BIỂN ĐÔNG: HẢI QUÂN MỸ SẼ ĐÁP TRẢ THÁI ĐỘ HUNG HĂNG CỦA TRUNG CỘNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ảnh do Hải Quân Mỹ cung cấp: hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz trong lần hoạt động tại Biển Đông hôm 06/07/2020. AP – Petty Officer 3rd Class Jason Tarleton

Quân đội Hoa Kỳ cho biết là các chiến hạm của Mỹ từ nay sẽ phản ứng một cách “mạnh mẽ hơn” đối với những nước vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Trung Cộng, đang tranh giành biển đảo với các nước láng giềng ở Biển Đông.

Trong tài liệu về chiến lược mới của Mỹ ở Thái Bình Dương công bố chiều 17/12/2020, ấn định những mục tiêu rõ ràng cho Hải quân, Thủy Quân Lục Chiến và tuần duyên, bộ Quốc Phòng Mỹ gọi đích danh Nga và Trung Cộng là hai trong số các nước “muốn làm thay đổi tương quan lực lượng tại nhiều khu vực then chốt để làm suy yếu trật tự quốc tế hiện nay”.

 

Tài liệu này cho biết Hải quân Mỹ “chạm trán hàng ngày” với chiến hạm, máy bay của Trung Cộng và Nga. Tuy nhiên, Trung Cộng được mô tả là “mối đe dọa khẩn cấp nhất”.

Theo AFP, sự cố gần nhất là hồi cuối tháng Tám, khi Bắc Kinh loan báo “đuổi” một chiến hạm Mỹ “xâm nhập quần đảo Hoàng Sa, đang bị Trung Cộng kiểm soát (từ năm 1974)”.

Đối diện với tham vọng quá đáng của Bắc Kinh, tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, lấn ép bốn nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines,Malaysia và Brunei, chính quyền Washington thường xuyên điều chiến hạm vào vùng để tiến hành điều mà Mỹ gọi là “chiến dịch bảo đảm  tự do hàng hải”.

Mỹ thú nhận tránh nghênh chiến với Trung Cộng những năm qua

Theo chiến lược mới, để duy trì ưu thế trước một đối thủ đã gia tăng sức mạnh hải quân gấp ba lần trong 20 năm qua, Hoa Kỳ quyết định canh tân lực lượng hải thuyền : nhiều hơn, nhỏ hơn nhưng nhanh hơn thậm chí có thể điều khiển từ xa.

Điểm đổi mới thứ hai là chiến hạm Mỹ từ nay “chấp nhận rủi ro chiến thuật có tính toán và sẽ ở thế công trong các hoạt động hàng ngày”.

Bình luận về chiến lược mới, tướng hải quân Jay Bynum cho biết từ nay các chiến hạm Mỹ sẽ “phản ứng mạnh và sẵn sàng đáp trả”. Vị đô đốc này nhìn nhận chiến thuật trước đây là “tìm cách xuống thang, quay thuyền lại và giảm thiểu rủi ro”. Vì thế mà Hải quân Mỹ “dần dần bị thu hẹp vùng kiểm soát”.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng hoạt động năng nổ hơn để “phát hiện, ghi nhận những hành động vi phạm luật quốc tế, đánh cắp tài nguyên, xâm phạm chủ quyền các nước láng giềng”.

Tú Anh (RFI)