VIỆT NAM SẼ ĐI VAY VÌ THÂM THỦNG NGÂN SÁCH DO BỊ TÁC ĐỘNG BỞI DỊCH VIRUS VŨ HÁN !

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Vay tiền vì ngân sách sẽ thâm thủng nhiều bởi dịch “virus Vũ Hán”

Một phụ nữ nhận thức ăn quyên góp cho người nghèo trong đợt dịch COVID-19 tại Hà Nội, ngày 7 tháng 4 năm 2020.

Bộ Tài chính vào ngày 10 tháng 4 cho cho hay do sự bùng phát của coronavirus, Việt Nam có kế hoạch vay 1 tỷ USD từ các định chế tài chính nước ngoài như Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, hay Ngân hàng phát triển Châu Á trong năm nay.
Theo Bộ Tài Chính, thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ chiếm từ 5-5.1% tổng sản phẩm nội địa do tác động của dịch “virus Vũ Hán”.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu thành viên ban cố vấn kinh tế cao cấp của Phan Văn Khải và cũng là nguyên chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, khoản vay mà Bộ Kinh tế đề cập là việc cần thiết trong tình trạng hiện nay. Bà lập luận:

“Nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn do bệnh dịch là điều chắc chắn và nếu càng kéo dài thì khó khăn sẽ càng nhiều hơn. Ngân sách năm nay không thể nào bằng năm trước, hụt thu là điều thấy rõ nhưng hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn là điều chính phủ không thể không làm. Tôi nghĩ một mặt hỗ trợ những người gặp khó khăn, mặt khác đi vay là điều hợp lý trong bối cảnh tài chính Việt Nam hiện nay. Nếu hỗ trợ được cho các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình để họ có thể sớm hồi phục được sau dịch cúm thì may chăng nền kinh tế có thể đỡ khó khăn hơn. Nếu không hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không phục hồi thì nền kinh tế, tài chính càng khó khăn hơn.”

Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Luật sư Đặng Hùng Dũng, chuyên về các vụ án luật lao động và từng công tác tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng người lao động phục hồi thì kinh tế mới phục hồi. Vì vậy, ông khẳng định:

“Những gói cứu trợ đó nói tiến hành đến tháng 6 và nếu đã ban hành như thế thì vẫn phải hỗ trợ người dân đến tháng 6. Bởi vì sau khi hết dịch không có nghĩa người ta có công ăn việc làm ngay được mà phải có giai đoạn sắp xếp, thu xếp trở lại, giai đoạn đó người yếu thế không thể có lại ngay công việc như thời trước dịch.”

Bộ Kế hoạch – Đầu tư vào ngày 8/4 có đưa ra báo cáo cho hay trong trường hợp nếu dịch bệnh “virus Vũ Hán” bùng phát mạnh hơn sẽ có khoảng 3,5 triệu người mất việc. Ước tính 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, hoặc ngừng việc và 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc; khoảng 19% công ty đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô.

Hỗ trợ trong tháng 4

Cũng trong ngày 10 tháng 4, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, và địa phương, Nhà nước Việt Nam ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch “virus Vũ Hán” ngay trong tháng 4. Gói hỗ trợ này được nói trị giá hơn 62,000 tỉ đồng và được hướng tới 20 triệu người.

Theo đó, khoản hỗ trợ sẽ bắt đầu tính từ đầu tháng 4 và kéo dài trong 3 tháng, tức đến tháng 6/2020.

Mức độ trợ cấp sẽ tùy theo nhóm đối tượng mà sẽ được lãnh từ 250 ngàn đồng, 500 ngàn đồng, 1 triệu đồng hoặc 1.8 triệu đồng cho mỗi tháng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tạm dừng thu quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch “virus Vũ Hán” dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch.

Hình minh hoạ. Một nhân viên y tế đo thân nhiệt cho một người dân ở điểm kiểm soát tại Hà Nội hôm 6/4/2020

Hình minh hoạ: Một nhân viên y tế đo thân nhiệt cho một người dân ở điểm kiểm soát tại Hà Nội hôm 6/4/2020 Reuters

Phát biểu tại buổi hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng những người lao động tự do cần được quan tâm nhưng lại là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy.

Cụ thể, nhóm đối tượng này được xác định gồm người bán hàng rong, quà vặt; thu gom rác; bốc vác, xe đẩy, xe ôm, xe xích lô; bán xổ số; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, chăm sóc sức khỏe…

Vì thế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất việc hỗ trợ người lao động tự do sẽ chủ yếu do chính quyền nơi thường trú thực hiện hoặc có thể nhận ở nơi cư trú.

Trao đổi với RFA vào tối ngày 10/4 về nghị quyết vừa ban hành, chị Thanh, bị tật nhưng vẫn đi bán vé số hàng ngày kiếm tiền nuôi con bày tỏ thất vọng:

“Bây giờ chỉ cần buôn bán lại bình thường, chuyện chính phủ chị không quan tâm vì muốn buôn bán lo cho con học hành. Chính phủ làm gì thì làm, biết bao nhiêu người ngoài kia còn không có tiền để ăn, trong khi nói trợ cấp cho những người buôn báo dạo, bán vé số mà có thấy chính phủ lo gì đâu, chẳng thấy gì hết. Toàn bạn bè giúp đỡ, còn chính phủ ủng hộ thì thành phố này em chưa thấy.”

Còn theo cô Dân, mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, hiện đang mắc bệnh ung thư, sống một mình ở Sài Gòn lại có phần nào hy vọng:

“Cũng nghe chính phủ hỗ trợ cho những người khó khăn, hoàn cảnh cô cũng khó khăn. Mỗi sáng cô đi lượm ve chai một buổi rồi đi vòng vòng coi ai cho gạo hay đồ ăn thì cô đem về. Giờ cô cũng bệnh, không làm gì được, nếu (chính phủ) giúp gì được thì giúp chứ giờ cô cũng già, không biết được gì nên không nói gì được hết.”

Với cách nhìn bao quát hơn, Luật sư Đặng Hùng Dũng nhận định:

“Có master plan phụ giúp những người yếu thế, thu nhập thấp là điều tốt, nhưng cách thực thi thế nào? Người ta nhận được thế nào, cách ban phát, ký đơn từ thế nào và bằng cách nào giám sát có thực hiện đúng hay không? Bởi vì những luật lệ Việt Nam ban hành về mặt lý thuyết, giấy tờ, văn bản rất hay nhưng để cán bộ thực thi là vấn đề rất nghiêm trọng. Việc lợi dụng hoặc sử dụng theo một hướng nào thì phải nói gần như là hình thức xin-cho mà người dân không thể nào biết được. Nên cần có một bộ phận giám sát về vấn đề này.”

Điều Luật sư Đặng Hùng Dũng lo ngại cũng là vấn đề mà Chính phủ đang tập trung giải quyết.

Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị niêm yết công khai danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng, quy định rõ người đứng đầu chính quyền cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện trong thực hiện trên cơ sở bảo đảm minh bạch.

Đồng thời sẽ thành lập ban giám sát từ trung ương đến địa phương, do lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp làm trưởng ban.

Việt Nam đang đứng trước khó khăn làm sao có đủ ngân sách để lo cho những đối tượng bị tác động nặng nề bởi dịch “virus Vũ Hán”. Còn đối với nhiều người dân thì mối quan tâm lớn nhất là làm sao số tiền được phân bổ đến đúng đối tượng đang cần hỗ trợ.

Theo RFA