BỐ TÔI – NHÀ VĂN NHẬT TIẾN QUA ĐỜI (Michael Trụ Bùi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Inline image

Inline image

Mẹ tôi người làng Hành Thiện, Nam Định. Ông Nội của Mẹ tôi chống Pháp bị chém đầu chung với Hoàng Hoa Thám, tức cụ Đề Thám vào năm 1913. Mẹ tôi có người anh cả là bác Quỳnh đi theo Việt Minh cũng chống Pháp. Việt Minh trong giai đoạn này là liên minh chính trị cánh tả mang danh nghĩa trung lập với mục đích công khai là “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái để chống thực dân Pháp”. Về sau bác Quỳnh bị Việt Minh thủ tiêu vì không phải là người của Đảng Cộng Sản mà bác đi theo Đảng Tân Dân Chủ. Lớn lên khi dọn về Hà Nội, gia đình Mẹ rất khá giả vì ông Ngoại tôi là nhà thầu cho mỏ than Hòn Gai tại Quảng Ninh. Sau khi Việt Minh chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp Định Đình Chiến Geneve được ký kết, ông Ngoại tôi tức tốc bán tống bán tháo tài sản để di cư vào Nam, tránh bị đấu tố khi đã biết quá rõ bản chất của người Cộng Sản là gì.

Bố tôi gốc Hà Thành, có hai anh chị cũng đi theo Việt Minh chống Pháp và người anh kế là bác Tân thì lại đi theo chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Bác Tân tốt nghiệp khóa Sỹ Quan Hải Quân ở Nha Trang mang quân hàm Thiếu Úy và vì tin theo Hiệp Định Geneve năm 1956 sẽ có Tổng Tuyển Cử, hai miền Nam-Bắc sẽ thống nhất, nên bác quay về Hà Nội.

Thủ Tướng Ngô Đình Diệm làm cuộc Trưng Cầu Dân Ý và truất phế Vua Bảo Đại vào năm 1955. Sau đó ông Diệm  cũng tuyên bố sẽ không tổ chức cuộc Tổng Tuyển Cử ở Miền Nam như đã dự định vào năm sau 1956, vì ông cho rằng bầu cử ở Miền Bắc mà do Đảng Lao Động (Cộng Sản) tổ chức thì chỉ là trò bịp bợm không công bằng, vì thật sự người dân Miền Bắc làm gì có tự do mà đi bầu. Vậy là cuộc Tổng Tuyển Cử theo Hiệp Định Geneve kể như bị hủy bỏ. Bác Tân dính luôn ngoài Bắc rồi bị vùi dập cho đến cuối đời vì lỡ mang cái mác từng đi lính Quốc Gia.

Trong bối cảnh đó, một bên nhất quyết bỏ xứ vào Nam, một bên muốn ở lại. Thế là ông Ngoại tôi phải tới nhà ông Nội tôi xin cho Bố tôi đi theo, sau một lễ cưới gấp Mẹ tôi cho kịp ngày di cư.

Vào Sài Gòn, Bố tôi bắt đầu gầy dựng sự nghiệp qua nghề làm báo viết văn. Ông hoạt động rất tích cực và cũng dấn thân vào chính trị qua ngòi bút. Cuối năm 1955 khi tác phẩm đầu tay “Những Người Áo Trắng” ra đời, Bố tôi chính thức bước vào thế giới văn nghệ sĩ và đã được văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam của Tự Lực Văn Đoàn giới thiệu vào Trung Tâm Văn Bút Việt Nam vào năm 1958. Bố tôi giữ chức Phó Chủ Tịch cho tới ngày mất nước.

Ông Nhất Linh tuẫn tiết vì chống chính phủ Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp các phần tử đối lập. Cái chết của ông là một thảm kịch và đã tạo xúc động lớn lao cho giới trẻ sinh viên học sinh tại miền Nam dạo đó. Ở đám tang của ông vào ngày 13 tháng 7 năm 1963, gần bốn tháng trước khi chế độ nhà Ngô bị đảo chánh, Bố Tôi lúc đó mới 27 tuổi đã được hân hạnh đọc điếu văn. Ông ràn rụa nước mắt nói về cố văn hào Nhất Linh như sau: “Văn hào đã hình thành sứ mạng cao quý của người cầm bút. Văn hào đã nêu cao sĩ khí bất khuất của truyền thống những nhà văn chân chính”.

Bố tôi tuy là nhà văn nhưng thật sự ông kiếm kế mưu sinh nuôi nấng đàn con bằng nghề nhà giáo. Bố tôi dạy Vật Lý-Hóa Học cho nhiều trường công tư thục ở Sài Gòn, như Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Bồ Đề, Phan Sào Nam..v.v… Đối với quân đội, ông cũng là giảng viên đứng lớp về các khóa chính trị cho các sỹ quan quân lực VNCH ở Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, Bố tôi còn viết bài diễn văn cho Trung Tướng Trần Văn Trung để đọc dưới chân cột cờ trong trại Lê Văn Duyệt. Tôi còn nhớ hàng ngày Bố tôi tha về hàng xấp tài liệu đã đánh máy sẳn rồi sai tôi đi ra tiệm quay ronéo. Quay ronéo đại khái giống như máy photocopy thời nay nhưng phải quay bằng tay. Hồi xưa các trường trung học ra báo Xuân thường sử dụng kiểu quay ronéo này. Nhìn vào bài học thì nói chung là về “Tuyên Truyền và Phản Tuyên Truyền”. Cũng như bài vở về Lý-Hóa, Bố tôi cũng cần quay ronéo những tài liệu này ra hàng trăm copy để phát cho học sinh. Sau khi mang về sắp xếp trang thứ tự và hoàn thành nhiệm vụ, Bố tôi thường thưởng cho anh em tôi mỗi đứa một cái bánh giò hay bánh chưng mà có một bà đội nguyên cái thúng trên đầu đi  rao bán hàng ngày ngang xóm.

Nói chung thời thơ ấu của anh chị em chúng tôi có thể nói là rất êm đềm. Cuối tuần Bố tôi thường nhét cả một gia đình chín người vào chiếc xe hơi của ông rồi chở cả đám đi chơi. Tuần thì đi bát phố Bonard ăn kem Pôle Nord hay vào chợ An Đông ăn Cơm Gà Siu Siu. Có tuần thì cả nhà đi xem ciné sau khi lang thang thương xá Tam Đa hay Tax và phố sách Lê Lợi. Hoặc có dịp thì Bố lôi cả lũ đi Sở Thú hay ra Vũng Tàu cho tắm biển.

Nhưng có lúc chúng tôi cũng bị Bố tôi bắt nằm xuống hết rồi quất cho mỗi đứa vài roi, từ trên xuống dưới. Bố mới giơ roi lên chưa hạ xuống là cả lũ đã bù lu bù loa khóc lóc than “đau quá, đau quá rồi” làm bố tôi cũng phì cười. Riêng tôi thì có một hôm tôi nhớ hoài. Lần đó tôi đã sẳn sàng chịu đựng, mặc hai, ba cái quần xà lỏn dày lên cho khỏi đau. Cả ngày cứ như người mất hồn vì sợ do lần này tội quá nặng. Khi Bố tôi bước vô nhìn tôi một lúc lâu rồi không nói câu nào, bỗng nhiên ngồi phịch xuống ghế sa-lông. Hình như là ông đã quá chán nản, có thể nói tôi là cái thứ quá bất trị, rồi ông đứng lên bỏ ra ngoài. Đó là lần cuối cùng Bố tôi không muốn sử dụng roi vọt gì đối với tôi nữa. Bị quất tuy đau nhưng tôi vẫn lì, nhưng chính vì lần đó ông không nói gì nên tôi mới còn nhớ, không bao giờ tôi dám tái phạm lần nữa.

Có hai ngày mà tôi để ý thấy Bố tôi lặng người ngồi ngoài sân hàng giờ không nói câu nào. Đó là 27 tháng 1 năm 1973, ngày chính thức đình chiến giữa hai miền Nam-Bắc. Bố tôi thắp nhang ở Bàn Thờ Ông Bà Nội, cầu nguyện từ đây đất nước sẽ không còn tiếng súng, tiếng bom đạn. Nhưng mực ký chưa ráo thì Việt Cộng đã trắng trợn vi phạm Hiệp Định Paris, chúng lại giở trò pháo kích, giật mìn, quậy phá.

Rồi đến ngày 30/4 năm 1975. Bố tôi ra lệnh cho anh em tôi đốt hết tài liệu từ trường Chiến Tranh Chính Trị mà tôi thấy từng thùng với những trang giấy plastic viết bằng bút lông màu lên trên, giống như kiểu projector đặt trên mặt kính, có đèn ở dưới chiếu sáng lên phông vải trắng. Bố tôi còn cẩn thận lấy kéo cắt nhỏ từng tờ ra rồi quăng vào đống lửa. Đốt hết, tài liệu, sách báo nào liên quan tới chính trị đốt sạch. Nội đổ ra sân rồi lựa ra đốt cũng đến tối mịt mới hết, bắt đầu từ lúc những binh đoàn Motolova của cộng sản đã tràn vào tiếp quản Thủ Đô Sài Gòn.

Cũng may hồ sơ trong Cục Tâm Lý Chiến đã được thiêu hủy kịp và không bị ai chỉ điểm. Bố tôi được đi dạy học lại tại trường Hưng Đạo trên đường Cống Quỳnh. Làm nghề thầy giáo ở dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa, có thể nói là Bố tôi cực kỳ chán nản. Ông có viết một tác phẩm kể rõ những hỉ nộ ái ố có tựa “Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác”. Giai đoạn này gia đình tôi cũng dọn hẳn về mặt tiền đường Bùi Viện, chỉ cách trường Hưng Đạo 50-70 mét, mà bây giờ là Phố Đi Bộ hay họ còn gọi là Phố Tây Ba Lô.

Về đây cạnh xóm Sáu Lèo, không khí rất xô bồ vì ở trong khu vực Ngã Tư Quốc Tế (Bùi Viện-Cống Quỳnh-Phạm Ngũ Lão-Đề Thám), dân cư đông đúc thuộc giới lao động tạp nhạp nên không bị để ý như hồi còn ở nhà cũ đường Thiệu Trị. Đã thế vì gần trường Hưng Đạo nên học trò của thầy Tiến ngày nào cũng lũ lượt ghé thăm thầy, ra vô nườm nợp. Rất tiện lợi cho Bố Mẹ tôi toan tính chuyện cho cả gia đình đi vượt biên.

Năm 1980, Bố Tôi đi chuyến thứ hai qua tới được Songkla của Thái Lan. Vào thời đó, bọn hải tặc Thái Lan hoành hành ác độc dữ lắm. Nhập trại Bố tôi cùng hai nhà báo Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã cùng nhau viết lên bản cáo trạng “Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan” mà chính bố tôi là một trong 157 nhân chứng đã bị chúng nó kéo vào đảo Kra, rồi gửi lên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Bản cáo trạng này đã làm thức tỉnh lương tâm nhân loại. Sau đó LHQ đã thành lập một Ủy Ban tạo sức ép cho Hải Quân Hoàng Gia Thái phải đi lùng bắt hải tặc. Kết quả là một số hải tặc đã bị đồng bào ta ra tòa chỉ mặt, phải chịu án tù. Cũng nhờ vậy mà sau này vấn nạn hải tặc cũng bớt đi nhiều vì chúng nó cũng biết sợ.

Tới California năm 1981, lúc này Mẹ tôi qua được từ Mã Lai trong chuyến vượt biên thứ ba. Bố tôi mướn được một căn nhà ở đường King tại Santa Ana, ông gom đàn con lại hết. Bố tôi may được nhà báo Bùi Ngọc Đường của tạp chí Khai Phóng mách cho cách kiếm tiền bằng nghề cắt cỏ. Ông tốt bụng còn chia cho Bố tôi khởi đầu bằng một số account ở vùng Glendale cách Santa Ana khoảng 50-60 miles. Thế là Bố tôi sáng sớm phải khởi hành mang theo máy cắt cỏ, máy thổi bụi, bao rác..v..v….trên chiếc xe truck cũ rích. Đôi khi tôi cũng đi theo Bố tôi để phụ việc hay đi phát flyer để kiếm thêm account. Ác nỗi cái vùng nhà giàu này toàn nhà lớn trên đồi. Đi bộ lên dốc quăng tờ quảng cáo “Mr. Lee Landscaping” cả block mới được có vài căn, toát cả mồ hôi. Nhưng cắt cỏ cho nhà giàu thì họ trả cao vì lắm việc và có nhiều tiền tip. Đến chiều thì xe truck đã chất đầy bao rác rồi mang ra landfill đổ. Bố tôi nói, nghề này tuy cực nhưng đó là cách kiếm tiền lương thiện chân chính vì mình mới qua, cho dù có khó khăn cỡ nào đi nữa cũng còn tốt hơn gấp trăm lần phải sống dưới chế độ Cộng Sản. Với chân lý ấy, tôi chẳng bao giờ thấy Bố tôi bực dọc hay cằn nhằn gì cả vì đã chấp nhận hoàn cảnh như hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ xứ ra đi, trên đường đi tìm tự do.

Rồi khó khăn gì cũng qua đi. Sau Bố tôi cùng Mẹ tôi đi học điện tử lại ở trường Control Data Institute, cả hai ra trường với tấm bằng Electronics Technician và cùng đi làm cho hãng Verifone chuyên sản xuất máy cà thẻ credit card cho tới ngày về hưu.

Năm 1991, nghe tin bác Tân ngoài Bắc bị bệnh nặng thiếu thốn đủ thứ. Từ ngày đi di cư vào Nam năm 1954, Bố tôi vẫn chưa được gặp lại các bác tính ra đã 37 năm ròng. Tôi đã tháp tùng theo Bố tôi về Hà Nội năm đó. Ôi thôi Bố tôi quá xúc động và thật sự cảm thông cho dân tộc Việt đang bị chà đạp dưới chế độ phi nhân Cộng Sản. Đời bác Tân đúng là sai một ly đi một dặm. Phải chi ngày ấy bác đừng quay về Hà Nội thì cuộc đời của bác đâu đến nỗi bị đọa đày triền miên đến thế này.

Bố tôi cũng có người em mà tôi gọi bằng chú, tên Bùi Nhật Tuấn. Lúc này ông cũng đã thành danh ở Miền Bắc với một sự nghiệp viết văn đồ sộ không kém Bố tôi. Thời chinh chiến ông đi bộ đội, rất bất mãn với chế độ nên hai ông rất tâm đầu ý hợp. Tác phẩm ” Đi Về Nơi Hoang Dã” của Chú Tuấn bị đánh giá là chống Đảng chống chế độ. Nó moi ra những cái vô lý của cuộc sống mà con người chỉ biết tuân theo mệnh lệnh, có chết đói rã họng cũng phải chịu đựng vì cấp trên, tức Đảng ta thì không bao giờ sai, có khó khăn gì đi nữa cũng phải ráng mà khắc phục. “Đi Về Nơi Hoang Dã” có ý tưởng đả phá Cách Mạng như các tác phẩm” Những Thiên Đường Mù” của Dương Thu Hương, “Mùa Lá Rụng Trong Vườn” của Ma Văn Kháng, “Thời Xa Vắng” của Lê Lựu, “Nỗi Buồn Chiến Tranh” của Bảo Ninh. Ở thời gian này, nhờ sự cởi trói cho giới văn nghệ sĩ của Nguyễn Văn Linh nên trong Việt Nam nở rộ ra phong trào “Văn Nghệ Phản Kháng” như kiểu như phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm” thời 1955-1958.

Thế là khi quay về Mỹ, Bố tôi cùng nhà văn Bùi Nhật Tuấn có viết chung một tập truyện tựa “Quê Nhà- Quê Người”. Cuốn này gom những truyện ngắn của Nhật Tiến-Nhật Tuấn có nội dung nói lên những bất công của xã hội VN dưới chế độ CS. Đồng thời Bố tôi cũng tập trung truyện ngắn của 27 nhà văn Hải Ngoại cộng 67 nhà văn phản kháng trong nước để ra mắt  tác phẩm “Trăm Hoa Vẫn Nở trên Quê Hương” ngõ hòng tiếp sức cho cao trào phản kháng trong nước đang dâng cao (sau bị cấm), gộp lại toàn là những tác giả bất mãn chế độ CS như Tướng Trần Độ, Đại Tá Nguyên Ngọc, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Hoài.v…v..

Với cả một công trình tim óc của cả trăm tác giả trong và ngoài nước như thế nhưng có một số người ở hải ngoại đã cắt xén những câu văn qua lời giới thiệu của Bố tôi để vu khống tập truyện “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương”. Nào là công cụ của Đảng ta, nào là hòa hợp hòa giải với tà quyền, nào là bợ đít chế độ đương thời. Chưa thỏa mãn, họ còn đi vu cáo Bố tôi tiếp tay với nhà văn Bùi Nhật Tuấn để nhuộm đỏ hải ngoại, trong khi hỏi tới thì chính họ cũng chưa từng đọc qua tập truyện đã được gom lại của cao trào phản kháng này, mặt mũi trang bìa ra sao, màu gì, họ cũng không hề biết.

Qua danh nghĩa chống Cộng họ viết bài đánh phá Bố tôi triền miên từ năm nay qua năm khác, cứ toác miệng ra vu khống chửi bới cho sướng cái mồm, khốc liệt đến nỗi chính những tác giả ở Hải Ngoại có bài trong “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” cũng phải e dè, không có một lời thanh minh thanh nga trong khi Bố tôi đang bị đánh hội đồng. Diễn biến này đã làm cho Bố tôi già đi nhiều vì quá chán nản và không còn muốn dấn thân đấu tranh gì nữa cho các phong trào đấu tranh dân chủ cho quê hương. May là sau có một nhóm bênh vực qua “Lá Thư Ngỏ” của do nhà văn Vũ Huy Quang đưa ra và một bài viết lý luận trên tạp chí Hợp Lưu bênh vực “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” do nhà văn Phan Tấn Hải viết. Khi tôi hỏi tới, thì Bố tôi nói Bố tôi sẽ trả lời những định kiến xuyên tạc khi đúng lúc. Quả tình, cách đây sáu, bảy năm, ông đã đi tìm lại sự thật cho “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương”, ơn đền oán trả phải sòng phẳng qua tác phẩm: “Sự Thật Không Thể Bị Chôn Vùi”  (link đính kèm).

Những tác phẩm của Bố Tôi viết sau này được Nhà Xuất Bản Huyền Trân mà Bố tôi giao cho tôi làm Giám Đốc, đã tái bản lại hầu hết. Tôi có đề nghị và được ông đồng ý là gửi tặng toàn bộ tác phẩm của Nhật Tiến cho tất cả những thư viện ở những trường đại học lớn khắp 50 Tiểu Bang. Thế là tôi lên danh sách mấy trăm cái thư viện và đã làm trọn nhiệm vụ đó để mai sau có những học sinh cần sách Việt Ngữ sẽ kiếm được sách của Bố tôi mà trau dồi.

Hồi xưa ở Sài Gòn, Bố tôi đầu tắt mặt tối lo dạy học, viết văn và làm báo, không có thời giờ nhiều nên ít khi ngồi chơi với anh em chúng tôi. Nhưng sau này khi về hưu, Bố tôi đã dành hết thời gian cho các cháu nội ngoại. Ông đưa đón các cháu đi học, dẫn đi Pick ‘n Save, tiệm 99 cents mua đồ chơi, hoặc ông gấp Origami hay photoshop các loại hình thú vật, Superman cho các cháu cắt. Rồi khi chúng nó lớn lên thì thỉnh thoảng ông dúi tiền cho chúng nó xài, sợ bố mẹ các cháu không cho lấy. Có mấy năm sau này vì tuổi già, sức khỏe của Bố tôi càng ngày càng suy yếu, đến cái chữ ký tặng sách tôi xin Bố ký mà Bố tôi cầm bút cũng khó khăn. Tôi phải đề nghị đi làm cái triện son, Bố khỏi cần ký nữa, cứ dùng triện son mà ấn vào sách thay cho chữ ký.

Lúc một giờ sáng đêm hôm qua nghe tin Bố tôi khó thở. Tức tốc tôi chở Bố tôi vào bệnh viện Kaiser ở Irvine. Trên đường đi tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc của Bố mà linh tính như có chuyện chẳng lành. Người Bố tôi đã nhũn ra như không còn một chút sinh lực nào hết, tôi phải bế Bố tôi mà hồi tưởng lại khi còn bé chiều chiều Bố tôi thường bế tôi ra đầu ngõ dạo chơi. Ôi sao mà ấm quá Bố ơi. Đến nơi họ cấp tốc đưa Bố tôi vào phòng hồi sinh cho thở máy oxygen, nhưng nhịp tim của Bố tôi càng lúc càng yếu dần như ngọn đèn cầy le lói chỉ chờ tắt ngúm. Đến 11:26 trưa thì tim Bố tôi ngừng đâp. Bố tôi đã ra đi thanh thản chẳng làm phiền toái gì đến các con các  cháu.

Thưa Bố,

Thôi vậy thì cách đây 66 năm Bố theo Mẹ xuôi Nam, Mẹ đi mới hai tuần Bố đã nhớ, thì hôm qua Bố đã muốn theo kiếm Mẹ trên cõi Vĩnh Hằng. Con tin chắc Mẹ đang chờ Bố và Bố Mẹ sẽ được thảnh thơi không còn phải vướng mắc bụi trần làm chi nữa. Riêng đàn chim sau nhà mà ngày hai buổi Bố thường rải gạo cho chúng nó ăn, lúc nào Bố cũng sợ thiếu gạo. Bố yên chí đi, tụi nó sẽ được lo lắng đầy đủ Bố nhé.

Bây giờ con cũng xin phép được quỳ xuống vái Bố mười lạy để tri ân những gì Bố đã cho con nhe Bố.

Con của Bố!

Michael Trụ Bùi
Sept 15th,2020

 


NHÀ VĂN NHẬT TIẾN QUA ĐỜI
 

Theo sau sự ra đi của hiền thê là nữ văn sĩ, dịch giả Đỗ Phương Khanh vào ngày 26 tháng 8 vừa qua, gia đình cho hay, 11:26 phút trưa ngày 14 tháng 9, 2020 (tức 27 tháng 7 năm Canh Tý), nhà văn Nhật Tiến vừa từ trần tại thành phố Irvine, Nam California, hưởng thọ 84 tuổi.

Nhà văn Nhật Tiến tên đầy đủ là Bùi Nhật Tiến – sinh ngày 24 tháng 8 năm 1936, tại Hà Nội – là tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam. Ông là tác giả tiếp nối của dòng văn học Tự Lực Văn Đoàn; và, bằng chính đời sống và sáng tác của mình, ông mở rộng những chủ đề và cả phong cách sáng tác theo dòng lịch sử đất nước. Có thể nói, lịch sử đặt ông vào những biến cố lớn của đất nước, để từ đó, thông qua ngòi bút của mình, ông trở thành tiếng nói của thời đại mà chính ông và gia đình là những nhân chứng sống. Năm 1954 ông di cư vào Nam, sống tại Đà Lạt, rồi Sài Gòn. Vượt biển vào tháng 10/1979, và tỵ nạn tại Songkhla (Thái Lan) 9 tháng. Ông và gia đình định cư tại California (Hoa Kỳ) từ năm 1980.

Về sự nghiệp văn chương, ông đoạt Giải nhất Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1960 – 1961, với tác phẩm Thềm Hoang. Trước đó, năm 1952, truyện ngắn của ông lần đầu xuất hiện tại Hà Nội trên Nhật báo Giang Sơn và những vở kịch trên Tuần báo Cải Tạo năm 1953-1954. Tại Đà Lạt, năm 1954 – 1955, ông tiếp tục viết kịch truyền thanh cho đài radio tiếng nói của Ngự Lâm Quân. Từ năm 1958, tại Sài Gòn, 1958, ông tham gia Giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh chủ biên.

Trước năm 1975, tại Việt Nam, ông từng viết cho: Giang Sơn, Cải Tạo, Thời Tập, Chánh Đạo, Bách Khoa, Văn, Tân Phong, Văn Học, Đông Phương. Tại hải ngoại, từ năm 1980 đến nay, ông được mời xuất hiện trên nhiều tờ báo và trang web. Riêng tại California, ông đã từ viết cho: Người Việt, Sài Gòn, Văn Nghệ, Hợp Lưu, Văn Học, Việt Tide, Vietstream, Khai Phóng, Chấn Hưng, Việt Nam Hải Ngoại.Ngoài ra, ông còn có tác phẩm trên Đất Mới(ở Seattle), Ngày Nay (ở Kansas City), Xác Định (ở Virginia). Xa hơn, bên ngoài Hoa Kỳ, ông có bài trên Chuông Saigon, Việt Luận, Chiêu Dươngphát hành tại Úc châu, Lửa Việt tại Canada, Độc Lập tại Tây Đức), và Đường Mới, Quê Mẹ tại Pháp.

Tác phẩm của ông bao gồm nhiều thể loại: Truyện dài, Truyện ngắn, Truyện thiếu nhi, Kịch – Tiểu thuyết kịch. Đặc biệt, những năm sau này ông làm công việc khảo cứu gần như là văn học sử qua các tác phẩm Ghi chép và Tiểu luận.

Ngoài viết văn, ông còn là nhà giáo. Ông dạy học, và tham gia các hoạt động văn hóa, giáo dục và xã hội khác. Ông là người viết thỉnh nguyện thư và sau trở thành thành viên của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S. Committee), từ năm1980 đến 1990.

Inline image

 
Inline image

 
Inline image

 
Inline image
Inline image
On Friday, August 28, 2020, 07:26:42 PM PDT, Lucky Ride <luckyride9@yahoo.com> wrote:
Inline image

MẸ TÔI

Gia đình tôi là gia đình di cư.Năm 1954, đồng 18 tuổi, Bố Mẹ tôi nắm tay nhau xuống tàu Há Mồm xuôi Nam chạy trốn chế độ CS. Vào đến Sài Gòn, Bố Mẹ tôi khởi nghiệp bằng cách hành nghề viết Sách làm Báo. Năm tôi còn học Tiểu Học, Mẹ tôi dùng tư gia để thành lập Cơ Sỡ Ấn Loát Huyền Trân. Căn nhà này được cái sâu và rộng nên tôi thấy có đến cả trăm nhân viên nhà in làm việc suốt ngày. Chỗ thì chứa các máy in, chỗ thì đễ những hộc chữ bằng chì, phòng này đặt máy sén, cắt giấy, phòng kia cho giai đoạn khâu sách bằng chỉ của các cô các dì..v…v….Trong giờ làm việc thì ôi thôi vui lắm. Tiếng máy in chạy rầm rầm xen lẩn tiếng nói, tiếng cười đùa, tiếng ca vọng cỗ…nó tạo nên một không khí rất sinh động.

Công nhân của nhà in thì rất quý Mẹ tôi qua cách cư xữ và đối đãi với họ rất tận tình chu đáo như đại gia đình. Tôi nghe bà thường nói, ngày thứ 6 là ngày vui nhất của Mẹ trong tuần đó con, vì ngày đó là ngày phát lương cho thợ.Nghĩ đến cãnh họ có tiền chạy về nhà dẫn vợ con đi chơi cuối tuần là Mẹ thấy vui rồi.Cái chân lý ấy đã thấm nhuần tôi cho đến mấy chục năm về sau này, tốt với nhân viên thì họ sẽ đối xử với mình y như vậy thôi.

Có thể nói là Mẹ tôi rất thương tôi, chưa bao giờ Mẹ tôi la rầy gì hết cho mặc tôi có phá phách kiểu gì đi nữa,Mẹ tôi chỉ nhìn và khuyên tôi thôi đừng làm vậy nữa nhe con. Hồi xưa kỷ thuật in ấn còn thô sơ chứ không viết bằng computer rồi in ra như bây giờ. Bài viết được thợ sắp chữ nhìn vào rồi bốc từng chữ chì cho vào cái khay, ABCD – sắc huyền hỏi ngã nặng, sắp được vài hàng là họ phải bỏ qua một bên rồi sắp tiếp, một trang bài có là thợ giỏi cũng mất khoảng 1/2 tiếng, khi đầy trang rồi thì lấy dây cói cột lại, xong họ cà mực lên chì rồi lăn qua giấy trắng, chữ chì ngược khi in qua tờ giấy sẽ hiện ra chử xuôi.

Dĩ nhiên là khi bốc từng chữ như vậy chắc chắn họ sẽ bốc lộn, Mẹ tôi sẽ coi lại những chỗ sai gọi là sửa Morát, bà lấy bút lôi ra sửa từng chữ rồi trả về cho thợ sắp chữ, họ chỉ việc lấy cái nhíp gắp từng chữ sai ra rồi thay vào đó bằng chữ khác cho đúng. Bản chì đã sửa đủ thành trang, họ chồng lên nhau đễ chờ đưa vào máy in.

Thế mà ban đêm bọn con nít chúng tôi kéo nhau vô chạy nhảy trong nhà in làm lộn tùng phèo hết đống chữ ấy, kéo theo những chồng giấy in khổ báo lớn chất cao tới trần nhà xập xuống đổ ngổn ngang. Thế là sáng hôm sau những người thợ phải làm lại từ đầu.Họ báo cáo lên thì Mẹ tôi cũng không nói gì, bà chỉ yên lặng khi nhìn ra thủ phạm chính là tôi, rồi hiền từ nói, các con muốn chạy nhảy thì ra sân mà chơi nhé, đừng làm công việc nhà in của Mẹ bị chậm trễ.

Có những buổi trưa khi Mẹ tôi còn làm quản lý cho nhà in Hồng Lam trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm của Linh Mục Cao Văn Luận. Cha Luận từng là Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, sau bị chính quyền nhà Ngô thất sủng qua vụ Biến Động Miền Trung,cha có viết một cuốn Hồi Ký lẩy lừng tựa”Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965″. Mẹ tôi cho tôi đi theo chơi quanh quẩn trong nhà in. Mổi lần được gặp mặt, cha Luận lại dúi cho tôi nay thì vài cái kẹo, dăm bửa thì cái bánh giò, nghĩ lại thật là hân hạnh cũng nhờ Mẹ tôi.

Rồi cũng có những lần, Mẹ tôi dắt tôi đi khám bệnh hay đi làm răng ngoài Sài Gòn, tôi rất ghét cái cha Nha Sĩ này ở gần VP Beer BGI cạnh hảng làm Nước Đá trên đường Hai Bà Trưng, khi xe xích lô ngừng trước cửa là tôi biết ngay, sợ lắm nhất định không dám vào, Mẹ tôi lại phải dụ ngọt mãi.Bù lại,cứ mổi lần như thế là Mẹ tôi lại dắt tôi đi xem Ciné ở các Rạp như Eden, Đại Nam, Rex…., xong bà còn thưởng cho một chầu ở quán Kem Bạch Đằng đối diện Casino Sài Gòn vì tôi đã anh dũng hy sinh cái răng bị hư. Thiệt, răng bị sâu tôi còn không biết thế mà Mẹ tôi đã biết tỏng rồi…

Khoảng đầu thập niên 70′ Mẹ tôi vừa làm nhà in, vừa mở thêm Vườn Trẻ Anh Vũ theo phương pháp giáo dục Montessori, bà mướn trọn cái nhà lầu 2 tầng kế bên có cái sân rất rộng,rồi đập luôn cái tường cho thông qua nhau. Ban ngày phụ huynh gửi trẻ, tối về hết thế là bọn chúng tôi lại có thêm đất đễ chạy nhảy bắn súng chơi 5-10.Hò hét vui thật là vui, lũ con nít trong xóm thòm thèm muốn vô chơi phải xin vào à nhe,nên tôi rất có thớ,đứa nào cà chớn tôi tống cổ ra nên tụi nó một phép. Ỷ Mẹ mà,có quyền vênh váo chút chứ.

Ngoài 2 Cơ Sỡ nêu trên, Mẹ tôi còn phụ trách trang Nhi Đồng trong Báo Hòa Bình của Linh Mục Trần Du trên đường Phạm Ngũ Lão, trang Phụ Nữ trong Báo Dân Chủ thuộc Đảng Dân Chủ của ông Thiệu trên đường Hiền Vương.Đồng thời vào năm 1971, Báo Thiếu Nhi cũng ra đời, bà là Tổng Quản Trị và đồng phụ trách trang Vườn Hồng mà chủ nhiệm là ông Nguyễn Hùng Trương, chủ nhân nhà sách Khai Trí và chủ bút là nhà văn Nhật Tiến. Thời gian này nhà tôi còn đông hơn nữa,khách khứa ra vào nườm nượp, Mẹ tôi tận dụng luôn mấy phòng trên đễ làm Tòa Soạn. Hàng ngày thì các cô chú trong Ban Biên Tập tới làm việc, cuối tuần thì mở cửa đón các thiếu niên vào Thư Viện Báo Thiếu Nhi đọc sách,sinh hoạt Gia Đình Thiếu Nhi. Báo Thiếu Nhi còn mở lớp dạy ORIGAMI – Nghệ Thuật Gấp Giấy của Nhật Bản nữa chứ. Nói chung Mẹ tôi đầu tắt mặt tối, nhưng hình như càng thấy đông con nít lại càng làm cho bà vui, chẳng bao giờ thấy Mẹ tôi kêu ca phiền hà gì.

Năm tôi lên lớp 6, chắc phá quá nên Mẹ tôi cho tôi vào trường nội trú Don Bosco ở Thủ Đức.Cuối tuần thứ 7 có xe Bus chỡ về, ngày chủ nhật họ lại đón đi. Dĩ nhiên là bị bắt vào khuôn khổ kỷ luật của các Linh Mục người Hòa Lan thì làm sao tôi thích được. Thế là tôi dùng 500$ mà cứ mổi tuần Mẹ tôi dúi vào tay khi ra đi ngày chủ nhật, tôi mua kẹo Cam kẹo Dâu trong cái hộp sắt ở Căn Tin rồi chờ thứ 7 đem về tặng Mẹ như là quà hối lộ. Năn nỉ ỉ ôi riết qua năm lớp 7 vì thương tôi nên Mẹ tôi cho tôi về học Lasan Hiền Vương-Sài Gòn.

Vì trong giới Nhà Văn Nhà Báo, Bố Mẹ tôi có rất đông thân hữu.Từ nhà văn Duyên Anh, Mai Thảo, Nguyễn Hiến Lê, Cung Tích Biền, Sơn Nam..v…v… cho tới Nguyễn Thị Vinh, Minh Đức Hoài Trinh, Minh Quân,Tuệ Mai….Riêng nhà văn Nguyễn Thị Vinh còn nhận tôi là con nuôi, mà tôi xưng lại là Me Vinh (Nhà Văn Nguyễn Thị Vinh cũng đã mãn phần vào tháng 1/2020 tại Oslo,Na Uy, hưởng dương 97 tuổi).Hầu như gần hết các Văn Nghệ Sĩ ở Sài Gòn thường xuyên lui tới thăm viếng ông bà cụ và nhiệm vụ của tôi là bưng nước. Còn đãi tiệc thì có thể nói là thường xuyên. Cứ mổi lần đi học về xuống nhà bếp là thấy Mẹ tôi và 3 bà người làm tất bật lo chuẩn bị, thường thì Mẹ tôi đãi khách bằng các món Miền Bắc như Bánh Tôm Cổ Ngư, Chạo Tôm, Nem Rán Cua Bễ, Giả Cầy hay Bún Thang, Bún Ốc..v..v…Thế là tôi lại có dịp được uống nước Xá Xị,nước Cam thả giàn.Chai ướp lạnh khui ra cứ vậy mà nốc.

Ngày 30/4/75 đại họa ụp xuống thế là Mẹ tôi bi mất hết. Nhà in dẹp tiệm, Vườn Trẻ giải tán, toàn bộ Báo Chí của Miền Nam Tự Do bị cấm đoán, chỉ có Nhật Báo Tin Sáng của Dân Biểu đối lập Ngô Công Đức là được tái bản vào tháng 7/1975 vì Võ Văn Kiệt đang cần một tờ báo của chế cũ đễ tuyên truyền. Đã thế vào tháng 9/1975, Ủy Ban Quân Quản còn ra lệnh đổi tiền, cứ 500$ tiền VNCH đổi được 1$ tiền mới. Mổi gia đình được phép đổi 100,000$ VNCH tức là chỉ được 200$ tiền Việt Cộng. Gia đình nào có trên 100,000$ VNCH thì kể như mất sạch. Cú này là đòn chí tử đánh vào những gia đình trung lưu ở Miền Nam.Mẹ tôi kể như trắng tay sau 20 năm tích lũy.

Miền Nam sau ngày Sài Gòn tắt bóng, người dân sống trong cãnh lo âu sợ hãi. Không biết đêm nào Công An sẽ gõ sữa bắt đi vì lý do nào đó. Tuy vậy, ở một khóa học tập gọi là “Khóa Bồi dưỡng Chính Trị dành cho Văn Nghệ Sĩ”, Mẹ tôi đã đứng lên chỉ mặt vào một Cán Bộ Miền Bắc tên Mai Quốc Liên, khi ông ta dám tuyên bố rằng “Các anh các chị làm đừng trông mong vào việc cầm bút trở lại. Bởi vì miền Nam các anh các chị làm gì có văn hóa!” Mẹ tôi hỏi:Anh vào trong Nam được bao lâu rồi, và anh đã đọc được bao nhiêu tác phẩm của miền Nam rồi mà anh dám nói miền Nam không có văn hóa? Làm hắn cứng họng.

Là con người đầy nghị lực,Mẹ tôi lại lăn ra đường kiếm sống cũng như hàng triệu người Miền Nam khác, bằng cách mở Quán bán Bánh Tôm Cỗ Ngư tại Hồ Con Rùa trước cữa Viện Đại Học Sài Gòn(tôi có bài viết kỷ niệm về Quán Bánh Tôm này, link đính kèm), Một thời gian sau cũng không xong phải dẹp tiệm vì bị Công An rình rập, về nhà bà đi vay mượn rồi lại mở Cơ Sỡ Sản Xuất Nước Đá cây, hàng ngày bà giao cho tôi đi bỏ mối. Thấy có vẻ xôm trò,thế là Ủy Ban Nhân Dân Phường bắt phải đưa vào Hợp Tác Xã, tức mình Mẹ tôi dẹp luôn,nhất định không dây dưa gì đến chúng nó.

Trong thời gian này, một hôm tôi thấy có Ký Giả – Phóng Viên Chiến Trường Kiều Mỹ Duyên tới nhà sầm sì gì với Mẹ tôi chuyện gì đó. Vài ngày sau thì tôi thấy có một người đàn ông lạ mặt tới ở tuốt đàng sau nhà, căn phòng này xưa là cái kho nhỏ cạnh nhà tắm.. Ông ta không bao giờ ra đường, tôi cũng không rõ ông ta ăn uống thế nào. Rồi mãi sau này tôi mới biết ông ta tên Nguyễn Phúc Vĩnh Tung, là sỹ quan QLVNCH, chồng cô Kiều Mỹ Duyên trốn tù cãi tạo về TP. Thế mà Mẹ tôi ra tay giúp đỡ bao che cho. Thiệt, chúng mà bắt được thì Mẹ tôi có môn rũ tù, nhưng bà vẫn tĩnh bơ làm như không có chuyện gì xảy ra. Ông Vĩnh Tung sau cũng tìm ra đường đi vượt biên và đã đến được bến bờ tự do vào năm 1979.

Thời gian sau Mẹ tôi nhờ quen biết nên được ông Lý Thái Thuận một người Việt gốc Hoa, Giám Đốc nhà in Alpha mời về làm xếp khâu sửa Morát có biên chế nhà nước. Mừng quá bà nhận lời ngay. Thế là ngày qua ngày Mẹ tôi lại đạp xe đạp từ Cỗng Xe Lữa Số 6 đi làm Công Nhân Viên ở đường Phạm Ngũ Lão gần chợ Thái Bình.Có lần mãi đến tối mịt mới thấy Mẹ tôi về, mồ hôi nhễ nhãi, trời ơi Mẹ tôi phải dắt xe đạp bị đứt Dây Sên từ đường Kỳ Đồng về tới nhà vì không đủ tiền sửa.Dây Sên phải thay mới. Nhưng bà vẩn hớn hở, vì trong giỏ hôm đó là ngày Mẹ tôi được mua Nhu Yếu Phẩm có 1 ký thịt heo. Nhìn Mẹ mà tôi chảy nước mắt nhưng không làm gì được cho Mẹ.

Nhưng cũng nhờ sự quen biết này mà Mẹ tôi mới vay được tiền ông Lý Thái Thuận đễ lo cho 2 anh em tôi đi vượt biên.Ngày chia tay xuống bãi vào cuối Hè năm 1979, Mẹ tôi dúi vào tay tôi một chĩ vàng rồi ôm tôi khóc, Mẹ không biết con sẽ đi về đâu, nhưng nếu có thoát được ráng cho Mẹ biết đễ Mẹ khỏi lo, tôi biết chắc rằng Mẹ tôi sẽ không ngủ được. May sao, rời Ngọc Hà ghe của tôi lênh đênh trên Biển Đông khoảng 1 tuần thì được tàu của Hoàng Gia Na Uy vớt lên đem vào Singapore. Nhập trại xong là tôi mò ra Sembawang đánh điện cấp tốc ngay về cho Mẹ chỉ với 1 hàng chữ “Cam on co chu Thuan”, cho khỏi lộ chuyện gia đình có thân nhân đã đào tẩu ra nước ngoài với bọn Công An khu vực.

Lại nữa,không có Mẹ tôi lo cho đi thì ở lại cũng đi đạp Xích Lô chứ khá gì nổi ở cái xứ Xếp Hàng Cả Ngày ấy.

Mẹ tôi chia ra cho cả gia đình đi vượt biên thành 3 chuyến. May sao cả 3 đều trót lọt và cùng gặp nhau tại California. Năm 1981 qua tới, bà lại làm lại từ đầu. Bố mẹ tôi chỡ nhau đi học điện cho thực tế, hồi xưa có trường Control Data Institute ở Anaheim, không biết bây giờ còn không.Sau đó cả 2 ông bà đều ra trường với tấm bằng Technician điện. Sau Hảng Verifone chuyên sản xuất máy cà credit card, nhận cả 2 vào làm Electronic Technician cho tới ngày Bố Mẹ tôi nghĩ hưu, tính ra Mẹ tôi làm cho Verifone cũng được 20 năm.

Sau khi nghĩ hưu có thời giờ rãnh rỗi, Mẹ tôi bắt đầu dồn nỗ lực vào việc nghiên cứu kinh kệ. Bà phụ trách và biên soạn cho chương trình về Phật Pháp Tuệ Đăng hàng tuần trên đài Hồn Việt TV phát đi khắp 50 TB và Canada.Ngoài ra Mẹ tôi còn dịch sách của Triết Gia Krishnamurti sang Việt Ngữ, cũng như phụ trách điều hành trang website khaiphong chấm net cho dân mạng mở mang kiến thức về các vần đề Khoa Học Xã Hội.

Nói thật, Mẹ tôi sinh tôi ra, lo lắng cho tôi từng li từng tí, cái gì tôi thích bà cũng chiều. Muốn đi chơi, Mẹ cho tiền. Muốn xe đạp có xe đạp, muốn giầy mới, đồ mới, mẹ tôi trước sau gì cũng xì tiền cho tôi mua. Chẳng bao giờ thấy Mẹ lôi la mắng gì cả. Ngay đến cái Sổ Học Bạ hồi xưa, tháng nào mà tôi bị xuống hạng.Tôi cũng cầu cứu Mẹ tôi đưa Bố tôi ký cho xong chuyện còn đem đi nộp..

Ngày Mẹ tôi nghĩ hưu, bà có tiền hưu, tiền già, chẳng khi nào bà cần gì từ anh chị em chúng tôi . Nói đúng ra thì tôi chưa lo cho Mẹ tôi được ngày nào, thứ vô cùng vô dụng đối với Mẹ tôi. Nhưng đôi khi tôi cũng có chút an ủi làm cho Mẹ tôi vui,số là thế này. Cách đây 10 năm sau khi giá Địa Ốc bị sụp đổ. Tôi xoay qua nghề nhập các loại máy về Massage vô Mỹ bán,máy thì ôi thôi tôi có đủ. Massage bụng, cổ, vai, lưng, tay,chân,đầu,mặt.. nói chung là các loại các kiểu đủ hết. Mà Mẹ tôi sau này lại hay bị đau nhức vì hồi xưa trước 1975, có lần bà bị Xe Lửa đụng. Đúng vậy, Xe Lửa đụng nát chiếc xe hơi bà đang đi tại Cổng Xe Lửa Số 6 đâm ra Bệnh đau nhức nó cứ theo bà từ dạo đó. Thế là tôi mang đủ loại Massage qua cho Mẹ tôi trị bệnh, mang nhiều đến nỗi bạn bè của Mẹ tôi đến chơi họ còn nói dỡn, cứ tưởng như đang lạc vào GYM. Nhờ vậy mà bệnh đau nhức của Mẹ tôi cũng bớt nhiều, lại còn không phải mổ chân theo lời súi bậy của một ông BS kia.

Có cái đưa máy mới thì lúc nào Mẹ tôi cũng áy náy vì sợ tôi cần hàng đễ bán cho khách. Tôi phải năn nĩ, Mẹ ơi, máy con có cả kho Mẹ cứ sài đồ mới đi…mãi bà mới chịu nhận. Đấy, đến cuối đời Mẹ tôi vẫn lo cho tôi chẳng khác gì ngày tôi còn bé.

Mẹ tôi là người ăn chay trường từ 30 năm nay. Bà sống rất đạm bạc, vui vẽ, lạc quan, yêu đời. Cách đây vài tuần, BS phát giác ra Mẹ tôi trở bạo bệnh vào thời kỳ cuối. Không than van, không rên siết, không làm phiền tới ai. Mẹ tôi đã ra đi thanh thản vào trưa ngày hôm qua Aug 26th,2020 với đầy đủ con cháu chung quanh.

Mẹ ơi, tối hôm qua lúc xe Nhà Quàn tới đưa Mẹ đi, tụi con tiển Mẹ cho tới giờ xe lăn bánh.Kỷ niệm của những năm tháng thời thơ ấu lại trở về đầy ắp trong tâm trí.Bao nhiêu âu yếm ân cần mà Mẹ cho tụi con nay đã trỡ thành dĩ vảng.Ước gì Mẹ ráng ở lại thêm được ngày nào hay ngày đó thì vui biết mấy, hay là Mẹ quay luôn về sống lại những ngày xưa ấu thơ của tụi con thì càng tốt.Con sẽ chạy quanh Mẹ đễ Mẹ xoa đầu gọi “Trụ của Mẹ”, Mẹ phải đền cho con khi con bị té, Mẹ phải đền từng mủi chích, từng cái răng khi con bị nhỗ, nhất là phải có Mẹ con mới lên mặt được với chúng nó.

Nhưng ước gì thì ước vậy thôi chứ Mẹ đã ra đi thật rồi thì con xin kính chúc Mẹ được thảnh thơi trên cõi Vĩnh Hằng.Đời Mẹ đã hy sinh cho tụi con như thế là quá đủ, Mẹ đừng bận tâm nữa Mẹ nhé.

Con của Mẹ.

Michael Trụ Bùi
Aug 27th,2020