Kính thưa Ban Tổ chức
Kính thưa các bác, các anh chị
Lời đầu tiên tôi xin kính chào toàn thể quí vị nơi đây và quí khán giả đang xem chương trình này trên các đài truyền hình. Xin cám ơn Ban Tổ chức đã có nhã ý mời tôi tham dự Lễ Giỗ Đầu của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (NCT) và tạo cơ hội cho tôi chia sẻ cùng quí vị cơ duyên nào, duyên cớ nào đã thúc đẩy tôi dịch thơ NCT ra Đức ngữ để giới thiệu với quần chúng Đức và vợ chồng tôi đã có liên hệ nào, kỷ niệm nào với nhà thơ.
Tôi đã yêu thơ NCT khi còn chưa biết ông là tác giả của những bài thơ tôi yêu thích. Năm 1987 tôi tình cờ thấy tại nhà một người bạn ”Bản Chúc Thư của một người Việt Nam“ do Vivo tái bản và phát hành tại Hoa Kỳ năm 1981. Điều làm tôi ngạc nhiên là trên trang bìa không đề tên tác giả. Nhưng vốn yêu thơ và bị kích thích bởi tiêu đề hơi lạ ”Bản Chúc Thư của một người Việt Nam“ nên tôi mượn bạn mang về nhà đọc ngay. Mở đầu tác phẩm là bài trường thi ”Đồng lầy“. Tôi đã đọc một hơi hết bài thơ dài gần 500 câu này và tôi đã bị chấn động mãnh liệt bởi nội dung bi hùng và phẩm chất thi ca. Và tôi đã hứng thú đọc hết tác phẩm. Dầu chưa biết tác giả là ai, tôi vẫn hân hoan vì một sự tình cờ đã dun dủi tôi tự khám phá cho mình một thiên tài vừa là anh hùng chống cộng và là thi nhân tuyệt vời.
Anh hùng chống cộng
Điều đầu tiên gây hứng thú cho tôi là nội dung chống cộng của tập thơ. Càng đọc tôi càng có cảm tưởng đã may mắn gặp một chứng nhân vẽ lên được một cách tường tận, đầy đủ hơn ai hết bức tranh toàn cảnh về tính chất bạo tàn của chế độ mà chính tôi đã chứng kiến và trải nghiệm phần nào trong thời niên thiếu lúc còn sống ở quê tôi Hà Tĩnh là nơi chính quyền cộng sản thống trị từ năm 1945. Tôi đã từng là nạn nhân của sự khủng bố tinh thần, bị ép buộc phải học thuộc lòng để lặp lại như vẹt những luận điệu tuyên truyền, đã sống những tháng ngày nghẹt thở đắm chìm trong sợ hãi âu lo, đã khiếp hãi trước uy quyền của Đảng và của các đảng viên càng ngu dốt càng hống hách luôn sẵn sàng ghép những ai có chút đầu óc vào thành phần phản động. Tôi đã đau lòng trước cảnh bà con bạn bè rình rập theo dõi tố cáo lẫn nhau. Và tôi sẽ không bao giờ quên những màn đấu tố cải cách ruộng đất rung rợn, những phiên tòa xét xử địa chủ mà con sen, thằng ở là chánh án, con cái là nhân chứng tố cáo cha mẹ và bản án tử hình đã được định sẵn, huyệt đã được đào sẵn bên cạnh đấu trường trước khi bắt đầu phiên xử.
Cuộc sống thường nhật trong lao tù đã được NCT ghi lại bằng những hoạt cảnh vừa linh động vừa thương tâm, nói lên sự thật đau lòng là chế độ lao tù tàn bạo bất nhân không những đày ải con người vào kiếp ngựa trâu mà còn làm con người mất hết cả nhân tính. Làm què quặt tâm hồn độc hại gấp trăm lần hành hạ thể xác.
Ngoài những nhà tù chính hiệu, NCT còn phác họa cái nhà tù khổng lồ bao trùm trọn miền Bắc Việt Nam (và như ta biết sau 1975 miền Nam cũng đã trở thành nhà tù bao la rập theo khuôn mẫu miền Bắc). Như người thợ nhiếp ảnh tài tình, NCT đã thu trọn vào ống kính bức tranh ảm đạm của một xã hội nghẹt thở đắm chìm trong thấp thỏm lo sợ. Chính sách bỏ tù cả dân tộc đã được áp dụng một cách triệt để trong hai lãnh vực : Tận diệt quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và dùng miếng ăn để nô lệ hóa. Mục tiêu của chính quyền Cộng sản vừa nhằm vô hiệu hóa đối lập, tiêu diệt mọi mầm mống chống đối từ lúc chưa phôi thai, vừa để bưng bít tội ác trước dư luận, khoác lên nền chuyên chế một lớp áo tuyên truyền lừa bịp, đeo cho hỏa ngục chiếc mặt nạ khả ái của thiên đường.
Thi nhân tuyệt vời
Nội dung chống cộng của NCT mà tôi tâm đắc mới chỉ là một khía cạnh. Điều làm tôi thích thú hơn và thán phục tột đỉnh là phẩm chất thi ca và tính chất độc đáo của hình thức diễn đạt mà tôi không, tôi chưa tìm thấy trên văn thơ đấu tranh của một tác giả nào khác (xin qúi vị thứ lỗi cho lời khẳng định rất chủ quan này).
Thật vậy, đặc sắc của NCT không chỉ nằm trong đia hạt tố giác tội ác của cộng sản. NCT còn làm cho tôi bái phục hơn vì tài nghệ siêu cường trong địa hạt thi ca. Với tài nghệ đó ông đã cống hiến cho ta một tác phẩm mà văn học sử nước nhà sẽ mãi mãi lưu danh. Và trên trận tuyến chống bạo quyền, thi phẩm tuyệt vời của ông đã trở thành một hệ thống vũ khí vô cùng sắc bén. Thơ NCT không phải là một tác phẩm đấu tranh có tác dụng nhất thời mà mãi mãi sẽ là tiếng nói của con người muôn thuở.
Hủy diệt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, là đặc điểm của tất cả mọi thứ độc tài kim cổ và xưa nay đã có vô số người tố cáo. Nhưng bút pháp thần tình của NCT làm cho độc giả có cảm giác như sờ mó được cái độc hại, cái nguy hiểm của quái vật độc tài mà nanh vuốt là thủ đoạn “bỏ tù tiếng nói” và dùng miếng ăn như một thứ xích xiềng để nô lệ hóa.
Thoát thai từ một thực tế phũ phàng cay đắng, toàn bộ thơ NCT đã lấy thực tế đó làm đề tài duy nhất, nhưng lời diễn tả thì thiên hình vạn trạng nhờ vào bút pháp phong phú linh động, chuyển biến theo từng cảnh ngộ trong cuộc sống và theo từng nhịp đập của con tim. Thơ NCT khi tả người và sự việc thì vẽ nên những bức tranh đậm nét chấn động não cân người đọc, khi than van thì khơi dậy niềm thương cảm xót xa vô hạn, khi buộc tội lên án thì tạo được niềm căm phẫn sục sôi, khi cổ võ kêu gọi thì lời văn hùng hồn có một sức thu hút mãnh liệt. Toàn bộ tập thơ tạo thành một bản đại hòa tấu bi hùng tràn đầy máu lệ mà cũng hừng hực chí khí quật cường.
NCT đã có công tạo những danh từ, những hình ảnh đễ phơi bày bằng nét bút sắc và đậm bộ mặt đa dạng của bạo lực. Ngôn ngữ của NCT đã có tác dụng của những quang tuyến diệu kỳ, của những “chiếu yêu kính” khiến cho hồ ly phải hiện nguyên hình và những ngụy trang lừa bịp không còn hiệu nghiệm. NCT vừa tố cáo tội ác trước công luận một cách hùng hồn vừa làm phong phú kho tàng ngôn ngữ chúng ta.
Lối diễn tả thần diệu của ông khi nói về tội trạng của chế độ, khi vẽ lên cảnh tù đày, đói khổ, bệnh hoạn hoặc niềm khao khát vô vọng của những kẻ “không còn gan nghĩ tới tương lai” đã là một minh chứng cho câu nói bất hủ của thi hào Musset: “Lời ca tuyệt vọng nhất cũng là lời ca tuyệt vời nhất” (Les plus désespérés sont les chants les plus beaux ).
Đáp ứng lời kêu gọi của NCT
Tinh thần chống cộng và tuyệt bút thi ca của NCT là hai điều làm tôi say mê nhưng vẫn chưa phải là động cơ chính thôi thúc tôi dịch thơ NCT để giới thiệu với quần chúng Đức. Động cơ chính là tôi muốn đáp ứng một lời kêu gọi, một thông điệp mà NCT đã gửi đến tất cả những người được may mắn đọc ông, đó là: phổ biển thơ ông thật rộng rãi để thế giới bên ngoài biết thêm sự thật về Cộng Sản Việt Nam. Khi trao tác phẩm của ông cho nhà ngoại giao Anh quốc tại Hà Nội, NCT đã kèm thêm bức thư ngắn trong đó có câu: „Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, chúng tôi – những nạn nhân – có nhiệm vụ phơi bày cho thế giới thấy những khổ nhục không ai tưởng tượng nổi của dân tộc“. Đọc lời tâm huyết này tôi đã nghe vang lên trong tâm tư lời mời gọi nhận lãnh sứ mạng thay ông gánh vác phần nào nhiệm vụ phơi bày cho thế giới thấy những khổ nhục không ai tưởng tượng nổi của dân tộc. Rồi khi đọc đến câu cũng trong thư ấy: „Cuộc đời tàn tạ của tôi chỉ còn lại một niềm ước mơ duy nhất là được thấy thật nhiều người nhận thức rằng Cộng Sản là hiểm họa của nhân loại“ tôi lại muốn góp phần giúp NCT đạt được phần nào ước mơ „duy nhất“ đó.
Qua mấy chục năm giam hãm tù đày, khi mọi liên lạc với bên ngoài hoàn toàn bị gián đoạn, NCT vẫn hằng ấp ủ trong lòng hoài bão nối được nhịp cầu với đồng hương bên kia song sắt nhà tù và với tất cả những người yêu chuộng tự do khắp năm châu bốn bể, để những sự thật ông phơi bày, những tâm sự ông thố lộ và những lời kêu than thống thiết mà ông phải “dùng tuổi thọ” để viết ra vượt mọi ngăn cách không gian, vượt mọi hàng rào ngôn ngữ đến với độc giả càng nhiều càng tốt. NCT chỉ mong thơ ông được
“tự do như gió/ bay khắp địa cầu kêu cứu nhân gian/ trừ Cộng Sản“.
Phổ biến thơ NCT là một nhiệm vụ thiêng liêng và dịch thơ NCT là để khiêm tốn góp phần vào việc thực hiện hoài bão soi sáng dư luận quốc tế mà ông hằng ôm ấp. Việc này càng trở nên cần thiết đối với tôi vì thời gian sau khi thơ NCT phổ biến tại hải ngoại tôi đọc được môt số hồi ký của nhiều nạn nhân của chế độ sau khi rời khỏi nước đã tố cáo chính sách bạo tàn của chế độ khiến tôi lại càng bị thôi thúc phổ biến “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ vì thơ NCT chứa đựng một bức tranh toàn cảnh, một bản cáo trạng hùng hồn đanh thép nhất và một hệ thống vũ khí ngôn ngữ sắc bén nhất từ trước đến nay về thảm họa cộng sản Việt Nam.
Dịch đã tốn nhiều thời gian và công sức, xuất bản lại càng khó khăn hơn. Có thể tự xuất bản và tự phát hành nhưng sách sẽ không được phổ biến rộng rãi, nghĩa là chỉ đến tay một số rất ít độc giả. Vì thế chúng tôi quyết định phải tìm cho được một nhà xuất bản Đức để có một hệ thống phát hành đi sâu vào thị trường sách tại Đức. Nhưng hỏi đến chỗ nào cũng chỉ nhận được trả lời: việc chọn tác phẩm để xuất bản thường không căn cứ vào tác phẩm hay hoặc dở mà chỉ căn cứ vào tên tuổi của các tác giả. Còn NCT là một tác giả ngoại quốc chưa ai biết đến tại Đức, xuất bản tác phẩm của ông dầu hay đến mấy cũng là một bấp bênh, một rủi ro thương mại . Sau một thời gian vất vả tìm kiếm tôi đã tìm được nhà xuất bản R. G. Fischer nhận xuất bản với điều kiện tôi phải trả 9.000 DM lệ phí. Một số tiền khá lớn đối với chúng tôi lúc đó, lại còn thêm điều lệ rất khắt khe về tiền trả cho dịch giả từ số sách bán được. Nhưng chúng tôi vẫn bấm bụng chấp nhận. Kết quả là sách đã được phổ biến rộng rãi và đã được báo chí và truyền thông chú ý.
Sự đón nhận dịch phẩm “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ tại Đức và Áo
Bây giờ tôi xin được phép kể lại cùng quí vị sự đón nhận dịch phẩm “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ tại Đức và tại Áo vì Áo cũng là vùng nói tiếng Đức. Xuất bản song ngữ lần đầu mùa hè 1989 500 cuốn, 100 cuốn dành tặng truyền thông báo chí và giới thiệu với các tiệm sách. Một số độc giả người Đức trực tiếp mua, một số đồng hương mua để tặng bàn bè Đức. Sau hai năm rưỡi sách bán hết và tái bản năm 1992.
Sau ngày xuất hiện trên thị trường, sách được một số báo chí đưa vào mục điểm sách. Thỉnh thoảng vài bài thơ được chọn đăng vào một số tuyển tập thi ca Đức ngữ, gần đây nhất là năm 2011, nghĩa là hơn hai mươi năm sau ngày xuất bản.
Một trong các bài điểm sách đáng kể là bài bình luận của nhà văn Hans Christoph Buch ở Berlin, đăng ngày 1 tháng 9 trên tuần báo Die Zeit (Được biết cựu thủ tướng Đức Helmuth Schmitt từng là đồng chủ nhiệm của tuần báo này). Hans Christoph Buch đã giới thiệu tường tận tiểu sử NCT với mấy chục năm tù đày và quả quyết rằng cuộc đời đầy đau thương của NCT là biều tượng cho con đường khổ nhục mà dân tộc ông đang phải trải qua. Hans Christoph Buch chọn đăng ba bài thơ của NCT trong bài bình luận của ông, đặc biệt là bài “Con tầu rêu“ mà ông cho là có âm hưởng bài thơ tuyệt tác “Le Bateau Ivre“ của Rimbaud và gợi lại cảnh nổi trôi trên biển cả của các thuyền nhân Việt Nam. Kết thúc bài bình luận ông viết: “Các sinh viên Trung quốc đã đặt tượng đài Tự Do tại quảng trường Thiên An Môn. Tượng đài ấy không thể bị nghiền nát bởi xe tăng và sẽ không mãi mãi bị cùm kẹp trong chốn lao tù. Thi ca NCT là bằng chứng sống cho chân lý đó”. Để chúng ta đánh giá đúng mức lời nhận định này nên biết rằng Hans Christoph Buch thuộc thế hệ 1968 tại Đức đã nhiều lần hăm hở xuống đường hò hét chống Mỹ và không ngớt gào thét điệp khúc “Ho Ho Ho Tchi Minh, Ho Ho Ho Tchi Minh” . Một nhà văn có quá khứ lầm lạc như vậy mà nay viết lên được nhận định sáng suốt kia chứng tỏ mình đã tỉnh ngộ và xoay chuyển lập trường chính trị 180 độ.
Một nhà văn khác đã viết bài bình luận rất đặc sác về thơ NCT, đó là Erich Wolfgang Skwara, người gốc Áo và hiện đang là giáo sư văn chương Đức tại đại học San Diego. Tôi gặp văn sĩ Skwara trong kỳ Đại Hội Văn Bút Quốc Tế năm 1990 tại Madeira, Bồ Đào Nha. Hình như ông đã đọc đâu đó một vài bài điểm sách “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ nên trong khi trò chuyện ông đã hỏi tôi cặn kẽ về dịch phẩm. Và tôi đã tặng ông một cuốn theo phép xã giao giữa bạn văn với nhau. Phản ứng của ông ngoài sức tưởng tượng. Ống đã viết một bài dài ca ngợi thi ca NCT mà ông gọi là “đại thi hào“ và đồng ý cho tôi in bài này vào dịch phẩm lúc tái bản. Đúng ra phải đọc hết bài của Skwara để quí vị thưởng thức nhưng thời giờ eo hẹp tôi chỉ xin trích dẫn vài câu tiêu biểu. Skwara viết:
… Tôi đã đến Madeira để gặp nhà thơ NCT, một đại thi hào Việt Nam… Gặp, có nghĩa là tôi đã được biết ông qua một trong những sứ giả của ông, ông Bùi Hạnh Nghi, người đã dịch thơ ông ra Đức ngữ. Bùi Hạnh Nghi đã đến Madeira và đã tặng tôi tập thơ “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ sắp được tái bản.
… Sau khi đón nhận tập thơ tôi đã ở miết trong phòng đọc một hơi từ đầu chí cuối …Và càng đọc tôi càng nhận rõ rằng tôi đã được biết thêm một nhà thơ mà tôi đặt ngang hàng với các thần tượng thi ca của tôi như Rimbaud và Trakl, như Benn và Hoelderlin, nghĩa là với những nhà thơ tuyệt vời nhất của chúng ta, của tôi, của mọi người.
… Lâu nay, mỗi lần nói đến Việt Nam là chúng ta liên tưởng ngay đến Mỹ hoặc Pháp. Từ nay hai chữ Việt Nam chỉ còn nhắc tôi nhớ đến một nền văn chương sán lạn và nhớ đến nhà thơ NCT. Không gì tốt đẹp bằng được dịp tìm hiểu một dân tộc qua một thi hào của dân tộc này. Chuyến đi Madeira của tôi đã trở thành một chuyến du lịch Việt Nam.
… Từ ngày “gặp“ NCT tôi đã nhiều lần giở tập thơ ra đọc lại. Những dòng thơ đầy tình thương trong thơ NCT đã mang lại cho tôi nhiều thú vị. Tình thương trong thơ NCT đã chọc thủng tường thành tù ngục và đã vượt mọi chướng ngại của đồng lầy để đến với chúng ta ở Đức, ở Cali, ở Madeira hay bất cứ nơi nào khác.
… Sau khi đọc NCT, tất nhiên người ta sẽ lên án chủ nghĩa cộng sản và chính sách ngu xuẩn bạo ngược của chúng một cách gắt gao hơn … Chúng là biểu tượng cho những sự trật đường rầy của lịch sử và trí tuệ. Nhưng những lầm lạc ấy làm sao thắng được một đại thi hào, bất quá chúng chỉ có thể bắt nhà thơ chịu giam cầm đầy đọa mà thôi.
Văn Bút Đức và NCT
Trong một kỳ Đại hội Văn Bút Quốc Tế tôi đã tặng nhà văn Heidenreich lúc đó là chủ tịch Văn Bút Đức dịch phẩm “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“. Ngay ngày hôm sau ông tìm gặp tôi để cho biết cảm tưởng tốt đẹp về cuốn sách và bày tỏ tình liên đới với người đồng nghiệp NCT bị đày đọa, đồng thời ông mời tôi gia nhập Văn Bút Đức. Từ đó ông luôn hỏi thăm tin tức NCT và tìm hiểu thêm về sự nghiệp vẻ vang của nhà thơ (nhất là các giải thưởng quốc tế) cho đến một ngày ông cho biết Văn Bút Đức muốn nhận NCT làm hội viện danh dự và nhờ tôi thông báo cho nhà thơ. Thông thường Trung Tâm Văn Bút của các nước không tự động nhận hội viên danh dự mà phải do sự giới thiệu và yêu cầu của hội viên. Trường hợp NCT là một luật trừ vinh dự. Sau ngày NCT ra khỏi tù và xuất ngoại Văn Bút Đức đã nhờ tôi chuyển lời mời ông đến tham dự đại hội thường niên tại Heidelberg. Bên cạnh những cuộc tiếp xúc và phỏng vấn riêng, Văn Bút Đức đã tổ chức hai buổi sinh hoạt đặc biệt để đón tiếp xứng đáng hội viên danh dự của mình ngày càng được nổi danh tại Đức và trên trường quốc tế: Một là buổi phát biểu của NCT trước khoáng đại hội nghị với sự hiện diện của mấy trăm văn sĩ Đức và của truyền thông và hai là buổi đọc thơ vào buổi tối bên lề các cuộc hội chính thức. Thường chỉ đọc thơ văn tiếng Đức trong giờ sinh hoạt này nhưng hôm ấy ban tổ chức đã ưu ái mời NCT đọc thơ mình bằng tiếng Việt và tôi đọc lên bản dịch tiếng Đức khiến khán thính giả vừa người Đức vừa người Việt rất hoan nghênh. Ngay sau kỳ đại hội này NCT đã được đài phát thanh Cologne phỏng vấn và phát thanh bài phỏng vấn này.
Vài sự việc đáng nhớ
Còn nhiều điều đáng kể về sự đón nhận thơ NCT tại Đức và Áo, nhưng thời giờ không cho phép nên tôi chỉ xin tóm tắt mấy sự việc sau đây:
* Hàng năm Bộ Giáo dục tiểu bang Bayern (Bavaria) xuất bản một thư mục “Sách hay cho học đường“ gồm các sách xuất bản trong năm qua mà Hội Đồng Tuyển Chọn của Bộ (gồm 30 giáo sư) cho là đáng đưa vào thư viện các trường trung học tại Bayern. Năm 1990 “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ được đưa vào thư mục với lời giới thiệu: Tác giả NCT sinh năm 1939. Ông bị chính quyền Cộng Sản Bắc Việt bỏ tù năm 25 tuổi và cho đến nay cuộc đời tù tội đã kéo dài trên 25 năm. Những bài thơ ông sáng tác trong tù được ông lưu giữ trong ký ức và đã được viết ra những thời gian ngắn ông được tạm tha.
* Năm 1995 một nhạc sĩ người Áo, ông Günter Mattisch, đã làm 1 Album gồm 2 CD, 1 trong hai CD này dành riêng cho 14 bài thơ Đức ngữ của NCT do chính ông phổ nhạc và đã cho lưu hành trên thị trường âm nhạc Áo. Trên bìa của CD này có ghi đầy đủ tiêu đề của cả 14 bài thơ. Khi ông xin phép phổ nhạc thơ NCT tôi vô cùng ngạc nhiên và vui mừng đồng ý ngay. Sau khi phát hành ông có gửi tặng tôi 1 Album và từ đó đến nay tôi không còn nhận được tin tức gì của ông nên cũng không biết quần chúng âm nhạc Áo đã đón nhận CD này ra sao.
* Hằng năm Hiệp Hội các nhà Xuất Bản Đức và Văn Bút Đức tổ chức “Ngày Văn Nghệ Sĩ bị cầm tù“ tại Frankfurt với sự yểm trợ của Bộ Giáo Dục Tiểu Bang Hessen. Trọng tâm của ngày này là buổi sinh hoạt dành cho một số nhà văn đã từng bị khủng bố hoặc tù đày được mời tới giới thiệu và trình đọc tác phẩm của mình. Có lần tôi cũng đã được mời tới nói chuyện về NCT và trình đọc thơ ông. Đài truyền hình của tiểu bang Hessen đã làm một thiên phóng sự về buổi đọc thơ này và đã phát hình ngay hôm đó.
* Tại Đại Hội Văn Bút Quốc tế năm 1991 ở Vienna, trong một buổi hội thảo thơ văn mệnh danh là “Hội ngộ, trình đọc và ứng khẩu“, một số văn thi sĩ, trong đó có Joseph Brodsky, người Hoa Kỳ gốc Nga giải Nobel Văn chương 1987, được mời tới trình bày tác phẩm hay dịch phẩm của mình. Hân hạnh cho NCT là tôi cũng được mời tới nói chuyện về con người và thi ca của ông trong buổi sinh hoạt văn chương quốc tế vẻ vang này.
* Nhìn chung tôi rất mãn nguyện vì sự đón nhận “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ tại Đức và Áo đã vượt quá sự chờ đợi của vợ chồng tôi. Cả hai điều chúng tôi ước mong đã được thực hiện là cho thế giới bên ngoài biết thêm về cộng sản Việt Nam và biết đánh giá đúng mức phẩm chất thi ca của nhà thơ mà Giáo sư Skwara trên đây đã xưng tụng là đại thi hào quốc tế .
Kỷ niệm với NCT
Bây giờ xin trình bày đôi điều về kỷ niệm của vợ chồng tôi với NCT.
* Khi xuất bản và tái bản “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ tại Đức nhà thơ còn ở trong tù nên chúng tôi không thể liên lạc được với ông. Phải chờ đến khi khi NCT ra khỏi tù, tôi mới có dịp gặp gỡ ông trên thư từ qua một người cháu gái của ông tên Phương ở Berlin. Cháu Phương trước đây qua lao động ở Đông Đức, sau ngày nước Đức thống nhất cháu và chồng con xin tị nạn để khỏi về Việt Nam nhưng không được chấp thuận. Theo lời khuyên của cậu Thiện cháu Phương gửi thư xin Văn Bút Quốc Tế can thiệp dùm (Sau này mấy lần găp NCT tôi đã quên hỏi nhờ đâu mà ở trong nước ông đã biết được Văn Bút Quốc Tế để khuyên cháu liên lạc). Văn Bút Quốc Tế chuyển sự việc cho Văn Bút Đức vì biết NCT là hội viên danh dự của Văn Bút Đức và cháu Phương sinh sống tại Berlin. Văn Bút Đức một mặt can thiệp với cơ quan có thẩm quyền tại Berlin để xin cho cháu Phương được tị nạn, một mặt nhờ vợ chồng tôi làm trung gian liên lạc với cháu và qua cháu với NCT . Vậy là nhờ cháu Phương mà chúng tôi đã có một đường giây an toàn để gửi thư và tiền về biếu NCT. Không thể tả hết nỗi xúc động của tôi lúc nhận lá thư hồi âm đầu tiên của nhà thơ. Thư viết tay với nét chữ y hệt như chữ trong lá thư gửi nhà ngoại giao Anh quốc. Cũng qua đường giây của cháu Phương tôi gửi về NCT dịch phẩm song ngữ “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực“ vừa tái bản. Trong thư cám ơn NCT cho biết ông rất xúc động về bài giới thiệu của tôi và nhất là về bài bình luận của nhà văn Skwara. Ông viết: “Tôi thật không ngờ một người sống ở hải ngoại lâu năm như anh mà còn biết tường tận về cộng sản trong nước như vậy. Còn ông Skwara thì đã hiểu tôi hơn cả chính tôi.“ NCT còn xin chúng tôi gửi cho ông một cuốn văn học sử Đức bằng tiếng Pháp (Sau này qua mấy lần tiếp xúc tôi mới biết NCT rất giỏi tiêng Pháp và biết rành rọt về văn chương Pháp). Khi gặp nhau ở bên này ông kể đã chôn dấu cuốn sách ấy dưới nền nhà của bà chị ở Hà Nội, trước khi lên đường ra hải ngoại vì không mang theo được.
* Một thời gian sau khi qua Mỹ, NCT đến Frankfurt và được đồng hương tiếp đón vô cùng nồng hậu và ngưỡng mộ như một chính khách triển vọng. Vợ chồng tôi tổ chức liên hoan mừng NCT tại nhà, khách mời độ năm chục người vừa Đức vừa Việt, đặc biệt là ông Said Chủ tịch Văn Bút Đức và bà Setzer Chánh văn phòng thường trực cũng của Văn Bút Đức.
* Buổi liên hoan tại nhà được bắt đầu bằng giờ đọc thơ và thảo luận. Khách Việt hân hoan nghe chính tác giả NCT đọc thơ của mình và khách Đức thích thú lắng nghe dịch giả đọc bản Đức ngữ.
* Trong số khách mời còn có bà đại diện của nhà xuất bản R. G. Fischer. Có lẽ bà muốn nhân cơ hội này quảng cáo cho hãng mình với những tác giả/dịch giả chưa tìm được nhà xuất bản nên đã trình bày chi tiết về thể lệ xuất bản và phát hành sách, về số tiền phải đóng cũng như tiền chia cho tác giả 20 % từ mỗi cuốn sách bán được (bà lấy ngay ví dụ trường hợp sách Tiếng Vọng Từ Đáy Vực: đóng 9.000 Đức mã (DM), sách giá 29,80 DM, 20 % là 5,96 DM; chỉ cần làm một bài tính đơn giản cũng biết bán hết cả 400 cuốn sách tôi cũng chưa thu lại được một phần ba số tiền đã bỏ ra).
* Lúc mới ra hải ngoại NCT nhận lời của bất cứ ai tại Đức muốn mời ông nói chuyện với đồng hương hoặc tổ chức cho ông những buổi du thuyết. Vì chưa nắm vững tình hình nhân sự nên ông thiếu dè dặt và đã bị một số người lợi dụng muốn chiếm đoạt ông để làm bình phong quảng cáo cho cá nhân và phe nhóm của mình. Tôi đã lưu ý NCT nhưng ông không mấy lưu tâm mà còn sẵn sàng để bất cứ ai lợi dụng vì xem đó là dịp để ông cống hiến cho đại cuộc.
* Tôi đặt nhiều kỳ vọng ở NCT không chỉ trong lãnh vực thi ca mà cả trong môi trường chính trị. Là vì tôi nghĩ với uy tín càng ngày càng tăng trưởng ông có thể thực hiện được vấn đề kêu gọi đoàn kết các phe nhóm quốc gia đang cực kỳ chia rẽ nhằm tạo thành một khối người Việt lớn mạnh ở hải ngoại khiến quốc tể nể nang (như Do Thái) và có sức yểm trợ đắc lực việc đấu tranh của đồng bào trong nước. Khi tôi bàn với NCT về hoài bão này ông tâm sự với tôi là từng nghĩ tới chuyện đó và một đôi lần đã làm thử nhưng đã thất vọng và ông nói trong tiếng thở dài: “Cả đến Chúa Phật tái thế cũng không thể làm cho các ông ấy chịu ngồi lại với nhau đâu anh ạ.“
* Ai đã từng quen thân với NCT đều phải công nhận rằng ông rất quí tình bạn và khi bạn bè cần đến ông thì việc vất vả đến mấy ông cũng chẳng từ nan. Chỉ xin đan cử một ví dụ: Lần chúng tôi đến Cali giới thiệu cuốn tiểu thuyết Ngược Giòng Thời Gian của nhà tôi, ông đã vui vẻ đảm nhận vai trò chủ chốt trong việc giới thiệu sách. Sau đó, mặc dầu sức đã yếu, ông đã cùng anh Trần Phong vũ đi xe Bus từ Quận Cam lên San Jose để giới thiệu sách trên đó.
Thay lời kết
Nhìn lại sự xuất hiện và sự đón nhận thơ NCT tại Đức và Áo, tôi thấy đó là một cuộc gặp gỡ, một cuộc trao đổi lạ kỳ. Quả là mối duyên kỳ ngộ của NCT nơi miền ngôn ngữ của Goethe, đệ nhất văn hào Đức quốc.