PHI THUYỀN CON RỒNG (Bông lau)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May 28-2020

Phi thuyền Con Rồng và hỏa tiễn Con Ưng 9 đang được cần trục dựng đứng lên ở giàn phóng 

Hai phi hành gia đang ngồi trong phòng lái Con Rồng sáng sủa đơn giản nhưng tối tân như phim khoa học giả tưởng. Màn hình rờ chớ hổng bấm nút.

Bộ đồ phi hành gia và nón bay giống như mua ở tiệm hóa trang cho con nít. Hổng thấy bù lon hay nút vặn gì cả. Đóng kiếng che mặt lại thì làm sao thở đây?

Hai phi hành gia ôm gió từ giã vợ con vì không đến gần sợ truyền dịch coronavirus. Nhìn hai đứa nhỏ muốn ôm ba nó vào lòng mà thấy thương

Xe Tesla Model X chạy bằng điện rất tốt cho môi trường xanh.

Phi thuyền Con Rồng (Crew Dragon capsule) đang thử nghiệm các hỏa tiễn thoát hiểm để tách rời hỏa tiễn Chim Ưng Falcon 9 khi phóng đi nếu hỏa tiễn này bị trục trặc hay nổ tung.

Hỏa tiễn Chim Ưng 9 sau khi phóng Con Rồng vào không gian thì rơi trở lại khí quyển và đáp an toàn để xài lại cho những chuyến khác.

Phi thuyền Con Thoi phóng vào quỹ đạo liên tục cách đây hơn một thập kỷ.

Phòng lái cổ lỗ sĩ của phi thuyền Con Thoi.

Phi hành gia của phi thuyền Con Thoi cách đây mười mấy năm mặc đồ rất cồng kềnh nặng nề nhưng rất ngầu.

Phi thuyền Con Thoi “Challenger” nổ tung khi mới rời giàn phóng năm 1986 vì một khe hở gần động cơ hỏa tiễn làm nhiên liệu thoát ra ngoài.

Bảy phi hành gia tử nạn. Trong đó có hai nữ phi hành gia. Đặc biệt cô giáo Christa McAuliffe của một trường trung học chuyên dạy về không gian được NASA lựa chọn huấn luyện bay vào vũ trụ trên tàu Con Thoi sẽ thực hiện vài chương trình giảng dạy trực tiếp truyền hình cho hàng triệu trẻ em Mỹ ở dưới đất. Sau khi cô giáo tử nạn, Liên Xô đã đặt tên hai miệng núi lửa do thiên thạch (meteorite craters) trên mặt trăng và kim tinh là McAuliffe

Phi thuyền Con Thoi “Columbia” bốc cháy thành tro bụi khi trở lại bầu khí quyển năm 2003 vì một miếng xốp cách nhiệt văng ra trúng cánh làm bể những miếng xốp chống nhiệt khác. Bảy phi hành gia tử nạn.

Phòng lái cổ điển của phi thuyền mẹ Apollo vào thập niên 70.

Phòng lái cổ điển và đơn giản của phi thuyền con Apollo (Apollo Lunar Module) đáp xuống mặt trăng vào thập niên 70. Hai phi hành gia sẽ đứng lái chớ không có ghế ngồi.

Phòng lái của phi thuyền Gemini vào thập niên 60 rất nhỏ và đơn sơ như máy bay thời đệ nhị thế chiến.

Cuộc phóng phi thuyền “Con Rồng” (Crew Dragon capsule) chuyên chở hai phi hành gia lên trạm không gian quốc tế (International Space Station – ISS) đã bị hủy bỏ chiều hôm qua vì thời tiết xấu. NASA thông báo cuộc phóng sẽ bắt đầu lại vào chiều thứ Bảy tuần này lúc 3:22 giờ chiều của tiểu bang Florida.
Hàng triệu người Mỹ vui mừng phấn khởi vì đây là cuộc phóng phi thuyền từ lục địa Hoa Kỳ kể từ khi chương trình phóng phi thuyền “Con Thoi” (Space Shuttle) đã bị hủy bỏ năm 2011 .
Các chuyến bay đưa phi hành gia Hoa Kỳ lên trạm không gian trong thời gian qua phải thuê phi thuyền Soyuz của Nga phóng đi từ Trung Á Kazakhstan. Giá vé mỗi ghế trên chuyến xe đò không gian Soyuz cho phi hành gia Mỹ sẽ tăng lên 90 triệu đô la vào mùa thu tới.. Phi thuyền Soyuz được sử dụng từ năm 1966 rất cũ nhưng cũng rất bền như xe tăng T-54.
Đây là cuộc cách mạng trong kỹ nghệ không gian vì lần đầu tiên NASA nói riêng và thế giới nói chung, một cơ quan khổng lồ của chính phủ đã thuê một công ty tư nhân cung cấp phương tiện chuyên chở phi hành gia với giá rẻ, phẩm chất của dụng cụ và phục vụ được coi không thua kém.
Phi thuyền “Con Rồng” được hỏa tiễn “Chim Ưng 9” (Falcon 9) dùng nhiên liệu đẩy là hợp chất oxy lỏng đông lạnh và dầu hỏa (RP-1). Đây là những phát minh của công ty SpaceX do Elon Reeve Musk mới có 48 tuổi làm chủ.
Elon Reeve Musk gốc Nam Phi. Anh ta muốn trốn quân dịch ở Nam Phi nên di dân qua Canada rồi cuối cùng trở thành công dân Hoa Kỳ. Elon Musk tốt nghiệp cử nhân kinh tế và vật lý ở đại học Pennsylvania. Khi bắt đầu chương trình tiến sỹ về vật lý và toán ở đại học Stanford – California mới chỉ được hai ngày, Elon Musk bỏ học để thành lập công ty đầu tiên là Zip2 chuyên cung cấp phần mềm điện toán.
“Con Rồng” có thể chở tối đa là bảy phi hành gia lên trạm không gian hoặc cung cấp dịch vụ du lịch vũ trụ cho những ai có nhiều tiền và một lá gan bự thích phiêu lưu mạo hiểm.
SpaceX thiết kế phi thuyền Con Rồng và hỏa tiễn Chim Ưng giống các phim khoa học giả tưởng Star Trek ở thập niên 70 và 80. Thoạt nhìn nó giống đồ chơi trơn tru đơn giản bằng nhựa rẻ tiền. Bộ đồ phi hành gia và nón bay hình trứng gà giống như được mua từ tiệm bán đồ hóa trang cho con nít.
Tuy nhiên bộ đồ phi hành gia hổng có gồ ghề lởm chởm đinh ốc bù lon ống thở chằng chịt rất ngầu của NASA trước đây, nó nhẹ nhàng, có hai lớp và hội đủ điều kiện an toàn mà NASA đòi hỏi. Phòng lái Con Rồng hổng có cả triệu cái nút bấm và công tắt cổ lỗ sĩ như phi thuyền Con Thoi, mà chỉ có vài cái “rờ màn hình” (touch screen) của thế kỷ 21.
Các phi hành gia NASA rất thích phi thuyền Con Rồng. Họ cho biết khi ngồi vào phòng lái Con Thoi hơn thập niên trước đây họ có cảm tưởng như ngồi trong một chiếc máy bay cũ kỹ.
Các phi hành gia đã không di chuyển tới giàn phóng bằng những xe thùng bít bùng oai nghiêm như một bộ chỉ huy lưu động mà ngồi trên một xe nhà nhỏ xíu như mới mua từ tiệm bán xe hơi Nhật ở ngoài phố. Đó là xe Model X chạy bằng điện để bảo vệ môi trường do hãng Tesla sáng chế.
Hỏa tiễn Chim Ưng 9 rất thon nhỏ. SpaceX cho biết Chim Ưng 9 có thể xài lại cả trăm lần để tiết kiệm chớ hổng xài sang phóng một lần rồi xả rác ngoài không gian như đã làm 80 năm qua. Sau khi đưa Con Rồng vào quỹ đạo, hỏa tiễn Chim Ưng 9 sẽ rớt trở lại bầu khí quyển rồi khai hỏa các hỏa tiễn thắng giảm tốc độ rồi hạ cánh chính xác ở bãi đáp.
Mười mấy năm trước người viết đã không thích phi thuyền Con Thoi xòe cánh ngồi trên một bình nhiên liệu khổng lồ nguy hiểm như một trái bom và được hai hỏa tiễn nhỏ đẩy đi. Vì nó cồng kềnh to lớn quá sẽ tạo nhiều sức cản trong bầu khí quyển và phải dùng nhiên liệu nhiều hơn. Đã có một chiếc tan xác pháo rồi. Và một chiếc khác cháy ra tro khi bay vào khí quyển vì một miếng xốp cách nhiệt văng ra trúng cánh làm bể những miếng xốp chống nhiệt khác.
Cách thiết kế “đầu to đít teo” của Con Rồng và Chim Ưng 9 tiết giảm nhiên liệu hơn và cũng dễ thoát hiểm khi hỏa tiễn phía dưới bị trục trặc hay nổ bất tử. Tuy nhiên Con Rồng chỉ là một chiếc taxi không gian được thuê để chở hành khách chớ hổng có khả năng vận tải nặng như Con Thoi và khi Con Rồng trở về mặt đất nó phải bung dù đáp kiểu cổ điển.
Một chuyến phóng đi vào không gian của Con Rồng phí tổn khoảng 60 triệu đô la. Nếu xài lại đồ cũ thì giá sẽ hạ khoảng 30% và sẽ hạ thấp nữa nếu phóng nhiều lần hơn.
Chương trình đưa phi hành gia vào không gian do phương tiện tư nhân Hoa Kỳ cung cấp được chính quyền Donald Trump cổ võ kịch liệt. Trump là nhà kinh doanh nên muốn các dịch vụ có giá rẻ vì cạnh tranh. Nhứt là không thể để các chương trình có liên hệ đến an ninh và tự hào quốc gia bị Nga hay Tàu khống chế.
Người Mỹ sẽ nhộn nhịp tấp nập quay trở lại không gian, mặt trăng, hỏa tinh vì đó là chiến lược “cắm dùi” tranh dành ảnh hưởng vũ trụ với Nga và Trung Cộng trong những ngày tới.
Chúc hai phi hành gia NASA Robert Behnken và Doug Hurley may mắn và thành công trong chuyến đi đến trạm không gian quốc tế vào ngày thứ Bảy này.