NHỚ VỀ Giáo sư NGUYỄN NGỌC HUY & PHONG TRÀO ĐẤU TRANH 1945-1950: Ông HOÀI SƠN UNG NGỌC NGHĨA (Aug.2020)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Buổi sinh hoạt trên diễn đàn TiếngNói TựDo Của NgườiDân ViệtNam hệ thống Paltalk & Facebook toàn cầu, ngày 01 tháng 08 năm 2020.

“Đ/c Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa, Một đời tranh đấu

Lê Minh Nguyên

Năm 1970 khi tôi đang học lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) trường trung học Chu Văn An, tôi đi tìm một đoàn thể đấu tranh để gia nhập.

Tôi rời trường trung học Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc để đi Sài Gòn vào học trường Chu Văn An vì một lý do duy nhất: muốn tìm một môi trường thích hợp để thoả mãn lý tưởng, phục vụ quốc gia dân tộc mình.

Tôi còn quá trẻ, lại quá mới với Sài Gòn nên không biết gì về môi trường chính trị mà tôi muốn tham gia. Khi còn ở tỉnh, tôi nghe nói ông Hồ Hữu Tường là người tài giỏi, nên khi đến được Sài Gòn, tôi quyết tâm đi tìm ông.

Khi ông nói chuyện ở đâu thì tôi đi nghe ở đó, tôi còn tìm đến nhà ông ở Phú Nhuận, Tân Định nhưng chưa dám vào để gặp riêng với ông. Sau nhiều lần nghe ông nói chuyện, tôi không còn muốn tìm theo ông nữa. Lý do là khi đó ông đã lớn tuổi, nên nói về việc mua đất ở Biên Hoà để làm nghĩa trang.

Tôi cảm thấy tầng số không thích hợp nên muốn đi tìm một nơi nào khác thích hợp hơn. Trên chuyến xe đò từ Miền Tây đi Sài Gòn, tôi tình cờ đọc được tờ nhật báo Cấp Tiến, tôi thấy rất thích vì có cảm giác đây là tầng số mà mình đang đi tìm. Những khuôn mặt chủ trương đều là những nhà trí thức, trẻ, chủ trương cấp tiến như GS Nguyễn Văn Bông, GS Nguyễn Ngọc Huy, GS Nguyễn Văn Ngôn…Sau đó tôi đọc thêm Nguyệt San Cấp Tiến và đi tìm trụ sở của tờ báo này ở đường Phan Đình Phùng.

Tôi đạp xe đạp đến toà soạn, dựng xe ở gốc cây to ngay trước cửa, rụt rè bước vào hỏi cô ngồi ở bàn tiếp khách bên ngoài. Khi cô biết tôi muốn tìm một tổ chức chính trị chứ không liên quan gì đến báo, cô chỉ tôi vào một căn phòng hình chữ nhật phía tay phải, sâu bên trong, và gặp người ngồi phía cuối phòng. Đó là bác Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa.

Phòng có ba người, ngồi ở ba cái bàn xếp thành một dãi. Bàn đầu tiên ông Nguyễn Đình Huy (Việt Huy) ngồi, bàn giữa ông Trương Dụng Khả (Minh Nhật – chú của Đảng Trưởng Trương Tử Anh, Đại Việt Quốc Dân Đảng) ngồi, và bàn cuối cùng ông Ung Ngọc Nghĩa (Hoài Sơn) ngồi. Bác Hoài Sơn hiền hoà giải thích cho tôi nghe về sinh hoạt đảng phái, cho tôi tài liệu, bảo tôi mang về nhà đọc và suy nghĩ cho thật kỹ trước khi gia nhập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.

Bác nói: Qua (tức bác) thấy em còn quá trẻ mà việc gia nhập vào một tổ chức chính trị là một quyết định quan trọng, giống như đi cưới vợ, đôi khi mình sẽ ở với nó suốt đời. Bây giờ và ở nơi đây, sau gần 50 năm, anh em và tôi mừng sinh nhật thứ 96 của Bác Hoài Sơn. Bác vẫn luôn luôn hiền hoà và đầu óc vẫn rất sáng suốt, nhớ từng sự kiện lịch sử của thời thập niên 1940s.

Bác tham gia tranh đấu năm 1945. Bác cả đời đi tranh đấu cho dân chủ pháp trị, sống đơn sơ đạm bạc, nhưng luôn yêu đời yêu nguời và hạnh phúc trong thanh bần.

Năm 1971 tôi đọc bài thơ Thiên Đàng của Bác mà rung động trong lòng. Tôi xin ghi bài thơ này ra đây nhân dịp mừng sinh nhật thứ 96 của Bác. Lê Minh Nguyên 3/11/2019 “