June 27-2018
Chẳng biết tự bao giờ, tôi luôn có cảm tình với Thiếu Sinh Quân (TSQ). Nhớ lại ngày xưa, khi còn ở Pleiku, mỗi khi TSQ họp mặt, tôi thường đi theo nhà tôi đến chung vui với anh em. Dạo ấy, phụ nữ ít thích đến chỗ đông người, nên trong buổi họp mặt, đôi khi chỉ có chị Bác Sĩ Can và tôi là phụ nữ.
Nhìn thấy các anh hớn hở khi gặp lại nhau và chuyện nổ như pháo rang, tôi cũng thấy lòng rộn rã, dù chẳng biết gì mà nói. Tuy nhiên kỷ cương và tôn ti trật tự vẫn được tôn trọng tối đa. Trên ra trên, dưới ra dưới. Ở xứ suơng mù ấy, TSQ dễ có dịp để gặp gỡ, vì tại Pleiku có một trường TSQ.
Pleiku của chúng tôi thời ấy đẹp lắm, không khí mát dịu và cây cỏ hoa lá luôn làm lòng tôi xao xuyến. Nhất là tình thân ái giữa người với người. Pleiku bé nhỏ và chúng tôi đến Pleiku từ khắp chốn của quê hương. Pleiku tươi mát với những cô nữ sinh “má đỏ môi hồng”. Pleiku đầm ấm với những quán cà phê nho nhỏ, mà khách đến chơi luôn được tặng quà, đôi khi là những đóa ngọc lan thơm ngát, hay một nhánh hồng tỉ muội. Có khi ngồi với nhau dưới giàn thiên lý, mà nghe trong lòng chất ngất hương quê. Pleiku có hai bộ mặt của nó. Nét thơ mộng với Biển Hồ, đồi núi, thác nước, và bát ngát vườn trà. Trái ngược hẳn, là không khí chiến đấu với máy bay lên xuống từng giờ, với một quân y viện vĩ đại, và Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn II với đủ loại binh chủng, chỉ thiếu Hải Quân thôi. Những mối tình của những bộ quân phục và tà áo trắng nữ sinh đã làm cho Pleiku thêm nét trữ tình của nó.
Cứ tưởng giòng đời mãi êm đềm trôi như thế. Cho đến một ngày, một ngày không ai chờ đợi, ngày ấy đến và mang theo tang tóc cho quê hương, cho Pleiku bé nhỏ. Và tôi, tôi đã là chứng nhân và cũng là nạn nhân của những ngày đau thương ấy.
“Đi không ?” “Lỡ họ đến thì sao ?”. “Thôi cứ mua gạo mắm và đóng cửa ở trong nhà vậy.”. “Nhà trường ra thông cáo thày cô phải ở lại với trường.”. Hình như 69 Pháo Binh đã đi rồi đấy.”. “Trại gia binh Thiết Giáp trên dốc cầu Hộ Phú đã rục rịch ra đi.”. “Ở Quân Vận Khu đầy nhóc người đang chờ chuyến bay.”. “Làm sao bây giờ, đường giây điện thoại đã bị cắt rồi ?”. “Mình đâu còn biết tin tức ở Sàigòn nữa. “. “Đường phố hoang vắng lắm rồi.”.
Bao nhiêu tin tức đến, chúng tôi chạy ngược, chạy xuôi. Chạy đi mua lương thực, chạy đi tìm đường dễ đi. Nhà tôi lúc ấy đang ở Sài Gòn để chờ đi hoc ở Mỹ. Anh bảo không được đưa con chạy theo người ta, lỡ con chết thì sao. Như năm 1972 đó, có chuyện gì xảy ra đâu. Tôi đành quyết định ở lại, và đi mua lương thực dự trữ. Nhưng lòng tôi vẫn quay quắt, vì mọi người đang bỏ chúng tôi mà đi. Tôi ra Quân Vận Khu (QVK) để xin đi, bạn bè và em út ở đó cũng hết mình giúp đỡ, nhưng làm sao đưa hết gia đình tôi với gần 20 người trong một chuyến bay. Mà mẹ tôi lại không chịu đi trước, cụ cứ bảo “Sống cùng sống, chết cùng chết”. Lúc đang đứng chờ trước QVK, các chú em TSQ hay Biệt Động Quân, thấy tôi đều la lên. “Đi thôi chị ơi, không ở lại được đâu”. Nhưng làm sao mà đi cả nhà một lúc đây !. Cuối cùng bạn tôi, một kỹ sư Canh Nông, quyết định đưa gia đình chúng tôi đi, bằng cả 3 chiếc xe mà anh có: một chiếc Jeep dân sự, một chiếc xe tải, một chiếc xe chặt cây. Một anh bạn khác, cũng là kỹ sư, đem đến thêm một chiếc jeep dân sự nữa và cùng đi với chúng tôi.
Gia đình chúng tôi chồng chất nhau lên mấy chiếc xe ấy. Riêng cô em dâu tôi có ba cháu nhỏ, và tôi có bốn cháu dại, là được ngồi trên hai chiếc xe jeep. Còn bố mẹ và các em tôi phải ngồi trên hai xe lớn kia.
Mới đầu các cô em gái của tôi còn thi vị hóa chuyến đi này, các giỏ lan được treo lủng lẳng trên hai xe lớn. Cứ tưởng sẽ cho xe chất cây đi trước, và dọn đường cho các xe kia đi sau.
Chúng tôi ra đi khi Pleiku đã vắng bóng người, tin tức cho biết hầu hết các trại binh đều đã bỏ hoang. Lúc ấy đã vào chiều và mưa rơi tầm tã. Nhìn lại cảnh vật, nước mắt tôi tuôn trào. Ôm con trong tay mà lòng thật hoang mang.
Trên đường đi tôi gặp nhiều học trò. Các em không phải con nhà binh, nên không có phương tiện để đi. Nhìn các em lếch thếch ngược xuôi, tôi bảo bạn tôi đỗ lại, để đón các em lên. Chiếc xe jeep bé nhỏ mà chất đến 14 người, năm mẹ con tôi chỉ ngồi ở ghế trước, hai cháu nhỏ ngồi trên lòng mẹ, còn hai cháu lớn ngồi thụp trong hộc xe, dưới chân tôi.
Chưa ra xa thành phố lắm, tôi nhìn thấy một đoàn người đi thành hàng lối, trong trật tự giữa cảnh hỗn loạn, chen chúc nhau. Tôi thật sự ngạc nhiên, nhìn chăm chú, thì ra là đoàn TSQ bé nhỏ, bé đến nỗi những chiếc poncho lòe xòe dưới mặt đất. Tôi hỏi, “Các em đi với ai ?”. “Dạ, không có ai hết. Chúng cháu đi với nhau thôi.”
Tôi muốn gào lên giữa cơn mưa lũ ấy, “Trời ơi, sao lại đem con bỏ chợ vậy ?”. Tội cho các em biết bao nhiêu, có em chỉ độ 8 tuổi, lớn nhất có lẽ 15 tuổi thôi. Cha mẹ thì ở tận đâu đâu, lên đến xứ này, lại bị bỏ rơi giữa lửa đạn. Các em đi tay không, không có gì để mang theo cả. Các em đi trong trật tự. Các em lầm lủi đi giữa cơn mưa tầm tã. Các em đi mà không biết sẽ đến đâu. Các em đi mà không biết sẽ ăn bằng gì. Các em đi mà không biết có ai chờ đợi. Các em đi mà không biết có ai che chở mình không. Các em đi không với một phương tiện nào, ngoài đôi chân bé nhỏ. Các em chỉ còn biết đoàn kết với nhau, dẫn dắt nhau mà đi. Dù chung quanh hỗn loạn như thế, các em vẫn hai hàng thẳng tắp. Trời đã tối lắm rồi, tôi không còn thấy rõ mặt các em. Các em lúc ấy chỉ bằng các con của tôi thôi, tôi nghe lòng quặn thắt. “Trời ơi !”
“Làm sao, làm sao đây ?”. Tôi hỏi bạn tôi, bạn tôi cũng nghẹn ngào không trả lời được. Chiếc xe đã quá tải, mấy xe kia cũng đã nhận thêm người. Mà dù có đưa một vài em lên, chắc các em cũng không muốn rời nhau. Các em đã kết hợp thành một khối đông nhất, sống chết có nhau. “Trời ơi, sao đã dạy các em có tinh thần tốt đẹp ấy, lại không làm tấm gương tốt để các em noi theo ?”. Bao giờ, đến bao giờ, trong cuộc đời các em, nếu may mắn có em nào còn sống sót, đến bao giờ các em quên được giây phút ấy, giữa cơn mưa tầm tã ấy, giữa bom đạn đang rền nổ khắp nơi của chiều hôm ấy. Nỗi chua chát sẽ thâm man đời các em sau này, khi thấy mình bị bỏ rơi trong cái bất lực, bất lực của tuổi thơ, bất lực giữa điêu linh của đất nước.
Đoàn xe chạy sau chúng tôi bóp còi giục giã, tôi không thể nán thêm để thăm hỏi gì nữa. Chúng tôi đã trôi theo giòng người chạy loạn. Tâm hồn tôi cũng trôi theo các em. Các em sẽ sống chết thế nào ?. Các em sẽ ra sao ? Làm sao để tìm gặp lại mẹ cha? Bao nhiêu khổ ải sẽ đến với các em? Các em còn giữ hàng lối đến bao giờ? Tôi cứ nghĩ, lần này về Sàigòn, tôi sẽ viết báo, để nói lên cái côi-cút của đoàn TSQ bé nhỏ giữa cảnh loạn ly và giữa tiếng bom reo khắp nơi hôm ấy.
Nhưng chuyến đi năm ấy lại là chuyến đi định mệnh, đã cướp mất của tôi người mẹ thân yêu. Mẹ tôi mất đi, vì máu thịt của đoàn người trên chiếc xe bên cạnh bị trúng bom. Những mảnh thịt văng đi khắp nơi, và đã văng vào đoàn xe của chúng tôi. Mẹ tôi chết khiếp vì quá hoảng sợ.
Chúng tôi bỏ lại đoàn xe bên bờ sông Pa. Bì bõm đi ven giòng sông, ngập máu. Đêm ấy, ngủ trong lều, tôi nghe tiếng thất thanh réo gọi, “Con ơi, con ơi, con ở đâu ?” Mẹ ơi, mẹ ơi !” Lan ơi, Lan ơi !”. Và tôi cũng đã gặp một cháu gái nhỏ, đi lạc giữa đêm đen. Chúng tôi đã đón cháu vào đoàn để cháu có nơi nương tựa giữa rừng hoang lạnh và đầy lửa đạn.
Cứ thế, chúng tôi vừa mất mẹ, vừa mất quê hương. Tôi mất dần cảm giác, đến liệt nửa người giữa rừng già. Cha tôi khóc thảm. Vừa đặt mẹ tôi xuống nghĩa trang của người Thượng, chưa kịp đắp đất, các em trai tôi đã bị bắt đi. Tâm hồn tôi tan nát. Hai cháu gái của tôi bị đi kiết, không thuôc men, chỉ còn da bọc xương.
Đêm đến chúng tôi ngủ trong rừng, nước lũ chảy qua đầu, qua người mà không hay biết. Mọi người đã kiệt sức, kiệt hết mọi niềm tin. Tôi ngồi hát ru con, tôi ru con bằng những bài ru con của người Bắc. Tiếng ru của tôi đã thức tỉnh lòng người. Cũng nhờ tiếng mẹ ru con, chúng tôi đã được chút gạo để ăn, và các con tôi được thoát chết sau gần một tháng chỉ ăn lá cây rừng!. Trong mỗi chúng ta, lương tri vẫn còn đó. Chỉ cần đánh thức nó, đừng để nó ngủ quên thôi. Các Cụ đã dạy, “Nhân chi sơ, bản tính thiện” mà.
Sức mạnh của người mẹ đã giúp tôi dần dần khôi phục được bệnh tật. Tôi đã không còn bị liệt nữa. Thế là chúng tôi lại tìm đường về Sàigòn. Trên đoạn đường từ Phú Bổn về Tuy Hòa, ngồi trên đoàn xe chở gạo, tôi đếm xác người. Xác người lính ngồi ngay ngắn, súng trong tay. Xác người mẹ ôm con. Xác người nằm vật vã khắp nơi. Họ chết vì nắng, vì khát, vì đói. Nước mắt ràn rụa, tôi đếm đến hàng trăm, hàng trăm. Trên đường đi, tôi gặp hai mẹ con người ấy, vẫy đoàn xe. Nhưng đoàn xe cứ đi. Nhìn lại, cháu gái với hai chân chỉ còn là hai ống tre. Tôi thật sự kinh hãi chiến tranh. Phi lý quá, tương tàn quá !.
Đi đến đâu, cũng thấy cờ xanh đỏ, chẳng thấy cờ ba miền đâu cả. Chẳng còn ai, chẳng còn bè bạn, lại đi thôi! Bằng xe hơi, bằng thuyền, chúng tôi đã tìm đường về. Đến Phan Thiết thì thấy cờ của mình, chúng tôi reo lên. Mọi người như muốn nhảy nhót vì quá vui mừng, làm con thuyền chòng chành. Còn một chút gì để hy vọng.
Thế rồi, 13 ngày trước khi mất tất cả, thuyền của chúng tôi đã cặp bến Vũng Tàu. Chúng tôi lên bờ, chúng tôi đã tìm được đất sống. Nhưng chúng tôi đã bỏ lại sau lưng người mẹ hiền giữa rừng già. Chúng tôi đã bỏ lại đoàn TSQ bé nhỏ, ngơ ngác giữa tiếng đạn reo và giữa đêm đen.
Trong cảnh hỗn loạn của những ngày cuối tháng 4 năm ấy với bao nỗi đau đớn mất mát, tôi không còn tâm trí để viết báo, để nói lên nỗi bất bình của mình. Dù mãi mãi tôi không quên, không bao giờ quên được, đoàn TSQ bé nhỏ lầm lủi đi trong trật tự, trong mưa lũ, trong tiếng bom đạn mà vẫn một lòng sống chết có nhau…
Vũ Thị Bích, CGS Toán Trường TH Pleiku.