Mới đây mà đã 40 năm. Thời gian đi quá mau! Trong cuộc đổi đời 40 năm trước, hầu như mỗi người có câu truyện riêng, có khi cùng một gia đình, truyện mỗi người một khác. Nhân kỷ niệm 40 năm mất Sài Gòn, xin kể lại sau đây đoạn đầu cuộc ra đi của tôi, Từ Sài Gòn đến Guam. Những gì tôi đã trải qua, được ghi lại theo trí nhớ. Những gì không trực tiếp trải qua, được viết theo những tài liệu đã xuất bản.
Mối lo đảo chánh
Từ tháng Ba, 1975, tin xấu đến dồn dập. Ngày 10, mất Ban Mê Thuột. Bốn ngày sau, Quân Đoàn 2 rút khỏi Cao Nguyên trong kinh hoàng. Ngày 25, Cộng quân tràn ngập Huế. Ngày 26-27, Đà Nẵng hấp hối trong hoảng loạn. Trong cuốn Decent Interval do Random House xuất bản năm 1977, tác giả Frank Snepp, nhà phân tích chiến lược hàng đầu của CIA ở Việt Nam, sau khi mô tả cảnh hỗn loạn tìm đường sống tại Đà Nẵng vào ngày 27-3-1975, đã viết về buổi chiều hôm đó tại Sài Gòn, như sau:
Vào đầu buổi chiều cùng ngày, Tổng Thống Thiệu lên đài truyền hình quốc gia với bài phát biểu chỉ có năm phút, thúc dục toàn dân hãy “chận đứng đà tiến của địch”. Sự công khai tái xuất hiện của ông cũng đáng chú ý như thông điệp của ông, vì trên hai tuần trước ông hầu như biệt tăm, chỉ xuất hiện hai lần ngắn ngủi trên TV, khiến tin đồn loan truyền trong thành phố rằng ông đã bị giết, hay bị loại.
Sau màn truyền hình, ông Thiệu rời Dinh trong xe limousine chống đạn, tới một nơi ẩn náu riêng gần khách sạn Majestic ở bờ sông. Ông ngồi tới khuya thảo luận với những phụ tá thâm niên. Về những chuyện còn kinh khủng hơn cả tin từ mặt trận, đó là những tin đồn đảo chánh do Kỳ manh động, xem chừng vẫn ám ảnh và khiến ông lo ngại. Trước đó trong ngày, Kỳ đã táo bạo công bố lời hiệu triệu quốc dân, một lần nữa kêu gọi Thiệu từ chức. Nhưng Tổng Thống đã sẵn sàng cho chuyện này. Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, các sĩ quan chọn lựa từ lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã bắt giữ nhiều người liên minh với Kỳ, ba nhà báo và bốn “chính khách chầu rìa” đã bị tố “âm mưu lật đổ chính quyền”. Không có nhân vật chính nào quanh Kỳ bị đụng tới, ít nhất là chưa, nhưng những vụ bắt giữ này rõ ràng có nghĩa là cảnh báo cuối cùng cho họ (Decent Interval, trg: 242, 243).
Tướng Thiệu nhìn Tướng Kỳ: (Chà … đeo kính đen, mặc áo Mao, đi boots, còn bắt chân chữ ngũ. Muốn đảo chánh hả?)
Vụ bắt người nói trên đã xảy ra tối 26, không phải 27, và số bị bắt hôm đó không phải chỉ có 7 người. Tôi là một trong ba nhà báo bị bắt. Khoảng nửa đêm 26 tháng Ba, các con đã ngủ yên từ lâu, tôi đang ngồi viết bài cho Chính Luận, bỗng có tiếng chó sủa, rồi tiếng gọi mở cổng để cảnh sát vào xét sổ gia đình.
Trẻ con vẫn ngủ yên. Không hỏi thẻ căn cước nhà tôi, cũng không kiểm điểm người theo sổ gia đình, cảnh sát chỉ mời tôi “ra đầu đường xác nhận lý lịch rồi về”. Bước ra khỏi cổng chừng vài chục mét, người ta ra hiệu cho tôi lên một chiếc xe Jeep đợi sẵn. Vừa ngồi xuống ghế xe, có tiếng nói: “Chúng tôi được lệnh bắt ông”. Cùng lúc, từ đằng sau, hai cánh tay đưa mảnh vải đen qua đầu, bịt mắt tôi. Xe chuyển bánh, tôi bị đưa đi chỉ với bộ quần áo sơ sài trên người, không mang theo bất cứ vật dụng gì. Không đọc lệnh bắt, không nói nguyên do. Ở nhà không biết đi đâu. Với các con, tôi như người bỗng nhiên biến mất; tối đi ngủ còn bố, sáng dậy không thấy bố đâu.
Di chuyển trong giờ giới nghiêm, cảnh vật yên tĩnh, ngoài tiếng nổ đều của động cơ là tiếng gió lật phật tạt vào hông xe mui vải. Xe đi chừng nửa giờ, một người trong bọn lên tiếng bâng quơ “chắc sắp tới Biên Hòa”. Tôi biết họ muốn đánh lạc hướng, có lẽ để gây hoang mang. Vì họ là những người phải biết rõ đang đi trên con đường nào, và sẽ tới đâu, hay sắp tới đâu. Hơn nữa, từ nhà tôi đi Biên Hòa, phải qua cầu xa lộ khá cao. Qua cầu này, dù bị bịt mắt, vẫn có thể cảm nhận khi xe lên và xuống dốc. Tôi chưa cảm thấy đã qua cầu này, không thể có chuyện sắp tới Biên Hòa.
Đi chừng mươi phút nữa, xe ngừng. Người ta dắt tôi xuống, lên mấy bậc thềm, đi ít bước nữa, rồi họ nói có thể gỡ miếng vải bịt mắt. Sau khi hết loá mắt vì ánh đèn, thấy mình đứng trong căn phòng giam, chừng 4×5 mét. Đã có một người ở đó, qua nhân dạng và giọng nói, tôi đoán anh ta là người Tầu. Hỏi đây là đâu? Đáp “An Ninh Quân Đội”. Vừa lúc ấy, tôi nhìn thấy bên ngoài bóng dáng của viên Đại Uý mà tôi từng biết là nhân vật số hai của Cảnh Sát Đặc Biệt Đô Thành. Thế là anh Tầu chung phòng lộ tẩy là tay sai cho cảnh sát, được cài vào theo dõi, không phải tù thường. Tôi không nói gì.
Hôm sau, trời sáng mới có dịp quan sát cảnh vật. Nơi giam tôi nằm ở đầu một dẫy phòng nối tiếp nhau, ngoài cửa ra vào đóng kín, phòng nào cũng có cửa sổ nhìn ra hành lang. Góc phòng có nhà vệ sinh trên bệ cao, không cửa, để tiện theo dõi từ bên ngoài. Quan sát những vết tích quanh phòng, thấy tên “Huỳnh Tấn Mẫm”, cao bằng chiều dầy ngón tay, viết hằn trên một bức tường. Tôi đang bị giam cùng căn phòng trước đây đã giam anh sinh viên y khoa Sài Gòn về tội theo cộng sản. Chính quyền Sài Gòn không phân biệt đối xử, thân cộng hay chống cộng, tất cả đều như nhau. Tôi không biết bị bắt một mình, hay cùng với ai nữa. Nhân viên trại giam tiếp xúc đầu tiên cho biết: “bị bắt vì lý do chính trị, được đối xử theo quy chế đặc biệt, không phải ăn cơm tù. Cơm được mua đem vào từ bên ngoài. Mỗi ngày, công quỹ đài thọ mỗi người 150 đồng, là tiền ăn uống cho ba bữa. Sáng gồm bao thuốc lá và ly cà phê sữa. Trưa và tối là hai bữa cơm; muốn ăn với thịt, hay cá, phải cho biết trước để đặt cho người ta cung cấp.
Tôi nói trại giam không cần bận tâm về chuyện ăn, vì tôi sẽ không ăn gì cả, chỉ uống nước. Nhân viên này đi kiếm một viên chức cấp trên, tới nói tôi không được làm thế. Nếu không ăn, họ sẽ cưỡng bách bơm thực phẩm lỏng vào dạ dầy. Tôi nói tôi không chủ trương tuyệt thực để phản đối hay làm to chuyện. Lý do không ăn, vì tôi đã từng tập nhịn ăn vài lần, từ một tuần đến hai tuần, không hề hấn gì. Hơn nữa, trời nóng, cơm với thịt cá, mua từ ngoài bỏ bao ni-lông mang vào, dễ bị nhiễm độc. Và lý do thứ ba, tôi muốn nhịn ăn để đỡ phải dùng nhà vệ sinh. Nhưng người ta nhất định không cho nhịn. Cuối cùng, tôi đề nghị: Buổi sáng, chỉ cho tôi ly cà phê sữa, còn bao thuốc lá, ai dùng cũng được, tôi không cần biết. Buổi trưa và tối, thay vì cơm với thịt hay cá, mỗi ngày mua cho tôi một cái bánh mì, và mấy quả chuối. Người ta đã làm đúng như vậy trong suốt thời gian tôi bị giam. Xong chuyện ăn uống, tôi hỏi nhân viên trại giam về người ở phòng bên cạnh, hy vọng biết thêm có ai quen bị bắt cùng với mình không. Người ấy trả lời, đây là vụ án rất bí mật, chúng tôi không được quyền biết. Ngay tên ông, chúng tôi cũng không biết, chỉ được biết qua bí danh là “T1”, người ở phòng bên cạnh là “T2”, tiếp đến là “T3”, thế thôi. Như vậy, ít nhất tôi cũng biết được, cùng bị giam ở đây, ngoài tôi, còn hai người khác, cùng mang bí danh T, chưa biết là ai.
Vì là tù không ăn cơm tù, mỗi lần cung cấp thực phẩm, người ta đưa một tờ giấy để người nhận ký làm bằng. Lần đầu ký nhận, thay vì ngoáy bút ký như thường lệ, tôi viết rõ tên mình, hy vọng ở phòng bên cạnh, nếu là người quen, sẽ nhận ra. Chỉ mấy tiếng sau, dự tính của tôi đã có kết quả. Nhìn vào tờ ký nhận khi người ta đem thực phẩm tới vào buổi trưa, thấy người ở phòng bên cạnh, và phòng kế tiếp cũng làm như vậy. Người mang bí danh “T2” ký là “Dương”, “T3” là “Lục”. Thế là tôi biết riêng báo Chính Luận, có ba người bị bắt giam ở đây. Ngoài tôi, là các anh Nguyễn Hữu Dương, từng là chánh án toà sơ thẩm Sài Gòn, chuyên viết tham luận đăng ở trang 2, và Đậu Phi Lục, phụ tá chủ nhiệm.
Lúc đầu, tôi không hiểu tại sao người ta đặt tên cho chúng tôi bằng bí danh mang chữ T, cho đến một hôm, nhìn tấm bìa đựng hồ sơ thẩm vấn, thấy có mấy chữ “Chiến Dịch Trường Giang”. Chúng tôi bị bắt nằm trong khuôn khổ một chiến dịch, không phải một vụ án. Khi ấy, tôi không hiểu tại sao báo Chính Luận bị bắt tới ba người, và chẳng biết còn ai khác nữa không. Trước đó, chuyện nhà báo bị bắt không hiếm, nhưng thường vì bị coi là làm lợi cho cộng sản. Chính Luận là nhật báo có lập trường chống cộng rõ ràng, Tổng Thư Ký Từ Chung đã bị cộng sản ám sát, vậy chúng tôi bị bắt vì lý do gì?
Buổi trưa, vào lúc hành lang vắng bóng người qua lại, có tiếng đập tường ra hiệu từ phòng bên cạnh. Anh Dương lên tiếng: “Cụ ơi! Bây giờ mình có đòi luật sư theo luật định không?” Tôi trả lời, nếu người ta trọng luật, họ đã không bắt mình vào đây. Có lẽ cũng nhận thấy hiểu biết luật pháp của một chánh án chẳng giúp được gì trong hoàn cảnh này, anh để tâm trí vào việc khác. Ngoài khả năng xử án và viết báo, anh Dương còn có tài coi tướng số. Chiều hôm sau, anh lại đập tường gọi: “Cụ ơi! Tôi bấm độn xong rồi. Tụi mình không ở đây lâu đâu. Chậm lắm là ngày 28 tháng tới sẽ về. Lời đoán của anh trễ hai ngày. Chúng tôi ra khỏi trại giam vào ngày Thứ Bảy, 26 tháng Tư.
Ra tù rồi lo đi ngay, không còn thời gian tìm hiểu có bao nhiều người bị bắt cùng vụ chúng tôi. Mấy hôm sau, gặp anh Nguyễn Văn Chức trên tầu, được biết anh và các anh Phạm Nam Sách, Thái Lăng Nghiêm cũng bị bắt cùng ngày và bị giam ở Tổng Nha, khác chỗ chúng tôi. Ngoài ra, không biết chắc có thêm ai nữa.
Âm mưu lật đổ
Gần bốn chục năm sau, con trai tôi tìm trong tài liệu đã được giải mật của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thấy có bức điện văn nói rõ, tất cả mười người bị bắt. Nội dung điện văn như sau: Điện văn mật SAIGON 03636 272203Z Đại Sứ Quán Mỹ gửi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 27/3/75. Về việc: Bắt những người bị coi là âm mưu và tin đồn liên hệ tới Nguyễn Cao Kỳ.
1- Tóm tắt: Mười người bị coi là âm mưu chống chính quyền bị bắt hôm 26 tháng Ba có một số liên hệ với Nguyễn Cao Kỳ, người đã mở một cuộc họp đối lập cùng ngày, trong đó, có mặt hai trong số người bị bắt. Những người khác nghĩ rằng vụ bắt này là do Thiệu ra tay để răn đe đối lập, những người gia tăng đòi thành lập chính quyền dân sự. Người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia cho chúng tôi biết bị bắt là những người âm mưu thay thế chính quyền hiện hữu bằng chính quyền khác sẵn sàng thương thảo về nền độc lập của Nam Việt Nam, nhưng Nguyễn Cao Kỳ không can dự, cũng như các nhà đối lập khác được biết đã công khai thảo luận về việc mở rộng chính quyền hiện tại. Tất cả những người bị bắt đều là những khuôn mặt tương đối không quan trọng.
2 – Bộ Nội Vụ ra thông báo ngày 27 tháng Ba nói rằng nhiều người đã bị bắt vì âm mưu chống chính quyền. Cảnh Sát đã báo cho chúng tôi biết mười người sau đây đã bị bắt đêm 26 rạng 27 tháng Ba: Cụu Nghị Sĩ Nguyễn Văn Chức; Cựu Nghị Sĩ Phạm Nam Sách; Cựu Nghị Sĩ Thái Lăng Nghiêm (tự Phạm Văn Tâm); Thái Trắng; Công giáo ủng hộ Thành phần Thứ ba, Giáo Sư Châu Tâm Luân; Nguyễn Hữu Dương; Đậu Thi (sic) Lục của Chính Luận; Cựu đảng viên VNQDĐ và nhà hoạt động PACM Nguyễn Than (sic) Vinh; Ứng viên Thượng Viện bị loại (1970) Đinh Từ Thức; và khuôn mặt phụ thuộc Hoà Hảo Trần Hữu Duyên (người có thể chưa bị bắt nhưng sẽ bị).
3 – Giới truyền thông (như AP) đã liên hệ những người bị bắt này với Nguyễn Cao Kỳ, người đã cộng tác với vài người trong số này trong qúa khứ, và người đã họp với 22 lãnh đạo đối lập trước đó cùng ngày, trong đó có hai người bị bắt đã tham dự. Các cựu Nghị Sĩ Chức, Sách, và Nghiêm đều đã tham gia vào cuộc vận động tranh cử tổng thống của Kỳ năm 1971. Tuy nhiên, những người khác như Giáo Sư Châu Tâm Luân, không có quá khứ thân cận với Kỳ như chúng tôi được biết. Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, người đứng đầu Cảnh Sát Quốc Gia cho chúng tôi biết những vụ bắt người không có liên hệ gì với Kỳ.
4 – Hai trong số người bị bắt – các cựu Nghị Sĩ Phạm Nam Sách và Thái Lăng Nghiêm – đã tham dự cuộc họp 26 tháng Ba của 22 nhà đối lập dưới sự bảo trợ của Nguyễn Cao Kỳ. Thiếu Tướng Bình cho chúng tôi biết vụ bắt giữ không có liên hệ tới cuộc họp, trong đó những người tham dự hoạt động công khai. Bình cho rằng
những nhà đối lập này thảo luận về viễn tượng mở rộng chính phủ, thật ra trên thực tế là điều chính phủ có thiện cảm.
5 – Tuy nhiên, một số lãnh đạo chính trị, chúng tôi được biết kể cả Tướng Kỳ, cho rằng vụ bắt giữ này liên hệ tới cuộc họp 26 tháng 3 để làm áp lực trên phe đối lập.
MẬT Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải mật ngày 05, tháng Bảy, 2006.
Dù ai nói thế nào mặc lòng, điều chắc chắn là cả ba chúng tôi từ Chính Luận đều không có liên hệ gì tới ông Kỳ, cũng chẳng có ai dính lứu gì tới âm mưu đảo chánh nào. Không thực sự có âm mưu đảo chánh, cũng không vì cuộc họp 22 nhà đối lập do ông Kỳ triệu tập ngày 26 tháng Ba, tại sao 10 người bị bắt đêm đó?
Thật ra, vào cuối tháng Ba và tháng Tư, nếu có tin đồn đảo chánh, chỉ là chuyện ngoài cửa miệng. Ví dụ, qua hồi ký của Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân hồi đó, có nhắc chuyện ông Kỳ nói tới đảo chánh. Trên thực tế, không có kế hoạch cụ thể nào. Không kế hoạch hành động, không bằng chứng, nên không có người nào thân cận với ông Kỳ bị bắt. Vì “Chiến dịch Trường Giang” bắt người ngay vào buổi tối hôm ông Kỳ có cuộc họp đối lập kêu gọi ông Thiệu từ chức, khiến có dư luận liên hệ hai việc với nhau. Nhưng nếu không vì liên hệ với phiên họp của ông Kỳ, tại sao ông Thiệu ra lệnh bắt những người đã bị bắt?
Tuy là câu hỏi chỉ ông Thiệu mới có thể trả lời chính xác, nhưng có hai sự kiện đáng ghi nhận:
Trước hết, đảo chánh là nỗi ám ảnh khôn nguây của ông Thiệu trong hơn một thập kỷ, từ khi chính ông là người tham gia đảo chánh, đưa đến cái chết thảm của hai anh em Tổng Thống Diệm. Là người rất mê tín, ông Thiệu luôn lo sợ có người sẽ làm cho ông điều ông đã làm cho người khác. Có thể vì nỗi ám ảnh này, đã khiến ông phải hành động ngay, dù chỉ vì một tin đồn. Theo lời kể của Dân Biểu Liên Bang Mỹ Pete McCloskey — thành viên của phái đoàn Quốc Hội Mỹ tới Việt Nam quan sát vào tháng 2, 1975, trước khi quyết định có viện trợ cho VN 300 triệu đô la không – khi thăm Vùng I, ông đã được Tướng Ngô Quang Trưởng cho biết, lực lượng tinh nhuệ của ông đã bị mất, vì ông Thiệu hoảng loạn, đã kéo về phía Nam, để phòng đảo chánh ở Sài Gòn.
Thứ nhì, tất cả những người bị bắt, đều thuộc thành phần chống cộng. Các cựu Nghị Sĩ Nguyễn Văn Chức, Phạm Nam Sách và Thái Lăng Nghiêm, hồi còn tại chức, các ông chống cộng rất hăng, và với quyền bất khả xâm phạm đối với những phát biểu tại nghị trường, các ông cũng thường chỉ trích chính phủ dữ dội, về nạn tham những và những chính sách sai lầm. Dù không còn làm Nghị Sĩ, dư âm chống đối của các ông vẫn còn. Thắc mắc còn lại là, trong số mấy chục tờ báo của Sài Gòn bấy giờ, tại sao chỉ có Chính Luận bị bắt, và tới ba người? Và trong số hàng trăm nhà báo xuất sắc của Chính Luận, tại sao bắt ba người chúng tôi?
Anh Đậu Phi Lục, với vai trò Phụ tá Chủ Nhiệm, hầu như không bao giờ viết bài, thường phụ giúp hay thay mặt Bác Sĩ Sung về mặt giao tế, và công việc điều hành tờ báo. Không phải người chịu trách nhiệm về đường lối hay bài vở. Anh Nguyễn Hữu Dương cũng như tôi, không làm việc thường xuyên ở toà báo. Anh là một trong những cây bút viết tham luận, mỗi tuần ghé toà báo một vài lần đưa bài, truyện trò với anh em vài câu, rồi về. Tôi phụ trách mục Sổ tay thường xuyên, lúc đầu ở trang ba, sau chuyển ra trang nhất; viết ở nhà, mỗi ngày ghé toà soạn đưa bài, rồi đi. Trước khi bị bắt ít lâu, vào thời phong trào chống tham nhũng lên cao, một hôm cuối tuần, khi ghé đưa bài, tôi gặp anh Dương đang nói truyện với anh Lục. Bài vở của số báo trong ngày coi như đã xong, nhân viên toà soạn đã ra về gần hết, chỉ còn lại vài người. Chúng tôi đang vui chuyện, thấy Bác Sĩ Đặng Văn Sung, chủ nhiệm, tiến tới, với một ít giấy tờ trong tay. Ông mới nhận được bản “Tuyên Cáo số 2” của LM Trần Hữu Thanh, tố đích danh ông Thiệu tham nhũng, với lời yêu cầu đăng nguyên văn của Hội Chủ Báo, và Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn.
Bác Sĩ Sung đặt vấn đề với chúng tôi, đại ý: Mình vẫn chỉ trích ông Thiệu độc tài, không tôn trọng tự do báo chí. Nếu bây giờ cúi đầu đăng nguyên văn Tuyên Cáo của Cha Thanh, theo yêu cầu của Hội Chủ Báo và Tổng Hội Sinh Viên, có khác gì chống độc tài này để tuân phục độc tài khác. Bình thường, trong trường hợp này, đăng hay không là quyết định của Tổng Thư Ký Toà Soạn. Hôm ấy, đúng ngày nghỉ hàng tuần của ông Thái Lân, chúng tôi được yêu cầu góp ý kiến và quyết định ngay, trước giờ báo lên khuôn.
Chúng tôi ở thế khó xử. Nếu cho đăng nguyên văn Tuyên Cáo, ngoài việc tỏ ra tuân phục sự đòi hỏi của Hội chủ báo và sinh viên, còn trách nhiệm của nghề báo. Tố tham nhũng là điều tốt, nhưng tố đích danh một viên chức tham nhũng, cũng phải dựa trên sự thật và bằng chứng, huống chi tố đích danh một ông tổng thống. Nhà báo không có trong tay bằng chứng cụ thể, cũng không kiểm chứng được mức độ khả tín của nội dung Tuyên Cáo. Nhắm mắt cho đăng nguyên văn, là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Nếu không đăng, ngoài việc bị Hội Chủ Báo và Sinh Viên lên án là “báo gia nô”, “tay sai chính quyền”, còn bị dư luận coi là hèn nhát và tham lợi, tránh bị tịch thu để tăng số bán trong khi báo khác bị tịch thu. Cùng lúc, đối với độc giả, bỏ qua một chuyện “động trời” như Tuyên Cáo số 2, là thiếu sót nghề nghiệp.
Cuối cùng, chúng tôi đã dung hoà các yếu tố trên, bằng quyết định: Không đăng nguyên văn Tuyên Cáo mà viết một bản tin phản ảnh sự việc. Tuy nhiên, cả về nội dung và ngôn từ, bản tin phải đầy đủ để dự trù báo cũng sẽ bị tịch thu, như các báo đăng nguyên văn Tuyên Cáo trong số báo ra chiều hôm đó – tất cả các nhật báo ở Sài Gòn thời đó đều ra buổi chiều, đề ngày hôm sau. Bản Tuyên Cáo được trao cho một ký giả vẫn còn ở toà soạn viết thành bản tin. Nhưng anh ký giả này, ngoài Chính Luận, còn làm cho Việt Tấn Xã, cơ quan thông tấn của nhà nước. Có lẽ vì vậy, khi đọc bản thảo của anh, cả ba chúng tôi – anh Lục, anh Dương, và tôi – đồng ý bản tin quá sơ sài, nếu đăng, báo sẽ không bị tịch thu. Như vậy, Chính Luận vẫn sẽ bị lên án là tay sai, hèn nhát, và “xé rào” để thủ lợi.
Thời gian gấp rút, đã gần đến giờ báo lên khuôn, sáu mắt nhìn nhau, bản Tuyên Cáo được đẩy về phía tôi. Anh Lục nói: “Anh vào bàn Anh Sung, đóng cửa lại cho kín đáo và yên tĩnh để viết”. Tôi không làm theo, ngồi ngay xuống cái ghế cạnh bàn viết gần cửa, hối hả viết. Mới viết được vài trang để trước mặt, một anh ký giả trẻ từ ngoài bước vào, chộp mấy trang bài của tôi, cắm đầu đọc, miệng hỏi lấy lệ “ông viết cái gì đấy?” Trước thái độ có vẻ kém lịch sự, nhưng đang cố viết cho xong, tôi không nói gì. Xong việc, anh Lục rầy rà: Tôi đã nói vào phòng anh Sung viết cho kín đáo, anh không nghe. Anh ký giả đó là tay trong của cảnh sát, có nhiệm vụ báo cáo mọi việc trong toà soạn, để đổi lấy tình trạng hợp lệ quân dịch. Tôi vẫn coi thường, nói mình viết bài đăng lên báo cho mọi người đọc, có âm mưu gì đâu mà phải bí bật.
Đúng như dự trù. Chiều hôm đó, Chính Luận cũng bị tịch thu như các báo
đăng nguyên văn Tuyên Cáo. Và đúng như sự lo xa của anh Lục, cả ba chúng tôi đã bị bắt. Đến bây giờ, có lẽ anh ký giả này vẫn chưa biết việc làm của mình khiến ba người vào tù. Nay, các anh Lục và Dương đều không còn nữa, riêng tôi không bao giờ, dù chỉ trong lòng, oán trách anh ký giả này, nghĩ rằng anh không chủ tâm hại ai.
Biệt vô âm tín
Trong tù, chúng tôi hoàn toàn không biết gì về tình hình bên ngoài. Ở ngoài, gia đình cũng hoàn toàn không biết chúng tôi bị giam giữ ở đâu. Bác Sĩ Đặng Văn Sung, đã có thời hợp tác với ông Thiệu, cũng không biết được tin tức gì về chúng tôi. Sau này gặp lại gia đình, được biết bên ngoài có rất nhiều tin đồn về số phận chúng tôi. Người đồn chúng tôi đã bị mang ra Côn Sơn, người khác đồn chúng tôi đã bị thủ tiêu. Trong khi ấy, chúng tôi vẫn bị giam ở Sài Gòn, và chuyện thủ tiêu, không phải chỉ là lời đồn bên ngoài, mà cũng được các thẩm vấn viên đề cập tới để gián tiếp đe doạ. Kỹ thuật thẩm vấn trong tù, bao giờ cũng có ít nhất hai vai trò, một người đóng vai “ông ác”, người kia là “ông thiện”. Tuy thủ vai ác, người này chỉ tỏ ra nghiêm nghị, lạnh lùng, không bao giờ có thái độ hung ác với chúng tôi. Riêng vai thiện, bao giờ cũng tỏ ra niềm nở, cứ như bạn thân lâu ngày mới gặp. Một hôm, tỏ vẻ ái ngại cho tôi, ông ta “tiết lộ bí mật”: Mới có thêm nhiều nhân vật quan trọng bị bắt, không hiểu ông có việc gì không, có bị ai khai ra điều gì bất lợi không. Trong số những người bị bắt, có cả Đại Tướng Cao Văn Viên, và Bác Sĩ Trần Kim Tuyến…. Rồi bỗng nhiên ông ta hỏi “Ông bị bắt ở nhà, hay bắt cóc giữa đường?” Tôi nói “Ở nhà”. Ông ta nói: Thế thì không đáng lo. Nhiều người bị bắt giữa
đường, không ai biết, ban đêm bị đưa lên trực thăng, chở ra biển, đẩy xuống. Thiếu gì! (Khi ra tù mới biết Đại Tướng Viên và Bác Sĩ Tuyến không hề bị bắt).
Trong tù, người ta thường thẩm vấn vào ban đêm, khiến ban ngày buồn ngủ. Trong giấc ngủ trưa ngày 8 tháng 4, cỡ một hai giờ, trong giấc mơ, tôi thấy hai chiếc phi cơ phản lực sơn rằn ri, một chiếc bỏ bom dinh Độc Lập, nhưng ông Thiệu không việc gì. Giật mình dậy, thấy mọi chuyện vẫn như thường. Tôi giữ kín về giấc mơ, sợ nói ra, nếu nó xảy ra thật, sẽ bị điều tra lôi thôi. Về sau tôi mới biết có chuyện bỏ bom thật, nhưng chỉ có một chiếc máy bay do Nguyễn Thành Trung lái, và nó sẩy ra trước giấc mơ tới năm sáu tiếng.
Tối ngày 8 tháng 4 này, tôi bị chuyển từ phòng giam thường vào xà lim (cellule). Phòng biệt giam giống cái hộp bằng xi măng, rộng hơn một mét, dài và cao mỗi chiều cỡ 2 mét, góc tường đầu phía trong có vòi nước, dưới là chỗ thoát nước; lấy nước uống, tắm rửa và đại tiểu tiện đều ở đó. Từ trước, từng nghe nói “uống nước cầu tiêu” mà không hiểu. Bây giờ, chính mình được trải qua.
Phòng kín và nóng như thiêu, chỉ có một lỗ hình tròn nơi cửa cỡ tầm mắt người đứng, để người canh tù nhìn vào theo dõi và chút ánh sáng heo hắt bên ngoài lọt vào. Người bị giam chỉ mặc đồ lót, hay không mặc gì. Đôi khi có cảm tưởng như đang du lịch miền Ả Rập, tường xà lim là bộ niqab phủ kín người, chỉ còn cái lỗ cửa để đôi con mắt giao tiếp với bên ngoài. Tù ngủ ngay dưới sàn, bốn không: không màn, không gối, không gường, không chiếu. Chuột và cóc tự do thăm viếng bất cứ giờ nào, qua lỗ tiêu nước. Khi đưa tôi xuống nhốt ở xà lim, cả nhân vật số một và số hai của Cảnh Sát Đặc Biệt đều có mặt. Trước khi đóng cửa xà lim, ông Số 2 hỏi ông Số 1: “Có để lại cho ông ấy cái gối không?” – “Không!” là câu trả lời, cùng lúc cánh cửa sập lại. Cũng may, nhờ không có cái gối, thỉnh thoảng chỉ bị chuột liếm đầu ngón chân, không bị rệp làm thịt.
Sau được biết, tôi bị chuyển vào xà lim, không phải vì lý do kỷ luật, mà để lấy phòng giam ông Nguyễn Trân, bị bắt sau tôi. Ông này hồi Đệ Nhất Cộng Hoà là Tỉnh Trưởng Mỹ Tho, chính khách từng gây ồn ào dư luận một thời. Vào một đêm hồi mới vào xà lim, nghe tiếng một người mới bị đem vào, vừa đi, vừa thở hổn hển, vừa ho rũ rượi. Tôi ngó qua lỗ cửa, thấy bóng dáng một ông cụ già, đầu trùm hum, lưng còng, đang khó nhọc cố lê bước giữa hai nhân viên đỡ hai bên, về phía xà lim cuối dẫy. Nghĩ bụng, già thế còn bị bắt, không hiểu chuyện gì. Mấy hôm sau, từ phía xà lim cuối dẫy ấy, cất lên tiếng hát ấm cúng tuyệt vời của Duy Trác, “Em đến thăm anh một chiều mưa”. Duy Trác cũng ra tù cùng ngày với chúng tôi. Hỏi chuyện này, anh xác nhận: “Còn ai vào đấy nữa”.
Tuần lễ cuối tháng Tư, ngó qua lỗ cửa, không còn thấy người mới bị bắt dẫn vào thêm. Dấu hiệu lạ. Một chế độ luôn gắn liền với hai chữ “thắng lợi”, bỗng nhiên không bắt thêm người; chuyện gì đã xảy ra bên ngoài?
Quả nhiên, chiều 24 tháng 4, một viên chức vừa gõ cửa xà lim, vừa chõ mồm qua lỗ: Ông chuẩn bị trở về phòng cũ nghỉ cho khoẻ. Trở lại phòng giam hai tuần lễ đầu, thấy các anh Đậu Phi Lục, Nguyễn Hữu Dương, và cả ông Nguyễn Trân đều đã ở đó. Truyện trò vui như tết. Vẫn không biết gì về tình hình bên ngoài, nhưng chúng tôi đoán sắp được về. Sáng sau, được báo tin một tướng lãnh sẽ tới gặp chúng tôi vào buổi chiều, và chúng tôi có thể về vào hôm sau.
Không có Tướng nào tới gặp như đã loan báo. Sáng hôm sau, Thứ Bảy 26 tháng 4, được báo tin Tổng Thống Thiệu đã từ chức – thật ra, ông Thiệu rời Sài Gòn tối hôm trước – Phó Tổng Thống Hương đã lên thay, “quý vị sửa soạn ra về, hợp tác với tân Chính Phủ để cứu nước”; sẽ có xe của Chính Luận tới đón. Mỗi người chúng tôi được cấp một tờ chứng nhận “Trả tự do”, với lý do bị bắt là “Tình nghi âm mưu lật đổ Chính Phủ”