BÚT KÝ-HỒI KÝ (Mũ xanh Trần Văn Khỏe)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be a black-and-white image of outdoors

Hình minh họa

Hai thằng giật mình, vội vàng trả tiền 2 tô mì chưa ăn, chạy thẳng ra xe, bon chen, cố bám lấy sườn xe cho được. Giành giực với nhau một hồi, tôi bám được một chân đứng trên xe, một tay nắm vào cái thanh sắt trên mui xe, còn Niên hắn hay thiệt, chen lấn ngồi trên nóc mui xe. Hai thằng nhìn nhau như yên tâm vì không đứa nào lọt lại nơi này đêm nay.
Xe bắt đầu chạy khoảng hơn 12 giờ trưa. Tới Lộc Ninh hơn một giờ. Không trạm kiểm soát nào. Về tới Lộc Ninh mua tạm bánh mì ăn lót bụng. Đi chung quá nguy hiểm, quyết định chia tay từ đây, tại Lộc Ninh tôi hỏi thăm dò, thì biết được từ Lộc Ninh về Bình Long có một trạm kiểm soát “Bò Vàng”. Từ Bình Long về Bình Dương có trạm kiểm soát lớn tại Bến Cát. Chia tay nhau mỗi thằng một ngả, hồn ai nấy giữ. Lang thang qua lại bến xe đò mấy lần thăm hỏi, muốn mua vé xe đò lúc này phải có giấy đi đường, tôi chỉ có giấy phép, không giấy đi đường, đành đi xe chuyền từng chặng.
Thế là tiếp tục lội bộ ra đường xe rồi tìm cách quá giang. Vài chiếc xe hàng chạy qua tôi đưa tay xin quá giang, cũng may có một chiếc xe ngừng lại. Tôi thấy trên đó 5, 7 tên bộ đội gì đó. Lúc đó không cách nào khác tôi chạy đến trèo lên xe, mới biết ra là đám bộ đội trẻ rủ nhau trốn đơn vị về Bình Long chơi, không khác gì mình ngày xưa, lúc ngoài chiến trường Quảng Trị nhảy dù đi Huế.
Tôi bắt đầu trò chuyên làm quen, có đôi lúc hỏi dò trạm kiểm soát, nhưng không để lộ vẻ sợ hãi vì tôi là công nhân mà. Tôi làm bộ hỏi tên bộ đội:
_ “Mấy anh qua trạm kiểm soát có phải trình giấy phép không?”
Vài tên trong đám bộ đội nói:
_“ĐM..sợ đếch gì bọn Công An áo vàng này”.
Tôi biết được điểm này có thể dùng được lúc này. Gần tới Bình Long, đằng trước tất cả xuống xe từng người qua trạm kiểm soát trình giấy tờ. Xe hàng chở đám bộ đội và tôi cũng dừng lại, xuống xe đi bộ qua để trình giấy. Thấy toàn Công An, không có kiểm soát quân sự, cũng như trước đây Cảnh Sát mà không có Quân Cảnh làm sao lính sợ, nhanh trí tôi vội vàng kéo chiếc áo kaki xanh cất trong bị khoác vào, cộng thêm cái nón bo màu xanh giống như đám bộ đội, rồi chui vào cùng bước chung với đám bộ đội trẻ. Đi tới trạm, bọn bộ đội hiên ngang không vào lối kiểm soát, mà lại dòm mấy tên Công An cười, cười như thách thức bọn tao đi chơi làm gì nhau. Tôi cũng làm y chang như đám bộ đội không trình giấy tờ, cũng cười mà đi. Qua xong trạm này, thật hú hồn như có ơn phước, nhờ gặp phải đám bộ đội nghĩa vụ trẻ này. Về tới Binh Long độ 3 giờ chiều. Tôi xuống xe, ghé vào xe nước mía bên lề. Thấy ly nước mía lạnh, vì quá khát nước tôi nốc vào quá nhanh, toàn thân xây xẩm, mắt tối đen không đứng vững, tôi té quỵ trên đường. Người bán nước chạy ra đỡ tôi đứng dậy và hỏi “Cậu có sao không?có sao không? Tôi trả lời: “ Dạ cháu không sao, chỉ chóng mặt chút thôi, bác à cháu muốn về Binh Dương, giờ này có xe nào chạy không bác?” Bà dòn dã trả lời:
_ “Quá 3 giờ thì làm gì có xe về Bình Dương, may ra cậu ra ngã ba Bình Long đón xe chở hàng”.
Bằng mọi giá phải rời khỏi khu vực này ngay, vì hơn 4 năm cách ly thế giới bên ngoài thấy gì cũng hoài nghi và lo sợ.Tiếp tục cuốc bộ ra ngã ba Bình Long. Đón xe hàng với nổi buồn tuyệt vọng, tôi nghĩ hôm nay nếu không đón được xe về Bình Dương chắc là phải ngủ lại ngoài rừng. Trong túi còn 30 đồng, may ra đủ để trang trải tiền xe tới Saigon. Đang lang thang trong nỗi phập phòng lo sợ, thấy chiếc xe hàng lù lù từ phía xa, tôi vội vàng đưa tay ra đón, xe từ từ ngừng lại, tôi vội vàng ngỏ lời xin trả tiền quá giang. Thấy trên cabin chỉ có 2 người, cha làm tài xế, thằng con độ khoảng 13 theo phụ. Thằng con hỏi tôi, anh đi đâu? Tôi đáp TP HCM.Thằng nhỏ nói “không được, tôi chở anh tới Binh Dương thôi, 15 đồng “.Tôi cũng đồng ý, khi tới Binh Dương rồi tính tiếp.
Trả tiền xong, nhảy lên phía sau thùng xe, thấy một người đã ngồi trên đó, tuổi chạc ngang tôi, gật đầu chào rồi nhìn nhau yên lặng. Thấy một đống củi khô nằm chồng lên những bành cao su thật lớn.Xe chạy được một đoan khá dài. Thấy thằng con từ cabin chui vào trong thùng xe phía sau. Rồi ì ạch kéo những bành cao su, thấy em nhỏ làm, tôi hiểu ý, kéo phụ những bành cao su lớn, sắp xếp củi lại bỏ dưới đáy, xong phủ lại lớp cao su. Xong em rồi em mở lời:
_“Xe này là xe hàng quốc doanh cao su không được chở bất cứ gì khác.Ba em lén mua một số củi lậu về bán kiếm thêm. Dưới Bến Cát có tram kiểm soát lớn phải tim cách dấu đi. Em sẽ nói ba em chở anh về thành phố mà không lấy tiên thêm” .
Nói xong, thằng nhỏ leo trở về phía trước, tôi thì mừng rỡ, nhưng khi ghe tới trạm kiểm soát lớn tôi như tái mặt, cũng phải bình tỉnh và phó thác cho định mệnh. Xe chạy thêm hơn nửa giờ, bổng nhiên chậm bớt tốc độ, tôi quay đầu nhìn ra phía trước thấy hơn nửa cây số xe đò, xe hàng, nối đuôi chờ qua tram kiểm soát. Xe chở hàng của tôi đang ngồi, khi chạy tơi chiếc xe cuối cùng đang nối đuôi chờ đợi, lại không ngừng, mà ra giửa lộ chầm chậm chạy thẳng tới trạm kiểm soát rồi dừng lại.
Thằng nhỏ nhanh giò nhảy xuống xe, mời tên công an lên xét. Thì ra đây là xe quốc doanh được quyền ưu tiên không phải chờ đợi như những xe hàng tư nhân. Tên công an trèo lên thùng xe kiểm soát, hắn thấy tôi và người khách lạ trên xe, hắn nhìn thẳng vào tôi, nhưng không hỏi giấy tờ, phản ứng bình tĩnh, tôi mỉm cười lấy lệ. Thấy những bành cao su ngay hàng thẳng lối, không chút khả nghi, hắn bước xuống rồi gọi thằng nhỏ:“Mày chở khách lấy tiền phải không?”
Thằng nhỏ liền miệng:
_ “Không, không, thấy người đi bộ, cho có giang về nhà, chứ tiên bạc gì đâu, không tin chú hỏi đi”
Công An không tin lời thằng nhỏ nói:
_“Tao biết cha con mày chở khách lấy tiền, nhưng tao tha cho lần này đấy nhé, đi đi”
Thằng nhỏ cũng cố cãi lại:
_“Đâu có, đâu có”. Rồi nó phóng thẳng lên cabin ra hiệu cho ba nó giọt lẹ.
Trên xe tôi thở phào nhẹ nhỏm, thế là số tôi quá lớn, 4 lần đều gặp may thoát chết. Tới Binh Dương, người khách kia xuống xe, còn tôi được xe chở thẳng về cầu Bình Triệu. Tới Bình Triệu khoảng độ 7 giờ tối, xe cộ, người đi tấp nập. Như chim được sổ lổng, còn 15 đồng tôi đi bộ tới lui, không dám vào tiệm, sợ không đủ tiền. Thấy gánh cơm bên lề, tôi gọi một dĩa cơm thịt kho, hột vịt thêm vài miếng cải chua, kèm theo ly trà đá.Hơn bốn năm, chưa bao giờ có được bữa ăn ngon như vậy. Ngồi ăn, nhớ tới Niên, không biết bạn mình ra sao?Làm sao qua khỏi những trạm gác lớn này? Chúng tôi mất liên lạc với nhau từ đó..
Ăn xong, rồi đi về đâu? Nhà không dám về, vợ con đã vượt biên tới ÚC .Tôi nghỉ tới bà ngoại bên vợ đang ở cầu Gò Dưa, lội bộ tiếp cầu Gò Dưa đoạn đường này là chuyện nhỏ.Liên lạc lén lút với gia đình tôi kể từ đó. Sống lang thang nhà thân nhân, bạn bè mỗi chỗ một, hai tuần, đi sớm, về trể hàng đêm. Sau vài tháng, quen cách sống bình dân, liên lạc được một số bạn bè cũ, biết được Phan Văn Đuông cũng lỳ đòn, trốn trại tù như tôi nên tìm nhau để dựa lưng vào nhau, có tình đồng đội thì dù tiền tuyến hay hậu phương, dù trong lòng địch thì chúng tôi vẫn thấy an tâm hơn.
Len lỏi sống qua ngày, Phan Văn Đuông thi bơm hộp quẹt ga ở chợ Sai Gòn, tôi vá xe đạp khu Hải Quân Công Xưởng, có lúc giúp em của Đuông ở quán bia hơi, khi bán ế, thì è nhau 3 thằng cụng ly say, xỉn, rồi mỗi người lại tìm đường sống trong cái chết, Đuông vươt biên thì tôi vượt biển, sau 3 lần mới thoát vào cuối tháng 10 năm 1980. Niên và tôi, hai thằng đều may mắn đến được bến bờ Tự Do vào thập niên 80. Sau này khi gặp lại nhau bên Mỹ, tôi hỏi Niên về việc đi qua 2 trạm gác thì mới biết Niên phải xuống xe, đi vòng qua trạm gác, thuê xe đạp xe ôm nên Niên về tới Saigon sau tôi một ngày. Ôi thôi cực khổ gian nguy, sau bao lần thoát chết trong chiến trường lại phải vào tù, từ trong tù tìm cái sống trong cái chết lúc vượt ngục, thoát ngục nhỏ thì tới nhà tù lớn nên lại phải tìm cái sống trong cái chết lúc vượt biên, nhưng nhờ ơn trên thương những thằng lính chiến trẻ người nhưng không non dạ nên chúng tôi được bình an, hít thở không khí tự do. Tuy vật lộn với cuộc sống, nhưng chúng tôi vẫn còn bên nhau để ôn kỳ niệm “đồng đội cũ, chiến trường xưa” và nhắc lại chuyện vượt ngục như một lời chào và hỏi thăm đến các Mũ Xanh, nhất là các anh 4/71+5/71, cho dù các anh ở bất cứ nơi đâu “Thiên Đàng, Niết Bàn hay địa ngục, kể cả địa ngục trần gian XHCN.
MX Trần Văn Khỏe
Th/úy Phạm Bá Niên hiện sống tại Quebec, Canada
Th/úy Trần Văn Khỏe, căn cứ “Evergreen” thung lũng hoa vàng San Jose, California. 
https://www.facebook.com/groups/747598136286233/?multi_permalinks=925944598451585&ref=share