Nhưng cũng có thể là bí danh hay một cái tên được đảng CS đặt cho nhằm phục vụ một mục tiêu, một vị trí, một hoàn cảnh đặc thù nào đó. Vì nhu cầu của đảng, người ta còn chối bỏ tổ tiên để mang một họ khác. Thí dụ một người vốn dòng họ Nguyễn, khi không lại mang họ Phạm. Đây là trường hợp cựu ngoại trưởng CSVN Nguyễn Cơ Thạch nhưng cao trai ruột của ông lại mang họ Phạm (đương kim Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh).

Ở trường hợp Chủ tịch MTTQ, rõ ràng người ta cố ý khoác cho nhân vật may mắn có dáng bề ngoài nho nhã, sáng sủa này cái tên mang ý nghĩa một con người ngay thẳng lương thiện, không ngoài mục tiêu khơi gợi cảm tình và lòng tin của các lãnh đạo tôn giao mà ông ta có trách nhiệm mua chuộc bằng mọi thủ đoạn.