NHẠC XUÂN MÙA CHINH CHIẾN (Vương Trùng Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Sau tháng ngày giá lạnh, sau Giáng Sinh, khi nhạc Xuân vang lên, vang vọng trong nắng ấm báo hiệu cho năm mới sắp sang của Tết Dương Lịch và kéo dài cho đến Tết Nguyên Đán. “Ta ca vang, đàn nhịp nhàng, đón Xuân sang. Vui hân hoan, tình rộn ràng, mừng Xuân mới” như Ca Khúc Mừng Xuân của Văn Phụng.
 

Inline image

Khi đất nước phân chia, miền Nam VN thuở đó còn thanh bình, những ca khúc đón Xuân như: Xuân & Tuổi Trẻ của La Hối (lời Thế Lữ) năm 1946, Bến Xuân Xanh của Dương Thiệu Tước năm 1949 với điệu Valse (luân vũ) vui tươi, rộn ràng của khúc hoan ca (Dương Thiệu Tước còn 3 ca khúc Vui Xuân, Vườn Xuân Thắm Tươi, Tìm Xuân), Bến Đàn Xuân của Ngọc Bích vào cuối thập niên 40, nhạc phẩm Xuân Đã Về của Minh Kỳ năm 1954, Xuân Thôn Giã của Văn Phụng năm 1956, và, hình ảnh miền Nam Việt Nam được phác họa qua ca khúc Xuân Miền Nam của Văn Phụng:

“Miền Nam! Niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
Miền Nam! Tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ
Giờ đây, mùa xuân đang xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầu nhớ
Vui ca tung gieo nguồn sống
Đắp xây tự do”

(Ca khúc Bến Xuân của Văn Cao sáng tác năm 1942 được NXB Tinh Hoa ấn hành cùng năm đó với lời ghi ‘nhạc: Văn Cao, lời: Văn Cao – Phạm Duy’. Sau này Văn Cao đã đặt thêm lời thứ nhì và lấy tên Đàn Chim Việt. Có thể nói đây là nhạc phẩm về Xuân đầu tiên nhưng giai điệu và lời ca buồn nên không phù hợp với niềm vui đón Xuân nên không thông dụng và phù hợp).

Ở miền Nam Việt Nam, mỗi độ Xuân về, với nhạc sĩ lìa bỏ quê nhà trên đất Bắc, xa cách họ hàng bà con nhưng đã hòa nhập nơi vùng đất mới, ca ngợi mùa Xuân.

Nhạc phẩm Hoa Xuân của Phạm Duy sáng tác vào năm 1953 với hình ảnh thật dễ thương:

“Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn”
Nhạc phẩm Xuân Ca của Phạm Duy năm 1961:
“Xuân trong tôi ra góp chung câu gào thiết tha
Là xinh, là tươi có Xuân thưở xưa ước mơ hiền hoà”

Bản nhạc Xuân Đã Về của Minh Kỳ vào cuối thập niên 50:

“Xuân đã về, xuân đã về!
Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về!
Ta hát vang chào mừng Xuân sang, Xuân sang…”

 

Inline image

Ca khúc Anh Cho Em Mùa Xuân của Nguyễn Hiền của nhà thơ Kim Tuấn vào đầu Xuân 1962 với lời tình tự:

“Anh cho em mùa Xuân,
Đường hoa vào phố nhỏ,
Nhạc chan hòa đây đó.
Tình yêu non nước này,
Bài thơ còn xao xuyến,
Rung nắng vàng ban mai”.

Vui nhộn nhất với điệu Chachacha, nhịp 4/4, ca khúc Cánh Bướm Vườn Xuân (Cerisiers Roses et Pommiers Blanc) của Louiguy sáng tác năm 1950, Từ Vũ chuyển lời Việt. Năm 1950 Từ Vũ theo gia đình vào miền Nam sinh sống, cũng là tác giả Gái Xuân và chuyển lời Việt nhiều ca khúc ngoại quốc.

“Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây tình hoa
Như đang đắm say ru hồn lòng ta
Vườn xuân ong bướm ngất ngây ngất ngây tình (hoa) ta
Ý xuân chan hòa”.

Trong thời chinh chiến ở miền Nam Việt Nam, nhiều nhạc phẩm về mùa Xuân được lưu hành, trong đó nhiều nhạc sĩ đã khoác chiến y và cũng có nhạc sĩ tuy không dấn thân bào binh nghiệp như Phạm Đình Chương nhưng ngưỡng vọng hình ảnh người chiến sĩ như Phạm Đình Chương qua ca khúc Ly Rượu Mừng:

“Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi…
… Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người chiến sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình”

Ca khúc Ly Rượu Mừng được xem như “thông điệp mùa Xuân” khi mỗi dịp Xuân về từ khi nhạc phẩm nầy ra đời, giai điệu (Pháp, Anh: melodie, melody) vui tươi; nhịp điệu (rythme) ¾ của valse rộn ràng. Ở hải ngoại trong bốn thập niên qua được vang vọng khi Xuân về. Thế nhưng nó bị cấm bốn thập niên ở trong nước (1975-2016) chỉ vì “Chúc người binh sĩ lên đàng”!

Theo lời nhà báo Nguyên Minh ở VN cho biết “Sau này khi Phương Nam phim muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016”. Sự ngu dốt và đố kỵ đó đã giết chết ca khúc hay nhất vào dịp Tết sau ca khúc Xuân & Tuổi Trẻ của La Hối.

Với ca khúc nầy và theo tư liệu của Phương Nam chỉ qua mặt bọn kiểm duyệt thiếu hiểu biết nên cần nói rõ để khỏi “mập mờ đánh lận con đen” để khỏi bị oan cho tác giả.

Giai đoạn đầu của thời kỳ kháng chiến, nhiều văn nghệ sĩ đã tham gia và khi thấy thực tế phũ phàng nên “dinh tê” về thành, trong số đó có gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Sau kỳ Đại Hội Văn Nghệ, Phạm Duy trở về Thanh Hóa. Ngày 1-5-1951, Phạm Duy cùng gia đình từ bỏ kháng chiến, “dinh tê” về Hà Nội, rồi vào Sài Gòn sinh sống…”. (Năm 1947, Phạm Duy kết hôn với Thái Hằng Phạm Thị Quang Thái).

Năm 1951, Phạm Đình Chương sau khi rời vùng kháng chiến, cùng gia đình chuyển vào miền Nam. Với người anh là Hoài Trung, hai người em là Thái Thanh, Thái Hằng… thành lập ban hợp ca Thăng Long vào tháng 6 năm 1951 với ca khúc Nắng Đẹp Miền Nam được mọi người ái mộ.

Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được chính thức thành lập vào tháng 12 năm 1950 dưới quyền của Quốc Trưởng Bảo Đại (1950 đến 1955) vì vậy trong ca khúc Ly Rượu Mừng nói về người lính trong Quân Đội Quốc Gia.

Theo bài viết của Văn Thao, trưởng nam của Văn Cao cho biết: “Văn Cao lên Lao Kai từ đầu năm 1947, phụ trách Đội Điều Tra Công An Liên khu X. Ông mở một quán ca nhạc, có tên là quán Biên Thùy bên kia cầu Cốc Lếu để làm vỏ bọc cho những hoạt động của mình…

… Phạm Duy hát tại quán Biên Thùy của Văn Cao gần ba tháng thì lại cùng Ngọc Bích chia tay Văn Cao ra đi. Cuộc chia tay giữa hai người lần này không vui vẻ lắm vì trong thời gian này Phạm Duy “phải lòng” một cô gái nhảy xinh đẹp là nhân viên hoạt động trong đội điều tra của Văn Cao. Không chấp nhận được điều đó, Văn Cao tức giận, đuổi Phạm Duy đi”.
Sau Phạm Đình Chương hai thập niên, ca khúc Mừng Xuân của Phạm Duy vào thập niên 70 tri ân người chiến sĩ:

“Xin mừng anh chiến sĩ nơi tiền phương
Giữ đất cho Việt Nam hùng mạnh.
Nơi đồng xanh chúc bác dân cầy luôn
Lúa tốt, hoa mầu tươi suốt năm”.

Hoàng Trọng, “ông hoàng nhạc Tango” với ca khúc Hẹn Gió Xuân Về điệu slow rock:

“Ðông về rồi cành cây rụng lá
Chim cất cánh bay về ngàn xa
Và áo len cô em gửi ra
Cho người chiến sĩ mùa băng giá
Xa một ngày lòng vương sầu nhớ
Ðan áo ấm cho người tình mơ
Vì chiến chinh xa xôi đường tơ
Ai còn nhớ chăng bao lời thơ”

Trong bài viết Hoàng Trọng, Cung Thương Dệt Tiếng Tơ Đồng của tôi ghi lại hình ảnh của ông:

“Năm 1950, gia nhập vào Quân Nhạc Bảo Chính Ðoàn, điều khiển dàn nhạc nhẹ của chương trình phát thanh Bảo Chính Ðoàn trên đài phát thanh Hà Nội. Từ năm 1950 đến 1954, trước khi di cư vào Nam, Hoàng Trọng sáng tác trên hai mươi ca khúc: Ðường Về, Gió Mùa Xuân Tới, Say Say Say, Bến Mơ, Tiếng Nhạc Trong Sương, Buồn Nhớ Quê Hương, Bên Sông Ðưa Người, Cánh Hoa Xuân, Gió Lạnh Chiều Ðông, Chiều Về Thôn xưa, Mơ Xuân, Hoa Xuân, Gởi Hương Cho Gió, Hững Hờ, Một Nụ Cười, Tiếng Mưa Rơi, Vui Cảnh Mùa Hè, Khóc Biệt Kinh Kỳ, Tiếng Lòng, Lá Rụng… Trong đó có ca khúc Nhạc Sầu Tương Tư, nhạc phẩm trữ tình, tiếng lòng của con tim đang vương vấn trong tình yêu & nhạc phẩm Dừng Bước Giang Hồ sinh động, vui tươi được thịnh hành, trở thành quen thuộc, yêu thích, đưa tên tuổi Hoàng Trọng vang vọng cả nước”. (Bài viết nầy vào năm 2008 và đăng trong quyển Văn Nhân & Tình Sử năm 2014).

Nhạc phẩm Mùa Xuân Đầu Tiên của Tuấn Khanh khi di cư vào miền Nam:

“Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa
Vui ruộng đồng bao la tóc bạc phơ đẹp quá
Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây”.

(Văn Cao có nhiều công trạng với Việt Minh, khi phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm (1955-1958), ông là một trong số văn nghệ sĩ chân chính dám chống chế độ đương thời, bài thơ Những Ngày Báo Hiệu Mùa Xuân không ca tụng chế độ mà có ý chống đối với phong trào nầy như báo hiệu mùa Xuân. Sau vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, ông bị thất sủng, sống âm thầm với nghề vẽ để độ nhật.

Thế nhưng, Tết Bính Thìn năm 1976, ông sáng tác ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên, với những câu “Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên… Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người” trong khi đó hàng trăm nghìn Quân, Cán, Chính VNCH vào chốn lao tù (tác giả ca khúc Xuân Đã Về của Minh Kỳ trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia “Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân” chết bi thảm trong trại tù)… Ông là nhạc sĩ khai sáng và thiên tài trong nền âm nhạc VN nhưng không thức thời. Trước năm 1975, người dân miền Nam và sau nầy người Việt ở hải ngoại ngưỡng mộ những ca khúc trữ tình thời tiền chiến của Văn Cao nhưng mấy bản nhạc mang màu sắc tuyên truyền của ông như cú “hồi mã thương” vào bản thân tác giả. Ca khúc để “lập công” nầy được phổ biến mấy lần trên làn sóng phát thanh rồi bị cấm suốt 24 năm (1976-2000). Năm 1995 ông mất, năm 2000, ca khúc nầy mới ra khỏi gọng kìm kiểm duyệt của chế độ!. 


Inline image

Sở dĩ, đề cập nhiều về Văn Cao vì ông là một trong những nhạc sĩ khai sinh nền tân nhạc Việt Nam và cũng là thiên tài với nhiều nhạc phẩm trứ danh nhưng bản thân “lăng ba vi bộ” rất đáng tiếc! Thời VNCH trong binh chủng Không Quân và Hải Quân đã xử dụng hai hành khúc của ông cho thấy không đố kỵ thái độ chính trị của nhạc sĩ trong thời kháng chiến.

Nhạc sĩ Hoài Linh phục vụ trong ban văn nghệ Vì Dân của Nguyễn Văn Đông, thay mặt người lính sống xa nhà gởi về người yêu với ca khúc Đầu Xuân Lính Chúc (Hoài Linh & Tấn An) với thể điệu vui tươi:

“Người yêu lính, nếu em biết cho rằng
Đời quân nhân sống đây đó không ngừng,
Vì như thế năm ngoái sai hứa với em,
Tết không về chắc em ghét anh nhiều lắm,
Và giờ đây Xuân trời rực rỡ, Xuân mình vừa nở, em vừa ý chưa?”

Nhạc phẩm Tâm Sự Nàng Xuân của Hoài Linh với tâm trạng người ở hậu phương luôn vọng về người lính:

“Tôi đón Xuân giữa lúc còn chiến chinh,
Chúc mừng Xuân bên ly rượu hành trình,
Chúc người trai đi xây dựng hòa bình,
Để cho đất nước vui trọn mùa Xuân thắm xinh”.

Hầu hết những nhạc phẩm do nhạc sĩ sáng tác không mang màu sắc tuyên truyền mà tri ân, động viên tinh thần người lính đã dấn thân trong cơn binh lửa. Ca khúc Hạnh Phúc Đầu Xuân của Lê Dinh & Minh Kỳ cũng gởi lời chúc Xuân đến người lính nơi biên cương:

“Thấm thoát là đây… một mùa Xuân mới với ngàn cánh mai vàng,
Nụ cười trên môi trên làn má ai… đón Xuân tươi vừa sang
Xuân nay tôi chúc người miền biên cương muôn ngàn câu mến thuơng,
Mong Xuân yên lành trong bao hương tình,
Để rồi người thêm vui… cuộc sống thanh bình”.

Ngày Đầu Một Năm của Anh Chương (Trần Thiện Thanh):

“Ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm
Có người lính trẻ, đón mùa Xuân bằng phiên gác sớm
Lại một lần Xuân, trên miền xa cát đá khô cằn
Chúc anh năm này, lập kỳ công trên bước đấu tranh.
Ngày đầu một năm.. có mẹ già trông ngóng tin con
Khấn nguyện đất trời, giúp bình yên thằng con biên giới
Lòng già thầm mong.. ước người con sẽ giống anh hùng
Chúc cho năm này, lập đầu công con về thăm nhà”

Nhạc phẩm Ngày Xuân Thăm Nhau của Hoài An (1929-2012, sau nầy có nhạc sĩ trẻ mang bút hiệu Hoài An) thể hiện tình nghĩa:

“Đầu năm ra tới chốn đóng quân.
Lâu lắm đôi ta chưa gặp một lần.
Tiện mùa Xuân về nên tới thăm anh.
Cho lòng nhẹ bớt bâng khuâng, chung nhau mấy ngày Xuân hiền lành.
… Nàng Xuân lưu luyến giữa chúng ta.
Ngắt mấy bông hoa trong tận rừng già,
Tặng chàng thay quà năm mới phương xa.
Ghi tình gặp gỡ thiết tha, ghi từng phút mùa Xuân đậm đà”

Hoài An cũng là tác giả ca khúc Tâm Sự Đầu Xuân, góp phần làm đẹp hình ảnh người lính gìn giữ quê hương:

“Tôi đón Xuân lúc đang còn chiến chinh
Chúc nàng Xuân bên ly rượu hành trình
Chúc người trai đi xây dựng hòa bình
Để cho đất nước vui trọn mùa Xuân thắm xinh
… Mừng Xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua”.

Trong thời chinh chiến, người lính VNCH phải đảm nhận trách nhiệm nơi núi rừng để bảo vệ an ninh cho hậu phương, và để nhớ ơn, quan tâm đến người lính, ở hậu phương thường tổ chức “Cây Mùa Xuân Cho Chiến Sĩ”. Nhạc phẩm Thư Xuân Trên Rừng Cao của Trịnh Lâm Ngân thay mặt cho người lính:

“Mời anh mời chị mùa Xuân lên đây thăm tôi
Nơi xa xôi khuất nẻo thưa người
Núi rừng mịt mù sương
Mời em một lần rời xa nơi đang yên vui
Lên đây thăm lính ở trên rừng
Ðể cùng ngọt bùi xớt chia”.

*

Trong bài viết Nguyễn Văn Đông & Một Thoáng Xuân Phai của tôi viết vào tháng Giêng năm 2018, đăng trên báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, phát hành ngày 15 tháng 2 năm 2018 (trước hai tuần lễ ông qua đời). Trong nhạc phẩm Khúc Xuân Ca tô điểm hình ảnh mùa Xuân:

“Mùa Xuân thay áo, hồng trên má hoa đào.
Vườn Xuân xôn xao, câu ái ân thầm trao.
Kìa trong ánh Xuân tươi, nhịp chân bước đôi mươi.
Nàng Xuân hé môi cười, nhạc lòng nghe chơi vơi.
Em có hay chăng lòng anh, trọn đời yêu em mãi thôi”

Thế nhưng ca khúc Phiên Gác Đêm Xuân (ban đầu ghi tác giả Vì Dân) vào thời điểm 1956:

“Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngở rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoa lá rơi…
… Chốn biên thùy này Xuân tới chi?
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu Xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi, thì đừng đến Xuân ơi!”

Theo lời chia sẻ của tác giả vì tuổi trẻ gặp nất hạnh trong gia đình nên không có mùa Xuân và khi khoác áo chiến binh ở nơi tiền đồn vì vậy mang tâm sự buồn. Lúc đó Bộ Thông Tin cấm phát hành vì cho rằng lời ca mang tính tiêu cực, ủy mị làm nhụt chí chiến đấu của người lính nhưng sau đó cho lưu hành. Ca khúc Nhớ Một Chiều Xuân rất lãng mạn, mang tâm trạng của tác giả với người tình nơi xa xôi bên bờ thành Vienne.

Thời VNCH tuy có kiểm duyệt nhưng không qua khắt khe nên nhạc sĩ được bày tỏ tâm trạng của mình, người lính vào dịp Xuân về. 

 

Inline image

Ca khúc Mùa Xuân Của Mẹ của Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh, Lâm Đệ, Nhật Ngân vào năm 1962):

“Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờnvai bạc màu
Nhìn Xuân về lòng buồn mênh mang
… Đêm nay núi rừng gió nhẹ sang Xuân
Thoáng mùi mai nở đâu đây
Nghe lòng lạc loài chơi vơi kki xưa,
Những ngày binh lửa chưa sang
Bếp hồng quây quần bên nhau
Nghe Mẹ kể chuyện đời xưa”.

Trần Anh Mai phụ trách chương trình Lính & Tình Yêu của đài truyền hình VN, chương trình Quân Đội. Nhạc phẩm Xuân Trong Rừng Thẳm vào chuyến công tác Đà Lạt cuối năm 1968:

“Theo cánh quân tôi băng rừng
Kìa đàn én nhởn nhơ đầu gió
Cành mai thắm chắn bước quân đi
Ô! Chúa Xuân đến trên trần gian
Cho thế nhân xây mộng thắm
… Cho sắc Xuân không phai màu.
Nghìn cây súng giữ Xuân bền lâu,
Đời chinh chiến nắng tím với mưa nâu,
Mấy ai đón Xuân trong vui đâu,
Hỡi Xuân trong rừng sâu…”.

Bởi nơi đó như lời tâm sự của Trần Thiện Thanh qua ca khúc Mùa Xuân Lá Khô:

“Ở đây không có hoa mai
Không có hoa đào trang điểm trần ai
Những lá khô rơi xuống âm thầm
Như trong một lần lòng tôi biết yêu đương”.
Và, Trần Thiện Thanh phác họa hình ảnh khác nơi núi đồi có mai rừng qua ca khúc Đồn Vắng Chiều Xuân:

“Đầu Xuân năm đó anh ra đi
Mùa Xuân này đến anh chưa về
Những hôm vừa xong phiên gác chiều
Ven rừng kín hoa mai vàng
Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ.
… Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, anh đâu biết Xuân về hay chưa?
Chờ em một cánh thư Xuân, nhớ thương gom đầy
Cho chiến sĩ vui miền xa xôi”.

Nhạc phẩm Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân thay cho lá thư gởi về mẹ để an ủi vào dịp Xuân:

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
Nhưng nếu con về bạn bè thương mong
Bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi! Con, Xuân này vắng nhà”

Bài hát Tôi Chưa Có Mùa Xuân của Châu Kỳ cũng bày tỏ nỗi niềm và khát vọng của người lính về hình ảnh mùa Xuân:

“Đợi hai ba năm nữa, quê mình thôi khói lửa
Mời Xuân đến với tôi, giờ còn nặng hai vai
Thân chinh nhân hồ hải, hỏi Xuân có gì vui
Hỏi Xuân có gì vui, Xuân làm dáng cho đời
Đẹp lòng giây phút thôi, ôi đất nước hai nơi
Xuân đi làm sao tới… dài xin chớ lui”

Và, Đinh Việt Lang với ca khúc Hẹn Một Mùa Xuân cũng là ước mơ của bao người dấn thân vào binh nghiệp:

“Tôi sẽ về thăm lại dòng sông con phố cũ
Ngày xưa có lần chiến tranh qua
Những đôi mắt buồn lệ nhạt nhòa
Xuân không pháo nổ Xuân không áo màu
Không nụ cười đưa duyên
… Bao năm chinh chiến góp mòn nẻo gần xa
Lòng vẫn mơ ngày quê hương nắng đẹp
Trẻ thơ vui tiếng cười
Xuân rộn rạng Xuân về nơi nơi”.
*
Trong hai thập niên ở miền Nam VN, ngay cả lúc chiến tranh bùng nổ, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác khoảng một trăm nhạc phẩm về Xuân, nhiều nhạc sĩ nổi tiếng mang nguồn cảm hứng để viết vài ca khúc về Xuân, trong đó nhiều bài liên quan đến người lính có vui, có buồn như đã dẫn chứng nói lên tâm hồn người nghệ sĩ sáng tác trong khung trời tự do.
Cho đến hôm nay, hơn bốn thập niên qua, nơi hải ngoại, người Việt lưu vong, mất quê hương nhưng luôn ngưỡng vọng về quá khứ trên mảnh đất thân yêu nhân dịp Xuân về “Xuân đã về, xuân đã về! Ta hát vang chào mừng Xuân sang, Xuân sang…”.

Trong hai mươi năm chinh chiến, nhạc Xuân ở miền Nam Việt Nam lúc nào cũng rộn ràng, vang vang đón chào năm mới cho đến Tháng Giêng “là tháng ăn chơi” nhưng bi thảm xảy ra trong Tết Mậu Thân, 1968… với hàng vạn vành khăn tang đành ngậm ngùi ngưng hẳn!

Ta đã mất mùa Xuân trên quê hương, viết lại những dòng nầy để hổi tưởng lại một thời đã qua.

Vương Trùng Dương
2018-2019