Anh Hùng Nguyễn Thiện Thuật (Việt Thái)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một sĩ phu sống thanh liêm, trong sáng, nhưng tuyệt đối không để ngoại bang xâm chiếm đất nước, đó là tâm nguyện suốt một đời của lãnh tụ nghĩa quân Bãi Sậy. Người đã hưởng ứng phong trào “Cần Vương”, kêu gọi sĩ phu yêu nước nổi lên chống thực dân Pháp.

Nguyễn Thiện Thuật (1844-1926), tên tự là Mạnh Hiếu, còn gọi là Tán Thuật, quê làng Xuân Dục, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên, là con cả của một nho gia nghèo, nhưng thuộc dòng dõi của đức Nguyễn Trãi. Cha ông là tú tài Nguyễn Tuy, mẹ họ Phạm người làng Dị Sử, huyện Đường Hào.
Năm 1874, khi đỗ Tú tài, ông được triều đình nhà Nguyễn cử làm Bang Biện do có công đánh giặc ở Kinh Môn tỉnh Hải Dương.
Năm 1876 ông đỗ Cử nhân, được thăng chức Tri phủ ở Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh và ông được bổ nhiệm giữ chức Tán tương Quân vụ tỉnh Hải Dương.
Năm 1881, ông làm Chánh sứ Sơn phòng tỉnh Hưng Hóa, kiêm chức Tán tương Quân vụ tỉnh Sơn Tây. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, Nguyễn Thiện Thuật đã kháng lệnh triều đình nhà Nguyễn, cùng một số sĩ phu yêu nước quyết tâm chống Pháp.
Vào đầu năm 1883, ông sang Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, chiêu mộ nghĩa quân và liên kết với Đinh Gia Quế, người huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, lập căn cứ ở Bãi Sậy để kháng chiến chống Pháp.
Cuối năm 1883, sau khi ký hiệp ước Harmand, vua Tự Đức ra lệnh bãi binh ở Bắc Kỳ, nhưng Nguyễn Thiện Thuật kháng chỉ và lên Hưng Hóa, Tuyên Quang cùng với Nguyễn Quang Bích tiếp tục kháng chiến.
Năm 1884, thành Hưng Hóa thất thủ, ông tiếp tục rút lên thành Lạng Sơn phối hợp với Lã Xuân Oai, Tuần phủ Lạng Sơn – Cao Bằng, chống Pháp cho tới khi thành này thất thủ vào năm 1885, ông trốn sang Long Châu, Trung Hoa.
Tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật trở về Bãi Sậy thống nhất các lực lượng yêu nước kháng Pháp. Vì ông là viên quan tích cực nhất hưởng ứng phong trào Cần Vương ở Bắc kỳ, nên vua Hàm Nghi phong cho ông chức Bắc kỳ Hiệp thống Quân vụ Đại thần, nhằm tập hợp dân chúng ở Bắc kỳ chiến đấu với quân Pháp.
Nghĩa quân Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật đã áp dụng chiến thuật du kích, dựa vào sự ủng hộ của dân chúng, lúc ẩn lúc hiện, đánh úp đồn trại Pháp trên các tuyến đường Hà Nội – Hưng Yên – Hải Dương, cũng như dựa vào địa thế sình lầy, lau sậy um tùm là nơi hiểm yếu để phục kích quân Pháp tiến công vào Bãi Sậy.
Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lan rộng khắp tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và Hải Dương. Nguyễn Thiện Thuật liên kết được với một số lãnh tụ Cần Vương khác như Tạ Hiện ở Thái Bình, Nam Định… tạo thành một phong trào lớn mạnh ở các tỉnh đồng bằng miền Bắc từ năm 1885 đến 1889.
Năm 1888, Pháp cho Hoàng Cao Khải đem quân trấn áp. Nguyễn Thiện Thuật trao quyền chỉ huy cho em trai là Nguyễn Thiện Kế và tùy tướng là Nguyễn Đức Mậu, ông sang Trung Hoa tìm gặp Tôn Thất Thuyết tìm kiếm viện trợ, nhưng việc không thành.
Ngày 25/5/1926, ông mất vì bạo bệnh và được an táng trên ngọn đồi thuộc Hương Quan Kiều, ngoại vi thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa. Trên bia mộ ông khắc dòng chữ “Việt Nam cách mạng – Tướng quân Nguyễn Công Thiện Thuật chi mộ”.
Vào năm 1990, người Việt ở Trung Hoa đã dời phần mộ ông từ đồi Hương Quan Kiều về đồi Hương Đại Lĩnh, phía Nam thành phố Nam Ninh.
Ngày 30/1/2005, dân chúng địa phương tỉnh Hưng Yên đưa hài cốt của ông về an táng tại quê hương Xuân Dục, huyện Mỹ Hào.
Hai người em ruột của ông là Nguyễn Thiện Dương, Nguyễn Thiện Kế đều hy sinh vì nước.
Sau khi căn cứ Bãi Sậy tan vỡ, hai người con trai ông là Nguyễn Thiện Tuyển, Nguyễn Thiện Thường lui về chiến khu Yên Thế tiếp tục chiến đấu, một thời gian sau bị quân Pháp bắt và xử chém tại Bần Yên Nhân vào tháng 4 năm 1909. Hai người cháu ruột của ông cũng bị triều đình nhà Nguyễn xử tử.
* * *
Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo kéo dài 6 năm, đã mở thêm một trang mới trong dòng lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Nghĩa quân Bãi Sậy đã chiến đấu trong tình thế vô cùng cô đơn, bị triều đình bỏ rơi, không có được ngoại viện để đương đầu với thực dân Pháp có vũ khí tối tân hơn.
Thế nhưng, chiến khu Bãi Sậy đã trở thành một trong những biểu tượng hào hùng, đánh thức tấm lòng yêu nước của nhiều tầng lớp dân chúng VN vào cuối thế kỷ 19. Chính khí phách hào hùng đó đã đốt lên ngọn lửa kháng chiến không ngừng nghỉ của các thế hệ kế tiếp, và đã tạo cơ hội cho tập đoàn cộng sản lợi dụng ngọn cờ yêu nước để du nhập chủ nghĩa Marx – Lenine vào VN, dưới chiêu bài trợ giúp cho các dân tộc nhược tiểu thoát khỏi ách thống trị của đế quốc.
Điều đáng mỉa mai là đảng CSVN sau khi cướp được chính quyền suốt 70 năm qua, vẫn tiếp tục ra rả cho rằng mình có công kháng chiến chống Pháp để giành độc quyền cai trị đất nước. Suốt 70 năm qua, họ đã cố bôi xóa lịch sử, không nhắc nhở đến một giai đoạn đẫm máu của phong trào Cần Vương, với hàng trăm cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầy hào hùng của những bậc tiền nhân như Nguyễn Thiện Thuật ở chiến khu Bãi Sậy hay Hoàng Hoa Thám ở chiến khu Yên Thế. Tệ hơn thế nữa là trong khi vỗ ngực khoe khoang “đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ” thì hoàn toàn im lặng trước cảnh hàng ngàn ngư dân VN bị quân Tàu tấn công, cướp bóc và sát hại ở Biển Đông.
Nhưng điều vô liêm sỉ nhất là, trong khi Hoàng Sa và Trường Sa đã mất vào tay Trung Cộng từ nhiều năm qua thì ông đại tướng Phùng Quang Thanh, tư lệnh quân đội VN, mới đây tuyên bố là nếu để “mất đảng, mất chế độ thì biển đảo cũng mất”!
Dường như không có ai nhắc cho ông Thanh biết rằng, hàng chục ngàn cây số vuông ở vịnh Bắc Bộ đã mất vào tay Trung Cộng từ 20 năm qua. Và trên đất liền thì thác Bản Giốc và Ải Nam Quan bây giờ cũng đã thuộc về Tàu cộng!
Việt Thái