Giám đốc tình báo Mỹ John Ratcliffe (ảnh: Reuters).
Ban quản lý CIA đã gây sức ép để các nhà phân tích rút lại đánh giá có ý nghĩa lớn này.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) John Ratcliffe đã chính thức đưa ra đánh giá rằng Trung Quốc đã can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang năm 2020, theo một bức thư được trình lên Quốc hội.
Trong bức thư (pdf), ông Ratcliffe cáo buộc rằng thông tin tình báo về hoạt động can thiệp bầu cử của Trung Quốc đã bị ban quản lý tại CIA kìm hãm. Họ đã gây áp lực buộc các nhà phân tích rút lại sự ủng hộ đối với quan điểm này.
Trích dẫn một báo cáo của Thanh tra phân tích cộng đồng tình báo Barry Zulauf, giám đốc tình báo quốc gia cho biết một số nhà phân tích miễn cưỡng mô tả hành động của Trung Quốc là can thiệp bầu cử vì họ không đồng tình với các chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Tờ Washington Examiner đã công bố bức thư của ông Ratcliffe và báo cáo của viên thanh tra vào ngày 17/1, mười ngày sau khi xuất bản một báo cáo ban đầu về các tài liệu.
Trong bức thư, ông Ratcliffe viết: “Dựa trên tất cả các nguồn thông tin tình báo sẵn có, với các định nghĩa được áp dụng nhất quán và không phụ thuộc vào các cân nhắc chính trị hoặc áp lực quá mức – [tôi nhận thấy] Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử liên bang Hoa Kỳ năm 2020″.
Báo cáo của ông Zulauf, thanh tra phân tích cộng đồng tình báo, đã được gửi tới Quốc hội vào ngày 7/1 cùng với đánh giá của cộng đồng tình báo về sự can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020. Trong báo cáo (pdf), ông Zulauf nói rằng các nhà phân tích về Nga và Trung Quốc đã áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau cho báo cáo của họ về vấn đề can thiệp bầu cử. Trong khi cho rằng hoạt động của Nga là can thiệp bầu cử rõ ràng, các nhà phân tích vẫn miễn cưỡng làm điều tương tự đối với Trung Quốc.
Ông Zulauf viết: “Với những khác biệt trong cách các nhà phân tích Nga và Trung Quốc xem xét các mục tiêu của họ, các nhà phân tích về Trung Quốc tỏ ra do dự khi đánh giá các hành động của Trung Quốc là gây ảnh hưởng hoặc can thiệp quá mức. Những nhà phân tích này tỏ ra miễn cưỡng đưa ra phân tích của họ về Trung Quốc vì họ có xu hướng không tán đồng với các chính sách của Chính quyền [TT Trump], khi nói rằng trên thực tế họ không muốn thông tin tình báo của mình được sử dụng để hỗ trợ cho các chính sách đó”.
Cả báo cáo của viên thanh tra cũng như bức thư của ông Ratcliffe đều không đề cập chi tiết đến hoạt động can thiệp của Trung Quốc.
Báo cáo của viên thanh tra phân tích đánh giá rằng tình trạng chính trị hóa đang xảy ra liên quan đến hoạt động can thiệp bầu cử của cả Nga và Trung Quốc. Ông Zulauf đánh giá rằng cả các nhà lãnh đạo cộng đồng tình báo và các nhà phân tích đều không có lỗi, thay vào đó họ đổ lỗi cho bầu không khí gây chia rẽ mang tính đảng phái ở Hoa Kỳ.
“Trong hầu hết các trường hợp, những gì chúng tôi thấy là toàn bộ hệ thống đang phải phản ứng và chống lại các áp lực từ bên ngoài, chứ không phải là các nỗ lực chính trị hóa thông tin tình báo của các nhà lãnh đạo hoặc nhà phân tích của chúng tôi.”
Báo cáo nói rằng các nhà phân tích đánh giá sự can thiệp bầu cử của Nga đã phàn nàn rằng ban quản lý cộng đồng tình báo ngần ngại cung cấp đánh giá của họ cho các khách hàng chính phủ vì công việc của họ không được “đón nhận”.
Ông Zulauf viết: “Các nhà phân tích coi đây là hành động đàn áp thông tin tình báo, gần với việc chính trị hóa thông tin tình báo ở bên trên.
Trong một bài phát biểu ngày 3/12, ông Ratcliffe cho biết ĐCSTQ “đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ ngày nay, và mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ và tự do trên toàn thế giới kể từ Thế chiến thứ hai”.
Ông viết: “Thông tin tình báo rất rõ ràng: Bắc Kinh có ý định thống trị Mỹ và phần còn lại của thế giới về mặt kinh tế, quân sự và công nghệ. Nhiều sáng kiến công cộng lớn và các công ty nổi tiếng của Trung Quốc chỉ là một lớp ngụy trang cho các hoạt động [đằng sau] của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Quốc hội đã chứng nhận Joe Biden là tổng thống đắc cử vào ngày 7 tháng 1. Trong hai tháng trước khi được chứng nhận, TT Trump đã đệ đơn kiện kết quả cuộc bầu cử ở bảy tiểu bang chiến trường, trích dẫn những thay đổi vi hiến đối với luật bầu cử và tồn tại khả năng bỏ phiếu bất hợp pháp.
Nhà tư tưởng Do Thái: Đảng Dân chủ Mỹ sẽ đàn áp các tín đồ Cơ đốc giáo
Nhà tư tưởng nổi tiếng David Horowitz ngày 16/1 cảnh báo rằng đảng Dân chủ đang cố gắng “hình sự hóa” các quyền của Tu chính án thứ nhất của người Mỹ khi quốc gia này đang trong “giai đoạn đầu để trở thành một nhà nước phát xít”.
Xuất hiện trên Newsmax TV’s vào tối thứ Bảy (16/1), ông Horowitz, một nhà bảo thủ nổi tiếng người Do Thái, cảnh báo rằng những người theo đạo Cơ đốc sẽ thấy sự ngược đãi ngày càng gia tăng khi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Washington.
Theo ông Horowitz, Đảng Dân chủ đã từng chấp nhận một chương trình nghị sự chống Cơ đốc giáo do Barack Obama thúc đẩy mạnh mẽ. Ông gọi Obama là “tổng thống chống Cơ đốc giáo nhất, chống tôn giáo nhất trong lịch sử”.
Nhà tư tưởng Horowitz là tác giả của cuốn sách “Dark Agenda: The War to Destroy Christian America” (Tạm dịch, Chương trình nghị sự đen tối: Cuộc chiến tiêu diệt nước Mỹ Cơ đốc).
Ông cho biết, cuốn “Chương trình nghị sự đen tối” có viết về “những giá trị mà chúng tôi trân trọng” bắt đầu từ những người định cư theo đạo Cơ đốc ở Mỹ. Đó là nhóm người phải chạy trốn sự đàn áp ở châu Âu vì tín ngưỡng của họ.
Ông Horowitz cho rằng đây là lý do chính khiến Tu chính án thứ Nhất vốn tôn vinh quyền tự do ngôn luận và lương tâm như một bức tường thành để bảo vệ tự do tôn giáo, nhưng ngày nay, những quyền tự do đó lại bị “đảng Dân chủ tấn công có hệ thống”.
Nhà tư tưởng nổi tiếng người Do Thái cũng đồng tình với việc đảng Cộng hòa nghi ngờ về kết quả bầu cử năm 2020, đồng thời lưu ý rằng đảng Dân chủ đã có những động thái tương tự trong các cuộc bầu cử năm 2000, 2004 và 2016.
Ngoại trưởng Mỹ thúc giục nhóm điều tra WHO gây áp lực với ĐCSTQ về 3 vấn đề lớn
Ngoại trưởng Pompeo đã đề xuất 3 trụ cột chính trong cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 tại đại lục của WHO trong một tuyên bố trên trang web Bộ Ngoại giao hôm thứ Sáu (15/1 theo giờ Mỹ).
Ông cho biết: “Để hỗ trợ công việc quan trọng của một nhóm điều tra nguồn gốc Covid của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đến Trung Quốc trong tuần này, chính phủ Hoa Kỳ hôm nay sẽ chia sẻ thông tin mới liên quan đến các hoạt động bên trong các phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc vào năm 2019”.
Ngoại trưởng Pompeo nói, Mỹ đặc biệt kêu gọi WHO gây áp lực lên ĐCSTQ để giải quyết và làm rõ ba vấn đề sau:
- Vấn đề lây nhiễm trong nội bộ Viện Virus học Vũ Hán: Chính phủ Mỹ có bằng chứng để khẳng định rằng, một số nhà nghiên cứu trong Viện Virus học Vũ Hán đã bị nhiễm COVID-19 ngay từ mùa thu 2019, trước khi trường hợp nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên được xác nhận. Các triệu chứng của các nhà nghiên cứu này giống với bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được ghi nhận.
- Nghiên cứu của Viện về “virus RaTG13” và khả năng “tăng cường chức năng lây nhiễm”: Ít nhất từ năm 2016, các nhà nghiên cứu của Viện đã tiến hành nghiên cứu đối với virus RaTG13 – một loại virus có cấu trúc tương đồng lên đến 96,2% so với SARS-CoV-2. Nhưng kể từ khi dịch bùng phát, Viện đã không tỏ ra minh bạch với thông tin xoay quanh các hoạt động nghiên cứu của Viện đối với RaTG13 và các loại virus tương tự khác, bao gồm các thí nghiệm “tăng cường chức năng” tiềm năng để tăng cường khả năng lây nhiễm hoặc gây sát thương của virus.
- Mối liên hệ bí ẩn giữa Viện Virus học Vũ Hán với các nghiên cứu quân sự của ĐCSTQ: Mặc dù Viện Virus học Vũ Hán tự tuyên bố là một tổ chức dân sự, nhưng nó đã hợp tác trên các ấn bản học thuật và các dự án bí mật với quân đội Trung Quốc. Ít nhất từ năm 2017, tổ chức này đã thay mặt quân đội ĐCSTQ tham gia vào các nghiên cứu tuyệt mật, bao gồm các thí nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết thêm, đại dịch COVID-19 đã có thể tránh được nếu ĐCSTQ mời các nhà điều tra y tế toàn cầu đến Vũ Hán trong vòng vài ngày sau khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng Bắc Kinh đã từ chối tất cả lời đề nghị giúp đỡ của Mỹ và các nước khác.
Thậm chí ĐCSTQ còn trừng phạt những bác sĩ, nhà khoa học và các nhà báo dũng cảm từng cố gắng cảnh báo sớm cho thế giới về tình trạng lây lan nguy hiểm của virus Vũ Hán. Cho đến hiện nay, Bắc Kinh vẫn tiếp tục ngăn cản các nhà khoa học thu thập các thông tin quan trọng về dịch bệnh.
Một lần nữa, ông Pompeo cho biết “Mỹ tái khẳng định tầm quan trọng của việc các nhà điều tra được tư do truy cập vào các hồ sơ phòng thí nghiệm, mẫu virus và khả năng tiếp cận các nhân chứng, người tố giác và các cá nhân nhằm đảm bảo tính khả tín của báo cáo tổng kết của WHO. Cho đến khi ĐCSTQ cho phép một cuộc điều tra toàn diện và đầy đủ đối với những gì đã xảy ra ở Vũ Hán, thì sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi một đại dịch khác có thể nổ ra ở Trung Quốc, gây tổn hại cho người dân Trung Quốc và thế giới”.
LS Giuliani tham gia nhóm bào chữa trong phiên tòa luận tội TT Trump tại Thượng viện
Post Millennial đưa tin, Luật sư (LS) của TT Trump, ông Rudy Giuliani đã lên tiếng khẳng định sẽ tham gia nhóm bào chữa trong phiên tòa luận tội tổng thống trước Thượng viện Hoa Kỳ.
Mặc dù ngày bắt đầu cho phiên tòa vẫn chưa được ấn định, nhưng có dự kiến rằng phiên tòa sẽ diễn ra trong những ngày sau lễ nhậm chức dự kiến của ông Joe Biden vào thứ Tư (20/1).
Cho tới nay, LS Giuliani tuyên bố rằng đã có nhiều bằng chứng chỉ ra gian lận bỏ phiếu trên diện rộng khiến thay đổi kết quả cuộc bầu cử. Ông dự định giới thiệu lại các bằng chứng này tại phiên toà luận tội, vừa để bảo vệ tổng thống vừa để nâng cao nhận thức hơn nữa về vụ việc.
Trước đó, hàng chục tòa án đã bác bỏ hoặc ra phán quyết chống lại các tuyên bố do đội ngũ pháp lý của TT Trump đưa ra.
LS Giuliani cũng đưa ra ý kiến rằng TT Trump nên chuyển sang hướng bác bỏ việc luận tội.
Ông nói: “Nếu họ quyết định mang ra xét xử, [ông Trump] nên chuyển sang hướng bác bỏ rằng luận tội là hoàn toàn bất hợp pháp. Đó là cuộc luận tội duy nhất từ trước tới nay được thực hiện trong hai, ba ngày. Chúng tôi sẽ nói với tòa án rằng: ‘Quý vị đang cho phép rằng trong tương lai, cơ bản là [chỉ cần] trong hai ngày, Quốc hội có thể luận tội bất cứ điều gì họ muốn’”.
Trước đó, ngày 13/1, thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton cho biết Thượng viện thiếu thẩm quyền theo Hiến pháp để tiến hành các thủ tục luận tội Tổng thống Donald Trump sau khi ông rời nhiệm sở.
Trong cùng ngày, Hạ viện đã luận tội Trump lần thứ hai với tỷ lệ bỏ phiếu là 232–197. Phiên luận tội đã diễn ra trong 7 giờ, nhanh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một tổng thống bị luận tội hai lần.
Guatemalan trấn áp đoàn di dân tới Mỹ
Lực lượng an ninh Guatemalan hôm Chủ nhật (17/1) đã sử dụng gậy gộc và hơi cay để trấn áp một đoàn bộ hành với hàng nghìn người đang hướng đến Mỹ. Sự việc diễn ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của ông Biden, theo Reuters.
Các nhà chức trách cho biết, có khoảng 7.000 đến 8.000 người di cư đã vào Guatemala kể từ hôm thứ Sáu với mục đích tiếp nối hành trình tới biên giới Hoa Kỳ.
“Thông điệp của Guatemala rất to và rõ: Những loại phong trào quần chúng bất hợp pháp này của người dân sẽ không được chấp nhận, đó là lý do tại sao chúng tôi đang cùng hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết vấn đề này như một vấn đề của khu vực”, hãng tin Reuters trích email của văn phòng Tổng thống Guatemalan cho biết.
Một phần lớn đoàn bộ hành đã đụng độ vào đầu ngày Chủ nhật với các nhân viên an ninh của Guatemalan, khoảng 3.000 người trong số họ đã tập trung tại làng Vado Hondo, cách biên giới Honduras và El Salvador khoảng 55 km.
Về phía Mexico, giới chức nước này đang chuẩn bị ngăn chặn đoàn di dân ở biên giới phía nam, đồng thời cho biết rằng họ cũng phải đề phòng sự lây lan của virus Vũ Hán.
Giới chức Guatemalan cho biết sau các xét nghiệm, 12 nam giới và 9 phụ nữ trong các đoàn di dân có kết quả dương tính với nCoV.
Từ thứ Sáu đến thứ Bảy, Guatemala đã bắt giữ và gửi trả về gần 1.000 người di cư Honduras trong khi những người này đang cố gắng tiến về Mexico. Vào tối thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Mexico đã thúc giục giới chức Guatemala chặn đoàn di dân lại.
Sau nhiều năm bí mật thâu tóm, Bill Gates trở thành chủ sở hữu đất nông nghiệp lớn nhất Mỹ
Westernjournal cho hay, Bill Gates, người đồng sáng lập Microsoft, hiện là chủ sở hữu đất tư nhân lớn nhất nước Mỹ.
Theo The Land Report, tổ chức chuyên theo dõi số liệu thống kê về quyền sở hữu tài sản lớn, Bill Gates và vợ Melinda, trong những năm qua đã âm thầm mua 242.000 mẫu đất nông nghiệp và thêm 27.000 mẫu đất phi nông nghiệp trên 19 tiểu bang.
Danh mục đầu tư bất động sản tại Hoa Kỳ của ông bao gồm những vùng đất màu mỡ từ Tây Bắc đến Đông Nam Thái Bình Dương.
Westernjournal dẫn báo cáo của Tri-City Herald cho biết thêm, vợ chồng nhà Bill Gates sở hữu khoảng 16.000 mẫu đất tươi tốt ở bang Washington, 69.000 mẫu đất ở Louisiana và 48,000 ở Arkansas. Gần đây ông đã trả chi một khoản tiền “khủng” khoảng 171 triệu đô-la để thâu tóm 14.500 mẫu đất ở bang Evergreen.
Chính trị gia đối lập Navalny bị bắt ngay sau khi về nước
Reuters đưa tin, cảnh sát Nga đã bắt giữ nhà phê bình điện Kremlin Alexei Navalny tại Moscow sau khi chính trị gia này bay về nước hôm Chủ nhật (17/1).
Các nhân chứng của Reuters cho biết ông Navalny đã bị bắt giữ khi xuất trình hộ chiếu của mình cho lực lượng biên phòng trước khi chính thức nhập cảnh vào Nga. Đi cùng ông Navalny gồm có vợ, người phát ngôn và luật sư, nhưng họ đều được phép nhập cảnh.
Cơ quan quản lý nhà tù Nga cho biết trong một tuyên bố, ông Navalny đã bị giam giữ do những vi phạm quy định với bản án tù treo và sẽ bị giam giữ cho đến cuối tháng. Khi đó, một phiên tòa sẽ diễn ra và xem xét liệu bản án treo có trở thành bản án 3,5 năm tù thật sự hay không. Vào năm 2014, ông Navalny bị tuyên mức án 3,5 năm tù treo cùng 5 năm bị quản chế vì tội tham ô, nhưng chính trị gia đối lập cáo buộc tội danh này là vu khống.
Ông Navalny bị ốm nặng trong chuyến bay từ Siberia đến Moskva vào tháng 8 năm ngoái và được đưa đến Berlin, Đức, điều trị. Chuyên gia một số nước phương Tây kết luận Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok thời Liên Xô. Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ liên quan đến vụ việc này.
Sau vài tháng điều trị, ông Navalny quyết định bay về Nga bất chấp chính quyền Moscow đe dọa bắt giữ.
“Đây là thời khắc tuyệt vời nhất trong 5 tháng qua đối với tôi”, ông Navalny nói với các phóng viên đã mua vé cùng ông trên chuyến bay trở về Nga. “Tôi cảm thấy tuyệt vời. Cuối cùng, tôi đang trở về quê nhà”.
Chính trị gia Navalny nói ông tin mình sẽ không bị bắt. Ông cho biết: “Tôi có gì phải lo sợ chứ? Điều gì tồi tệ có thể xảy ra với tôi ở Nga chứ?”.
Chuyến bay chở ông Navalny dự định hạ cánh ở sân bay Vnukovo của Moscow, nhưng thay vào đó lại dừng ở sân bay Sheremetyevo của Moscow. Theo Reuters, các nhà chức trách dường như muốn ngăn cản các nhà báo và những người ủng hộ chào đón ông.
Ant Group bị ĐCSTQ thâu tóm, Jack Ma hối hận vì đã không rời Trung Quốc sớm hơn
Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba đã không xuất hiện trước công chúng đến nay đã hơn hai tháng. Ngoại giới suy đoán rằng Jack Ma đã “trốn ra nước ngoài” hoặc bị nhốt trong “căn phòng tối”. Ngày 15/1, Ngân hàng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết Tập đoàn Ant Group đã thành lập tổ công tác chấn chỉnh dưới sự chỉ đạo của bộ phận quản lý tài chính. Truyền thông Anh Wired UK dẫn lời một nguồn thạo tin tiết lộ rằng, Jack Ma hiện đang “tránh sóng gió” ở Hàng Châu, và vì không muốn trở thành tâm điểm của công chúng nên ông đã không lộ diện công khai, theo Vision Times.
Các cơ quan quản lý của Trung Quốc gần đây đã tập trung vào việc chấn chỉnh lĩnh vực tài chính online. Theo báo cáo của các kênh truyền thông Trung Quốc ngày 16/1, trong cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 15/1/2021, ông Trần Vũ Lộ (Chen Yulu), Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương ĐCSTQ, tiết lộ rằng dưới sự hướng dẫn của bộ phận quản lý tài chính, Ant Group đã thành lập tổ công tác chấn chỉnh.
Ant Group hiện đang đẩy mạnh xây dựng thời gian biểu để chỉnh đốn và cải cách, đồng thời duy trì tính liên tục và các hoạt động kinh doanh bình thường của tập đoàn, đảm bảo chất lượng của các dịch vụ tài chính cho công chúng.
Các cơ quan quản lý của Trung Quốc cũng đưa ra 5 yêu cầu cải chính lớn đối với Ant Group, bao gồm khôi phục hình thức thanh toán ban đầu, cải thiện tính minh bạch trong giao dịch, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh, tuân thủ các quy định của luật pháp trong việc vận hành dịch vụ tín dụng cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân.
Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Văn Hiểu Cương (Wen Xiaogang) nói rằng từ khi Tập đoàn Ant Group bị ĐCSTQ cho ngừng hoạt động trước khi niêm yết, Alibaba đã bị ĐCSTQ điều tra với danh nghĩa chống tham nhũng. Alibaba bị ĐCSTQ phạt 5 tỷ Nhân dân tệ, ứng dụng chuyển tiền bị xóa khỏi nền tảng và Jack Ma biến mất hơn hai tháng, thậm chí có quan chức công khai tuyên bố rằng Alibaba sẽ bị quốc hữu hóa một phần…
Những thông tin này đều bất lợi cho Jack Ma và cả Alibaba, bây giờ ĐCSTQ đã chính thức công bố thông tin rằng Tập đoàn Ant Group đã bắt đầu công việc chỉnh đốn và cải cách. Xét theo ngữ cảnh của ĐCSTQ, điều này có nghĩa là Jack Ma đã chịu thua và thừa nhận sai lầm, bản thân ông ta chắc chắn sẽ phải sửa chữa những sai lầm đối với Tập đoàn Ant Group theo những gì ĐCSTQ mong muốn.
Ông Văn Hiểu Cương cho rằng sở dĩ ĐCSTQ đưa ra thông tin này là bởi áp lực cả trong và ngoài nước.
Sau khi người sáng lập Alibaba Jack Ma công khai chỉ trích Hệ thống quản lý tài chính của ĐCSTQ vào tháng 10 năm ngoái, ĐCSTQ đã đình chỉ kế hoạch niêm yết của Ant Group. Bản thân Jack Ma cũng biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong vài tháng, tình hình trước mắt ra sao, ngoại giới đến nay vẫn không được biết.
Truyền thông Anh Wired UK mới đây dẫn lời một người trong cuộc cho hay, Jack Ma hiện đang “tránh sóng gió” ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (nơi thành lập của Alibaba).
Báo cáo chỉ ra rằng việc Jack Ma chần chừ không lộ diện là để tránh đưa ra một số nhận xét có thể đẩy ông ta vào hiểm cảnh.Trước khi các cơ quan quản lý Trung Quốc đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của Ant Group và Alibaba, Jack Ma rất có khả năng sẽ không xuất hiện trước công chúng.
Ông Quách Văn Quý (Guo Wengui), tỷ phú Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, mới đây đã tiết lộ rằng hai ngày trước Jack Ma từng dùng cơm với bạn bè Nhật Bản, khi đó, Jack Ma đã buột miệng nói rằng: “Tôi thật quá hối hận, tôi thật quá ngây thơ vì đã không nghe lời ông Quách Văn Quý. Vốn dĩ tôi nên rời khỏi nơi này thật sớm, đừng đợi đến khi Ant Financial ra mắt công chúng, và sau đó ở Mỹ chiến đấu chống lại họ (ĐCSTQ). Trước khi họ tiêu diệt tôi, tôi phải so găng với họ. Bây giờ tôi thật sự hối hận lắm rồi”.
Ông Quách Văn Quý cũng không quên nhắc nhở các doanh nhân vẫn còn ở Trung Quốc đừng để bản thân rơi vào thảm cảnh giống như Jack Ma, khi đó đến cả cơ hội cạnh tranh với ĐCSTQ cũng không có nữa.
Cao Du, nhà báo cao cấp của Trung Quốc nói với Đài VOA ngày 10/1 rằng Jack Ma rất có thể lành ít dữ nhiều, việc ĐCSTQ thanh trừng Jack Ma đơn giản là vì ông ấy lắm tiền, đã từ lĩnh vực tài chính lấn sân sang lĩnh vực truyền thông và không vâng lời ĐCSTQ nữa. Kết cục của Jack Ma không chừng còn thảm hơn cả ông Ngô Hiểu Huy (Wu Xiaohui) – cháu rể của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình, người đã bị kết án 18 năm tù vào năm 2018 và bị tịch thu tài sản 85,7 tỷ Nhân dân tệ.