-
Đại diện từ Hà Tĩnh và Tây Nguyên tham gia hội nghị
-
Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ bày tỏ mối quan tâm
Mạch Sống, ngày 7 tháng 12, 2016
Các vấn đề Formosa ở Hà Tĩnh và quặng Bauxite ở Tây Nguyên được nêu lên tại hội nghị về môi sinh và nhân quyền toàn vùng Á Châu – Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 4 đến 7 tháng 12 ở Quezon City, Philippines. Hội nghị này, do tổ chức Ban Toxics phối hợp, có chủ đề: quản lý các chất hoá học và chất xả thải để bảo vệ quyền con người.
Một giáo dân thuộc Giáo Xứ Đông Yên, nằm sát nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh, được BPSOS đề cử và tài trợ để tham gia hội nghị cùng với một đại diện của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Họ đã phân phát đến mọi người tham dự tài liệu về vụ nhiễm độc do Formosa gây nên và những tác hại lên người dân trong vùng ảnh hưởng về sức khoẻ, sinh kế, ngư nghiệp và môi sinh.
Giáo Xứ Đông Yên ở ngay tuyến đầu của cuộc đấu tranh chống Formosa kể từ năm 2008, khi chính quyền ký hợp đồng cho công ty Đài Loan này thuê đất 70 năm. Cuộc biểu của toàn thể xứ đạo Đông Yên vào tháng 3 năm 2011 là cuộc biểu tình đầu tiên ở Việt Nam chống dự án xây nhà máy gang thép Formosa. Để trả thù, năm 2012 chính quyền Huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh ra lệnh cưỡng chế và di dời toàn bộ xứ đạo này.
Ls. Baskut Tuncak, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ, phát biểu tại hội nghị về môi sinh, Quezon City, Philippines, ngày 05/12/2016 (ảnh Ban Toxics)
Luật Sư Baskut Tuncak, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Nhân Quyền và Các Chất Hoá Học và là người phát biểu chính ở hội nghị, đã gặp riêng tham dự viên Việt Nam để hỏi han và xin thêm thông tin. Ông tỏ ra rất ngạc nhiên vì trước đây đã không biết đến các vụ ô nhiễm môi sinh trầm trọng ở Việt Nam và các vụ đàn áp đối với những người dân đòi công lý hay đòi chính quyền minh bạch.
“Chúng tôi sẽ sắp xếp buổi họp với Ông ấy ở Washington DC để đưa thêm thông tin và bàn việc phối hợp hành động trong thời gian tới,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết.
Liền sau khi xảy ra tai hoạ cá chết hàng loạt ở Việt Nam, BSPOS đã thảo ra kế hoạch trường kỳ để giúp người dân đối phó tình trạng nhiễm độc biển. Kế hoạch này được xây dựng trên trên 6 năm kinh nghiệm của BPSOS khi giúp các ngư dân Việt Nam ở vùng Vịnh Duyên Hải Hoa Kỳ đối phó với tai nạn dầu tràn gây ra bởi giàn khoan dầu của công ty BP ngoài khơi tiểu bang Louisiana vào tháng 4 năm 2010.
Khoảng 2 tuần sau khi hiện tượng “cá chết” được phát hiện ở Hà Tĩnh, BPSOS đề nghị chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam ở ba cấp độ: đối phó khẩn cấp, hồi phục lâu dài và tăng khả năng phòng ngừa tai hoạ trong tương lai; ở cả 3 cấp độ phải có sự tham gia của người dân bị ảnh hưởng và của xã hội dân sự nói chung. Phái đoàn tiền trạm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đến Việt Nam để chuẩn bị chuyến công du Việt Nam của Tổng Thống Barrack Obama đã nêu vấn đề này với giới lãnh đạo Việt Nam.
Tuy nhiên, phía Việt Nam đã khước từ đề nghị trợ giúp của Hoa Kỳ.
“Đề nghị của chúng tôi là phép thử dành cho Việt Nam về những cam kết bảo vệ môi sinh trong Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà họ đã ký,” Ts. Thắng giải thích. “Khi từ khước sự trợ giúp của Hoa Kỳ, giới lãnh đạo Việt Nam cho thấy họ không thực tâm tuân thủ các cam kết ấy; điều này còn tạo sự ngờ vực rằng có những điều khuất tất ở đằng sau tai hoạ môi sinh do Formosa gây ra.”
Ngày 20 tháng 5, BPSOS cùng với nhóm VietNextGen và nhiều đồng hương trong vùng thủ đô và phụ cận đã tổ chức phái đoàn tiếp xúc một số dân biểu hay nhân viên lập pháp của họ để trình bày tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng trong cách ứng xử của chính quyền Việt Nam đối với người dân bị ảnh hưởng và những ai lên tiếng đòi hỏi sự minh bạch.
Ts. Nguyễn Đình Thắng và các vị Dân Biểu Alan Lowenthal, Christopher Smith và Barbara Comstock, Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 24/05/2016 (ảnh Getty Images)
Ngay sau chuyến công du Việt Nam của TT Obama, ngày 24 tháng 5, BPSOS phối hợp cùng với DB Christopher Smith để tổ chức buổi họp báo tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Tại đây nhiều người phát biểu đã mạnh mẽ lên các vụ đàn áp thô bạo những người biểu tình ôn hoà chỉ vì họ đòi chính quyền Việt Nam phải minh bạch trong vụ Formosa Hà Tĩnh.
Một tháng sau đó, tại buổi điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 22 tháng 6, BPSOS lại nêu vấn đề Formosa Hà Tĩnh và các vụ đàn áp người biểu tình ôn hoà chỉ vì họ đòi công lý và sự minh bạch từ phía chính quyền.
Sau buổi điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ, cô Mã Tiểu Linh cùng với DB Smith trưng hình ảnh những người biểu tình vì môi sinh đã bị công an đàn áp đổ máu, ngày 22/06/2016 (ảnh MTL)
Đầu tháng 8, vấn đề nhiễm độc biển do Formosa gây nên là một trong những chủ đề chính được nêu lên bởi phái đoàn xã hội dân sự độc lập Việt Nam, do BPSOS phối hợp, tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN được tổ chức ở thủ đô Dili của Đông Timor.
“Một trọng tâm từ đầu của chúng tôi là quốc tế hoá vấn đề ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam theo lăng kính bảo vệ nhân quyền,” Ts. Thắng giải thích. “Việc cử người thuộc xã hội dân sự Việt Nam tham gia hội nghị vừa diễn ra ở Philippines thể hiện trọng tâm này.”
Theo Ts. Thắng, kế hoạch của BPSOS để giúp người dân trong nước đối phó với vụ nhiễm độc môi sinh do Formosa gây nên sẽ được công bố trong nay mai.
Cô Lê Thị Kim Thu với áo T-shirt với biểu tượng “cá chết”, tại diễn đàn Người Dân ASEAN, Đông Timor, ngày 05/08/2106 (ảnh LN)
Cũng hiện diện tại hội nghị là đại diện của 2 tổ chức quốc doanh do chính phủ Việt Nam dựng lên: Trung Tâm Nghiên Cứu Nguồn Tài Nguyên Môi Trường và Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn Bền Vững. Khi vấn đề ô nhiễm môi sinh ở Việt Nam được nêu lên, họ lái sang vấn đề khác và đổ thừa là người dân thiếu ý thức nên đã dùng các chất hoá độc hại trong các hoạt động nông và ngư nghiệp.
Hình chụp lưu niệm của một số tham dự viên tại hội nghị về môi sinh ở Philippines, ngày 07/12/2016 (ảnh Ban Toxics)