Thomas Edison, 1847 – 1931, người Mỹ, nhà phát minh vĩ đại nhất của mọi thời đại. Ông có hơn một ngàn bằng phát minh sáng chế.
Edison, nhà phát minh nổi tiếng thế giới nhờ tài trí thông minh và kiên trì tự học. Riêng mình ông đã có hơn một ngàn bằng phát minh sáng chế trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát minh ra bóng đèn điện dây tóc và máy hát. Nhưng nhà phát minh lỗi lạc này, trong tuổi thơ ấu chỉ được đi học có 3 tháng, vừa mới biết đọc đã phải nghỉ học vì nhà nghèo.
Lúc 7 tuổi, Edison cùng cả gia đình phải chuyển nhà đến một địa phương khác, tại nơi ở mới, tuy Edison được vào trường học công không phải đóng học phí, nhưng thầy giáo lại là một người tính khí khó chịu, ích kỷ và lười nhác. Ông chỉ biết dạy cho trẻ em kiến thức trong sách giáo khoa, ngoài ra không biết dạy gì hơn. Ông đối sử với học trò thô bạo và thiếu văn hóa. Vì thế, nhân một lần cãi nhau với thầy giáo, bà mẹ của Edison tức giận, bắt cậu con bỏ học, ở nhà tự học và phụ giúp gia đình.
Edison là người rất ham học và rất nỗ lực tự học. Năm 11 tuổi, Edison đã đọc hết bộ Bách khoa toàn thư về khoa học, do nhà khoa học nổi tiếng người Anh là Newton biên soạn. Đồng thời còn xây dựng hẳn một “phòng thí nghiệm” cho riêng mình trong căn phòng nhỏ trên gác xép của mình căn nhà bỏ hoang gần đó.
Một hôm nọ, lúc trời cũng đã nhá nhem tối, mẹ của Edison lên cơn đau ruột thừa cấp tính, toàn thân mồ hôi nhễ nhại, không thể nằm yên. Cậu cùng bố hết sức lo lắng, bố dặn cậu hãy luôn ở gần chăm sóc và động viên mẹ. Rồi ông tức tốc cưỡi ngựa đi hàng chục cây số mời bác sĩ về nhà.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ yêu cầu phải phẫu thuật ngay. Song, lúc đó nhà lại không có điện, chỉ biết nhờ vào ánh sáng nhen nhóm của ngọn đèn dầu. Với thứ ánh sáng như vậy, làm sao có thể phẫu thuật được?
Bệnh của mẹ Edison càng lúc càng nặng thêm, bà lăn lộn trên giường, đau tưởng chết đi sống lại. Edison thương mẹ đến phát khóc. Cậu khẩn cầu với bác sĩ : “Ông làm ơn phẫu thuật sớm cho mẹ cháu, cháu xin cầm nến soi sáng cho ông làm việc”.
Bác sĩ lắc đầu nói.
“Không được! Nếu tập trung mấy ngọn nến lại, thì ánh sáng vẫn rất yếu không thể tiến hành phẫu thuật được. Hơn nữa nếu tiến hành phẫu thuật trong hoàn cảnh như vậy thì nước sáp nến chảy ra có thể rơi vào vết mổ, rất nguy hiểm ! Không thể làm liều lĩnh như vậy được.
Edison lập tức nín khóc, cậu đăm chiêu suy nghĩ nếu có cách nào đó tập trung ánh sáng của nhiều ngọn nến lại và đặt ở một vị trí cách xa nơi tiến hành phẫu thuật, rồi từ đó chiếu ánh sáng tới nơi mổ thì chẳng những có đủ ánh sáng, vừa không sợ bị nước sáp nến rơi vào vết mổ.
Khi bố và bác sĩ chưa biết làm thế nào, thì một ý tưởng lóe lên trong đầu Edison, cậu níu tay bác sĩ. “Thưa bác, bác cứ chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để tiến hành mổ! Cháu sẽ mang ánh sáng đến!”. Nói rồi cậu chạy vụt đi.
Không sợ đêm tối, Edison đến từng nhà trong xóm để mượn về những chiếc gương nhỏ và vài ngọn đèn dầu. Cậu để những chiếc gương nhỏ này ở xung quanh giường mẹ và trước mỗi chiếc gương nhỏ này lại thắp một ngọn đèn. Ánh đèn được những chiếc gương nhỏ phản chiếu, trong chốc lát cả gian nhà bỗng sáng rực lên.
Như vậy, bà mẹ vẫn nằm thoải mái trên giường phẫu thuật mà không lo bị sáp nến rơi vào vết mổ, lại vẫn đủ ánh sáng để phẫu thuật.
Nhìn thấy “buồng phẫu thuật” kỳ lạ nhất trên đời được Edison bố trí xong, bác sĩ vô cùng kinh ngạc không nói nên lời. Ông hết sức cảm phục chú bé đặc biệt thông minh tài giỏi lại rất yêu thương mẹ, bác sĩ liền bắt tay vào phẫu thuật cho bà.
Nhờ ánh sáng trong phòng, ca mổ ruột thừa tiến hành thuận lợi. Bà mẹ được cứu chữa kịp thời, thoát khỏi cơn nguy kịch.
Trước khi đưa bác sĩ ra về, bố ôm cậu vào lòng, thủ thỉ: “Con là món quà tuyệt vời nhất mà thượng đế đã ban tặng cho bố mẹ”.
Lạm bàn :
Edison là một người thông minh sáng tạo, giỏi ứng dụng các kiến thức từ trong sách vở vào công việc thực tế. Trong tình trạng sức khỏe của bà mẹ bị đe dọa, Edison không hề bối rối, hoảng sợ, mà còn biết bình tĩnh suy nghĩ, vận dụng những kiến thức đã có để cứu sống người mẹ.
Edison suy nghĩ và làm việc không ngừng nghỉ. Cuộc đời ông là cả một quá trình tìm tòi, sáng tạo. Edison đã tiến hành hàng ngàn thí nghiệm để quyết tâm cho ra đời chiếc đèn điện đầu tiên. Và ngày nay trong mỗi căn nhà đều sử dụng phát minh của ông để chiếu sáng, chúng ta nên biết ơn ông vì điều đó.
Theo vnkienthuc/truyendangian